Gửi chị MĐ Hoài Trinh

ngày 25.08.14

Minh Đức Hoài Trinh
Chị Luôn Là Ánh Đuốc Soi Đường

Trong lãnh vực văn nghệ, dẫu có chiếu trên chiếu dưới, đẳng cấp có khác nhau; dẫu có cả rồng lẫn tôm, có cả người trẻ và người không còn trẻ… nhưng đặc biệt không ai muốn mình già, bị liệt vào hạng già lão hoặc tự nhận mình đứng ở hàng con cháu. Vì thế, trong giới văn nghệ, không ai có thể tìm thấy các chức danh “cô dì chú bác” ngoài những danh từ thân mật “anh chị em, văn thi hữu”.

Và cũng chính vì lẽ đó, tôi rất hân hạnh gọi nhà văn Minh Đức Hoài Trinh bằng chữ “chị” thân thương, bằng chữ “văn hữu” quý mến.

Chị Minh Đức Hoài Trinh dẫu ra đời trước tôi hơn chục năm… nhưng trong lãnh vực văn chương, chữ nghĩa chị đã đi trước tôi một quãng đường khá dài mà chắc chắn có cố gắng cách mấy tôi cũng sẽ không bao giờ bắt kịp được chị.

Khi tôi tập tểnh có thơ đăng báo thì chị đã rời chiến khu sau 4 năm sinh hoạt Văn Hóa Kháng Chiến để trở về Huế tiếp tục việc học, rồi sang trời Tây học ngành báo chí và bắt đầu viết bài cho nhiều tờ báo Việt Nam thời bấy giờ. Khi chị tốt nghiệp đại học, chị được đài truyền hình Pháp ORTF tuyển làm phóng viên – một nữ phóng viên đầu tiên gốc Việt – và đặc phái qua các chiến trường sôi động Algérie, Do Thái và Việt Nam… thì tôi đang là sinh viên loanh quanh, dao động ở sân đại học thêm cả năm dài trước khi quyết định nhập ngũ tòng quân vì chiến tranh lan tràn lên cả ghế nhà trường!

Từ 1969 cho đến 1972, chị lại được đề cử để theo dõi và tường trình về Hòa đàm Paris. Chị đã hoàn tất tốt đẹp các công tác phức tạp đã gây được tín nhiệm nghề nghiệp đối với mọi người, mọi nơi; trong khi tôi mới thực sự nhập cuộc chiến sau các quân trường huấn luyện từ Việt Nam qua tới Mỹ rồi về lại Việt Nam, dạn dày chinh chiến cho tới ngày sẩy đàn tan nghé!

Sau Hiệp định Ba Lê chị rời Pháp về Việt Nam để tiếp tục dấn thân vào ngành giáo dục, viết báo và sáng tác. Cùng lúc giảng dạy môn báo chí tại Đại học Vạn Hạnh, chị vẫn viết không ngừng nghỉ, đã cho ra đời trên 25 tác phẩm thuộc đủ lọai… và thuyết trình tại các Hội thảo văn hóa quốc tế ở Indonesia, Mã Lai và Thái Lan. Ngoài những công việc vừa kể, chị còn có đủ thì giờ cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí như Bách Khoa, Phổ Thông, Sáng Tạo, Cao Đẳng Quốc Phòng, v.v.., chưa kể là hội viên hoạt động của Văn Bút Việt Nam. Chị cũng là tác giả những bức tâm thư của em gái hậu phương gửi các anh tiền tuyến được đăng hàng ngày trên Nhật Báo Đông Phương và có rất nhiều bài thơ được các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Trần Quang Hải… phổ nhạc. Không ai có thể nghĩ rằng trong một thân hình phụ nữ mảnh mai như chị lại có một sức làm việc khủng nhiếp như vậy.

Tháng 4.1975 Miền Nam Việt Nam sụp đổ, chị Minh Đức Hoài Trinh di tản qua Pháp, không kịp nghỉ ngơi, chị bắt tay vào việc xuất bản tạp chí Hồn Việt Nam tại Paris và phụ trách một chương trình Việt ngữ trên Đài phát thanh Pháp ORTF cho đến ngày sang định cư lâu dài ở Mỹ. Và sau tháng Tư đau thương đó, tôi xấc bấc xang bang tìm con đường sống, lập gia đình và nặng nợ áo cơm!

Năm 1991, vì công việc làm, tôi rời California dọn về Houston. Trong năm đó, tôi được bạn bè giới thiệu với chi nhánh Văn Bút Nam Hoa Kỳ (VBNHK). Nhưng có lẽ vì phải vật lộn với áo cơm gia đình nên duyên chưa bén. Rồi với những xáo trộn thời Viên Linh, tôi tiếp tục kính nhi viễn chi… để rồi đầu năm 1998 tôi gia nhập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) với niềm tin và tất cả hãnh diện của một người cầm bút. Mặc dù lúc đó VBVNHN đang gặp nhiều tai biến từ những người mang danh trí thức hải ngoại, nhưng khi tìm hiểu và đọc thấy tâm tư và nguyện vọng của người sáng lập – chị Minh Đức Hoài Trinh – “mục tiêu thành lập VBVNHN là để có tiếng nói chính thức trên văn đàn Quốc Tế; để vận động với các thành viên Văn Bút Quốc Tế (VBQT) cùng tranh đấu hữu hiệu cho quyền tự do phát biểu của người cầm bút tại quê nhà”… tôi rất khâm phục và tâm đắc. Tôi nghĩ mình đã bị cướp súng trên tay giữa lúc cố bảo vệ quê hương; bây giờ trong hoàn cảnh ly hương chỉ còn lại cây viết, phải hợp đoàn để gây sức mạnh đấu tranh qua con đường chữ nghĩa. Tôi vô cùng cảm phục sự tích cực không mỏi mệt của chị trong việc gầy dựng nên tập thể VBVNHN 1979; sự nhiệt tình tham gia tất cả các phong trào để chống lại những sự đàn áp các nhà văn, nhà báo khắp nơi trên thế giới; việc tranh đấu miệt mài cho quyền tự do phát biểu của trí thức trong nước của chị.

Tôi gặp mặt chị Minh Đức Hoài Trinh lần đầu tiên trong Đại Hội Tái Lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) vào cuối tháng 3/2001, ở Washington DC. Mặc dù tuổi chị lúc ấy cũng đã cao, nét nghiệt ngã của thời gian đã thể hiện trên gương mặt khả ái nhưng đầy cương nghị của chị. Chị vẫn được sự kính mến của tất cả đại biểu đại diện các châu lục có chi nhánh VBVNHN và bà Joanne Leedom-Ackermann, phó Chủ tịch và ông Terry Carlbom, Tổng Thư ký VBQT đại diện Ban Chấp Hành VBQT đương nhiệm hiện diện trong suốt 3 ngày đại hội.

Được sự đồng thanh tín nhiệm của mọi người, một lần nữa chị vui vẻ đảm nhận chức vụ Chủ tịch VBVNHN nhiệm kỳ 2001-2003. Tất cả hội viên VBVNHN hân hoan đón nhận tin vui khi được hít thở không khí sinh hoạt mới dưới sự lãnh đạo của chị.

Sau khi trao trách nhiệm lại cho những người đi sau, chị vẫn là nơi cho những ai có nhu cầu cố vấn trong các vấn đề liên quan đến VBVNHN và VBQT. Bẳng đi một thời gian, tháng 5/2009 tôi và anh chị em hội viên Văn Bút Vùng Nam Hoa Kỳ lại có cơ duyên trùng phùng với chị khi được nhờ tổ chức giới thiệu công trình sưu tập về Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh của anh Nguyễn Quang, phu quân của chị với đồng hương và văn giới Houston. Tập sách quả thật là một kỳ công, nếu không kể những lỗi typo rải rác trong tập sách, mà anh Quang gọi là món quà tinh thần vô giá dành tặng cho “một người vợ tuyệt vời”.

Vâng, sự nghiệt ngã của thời gian không chừa bất cứ một ai. Sau bao năm hy sinh toàn tâm toàn lực cho chữ nghĩa, người chiến sĩ của tự do, của nhân quyền đã thấm mệt như con tằm đã nhả hết tơ; và khi bóng xế đã ngả xuống đời, chị có quyền an nghỉ, gác bút, giã từ văn đàn để an vui với gia đình trong những tháng ngày còn lại. Dẫu sao cũng là một mất mát đáng hối tiếc! Chị luôn là ngọn đuốc soi đường cho những thế hệ kế tiếp. Chắc chắn phía bên kia cuộc sống, Tổ Tiên và các Cụ thân sinh của chị cũng đã mỉm cười hãnh diện về một đứa con gái có một năng lực vô biên đã làm rạng danh nhà họ Võ.

Kingwood, 20/8/2014


« TRANG NHÀ »