…NHỮNG TÂM TÌNH CHỜ THÊM

ngày 15.01.24


THƠ YÊN SƠN
VÀ NHỮNG TÂM TÌNH CHỜ THÊM
ÐOẠN KẾT

Tập thơ đầu tay của Yên Sơn được ra mắt vào chiều ngày 12 tháng 3 năm 2000 tại Oakland.

Tôi đọc nhanh, lần đầu, các bài thơ hối hả như lúc còn ở quê nhà, tìm đến bờ sông để tắm mát trong những ngày nóng bức; nhảy ùm vào dòng nước mát, thả căng tay chân thoải mái trong trạng thái trôi dạt lửng lờ. Ðọc lại tập thơ lần thứ nhì; thần trí miên man như lúc nằm dài trên thân cầu dừa bắc ngầm sâu trong lòng nước, nghe hơi mát của nước mơn trớn thịt da; mắt nhắm nghiền mà vẫn cảm thấy được hơi ấm và ánh rực rỡ của nắng:

“Tôi nắng cháy màu da vàng của mẹ
Mẹ Việt Nam yêu dấu biết chừng nao”

(Cho quê hương, trang 24)

Ðẹp biết bao thuở sống ở quê nhà! Có xa cách làng quê, mới thấy nỗi nhớ quê dằn vật tâm can như thế nào. Từ Mẹ là đất nước, là xóm làng cho đến mẹ là người săn sóc từng miếng ăn, tấm áo, chén thuốc, nỗi lo. Hình ảnh của mẹ muôn đời là biểu trưng của tình yêu thương đằm thắm vô bờ. Nên đọc thơ của Yên Sơn, lòng sao bùi ngùi:

“Con lớn rồi
Nhưng hãy còn thơ dại
Mẹ hiền ơi dâu bể biết chừng nao
Tiễn con đi, Mẹ sùi sụt nghẹn ngào
Con cúi mặt bước nhanh lòng trĩu nặng”

(Tiễn con, trang 13)

Cho dầu con có là bao nhiêu tuổi, nếu mẹ còn sống, mẹ vẫn coi đó là đứa con khờ dại. Nói gì ngày ở tuổi 20, giã từ mẹ để vào quân ngũ; súng đạn vô tình, Mẹ không lo sao được. Vậy mà đã đủ đâu, những đứa con đó còn phải đi xa lắm, đi xa bởi những cưỡng buột mất mát, để:

“Từ khi lìa biệt xứ
Trong vội vã kinh hoàng
Sau lưng quê mẹ lầm than
Từng đêm lệ ứa, lòng tan nát lòng…”

(Quê hương bỏ lại sau lưng, trang 123)

Có những đứa con không kịp giả biệt cha mẹ ngày đi, như án bức bách lưu đày biệt xứ:

“Tháng ngày gầy lụn đi qua,
Mới hôm nao bỏ quê nhà ra đi.
………………………
Quê hương vạn dặm sơn khê

Biết năm nao mới quay về chốn xưa.
(Tha hương, trang 45)

Ngày-về-quê-hương là một ám ảnh không nguôi, khi âm ỉ, khi sống động trong lòng của từng người lưu xứ:

“Xót đời con lắm mẹ ơi,
Thịt xương nầy chẳng lẽ phơi đất người.
Con quỳ lạy Phật lạy trời
Xin cho con gặïp lại người thân thương.”

(Kiếp đọa đày, trang 46)

Ðó là lời uất nghẹn của triệu người Việt Nam đã khóc khi bỏ đất nước ra đi. 30/4/1975, hết đời nầy qua đời khác, ngàn năm sau, lịch sử VN vẫn không thể nào xóa được vết đau thê thảm của ngày mà ngoại bang toại nguyện, đánh đổi bằng mạng sống của hằng triệu người Việt, bằng sự bất hạnh triền miên của hàng chục triệu gia đình ở hai miền Nam Bắc. Tại sao người dân lành đát Việt phải hứng chịu mọi thảm sầu, khi mà ước vọng của đông đảo quần chúng vô cùng bình dị?

“Mộng bình thường là trở về quê cũ
Ðốt nén hương quỳ bên mộ nguời cha
(Mòn mõi trông con bóng xế tuổi già
Ðã vĩnh viễn lìa đời trong cô quạnh).”

(Ước Vọng, trang 135)

Mười năm, hai mươi năm, hai mươi lăm năm, tuổi không thể chờ người. Có những cha những mẹ tuổi già, sức yếu… đã lần lượt tức tưởi ra đi vĩnh viễn. Còn những người con. Họ đã sống ra sao và họ đã nghĩ gì?

“Mười sáu năm luân lạc
Ta làm gì cho ta
Làm gì cho quê mẹ
Cho những người thân xa”

(16 năm; trang 75)

Tự thân những người con đó tuổi đời cũng chồng chất thêm nhiều. Trong kiếp sống tha hương long đong trôi giạt, bè bạn gần xa là niềm an ủi của những con người Việt Nam đã gánh chịu một số phận nghiệt ngã còn hơn cả dân Do Thái ngày xưa. Nên còn gì xót xa bằng khi có thêm mất mát:

“Hôm nay nhận được tin
Thằng bạn xưa đã tịch
Bạn ngày xưa đi lính
Giờ bỏ mạng xứ người
Ôi mạng sống người đời
Như bóng câu qua cửa.”

(Vĩnh Biệt Lê Tiến Bộ, trang 77)

Giọt nước mắt khóc cho bạn bè cũng đã tuôn rơi ở năm nào xa lắm, mà sao nhớ như mới hôm qua:

“Thế rồi
một sớm anh hiên ngang đi vào lòng đất mẹ
trả nợ quê hương thỏa chí tang bồng.”

(Huyền Thoại Thế Kỷ 20, trang 30)

Gương mặt của bạn bè, gương mặt của những thiếu nữ một thời dính dáng với tình yêu… chỉ còn trong nỗi nhớ khi lòng chợt đoài đoạn nhớ về vùng đất ngập đầy kỷ niệm xưa:

“Gửi em yêu dấu, Saigon
Chôn vào lòng đất để còn trăm năm
Ta chừ lặng lẽ âm thầm
Cố đi hết quảng đường trần nổi trôi.”

(Sau 17 năm trôi nổi, trang 83)

Như Yên Sơn nói “… thơ và tình yêu xưa nay vẫn như bóng với hình không phân cách được.” Mỗi lời thơ là một thố lộ tâm tình. Nhà thơ biết rất rõ những gì họ muốn chuyển đạt đến người đọc, những gì họ muón bộc bạch để tâm sự đuợc vơi đi, nhất là tâm sự của những người bị bức bách lưu vong:

“Sao tôi vẫn xót xa cười
Vẫn mòn mỏi sống
Vẫn vui não nề
Vẫn cúi đầu bước đi về rời rã
Vẫn thu đông xuân hạ tịch liêu.”

(Sao tôi vẫn xót xa cười, trang 49)

Ai hiểu được lòng người tị nạn? Vật chất tràn đầy không xóa lấp hình ảnh mái tranh nghèo, bữa cơm thanh đạm. Ðêm nhạc màu mè không làm lòng quên câu vọng cổ buổi trưa hay lời ru êm giữa canh thâu:

“Từ khi trở bước xa tình
Ta luôn lạc lõng giữa đình đám vui.”

Ði giữa phố ồn ào, chen chúc guốc giày, người lữ thứ vẫn là người đi lạc trong một thế giới cần thiết cho sự- sống-không-chọn-lựa của người-tù-không-án. Anh bị lưu đày biệt xứ; tôi cũng bị lưu đày biệt xứ, làm sao nói hết nỗi đắng cay. Mấy mươi năm lưu lạc, không thể tìm thêm được một giọt lệ cho vơi lòng đau đớn về một thân phận lạc loài ở nơi không bao giờ có thể là quê hương mình, dù có được gọi bằng danh từ hoa mỹ “quê hương thứ hai”:

“Gió lùa con phố đìu hiu
Dáng ai ngơ ngác giữa chiều mưa bay.
Chia tay buổi ấy còn đây
Hồn rong rễ mục, cỏ cây hửng hờ
Ngày qua ngày quá bơ vơ
Ru cô đơn ngủ trên bờ quạnh hiu.”

(Bơ Vơ, trang 65)

Gom góp tâm tư dành cho một bóng hình được vun bồi bằng kỷ niệm có thể là một lối thoát êm ái cho tình cảm, khi mà:

“Ta vẫn ở nơi nầy vẫn như người sơ ngộ
Ta vẫn ở nơi nầy vẫn xót mình tha hương”

(Như nước chảy qua cầu, trang 71)

thì người trong mộng cũ chắc không thể dửng dưng để không đọc những lời như tâm bút:

“Viết tặng em bài thơ
mừng ngày mình gặp lại
nói tất cả em nghe mà không ngần ngại
Không như ngày xưa…
Thôi xưa quá xưa rồi!”

(Gặp người dĩ vãng, trang 70)

Có thật là đã xưa lắm rồi không? Xưa lắm sao lòng vẫn căng trải như những sợi tơ xao động theo từng cơn gió nhẹ!

Tập thơ của Yên Sơn là hồi ký bằng văn vần về một đời người. Hồi ký đó sẽ được tô điểm nhiều hơn bằng những câu trả lời còn bỏ lửng:

“ta xin hẹn với em
thế nào cũng trở về
dù bằng một thân thể gầy mòn
hay một nắm tro tàn sót lại
vì ta không thể quá ngu ngơ, khờ dại
bỏ xác ở quê người
làm phân bón cho cỏ cây”

(Bảy ngàn ngày đêm, trang 84)

Tập thơ thanh nhã gồm những bài thơ đã được sáng tác từ ba mươi lăm năm trước…, và có những dòng thơ vẫn liên tục giăng trải tâm tình của một trái tim chan chứa yêu thương.

Lời thơ của Yên Sơn biểu lộ tất cả tâm tình của người luôn vọng cố hương và trân quý giữ gìn tất cả những gì đã hóa thân thành hoài niệm.

Bằng lời thơ bình dị, chân thành, thi phẩm là cánh cửa mở ra sự cảm thông, nối kết tự nhiên của tình cảm của người viết và người thưởng thức thơ văn.

Nguyễn Kim Long Phụng
Tháng 3/2000


« TRANG NHÀ »