CHUYỆN TÌNH MÙA CHINH CHIẾN
ngày 19.09.13Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, “Bình Long anh dũng, An Lộc kiêu hùng” đã kéo hút chúng tôi, binh chủng Không Quân VNCH, vào chiến trận mịt mù khói lửa. Dĩ nhiên các bạn bên tác chiến (trực thăng, khu trục, A37, F5) đối diện với tử sinh đã đành; lũ chúng tôi bên vận tải cũng góp phần không kém. Nào là thả dù tiếp tế, soi sáng chiến trận, không vận chuyển quân, không vận thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho các chiến trường. Hai phi hành đoàn C123K hy sinh liên tiếp trong hai tuần lễ liền làm bàng hoàng những anh chàng có chữ thọ trên trán.
Những phi vụ kể trên dĩ nhiên đáng rét nhưng không rét bằng những phi vụ đưa anh hùng tử sĩ về quê. “Anh hùng” khi ra đi, khí thế phừng phừng với bầu nhiệt huyết, quyết một lòng giữ yên bờ cõi với súng đạn cài tận răng… nhưng khi “tử sĩ” trở về, các anh chỉ nằm im ỉm trong lớp áo quan, dưới lá quốc kỳ phủ kín, mặc cho người thân đau đớn tận cùng. Những tiếng khóc nỉ non, ai oán làm mềm lòng người nghe; uất khí của các anh bao trùm trời đất, bám chặt vào tất cả các vật thể chung quanh làm chùn lòng những người lân cận. Ngay như tôi rất thích bay, rất hay tình nguyện nhưng cũng phải xem trước “lịch trình bay”. Các anh đừng vội giận tôi nhưng thà tôi đi chiến trường còn hơn là đưa các anh về quê, buồn lắm, mặc dầu tôi vẫn thương kính các anh.
Tôi rất sợ nghe những tiếng khóc than không dứt của vô số người vợ trẻ con thơ, của cha mẹ hay người thân thích của các anh; nhất là tôi rất sợ cái mùi uất khí! Thử tưởng tượng vài chục người vật vã khóc than liên tiếp suốt chặng đường bay vài ba tiếng đồng hồ cùng với mùi uất khí nồng nặc của cả chục quan tài bám chặt vào râu tóc, áo quần từ đầu đến chân không có phương cách nào trừ khử được… Nào là lá trầu, nào là vôi, nào là dầu thơm, dầu xanh, dầu nhị thiên đường… bất cứ thứ gì nghe mách bảo đều thử qua để mong chống lại mùi tử khí nhưng đều bất lực! Bám chặt đến nỗi tắm gội bằng đủ các hiệu xà phòng, nước thơm; cạo râu, cắt tóc ngắn, giặt giũ bằng tay bằng mọi loại hóa chất (bỏ tiệm giặt nhiều nơi không dám nhận) cũng chả ăn thua gì! Chưa kể đến những lần khí hậu không cho phép hoặc cần phải bay lên cao… không khí loãng làm quan tài bật nắp là một thảm họa khôn lường! Chuyện lên cao làm quan tài bị bật nắp và các ông áp tải phải leo ngồi trên nắp áo quan để trấn giữ cho tử thi không ngồi dậy là chuyện không xa lạ gì với phe vận tải!
Người ta nói, cái gì cũng vậy, đụng riết phải quen, làm riết phải rành… nhưng trời ơi cả một mùa hè dai dẳng vẫn không sao chịu nổi. Mỗi lần xem phi vụ lệnh là mỗi lần cầu nguyện để được đi chiến trường! Dù vậy, vẫn không thoát được. Anh em vẫn phải chia phiên nhau. Cả một mùa hè mỗi người phải bay ít nhất ba ngày một tuần, cho nên chờ được ngày nghỉ dường như rất khó tới!
Chính cái mùi uất khí đó đã ngăn cản tôi những lần hẹn hò dưới phố, nhất là với người đẹp. Chỉ dám xuất hiện một cách nhanh chóng khi đã làm tất cả mọi thứ để giảm thiểu mùi hôi, vậy mà có lần nàng phải bịt mũi nhăn mày. Chỉ khi nào thấy lâu quá tôi không xuất hiện nàng mới gọi với lời dặn dò “tắm rửa cẩn thận và thay quần áo mới”. Vâng, quần áo bao giờ cũng tươm tất nhưng cái mùi dính chặt vào da thịt thì không cách nào chôn giấu được!
Tôi quen nàng trước lâu Mùa Hè Đỏ Lửa, đã hứa với nàng thế nào cũng đưa nàng đi dạo không gian một ngày (nàng làm việc cho cơ quan DAO của Mỹ trong phi trường nên việc ra vào cổng an ninh rất dễ dàng). Thế nhưng hẹn vẫn chỉ là hò. Nàng đi làm mỗi ngày còn tôi thì mải miết bay tiễn người đi đưa người về liên tục. Chờ đợi, hẹn hò mãi cho tới một ngày nàng báo, “Ngày N em có thể đi bay với anh với điều kiện không chở quan tài.” Tôi xin với Phi Đoàn Trưởng, ngày N cho bay phi vụ không chở quan tài và cho phép bạn gái đi theo. Ông PDT của tôi vui vẻ nhận lời vì có lần ông ta hỏi tôi, “Bộ anh không có bạn gái hay sao mà xin đi bay hoài dzậy.”
Ngày N, tôi được cắt bay Saigon, Nha Trang, Đà Nẵng, Saigon. Trong phi vụ lệnh thấy chở một ít hành khách, thực phẩm tiếp tế đi và rước hành khách và thương bệnh binh về. Tôi yên tâm đánh xe rước nàng vào phi đoàn. Nàng mặc chiếc áo dài màu tím thẫm với chiếc quần trắng satin, để lộ những đường cong tuyệt mỹ với nụ cười tươi trẻ luôn nở trên môi cùng đôi mắt long lanh quyến rủ… đã chiếm cảm tình tất cả mọi người gặp nàng hôm đó, làm tôi sung sướng, hãnh diện vô cùng. Anh NHC Trưởng phi cơ (TPC) ưu ái cho nàng ngồi trên buồng lái chỗ ghế Điều Hành Viên (ĐHV). Khi máy bay bình phi rời khỏi vùng trời Saigon, ông TPC cho nàng ngồi vào chỗ của tôi để “feel” cần lái một lúc. Có lẽ lần đầu tiên trong đời được ngồi trong phòng lái nhìn trời mây bao la, không gian xanh ngát… nên đối với nàng cái gì cũng mới lạ. Tiếng cười trong trẻo, tiếng nói thanh tao của nàng làm cho mấy đoạn đường bay rút ngắn rất nhanh…
Nhưng rồi tai họa đổ ập xuống! Chưa đáp Đà Nẵng đã có lệnh sẽ phải bay ra Huế chở 10 quan tài về lại Saigon! Lệnh trên đã ban xuống không thể không thi hành! Nàng nghe tin bàng hoàng muốn xỉu, mặt mày thất sắc, đôi mắt mọng ướt! Tôi xót xa xin lỗi nhưng không làm cho nàng tươi tỉnh hơn được! Xuống tới Đà Nẵng tôi tìm cách liên hệ với tất cả phi cơ bạn đáp ở đây để gửi nàng về trước; thế nhưng, đã tới giờ cất cánh mà vẫn không tìm ra một ai! Nàng riu ríu theo chân chúng tôi một cách miễn cưỡng.
Trên đường ra Phú Bài tôi cũng cố gắng liên lạc trên tần số xem có ai ở Phú Bài bay về SGN mà không chở quan tài; nhưng vẫn vô phương! Trước khi đáp ở Huế, chúng tôi liên lạc với cơ quan trách nhiệm chuẩn bị vận chuyển quan tài lên tàu ngay lập tức một khi chúng tôi vào bến đậu. Trong khi chờ đợi áp tải làm việc cùng nhân viên trạm, chúng tôi ăn qua quít, vội vã để bay về sớm. Cả PHD không ai nói với ai một lời. Sự vui tươi buổi sáng đã đi vắng cùng với nỗi âu lo, buồn phiền hiện trên nét mặt của nàng làm chúng tôi bất an nhưng dường như không ai biết nói cách nào để an ủi. Nài nỉ mãi nàng mới ăn được một chút, rồi cùng lũ chúng tôi lần lượt lên tàu. Tôi ngại ngần nói với nàng cứ đi thẳng lên buồng lái mà không cần để ý tới ai làm chi. Vừa bước lên nhìn thấy cả chục cổ áo quan bao phủ cờ vàng 3 sọc đỏ là nàng đã hồn phi phách tán. Thấy các gia đình thân nhân khóc than bi thiết khiến chân nàng rụng rời suýt vấp té. Nàng cố bịt miệng bịt mũi bước thật nhanh lên phòng lái ngồi vào ghế của ĐHV. Mùi tử khí nặng nề khắp nơi khiến nàng không thể cầm giữ sự ói mửa liên tục. Chúng tôi vội vàng quay máy mở cửa phòng lái phóng ra phi đạo kéo vút lên trời, xin phép bay ở cao độ thấp đi dọc theo bờ biển với tốc độ nhanh nhất có thể để mong về Saigon sớm.
Suốt chặng đường dài nàng cứ vật vờ rủ xuống ghế ngồi, hết ói tới mửa, không nói một lời! Chúng tôi dùng hết hai lọ nước hoa nhỏ của nàng và của tôi mang theo trong túi áo; xát lá trầu, đánh dầu gió, dầu xanh trên thái dương; tôi tính bôi vôi vào lòng bàn chân nhưng nàng nhất quyết từ chối.
Khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhứt, anh TPC gọi ngay chiếc xe trực của phi đoàn ra đón gấp. Tôi dìu nàng ra xe, toàn thân nàng yếu lã trên tay tôi.
Buổi sáng tươi vui, xinh đẹp bao nhiêu bây giờ như đóa phù dung buổi tối, đôi bờ môi tím ngắt, gương mặt xanh xao thất sắc, chân tay rời rã nhũn mềm! Lòng tôi ngập tràn thương cảm và có chút hối hận! Tôi ngỏ lời muốn đưa nàng đi bệnh xá nhưng nàng nhất định đòi về nhà ngay. Chiều lòng nàng, tôi phóng xe ra phố. Lòng tôi âu lo, tự nghĩ phen này “chắc khó tai qua nạn khỏi” mặc dầu không hoàn toàn lỗi của mình.
Mẹ nàng đón chúng tôi ở cửa với vẻ mặt hoảng hốt, rụng rời! Ôi con gái cưng của mẹ! Bà tất tả thoa bóp, lấy khăn ướt lau mặt mày tay chân cho nàng. Lúc này bà cụ mới phát giác, “Sao cả hai đứa bây có cái mùi gì làm mẹ muốn nôn vậy?” Tôi đứng như trời trồng chưa biết trả lời ra sao thì nàng khoát tay bảo, “Anh về nghỉ đi mai mốt trở lại thăm em.” Tôi thẹn thò không nói nên lời, lúng túng cúi đầu chào bà cụ rồi phóng ra cửa biến dạng!
Nàng bệnh đúng một tháng và tôi chỉ đến thăm chớp nhoáng đúng một lần khi nàng sắp sửa trở lại sở làm. Đó là lần tôi được nghỉ bay hai ngày liên tục, ngâm lâu trong nước ấm, mặc nguyên bộ quần áo mới toanh, dùng loại nước hoa đặc biệt để trấn áp bớt cái mùi đã thấm vào thịt da râu tóc! Vả lại, chiến trường vẫn sôi động và lũ chúng tôi vẫn phải tiếp tục đưa anh hùng tử sĩ về quê nên dù có muốn đến thăm nhiều hơn cũng không thể được, phần sợ bà Cụ, phần ngại nhìn mặt nàng. Tự nhiên thấy mình có lỗi quá sức! Và cứ thế, càng ngày chúng tôi càng thưa thớt gặp nhau.
Người ta thường nói, “xa mặt cách lòng”! Vâng, tình cảm của chúng tôi có phần vơi đi vì mặc cảm cả hai bên. Ôi không gian thênh thang sao không đủ chỗ cho tình yêu của chúng tôi dung thân! Chuyến đưa nàng đi dạo không gian ngỡ sẽ làm cho tình yêu thăng hoa chứ có ai ngờ đâu đó là nguyên nhân làm cho mối tình của tôi và nàng càng ngày càng phai nhạt. Thật ra lòng tôi cũng không còn đủ tha thiết với nàng như xưa. Kịp đến khi tình trạng đưa người về cố quận bớt hẳn đi thì nàng đã bén duyên mới. Và tôi cũng mới làm quen một cô học trò be bé, xinh xinh.
Duyên mới của nàng là một anh bạn phi công trực thăng bị đụng xe rất nặng, nằm chữa trị rất lâu ở bệnh viện Cộng Hòa. Anh bạn quê ở ngoài Trung xa tít nên thân nhân rất khó khăn để ở Saigon chăm sóc. Tôi đưa nàng đến thăm. Nàng xuýt xoa thương cảm. Bác sĩ cho chúng tôi biết là anh bạn sẽ không thể bay lại được nữa, chữa trị xong sẽ giải ngũ. Tính nàng mẫn cảm, xót thương cho sự đơn độc của ông bạn của tôi nên thường xuyên lui tới thăm viếng, an ủi, săn sóc. Có lẽ tấm lòng của nàng chứa đựng sẵn tấm lòng của chị gái, của em gái, của một đấng từ mẫu nên càng ngày càng thấy tình thân ái của nàng đối với ông bạn của tôi có vẻ mặn mà hơn…
Khoảng tháng 3/75 bạn tôi xuất viện và được nàng đưa thẳng về nhà nàng để tiếp tục điều trị tại gia và chính tay nàng đã tận tụy săn sóc bảo dưỡng. Ngày 26/4/75 tôi có ghé nhà thăm mới biết nàng đã đưa Mẹ, anh chị, và bạn tôi di tản theo cơ quan của nàng.
Vài năm sau ở Mỹ, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Bạn của tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh. Cả hai người đã đồng tâm hiệp lực xây một mái ấm gia đình trong vô vàn hạnh phúc. Lâu lâu tôi lại có dịp ghé thăm, đôi khi cũng ý nhị nhắc chuyện cũ để cùng cười độ lượng với nhau trong tình cảm bạn bè.
******
Duyên mới của tôi là một hạnh ngộ bất ngờ.
Tôi được người bạn phi hành, ĐT Khừ, thuê chung phòng trọ ngoài phố, cùng phục vụ chung phi đoàn, bay chung phi vụ tải hàng về Miền Trung, chở khách về Saigon hôm đó mời tôi và Khải sửa (TPC) tham dự tiệc sinh nhật của cô bạn gái của hắn ở ngoài phố. Sau khi về phòng trọ tắm rửa, trau chuốt cẩn thận, ba chúng tôi cùng đi, tạt qua phố sắm sửa chút quà cáp rồi chạy thẳng tới nhà. Đứng chờ cửa, chúng tôi đã nghe nhiều tiếng nói líu lo, tiếng cười giòn tan trong trẻo của các người đẹp. Khi chủ nhân đưa chúng tôi bước vào nhà, tất cả đều ngưng bặt, người chỉ đưa mắt nhìn người với những cái gật đầu cười nụ. Khừ giới thiệu hai chúng tôi với cô chủ nhà và cô chủ nhà giới thiệu 3 cô bạn gái khá xinh của nàng.
Chủ nhân cố ý sắp đặt chỗ ngồi cho mỗi cô mỗi chàng, còn gia chủ ngồi ghế đầu bàn, ở giữa. Thật tình tôi không nhớ tôi đã ngồi với ai, ba hoa chích chòe những gì hôm đó. Suốt buổi tiệc tôi chỉ chăm chú tới một cô nương ngồi với Khải sửa (vì thỉnh thoảng tôi bắt gặp nàng liếc nhìn tôi). Nàng mặc áo dài trắng như nữ sinh có thêu hoa lan thanh nhã, trông rất trẻ con (tôi đã nghĩ chắc khoảng đôi tám), gương mặt bầu bĩnh tươi thắm, nước da trắng ngần, đôi môi hồng luôn mỉm cười, rất ít nói, chỉ cười góp, hay cúi mặt e thẹn nếu có ai nói về nàng. Tôi nói chuyện chung chung với mọi người nhưng hay bắt chuyện với nàng vì Khải sửa cũng chỉ hay cười biếng nói. Khi cần phải trao đổi điều gì, nàng chỉ nói lí nhí cho qua chuyện rồi lại ngồi im nhìn, nghe người khác.
Khi tiệc tan, chúng tôi lưu luyến chia tay, phần ai về nhà nấy. Một buổi tiệc vui vừa phải và không để lại trong tôi một đặc biệt nào. Mấy hôm sau, BN – cô chủ nhà gọi điện thoại cám ơn anh em chúng tôi đã tới tham dự và tặng quà sinh nhật cho nàng. Sau một lúc nói năm điều ba chuyện xong, BN hỏi tôi có còn nhớ cô bé ngồi với tôi không? Tôi trả lời. “Xin lỗi quên cả tên mất rồi!” “Hèn gì TT cũng nói với N là anh có vẻ vô tình.” Tôi đáp, “Tôi công nhận là chưa có tình.” “Dù vậy lại có người khác hỏi thăm anh.” “Ai vậy?” “Thì N đây nè hihi… nói đùa với anh thôi. Anh còn nhớ cô nàng ngồi với anh Khải không?” “À à cái cô be bé dễ thương đó hả?” “Vậy là anh có tình ý với cô ta rồi!” “Đâu có, BN muốn giới thiệu cô đó cho anh Khải bạn anh mà?” “Nhưng cô ta không chịu, chỉ hỏi thăm anh thôi!” “Mèn!” “Anh hối lộ cho N, N sẽ nói tốt về anh.” “BN biết gì về anh mà nói tốt?” “Anh Khừ nói hết cho em biết về anh rồi!” “Chết chưa! Nhưng anh có gì xấu đâu mà lo?” “Có chứ, nhưng em không nói cho anh biết đâu!” “Chỉ giỏi bắt nọn! Anh sẽ dần ông Khừ của em mềm xương.” “Anh Khừ chỉ là bạn bình thường thôi mà!” “Vậy ai là bạn không bình thường của BN?” “Bí mật anh ơi!” “Ừ thì có ngày cũng sẽ bật mí.” “Em mới quen thôi nhưng dường như người đó không để ý đến em!” “À vậy đúng là không bình thường!” “Thôi bỏ qua chuyện của em, em hỏi lại anh, anh có muốn gặp TD không?” “TD nào?” “Là cái cô nương bé bé dễ thương như anh nói đó.” Nhưng cô nhỏ đó còn bé quá mà!” “Sắp thi vào đại học rồi đó chàng!” “Oh my mine, Thế à! Nhưng gặp bằng cách nào?” “Chỉ cần mời chúng em đi ăn thì sẽ được toại nguyện.”…
Sau khi tôi gặp Khải sửa ở phi đoàn để hỏi lại cho chắc ăn. Khải sửa nói không biết gì về cô gái đó. Thế là tuần lễ sau tôi tìm được giờ mời hai cô nương đi ăn nghêu ở đường Nguyễn Tri Phương. BN nói với tôi là sẽ đến nhà nàng xin phép Mẹ nàng và đưa nàng đến chỗ hẹn.
Tôi có một chút bỡ ngỡ khi gặp lại hai người. Cả hai rất xinh tươi trong hai bộ đồ đầm khác màu, hợp thời trang buổi tối. Cả hai trông rất khác với tà áo dài trong tiệc sinh nhật hôm nào. Dù nàng vẫn nói ít cười nhiều, nhưng trong ánh mắt nàng, tôi thấy chứa chan thiện cảm. Ngồi với nhau được vài tiếng thì nàng xin phép ra về vì nàng nói Mẹ nàng rất khó. Tôi xin số điện thoại nhưng nàng không dám cho, nói với tôi cứ nhắn với BN là được rồi! Tôi quay ngó BN, nàng dẩu môi cong cớn, “Tui hổng phải chim xanh đâu nha, hai người tìm cách tự lo đi!”… Tôi lưu luyến tiễn hai nàng ra xe về.
Nói thì nói vậy, BN vẫn miễn cưỡng đi chơi chung với chúng tôi thêm vài lần nữa. Tôi nói với nàng, “TD cho anh địa chỉ anh sẽ đến nhà thăm chứ thấy BN không vui như lúc đầu nữa.” Nàng nói để dọ ý Mẹ nàng trước đã, khi có vẻ thuận tiện sẽ gọi điện thoại cho tôi biết.
Hẹn lần hẹn cứa cho tới hôm Mẹ nàng nằm ở bệnh viện Quảng Đông mấy hôm, nàng cho tôi biết và hẹn tới bệnh viện thăm bà. Tôi mua hoa, mua cam hồi hộp đến bệnh viện. Nàng giới thiệu tôi là bạn với BN muốn tới thăm. Bà Cụ nằm nhìn tôi từ đầu tới chân rồi nói lời cám ơn. Đêm hôm đó tôi xin phép ở lại bệnh viện với bà dù bà không hoan nghênh cho lắm. Tôi cố thuyết phục bà bằng cử chỉ và hành động nên thức trắng đêm canh giấc ngủ cho bà, hỏi han bà từng li từng tí. Hơn nữa, tôi cũng muốn nhân cơ hội ở gần nàng lâu hơn. Hai đứa chúng tôi ngồi hai đầu băng đá trước cửa phòng cốt để cho bà cụ thấy được. Nàng tỏ ra cảm động và bắt đầu thổ lộ chuyện gia đình.
Nàng cho tôi biết, nàng đã xong Trung học Nguyễn Bá Tòng, sắp vào Văn Khoa. Ba nàng làm ở tòa án rất bận rộn nên thường vắng nhà; có 3 chị. Hai chị lớn đã lập gia đình chỉ có chị Tư nghỉ học, trốn ba mẹ gia nhập Thủy Quân Lục Chiến mấy năm rồi! Nàng cho biết Mẹ nàng biết tôi là dân bay nên không mấy thiện cảm và luôn nhắc nhỡ nàng “đề cao cảnh giác”. Nàng nói tôi liệu hồn! Tôi nói, “Thiệt oan cho lũ trẻ tụi anh, đứa nào cũng hiền khô, nhất là anh dân ruộng biết gì! Không hiểu mấy ông đàn anh làm gì mà tai tiếng như thế, hay tại người ta ghen ghét Không Quân nên đồn thổi, thêm mắm dặm muối mà thôi!” Nàng hứ và lườm tôi với đôi con mắt có đuôi. Tôi nói đùa, “TD nói với Mẹ anh sẽ xin đi Thủy Quân Lục Chiến như chị Tư nha.” “Em xù anh liền!” “Vậy là TD muốn anh mang tiếng xấu nha?” “Khỉ anh!”
Nàng cùng thức với tôi nguyên đêm dù có ngủ gà ngủ gật. Hai đứa co ro ở hai góc phòng canh thức. Đôi lúc tôi ra dấu muốn tới ngồi gần nàng nhưng nàng lắc đầu lia lịa rồi chỉ Mẹ. Tôi làm bộ bò sát đất về phía nàng, nàng vội vã đứng lên tới bên giường bà Cụ. Tôi bịt chăn lên miệng cười thỏa thích! Buổi sáng hôm sau tôi ra về với cõi lòng phơi phới, thấy mùa thu còn ngủ trên cây. Chạy một mạch về phòng trọ, không kịp thay đồ, ngủ vùi một giấc dài tới chiều tối vào phi đoàn nhận lệnh đi bay vào hôm sau.
Có lẽ nàng cũng cố tình cho tôi lấy điểm với bà Cụ cho nên hôm bà Cụ rời bệnh viện, nàng báo cho tôi biết đến đón bà đưa về tận nhà, nhưng bà từ chối đi xe taxi. Tôi lủi thủi ra về khi nàng ngó tôi cười tỏn tẻn, ra dấu cho tôi đi về.
Nhưng kể từ đó, cái nhìn của bà về tôi càng ngày càng bớt đi phần nghiêm khắc, rồi dần dần tôi được phép đi lễ nhà thờ cùng bà và con gái trong những Chúa Nhật tôi có mặt ở Saigon. Thỉnh thoảng tôi được mời dùng cơm tối với Ba của nàng. Cụ ông tính tình điềm đạm, gương mặt phúc hậu, ăn nói nhỏ nhẹ. Cả ông và bà đều là người Nam nhưng không giống nhau về cách cư xử. Bà khó tính bao nhiêu thì ông dễ tính bấy nhiêu…
Thời gian cứ thế trôi qua. Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt và cuộc tình càng lúc càng đằm thắm hơn. Có mấy lần nàng và Mẹ ngỏ lời muốn chúng tôi tiến tới hôn nhân. Nhưng than ơi! “Tiền lính tính liền”, thân tôi chưa lo xong làm sao tôi lo cho nàng được! Hơn nữa, sự chết sống thật sự cận kề, bạn bè đã bao nhiêu đứa lìa đàn gãy cánh ra đi, bỏ lại vợ con tân khổ. Hơn nữa, suốt mùa Hè đỏ lửa tôi đã bao lần rơi nước mắt trước cảnh những người vợ trẻ khóc chồng, cha mẹ khóc con! Tôi nghĩ tới những hangar ở Phú Bài chứa đầy xác chết, dòi bọ lúc nhúc, hôi hám rực trời, chờ thân nhân đưa về cố quận… nên chùn lòng dù rất mực yêu thương nàng. Ông bà biết sự lo âu của tôi nên càng khuyến khích rằng ông bà thừa sức để lo toan cho con gái của họ… nhưng trời ơi thực lòng tôi không thể nhẫn tâm!
Lần lựa mãi, toan tính mãi, hẹn hẹn thề thề… để rồi trưa ngày 29 tháng 4, năm 1975 tôi vượt thoát, không có nàng, bằng chiếc Hercules C130 cuối cùng của căn cứ Tân Sơn Nhất, mang theo hơn trăm nhân mạng mà không ai biết đi đâu, về đâu!
Đầu tháng 09.2003
« QUÁN CHIẾU | TRANG NHÀ | CHỈ LÀ ẢO VỌNG » |