Tạp ghi

ngày 10.12.12

SINH HOẠT BUỔI SÁNG

Chuông đồng hồ đỗ 8g sáng làm tôi bật ngồi dậy như cái lò xo. Một ngày mới đã khởi đầu trong khi tôi còn mơ màng trên chín tầng mây! Ngồi bật dậy từ giấc ngủ muộn cũng là một thói quen từ những năm tháng làm việc cật lực ở hãng! Bây giờ đã không còn phải bon chen như xưa, không sợ trễ giờ, không sợ kẹt xe, không cần suy nghĩ lôi thôi về chương trình làm việc trong ngày… Thế nên, ngày tiếp nối ngày nhanh hơn sự mong đợi của tôi. Nội việc làm vệ sinh cá nhân buổi sáng cũng cho tôi cảm tưởng liên tục, nhàm tay!

Tôi ngồi chần chừ trên giường; cái thân muốn nằm xuống tiếp, cái đầu bảo đứng lên. Cuộc nội chiến ngắn gọn trong tâm mau tàn vì… quả thật bên ngoài nắng đã lên cao! Tôi vọt xuống giường nhanh nhẹn như con sóc để dứt khoát chiến thắng cái thân lười biếng! Tiếng chim ríu rít trên cành lá bên hông phòng ngủ nghe vui nhộn. nhắc tôi nhớ lời vợ dặn đêm qua, sáng nay bỏ thêm đồ ăn cho chim tại các chỗ đựng. Tôi kéo màn cửa cho nắng tràn vào phòng làm lũ chim giật mình bay tán loạn. Ánh nắng rực rỡ cuối hạ trải vàng trên hoa cỏ vườn sau, tầng mây cao vút, không gian tĩnh mịch.

Làm công tác vệ sinh xong tôi lại nhớ hôm nay ngày lấy rác. Dự định gom rác khắp các phòng đem ra ngoài. Đặt các bọc rác dưới lầu ở chân cầu thang, tôi leo lên lầu! Trên lầu là giang sơn riêng của 3 đứa con, phần không thích leo cầu thang, phần vì không có việc gì phải lên trên đó trừ khi nào giúp các con lấy rác nếu lâu không thấy chúng nó mang rác xuống. Trừ phòng cô con gái là còn tươm tất, hai phòng của hai cậu con trai… ô là là! Quần áo, sách vở, CDs bừa bãi khắp nơi như thường lệ…

Nhớ lần trước tôi và bà quận đã vất vả cả buổi để dọn lại cho ngăn nắp, thẳng thớm đã bị chúng nó phàn nàn là không tìm ra đồ đạc của chúng. Với kinh nghiệm bực mình đó, tôi cố ý làm ngơ dù trong lòng rất khó chịu. Tôi chỉ gom các quần áo mặc rồi, chúng vất lung tung đem xuống máy giặt. Thuốc giặt lại hết, tôi đánh xe ra chợ gần nhà để mua. Sẵn dịp ra chợ, tôi gọi điện thoại cho nhà tôi có cần gì không. Nhà tôi nhờ mua cho nàng ít rau quả, sửa, trứng, đường… Đang tìm mua những thứ nàng cần thì điện thoại reng, “Anh nhớ sẵn tiện mua luôn cà phê vì nhà đã hết rồi.” Ở chợ về cho xe vào nhà xe mới nhớ là chưa bỏ đồ ăn cho chim, sợ quên nên làm ngay. Bỏ chưa xong đồ ăn tại nhiều chỗ thì đã nghe tiếng xe rác sắp đến, tôi chạy vội vào nhà, lên phòng các con gom nhanh, lượm mấy bọc rác ở chân cầu thang đem ra…. Xe đã tới nhà, chưa kịp lấy rác ở nhà bếp nữa!

Tôi tính ngồi xuống ghế xích đu để thưởng thức không khí man mát của những ngày cuối hạ, trực nhớ đồ mua trong xe chưa đem vào nhà; nhưng sẵn tiện làm cho xong việc bỏ đồ ăn cho chim. Đến chỗ cuối cùng mới thấy cái hộp đựng đồ ăn cho chim đã bị nước vào dính cứng! Tôi phải mang nó xuống, bỏ hết đồ ăn cũ, sửa lại mái che xong cho thức ăn mới vào. Xong đem cất phần thừa lại vào nhà xe, mang đồ đi chợ để vào tủ lạnh. Vừa mở cửa tủ lạnh, chai salad dressing bên hông rơi xuống vỡ tan tành! Tôi lại lọ mọ quét dọn xong đâu đó, quay lại máy giặt để giặt mớ quần áo ngổn ngang nằm dưới đất.
Trong khi chờ đợi, tôi thay các bao đựng rác trong các phòng. Vào phòng mới nhớ là chưa trải giường! Khi ra tới bếp ngồi xuống mở laptop mới biết đã hơn 12g trưa! Tôi giật mình, từ sáng đến giờ chưa ăn uống gì cả, cơn khát nước ào ạt đến cùng lúc với tiếng cảnh báo của chiếc máy giặt đã xong! Bỏ đồ đạc vào máy sấy, uống nước, ngồi vào máy. Lòng dặn lòng là chỉ lướt qua hai địa chỉ email, một bên Yahoo và một bên Gmail mà thôi, chỉ xem những thư từ, tin tức quan trọng…

Gmail tràn ngập những điều không thể bỏ qua. Có mấy trăm tiêu đề từ các Diễn Đàn Việt ngữ tự động gửi tới. Sau khi chọn lựa bỏ thùng rác hàng trăm thứ, số còn lại vẫn còn lai láng tính cũng hơn con số năm mươi! Nào là “Biển Đông Dậy Sóng”, “Phân tích về cuộc chiến sắp tới”, “Liệu Mỹ sẽ làm gì một khi Trung cộng ra mặt xâm chiếm Biển Đông”, “Phỏng vấn ông bố của lực sĩ Olympic Marcel Nguyễn bên Đức”, “Thư Văn Quang gửi từ Saigon”, “Cộng đồng người Việt San Jose đón Lý Tống ra tù”, “Mỹ thộp cổ hàng chệt gian dối”, “Bốn không ở Singapore”, “Bài thuốc quý trị Prostate”, “Thư người bạn nhờ chỉ cách tải phần tiếng Việt và cách sử dụng”, “Hình ảnh Bắc Việt từ 1915”, “Hiện tình Việt Nam”, “Khả năng quân sự của Việt Nam”, “Lá thư của đứa cháu con anh lớn bên Việt Nam lâu chưa liên lạc”… Ôi! Cứ thế mà không rời được cái máy!

Loanh quanh đã thấy 2g chiều! Thời gian trôi nhanh kinh khiếp quá! Dẫu không đọc hết email nhưng tôi cũng phải tắt máy đi ra trường. Trên đường đi lại tiếp tục cơm hàng cháo chợ. Chiều này thế nào cũng nghe my house than phiền, “Đồ dăn đã nấu sẵn không ăn, cứ ngốn ba cái fastfood không mấy chốc sẽ mập phì như ông Mễ già”…


THAM DỰ RA MẮT SÁCH

Cuối tuần vừa qua tôi đi tham dự buổi giới thiệu tác phẩm thứ 17 “Đường Vào Văn Chương” của nhà văn Đặng Phùng Quân, cựu Giáo Sư Đại Học Văn Khoa Saigon, ở địa điểm đài truyền hình VAN’s TV 57.3 ở khu Bellaire, Houston, Texas.

Trước đó một tuần lễ, trong dịp gặp gỡ trong Đêm Thơ Nhạc Lan Cao, Thầy bảo tôi, “Tuần tới trong dịp ra mắt sách, tôi nhờ anh và một số văn thi hữu lên mỗi người chọn đọc một bài thơ, bất cứ thơ ai viết cũng được, thơ của mình càng tốt, để làm giàu buổi sinh hoạt ra mắt sách”. Ngoài sự quý mến Thầy, tôi còn là một học trò cũ của thầy giữa thập niên 1960’s, dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời. Xui là tới ngày ra mắt sách tôi lại bị bệnh cảm mạo, bị ho nhiều nên khàn tiếng.

Hội trường VAN’s TV đông nghẹt bạn bè và thân hữu của Thầy trong đó có tôi. Chương trình sinh hoạt rất sôi nổi với những thơ nhạc và các bài nói chuyện rất sâu sắc, súc tích giới thiệu về Thầy và nội dung tác phẩm. Tôi đã nghĩ, “Thôi không lên nữa;” nhưng nghĩ tới nghĩ lui, “Mình là học trò cũ của Thầy,” nên cũng muốn lên chúc mừng Thầy mấy câu và chào đón sản phẩm tâm huyết của Thầy. Tôi được cô Hồng Hạnh, xướng ngôn viên của VAN’s TV mời lên sân khấu. Mặc dù việc đứng trên sân khấu không xa lạ gì với tôi nhưng đứng trước một cử tọa rất chọn lọc cũng hơi khớp.

Sau phần chúc mừng Thầy, tôi nói, “Dạ thưa thầy, ngày xưa thầy nói em là học trò tâm đắc của thầy vì khi thầy hỏi cảm nghĩ của em sau khi đọc bài viết của thầy, em đã trả lời em chỉ thấy lơ tơ mơ và không chắc mình hiểu tới đâu, thầy đã gật gù khen ngợi ‘triết lý là như vậy, là vô biên cương, nó lãng đãng, bàng bạc trong ta; nó có thể mông mênh mà cũng có thể rất đơn giản, vì nếu dễ hiểu thì không còn là triết lý’; vì thế nên em không thuộc bài nào của Thầy mà chỉ thuộc bài của em. Theo ý thầy, em xin diễn ngâm bài thơ “Như Sóng Vỗ Bờ” em đã viết từ năm 2000 như một đóng góp văn nghệ trong ngày vui chào đón tác phẩm mới của thầy.” Tôi xin lỗi khán giả và quan khách trước, “Vì không được khỏe mấy hôm nay nên nếu không diễn ngâm trọn bài cũng xin được thông cảm.”

Mới vô câu đầu đã thấy giọng mình có đến 2, 3 tông, nhưng tôi cố gắng lựa lọc để không bị bể:

Hoàng hôn bóng ngã thiên đường khép
Ngửa mặt nhân gian ngất ngưởng cười
Chén rượu cay nồng ngày sắp tắt
Trên cành trơ trụi lá vàng… rơi

Thôi nửa đời ta, nửa đời em
Góp lại hư vô với bóng đêm
Một khung trời nhỏ vầng trăng khuyết
Nửa cuộc tỉnh say, ngủ trước thềm

Ta bán cuộc đời ta vay mượn
Đổi dăm bầu rượu, nửa hồ thơ
Một mai ở cuối trời quên lãng
Rảnh nợ tung hê … sóng vỗ bờ

Kìa em nhắp chén kẻo tàn canh
Thương tiếc làm chi chuyện chúng mình
Nửa cuộc phong ba cười gắng gượng
Một đời dâu bể cũng mong manh

Ngâm tới đây bỗng dưng quên mất đoạn cuối… tôi sượng câm, cố nhớ nhưng đầu óc trống lổng, chữ nghĩa theo mây bay. Tôi tính nói một lời gì đó để chữa thẹn nhưng bối rối quá nên xin lỗi đi xuống. Về chỗ ngồi. “My house” nhìn tôi với ánh mắt như thầm bảo, “Không thuộc bài của thầy còn có thể châm chước được, nhưng bài của em mà em cũng không thuộc thì quả là… bó tay chấm cơm!”

Tôi ngồi suy nghĩ, đáng lẽ tôi nên dừng lại và nói thế này, “Thưa Thầy, ai cũng biết cầm bút là một cái nghiệp, như con tằm thì phải nhả tơ… Thầy đã cho ra đời 17 đứa con tinh thần rồi, cầu mong Thầy khỏe mạnh để tiếp tục đi cho trọn kiếp tằm tơ. Nhưng thời gian có chờ đợi ai đâu, mới ngày nào thầy thầy trò trò, tung tăng như bầy chim dưới mái học đường mà nay tóc Thầy đã bạc trắng, em thương Thầy và cũng thương cho em. Rồi cũng đến một lúc nào đó đời người rồi cũng khô cạn, luân hồi vẫn vòng xoay và thế gian chắc không ai thảng thốt… Xong tiếp tục ngâm câu cuối cùng thì hay biết mấy phải không Thầy:

Rồi mốt rồi mai đời khô cạn
Phó mặc trần ai thảng thốt cười
Em ở cuối trời mây lãng đãng
Ta chuyển luân hồi cũng thế thôi


THÁNG TÁM THEO EM TRỞ LẠI TRƯỜNG

Chiều hôm qua trong lớp tập, nghe cha mẹ học trò xôn xao với đề tài mua sắm miễn thuế vào dịp cuối tuần – Ở Houston, theo thông lệ hàng năm, cuối tuần lễ trước tuần lễ tựu trường, tất cả hàng quán bán dụng cụ, đồ đạc cho học sinh, sinh viên đều được bán miễn thuế – Không khí trở lại trường làm lòng tôi cũng phấn chấn dù đã hết cái thời “bụi phấn bảng đen” của những năm về trước. Dù chỉ dạy có bốn năm ngắn ngủi, dù tự quyết định chấm dứt nghề hít bụi phấn nhưng cũng thấy bâng khuâng mỗi mùa tựu trường. Rất có thể dư âm thời học trò còn tiềm ẩn trong tôi cộng thêm những vui buồn của bốn năm bụi phấn.

Tôi chợt nhớ mấy câu thơ cũ làm duyên cho những ngày tháng ở sân trường:

Tháng tám em tôi trở lại trường
Bên ngoài nắng hạ vẫn còn vương
Tóc em lộng gió, hương thoang thoảng
Guốc gỗ reo vui gõ mặt đường

Áo tím em bay trong nắng mai
Đùa con bướm liệng, dáng trang đài
Bước chân nhí nhảnh, môi tươi thắm
Khúc khích tiếng cười, má đỏ hây

Em vô tư quá, ngây thơ quá
Mặc bóng thời gian thảng thốt đi
Với em đau khổ tuồng xa lạ
Ngày tháng hư hao chẳng quản gì
…………..
Tháng tám theo em trở lại trường
Thu về len lén đẫm hơi sương
Trời cao, gió nhẹ, mây lơ đãng
Vạt nắng vàng hanh trải mặt đường
…………

(Trích “Tháng Tám Theo Em Trường Trở Lại”)

Vâng, sáng nay cuối tháng tám đẫm hơi sương, cũng trời cao gió nhẹ, cũng nắng vàng hanh nhưng hâm hấp nóng và tiếng ve vẫn vang vọng khắp nơi trong khu rừng thông. Tôi tản bộ chậm chạp trên lối nhỏ giữa khu rừng hẹp nằm giữa các dãy nhà trong xóm như thường lệ cuối tuần. Chân tôi bước đến đâu tiếng ve im bặt đến đó làm tôi nhớ đến câu thơ dí dỏm của nhà thơ Trần Dạ Từ:

Lần đầu anh ghé môi hôn
Lũ ve đang hát mất hồn im re

Chỉ hai câu thơ thôi thi sĩ đã vẽ được một bức tranh rất sống động, tài tình. Tôi chạnh nhớ đến một kỷ niệm ngọt ngào “Lần đầu anh ghé môi hôn” trong một con hẻm tối trước khi chia tay với nàng sau một lần lén hò hẹn. Nụ hôn đó đã làm nàng ngả khuỵu trong vòng tay tôi với tiếng “anh…” thảng thốt nhẹ như hơi thở qua làn môi son hồng cũng đã làm tôi tê điếng.

Chữ “lén hò hẹn” cũng nhắc tôi nhớ đến lần bị Mẹ nàng bắt gặp tôi ngồi tréo chân trên yên xe Vespa dựng trước đầu hẻm chờ nàng “như thường lệ” sau khi đã từ giã gia đình nàng ra về. Chỉ nhớ lại thôi mà cũng còn thấy ngượng ngùng.

Mẹ của nàng vừa khó tính vừa cắc cớ trong khi chúng tôi như đôi nai tơ; vì thế, những thầm lén, toan tính của chúng tôi đều không qua được đôi mắt soi rọi của bà. Ngoài việc bà kiêng kỵ “dân Không Quân” ra, tôi còn thêm cái tội ngoại đạo nặng nề. Việc xin phép bà để được hẹn hò cùng nàng là bất khả. Mãi đến sau khi tôi cố tình canh thức trọn đêm lúc bà nằm bệnh viện thì tình thế có vẻ khả quan hơn nhiều!

Đã hơn 40 năm qua, người tình giờ cũng xa biệt mù trong dĩ vãng sao kỷ niệm cứ len lén trở về làm tâm tư bâng khuâng, lòng những bồi hồi, con tim xao xuyến…


THĂM HỒ MUỐI BẤT NGỜ

Một cuối tuần tôi bay về Oakland, California dự đám cưới đứa con cuối cùng của một người bạn một thời sinh tử. Cả hai chặng đường đi về đều ngừng đổi máy bay ở Salt Lake City (Hồ Muối). Trong phi trình chỉ thấy đổi máy bay nửa tiếng mỗi lần nên dù có muốn thăm đôi uyên ương, vốn là cựu Bác sĩ Nhảy dù Mạnh và người đẹp đa sĩ (Họa, Ca, Thi, Văn, chủ báo) Mai Phương, cũng không cách nào thực hiện được. Tôi với ông nhảy dù cứ hẹn với hò mãi mà vẫn chưa có duyên gặp gỡ…

Thế nhưng, vì trục trặc kỹ thuật nên chuyến bay về Houston đã bị dời lại gần 4 tiếng đồng hồ sau. Đây là một dịp may hiếm có, tôi liền gọi điện thoại cho cặp uyên ương ngỏ ý muốn gặp nhau… nhưng rất tiếc ông nhảy dù đang chuẩn bị đi dạy Việt Ngữ! Đang không biết làm gì với thời gian chờ đợi thì Mai Phương gọi điện thoại trở lại cho biết, “Ông thầy quyết định mất dạy hôm nay!” “Nhảy dù ơi, ông làm tôi ái ngại quá!”, “Không sao đâu, có mấy đệ tử gánh vác rồi.”

Hai mươi phút sau tôi được đón về tổ ấm của hai người! Căn nhà không lớn nhưng thừa tình cảm nồng nàn, nơi đã chứa đựng lũ chim non sống sung túc trong tình thương yêu của ba mẹ chúng, vượt qua mọi thăng trầm cuộc sống. Lũ chim nay đã lớn khôn, đứa nam đứa bắc nhưng hơi hướm vẫn còn tràn ngập căn nhà. Sau khi giới thiệu quán văn nghệ ở một góc vườn đầy nắng, gió mát và tiếng nhạc Trần Thiện Thanh phát ra từ chiếc computer laptop…

Mai Phương tất bật lo nồi cháo lòng đặc biệt, tôi và ông nhảy dù thong dong với cà phê, thuốc lá, nói chuyện không ngừng. Chuyện đời lính, chuyện văn chương, chuyện cộng đồng, chuyện dài Việt Nam, chuyện quá khứ, chuyện tương lai… Chuyện kể nào của ông nhảy dù cũng đầy tính nhân bản, rất chân thật và đầy rẫy tình người… Thấy tôi ho khan, bác sĩ ái ngại, “Đâu có hút thuốc được phải không?” “Hút lai rai thôi mà.” “Hay là làm vài shot có thể bớt ho?” “Làm thì làm.” Ông nhảy dù trang trọng đem chai XO Remy Martin ra cho tôi bẻ cổ chụp hình! “Làm vài shot đi, nếu không bớt tôi sẽ cho ông vài viên thuốc.” “Ông là bác sĩ nói sao tôi nghe vậy.” Hai người cụng ly mừng gặp được nhau, chúc nhau sức khỏe, uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn! Mai Phương nhỏ nhẻ mang nồi cháo ra quán vỉa hè ép tôi ăn kẻo lên máy bay đói bụng. Không biết nồi cháo lòng do MP mua hay tự tay nấu nhưng có đủ tim gan phèo phổi và giò cháo quải nữa, rất ngon, rất đậm đà.

Ừ nhỉ, Quán Vỉa Hè… Nhóm QVH chỉ có hơn 10 mạng nhưng gồm nhiều quốc gia, nhiều tiểu bang khác nhau; có đủ cả Bắc Trung Nam đề huề; có già, có trẻ; có nhảy dù, có không quân, có cả các em gái hậu phương nữa… Tôi đã có cơ hội gặp gỡ hầu hết mọi người trừ “thẩm quyền” nhảy dù (nay đã gặp) và một người tài hoa ở tận trời tây, đó là tiểu thơ 3T’s Trang Thanh Trúc ở kinh đô ánh sáng Paris ngàn năm văn vật.
Tôi về tới Houston, text mấy dòng thư cám ơn cặp uyên ương Hồ Muối:

Mong gặp nhau, cuối cùng mình đã gặp
Gió giao mùa Hồ Muối rất dễ thương
Nhảy dù cùng với Mai Phương
Ra về lòng những vấn vương, bồi hồi

VIỄN TÂY DU KÝ

Năm trước cô em gái kế tôi – Ánh Hồng – từ Việt Nam qua thăm Mẹ tôi nhân dịp thượng thọ 90 của Cụ. Cô là người ở lại để “giữ gìn mồ mả” thay cho các anh em trai – hai người lớn nhất đã nằm xuống cho cuộc chiến tương tàn; bốn người còn lại chạy tóe khói bằng mọi cách sang Mỹ để không bị lên hoặc bị sống trong thiên đường mù cộng sản đàn em của Tàu phù.

Anh em chúng tôi bàn luận với nhau đưa Ánh Hồng đi chơi một vài nơi để biết đời sống dân Mỹ. Mấy gia đình bàn thảo ráo riết những nơi nên đến, chọn lựa ngày giờ thuận tiện cho mọi người… nhưng cuối cùng chỉ có tổng số 6 người đi được gồm Ánh Hồng và hai dâu, ba anh em trai. Chúng tôi bay sang Las Vegas để xem các show ca nhạc nổi tiếng của Mỹ rồi cùng nhau “tìm mua bóng đèn” cho những sòng bài lộng lẫy. Công việc tiến hành không mấy thuận lợi sau vài hôm, chúng tôi đành thuê xe 8 chỗ ngồi, kéo nhau về khảo sát tình hình sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Quận Cam.

Đúng là thủ đô người Việt tỵ nạn! Đi đâu cũng gặp phe mình; đến nỗi gọi lộn số mấy lần cũng đều nghe tiếng nói quen thuộc. Sẵn dịp chúng tôi cũng đi đóng phim một ngày ở kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng (Hollywood). Sau hai hôm tiếp tục hành trình về Bắc Cali.

Đáng lẽ lên đường ngay từ sáng sớm nhưng ai cũng nói, “Đi chơi chứ đâu phải chạy giặc như năm xưa mà phải vội vội vàng vàng;” phần vì giường nệm khách sạn êm ái quá nên ai cũng dật dựa nằm rán thêm chút, và rồi cứ cà kê dê ngỗng tìm chỗ ăn sáng ngoài phố Bolsa mãi đến trưa mới khởi hành được! Vì thế, thay vì đi theo con đường tình xa lộ 101 sát biển để tha hồ ngắm phong cảnh như dự tính, nhưng thấy thời gian còn lại không bao nhiêu nên anh em đồng ý trực chỉ con đường ngập nắng vàng, xa lộ số 5…

Khi xe gần đến đường đèo 152 về xứ tỏi Gilroy, tôi bỗng nhớ đến Tu Viện Kim Sơn, (574 Summit Rd, Watsonville, CA 95076) trên núi Watsonville nên quyết định cho cô em sùng đạo của tôi và mọi người về thăm chùa một chuyến.

Khi đến chân núi thì nắng chiều đã vàng nhạt. Mặc dù tôi đã từng lên núi rất nhiều lần trong thời gian tôi cư ngụ ở Thung Lũng Hoa Vàng những năm về trước, nhưng thấy xứ tỏi phát triển hơn xưa, đường sá trở nên là lạ một chút, tôi quyết định nghe lời em gái tóc vàng trong GPS (máy dẫn đường) chỉ đường cho… chắc ăn. Thấy cô nhỏ chỉ dẫn theo con đường mới, tôi nghi ngại trong lòng tính quay tìm con đường quen thuộc… nhưng chạy lòng vòng vài con đường vẫn chưa thấy đâu là đâu! Tôi như Tư Ếch về thành, trong khi trời đã nhá nhem tối, mọi người đề nghị nên “vâng lời” cô nhỏ một lần! Thế là tiếng “cãi cọ, lải nhải” không còn làm nhức đầu mọi người mà con đường trước mặt càng lên cao càng khúc khuỷu, ngoằn ngoèo.

Con đường rất lạ, đi lên phía sau chân núi so với con đường chính xuyên núi về hướng Watsonville sát bờ Thái Bình Dương, ngay trên chóp núi sẽ là con đường rẽ phải vào Tu Viện mọi lần. Mặc dù con đường được tráng nhựa nhưng rất hẹp, chỉ vừa khít khao cho hai chiếc xe ngược chiều nhau (nếu có bao giờ); một bên là sườn núi thoai thoải cao, một bên là thung lũng mờ mờ sương lam. Mọi người trong xe bỗng dưng im phăng phắc, có lẽ đang hồi hộp. Tôi cố pha trò cho mọi người yên lòng.

Tôi nói, “Đừng có lo, máy bay anh còn lái ngon lành nhằm nhò gì ba cái xe lẻ tẻ.” “Máy bay bay trên trời thênh thang, có ngủ gục một chốc cũng không sao, còn lái xe mà cứ lơ tơ mơ như anh là mất mạng cả lũ!” Biết nói gì hơn, tôi nghêu ngao hát cũng bị bà quận yêu cầu tắt đài để chăm chú vào việc lái xe. Tôi nói rằng con đường thật đẹp, rất nên thơ, rất lãng mạn hay là mình dừng xe một chút để chụp hình?! “Tối rồi anh ơi!”

Xe tiếp tục quanh quẹo lên đồi, tôi khe khẽ ngâm bài thơ “hoàng hôn bóng ngả thiên đường khép, ngửa mặt haha… ngất ngưởng cười!” “Xin ngài chăm chú lái xe đi mà!” Bà quận lại nhắc! Quang cảnh nên thơ lãng mạn thiệt! Nếu có lần nào về lại Tu Viện nữa tôi nhất định chọn con đường này! Trong bức tranh nhạt nhòa sáng tối của con đường xuyên rừng, leo núi rất gợi cảm, hơi lạnh của núi rừng len lén xâm nhập vào lòng xe, tôi thoáng nghe cô em Ánh Hồng và một vài người bắt đầu đọc kinh cầu nguyện làm tôi bật cười!

Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi xe tới cổng Tu Viện Kim Sơn. Nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã 6g30 tối. Cổng Tu Viện đã khóa từ 6g chiều mỗi ngày theo lịch trình sinh hoạt ghi trên tấm bảng treo bên cổng. Tôi nhìn mọi người hóm hỉnh ngâm nga… “Cổng chùa đã khép kín rồi, mình dzìa xây lại cuộc đời dở dang, quên đi nắng xế trăng tàn, cho tui trọn nghĩa cho nàng… đi tu!” Mọi người xuống xe trong lo lắng! Người ta thường nói, “Cổng chùa luôn rộng mở,” mà sao ở đây cửa đóng then cài im lìm! Từ cổng nhìn vào sâu thẳm không thấy bóng dáng một người! Không gian bốn bề tĩnh lặng. Tôi nói quý vị đừng lo, chúng ta sẽ có cách vào trong tu viện. Tôi tới tấm bảng lấy số điện thoại gọi vào…

Điện thoại di động ở đây rất khó sử dụng. 6 người 6 chiếc điện thoại với hai hãng khác nhau nhưng kết quả không khả quan cho lắm. Phải gọi năm lần mười lượt mới có tiếng trả lời của một phụ nữ. Tôi mừng quá bèn ca bài vọng cổ thiệt muồi, “Chúng con ở Texas qua rất muốn thăm viếng Tu Viện nhưng lỡ bước muộn màng; chúng con 6 người hiện đứng trước cổng tu viện và con cũng là chỗ quen biết với ngài Viện chủ từ lâu, xin được vào thăm chùa và xin tá túc qua đêm.” Nghe tiếng người phụ nữ biểu tôi chờ đầu dây để trình lại với vị sư tri khách.

Phải đợi một lúc lâu mới có tiếng trả lời cho biết sẽ có người ra mở cổng cho chúng tôi vào bên trong. Chúng tôi an lòng, thẩn thơ nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Ánh trăng rằm đã nhô lên từ chân núi phía đông mờ xa. Đứng trên đỉnh đồi nhìn trăng lên, phía bên kia là đại dương bao la, có chút sương pha bàng bạc làm lòng bồi bồi hồi xúc động trước cảnh đẹp thiên nhiên, núi non hùng vĩ!

Chúng tôi được đưa tới phòng khánh tiết để gặp Hòa thượng Viện chủ Thích Tịnh Từ.

Tôi đã biết Thầy và đi lễ Chùa Từ Quang ở 243 Duboce Ave., San Francisco, từ khi về sống ở Vùng Đông Vịnh (East Bay Area) năm 1977. Và khi Tu Viện Kim Sơn bắt đầu trên đỉnh núi này tôi cũng thường xuyên lui tới, chứng kiến những thay đổi nhanh chóng của chùa. Tôi rất mê phong cảnh và không gian ở đây. Mỗi chiều tà đi bộ trên đồi, mắt dõi nhìn đại dương bao la, tai nghe chim muông ríu rít để thấy lòng thanh tịnh, lâng lâng thoát tục…

Tôi đã dọn về Texas hơn 20 năm qua và Thầy cũng đã gặp hàng muôn ngàn gương mặt thì làm sao Thầy có thể nhớ ra tôi. Tôi kể qua chuyện xưa Thầy cũng vui vẻ ậm ừ. Thầy nhận lời cho chúng tôi ở lại sinh hoạt với tăng chúng một đêm, nói với sư tri khách hướng dẫn cho chúng tôi nhận phòng trọ, hối nhà bếp cho chúng tôi dùng cơm tối. Sự chu đáo và nhiệt tình của Thầy và tăng chúng trong Tu viện làm chúng tôi cảm động và vô cùng biết ơn, cảm thấy chúng tôi may mắn quá sức.

Hôm nay lại là ngày rằm, trời quang mây tạnh, trăng sáng vằng vặc, trông tận biển xa, không gian u trầm. Sau giờ cơm tối, sư tri khách bảo chúng tôi tự do thưởng ngoạn bên ngoài sau khi cho chúng tôi lịch trình sinh hoạt sáng hôm sau. Anh em chúng tôi đi thưởng ngoạn và chụp hình kỷ niệm chung quanh khuôn viên rộng lớn của Tu viện. Nhìn xung quanh thấy Tu viện đã được chỉnh trang rất nhiều dù chưa hoàn tất. Đại sảnh đường vẫn còn là miếng đất rộng lớn chưa khởi công. Kia hòn non bộ, nọ hồ sen bao la, hàng trăm tượng Phật kích cỡ khác nhau, ngồi đứng khắp nơi; khóm trúc, vườn hoa rải rác đó đây, ẩn ẩn hiện hiện dưới trăng vàng lồng lộng trên cao, mờ mờ ảo ảo, thanh tao tục…

Nhìn xuống những triền núi sâu thăm thẳm tôi không thấy sờn lòng mà còn ao ước có thể leo trèo xuống đó khám phá. Chúng tôi đi theo con đường thiền hành dài lê thê bằng đất nhưng bằng phẳng và sạch sẽ. Ôi một khung cảnh thanh tịnh rất lý tưởng cho việc tu học. Tôi nhớ ngày xưa Tu viện có rất nhiều am nhỏ cho các sư sãi tịnh tu chung quanh các sườn đồi nhưng nay chỉ còn một số rất ít. Có lẽ Tu viện đã xây cất nhiều phòng ốc nên không còn cần thiết nữa.

Loanh quanh mãi vẫn không thấy mệt nhưng đã quá nửa đêm, chúng tôi lưu luyến quay về phòng ngủ. Phòng ngủ vốn là phòng của các tăng sinh. Anh em chúng tôi được cho 2 phòng, một dành cho nam, một cho nữ; mỗi phòng có giường tầng, giường nệm sạch sẽ thơm tho vô cùng thoải mái. Sau khi tắm rửa cho hết bụi trần, tôi nhẹ nhàng phóng lên tầng trên, chưa thưởng thức hết sự êm ấm của giường nệm thì đã miên man hành thiền trong cõi nghìn trùng.

Bốn giờ sáng, một hồi kiểng vang vọng. Đã biết trước nên mọi người vui vẻ trở dậy sửa soạn dự khóa trà thiền. Chúng tôi được hướng dẫn vào thiền phòng. Một bên dành cho các sư cô và phái nữ, một bên cho các sư thầy và phái nam. Tất cả mọi người chìm đắm trong thiền định, tứ bề thanh tịnh, thậm chí nghe được tiếng thở nhẹ của người kế bên. Với sự tĩnh mịch đêm qua không ai có thể tưởng tượng ở tu viện đông ngần ấy người! Cả một thiền phòng rộng lớn đã đông nghẹt tăng chúng… chỉ có 6 anh em chúng tôi là người thế tục.

Đúng 5g, nghe tiếng chân rất nhẹ của ngài Viện chủ đến nơi an tọa! Mọi người, mọi vật chung quanh như trầm lắng hơn. Thêm khoảng 15 phút thiền định nữa, ngài Viện chủ mời trà mọi người và bắt đầu giảng pháp. Trước mặt mỗi 4 người là một kỷ trà. Một vị sư nghiêm trang rót trà vào tách, khi mọi người đã xong, ngài Viện chủ bưng tách trà lên cùng mọi người cầu nguyện trước khi dùng. Giọng nói của ngài Viện chủ rất trầm ấm, thong thả, nhẹ nhàng làm người nghe cũng lắng được tâm hồn. Tôi thưởng thức buổi trà thiền từng giây phút, nghe những lời luận giảng đạo nghĩa rất bổ ích cho đời sống bon chen mỗi ngày… Cho đến 6g thì buổi trà thiền chấm dứt. Mọi người đứng dậy đưa tiễn ngài Viện chủ rồi tuần tự rời phòng.

Chúng tôi được mời ra sân tập thể dục (võ thiền) vào lúc 7g sáng nhưng vì các em ngại nên chỉ đứng trên phòng nhìn xuống sân… cho khỏe. Rất đông tăng chúng với trường côn trên tay tập theo phương pháp hướng dẫn nghiêm túc của một sư thầy. Tôi liên tưởng đến sinh hoạt của tăng chúng Chùa Lâm trên núi Thiếu Thất trong truyện chưởng Kim Dung, mỉm cười thú vị.

Nhìn mãn nhãn, chúng tôi len lén đi ngõ sau ra ngoài núi ngoạn cảnh và tạo dáng chụp hình tiếp tục. Buổi sáng cũng thanh tịnh như đêm qua. Nhìn về hướng biển xa mờ, rừng núi trùng trùng, cỏ cây xanh thắm, hoa cỏ tốt tươi. Anh em lại rủ nhau đi thiền hành. Sau cùng tôi một mình nhàn hạ đi vào những lối mòn xuống sâu dưới chân núi. Lòng thanh thản, nhẹ nhàng không còn cảm nhận được thời gian.

Khi tôi trở lại mặt trời đã lên khá cao, đồng hồ chỉ gần 9g sáng. Mọi người thu xếp vào lễ Phật và cúng dường, tỏ lòng cám ơn tăng chúng, chào Thầy Viện chủ và xin chụp hình lưu niệm. Ngài Viện chủ và tăng chúng rất hoan hỷ tiễn chúng tôi xuống núi với lời mời bất cứ khi nào có dịp cứ trở lại tu học.

Xe dừng lại Thung Lũng Hoa Vàng để dùng cơm trưa trong khu Little Saigon, Grand Century Mall, xong trực chỉ Cựu Kim Sơn, qua cầu Golden Gate, vòng về Bay Bridge, lên phía Walnut Creek thăm viếng mấy bà chị, ngủ lại đêm. Trưa hôm sau tất bật lên đường về lại Orange County lúc 7g tối, mướn khách sạn xong, tiếp tục dạo phố Bolsa và dùng cơm tối.

Sáng hôm sau đến phi trường trả xe và lên máy bay về lại Houston nắng ấm, kết thúc chuyến viễn du tìm vàng 8 ngày trong vui vẻ. Dù không ai nói gì nhiều nhưng trong thâm tâm của mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và cảm kích sau một chuyến đi dài hơn mấy ngàn dặm đường, nhất là cô em gái Ánh Hồng của tôi.


Mùa Hạ 2012


« TRANG NHÀ »