KÝ ỨC
ngày 7.08.14Bây giờ đang là tháng cuối của mùa Hè Texas.
Sáng sớm Chủ Nhật, cả rừng thông Kingwood đứng mơ màng trong lớp sương rất mỏng, xám đục. Cả lũ ve sầu dường như cũng đang mơ ngủ. Thời tiết có vẻ rất thu, không hừng hực nóng như buổi sáng hôm qua. Tôi xem xét chiếc xe đạp đã nằm yên trong nhà chứa xe từ bao nhiêu tháng qua, bôm hơi thêm và đạp về hướng Green Belt.
Không biết có nơi nào ở Texas giống như ở Vùng Kingwood, nơi tôi cư ngụ hơn 20 năm qua hay không? Ở đây, người ta thiết lập một hệ thống Green Belt để cho cư dân trong vùng sử dụng vào các việc tập thể dục trong ngày, dắt chó đi bộ hoặc chạy bộ, chạy xe đạp. Người dắt chó đi chơi phải mang theo bao rác nhỏ dùng vào việc giữ vệ sinh chung cho môi trường.
Green Belt là một hệ thống con đường nhỏ cong queo dài như vô tận, nối liền tất cả các khu nhà trong vùng lại với nhau, nếu đạp xe đạp cả ngày có lẽ cũng không hết. Toàn bộ con đường tráng xi-măng sạch sẽ, màu xam xám, rộng hơn một thước tây, uốn lượn trong từng khoảng rừng thu hẹp giữa các khu gia cư, cây cỏ được cắt xén bảo trì thường xuyên, thỉnh thoảng năm ba tuần thấy có anh cảnh sát đạp xe đạp dọc theo đường để duy trì an ninh, trật tự. Dù vậy, bao nhiêu năm chúng tôi sinh sống ở đây chưa hề nghe thấy bất cứ một vấn đề gì về Green Belt, có chăng chỉ một vài than phiền về ai đó dắt chó đi chơi quên mang theo bọc rác.
Suốt đường đi bóng cây rừng rợp mát rất đẹp, nhất là vào dịp mùa Xuân có hoa dại đây đó nhiều màu sắc. Dân cư Vùng Kingwood càng ngày càng tăng trưởng. Hiện có đến cả trăm ngàn dân. Kingwood vốn là một thành phố riêng biệt nhưng hơn 10 năm qua bị Houston cưỡng bức sáp nhập, mặc cho dân chúng trong vùng quyết liệt phản đối. Những vụ kiện đòi độc lập đối với Houston vẫn tiến hành nhưng có lẽ cũng chẳng đi về đâu, chỉ tổ nuôi Luật Sư.
Suốt dọc hai bên đường Green Belt xe đạp chạy qua, hậu quả mùa hè năm trước còn nhan nhản là những cành gãy, cây khô đã được cắt bỏ, chất từng đống gọn gàng. Nhìn từng đống gỗ tự nhiên lòng tôi buồn quá đỗi! Nỗi buồn kéo tuột tôi về một dĩ vãng xa xôi nhưng lúc nào cũng chực chờ trong tiềm thức. Những bụi khói của rơm rạ, mo nang, lá mía khô… đã bao lần làm cay mắt mẹ khi nấu ăn trong suốt những tháng năm nghèo khó năm xưa đang làm cay mắt tôi lúc này.
Nhớ có nhiều lần tôi cũng góp phần đi tìm củi để nấu cơm! Củi ở đâu mà tìm trong khi rừng thì xa, xe đạp không có?! Ngoài việc lượm mo nang, gom lá tre, lá mía hoặc cành khô ở mấy lùm tre chung quanh làng, nhặt một ít rơm rạ còn sót lại ở ngoài ruộng sau các vụ mùa! Có một lần Mẹ sai tôi đi tìm củi vì cây rơm sau nhà đã gần cạn. Chỉ nghe biểu đi tìm củi mà không chỉ cho tôi tìm nơi đâu! Loanh quanh trong xóm cả buổi không tìm được lại gặp lũ bạn rủ nhau tắm sông, chơi đá banh, đánh đáo, cút bắt cả buổi chiều. Tuổi còn bé ai mà không ham chơi? Khi trời sẫm tối mới giật mình là phải có củi đem về.
Tôi thật sự lo sợ không biết làm sao, cứ đi lang thang chưa dám về. Bỗng nhiên lòng mừng khấp khởi khi thấy có một hàng rào gỗ của nhà hàng xóm có cây cột gỗ nhỏ đứng trơ trụi, ngả nghiêng… Ngó trước ngó sau không thấy bóng dáng ai, tôi vận dụng cơ bắp nhỏ xíu trộn với mồ hôi kéo lên hăm hở mang về! Tưởng sẽ thoát khỏi bị rầy la việc đi chơi cả buổi, ai nhè mới vào đến sân đã thấy Mẹ tôi đứng trước cửa, tay cầm cây roi nhịp nhịp, hỏi cây gỗ lấy ở đâu, tôi co rúm người nói thật… bị Mẹ quất cho mấy roi rồi bắt tôi vác cây gỗ theo Mẹ tới nhà ông Nghị hàng xóm xin lỗi và trả lại. Ông hàng xóm quái ác còn xúi Mẹ tôi nhịp thêm vài roi vào mông nữa, rồi bắt tôi hôm sau phải trở lại đào lỗ chôn xuống đàng hoàng! Trên đường về Mẹ còn dặn đi dặn lại từ nay trở về sau đừng bao giờ lấy bất cứ cái gì của người khác nếu không có sự đồng ý.
Nói tới cây rơm, tôi lại nhớ cái khuôn mặt nhỏ xíu của nhỏ Lan, con ông Sáu Hòe ở gần nhà. Vâng, con nhỏ dáng dấp nhỏ hơn tôi, cũng xấp xỉ tuổi mà sao nó lanh đáo để. Lúc nào cũng hành sử như chị người ta không bằng! Trong xóm có một lũ 5, 6 đứa con trai lẫn con gái thường chơi đùa với nhau, không biết sao đứa nào cũng coi nó như là một thủ lãnh. Và tôi cũng tình nguyện nghe theo nó bất cứ việc gì; có lẽ vì nể sự bậm trợn của nó, cũng có thể vì nó trắng da dài tóc, nhất là nó hay lùi khoai lang để dành cho tôi sau những lần đi học về. Trong lớp nó ngồi với lũ con gái ngay trước bàn tôi. Nó giỏi văn, tôi giỏi toán nên giúp đỡ nhau khi cần thiết.
Có một lần tôi mang họa cũng vì nó. Đó là một ngày đẹp trời trong giờ văn, tôi nghịch lén cột hai tà áo dài của hai đứa con gái với nhau, khi một đứa đứng dậy đi nộp bài… hai chiếc áo bị tét rách một phần, hai đứa ôm bụng khóc thét lên. Thằng bạn ngồi một bên sợ bị phạt lây nên tố giác liền với Thầy giáo! Thế là tôi bị Thầy bắt quỳ gối, úp mặt vào tường, quất cho năm thước bảng tê mông. Thầy bảo hai đứa con gái đi học về đem áo tới nhà cho Mẹ tôi sửa lại và phạt cấm túc hai hôm!
Trên đường về tôi năn nỉ cả hai đứa nó đừng mang áo tới nhà bắt đền, nếu không thì tôi bị đánh đòn đau tôi sẽ nghỉ chơi với tụi nó, tôi sẽ không giúp toán tụi nó nữa! Vậy mà nó im re chỉ thì thầm với con bé kia làm tôi sợ điếng người! Về gần tới nhà nó mới tuyên án rằng tha! Tôi mừng quá ôm chầm lấy nó, chưa kịp nói chữ cám ơn, nó la bài hãi đẩy tôi ra rồi chạy biến dạng về nhà! Hôm sau tôi phải giả bệnh ở nhà hai hôm, còn nó thì vẫn làm mặt giận; được cái, hai ngày tôi bị cấm túc nó chép giùm bài đem về cho tôi đầy đủ nhưng đưa bài xong với lời dặn thì biến mất liền.
Nhưng chỉ sau đó vài tuần nó lại rủ chơi cút bắt sau khi đi học về. Lũ chúng tôi 3 đứa bị nó chia phe. Nó nói để cho công bằng mỗi bên một trai một gái. Nó bắt tôi vào phe của nó đi trốn mặc cho tôi phản đối muốn ở khác phe – vì tôi tính trước nếu tôi thắng nó tôi sẽ bắt nó cõng tôi đi một vòng. Nó bảo tôi chạy theo nó trốn ở gốc rơm sau vườn. Tôi bảo mỗi đứa trốn một nơi kẻo tụi kia dễ bắt được cả hai. Nó nắm tay tôi kéo ghịt, moi cây rơm chui vào, lấy rơm che kín mít. Chúng tôi nằm im thin thít, hồi hộp một lúc khá lâu nhưng không nghe động tĩnh gì hết, tôi nghĩ hai đứa kia chịu thua rồi nên tính chui ra, nó kéo lại và ôm ghì tôi không nhúc nhích được. Trong khoảnh khắc thảng thốt đó nó hôn vội lên môi tôi ướt nhẹp rồi chạy tuốt tìm hai đứa kia bắt cõng trên lưng!
Và cũng từ hôm đó càng ngày nó càng xa cách hơn. Cho tới năm sau khi sinh hoạt ở chùa. Trong đêm tập văn nghệ nó bỗng dưng than mệt và kêu nhức đầu. Nó nhờ tôi hỏi mượn chai dầu cù là của Thầy đem vào phòng cho nó. Nó nằm rên hừ hừ, biểu tôi xức lên hai bên thái dương, chà xát nhẹ nhẹ, rồi tới sau ót… xong nó nằm sấp xuống biểu tôi thò tay vào bên trong bóp chung quanh đốt xương thứ sáu giùm nó?! Tôi hơi mắc cỡ nói với nó tôi ra nhờ chị trưởng đoàn; nó không chịu, nói tay con trai mạnh bóp tốt hơn! Tôi chột dạ làm theo lời chỉ dẫn của nó. Bàn tay tôi run run thọc sâu vào lưng áo… ôi da thịt con gái mát rượi chuyền hơi lạnh vào tận tim tôi! Thật tình tôi không biết đốt thứ sáu nằm ở đâu, mà ai dạy cho nó phải bóp đốt thứ sáu? Vì thế, tôi cứ bóp tới bóp lui vớ vẩn mà sao nó cũng nằm im re không rên như trước nữa. Tôi cảm nhận nó cũng đang run như tôi. Đó là lần đầu tiên lòng tôi biết rạo rực, rung động! Cứ thế, cả hai im lặng được một lúc khá lâu tôi tiếc nuối lấy tay ra, hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh, rồi không ai nói với ai thêm một lời nào nữa, nó có vẻ bẽn lẽn còn tôi thì bối rối, thuận chân bước ra ngoài, ngó trước ngó sau rồi chạy một mạch về nhà như tên ăn vụng!
Đó cũng là lần sau cùng tôi và nó có những khoảnh khắc riêng tư với nhau. Năm sau, tôi theo gia đình vào Nam lập nghiệp trong khi Ba Mẹ nó nhất định ở lại với đất hương hỏa khô cằn sỏi đá! Hôm tiễn tôi lên đường, trong lúc người lớn bận rộn hành trang, nó đến bên tôi với đôi mắt đầy lệ, mếu máo dặn dò xong ôm vội tôi thật chặt rồi chạy mất. Khi xe lăn bánh tôi dõi mắt tìm, thấy nó lấp ló đứng ở góc nhà khóc sướt mướt vẫy tay từ biệt!
Mối tình cảm thơ ngây đó đã theo tôi suốt một quãng đời ấu thơ cho dù những tất bật của đời sống mới có làm cho đầu óc tôi què quặt. Qua bao nhiêu thăng trầm với cuộc sống, tôi và nó không còn dịp nào để gặp lại nhau. Lời hẹn ước trở về thăm không bao giờ có thể thực hiện được dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ nghĩ về nó.
Tôi lại nghĩ tới những gian lao của thuở ban đầu ở một nơi gọi là “dinh điền” – Đây là chính sách khẩn hoang lập ấp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn đưa dân Miền Trung vào những nơi trù phú nhưng rừng núi bạt ngàn để xây dựng cuộc sống mới. Ban đầu kêu gọi, khuyến khích di dân tình nguyện. Nghe Ba Mẹ tôi thảo luận với nhau rằng 6 đứa con cần có tương lai mà đất hương hỏa không còn đủ cho nhiều thế hệ về sau; rằng đây là cơ hội hiếm có… Mặc dù Ba Mẹ có thảo luận với chúng tôi, mặc dù chúng tôi không muốn xa trường, xa bạn nhưng Ba Mẹ tôi đã quyết định tạo dựng tương lai cho chúng tôi nên đã trở thành gia đình đầu tiên ghi danh cùng với một số bạn bè có cùng hoàn cảnh.
Nơi gia đình chúng tôi và một số người đầu tiên sẽ đến là Xã Võ Đắt, Huyện Đức Linh, kéo dài từ biên giới thị trấn Gia Rây qua hết Mepu, tây giáp Định Quán, Lâm Đồng, đông giáp tỉnh lỵ Bình Tuy nhìn ra biển Đông.
Bắt đầu từ con lộ đất đỏ duy nhất đầy bụi mù, xuyên qua mấy chục cây số rừng rậm; con đường chỉ vừa cho một chiếc xe đi qua. Một đoàn xe vận tải, khoảng 10 chiếc, từ Quảng Ngãi chạy vào qua ngả ba Gia Rây, tới một khu gọi là Võ Đắt thì dừng lại. Đó là một buổi chiều tối, ánh sáng lù mù, cảnh vật chung quanh trông rất hoang sơ tiêu điều. Hai bên con lộ vừa được ủi thẳng tắp không bao lâu, màu đất đỏ hãy còn rất mới, là hai dãy nhà lụp xụp vừa mới cất bằng cây rừng, rất đơn sơ với mái và vách che toàn bằng lá làm nón, chen lẫn giữa muôn trùng gốc cây lớn nhỏ bị xe ủi đất ủi đứt lưng chừng, lởm chởm, nghiêng nghiêng chỉa xéo lên trời.
Ba tôi là người đầu tiên rời khỏi cabin của chiếc xe vận tải đầu đàn, đặt chân xuống mặt đất xa lạ sau gần ba ngày di chuyển miệt mài trên một chặng đường dài như vô tận, khởi đi từ miền đất khô cằn sỏi đá miền Trung. Tiếp theo là những gia đình bè bạn cùng làng, cùng xóm với ông, rời Quảng Ngãi thân yêu để vào đây, quyết tâm xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn cho gia đình và tìm kiếm một tương lai sáng lạn hơn cho con cháu.
Nguyên cả vùng này, Võ Đắt khởi đầu là một vùng rừng núi bạt ngàn, những thảo nguyên mênh mông, với nhiều chim muông và thú dữ, cùng với con sông La Ngà, ngọn đồi Bảo Đại, và dãy Núi Dinh chìm khuất sau những rừng cây rậm lá. Đi sâu vào rừng, có khoảng vài chục gia đình người thiểu số sinh sống, rất rải rác, bằng nghề săn bắn và trồng lúa trên rẩy…
Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên phải đi tìm nước vì nước máy chứa đựng rất nhiều phèn và màu đỏ của đất mà các gia đình thay phiên bơm xả bớt mỗi ngày trước khi lấy. Đã vậy, bao nhiêu gia đình mà chỉ có hai giếng nước nên mỗi lần lấy được quả là trần ai! Anh em chúng tôi phải đi bộ ra suối khá xa nhà để lấy nước về. Suối nước trong veo, mát lạnh. Mỗi lần đi lấy nước là chúng tôi có cơ hội bơi lội rất thoải mái ở hạ nguồn trước khi đem nước về… Ôi tuổi trẻ vô tư! Bây giờ nghĩ lại thấy thương, thấy thèm!
Đầu thập niên 1990’s tôi có việc gia đình cần kíp nên phải trở lại Việt Nam. Sau khi giải quyết việc gia đình, còn lại mấy ngày tôi quyết định đi xe đò về thăm lại Miền Trung, thăm họ hàng sau bao năm dài xa cách. Họ hàng thì đông vô số kể mà thời gian và phương tiện quá hạn hẹp; vì thế, tôi không thông báo cho bất cứ ai. Tôi về thẳng nhà thờ chính ở Mỹ Khê lạy mừng Tiên Tổ (lúc này Tổ đường của Dòng Họ chưa được xây dựng tươm tất như bây giờ); xong nhờ người thân đưa đi thăm một số bà con rất giới hạn; tôi xin những bà con tôi đến thăm đừng tiết lộ về việc tôi đã về đến đây để tránh bị rầy la.
Tôi về thăm căn nhà ngày thơ ấu bây giờ gia đình Chú Út của tôi đang ở, trực nhớ đến… “con” Lan con ông Sáu Hòe hàng xóm cũ. Hỏi thăm mấy đứa em con Chú, đứa nọ ngó đứa kia cười nói không biết. Tôi được Hạnh, con gái đầu của chú Út đưa tôi tới ngôi trường ngày xưa theo yêu cầu. Ngôi trường không còn dáng vẻ xưa cũ nữa mà đã được xây cất nề nếp. Theo Hạnh, ngôi trường đã được xây cất lại trước 1975, sau này có tu bổ thêm một ít. Nhìn ngôi trường thân yêu lòng tôi chùng xuống cùng với dĩ vãng hiện về.
Con đường ngày xưa tôi đi học dường như khá dài sao bây giờ chỉ cách một khoảng ngắn. Tôi bỡ ngỡ hỏi Hạnh thì nó bảo vẫn chỗ cũ. Xóm làng xưa bây giờ cũng khác lạ quá chừng! Tôi không tìm được những lũy tre xanh quanh làng; không tìm được những con đường, những ruộng mía, những nơi tôi từng chơi đùa với bạn bè. Con sông ngày xưa với bao nhiêu kỷ niệm, cách xa nhà một khoảng đất mênh mông bây giờ đã lấn sát bên sân sau vì bên bồi bên lở!
Tôi đang dùng cơm chiều với gia đình Chú thì Bé Nga, con của Hạnh vào cho biết là “Dì Lan” con ông Sáu Hòe vừa tới cửa nhà xong quẹo xe chạy đi. Quẹo gấp quá bị té trầy cả chân nhưng cũng lính quýnh lên xe phóng mất rồi! Hỏi ra mới biết là các em đã âm thầm báo tin cho Lan… Thật bất ngờ làm tôi vừa bối rối vừa hồi hộp!
Sau bữa cơm, tôi đi với Hạnh đến nhà Lan. Honda chạy khoảng năm phút. Cửa trước không đóng nhưng Hạnh cũng gõ vào vách, thấy đứa con trai nhỏ ra chào dì rồi dắt chúng tôi vào nhà. Đứa bé nói bà Ngoại đang đau chân nằm trong phòng. Tôi hồi hộp, lúng túng không biết làm gì. Hạnh bước vào phòng thăm Lan, tôi dợm bước theo bị Hạnh ra dấu chặn lại. Một lát sau Hạnh trở ra biểu tôi cùng đi về. Dọc đường Hạnh nói với tôi, “Chị Lan nói biết tin anh về mừng lắm, tính chạy tới thăm nhưng bây giờ thì không muốn gặp anh nữa. Chị Lan nói sợ anh thất vọng khi nhìn thấy chị; chị nói anh cứ giữ những hình ảnh tốt đẹp trong lòng là đủ rồi!” Lòng tôi bồi hồi thương cảm, nói với Hạnh là tôi muốn gặp lại thăm chị Lan và gia đình. Hạnh nói, “Em đã năn nỉ chị Lan giùm anh rồi nhưng chị đã cương quyết không muốn gặp anh.” Tôi không thể làm liều nên đành chấp nhận dù trong lòng bứt rứt cả đêm dài. Sáng hôm sau, tôi ra tỉnh sớm để đón xe đò trở lại Saigon sau khi nhờ Hạnh gửi tặng gia đình Lan một món quà nhỏ.
Đã hơn năm mươi mùa xuân qua! Ôi tuổi trẻ vô tư! Bây giờ nghĩ lại thấy thương, thấy thèm! Những tân khổ của một đời sống mới sau khi vào Nam đã dẫn dắt, đưa đẩy tôi trôi giạt ở chốn này để nhớ về nơi chốn cũ, kỷ niệm xưa với lòng biết ơn sâu sắc đối với Ba Mẹ tôi và để yêu thương một đất nước tội tình, nơi mà đồng bào tôi đang sống quằn quại dưới ách cai trị của tập đoàn bắc bộ phủ “hèn với giặc, ác với dân”!!!
Dường như tôi đã chạy quá xa khi mải mê với những dòng ký ức! Nắng đã lên cao dù con đường Green Belt vẫn mát mẻ một cách hấp dẫn. Phải mất hơn tiếng đồng hồ tôi mới đạp về đến nhà. Pha cho tôi một ly cà phê rồi ngồi xuống ghi lại dòng tư tưởng ngọt ngào đã tràn ngập lòng tôi trong buổi sáng dịu êm của những ngày cuối hạ.
Cuối Hè 2012
« Giấc Mơ | TRANG NHÀ | Dường Như Tôi Đã… Yêu Rồi » |