Ngàn Năm Mây Vẫn Bay

ngày 8.06.25


Tự bạch:

Tựa đề này… “Ngàn Năm Mây Vẫn Bay” dường như tôi đã đọc thấy đâu đó, mà chẳng nhớ rõ ở đâu. Thỉnh thoảng, nó trở lại trong trí óc tôi như một vệt mây xưa cũ, và mỗi lần như thế, tim tôi lại khẽ rung lên – một cảm giác mơ hồ nhưng rất thật. Lần này, tôi nhất định phải viết điều gì đó để vuốt ve cảm xúc dịu dàng ấy, cảm xúc của một người sống xa quê đã quá nửa đời người.

Chúng tôi quen nhau qua một bài thơ.

Một bài thơ buồn, viết về tháng Tư, về hoa xoan rụng trắng bên dòng Trà Khúc, nơi chôn nhau cắt rốn mà tôi đã rời xa từ thuở ấu thơ. Từ khi ra đi đến nay, đã mấy mươi năm trời, tôi vẫn chưa một lần về lại bến Tam Thương. Quê hương trong tôi là mùi đất ẩm sau cơn mưa, là tiếng gà trưa vọng từ những con ngõ vắng, là bóng dáng mẹ hiền với nụ cười và ánh mắt dịu dàng ở mỗi sáng tinh sương tiễn tôi tới trường nơi đầu ngõ có hàng dâm bụt nở hoa.

Và nàng – cũng là người Quảng Ngãi – đã tìm thấy tôi qua những câu thơ ấy. Nàng bảo, đọc tôi, nàng thấy lại tuổi trẻ của chính mình. Nàng cũng yêu hoa xoan, cũng từng đứng bên bờ Trà Khúc nghe tiếng nước chảy qua cầu mà tưởng chừng như nghe một khúc hát dân ca. Nàng thích nhạc Ngô Thuỵ Miên, thơ Vũ Hoàng Chương, và mê cả cái cách tôi gọi mây là “bóng của linh hồn lang thang”.

Từ ấy, chúng tôi viết qua lại cho nhau. Không nhiều, nhưng đủ để tôi cảm thấy ấm áp trong những đêm dài nơi đất khách, hoặc ru hồn tôi những khi chạnh lòng nhìn lá thu bay. Nàng thông minh, đằm thắm, sống một mình ở tuổi năm mươi, chưa từng lập gia đình. Có lần tôi đánh bạo hỏi, “Sao em không chịu lấy chồng,” nàng chỉ cười, bảo:
“Có lẽ Em chỉ yêu được những người không thể chạm tới.”

Nàng thường ra vô giữa Sài Gòn và Quảng Ngãi để chăm sóc người thân, chưa bao giờ rời bỏ mảnh đất ấy. Còn tôi, một gã tha hương và không thể quay về, vì một lời thề. Tôi đã nói với nàng:

“Anh sẽ chỉ trở lại khi quê hương mình không còn bóng dáng cộng sản.”

Nàng không phản đối, cũng chẳng khuyên ngăn. Chỉ bảo:

“Nếu còn có ngày đó, em nhất định sẽ ra ga đón anh. Còn nếu em không còn, thì những áng mây trắng bềnh bồng trên bến Tam Thương sẽ đón thay em.”

Có một lần nàng dự định Mỹ du nhưng rốt cuộc cũng chỉ là lời hẹn. Ôi vạn dặm trùng dương không dễ bước qua, chưa nói đến những thử thách vô tình. Tôi chỉ có thể gửi cho nàng những bài thơ vượt Thái Bình Dương, những bản nhạc tôi phổ từ thơ của nàng, của tôi, mong nàng nghe thấy tôi giữa tiếng mưa rơi bên mái tôn xứ Quảng, hay những chiều Saigon lộng gió.

Lâu lâu nàng lại viết:

“Mây trên Thiên Ấn vẫn bay. Khói sóng Bến Tam Thương vẫn mịt mờ. Cường quyền vẫn còn đó và Em cũng vẫn còn đây, vẫn đợi vẫn chờ như chờ đợi một giấc mơ hoa không bao giờ đến…”

Thời gian cứ thế trôi đi. Tôi già đi, nàng cũng vậy. Nhưng trong tôi, ân tình ấy dù chưa một lần nắm tay nhau nhưng vẫn luôn thấy dịu dàng như cơn gió đầu thu vừa qua mùa hạ cháy bỏng. Một tình cảm không cần xác lập bằng ngày tháng, không đòi hỏi hiện diện bằng hình hài. Chỉ cần mỗi khi nhìn thấy mây bay thì lòng tôi nhẹ tênh cùng cảm xúc vì biết có người vẫn nhớ nghĩ đến tôi, như tôi chưa từng quên người ấy.

Nếu một ngày nào đó tôi được trở về, tôi sẽ đến bến Tam Thương. Sẽ đứng thật lâu dưới chân Thiên Ấn nhìn bóng chiều lặng lẽ rơi trên dòng Trà giang. Và nếu không thấy nàng đâu, tôi sẽ ngẩng nhìn trời, mong thấy một vầng mây trắng đang lặng lẽ trôi qua, một bóng nhạn in trên mặt nước lặng lờ…

“Nếu một mai anh về / Mà không còn ai đứng đợi/ Thì gió ơi hãy ngừng thổi/ để những vầng mây trắng kia/tự tại lặng lờ… Anh sẽ đứng trên bờ sông Trà / Anh sẽ về Bến Tam Thương/ Nơi có một người con gái/ chưa từng khóc vì ai / Nhưng đã lặng lẽ chờ suốt một đời/ dù lời hứa chỉ là những áng mây / trôi đi trôi đi…”

Và mây vẫn bay… như một lời yêu không bao giờ cập bến.


Self-Reflection (Tự Bạch)

The title… “A Thousand Years and the Clouds Still Drift” — I feel like I’ve read it somewhere before, though I can’t quite recall where. Occasionally, it resurfaces in my mind like an old wisp of cloud, and each time, my heart stirs — a vague but deeply real feeling. This time, I had to write something to soothe that gentle emotion, the feeling of someone who has lived far from their homeland for more than half a lifetime.

We met through a poem.

A melancholic poem, written about April, about the lilac blossoms falling like snow beside the Trà Khúc River — the place where I was born but left behind in childhood. Since I departed, it’s been decades, and I have yet to return to the Tam Thương wharf. My memory of home is the scent of damp earth after a rain, the noonday crow of a rooster echoing from quiet alleyways, and the image of my gentle mother with her smile and tender gaze each morning as she saw me off to school under the flowering hibiscus hedge.

And she — also from Quảng Ngãi — found me through those lines of poetry. She said that reading me was like reliving her own youth. She too loved lilac blossoms, had also stood by the Trà Khúc River listening to its flow beneath the bridge, feeling as if she were hearing a folk song. She loved the music of Ngô Thụy Miên, the poetry of Vũ Hoàng Chương, and adored the way I once called clouds “the shadows of wandering souls.”

From then on, we began writing to each other. Not often, but enough to warm my heart during long nights in a foreign land, or to lull my spirit when autumn leaves stirred feelings of homesickness. She was intelligent, gracious, living alone at fifty, never married. Once I dared to ask her, “Why haven’t you ever married?” She only smiled and said:

“Maybe I only fall in love with those I cannot reach.”

She often traveled between Saigon and Quảng Ngãi to care for family, never once leaving that patch of land behind. I, on the other hand, was an exile, unable to return — bound by a vow. I told her:

“I will only come back when our homeland is free of communism.”

She neither objected nor tried to persuade me otherwise. She simply said:

“If that day ever comes, I’ll be at the station waiting for you. And if I am no longer here, then the white clouds drifting over Tam Thương will greet you in my stead.”

Once, she considered a trip to the U.S., but in the end, it remained just a promise. Oh, how hard it is to cross ten thousand miles of ocean, not to mention the unforeseen trials. All I could send her were poems that crossed the Pacific, songs I composed from her verses and mine, hoping she would hear me through the sound of rain falling on corrugated rooftops in Quảng, or in the windy Saigon afternoons.

Now and then, she would write:

“The clouds still drift over Thiên Ấn. The mists still blur Tam Thương’s waters. The regime remains, and I am still here — still waiting, still dreaming of a bloom that will never come…”

Time continued on. I grew older. So did she. But in my heart, that affection — even though we never once held hands — always felt tender, like the breeze of early autumn after a searing summer. A love that needed no dates to be validated, no physical form to be present. Just knowing that whenever I saw clouds drifting, my heart would feel lighter with the knowledge that someone out there still thought of me, as I had never stopped thinking of her.

If one day I ever return, I will go to Tam Thương Wharf. I will stand for a long time at the foot of Thiên Ấn Mountain, watching the dusk fall quietly over the Trà River. And if I don’t see her anywhere, I will lift my eyes to the sky, hoping to see a white cloud floating by, a swallow’s shadow reflecting on the still water…

“If one day I come back / and no one waits at the station / Then wind, please still your breath / and let the white clouds drift freely… / I will stand by the Trà River / I will return to Tam Thương Wharf / where once there lived a woman / who never wept for anyone / but waited quietly her whole life / for a promise that was nothing more / than a drifting cloud… drifting away…”

And the clouds still drift… like a love that never found its harbor.


« TRANG NHÀ »