Cảm nhận nhạc phẩm “Chiều Trên Sông Tương”

ngày 1.12.23

Đậm chất trữ tình trong dặt dìu lãng đãng và dịu êm

(Vài cảm nhận khi nghe xem video nhạc phẩm Chiều trên sông Tương của Yên Sơn)
ngọc tự.

Vào những khi vắng lặng, yên tĩnh, không vướng bận với mọi thứ chung quanh, tôi thường mở máy, lướt tìm xem các trang mạng. Và rồi thật bất ngờ, tôi đã được nghe xem video nhạc phẩm Chiều trên sông Tương của Yên Sơn:

https://youtu.be/ezovY9ZukhU?list=PL82JSDvzkD4QmI2jNO9HGNQrstvc-WU0f

Thoáng nhìn nhan đề bản nhạc, tự nhiên thấy có chút gì rất quen quen. Tôi nhớ ngay đến nhạc phẩm Ai về sông Tương của nhạc sĩ Thông Đạt (Văn Giảng) viết từ năm 1949, cũng có thấp thoáng hình ảnh một câu chuyện tình, nơi bối cảnh một con sông, trong điển tích cũ.

Vậy là từ đó đến nay, hơn 70 năm qua, trong lãnh vực âm nhạc, hình như mới có thêm một tác giả khác nữa là Yên Sơn, đã mượn bóng dáng hình ảnh thoáng qua về tình yêu nơi điển tích câu chuyện tình giữa Lương Ý Nương và Lý Sinh và dòng sông Tương, để cảm nhận và viết lên bản tình ca Chiều trên sông Tương, một sáng tác mới nhất của mình.

Chúng tôi không dám có ý so sánh Ai về sông Tương đã quá nổi tiếng và quen thuộc, nhưng chỉ muốn nói rằng Chiều trên sông Tương cũng có những sắc thái riêng, khi nói đến chuyện tình yêu và nỗi thương nhớ, mỏi mòn thủy chung đợi chờ nhau của người đang yêu, mà lại phải xa cách nhau.

Câu chuyện tình thật đẹp Lương Ý Nương & Lý Sinh là biểu tượng của tình yêu luôn chung thủy sắt son, vẫn mãi đợi chờ nhau, dù có phải chia ly, ngăn cách.

Như chúng ta đã biết câu chuyện tình yêu này có liên quan đến con sông Tiêu Tương thuộc tỉnh Hồ Nam bên Trung Quốc. Vào đời nhà Chu, thời Ngũ Quý ngày xưa (907-955), ở một vùng ven sông Tương, có gia đình họ Lương, sinh được người con gái là Ý Nương, nhan sắc rất xinh đẹp, lại hay chữ và giỏi thơ văn. Còn Lý Sinh, một hàn sĩ thanh tú, là khách trọ tại nhà họ Lương. Một đêm trăng, trai tài gái sắc bất ngờ gặp nhau, rồi từ đấy cảm mến và nảy sinh tình yêu quyến luyến, không muốn rời xa nhau nữa. Ông bố biết được giận quá, liền tức khắc đuổi ngay Lý Sinh ra khỏi nhà. Từ đấy Ý Nương tột cùng đau khổ trong tuyệt vọng, rồi từ nỗi sầu tương tư, thương khóc cho tình yêu của mình, đã gửi gắm nỗi lòng qua bài thơ “Trường Tương Tư”, nổi tiếng, vẫn được lưu truyền, lời thơ vô cùng não nề ai oán, có những câu như: “Người bảo sông Tương sâu. Tương tư sâu gấp bội. Sông sâu còn có đáy. Tương tư chẳng bến bờ,” “Chàng ở đầu sông Tương. Thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau không gặp mặt. Cùng uống nước sông Tương…” Lý Sinh đọc được bài thơ này lấy làm cảm thương, quyết chí nhờ người mai mối xin cưới Ý Nương. Rồi thì sau cùng Lý lão gia cũng xiêu lòng, thuận cho hai người được nên duyên vợ chồng.

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong mọi lãnh vực nghệ thuật như thơ, văn, hội họa… Riêng trong âm nhạc lại càng vô cùng phong phú. Có rất nhiều tác giả và những sáng tác, trải qua nhiều thời gian, và vẫn luôn còn tiếp tục viết về tình yêu với đủ mọi góc cạnh, trong những bối cảnh không gian khác nhau: có hạnh phúc sum vầy, có nghẹn ngào chia ly và mỏi mòn thương nhớ đợi chờ…

Trong tình yêu cuộc sống đời thường, khi phải chia ly ngăn cách là đối diện với những gì đau khổ vật vã, lệ sầu khóc thương nhung nhớ.

Nhưng dưới cái nhìn của người nghệ sĩ, chia ly ngăn cách trong tình yêu lại mang một nét đẹp, được thi vị hóa, mơ mộng hóa để dịu dàng hơn, bâng khuâng trầm lắng hơn, tuy vậy vẫn không thiếu đi nỗi tha thiết, khắc khoải mong chờ trong thương nhớ vô vàn.

Như hôm nay, Yên Sơn với Chiều trên sông Tương.

Đây không phải là một bài nhận định hay phê bình về âm nhạc, mà chỉ là một vài cảm nhận trực giác cá nhân, sau khi nghe xem xong video nhạc phẩm này.

Cảm giác đầu tiên khi hình ảnh và những nốt nhạc cuối cùng của video nhạc vừa chấm dứt là một nỗi bâng khuâng dịu dàng quá.

Cũng vì quá thường quen nghe những nhạc phẩm viết về tình yêu của các tác giả thời danh, nên bản tình ca Chiều trên sông Tương của Yên Sơn như một làn gió mới khác lạ ùa đến, mang theo những cảm xúc khó tả.

Chiều trên sông Tương lấy bối cảnh một buổi chiều. Chiều là thời gian giao thoa giữa ngày và đêm, là thời khắc của trầm lặng. Còn gì buồn bã hơn trên dòng sông vắng vẻ tịch mịch khi chiều đang dần xuống và đêm về, như càng làm tăng thêm nỗi cô đơn dâng tràn tâm cảm người tình, trong nỗi nhớ đến người mình yêu. Khúc tình ca ngày vui cũ bên nhau ấy, bây giờ sao nghe như văng vẳng tiếng trách hờn. Hình ảnh bầy chim bay về tổ, con thuyền hững hờ trôi xuôi vô định trên sông nước mênh mông, mờ khuất trong sương khói ráng chiều lãng đãng, giữa hàng cây thinh lặng, hòa lẫn trong tiếng vạc kêu sương u hoài và tiếng tiêu ai thổi buồn tênh theo cơn gió vô tình, se sắt quá nỗi lòng người thủy chung, vẫn đang kiên trinh chờ mong người về với nhau bên sông chiều nay, cho dù còn phải ngăn cách chia xa bao lâu nữa, cho dù cô đơn lạnh lẽo giữa vời vợi hoang vắng bao quanh.

Những hình ảnh ấy trong khung cảnh ấy được đưa vào từng chuỗi nhịp điệu trầm bổng da diết và một giai điệu trầm buồn, bằng những ca từ gợi nhắc, khiến cho nỗi sầu cô đơn chờ mong như càng thêm xoắn quyện chặt hơn vào hồn người đang khắc khoải đợi chờ.

Nỗi đợi chờ trong Chiều trên sông Tương đẹp quá, diễn tả buồn sầu nhưng không sướt mướt, bi lụy ảo não, không vật vã trách hờn than thở. Mượn từng cảnh sắc bên ngoài để nói thay cho tiếng lòng. Mà vẫn thật tha thiết nồng nàn, nhẹ nhàng chơi vơi thanh thoát biết bao.

Đấy là cái nhìn đằm thắm của người nghệ sĩ Yên Sơn về nỗi khổ hạnh chia xa của những người yêu nhau qua Chiều trên sông Tương, một bản tình ca đậm chất trữ tình trong dặt dìu lãng đãng và dịu êm.

Với những ai đang yêu nhưng phải chia phôi xa cách nhau, đừng vội nghĩ là mình đành nhận chịu lấy cô đơn cho riêng mình. Yên Sơn và Chiều trên sông Tương đã cảm thông và chia sẻ trọn vẹn với các bạn đó.

Cuộc đời thật đẹp và mang nhiều màu sắc là nhờ có những người nghệ sĩ, cùng với các sáng tác nghệ thuật của họ, tô điểm thêm cho từng góc cạnh.

Yên Sơn, ngoài các sáng tác thơ văn phong phú, còn có hàng trăm ca khúc nhiều thể loại, đã thể hiện sự rung động của mình với những gì chung quanh, đưa vào từng tác phẩm để bày tỏ biểu cảm, chia sẻ với đời, với người… mà Chiều trên sông Tương là sáng tác mới nhất.

Xin cám ơn người nhạc sĩ tài hoa. Chúng tôi luôn mong đợi những sáng tác mới nữa của anh.

Cũng xin cám ơn giọng hát trầm ấm Nguyễn Hậu, đã diễn tả trọn vẹn những gì tác giả bản nhạc muốn gửi gắm, cùng với những hình ảnh làm nền cho video clip quá tuyệt vời.

ngọctự
(Richmond, Texas tháng 11/2023)


« TRANG NHÀ »