Đại Hội 40 Năm Liên Khóa 69 KQVNCH

ngày 15.02.11

Mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong của Mỹ rơi vào tuần lễ cuối tháng tháng 5 mỗi năm. Đây cũng là dịp cho mọi người đi đây đó thăm viếng bạn bè, hay đi du ngoạn cùng với gia đình trong một cuối tuần dài hạn.

Cuối tháng 5, trời Cali rất dễ chịu không như ở Texas đã bắt đầu oi nồng. Cali cũng là tiểu bang đông người Việt tỵ nạn hàng đầu so với những thành phố khắp nơi trên thế giới có đông người Việt định cư. Có lẽ do “đất lành chim đậu”.

Orange County, miền nam California, khu phố Bolsa năm nay 2009 càng thêm rộn rịp người Việt từ nhiều tiểu bang xa về đây thăm viếng, du ngoạn; trong số đó có khá đông anh em cựu đồng môn Liên khóa 69 quân sự căn bản của Sĩ quan Không quân ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung- khi hầu hết mới vừa chia tay với thầy cô, bảng đen và sách vở để theo tiếng gọi “Đời Phi Công” của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh 40 năm về trước. Ôi năm tháng “Bảo Quốc Trấn Không” dù chỉ “vỏn vẹn trên hai bàn tay, nhưng khi chàng ngất ngưởng say, tưởng dài hơn cả chuỗi ngày lưu vong”.

40 năm nhìn lại quả là một quãng đời dài, quá dài! Hơn nửa đời người chứ ít sao. Rất dài khi ngồi một mình nhìn lại, nhưng rất ngắn mỗi khi bù khú cùng bạn bè xưa cũ, thậm chí còn tưởng mình rất trẻ mỗi khi mầy mầy tao tao, chửi thề vung vít với men rượu và khói thuốc kể lại chuyện xưa cũ hàng trăm lần vẫn thấy như mới xảy ra hôm nào! Người ta nói “kỷ niệm không quá đẹp khi nó mới xảy ra, nhưng nó được thăng hoa ở mỗi lần người ta nghĩ lại”.

Tối thứ Sáu ngày 22 tháng 5, 2009 khi chuyến bay mang chúng tôi từ miền đất cao bồi về đáp xuống phi trường Los Angeles nhộn nhịp, chiếc điện thoại vừa bật lên đã reo vang từng hồi! Nào là Bắc kỳ Đồng hỏi đang ở đâu, nào là Phú cối, trùm Khanh, Yên ròm rủ nhậu ở Huế Rendezvous, nào là Út bã đậu hỏi tới chưa, nào là doctor Nô hỏi thăm sức khỏe, rồi Tuyên già, Hội thọt, Chửn gà, Sơn shiệt, Anh chuột, Giàu đầu bạc hỏi thăm… Mỗi cú điện thoại là một gương mặt non trẻ với cả giọng cười, tiếng nói, cử chỉ với bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện về. Ôi những nắng gió quân trường trong vỏn vẹn ba tháng đầu đời sao cứ bám chặt như sam vào đời mình suốt mấy chục năm qua. “Ôi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, một đời hồ dễ mấy ai quên”.

Tôi ở khá xa nơi tổ chức nên được Phú cối ưu ái tặng tôi chức vụ “dám xúi”, vâng dám xúi, dám đốc nhưng không dám làm! Dù giờ G là 5 giờ chiều, nhưng mới hơn 3g chiều ngày thứ Bảy tôi đành tạm biệt cuộc nhậu giữa chừng với các ông Bắc kỳ Đồng, Nhàn UH Savannah và Phúc khu trục (trong “phi vụ cuối cùng” của nhà văn Trần Ngọc Nguyên Vũ), để chạy toe xuống Huế Rendezvous phụ tay với mấy ông thần nước mặn. Khi tới quán thấy còn đông người, nhưng thấy Phú cối và vài người lạ đang treo bảng chào mừng, tôi bỡ ngỡ hỏi nhỏ Phú cối, Yên ròm là quán bao giờ hết khách để mình còn “treo đèn kết hoa” cho kịp. Phú cối cười hộc lên rồi chỉ từng khuôn mặt… Nó là thằng X hay chọc ghẹo mấy con nhỏ bán xôi ngoài bãi tập, thằng Y hay trốn trại cuối tuần, thằng Z chuyên viên chà láng, v.v. và v.v… tôi cũng bật cười khan nhưng trong lòng ánh lên nỗi ngậm ngùi! Những thằng “ngon cơm” ngày xưa bây giờ đã là những ông cụ non; đứa thì thiếu tóc, đứa thì trọc đầu, đứa thì gầy nhom, có đứa như mất một phần thước tất, cũng có đứa mập phệ ra, nhiều đứa thì da mồi tóc bạc trắng… chỉ còn lại những ánh mắt tinh anh chứa đựng cả một bầu trời dĩ vãng! Ôi thời gian quả không chừa một ai! Tôi bỗng thương chan chứa bạn bè, thương cho thân tôi, thương cho những điều không trọn vẹn. Bỗng nghe có người la lớn:
– Ê Thuận nẫu mầy nhớ tao không?
Tôi ngó người vừa phát ngôn chăm chăm, dáng vẻ “hơi bị đẹp chai”, trông rất là công tử, có chút gợi nhớ trong lòng nhưng vẫn chưa nhận ra là ai. Dù vậy vẫn tươi cười nói:
-Bây giờ mà mày còn dám kêu tao là nẫu này nẫu nọ, to gan!

Tôi vừa nói vừa xông tới ôm chặt lấy nó vì trong tâm tưởng biết rằng chắc phải thân lắm mới gọi đích danh nhau như vậy. Mà cái giống Nam kỳ quốc này cũng lạ, cứ gặp ai ở miền Trung vào, bất kể tỉnh nào cũng đều tặng cho mỹ danh nẫu! Nào là nẫu chúa, nẫu thùng thùng, nẫu cà khịa, nẫu râu quặp, nẫu râu dê, nẫu cá mối, nẫu nhà bàn sau mỗi cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt… Ôi những cái biệt danh đã khiến bao nhiêu chàng bị dập răng méo mặt mà vẫn không chừa! Những cái biệt danh nếu có đứa muốn gọi lên phải mắt trước mắt sau tìm đường chạy cho lẹ. Cho tới bây giờ, 40 năm sau, khi gọi lên những biệt danh kinh hoàng đó vẫn thấy ớn da gà! Rất ít có những biệt danh dễ nghe, phần còn lại là để dành cãi nhau, uýnh lộn!
– Mà mày nhận ra tao chưa mà ôm tao thân thiết vậy? Nó vừa ôm vừa hỏi chọc quê.

Tôi vẫn đang lùng sục trí nhớ càng ngày càng kém của mình nhưng chưa nhớ ra được thằng nào. Tôi đang bối rối thì nó đã nói:
– Tao là Khai công tử đây nè!
– Ối giời công tử! Hồi xưa mày quan quyền quá tao đâu có dám nhớ. Tôi cười nịnh chữa thẹn.
– Mầy vẫn nẫu như ngày xưa!
– Sư mày, làm gì giống nẫu ngày xưa được.

Tình trạng như vậy đâu phải chỉ có mình tôi mà xảy ra cho rất nhiều khứa lão từ trong nhà ra ngoài ngõ! Ai cũng tay bắt mặt mừng nhưng e dè, ngần ngại hỏi tên nhau. Khi đã biết, bắt tay nhau thiệt nồng, thật ấm; vỗ vai nhau đến muốn sụm bánh chè; cười cười nói nói vang cả một góc phố Brookhurst, bể cả nhà hàng Huế Rendezvous! Sức chứa nhà hàng không tới một trăm mà chật ních tràn ra cả ngoài sân trước, chưa kể những toa xe lửa phun khói như mây ngoài bãi đậu xe. Cũng may nhiều anh em ở xa về chưa kịp buổi “tiền phi”

Tưởng đâu mừng gặp nhau thì ăn ít đi nhưng chị chủ Mimi và quý cô phụ bếp tủm tỉm cười tiếp tục châm thêm thức ăn lia lịa. khi Phú cối đại diện Ban tổ chức nói lời chào mừng, tiếng nói cười lại òa vỡ. Bia uống “vô tư” và hát ca tấp nập. Ai ca thì ca, ai nói thì nói, ai nhảy đầm, nhảy VN cứ nhảy vui vẻ… phần ai nấy lo cho tới thật khuya mới khật khưởng ra về hẹn nhau chiều Chủ Nhật. Đặc biệt cám ơn vợ chồng chủ quán Huế Rendezvous, nhất là phu nhân Yên ròm, đã hết lòng chu đáo trong buổi tiệc với nụ cười xinh đẹp luôn nở trên môi, và mấy O Huế dỏ đã ưu ái “bottom up” thằng tui xiển niển ra về.

Chiều Chủ Nhật, nhà hàng Hoàng Sa (Paracel SeaFood).
Vẫn tới sớm, vẫn thấy nhiều khuôn mặt lạ, những hoạt cảnh tương tự như chiều hôm qua có phần nhiều hơn, vẫn những cái bắt tay chí tình, vẫn như nụ cười rạng rỡ trên môi, vẫn những ngạc nhiên, vẫn những ôm chầm nhau thắm thiết, vẫn những cái vỗ vai đến sụm bánh chè… 40 năm, gặp nhau mừng mừng tủi tủi! Có những xuất hiện bất ngờ làm cho nỗi vui khôn xiết bật lên thành những tràng cười òa vỡ cả không gian. Bên cạnh đó cũng không thiếu những đôi mắt đỏ, những tiếng nói nghẹn ngào của bè bạn gặp nhau vì không ngờ còn có thể gặp nhau nơi đây sau 40 năm biệt tích! Ôi biết bao nhiêu kỷ niệm mà thời gian không thể trả về! Biết bao nhiêu đau thương đã đổ ập xuống từng mảnh đời kể từ ngày sẩy đàn tan nghé! Có một điều lạ hơn hôm qua là hôm nay có thêm một số thân hữu đến tham dự. Một số bị nhận diện nhầm “mầy danh số mấy, đại đội nào, khóa nào…”; bị bắt tay đến đau nhói cho tới khi biết họ là văn thi sĩ, là những niên trưởng binh chủng bạn, là niên trưởng các khóa đàn anh xa lắc mới giật mình cười xả lả xin lỗi xin phải. Những thân hữu cũng tích cực dự phần vào cuộc vui sâu đêm.

Những cây nhà lá vườn ghi danh hát ca tích cực, những màn biểu diễn khiêu vũ hấp dẫn, những màn múa hát bất ngờ của quý vị phu nhân, những bước nhảy vẫn còn mềm mại, đổm dáng ra phết. Những gói quà đặc biệt cho người trúng thăm cười bò lê ra đất… Người ta nói “hạnh phúc cũng lây lan như bệnh truyền nhiễm” thật đúng trong đêm nay, đến nỗi các anh chủ nhà hàng cũng tham gia vui vẻ, hát ca rất cừ, bán bia rượu giá tượng trưng khiến những ông thần còn ỷ mạnh cụng ly say khướt. Ban tổ chức đặt lên mỗi bàn một chai VSOP và chai rượu đỏ những tưởng cũng đủ để “các cụ ông cụ bà” mềm môi… nhưng đã lầm! Hết chai này phe ta mua chai khác, xả láng sáng về sớm muh! Những ông Cựu Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, đại đội trưởng, đại đội phó ngày xưa hét ra lửa làm những anh lính tò te như chúng tôi muốn són ra quần, bây giờ cũng bỗng dưng từ bi bất ngờ! Những chia sẻ, những nhắc nhớ làm không khí vui nhộn như một lễ hội “không tiền khoáng hậu”… Rồi các khóa anh em khác lần lượt lên microphone thông báo những “40 năm” khác sẽ tổ chức vào ngày Độc Lập, ngày Labor Day sắp tới! Có nhiều anh em hỏi, sao mấy ông không tổ chức chung một cái 40 năm để anh em khỏi vất vả? Câu trả lời rất ư Không quân “đó là năm mà học sinh sinh viên đọc Đời Phi Công của ông nhà văn Không quân Toàn Phong nhiều nhất! Nếu tất cả dồn vào một lần đâu có chỗ nào đủ sức chứa!” Nghe hoàn toàn hữu lý!

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, lại có những hứa hẹn gặp lại lần sau, gặp lại năm sau. Có nhiều người chưa từng được vui như thế hăng hái đề nghị mỗi năm một lần, chỉ là “những con chim cánh sắt, sẽ bắc cầu nguyện ước, mỗi năm một lần qua” (nhại bài Một Mùa Đông của nhà thơ Lưu Trọng Lư). Ông 469 Phạm Văn Yến Bắc Kỳ hùng dũng hứa lời, “Năm sau mời lên Vạn Hồ Minnesota họp nhau trên du thuyền.” Bao nhiêu người hăm hở ghi danh! Có người nói, “Tụi mình già hết rồi, gặp nhau ngày nào vui ngày nấy, hầu hết ai cũng xong bổn phận làm cha mẹ rồi, thôi thì mỗi năm tổ chức mỗi nơi, giống như đi du lịch vậy thôi, đi đủ một vòng là đúng 45 năm mình lại làm Đai Hội ở vùng đất hứa này.” Số đông hưởng ứng, có lẽ cũng do cái bệnh truyền nhiễm của hạnh phúc đêm nay.

Người viết chỉ viết một cách tổng quát về dịp Hội Ngộ 40 Năm của Liên khóa 69 KQVNCH, để mong ghi lại chút kỷ niệm vô vàn xúc động trong lần họp mặt này; chắc chắn không đáp ứng những chi tiết quá nhiều của niềm vui có thật đêm hôm đó. Nếu có thiếu sót những chi tiết quan trọng cũng xin quý đồng môn niệm tình bỏ qua. Chúng ta sẽ lại gặp nhau, nhất định gặp nhau nữa. Hãy vui vẻ lên nha bạn, hãy để cho hạnh phúc chan hòa lên đời sống tất bật của một đời người; hãy kể như lần nào gặp được nhau đó là lần cuối cùng của một cánh chim đã một thời ngang dọc trên bầu trời quê hương dấu yêu.

Cuối cùng xin cám ơn quý đại niên trưởng cán bộ ngày xưa cùng với quý phu nhân đã bay về từ những nơi xa xăm để hợp đàn cùng anh em Liên Khóa. Đặc biệt niên trưởng đại cồ Trần Văn Hiến, cựu Tiểu Đoàn trưởng Nguyễn Huệ đã thân tình chia sẻ với anh em đồng môn và quan khách tấm lòng của người chỉ huy, người trách nhiệm trong buổi giao thời. Cám ơn quý thân hữu của Liên Khóa. Cám ơn quý vị chủ nhân nhà hàng đã dành nhiều ưu ái cho mọi người. Cám ơn đồng môn Đặng Trường Yên đã làm rất nhiều tấm banners với nhiều hình ảnh rất đặc biệt cho ngày Hội Ngộ. Cám ơn niên trưởng Nguyễn Ngọc Bích đã giúp đạo diễn phần mở đầu buổi lễ rất trang trọng, đặc sắc, xúc động và mới lạ. Đây là điểm son nổi bật trong Ngày Hội Ngộ lần này. Cám ơn anh em trong Ban tổ chức, trừ người dám xúi, đã rất chu đáo lo cho đồng môn.

Để chấm dứt bài viết, xin gửi một bài thơ gói ghém tấm lòng bằng hữu “một lần làm bạn, một đời là bạn”. Và xin lại hẹn nhau ngày hội ngộ lần tới.

Bạn Xưa

Tôi có những ông bạn
Gọi mầy tao như xưa
Có thằng râu tóc lưa thưa
Có thằng bạc trắng khi vừa làm sui

Gặp lại nhau rất vui
Kể nghe toàn chuyện cũ
Chuyện bá láp của thời quân ngũ
Cũng kết thành kỷ niệm khó phai

Đã 40 năm dài
Kể từ ngày làm lính
Gặp lại nhau không ngờ, không tính
Thương làm sao một thuở ngang trời

Có lắm chuyện buồn cười
Cũng lắm điều lãng nhách
Giờ kể ra không ai phiền, ai trách
Lại thấy thương vô bến, vô bờ

Nghĩ năm xưa quá khờ
Đúng một bầy cả quỷnh
Bỏ trường lớp để đâm đầu vào lính
Cũng chỉ vì hai chữ Không Quân

Dẫu nhiều chục mùa Xuân
Chuyện vẫn như còn mới
Ai cũng biết thời gian không chờ đợi
Bạn thân ơi, ngày họp mặt xin về

Yên Sơn
Trương Nguyên Thuận


« TRANG NHÀ »