Tản Mạn Một Chiều Xuân

ngày 4.05.15

B5


Chiều qua, khi đóng cửa trường ra về, trời hãy còn rất sáng. Trên đường về, con đường quen thuộc vẫn đầy xe cộ như bất cứ chiều Thứ Sáu nào. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là khí hậu chiều nay quá tuyệt vời. Nắng rất vàng trải khắp đầu cây, ngọn cỏ; ươm lên mấy dãi mây trời bay lãng đãng trên cao, và gió mát rượi khi tôi mở rộng tất cả 4 cửa sổ xe cho không khí lồng lộng tràn vào. Bỗng chốc tôi quên tất cả để cảm nhận một hạnh phúc ngọt ngào lâng lâng trong tâm hồn.

Tôi gọi điện thoại cho nhà tôi:
– Em ơi! Em về tới nhà chưa?
– Em vừa về tới nơi
– Khoảng 20 phút nữa anh về tới. Anh muốn mình chạy một vòng.
– Xe đạp anh sửa rồi sao?
– Chưa! Mình chạy xe hơi.
– Đi đâu?
– Đã nói là chạy một vòng mà!

Vâng, Ở vùng Houston, TX thì đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất trong năm để sử dụng xe đạp. Nhưng chiếc xe đạp của nàng để lâu trong nhà xe xẹp bánh, bôm hơi không giữ được nữa và tôi chưa có thì giờ ra tiệm mua ruột khác thay vì mấy hôm nay bận làm vườn. Mùa này mưa thuận gió hòa, cũng là lúc phải rải phân bón nên cây cỏ đua nhau xanh tươi. Không cắt cỏ hai tuần là nhận giấy của “công an khu vực” hỏi thăm liền. Cứ mỗi lần nhận giấy hỏi thăm sức khỏe là tôi lại lầu bầu, “thiệt tình, mỗi năm mình đóng tiền association fee cho chúng nó thuê người biên giấy cảnh cáo mình”. Việc họ làm cũng đúng thôi để giữ giá trị và bề mặt của thôn xóm nhưng đôi khi cũng hơi quá đáng.

Về tới nhà thay áo quần thoải mái, chúng tôi lên xe, quyết định chạy ra King’s Harbor Square thuộc Vùng Kingwood, cách nhà khoảng độ 5 dặm đường. Khu thương mại này được xây dựng hơn 10 năm trước, nằm trên bờ sông San Jacinto. Ban đầu rất thưa thớt dù phong cảnh rất hữu tình. Nhưng rồi càng ngày càng phồn thịnh vì được phổ biến sâu rộng trên các phương tiện internet. Thỉnh thoảng vẫn gặp nhiều người ở xa tới, nhất là mùa Giáng Sinh và mỗi lần có gió mát trăng thanh. Chúng tôi cũng vậy, hay chạy ra đó chơi khi có dịp. Có mấy lần sinh nhật và kỷ niệm ngày cưới, lũ con cũng đề nghị ra đó ngồi đồng. Ở đây có boardwalk (cầu gỗ cho người đi bộ, xây sát mặt nước gần ven bờ), có cầu tàu neo. Dân chúng ở dọc hai bên bờ sông thường chạy tàu tới đây để uống rượu, hoặc café, hoặc ăn tối, nhất là cuối tuần, và nhất là những đêm trăng sáng luôn luôn đông khách. Mỗi Thứ Sáu tuần lễ thứ ba trong tháng lại có nhạc sống tưng bừng từ 7 giờ tối tới 10g đêm. Mỗi lần như thế, người ta tắt waterpark (chỗ sân rộng được thiết kế có nhiều vòi phun nước luân phiên tự động để làm đẹp và cũng là nơi cho con nít nô đùa), nghe đàn hát và khiêu vũ lộ thiên. Trong toàn khu, hầu hết là nhà hàng, quán rượu và café. Tất cả hàng ăn uống đều quay mặt về hướng sông, chăng đèn, kết hoa đủ màu sắc vui mắt. Đêm trăng ngồi nơi đây rất trữ tình, lãng mạn.

Ngồi ngoài cầu tàu thả chân xuống nước, ngắm hoàng hôn lặng lẽ đi qua. Vài chiếc tàu gia đình chạy dọc trên sông, cùng với tiếng đùa vui trên tàu xen lẫn tiếng âm nhạc dìu dặt… làm tôi liên tưởng, cất tiếng hát bài Thiên Thai của cụ nhạc sĩ Văn Cao, “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên…” Thỉnh thoảng lại có tàu đến, tàu đi… dăm ba người kéo nhau vào quán rượu, nhà hàng… hoặc dìu nhau ra về. Trên sân cỏ rộng kế bên nhà hàng, nằm trên bờ nước, người ta ngồi nằm la liệt, có lũ nhỏ chạy nô đùa với nhau nhắc tôi nhớ đến những rạp chiếu bóng ngoài trời thời du học; cũng làm liên tưởng đến những đêm trăng vằng vặc năm xưa được cùng với người lớn ra nằm ngủ thâu đêm trên bãi cát trắng ven bờ Sông Vệ. Lòng rưng rưng chút nỗi niềm hoài cổ.
B7 a1

Hoàng hôn dần xuống, con trăng Mồng 6 lưỡi liềm nghiêng nghiêng trên bầu trời nhiều mây. Ánh đèn điện của hàng quán chung quanh phản chiếu lóng lánh dưới mặt sông làm tăng thêm vẻ huyền ảo mơ màng. Chúng tôi đan tay ra về như những cặp tình nhân đang dạo quanh bờ nước. Nhà tôi nói, “Chắc đã tới lúc về ăn tối.” Tôi tiếc buổi chiều nên thuyết phục nhà tôi đi thêm một vòng nữa. Chúng tôi chạy qua công viên cách xa thêm mấy dặm đường, phía tây của dòng sông thu hẹp, nơi cũng có boardwalk dài hơn nửa cây số, sát bờ sông để ngoạn cảnh và câu cá giải trí ban ngày hoặc ban đêm; và cũng là nơi có bến tàu lên xuống đủ các loại tàu nhàn du phía Tây Hồ Houston (West Lake Houston).

Đường vào công viên rợp bóng, cây lá xanh tươi hòa lẫn với hoàng hôn nên có vẻ âm u, vắng lặng, nhưng rất thanh bình. Đã trễ nhưng vẫn còn một ít con nít đang chơi cầu tuột, xích đu. Chúng tôi đậu xe và đi dọc theo boardwalk. Đi ngang qua mấy ông câu, nghe thấy họ vừa câu vừa thì thầm nói chuyện có vẻ tương đắc lắm. Bỗng nghe tiếng reo vui của họ, cùng lúc tiếng cá mắc câu đang vẫy vùng trong nước. Ông câu khoan thai quay cước, kéo từ từ lên khỏi mặt nước một chú cá trê khá lớn. Chúng tôi vui lây niềm vui với họ khi nhìn vào thùng đựng cá đã có mấy con khác.

Trời đã sụp tối. Những em bé chơi ở công viên đã ra về. Chiếc tàu cuối cùng cũng đã được mang lên bờ đặt trên dàn xe kéo. Chúng tôi ra về cùng lúc với họ, để lại công viên lặng yên với hai ông câu đã lên đèn leo lét.

a3

Về đến nhà, “my house” lo dọn cơm tối; tôi lang thang thêm ngoài vườn sau ngắm trăng và ăn mía mới chặt sáng nay lúc làm vườn. Được một lúc nhà tôi gọi vào dùng cơm. Sau bữa ăn nhẹ, nhà tôi mang cho tôi một ly sinh tố vừa xay để tủ lạnh. Sinh tố được xay bằng quả Sơn Trà (còn được gọi là Tỳ Bà và tiếng Mỹ gọi là Loquat). Chỉ có Sơn Trà và một ít mật ong, mùi rất thơm, vị ngọt lịm. Theo đông y, lá và quả Sơn Trà được dùng trong các dược thảo có công dụng:
– Tăng cường sức khỏe đường hô hấp
– Giảm đờm, ho, khò khè, khó thở.
– Giảm tái phát viêm phế quản và viêm đường hô hấp trẻ em.

Trái Sơn Trà chín màu vàng rực, có vị ngọt, thỉnh thoảng cũng có vị chua chua. Phải để chín vàng trên cây, lựa những quả lớn hái xuống trước, để vài hôm sẽ rất ngọt. Quả rất dễ bóc vỏ từ cuống ra, có hạt lớn hoặc nhiều hạt. Khi đã ăn thì khó để ngừng lại. Đôi khi vui miệng, tôi ăn cả một rổ nhỏ. Không biết có phải vì vậy mà tôi ít ốm đau?

a4

Xong buổi cơm tối, chúng tôi mỗi người một computer ngồi đồng. Tôi lên FB khoe với bạn bè về việc ăn mía dưới trăng, nhà tôi thì nghiên cứu và nghiên cứu. Chính vì thế, dường như là chuyện gì nàng cũng có thể nói rành mạch kể cả chuyện vi vút của tôi trên net. Bạn bè thân thấy vẻ rành rõi “search internet” của nàng, gửi lời chia buồn với tôi, “hết cựa quậy rồi phải không.” Thật ra không đến nỗi bi quan như thế. Nàng rất tôn trọng sự riêng tư của tôi; không bao giờ đọc thư, cũng không nghe điện thoại nếu như tôi không nhờ. Chỉ là đôi khi “vô tình” nàng thấy được thì… ôi thôi, ai tai! Lúc nào cũng săn sóc tôi chu đáo, nhất là sau khi đàn chim non đã đủ lông đủ cánh lìa tổ ấm. Đôi khi vô tình thấy tôi vung vít, nàng chỉ “warning” cái tật hay đùa giỡn của tôi, sợ quá trớn làm người khác hiểu lầm. Ngoài ra, những sinh hoạt về võ thuật, về văn hóa, cũng như Cộng Đồng, thiện nguyện… của tôi, nàng cũng hết lòng hỗ trợ, vui vẻ tiếp tay. Nàng thuộc tuýp người cẩn trọng, làm việc gì cũng rất nghiêm túc, muốn phải đạt được mức tốt đẹp có thể (perfectionist) nên đôi khi cũng làm tôi “ngấm ngầm bất bình”. Ví dụ muốn đi chơi ở vùng lạ nào cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phải biết đường đi, chốn đến, phải biết sẽ làm gì, phải trang bị áo quần hợp lý, phải có thức ăn, thức uống đầy đủ nếu lái xe… nhiều thứ “phải” lắm nên đôi khi tôi cụt hứng. Khác với tính cách của tôi “tìm địa chỉ nhà bạn bè bằng “thùng thư”; thích ăn uống vớ vẩn dọc đường; vui đâu chúc đó; tới đâu thì tới…” Tôi thì thích quanh quẩn với bạn bè, nàng lại thích thiên nhiên hơn. Tôi biết nàng đúng, có lý lẽ hơn tôi nhưng tính tôi không cần cầu kỳ, đơn giản và rất lính. Tuy vậy, nếu có vấn đề “khắc khẩu” nào thì cũng chỉ được một lúc. Tôi không thích bực mình lâu, và nàng cũng không “nói dai, nói dài, nói dở” nên dễ hài hòa, trong nhà yên ấm.

Chúng tôi có ba đứa con đã dọn ra ở riêng, còn lại căn nhà thênh thang với hai tầng lầu. Độ này không còn ham “nhà lầu xe hơi” nữa. Mỗi lần nhìn lên cầu thang thấy “thăm thẳm chiều trôi”! Tôi ngỏ ý muốn down size (bán nhà này mua căn nhỏ hơn) nhưng nàng không muốn vì “để có chỗ cho các con về”. Tôi rất thông cảm, nàng có bà chị ruột thân thiết duy nhất ở trong vùng, là một yếu tố góp phần cho quyết định sau cùng của nàng. Được cái là tôi với nàng có nhiều sở thích giống nhau. Thích du sơn ngoạn thủy; thích lang bang nơi miền thôn dã; thích chạy xe đạp đường trường; thích leo núi; thích cắm trại, ngắm trăng… Chúng tôi hẹn nhau vài năm nữa sẽ nghỉ việc để thơ túi rượu bầu, ung dung, nhàn nhã, “tiếu ngạo giang hồ”. Chúng tôi cùng mơ ước, một ngày nào đó, khi quê hương thật sự thanh bình, khi không còn bóng dáng Cộng nô, chúng tôi đeo túi xách, chạy xe Honda từ nam chí bắc thăm viếng quê hương mình, trước khi nhắm mắt qua cầu gió bay.

40 năm đã qua như một giấc mộng dài. Bao nhiêu gian nan, bao nhiêu thương khó! Nhưng khi ngó tới vài năm nữa sao vẫn thấy bấp bênh. Nghĩ tới con số 40 năm! Trong thoáng chốc, tôi ước muốn quên đi được một vết thương lòng cứ âm ỷ đau nhói mỗi khi nhớ tới nghĩ về! Vâng, đã 40 năm lang bạt phương xa!

Kingwood cuối tháng 4/2015


« TRANG NHÀ »