Về Bài Thơ “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”

ngày 25.03.22


Cộng Hưởng với Yên Sơn Về Bài Thơ
“Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”
Nguyễn Xuân Đấu

Thành thật mà nói, tôi đọc bài thơ của anh Yên Sơn ít nhất là chục lần cho ý nhập hẵn vào tâm, tứ rung hết tất cả cung bậc của lòng, và hình ảnh đóng từng khung riêng rẻ rồi hòa nhập lại thành khúc phim “Lưu Nguyễn lạc thiên thai”  mới thấy hết được cái hay cái đẹp của nó. Lại còn kỹ thuật mới lạ buộc từng cặp ngũ ngôn vào bốn câu 8, 9 chữ cho từng đoạn thơ, cộng với nhạc điệu và ngôn từ anh khéo léo dùng nữa, tạo thêm cảm giác ngất ngây cho người đọc.

Ý bài thơ dù đã được trình bày, nhưng đó chỉ là phần nào cảm nhận của người viết về ý của tác giả. Đúng, sai không phải là điều quan trọng. Cộng hưởng cảm nhận với ai đọc bài thơ của anh Yên Sơn một cách trân trọng mới là điều đáng lưu tâm. Giờ chúng ta thử bước vào vườn thơ

“chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít”

Đọc đoạn thơ mở đầu, ai cũng thấy ngay hình ảnh tác giả theo bảng chỉ đường lái xe (hay theo xe) về mạn bắc để đến nơi em cư ngụ, cách phố phường xa lắc. Nơi này là một khu rừng với những tàng cây cao và sum suê che ánh mặt trời tạo bóng mát khắp nơi, che luôn cả lối đi. Nơi này còn đầy hoa lá và chim rừng ríu rít, tạo nên vẽ đẹp thật thiên nhiên. Nếu thêm mây ngàn phủ dưới chân và vài cô gái tắm dưới suối thì đúng là bồng lai tiên cảnh. Nhạc điệu và ngôn từ của đoạn thơ thật hòa hợp với bằng trắc bổng trầm của các chữ tác giả dùng. Giản dị và hiện thực trong ngôn từ, nhưng siêu thực và thần tiên qua hình ảnh. Cái linh động nhất của cảnh sắc tác giả mô tả, theo tôi, nằm trong hai câu cuối được viết theo thể phủ định:

“chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít”

Giá tác giả dùng thể xác định ở hai câu này, chẳng hạn như:

chỗ của em, cây cỏ mọc xanh rì
đầy hoa lá, và ngàn chim ríu rít”

thì cũng mang cùng hình ảnh đấy, nhưng có lẽ kém nét linh động. Hai câu này không mới lạ về cấu trúc, nhưng thật hay về kỹ thuật. Còn phrase: “mấy thuở mấy khi” nhắc người đọc liên tưởng đến thành ngữ: “năm thuở mười thì” hoặc “chín thuở mười thì” một cách rất ca dao. Nhưng dùng điệp ngữ: “mấy thuở, mấy khi” ở đây, theo tôi, hợp âm, và thuận ý hơn.

“chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai”

Hình ảnh kế tiếp là gì? Chiều xuống, sương mù phủ giăng, lành lạnh. Lá thông theo gió nhẹ xào xạc reo vui như chính lòng tác giả. Hai người sánh vai nhau bước từng bước hạnh phúc, lòng không nghĩ suy bất cứ chuyện gì. Chỉ trong lúc tâm tư trống rỗng như vậy, niềm vui chân thật mới kéo về ngự trị. Bước chân hai người dẫn đến bờ suối có đàn nai ngơ ngác nhìn. Cái vẫy tay thân thương đến con vật hiền lành là biểu lộ tình yêu đang thánh thiện hóa nội tâm. Cuộc sống là một chuỗi dài tư tưởng tiếp nối nhau; mà lạ, chỉ khi nó ngưng bặt hoặc ngừng nghỉ, sức sống và an bình mới hiển lộ. Cho nên

“sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác”

không phải chỉ thần tiên hóa hoặc thơ mộng hóa khung cảnh mà còn cho người đọc một cảm nhận an bình, hạnh phúc bên trong. Cái vẫy tay chào nhau hoặc thế lời tạm biệt khác với cái vẫy tay biểu lộ niềm sung sướng thánh thiện mà chàng và nàng đang trao gởi đến đàn nai.
Hai người nếu tiếp tục sánh bước bên nhau như Adam và Eva trong vườn địa đàng, như Lưu Thần Nguyễn Triệu bên cạnh hai tiên nữ trong động Đào hoa thì dòng sống sẽ miên viễn. Nhưng Eva khởi niệm bâng quơ, Lưu Nguyễn nhớ trần cảnh, khiến địa đàng và cảnh tiên không còn hiện hữu. Tác giả cũng thế, một phút động niệm, chợt dừng lại, ngắm nhìn bước chân đài các của nàng vẫn tiếp tục đi với mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai, khiến tâm thức đang an bình thánh thoát chợt gợn chút ước ao. Chắc thế nào khi nhìn từ phía sau như vậy, tác giả chả ngắm thêm chiếc eo thon thanh tú đi cạnh với đôi mông tròn mơ; nhưng vì giới hạn ngôn từ của thơ, nên không nêu ra thôi. Ngắm để no nê hạnh phúc mình có trong tầm tay, và ngắm để nẩy sinh ước mơ. Chính cái ảo giác no nê hạnh phúc và ước muốn thật người đó tuy rung động thật mạnh lòng tác giả cũng như người đọc, song đó lại là cái mầm khổ đau sau này cho anh khi “ái biệt ly” (yêu mà phải biệt ly) thành hình theo luật vô thường. Chao ôi! Cái giá phải trả của một thoáng động niệm nhưng rất đáng yêu kia thật là quá đắt!

“thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo”

Con nắng cuối ngày như lụa vàng heo hắt, thế mà thương. Rồi mặt trời cũng lặn khuất sau đồi, hai người ngưng nhịp bước, tay trong tay còn lưu luyến phút thần tiên. Chợt từ đáy lòng niềm đam mê xác thân bừng dậy, tác giả nhìn, cảm thấy chao đảo khi đưa mắt trông sang tấm thân đẹp tuyệt trần với mùi thơm da thịt của nàng. Từ cái động niệm của đoạn thơ trước khiến tác giả dừng lại nhìn no nê thân thể của nàng, kéo sang sự chao đảo nhưng ngây ngất, say sưa của đoạn thơ này quả khéo léo ở bố cục. Từ hình ảnh thật huyền hoặc: “Chiều hơi sương mờ mịt” chúng ta bước sang:

“thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt”

như một tiếp nối của thời gian và không gian hợp lý. Hình ảnh ánh nắng dịu lại như lụa vàng lung linh qua hơi sương loảng, trông thật đẹp. Họa sĩ nào và màu sắc nào có thể vẽ được cảnh này một cách sống thực, ngoại trừ nhà thơ ? Văn sĩ có thể dùng tản văn mô tả và giúp người đọc hình dung được hình ảnh tương tự, nhưng hình ảnh đó sẽ tan biến ngay đi, hoặc mất đi dần dần, khi ý đã đạt, hình đã thành. Còn với thơ thì hai câu: “Thương con nắng cuối ngày”, “Như lụa vàng, heo hắt” cứ tiếp tục tạo hình và gây cảm xúc mãi mãi theo cách: “nhật tân, hựu nhật tân” một cách sáng tạo. Phạm vi cấu tạo của thơ quả thật không sai, khiến ta cứ “Thương con nắng cuối ngày”, “Như lụa vàng, heo hắt” với trăm ngàn hình ảnh và vạn nỗi yêu thương tiếp mãi không thôi.

“em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẩy trong làn hơi đứt quãng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi”

Và chỉ đợi có thế, tác giả ôm ghì lấy nàng hôn một cách đam mê tha thiết khi nàng khẽ nói nhỏ vào tai chàng: “em lạnh”. Không biết tác giả hay nàng nói gì lúc đó mà giọng thơ cho thấy như làn hơi đứt quãng. Vì lạnh hay vì rung động yêu đương? Hai người ngồi xuống bãi cỏ để nụ hôn thiết tha hơn hay cái say sưa đã dừng chân hai người lại và cái hug trong thế ngồi với vòng tay ôm biểu lộ thêm sự chở che. Thời gian như ngưng đọng, trăng lên, chiếu sáng mà hai người chẳng ai hay. Hình ảnh và kỹ thuật trong hai câu:

không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi”

thật tuyệt. Anh dùng thể nghi vấn tự đặt câu hỏi: “không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng” như kỹ thuật tạo cảm nhận chứ không phải chủ đích. Văn là phương tiện để đạt ý, nhưng trong thơ, mục đích không còn thiết yếu nữa mà chỉ là cái cớ cho hành động. Chẳng hạn như đọc hai câu ca dao:

“Bồng em ra đứng ruộng dưa
Dưa đà có quả, chị chưa có chồng”

Hoặc:

“Tưởng giếng sâu nên em nối sợi gầu dài
Ai ngờ giếng cạn, nên tiếc hoài sợi dây”

chúng ta thấy việc “bồng em ra đứng ruộng dưa” hay “nối sợi gầu dài” có mục đích gì đâu, ngoại trừ cái cớ cho người đặt mấy câu ca dao trên diễn đạt nỗi niềm u buồn của cảnh “chị chưa có chồng” và tâm trạng “tiếc hoài sợi dây” như một sự bỏ ra quá nhiều tình cảm của mình cho một ước vọng không đạt được.

“em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt”

Ngồi với nhau tới khuya, lòng rạo rực, ôm chặt em trong đam mê mà cứ ngỡ như mơ. Rời suối mộng hai người nhìn trăng sao xem chị hằng bẽn lẽn, rồi mới đưa nhau về để ghé đỉnh vu sơn cho sóng tình dào dạt. Hai câu:

“ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ”

thật hay và thi vị hóa lòng rạo rực ước mơ chuẩn bị hòa nhập thân thể mình vào với thân thể nàng. Nội tâm đã quấn chặt nhau, thân tâm cần hợp nhất nên sự ái ân cũng chỉ là sự ân ái của vũ trụ. Cái ngước nhìn lên trời cao, trong vô thức, là một dấu hiệu mời mọc. Điệu múa của vũ trụ (the dance of universe) bắt đầu những bước “đề pa” (depart). Lời nói của đạo sư Osho về sự ân ái của vũ trụ thể hiện qua cái “ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng” của tác giả xảy ra trong vô thức nên ý thức không tài nào hiểu được. Vì vậy, như một consequence, tác giả tiếp: “đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ”. Nếu chúng ta đừng để cho ý thức len vào khi trầm mặc tư tưởng bằng hai câu thơ này sẽ phát hiện được the dance of universe mà thăng hoa ái ân lên tầm mức cao hơn.

***

gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

Một đêm ân ái, vũ trụ quay cuồng, gió rì rào, xào xạc, lòng hai người chan chứa vui. Sáng tinh sương, nàng nhoẻn môi cười, ngày chưa đến mà má đào rực rỡ. Khi đã “ái” và “thủ” để chấp chặt lấy nó rồi, người ta lại nghĩ tới “hữu” để có mãi mãi theo Thập Nhị Nhân Duyên của đạo Phật, nên hạnh phúc lại biến dạng vì động niệm. Kết quả, tác giả nằm bên nàng, lòng chợt thấy buồn khi nghĩ tới lúc phải lìa xa nàng. Điều đó rất thực và rất người. Cách diễn tả của tác giả qua hai câu:

“nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em”

làm bài thơ tăng thêm phần chân thật khiến cảm nhận của người đọc dễ hòa nhập theo.

“ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt”

Không lẽ ngày mai tác giả phải ra đi hay sao mà lại mơ ước đêm dài thêm và tháng ngày dừng lại cho gió vờn hoa hát lời ân ái, cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng và nhất là cho chú cuội nói với chị hằng lời tình tự dấu trong hồn se thắt. Tác giả dù có đi ngày mai hay ngày mốt, hay một lần dừng lại với nàng cả một quãng thời gian dăm ba tháng, cũng biết sẽ có lúc phải chia tay hoặc ly tan. Nếu cuộc tình xảy ra tại Việt Nam thì chàng phi công hào hoa đẹp trai Yên Sơn có oai hùng thế mấy cũng không dám trái lại nghĩa vụ, nên cánh đại bàng không thể đậu mãi trên đỉnh vu sơn. Thực không bằng mộng nên mộng ước cho rồi! Cả điều mình cảm nhận và có cảm giác được trong lúc mình không ngủ cũng là mộng cả, nên mộng và thực theo ngôn từ tương đối gọi, có khác chi. Mộng nhiều khi mình còn mộng tiếp được, còn thực lại ít khi xảy đến với mình lần thứ hai, thứ ba.

“em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình”

Nàng nũng nịu bắt tác giả nhắm mắt lại đặng nàng đứng dậy kéo màn cửa cho nắng lùa vào. Ái ân trong đêm mà nét thẹn thùng vẫn còn đó ban ngày. Nàng vớ chăn quấn lên vai dấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài vì biết thế nào chàng cũng nhìn trộm thân hình tuyệt mỹ phô trần của mình. Nàng đẹp thật, tưởng chỉ có nàng cóc cái là giai nhân duy nhất của chàng cóc đực, thế mà vừa thoáng nhìn tòa thiên nhiên lồ lộ của nàng, chú sóc trên cây chới với nhảy phóc lên cao khiến chim chóc giật mình. Hai câu:

“một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình”

dùng ở đây quả thật hay, đẹp và nhân cách hóa cảm nhận khiến người đọc liên tưởng nhớ tới hai câu thơ lục bác xinh xinh của Trần Dạ Từ:

“Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang”

Hình ảnh những chú ve nhỏ hết hồn kêu vang đủ diễn tả tâm trạng hồi hộp sung sướng và đê mê của nụ hôn đầu, còn hình ảnh chú sóc chới với trước thân hình lồ lộ của nàng đến nỗi phóng vút lên cao khiến chim chóc giật mình tỉnh giấc mới mạnh cường độ mô tả hết nét đẹp của giai nhân cùng nội tâm sững sờ của tác giả. Hai câu thơ thật khéo. Nếu cảnh tượng thực như vậy thì hồi tưởng của tác giả quả là sắc bén chứ với tôi trong hoàn cảnh đó, chắc quên hết đất trời. Còn nếu đó chỉ là cách di hoa tiếp mộc, mượn cảnh tả tình thì quả là thượng thừa.

“kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”

Rồi nắng lên, rồi ngày lại, đến rồi đi cũng chỉ là duyên số. Qua câu thơ này, tác giả mang ý nghĩ như tôi trong câu: “tình là duyên, ly biệt cũng là duyên” viết cách đây khá lâu. Một đời người dài ngắn cũng thế thôi, vì thời gian thiếu em đều vô nghĩa. “Một lần dừng bước” mà thành thiên thu, một đời “đồng sàng” biết đâu lại “dị mộng”. Cái thời gian được kể là cuộc sống, là cuộc đời, theo tác giả chỉ là thời gian với nàng và hồi tưởng về nàng như hai câu thơ của John Lennon:

“Count your age by friends, not years
Count your life by smiles, not tears”
(Hãy đếm tuổi mình bằng số bạn bè mình có, chứ không phải bằng năm
Hãy đếm cuộc sống bằng nụ cười chứ đừng tính lệ thầm)

Với niềm tin tuyệt đối vào cái định nghĩa cuộc đời theo ý riêng mình, tác giả thể nhập hồn vào vũ trụ, tha thiết gọi tên em:

“tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”

Ai đo được chiều sâu của tình yêu và tâm hồn thi sĩ? Ai thấy được vũ trụ cũng ân ái giao hòa? Đạo Người có tứ đức: “Nhân nghĩa lễ trí “thì Đạo Trời cũng có tứ đức: “Nguyên, hanh, lợi, trinh”. Hay nói khác đi, đạo Trời có tứ đức, đạo người bởi đó cũng tương ứng theo. Ân ái trong thơ, ở mức độ nào đó, là sự giao hòa của vũ trụ.

“tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”

là ý đó, ý đến từ vô thức, chỉ hé lộ cho ý thức thấy một chút qua cường độ yêu đương bát ngát bao la “như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”.

Nguyễn Xuân Đấu

Duong Thuong Truc thuc hien & Dien ngam


« TRANG NHÀ »