Ngày xửa ngày xưa…

ngày 7.09.11


Ngày xửa ngày xưa…
Không có ai bán dưa
nhưng có người bán lúa giống…

Thuở không có quân nên thường ngày đầu đội trời chân vẫn đạp mây bay, sớm đi mưa chiều về gió.
Ở ngày xa xưa đó, rất khó để nhớ thuở nào; hắn theo anh Châu về nhà chơi một buổi . Ý trời dung rủi, gặp cô bé gọi “chú ơi chú” ngon ơ!
Thấy cô bé có cái mặt ngây thơ với đôi mắt to tròn đen lay láy; phía trước trán có một cái xoáy nên tính tình nghịch ngợm khỏi chê.
Vậy mà hắn mê nên ngày một ngày hai lại tới! Nghịch vẫn nghịch nhưng hay hờn hay dỗi; lần nào không có quà là ngồi khóc tỉnh bơ!
Đôi khi hắn giả bộ làm ngơ, cô bé lại dậm chân thình thịch. Dậm một lúc không thấy ai nói năng chi lại chạy đi đùa nghịch; đúng là một “tom boy” hắn chỉ biết cười trừ.
Có một lần chú dẫn ra phố chơi, đi mỏi cẳng lại mè nheo đòi ẵm. Chú nói bé đã lớn rồi, nặng lắm; phụng phịu hờn đứng một chỗ không chịu đi. Đâu có mưa mà có nước đọng hoen mi, chú luống cuống dỗ dành cả buổi.

Lại có một lần chiều tối, cùng đi với ông anh ăn sò ở Nguyễn Tri Phương. Thấy cô nhỏ ăn sì sụp dễ thương, chú ngồi ngó với nụ cười thích thú. Cô bé liệng vỏ sò vào chân chú, nói cho chừa cái tật chọc quê. Bị ông anh rầy lại nhõng nhẽo đòi về khiến cho chú theo dỗ dành gần chết. Chú coi vậy mà cái gan nhát hít, bị trẻ em ăn hiếp dài dài…
Thời gian trôi qua ngày lại qua ngày, cô nhỏ càng lúc càng lớn lên trong nuông chìu, thương mến. Vẫn chú cháu mỗi lần hắn đến nhưng đứng xa dần theo khoảng cách thời gian…
Rồi một ngày Xuân sang… vì nhà xa hắn không thể về ăn Tết. Khi trại độc thân bạn bè đi hết, hắn lủi thủi một mình với chiếc Vespa. Hắn buông lỏng tay ga chạy rà rà xuống phố. Khắp nẻo Saigon người đông như họp chợ, rực rỡ bao sắc màu, người người cười nói vui tươi. Lòng hắn chợt bồi hồi nhớ về anh em cha mẹ. Xuân này con không về không biết gia đình có vui vẻ, có để dành tiền lì xì cho thằng lính phương xa.

Hắn vòng xuống chợ hoa, rực rỡ muôn sắc màu, người đông như đi trẫy hội. Và cứ thế, cứ loanh quanh khi trời sắp tối, hắn lại lượn vòng mua quà bánh đến thăm. Ngày đầu năm mà cái mặt cô nhỏ khó đăm đăm như sắp dỗi, sắp hờn ai không biết. Trông cô nhỏ như lớn hẳn lên trong chiếc áo dài màu xanh biên biếc, nói năng nhu mì chứ không nghịch ngợm như thường khi. Chú ngại ngần trao hộp bánh quy cùng chiếc bao lì xì màu pháo đỏ. Cô bé nói dẫu cháu năm nay không còn nhỏ nhưng cũng nhận quà cho chú được vui. Miệng thì nói, tay cầm quà và khuôn mặt rất tươi, xong chạy biến vào trong buồng mất dạng. Chú ngẩn ngơ một lúc nhìn theo bóng dáng, thấy giật mình ngày tháng chóng qua. Sau khi cùng gia đình ăn uống qua loa, chú xin phép cho cô nàng cùng đi bát phố. Cô nhỏ reo vui, môi cười rạng rỡ, thót lên yên sau ngồi tréo cẳng ngon lành. Chú bảo rằng đừng có đành hanh, ôm eo chú kẻo té trầy mình, sứt trán. Cô nhỏ nói cháu đây không ngán, không thèm ôm eo của chú đâu. Xe cộ Saigon đông nghẹt, lúc chậm lúc mau, đã mấy lần phải nhanh chân thắng gấp. Cô nhỏ gồng mình va vào lưng mấy chặp nhưng nhất định không ôm, ngồi dán cứng phía sau. Có một lần va mạnh chắc đau nên lên tiếng lầu bầu nhăn nhó. Chú bật cười trêu chọc cô nhỏ thế là hờn luôn không nói không rằng. Đợi đến khi vào quán Bạch Đằng đền một ly kem dừa mới cười toe như cũ. Cô nhỏ nói rằng cô bắt đầu ghét chú, chú chọc ghẹo hoài sẽ nghỉ chơi luôn. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh rất dễ thương, chú tuyên hứa là từ nay sẽ không chọc nữa…

Đất nước quê hương càng ngày càng ngập tràn binh lửa. Chú phải hành quân liên miên nên ít dịp ghé thăm. Thế rồi ngày một chín bảy lăm, khi cuộc chiến kết thúc trong bi thương, phẫn uất. Chú quyết không để sa vào tay giặc nên dù đớn đau cũng phải ra đi. Đau dớn nào bằng tử biệt sinh ly! Thân dũng lược cũng tuôn rơi dòng lệ. Rồi năm tháng trôi qua lặng lẽ, trong bao thăng trầm cũng nhớ cô bé năm xưa. Sau cuộc đổi đời, sau bao tháng nắng ngày mưa, biết cô nhỏ sống ra sao và trôi dạt về đâu, hay cũng đang trên vòm trời viễn xứ?

04.2011


« TRANG NHÀ »