YÊN SƠN, người làm thơ giữa gió mây ngàn
ngày 1.07.25I. Nhập đề 1.
Tôi có ý nghĩ, là trong giới cầm bút, mà người ta hay gọi là nhà (nhà văn…) thì hai ông Yên Sơn, Trần Trung Đạo, là những người nhiều nhà nhất, hay còn gọi là hai nhà sưu tầm bất động sản, không chỉ xứ Quảng, mà là cả nước, hoặc lan ra thế giới.
Thành ra, tôi gọi hai ông, mà không gọi hai nhà, như nhà văn, nhà thơ, chẳng hạn, là vì, khi gọi hai nhà, này nọ, thì những nhà khác để đâu, vì ông nào cũng có cho mình rất nhiều nhà khác.Điều này tôi biết tôi nói không sai. Này nhé. Hai ông viết văn (nhà văn), làm thơ (nhà thơ), sáng tác âm nhạc (nhà nhạc, Nhạc sĩ), nhà hát (ca sĩ), MC, diễn thuyết (nhà nói), ngâm thơ (nhà ngâm) Ngần ấy nhà, hai ông bằng nhau, hơn hẳn nhiều người cầm bút khác. Nhưng ông YS, dường như giàu hơn ông TTĐ vì có thêm ba nhà nữa, mà tới cuối thế kỷ này, ông TTĐ, cũng không theo kịp; đó là nhà võ (võ sĩ), nhà binh (phi công), nhà nhậu.
Nhập đề 2
Khi viết bài giới thiệu nhà văn Bình Phạm với tác phẩm đầu tay của bà, “Tất Cả Chỉ Còn Nỗi Nhớ”, tôi có nói, bà là người thứ 10, trong số 10 báu vật xứ Quảng, mà ngòi bút tôi đụng tới.Tôi không nghĩ, tôi còn đụng thêm một ai. Khi tôi gọi phone nói chuyện với Yên Sơn, rằng tôi muốn viết bài giới thiệu dòng thơ của ông, ổng nói rất hân hạnh, rồi ông gởi cho tôi dăm vài bài thơ, mà ông thích nhất. Tôi chưa biết quê quán của ông nơi nào. Lâu rồi bạn của nhau, tôi vẫn nghĩ ông là người Bắc di cư, 1954. Nhưng khi nhận tin nhắn của ông, tôi ngã đạn, thì lại là, thêm một tài hoa xứ Quảng thứ 11, tôi được vinh dự làm việc với.
Vừa rồi tôi có viết bài Duyên hay Nợ với những người cầm bút tài hoa xứ Quảng, chưa có câu trả lời, nay lại có thêm một ông, sinh quán Quảng Ngãi, cùng quê với thi sĩ (xinh đẹp khỏi khai) Trần thị Cổ Tích. Cùng quê, cùng thời, cùng mang tâm hồn thơ văn, cùng con đường làng đến lớp, cùng con đê thả diều, cùng tuổi thơ bắt bướm, không loại trừ có khi, hái ổi cho nhau, mà thi sĩ TTCT có nói tới trong thơ của bà, “Nhưng này… nếu… muốn tui vui,
Hiên nhà xin đặt… một gùi ổi thơm
(hay me, cóc, xoài gì…cũng được).”
TTCT.
Tôi không muốn nói thêm, biết đâu không là, họ một thời, có hay không, là cố nhân của nhau. Nhưng điều tôi muốn nhắc lại, từ một người bạn tôi, nhà thơ Phan Xuân Sinh, anh nói, “Dòng tộc cỏ ngoài Quảng, đã làm đơn khiếu nại với Trời, là các ông nhà thơ, đã đua nhau mọc, không còn đất cho dòng tộc cỏ mọc hoặc sinh sản.” Tôi lại nghe một dạng thức khác, hình ảnh và ngôn ngữ khác là một đám văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tập họp, đàm thoại văn chương, từ xa, ném vào, một cái kẹo dừa, hay một viên sỏi, là thế nào cũng trúng đầu một “thằng, không Nam, cũng Ngãi.
II. Thân bài:
Ông làm thơ, với viết văn từ năm 1965, là ông có tới 60 năm rong chơi với ngòi bút, chưa kể tới nghề võ và nghề bay. Xem tiểu sử của ông, là biết ông ngầu, không dạng vừa.
* Cựu phi công KQVNCH; cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh và Computer Engineer;
* Võ sư 8 đẳng Taekwondo.
* Một người ham thích nhiều bộ môn văn nghệ. Xuất hiện trên văn đàn từ năm 1965 đến nay.
* Cựu Tổng Thư Ký Trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ.
* Cựu Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Trung Ương Văn Bút Việt Nam Hài Ngoại.
* Chủ tịch Tổng Hội Võ Thuật Thần Phong Thế Giới.
* Đương kim Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ.
* Thành viên BQT Viện Nghiên Cứu Lịch Sử & Văn Hoá Việt Nam.
* Thành viên Nghị Hội Thống Nhất Chính Tả Tiếng Việt.
Tác phẩm đã xuất bản:
Ngoài những tác phẩm in chung với các văn đàn, bút nhóm. YS đã in và phát hành:
* Tập thơ “Quê Hương và Tuổi Trẻ” in tại Saigon,
* Tập thơ “Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu”,
* Tập thơ “Một Đời Tưởng Tiếc”,
* Tuyển tập Truyện Ngắn “Mưa Nắng Bên Đời”,
* Tuyển tập Truyện Ký Hạnh Phúc Không Xa,
* CD Thi tuyển “Những Giọt Sương Rớt Muộn”
* CD thi tuyển “Lối Cũ Vẫn Trong Tim”
* CD Nhạc tự phổ thơ “Góp Chút Hương Cho Đời”,
* Trang Nhà, www.thovanyenson.com,
* Youtube channel Video Nhạc Yên Sơn
Tác phẩm tiêu biểu:
* Về KQ: Chạnh Nhớ Ngày Qua
* Về Quê hương: Việt Nam Quê Hương Tôi
* Ngâm thơ: – Hồ Trường
– Mời Nhau Chén Rượu Hồ Trường
* Về Tình Yêu: – Viết Gửi Cho Anh
– Khúc Nhạc Tình Sầu
– Anh Đi Vào Mộng Tìm Em
– Tình Như Bóng Mây
* Về hoài niệm, mong ước:
– Khúc Ca Hoài Hương,
– Lang Thang Phố Vắng,
– Về Thăm Lại Saigon
Vừa qua, 30.4. 2025, là vừa đúng 50 năm, ngày bỏ nước ra đi, ông làm bài thơ “Sài Gòn Còn Mãi Trong Tôi“, như một xác quyết, cam kết, chúng ta không bao giờ mất Sài Gòn. Sự cách biệt là tạm thời, do những biến động lịch sử, ngày hồi hương là tất yếu, chỉ còn là thời gian, ngày một ngày hai. Làm sao chúng quên những kỷ niệm mến yêu, những địa danh một thuở gắn bó, luôn là hoài vọng, tơ tưởng. Mỗi lúc nhớ về, trong những giấc chiêm bao: Bến Bạch Đằng, Gia Long, Trưng Vương, nhà thờ Đức Bà, Eden, Tax, Chợ Bến Thành, nước mía Viễn Đông, cà phê Givral, La Pagoda….
SÀI GÒN CÒN MÃI TRONG TÔI
Sài Gòn còn mãi trong tôi
50 năm dẫu xa rời cố hương
Ngập lòng những vấn cùng vương
Có bao giờ thôi nhớ thương Sài Gòn
Bến Bạch Đằng, nắng chứa chan
Cùng em dạo bước khi tan học về
Ngồi Bô-Đa uống cà phê
Hoặc ngồi góc phố ăn chè hàng rong
Nhớ những lần đến Gia Long
Tiếng cười rộn rã, tiếng lòng reo vui
Đưa em xuống phố rong chơi
Chỉ được một lúc, “Về thôi Mẹ chờ”
Chợ Bến Thành có bao giờ
Bún Riêu, Cơm Tấm như chờ đợi ai
Khi Vườn Chuối, lúc Vườn Xoài
Với bao kỷ niệm những ngày thanh xuân
Một trời kỷ niệm rưng rưng
Nhớ ơi là nhớ, nhớ từng lối quen
Nhớ lần tôi nói yêu em
Cái mặt thảng thốt bên thềm sân ga
Đó là lần tôi đi xa
Định về xin Mẹ đến nhà cầu hôn
Thế nhưng chinh chiến dập dồn
Cho tôi chia biệt Sài Gòn dấu yêu
Em một ngả, tôi một nơi
Thương em đã sống một đời éo le
Trùng dương núi chắn mây che
Quê hương mờ khuất, đường về phôi phai
Bây giờ tóc bạc như mây
Ngồi ôn lại những tháng ngày đã qua
Ở riêng một góc trời xa
Sài Gòn Hòn Ngọc mãi là… Viễn Đông.
Sài Gòn bao nỗi chờ mong
Sài Gòn in đậm mãi trong tim người
Cánh chim bạt gió cuối trời
Thương Sài Gòn – thương một thời dấu yêu.
Sau đây là một bài thơ tình của thi sĩ YÊN SƠN, ông làm giữa gió, mây ngàn, vì gã là một phi công tác chiến, gió mây ngàn là chuyện nhỏ.
GIÃ BIỆT MÙA XUÂN
Em đi theo bước chân mùa cũ
Lá biếc thôi xanh cuối tháng năm
Vườn vắng hoa tươi, bầy chim đỏ
Cũng ra đi lặng lẽ âm thầm
Cành lộc rơi theo dòng ký ức
Mưa bay như giọt lệ chia xa
Chim én cuối trời kêu rưng rức
Xuân đi để lại bóng nhạt nhoà
Xuân đến rồi đi như giấc mộng
Ta còn trông ngóng những ngày qua
Giã biệt mà nghe lòng buốt giá
Xuân đi rồi để lại mình ta
Xuân đi ta nhớ người em nhỏ
Một dạo bên nhau như bướm hoa
Bỗng chốc bặt tin như cánh nhạn
Cuối trời cô độc ánh sương pha
Có chút nghẹn ngào khi giã biệt
Nhưng làm sao giữ được Xuân ơi
Tháng năm vô tình đi mải miết
Tìm ánh sao băng ở cuối trời
Thì thôi cố giữ hương xuân cũ
Vui với vầng trăng muộn canh thâu
Không như cô nhỏ từ dạo ấy
Để lại bên ta một khối sầu.
Sau đây là: Hồi ức 1/4 Thế Kỷ, viết về một người bạn thơ của ông: Cao Đồng Khánh.
Cao Đồng Khánh, là một nhà thơ LẠ, tài hoa và cách sống.Bạn bè, đa phần quý mến ông.Tôi nghe danh ông đã lâu, nhưng chưa hề gặp mặt. Tôi nhớ, trong một lần nhà thơ HOÀNG LỘC tổ chức RMS tại salon Nails, của chị NGA, phu nhân nhà thơ Phan Xuân Sinh, gồm: Hoàng Lộc, Đức Phổ, Quang Dương, Trần Trung Đạo, Lâm Chương, Dư Mỹ, Hoàng Long Hải, Hồ Công Tâm, Hạ Thy Nhân… có mục đọc thơ.
Trong buổi đó, nhà thơ Quan Dương có nói, “Ở Hải ngoại, chỉ có Cao Đồng Khánh và Lê Mai Lĩnh đọc thơ hay nhất.” Nay, CĐK về trời, LML, một mình một chợ. Amen.
Cho đăng lại bài này:
1/ nhắc nhở mọi người, bên cạnh sinh hoạt văn chương lưu vong, còn hiện diện một Cao Đồng Khánh thi sĩ.
2/ nói lên tình yêu văn chương giữa hai người bạn: Yên Sơn, Cao Đồng Khánh.
3/ ăn theo, danh vọng hão, cái gọi là, NUMBER One, đọc thơ, sau cái One kia, về bên suối vàng.
Chuyện bây giờ mới kể
Không còn nhớ tôi quen biết Cao Đồng Khánh từ lúc nào, ở đâu, cách nào. Tôi cũng biết chàng về Houston từ California nhưng không nhớ lúc nào. Tôi lại biết chàng ở tạm cái trailer home trong khuôn viên nhà ông Đạo Tôn trên đường Findlay, chỗ vòng đai 610 phía Nam thành phố, mà cũng không nhớ chàng dọn đến từ lúc nào, rồi di chuyển qua nhà ở Vùng Southwest lúc nào.
Vâng, có nhiều thứ tôi không biết về chàng lắm, nhưng có một điều chắc chắn tôi biết, là sự thân tình của chúng tôi dành cho nhau, cũng như những bằng hữu thơ văn đếm trên đầu một bàn tay ở Houston, Texas thời thập niên ‘90 thế kỷ trước.
Năm 1991, gia đình tôi dọn về Houston, TX để tôi nhận việc mới – một công việc rất thích hợp cho đôi chân lãng tử và sở trường giao dịch của mình – Phụ tá Thương mại và Quản Lý Thị trường Pacific Rim cho hãng Minh Food’s, trực thuộc công ty thực phẩm khổng lồ Schwan’s (Pacific Rim Assistant Sale and Marketing Manager).
Với công việc nầy tôi phải bay đi đây đi đó triền miên, từ các tiểu bang nội địa Hoa Kỳ đến các nước Á châu như Nam Dương, Mã Lai Á, Việt Nam… hơn 60% tổng số thời gian làm việc. Vì thế, việc sinh hoạt trong lãnh vực văn học nghệ thuật của tôi rất hạn chế. Giao tình với anh em cũng mưa nắng thất thường. Lâu lâu gặp nhau một lần thì chén bè chén bạn, chén chú chén anh rồi tôi lại vùi đầu vô công việc. Và cũng vì thế, từ việc Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ ra đời năm 1991 cho đến sự có mặt của Cao Đồng Khánh ở Houston, của Bùi Huy, và của một số khuôn mặt văn nghệ nổi tiếng khác – nay đã trở thành thân quen – rất bất ngờ, bất chợt như Vĩnh Tuấn, Nguyễn Mạnh An Dân, Phạm Ngũ Yên, Ngô Du Trung… Và dòng đời vẫn cứ tiếp diễn như thế cho đến giữa năm 1996, tôi đành phải xin nghỉ việc để có thêm thì giờ phụ cho nhà tôi với 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn nhanh chóng lớn.
Phải đợi đến ngày 20 tháng 12 năm 1996, tôi mới thật sự kết thân với Cao Đồng Khánh sau buổi giới thiệu tác phẩm thơ văn “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” của chàng. Vẫn còn nhớ trong đêm ra mắt sách đó, một kỷ niệm khó quên; tôi bị một anh bạn ngồi bàn bên cạnh gây chuyện – có lẽ nhậu quá chén – khi tôi bực mình lên tiếng về cách ăn nói thiếu nhã nhặn, cách hành xử mất lịch sự của anh ta trong lúc giới thiệu sách. Cũng may, bạn bè đôi bên dàn xếp nên mọi chuyện cũng qua nhưng cũng mất một phần ý nghĩa đêm vui.
Buổi ra mắt rất thành công về mọi mặt; anh em bạn bè xa gần đầy đủ; văn nhân thi sĩ ở địa phương và các tiểu bang lân cận đều có mặt. Cao Đồng Khánh và tập thơ là một hiện tượng lạ cho người thưởng ngoạn đêm hôm đó. Chàng rất vui, rất phấn kích và khi khuya tàn tiệc thì ngất ngưởng cơn say, bạn bè dìu ra xe đưa về!
Tháng 4/1997, vào một chiều Thứ Bảy, tôi mời Cao Đồng Khánh và nhóm bạn văn lên thăm nhà tôi trên rừng Kingwood. Ai đi cũng than xa, kể cả ông thần xa lộ nhà mình là Cao Đồng Khánh cũng phàn nàn rằng tìm không ra Rest Area! Thực tình thì đâu có xa gì cho lắm, nếu không kẹt xe dưới phố thì chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ lái xe mà thôi; nhưng vì lần đầu tiên đi, lại chui vào khu rừng rợp bóng nên như xa vô tận! Hồi đó chưa có điện thoại thông minh, chưa “có I có S” gì sất”, lại chiều tối sợ bảng tên đường bị lá hoa che lấp, và tôi nghĩ đi theo cách tôi chỉ là dễ nhất… nên tôi chỉ đường tới cây số nào thì quẹo; chỉ anh em cứ đếm đúng 4 đèn đỏ từ ngả rẽ xa lộ thì quẹo trái, gặp ngã ba thứ hai quẹo phải, cuối đường ở Stop quẹo trái, vừa qua Stop thứ hai thì nhà bên trái; nhà có hai cây thiên tuế trồng trước ngõ…
Thế nhưng, vài xe chạy theo một xe có mấy anh em đi chung, có lẽ vì mải mê nói chuyện nên quên mất đã qua bao nhiêu đèn đỏ rồi… Hồi đó đèn đỏ còn thưa thớt lắm, lâu lâu mới có… Thế là các ngài đành quay lại ra đầu xa lộ đếm vô tiếp!
Sở dĩ tôi nói nhiều về lần nầy vì lần nầy có kỷ niệm rất đặc biệt với Cao Đồng Khánh.
Số là sau khi than phiền với tôi về “đường xa ướt mưa”… tới văng nước miếng, anh em bù khú nhau uống vùi. Chàng Cao nhà mình khi nhậu lại không chịu ăn, mà cầm chai nào nốc chai ấy tỉnh rụi. Nốc xong là nói chuyện thơ văn. Thơ của chàng Cao rất đặc biệt từ cách dùng chữ tới câu cú, rất sâu sắc, rất độc đáo; mà độc đáo hơn nữa là thơ của chàng chỉ có chàng mới đọc, mới diễn đạt, mới lột tả hết được tình ý của từng câu chàng viết, từng chữ chàng dùng.
Thơ của Cao Đồng Khánh rất riêng, rất đặc biệt, dù cũng có phân đoạn, cũng viết luông tuồng. Thơ và văn của Cao Đồng Khánh khi chàng diễn đạt thì cũng na ná giống nhau: hay và độc đáo!
Hơn quá nửa tiệc thì chàng đã có vẻ xỉn. Ép chàng ăn gì một chút gì nhưng nhất định không ăn. Chàng bước ra sân sau, nói là đi dạo một chút cho mát chứ đâu biết là đi thăm cây tưới cỏ! Đi một vòng xong, chàng bằng năm lăn trên cỏ… ngủ khò! Cũng may sân sau nhà tôi có chưng đèn sáng, thảm cỏ lại mới cắt tỉa bằng phẳng, gió rừng xuyên qua cành lá như tiếng ru, đêm rừng tháng 5 u tịch, giúp chàng chìm sâu vào giấc ngủ rất bình yên. Chúng tôi cố vực chàng dậy đưa vào trong mà chàng nhất định không chịu, cứ thẳng cẳng đánh một giấc nồng cho tới khuya tiệc tàn, anh em lại dìu chàng lên xe đưa về chốn cũ.
Theo tiểu sử trong tuyển tập thơ văn “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn”, Cao Đồng Khánh vốn là một công tử, con của thương gia Cao Đồng Hưng giàu có rất nổi tiếng ở Saigon năm xưa. Tuy vậy, chàng cũng đã hy sinh một con mắt trong quân ngũ. Giải ngũ đi du học ở Mỹ 5 năm; về lại làm thương mại với gia đình 4 năm; đi tù 4 năm; vượt biển đầu năm 1979 và cuối năm tới Mỹ. Cuộc đời chàng cũng thăng trầm, dâu bể không thiếu… nhưng chàng cứ mặc nhiên, sống hết mình, chơi tới bến nên bạn bè thương quý, anh em thân tình. Là một công tử con nhà giàu sụ, nhưng tâm tính phóng khoáng, tấm lòng hào sảng, nói cười oang oang bất kể nơi đâu; chàng có vài chiếc răng phía trước đã đi vắng, mà bạn bè nha sĩ xin giúp sửa sang, nhưng chàng nhất định không chịu… nên khi chàng cao hứng, nói huyên thuyên, anh em đều ngại bị “văng miểng”!
Cứ tưởng, với chàng, một ngày rồi sẽ như mọi ngày; nhưng không! Ngày 12/12/2000 được tin chàng đột ngột lìa đời… để lại bao nhiêu thương tiếc cho gia đình và bè bạn. Cao Đồng Khánh ra đi, những tưởng sẽ không còn ai có thể đọc thơ của chàng hay bằng chính đương sự; nhưng may quá, chàng họ Cao còn để lại được hai truyền nhân mà chúng tôi tình cờ khám phá được.
Một, dọn về Houston từ thành phố du lịch New Orlean, đó là chàng thi sĩ Lập Đông. Thi sĩ nầy nay cũng xụi lơ rồi! Khi thi sĩ không còn có thể uống được rượu thì sẽ héo queo như hoa thiếu nước! Một người khác, đó là ông đồ thi sĩ Bùi Huy. Chúng tôi đặt cho chàng hỗn danh nầy vì ngoài cái tài đọc thơ thế thân Cao Đồng Khánh, chàng còn tinh thông Hán Nôm, thích ngâm nga thi phú của các nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… Chàng dịch sang tiếng Việt rất bay bướm, rất chính xác; giọng đọc lại trầm ấm, lôi cuốn.
8 năm sau ngày chàng họ Cao đột ngột ra đi, chúng tôi, một nhóm bạn thân tưởng nhớ đến chàng; anh em tổ chức một Chiều Thơ Nhạc tưởng niệm ở vùng Bellaire vào giữa tháng 5/2008. Trong buổi sinh hoạt thấm đậm tình nghĩa nầy, anh em lại nghe Bùi Huy xuất hồn đọc thơ Cao Đồng Khánh; được nghe nhiều bạn hữu thân tình kể lại kỷ niệm của mình với thi sĩ tài hoa mệnh yểu họ Cao như Lê Cảnh Thạnh, Tuý Hà, Vĩnh Tuấn, Lan Cao mà tôi là người ít kỷ niệm nhất.
Thời gian đi thấm thoát, Cao Đồng Khánh đã từ giã anh em 18 năm rồi! 18 năm biết bao nhiêu vật đổi sao dời nhưng tình nghĩa với Cao Đồng Khánh vẫn còn nồng nàn mỗi khi nhắc đến, nghĩ về. Nay nhân dịp ông thi sĩ quân đội Trần Hoài Thư dự định làm một số báo đặc biệt có chủ đề để nhắc nhớ về người thi sĩ tài hoa mệnh yểu nầy, tôi xin góp vài trang để cùng nhau tưởng nhớ về một người bạn dễ thương đã ra đi khá lâu mà cứ vẫn tồn tại trong lòng anh em cầm bút.
Bài viết nầy là tâm tình của tôi nói về một người bạn thân thương đã quá vãng, nên nếu có sai sót gì chắc cũng chẳng phiền tới ai nhé. Chúc các bạn tôi luôn vui vẻ, mạnh khoẻ.
Rừng Vua tháng 5/2018
Thưa ông, có tới 5, 7 cái nhà, YÊN SƠN. Tôi hứa viết về ông, và tôi đã viết xong. Tôi đã hoàn thành sứ mạng, mà văn học Việt Nam lưu vong giao phó. Xin ông, trả tôi về nhiệm sở cũ với hai bà vợ + năm đứa con + 7 đứa cháu. Amen.
Lê Mai Lĩnh
Pittsburgh city, Pennsylvania state
June 12, 2025
« 3. Truyện dài “Trường Ca Cánh Đồng Hoa Vàng” | TRANG NHÀ | 4. Trường Ca Cánh Đồng Hoa Vàng » |