Chương trình VHNT 12/2023

ngày 22.12.23

Kính chào tái ngộ cùng quý thính giả Radio Saigon-Dallas KBDT1160Am.

Thưa quý thính giả. Mới đây đã gần hết tháng 12. Năm 2023 cũng sắp đóng lại. Đóng lại một năm đầy biến động đau thương. Chiến tranh huỷ diệt giữa Ukraine-Nga vẫn tiếp diễn, vẫn khốc liệt trong gần hai năm qua với bao nhiêu thương vong, bao nhiêu đổ nát, tan tác. Kẻ xâm lăng, người tự vệ… làm sống lại vết thương mưng mủ của một VN đau thương, tan nát hơn 48 năm về trước. Rồi nổ ra cuộc chiến Do Thái-Hamas… lại thêm hàng ngàn người chết, thành phố tan hoang, đất nước điêu linh với hàng trăm ngàn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất…

Thưa quý thính giả, đáng lẽ chương trình hôm nay phải là thơ văn nhạc nói về những đau thương đó, nhưng khi nhìn lại chính chúng ta, những con dân Việt xa lìa tổ quốc gần trọn nửa thế kỷ, vẫn là những phân ly, chia cách trong khi đất nước vẫn điêu linh, vẫn chìm đắm trong ách độc tài cộng sản mà con dân Việt lưu vong cũng đành bất lực. Chương trình cũng có thể nói về mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp tới… Nhưng không, trong tất cả những đau thương đó nằm ngoài tầm tay, ngoài sức lực của một người, khi mà người đó đã đi vào mùa thu vàng úa, lá khô đã và đang rơi rụng nơi nơi, mặc cho mưa nắng, mặc cho gió đùa biết rồi sẽ bị cuốn về đâu ở trong giữa cõi mênh mông trời đất.

Đã vậy, thân mẫu của chú YS cũng vừa tạ thế. Có nỗi đau đớn nào lớn hơn cho đời sống một con người là khi mất Mẹ! Vì thế, chúng tôi xin dành chương trình hôm nay để tiếp tục tưởng niệm về Cụ Bà với chủ đề Mẹ Và Quê Hương.

Để mở đầu chương trình, mời quý thính giả cùng lắng nghe phần trình bày cũng như lời tâm sự của YS, cũng là tác giả, viết về người Mẹ thân yêu vừa từ giã cõi đời qua nhạc phẩm Hành Trình Của Mẹ.

Nội dung của bản nhạc nói về sự hy sinh của hai đấng sinh thành đã phải gạt lệ từ giã những người thân yêu ở vùng đất Quảng – vùng đất khô cằn sỏi đá – để đi tìm tương lai cho con cháu khi tình nguyện đi theo chính sách di dân hay còn gọi là dinh điền của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được ban hành năm 1958.

…và đây là Hành Trình Của Mẹ

Vâng …sau những trầm luân, Mẹ yêu sum họp và vui với đàn con ở đất khách quê người, nhưng sức đã mòn, tuổi đã xế chiều, ngoài thế kỷ rồi… lại hay bệnh hoạn sau những lao khổ trong cuộc đời!

Tiếp theo chương trình, xin mời quý vị cũng theo dõi một đoản khúc có tựa đề Đêm Bệnh Viện Với Mẹ, chú YS đã kể lại một trong những đêm canh thức ở bệnh viện.

Đêm bệnh viện, trong khu ICU, ngồi canh bệnh cho Mẹ tôi. Nhìn Mẹ nằm thiêm thiếp lòng buồn bã thương Mẹ vô cùng. Tôi gọi thầm Mẹ ơi! Mẹ rán vượt qua Mẹ nhé.

Tiếng “Mẹ” dội sâu vào hồn bật lên tiếng gọi Mẹ quê hương. Ôi quê hương xa vời vợi! Ngày tháng còn lại của Mẹ tôi cũng như ngày tháng của tôi còn lại với niềm đau nỗi nhớ quê nhà. Tôi bật máy mở bản nhạc tôi đã hát với tất cả tấm lòng, hát với nỗi nghẹn ngào; đó là bản 8 Điệp Khúc, sáng tác của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu. Và cũng là bản nhạc, năm xưa cho tôi nhiều can đảm mỗi khi bay vào vùng lửa đạn; tôi đã từng nghêu ngao hát để nếu nhỡ “đi không ai tìm xác rơi” thì cũng được lòng Mẹ quê hương đón nhận.

Nhưng hôm nay ở đây, thân đất khách… Ôi quê hương tôi, một nơi chốn mịt mù xa, bên kia bờ đại dương mây che núi chắn.

Ra đi, ai biết sẽ xa càng xa
Bao năm mây trắng vẩn vơ bên trời
Từ ngàn trùng xa nghe tiếng quê hương gọi tên
Rạt rào lòng đau tiếng dế nỉ non bên thềm

(Nhạc phẩm Tiếng Gọi Quê Nhà)

Thế nhưng khi nhìn lại mình trong hoàn cảnh hiện tại thì không thể có nỗi âu lo, buồn bã nào hơn:

Sợ một mai thân nằm yên lòng đất
Hồn lẻ loi tìm không thấy quê nhà!

(Nhạc phẩm Chạnh Nhớ Ngày Qua)

Vì thế nên bản nhạc 8 Điệp Khúc vẫn luôn làm tôi xúc động mỗi nghĩ nhớ tới hoàn cảnh của mình.

Và bây giờ xin chia sẻ với quý thính giả phần trình bày của YS qua nhạc phẩm 8 Điệp Khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu.

8 Điệp Khúc

Mẹ tôi. Năm nay Người đã 102 tuổi. Trước khi Mẹ nhập viện, dù không khoẻ mạnh bình thường, dù phải thở oxy 24/24, Mẹ tôi vẫn minh mẫn, vẫn chép kinh niệm Phật hàng ngày, vẫn chờ đợi cuối tuần để gặp con cháu. Phương thuốc tiên là được đánh bài với các con. Người tỏ ra rất vui vẻ, tỉnh táo bình thường mỗi khi đánh bài. Đánh xập xám, đánh cát-tê, bài cào, xì dzách như một người khoẻ mạnh bình thường. Thường thì ván bài cuối cùng chúng tôi vờ thua dù có thắng. Chỉ đôi khi phải thắng để khỏi bị Người than phiền, “Chúng bây cố tinh thua không vui nữa.”

Dẫu biết chỉ là vấn đề tâm lý nhưng ngày nào Mẹ chúng tôi còn có thể ngồi đánh bài là chúng tôi vui ngày ấy. Cuộc sinh tử có chừa ai đâu và chúng tôi khuyến khích nhau chuẩn bị tinh thần để lỡ một ngày nào đó mùa đông có chụp tới bất chợt.

Những năm trước thời Covid19, Mẹ tôi vẫn thường lui tới nhà thương, ít nhất một lần trong năm; nhưng trong suốt thời gian hắc ám đó, Mẹ tôi gắng gượng ở nhà vì sợ. Người cũng đã từng vượt qua bao lần nguy khốn nên lũ chúng tôi cũng cầu nguyện cho Người cố vượt qua như từng đã…

Khi viết bài nầy đến đây thì được Bác Sĩ cho biết sáng mai Mẹ tôi có thể rời khỏi ICU để ra phòng bình thường, tiếp tục theo dõi. Cơn nguy hiểm, ngặt nghèo kể như đã qua. Xin cúi đầu tạ ơn Trời Phật.

Mẹ được xuất viện về nhà nhưng sức khoẻ của Mẹ không hồi phục được như xưa dù cô em gái hết lòng chăm sóc. Mẹ có vẻ kém vui hơn nhiều, đôi chân yếu hơn thấy rõ, Mẹ lần từng bước theo chiếc walker mỗi khi di chuyển và chúng tôi phải theo sát bên Mẹ. Mỗi buổi chiều Mẹ hay ngồi bên cửa sổ trước nhà ngó mong ra ngoài, mặt buồn rười rượi, không nói một lời.

Một lần thấy dáng Mẹ ngồi như thế, tôi đã viết một bài thơ tựa đề Mẹ Vọng Quê Xa

Ở số tuổi đã nhiều hơn thế kỷ
Mẹ bồi hồi… xuyên cửa sổ nhìn ra
Ôi quê hương vạn dặm vẫn mờ xa
Ôi nguồn cội có bao giờ gặp lại

Lá vàng úa với cõi lòng tê tái
Gió giập mưa vùi trôi giạt về đâu
Quê hương ơi bao nghĩa nặng tình sâu
Bao tiếc nuối không đành lòng nhắm mắt

Qua khung cửa ánh nắng chiều hiu hắt
Sương giăng mờ, vất vưởng bóng hoàng hôn
Tiếng vọng quê hương xào xạc trong hồn
Nghe nặng trĩu khúc hoài hương gõ nhịp.

Thế rồi…

Ngày 25 tháng 9 năm 2023 tôi ở Quận Cam, California về sau buổi khi tham dự buổi ra mắt tập sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại” thì đi thẳng vào phòng cấp cứu, bệnh viện Hermann Hospital Southeast, thăm Mẹ tôi vừa mới nhập viện buổi sáng cùng ngày.

Sau 3 tuần lễ trị liệu, không như những lần trước, sức khoẻ Mẹ lúc nầy lúc khác, hội đồng Bác Sĩ bệnh viện quyết định thuyên chuyển Mẹ tôi qua bệnh viện chăm sóc dài hạn, Kindred Hospital ở Webster. Mấy anh em lại thay nhau chạy vào ở với Mẹ 24/24, vì Mẹ và chúng tôi có chung một suy nghĩ, với số tuổi hơn một thế kỷ lo ngại bị y tá, bác sĩ lơ là trong việc chăm sóc, điều trị nếu không có người nhà túc trực…

Phải công nhận một điều, dù ở Herman hay Kindred, dàn y tá và bác sĩ chăm sóc cho Mẹ tôi đều rất tận tâm, chuyên nghiệp. Nhìn những người y tá, nam cũng như nữ, lau chùi rửa ráy thay tã cho Mẹ làm tôi chạnh lòng, cảm khái vì nghĩ chính tôi chưa bao giờ làm được như vậy. Và theo kiểm nghiệm bản thân sau nhiều năm ra vào bệnh viện với Mẹ, tôi cũng phải công nhận một điều, những cụ già nằm bệnh viện mà không có người thân bên cạnh sẽ là một khiếm khuyết đáng tiếc. Tôi đã tận mắt chứng kiến một cụ bệnh nhân phòng kế bên – tôi mới chào thăm hỏi trước đó không lâu vì thấy cụ bà nằm một mình – đã ra đi sau khi đèn, kèn báo động từ trong phòng kêu inh ỏi, trong lúc tôi đang lo cho Mẹ tôi ăn tối, mà tới cả 10 phút sau y tá mới vào được; khi y tá vào thì gọi ngay đội cấp cứu nhưng không còn kịp nữa… Khoảng nửa tiếng sau người nhà mới vào tới chỉ có thể để gào khóc tiễn biệt một linh hồn!

Sau hơn 3 tuần lễ ở Kindred, sau khi ra khỏi phòng cấp cứu mấy hôm ở phòng thường, bác sĩ đã xác nhận phổi của Mẹ tôi không còn tự hoạt động bình thường được nữa, dù đầu óc vẫn rất tinh anh, sức cầu sống vẫn rất mạnh mẽ nhưng phải dùng máy trợ thở 24/24. Hội đồng bác sĩ ở Kindred đã nói chuyện với gia đình là họ sẽ cố giữ Mẹ sống được lúc nào hay lúc đó và khuyên chúng tôi nên chuẩn bị tinh thần.

Trưa 8/11 tôi vào thay cho chú em. Tôi chào Mẹ, Mẹ gật đầu tỏ vẻ có nghe biết dù mắt vẫn nhắm nghiền. Y tá vẫn vào ra cho Mẹ uống thuốc, thay tã bình thường. Bác Sĩ Tim, Bác Sĩ Phổi ghé ngang qua, chỉ khám sơ và nói những lời an ủi. Họ vẫn nói với tôi là sức khoẻ của Mẹ đến hồi cạn kiệt, và lại nhắc nhở gia đình nên chuẩn bị tinh thần.

Vâng, bản thân tôi đã chuẩn bị tinh thần từ rất lâu; tôi thừa hiểu lẽ sinh tự, sắc không của đời người; tôi đã viết một vài nhạc phẩm, một vài bài thơ nói về cuộc sống con người… Thế rồi đến 7g50 tối, khi tôi đang đọc bài trên computer thì tiếng máy báo động, tôi chỉ kịp nhìn lên thấy tất cả các con số trên biểu đồ tim mạch của Mẹ rớt nhanh xuống zê-rô, Mẹ tôi ngưng hơi thở trước cặp mắt mở trừng trừng của tôi. Chỉ một tiếng trước đó Mẹ còn than mệt quá con ơi rồi lịm dần vào giấc ngủ. Sau khi y tá, bác sĩ xem xét, tra cứu cẩn thận… đến 8g 8 phút thì xác quyết Mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Tôi đã rất bình tĩnh cầu nguyện để Mẹ thanh thản ra đi, rất bình tĩnh gọi báo tin cho tất cả anh chị em. Rồi những ngày tang lễ tôi cũng cố hết sức để không thêm sự bi luỵ cho các em và những thành viên của gia đình…

Vẫn biết Mẹ tôi đã có một cuộc sống trọn vẹn hơn một thế kỷ và thấy Mẹ thanh thản ra đi cũng mừng cho hương linh Mẹ. Thế nhưng, càng ngày càng thấy cái sự mất Mẹ không dễ dàng như tôi tưởng! Thỉnh thoảng trong đầu tôi vang lên 3 tiếng, “Mất Mẹ Rồi,” làm tim đau nhói, làm cay đôi mắt! Dù vậy, tôi cũng cố gắng đóng cho trọn vai trò tích cực của người con đầu đàn và tiếp tục cùng anh chị em, con cháu nguyện cầu để Mẹ tôi được sớm vãng sanh tịnh độ.

Ý nguyện của Mẹ tôi là được hoả thiêu và mang tro cốt Người về chôn giữa mộ Ba và anh thứ của tôi. Lô đất vốn đã được dành sẵn cho Mẹ từ lúc Ba tôi ra đi. Tôi rất đau lòng là tôi không thể tự mình đưa hài cốt Mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng, vì tôi không thể về được khi mà bạo quyền cộng sản còn tiếp tục cai trị đất nước một cách độc tài, độc tôn; còn cưỡi trên đầu trên cổ người dân; còn quỵ luỵ hèn hạ dưới chân bọn giặc Tàu phương bắc.

Xin nguyện cầu hương linh Mẹ thanh thản ra đi về cảnh giới Cực Lạc. Lời cầu nguyện của con, “Cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát ban cho Mẹ sống vui trọn vẹn bên con cháu, nếu một ngày nào đó phải ra đi thì xin không bị đau đớn, khổ thân.” Lời cầu nguyện đã linh ứng, Mẹ ra đi trong giấc ngủ sâu trước mắt con.

Mẹ thanh thản ra đi, con mừng cho Mẹ nhưng lòng con vẫn bùi ngùi, đầu óc con trống trơn ngoài câu chữ cứ vang vang, “Con mất Mẹ rồi,” tim con thắt lại và mắt lại cay cay!

Dẫu biết Mẹ sống dài hơn thế kỷ
Và lũ con đã hạnh phúc hơn người
Dẫu vẫn biết cuộc đời như mộng mị
Nhưng Mẹ đi rồi buồn lắm Mẹ ơi!

Ai cũng biết không thoát vòng sinh tử
Kiếp con người trong bể khổ trầm luân
Nhưng Mẹ ơi, mất Mẹ lòng không nỡ
Thương nhớ ngập lòng, nuối tiếc bâng khuâng

Dẫu vẫn biết có sinh tất có có diệt
Đến rồi đi chỉ là lẽ thường tình
Nhưng mất Mẹ, ôi ngậm ngùi khôn xiết
Mẹ đi rồi còn vang vọng lời kinh

Dẫu vẫn biết Mẹ sống đời trọn vẹn
Rồi ra đi rất thanh thản như mơ
Nhưng mỗi khi nhớ… tim con ứ nghẹn
Kể cả lúc nầy đang ngồi viết bài thơ

Con nguyện cầu ở bên kia cuộc sống
Mẹ được vãng sanh về cõi Niết Bàn
Chỉ xin nhắc Mẹ lâu lâu nhìn xuống
Che chở đàn con lũ cháu được bình an…

Kết thúc chương trình.
20/12/2023


« TRANG NHÀ »