Gửi anh Huy Phương và bằng hữu

ngày 3.06.21

Vài hàng chia sẻ với anh Huy Phương và bằng hữu

Cám ơn nhà văn Phạm Tín An Ninh đã email cho tôi biết là anh, và nhóm bạn bè thân quen trong giới cầm bút, sẽ làm một số báo đặc biệt để vinh danh một nhà văn Quân Đội, người mà tôi đã được hân hạnh giao tiếp, quen biết lâu năm, và cũng đã một lần cùng văn thi hữu tổ chức một buổi ra mắt sách cho anh tại thành phố Houston, Texas.

Vâng, tôi đang nói tới Nhà Văn Quân Đội Huy Phương Lê Nghiêm Kính.

Tôi biết anh Huy Phương đang cư ngụ ở vùng nắng ấm Anaheim, California. Năm nay dường như anh đã trên 80 tuổi đời rồi, một con số dù không lạ lắm cho thế hệ chúng tôi, nhưng với tôi nó vẫn như cao khó với. Mỗi lần thấy anh thao thao bất tuyệt trên TV là tôi vô cùng ngưỡng mộ sự uyên bác, thông thái tự nhiên của anh. Tôi biết anh có trí nhớ rất tốt, nhưng bệnh tình đã vùi dập anh bao lâu nay, không biết anh có còn nhớ tới cái tên Yên Sơn trong hàng trăm, hàng ngàn bạn bè của anh không nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ đến anh, một người cả một đời loanh quanh với chữ nghĩa; một đàn anh trong quân đội, cựu SVSQ Khoá 16 Thủ Đức; anh ra trường về phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến cho đến ngày sẩy đàn tan nghé. Sau khi mãn hạn tù về, có cơ hội đến được bến bờ tự do, anh tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút và những bình luận sắc bén của anh trên các phương tiện truyền thông. Nói như anh Phạm Tính An Ninh, “Trong binh nghiệp, anh cầm bút nhiều hơn cầm súng. Nay chúng tôi đã buông súng, nhưng anh thì chưa hề buông bút.”

Vài năm trước, trước khi đại dịch bùng phát, tôi có dịp về Orange County, gọi anh và ngỏ ý muốn gặp thăm nhưng đúng lúc anh không được khoẻ dù vẫn có tiếng cười quen thuộc qua phone. Anh xin lỗi và hẹn một dịp nào khác nếu tôi có về lại Cali và nếu sức khoẻ anh còn cho phép.

Dù không thường liên lạc với anh, dù tôi ở tận Texas xa xôi nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe thấy anh trên báo, trên đài. Nhưng bẵng đi một thời gian đứt liên lạc, tôi vẫn nghĩ thời đại Covid cũng là chuyện bình thường, nhưng quả thật giật mình khi nhìn tấm hình anh chụp chung với anh Phạn Tín An Ninh nhân dịp anh ấy ghé thăm. Vâng, tôi không thể tưởng tượng được một “lão nhà văn đã thực sự héo úa!”

Tôi chưa có được hân hạnh cầm trên tay Tuyển Tập Huy Phương Ga Cuối Đường Tàu, nhưng được anh Phạm Tín An Ninh nhắc đến trong bài viết của anh ấy; tôi rất thích đoạn anh đề tặng ở trang đầu tập sách, “Nếu cuộc đời là những chuyến tàu thì cuối cùng, chúng ta ai cũng có một nhà ga để xuống, có điều sớm hay trễ mà thôi. Và đến một tuổi, một lúc nào đó, chúng ta phải nghĩ là đã đến lúc sắp xuống tàu. Vì vậy tác phẩm này, hôm nay đến tay bạn đọc, được xem như là một nhà ga cuối, cuộn chỉ thời gian đã kéo gần hết, quỹ thời gian chẳng còn được bao nhiêu!” Và… “Huy Phương Tuyển Tập,” xin gởi đến bằng hữu và bạn đọc như là một món quà chia tay.”

“Món quà chia tay!” Đọc xong đoạn trích, lòng tôi chùng xuống với chút ngậm ngùi; dẫu biết cuộc sống con người ai cũng sẽ phải ra đi cũng như con tàu nào rồi cũng sẽ về ga cuối. Thưa anh, hy vọng anh còn khoẻ để cuối tháng 6 tới, tôi về bên đó tìm dịp thăm anh.

Xin gửi đến anh và bằng hữu vài câu thơ cảm tác thay một lời chào:

Trên Sân Ga, Cuối Đường Tàu
Ngập ngừng chưa biết về đâu ơi người
Dẫu chi cũng hết một đời
Được-thua-còn-mất-đầy-vơi đã thừa

Còn lại đây chút hương xưa
Sau bao sớm nắng chiều mưa nhọc nhằn
Chút quà mọn gửi bạn văn
Huy Phương Tuyển Tập để còn nhớ nhau

Chia tay Ga Cuối Đường Tàu
Nâng ly rượu tiễn lệ trào ướt mi
Một mai kẻ ở người đi
Bài thơ viết vội đậm ghi chút tình

Biết rồi sẽ đến phiên mình
Nhưng cũng cảm khái chút tình thân quen
Còn bao nắng nhạt chiều êm
Còn bao sớm xuống chiều lên hỡi người

Ga nào đợi bước chân tôi
Mà nghe lãng đãng cuối trời hư vô
Nghiêng bầu rượu tìm hồn thơ
Ga chiều nhạt nắng, sương mờ giăng giăng

Kingwood
28/5/2021


« TRANG NHÀ »