Thư Gửi Cho Con

ngày 23.07.15

A.letter.to_.my_.children


Mới 8 giờ sáng mà nắng tháng 7 của Kingwood đã chói chan ngoài sân. Nhìn ra khoảng sân rộng sau vườn thấy cỏ đã vượt lên cao, xanh ngát sau hai tuần chưa cắt. Một làn gió thoảng qua làm đầu ngọn cỏ rạp xuống một chút, nhắc nhớ những đồng lúa “con gái” bao la ở quê nhà làm “con tim gõ nhịp bồi hồi” một lúc. Bụng bảo dạ “chắc đến lúc phải cắt cỏ rồi”, nếu không muốn thấy tờ giấy cảnh cáo của văn phòng khu phố.

Từ ngày dọn về đây từ xứ California mưa thuận gió hòa, tôi chỉ mướn người làm vườn mấy năm đầu vì phải bươn chải, bon chen trong cuộc sống mới. Sau khi cuộc sống ổn định, nhất là khi con cái đã lớn khôn, thời gian rảnh rổi nhiều hơn nên nghĩ mình có thể tự lo được để dành tiền làm công việc khác. Bạn bè thường nói “cắt cỏ thay cho tập thể dục”, nhưng tôi đã tập thể dục mỗi ngày rồi trời ạ; chỉ tiếc $30 mỗi hai tuần và phải ký hợp đồng đủ 52 tuần một năm với công ty mấy anh Mễ. Đã có lúc tôi mệt quá muốn chừa việc cho mấy anh chàng wetback nhưng khổ nỗi mấy ảnh thông đồng với nhau nên chả có đứa nào chịu làm 10 tháng, từ tháng 2 cho tới tháng 11 (tháng 12 và tháng tháng giêng cỏ lên rất chậm, 3 tuần hoặc hơn mình hy sinh cắt cũng được).

Nói tới cắt cỏ nhà. Con gái không biết cắt đã đành; hai cậu con trai cũng chưa bao giờ biết cắt cỏ. Một đứa đi học xa xong rồi đi lính; 10 năm hết lính về lại chưa nỡ bắt làm việc nhà, rồi bỗng một ngày trời cao nắng đẹp nó xin dọn nhà ở riêng! Một đứa chưa kịp dạy cắt cỏ thì đã đi học xa nhà; học xong xin ở luôn làm việc nơi đó… kể như cả hai trốn việc có lý do và “thằng già này” cứ phải trường kỳ kháng chiến.

Suốt hơn hai tiếng đồng hồ vừa làm vườn vừa nhớ nghĩ đến con cái. Mà đâu phải lúc này mới nhớ. Nhớ triền miên; chỉ là lúc này lại nhớ chúng nó da diết. Con gái có chồng không ở xa lắm nhưng hai vợ chồng luôn bù đầu với công việc hãng nên chỉ gặp mỗi cuối tuần ở nhà Bà Nội, có khi vài tuần mới thấy mặt. Cậu con trai lớn cũng ở gần nhưng lại ít gặp hơn; trong khi cậu nhỏ thì ở tuốt thủ phủ Austin, năm ba tháng mới về một lần. Cũng may thời đại này có quá dư thừa tiện nghi để nghe, để thấy mặt mũi của từng đứa bất cứ lúc nào. Mà cũng có thể vì vậy nên chúng có vẻ “chểnh mảng” đi chăng? Dù vậy, việc nhớ nghĩ tới con cái đã trở thành thói quen hàng ngày, nhất là những buổi sáng thức dậy trong cái nhà thênh thang, quạnh vắng… tôi thèm được nghe tiếng cười, giọng nói của từng đứa quá sức! Thèm nghe tiếng leng keng của muỗng chén khi chúng vội vã ăn sáng trước khi đi học; thèm nghe tiếng lục đục trên lầu khi chúng thức giấc; và đôi khi thèm sống lại cái rộn rã đưa 3 đứa đi học 3 trường khác nhau, rồi vội vã phóng xe tới sở làm…

Nhớ con rồi miên man nhớ tới cha mẹ. Người xưa đã nói, “có con mới biết lòng ba mẹ”! Càng ngày càng thấy thấm thía. Dường như được nghe tiếng, thấy mặt lũ con chúng tôi gần như hàng tuần mà tôi vẫn nhớ; so với những ngày xưa cũ ở một đất nước chiến tranh và chậm tiến như Việt Nam, khi các bậc làm cha mẹ có con trai – thậm chí có gia đình có vài ba bốn người như gia đình tôi chẳng hạn – mỗi người mỗi ngả, cuốn hút trong binh lửa ngập trời, không thấy mặt mũi, không nghe tin tức cả 6 tháng, một năm!? Nghĩ tới đây, lòng tôi xót xa, nước mắt rơi xuống bàn phím nhớ đến cha mẹ của mình. Rất may mắn, Mẹ tôi vẫn còn mạnh khỏe ở tuổi 93 đang được sum vầy với đàn con bên đất nước tự do này; chỉ có Ba tôi bị lắm thiệt thòi! Người đã giã biệt cuộc sống vào mùa xuân 1989, mà vẫn không được nhìn thấy mặt 3 đứa con trai lưu lạc quê người, sau hơn 10 năm dài đằng đẵng sống trong thương nhớ! Riêng tôi đã không gặp được Người hơn 15 năm trước khi Người lìa đời. Khi Ba tôi mất, toàn cõi Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong điêu linh, tăm tối; sự hận thù, cuồng bạo của “phe thắng cuộc” vẫn còn ngút trời!

Ngồi nghỉ mệt dưới chiếc dù che mát vườn sau, nhìn sân cỏ sạch sẽ, ngay hàng thẳng lối, hoa lá đong đưa; nắng càng lúc càng gay gắt, mồ hôi ướt đẵm cả áo quần; tôi chợt nghĩ sẽ ngồi xuống viết gửi cho các con một điện thư ngắn để hy vọng chúng có thể tránh được những hối tiếc khôn nguôi mà ba của chúng đang cưu mang.

***

Các con yêu mến,

Ba vừa cắt cỏ xong sân vườn nhà mình. Nhà mình bây giờ thiệt là vắng vẻ. Mỗi buổi sáng Ba thức dậy với căn nhà trống trơn, không một tiếng động, Ba lại nhớ nghĩ đến các con và những tất bật trong những ngày tháng xưa cũ khi các con còn nhỏ; Mẹ vẫn đi làm mỗi ngày từ lúc 6g sáng.

Suốt buổi sáng làm việc Ba cứ nghĩ về các con. Bây giờ thì công việc xong rồi, Ba ngồi nghỉ mệt, bỗng dưng muốn viết ít hàng thăm các con.

Sống trong xã hội này hơn 40 năm qua, Ba Mẹ hiểu là đời sống gia đình ở đất nước này phải là như vậy. Ba Mẹ chấp nhận sự thật là các con đã lớn cả rồi, đã có thể tự lo cho mình; mỗi đứa đều có công việc riêng và tương lai, sự nghiệp phải lo. Việc rời xa Ba Mẹ cũng là một cần thiết để tự lập như bất cứ một thanh niên nam nữ nào lớn lên trong xã hội này. Dù vậy, các con cũng biết, đó là một hoàn cảnh rất khó cho các ông cha bà mẹ Việt Nam có thể vượt qua.

Các con cũng biết là dù các con có lớn khôn bao nhiêu, với bậc làm cha mẹ, các con vẫn là những đứa con cần được bảo bọc trong tình yêu thương gia đình; và bao giờ cũng vẫn muốn có các con bên cạnh. Các con biết mà, Ba chỉ nói cái thường tình của những người làm cha làm mẹ mà thôi.

Riêng Ba Mẹ. Ba Mẹ không mong muốn bất cứ điều gì ở các con ngoại trừ tình thương yêu. Tình thương yêu của Ba Mẹ đối với các con không có và sẽ không bao giờ có điều kiện. Ba Mẹ đã xếp đặt mọi thứ cần thiết cho lúc tuổi già bóng xế, kể cả việc tang lễ của ba Mẹ sau này.

Ba Mẹ rất vui mừng là các con đều học xong đại học và không bị thiếu nợ học vấn. Các con cũng đã từng nói là các con sẽ không bao giờ trông đợi Ba Mẹ để lại bất cứ tài sản vật chất nào. Tuy nhiên, Ba Mẹ còn sức khỏe, còn có thể hỗ trợ cho các con bất cứ điều gì các con cần và muốn, trong khả năng của Ba Mẹ, bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào. Ba Mẹ sống vui vì tình thương yêu và hạnh phúc của từng đứa con.

Cuối cùng, Ba Mẹ rất vui sướng mỗi lần gặp các con; rất vui để nghe các con gọi điện thoại. Nếu lâu quá không nghe tiếng các con, điều đó sẽ làm cho Ba Mẹ bồn chồn, bất an. Vì thế, nếu có thể sắp xếp công việc riêng để về thăm Ba Mẹ, thăm Bà Nội thường hơn thì đó là một an ủi rất lớn cho Ba Mẹ. Hạnh phúc của Mẹ là có thể nấu nướng cho các con những thức ăn các con thích nhất. Đừng để Ba Mẹ trông mong lâu quá không tốt cho sức khỏe tuổi già đâu nghen.

Thương các con nhiều lắm,

Papa Th.

Tái bút: Ba cũng biết các con đều khá tiếng Việt… nhưng sở dĩ Ba viết tiếng Mỹ, dù Anh Văn của Ba càng ngày càng tệ hơn, vì Ba muốn các con hiểu thật rõ những điều Ba cần nói.


« TRANG NHÀ »