ÔI CALGARY

ngày 16.01.14

Rốt cuộc ngày N, giờ G cũng đến! Phi cơ bắt đầu vào không phận Calgary vào buổi trưa đầu xuân có nắng vàng rực rỡ. Một vài dải mây trắng lãng đãng bay ở cuối trời xa. Mặt đất, không phải, một mặt phẳng trắng xóa như một cánh đồng tuyết bao la càng lúc càng nâng cao lên để lộ lốm đốm nhà cửa, dinh thự càng lúc càng nhiều, càng rõ!

Đôi mắt Ngọc Bích, my house, nhà tôi, dán cứng vào khung cửa sổ ở thân tàu, xuýt xoa với những gì nàng đang trông thấy:
“Anh ơi, tuyết trắng phau mà nắng thì chói chang. Đã hơn 20 năm rồi em mới lại được thấy tuyết trắng và nắng vàng. Hồ dễ đã hơn hai mươi hai năm kể từ tuần trăng mật ở Lake Tahoe, California”
“Ừ nhỉ, thời gian thiệt là nhanh!” Tôi vừa nhìn nàng vừa cười ý nhị, “Mà em nói trăng mật làm chi cho tủi, trăng mật mà ngủ chung phòng với các dì cậu cả tuần lễ!”
“Ui cái ông này nhớ dai!” Nàng nguýt tôi một đường dài thườn thượt.

My house rất ít khi đi đâu với tôi. Hạnh phúc của nàng là con cái trong những ngày nghỉ và công việc sở trong ngày làm việc. Tôi khám chân nàng chẳng thấy nốt ruồi nào cả chẳng bù với tôi, bàn chân nào cũng 5, 6 nốt. Lần này đi là cả một cuộc cách mạng!

Ra khỏi cổng phi trường sau khi xong thủ tục nhập cảnh thì đã 1g30 chiều. Ngó dớn dác không thấy ôn mệ Long Phụng mô hết. Bên ngoài gió đầy hơi lạnh. Kéo cao cổ áo xuýt xoa. Tôi đi một vòng thì thấy Anh Phụng đang ngóng lên cầu thang lối ra cổng nội địa:
– Thiên tài! Người ta là ngoại quốc mà ở cổng nội địa thì làm sao gặp được?
Anh Phụng cười bẽn lẽn, “Thì em mới tới đây thôi mà.” Thiên tài hơn nữa là đậu xe ở đâu quên mất! Số là tới hơi trễ vì phải chạy lên trường học đưa quần áo khô cho thằng con chơi tuyết bị ướt, nên đậu xe xong là chạy vào cổng quên phéng là ở tầng nào! Phải tốn mấy phút “bốc gió đoán mò” mới tìm ra chỗ đậu. Dọc đường về, hai bên lề tuyết trắng, đường xe có vẻ lầy lội vì tuyết tan nhanh trong nắng. Anh Phụng nói hai hôm trước mới có bão tuyết, và đêm qua tuyết cũng rơi. Tôi thấy trời cao xanh và nắng chói chang nên có vẻ thất vọng nhủ thầm “chắc số không được thấy tuyết rơi giữa ban ngày”

– Anh Phụng, thời tiết tiên đoán ra sao?
– Tối nay nghe nói 60% tuyết lại sẽ rơi, mong tối mai không bị để khách tham dự cho đông.
– Khí hậu này bao giờ mới có tuyết mà 60 với 70?
– Coi vậy chứ thay đổi nhanh lắm. Mà chắc các anh chị mang ấm áp từ Texas sang.
– Vĩnh Tuấn và anh Lan Cao đang đợi ở nhà phải không?
– Hai anh ấy bị quan thuế xét hỏi tơi bời vì mang hai thùng sách.
– Nghe quan thuế gọi về anh Long hỏi mang sách qua cho mầy để tặng hay bán?
– Dĩ nhiên là để tặng chứ bán thì tụi nó đóng thuế chịu đời sao thấu!
– Vậy mà cũng phải đóng thuế “quà tặng” hết gần 30 dollars đó anh.

Nhà của Long Phụng nằm trong cul-de-sac mà cuối đường là một công viên nhỏ tràn ngập những tuyết. Canada đất rộng dân thưa, rất nhiều khu đất trống tuyết phủ điểm trang bằng loại cây Noel xanh tươi mọc rải rác trông như bức tranh vẽ trong các tấm thiệp Christmas.

Anh Lan Cao đang hút thuốc lá ngoài sân với quần áo tươm tất. Tôi buột miệng, “Chắc là đang thả hồn thơ trong tuyết?”
“Ngồi đây hút thuốc ngắm trời,
Cầu mong thấy được tuyết rơi giữa ngày”

Anh Lan Cao phán liền 2 câu thơ. Phải công nhận người này thơ “đầy mình”. Bây giờ viết tới đây mỉm cười. Lan Cao lúc nào cũng xổ thơ ra được. Lại thêm một thiên tài! Qua khỏi cửa được Kim Long đón mừng! Ôi nỗi mừng sao mà thân thiện như chờ đợi một người thân ở xa mới về không bằng. Xong lại lo trả lời điện thoại. Tôi xoay qua Vĩnh Tuấn:
– Ủa sao tới trước tôi cả hơn 3 tiếng mà giờ này ông nào cũng còn quần áo tươm tất vậy?
– Tụi tui cũng chỉ mới về hơn tiếng chớ mấy! Tui bị chận xét ở phi trường vì hai cái thùng sách, tụi nó lật từng trang, moi từng ngăn va-ly, lục lọi không thiếu cái gì!
– Chắc cái mả công tử của ông giống mấy tay tổ buôn drug chớ gì!

Sau khi an vị phòng ốc, chúng tôi kéo nhau ra phố Việt Nam – Khu Little Saigon – ăn trưa. Đi tới đâu anh Long cũng nhắc nhở người ta, “Tối mai nhớ đến dự nghen.” Gặp những người thân tình thì lại làm một màn giới thiệu, “Đây là nhà thơ Lan Cao, nhà thờ Vĩnh Tuấn, garage thơ Yên Sơn từ Tách Xịch qua”… ôi nghe nó “oai” đến phát nghèo!

Lượn một vòng phố, uống hết café Heo May, chúng tôi ghé quán rượu định cầm vài chai về nhâm nhi. Anh Lan Cao nổi hứng, “Cầm mỗi người một chai khỏi thắc mắc.” Cầm thì cầm, có chết thằng tây con mỹ đen nào đâu. Ba tay hồ hởi kẹp nách một chai mang về.

Khoảng 6 giờ chiều thì những “nghệ sĩ tài danh” đã lần lượt mang đàn, mang âu lo tới nhà Long Phụng để “tổng dợt”. Toàn là thanh niên thanh nữ. Trẻ đến nỗi tôi lộn cô Nguyễn Thu là cháu lớn của Long Phụng, sém chút nữa mất lòng. Ăn uống sơ sài xong bắt tay vào việc tập dợt. Tập thì ít, nói chuyện thì nhiều. Hai “nghệ sĩ” Anh Phụng và Nguyễn Thu vừa ngâm thơ vừa cười cũng đã hết giờ. Hai người này chưa một lần ngâm thơ trình diễn, nay hoàn cảnh bó buộc nên cũng uống thuốc liều. Người nghệ sĩ đàn tranh là cô Trúc Linh vừa đàn vừa “gun”, “Em mới đệm ngâm thơ lần này là lần đầu!”

Hai anh em nhà họ Đỗ (Minh Dương và Tú Lan), con của cụ Đỗ Trọng Huề đọc bài giới thiệu tác phẩm “NGSRM” của nhà văn Lương Thư Trung ở Boston gửi tới, cứ luôn miệng “bảo đảm, bảo đảm, không hay không ăn tiền”. Người giới thiệu chương trình sẽ là chị Ngọc Lan. Chị rất là vui tính, lúc nào cũng cười tươi và sẵn sàng phang nhiều câu cười nắc nẻ. Tôi nói cho mọi người yên tâm là tất cả sẽ cầm giấy mà “trả bài” khỏi phải học thuộc lòng.

Lạ một điều là mấy anh chị em thanh niên không thấy ai hút thuốc, còn rượu mời thì từ tốn lắc đầu. Có một hai anh miễn cưỡng cầm ly xã giao rồi đâu vẫn hoàn đấỵ. Ở cái xứ lạnh, ở lứa tuổi thanh niên mà như vậy thì quả nhiên đáng phục. Tôi thắc mắc, “Hay là chỉ những người mà ông Long quen biết thôi.” Các anh chị ra về lúc khuya thì anh em chúng tôi vẫn còn ngồi chờ tuyết rơi!

Buổi sáng tôi vừa thức dậy thì Vĩnh Tuấn đã phàn nàn:
– Ông ngủ ngáy như sấm làm sao người khác ngủ cho nổi?
– Nữa rồi, sao ông nói giống như tuần trước ở Washington DC, nhà Nghiêu Minh quá vậy! Ông ngủ không được là tại nhớ người yêu sao lại cứ cho rằng tại tôi ngáỵ? Ông nói tôi ngáy lớn sao tôi không nghe? Hahaha!

Chờ cho mọi người “xong công tác” lại dắt díu nhau ra phố ăn sáng. Phố ở đây, cuối tuần mà đợi tới 10 giờ sáng mới mở cửa. Ăn sáng xong, anh Lan Cao đề nghị đi dạo phố Tàu. Phố Tàu có cầu sư tử bắt qua dòng sông Bow River chảy ngang qua phố, có nhà văn hóa Tàu với công trình kiến trúc khuôn mẫu Bắc Kinh. Kiểu kiến trúc ở đây thật là Tàu truyền thống, không khác mấy phố Tàu Chợ Lớn hay ở San Francisco cho dù rất nhỏ so với hai nơi này. Có một nhà lầu đang xây cất ngay giữa thành phố, bên bờ sông thơ mộng để dành cho những người “homeless”. Mới nghe như tưởng nói chơi, ai ngờ lúc chạy ngang thấy đề bảng “Homeless Community”. Ôi dân homeless Canada ngon hơn văn nhân thi sĩ. Vĩnh Tuấn Lan Cao kể cả tôi đều mơ ước làm dân homeless của thành phố này! Vĩnh Tuấn cứ xuýt xoa “mấy ông bà homeless ở đây thế nào cũng trở thành văn thi sĩ hết! Ôi Canadian! Chúng tôi ghen với mấy you rồi!”

Long Phụng lại đưa lên thăm “thung lũng tình yêu”. Calgary với đồi núi chập chùng chứ không phẳng lì như vùng Hiu tông Tách xịch. Chúng tôi thi nhau chụp hình đủ trăm kiểu. Thung lũng tình yêu nằm dưới tầm mắt, bên dòng sông Bow uốn quanh thành phố. Hai bên bờ sông tuyết trắng với những hàng cây trụi lá nhưng đầy rẫy những mầm non hứa hẹn cho một mùa xuân đẹp tuyệt vời. Đứng trên triền núi khu nhà giàu nhìn xuống mênh mông. Nắng vẫn rực rỡ mà tuyết vẫn trắng nơi nơi.

Chúng tôi dừng lại nơi cầu gỗ để làm “hollywood model”, nơi mà người ta dùng để đi bộ tập thể dục. Chiếc cầu gỗ nhỏ đủ cho hai người sánh vai dài hun hút xuống tận bờ sông, chắc cũng phải đến mấy trăm bậc thang. Tôi khắc tên Lan Cao để ghi kỷ niệm, Lan Cao khắc tên tôi, my house viết tên Long Phụng và tôi viết tên nốt những người còn lại. Kim Long than, “Mai mốt mấy anh chị về rồi, đi đâu chúng tôi cũng thấy kỷ niệm, chắc buồn chết!”

Loanh quanh và tiếc nuối thung lũng tình yêu, đại khách sạn homeless và dòng sông Bow tình tự cho lắm thì cũng đến giờ đi đón Giáng Hạ ở Vancouver tới. Ôi tình nghĩa thơ văn nó đậm đà, thắm thiết làm sao, xui khiến cho kẻ đông, người tây vượt muôn vàn khó khăn để đến với nhau. Chúng tôi chào đón nhau trong vui mừng và cảm đông. Giáng Hạ “cô nương nhỏ nhỏ xinh xinh” vậy mà tình yêu quê hương trong thơ luôn luôn dạt dào đôi khi dũng mãnh. Tôi có nhiều kỷ niệm về cô nương này, là tác giả đầu tiên trong tập thơ chung 14 người và tôi thì lại là người cuối cùng. Khi viết đến đây, nhớ về Giáng Hạ tôi bỗng thấy mình mỉm cười và… lắc đầu!

Chúng tôi về tới nhà thì được cháu Quế, con gái lớn của Long Phụng mời đi ăn “Tỉm Xấm”! Anh Lan Cao ngạc nhiên lắm, “Trong đời Bác đây là lần đầu được con cháu còn rất trẻ con của bạn mời đi ăn nhà hàng.” Ôi dân Calgary dễ thương quá đỗi! Cháu Quế quả nhiên rất dễ thương. Vừa đẹp, vừa ngoan, vừa hiền thục, đảm đang, là cánh tay phụ mẹ đắc lực. Đã vậy, vừa đi học, vừa làm thông dịch ở tòa án mới thiên tài chứ! Sau mấy ngày ở đây chúng tôi đều tuyên bố không cần suy nghĩ là, “Ki nào cháu có chồng, mấy chú bác nhất định qua tham dự.” Con bé cười bẽn lẽn, “Chắc còn lâu lắm mới có.” Những đứa con của anh chị Long Phụng rất là ngoan ngoãn và xinh đẹp! Con của Long và Phụng kết hợp mà!

Việc tới cuối cùng cũng lù lù tới. Địa điểm tổ chức là một auditorium của thư viện địa phương. Tổng số ghế ngồi là 162 chỗ, vuông vắn, xinh xắn. Long Phụng có nói nhiều lần rồi “đây là lần đầu tiên, từ mấy chục năm nay, mới tổ chức một đêm thơ nhạc thuần túy như vầy”. Trời bên ngoài vẫn còn sáng, chỉ hơi lạnh một tý, bãi đậu xe thênh thang. Đây là một nơi lý tưởng để làm văn nghệ RMS.

Giấy mời 6g45 bắt đầu chương trình, vậy mà 6g chưa thấy bóng dáng một ai ngoài ban tổ chức. Long Phụng và ban tổ chức có hơi “nghiêm và lo”… Sân khấu được xếp đặt một cách đơn sơ nhưng không kém phần trang nhã và nghiêm chỉnh; nào là các tấm phông hình chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, tấm “băng rôn” Đêm Nhớ Về Saigon và tác phẩm Những Giọt Sương Rớt Muộn, một giàn hoa thiên lý đơn sơ, một projector chủ đề với những hình ảnh Saigon yêu dấu, chiếc đàn tranh khiêm nhượng nằm một bên, bên kia là keyboard của Tùng, one man band… chỉ còn thiếu mấy lá cờ! Bên trong các “nghệ sĩ tài danh” vẫn tiếp tục tập dượt. Khách đã bắt đầu tới, mua sách lai rai, và hàn huyên với những người quen biết. 6g45 thì đã đầy 2/3 căn phòng… và chờ đợi. Mọi người lo quắn lên vì những lá cờ vẫn chưa thấy đâu. Sốt ruột cho tới hơn 7g, anh Phước tủm tỉm cười mang giá cờ tới vội vội vàng vàng trang hoàng nhanh chóng.

Và “Đêm nhớ về Saigon với thi tập Những Giọt Sương Rớt Muộn” bắt đầu lúc 7g10.

Để mở đầu, MC Ngọc Lan làm mọi người thảng thốt với mẫu nhắn tin “tìm trẻ lạc… Kim Long”. Cả hội trường cười ồ trước khi nghiêm chỉnh làm lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca hai nước. Bài quốc ca Việt Nam hùng hồn vẫn muôn đời làm cho tôi xúc động! Anh Long rất là lưu loát trong phần chào mừng quan khách. Anh Việt, người ca nhạc sĩ tài hoa amateur của Calgary mở màn phần văn nghệ với bản nhạc chủ đề “Đêm nhớ về Saigon” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Anh đã hát say sưa với chiếc đàn thùng, làm mọi người nhớ về Saigon xưa cũ với những rung động nhẹ nhàng. Anh em nhà họ Đỗ rất xuất sắc khi trình bày bài giới thiệu của nhà văn Lương Thư Trung. 20 phút đồng hồ đọc trên giấy vẫn không làm người ta xao lãng. Cả hội trường im phăng phắc như nghe từng lời từng chữ của người đọc. Anh Phụng tiếp theo với bài hát Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của nhạc sĩ Châu Đình An. Anh Phụng đã không kềm được xúc động nên vừa ca vừa khóc làm cho không khí cô đọng trong xúc cảm, ngậm ngùi. Nhìn quanh khán giả, trong bóng đèn lờ mờ như có nhiều bàn tay lau nhanh nước mắt, thậm chí như có nghe tiếng sụt sùi đâu đó. Cả hội trường im lặng nghe được tiếng thở của nhau.

Phần giới thiệu các tác giả của tuyển tập cũng là một công phu của anh Bảo, một kỹ sư trẻ, cùng với lời giới thiệu ngắn gọn về mỗi tác giả của anh Kim Long được tiếp nối bằng giọng ca nhẹ nhàng của chị Ánh Nga qua nhạc phẩm “Khi Xa Saigon” của Lê Uyên Phương. Nguyễn Thu với “Tình Ca Nguyễn Thị Saigon” của Việt Dũng, chị Nguyễn Hồng với “Saigòn Em Ở Đó” của Trần Chí Phúc tiếp nối chương trình. Và anh Nguyễn Thiện chuyển chương trình nhạc qua thơ bằng sáu câu vọng cổ muồi riệu “Gánh Nước Đêm Trăng”. Mỗi người một vẻ, cho dù các anh chị em chỉ là những amateur của amateur nhưng đã trình diễn với tất cả tấm lòng và con tim thổn thức nhớ về một nơi chốn dấu yêu… xa biệt ngàn trùng!

Chương trình được kết thúc bằng phần diễn ngâm những trích đoạn của 15 tác giả trong thi tập NGSRM do Anh Phụng, Nguyễn Thu, Vĩnh Tuấn và Yên Sơn với phần phụ Họa đàn tranh “điêu luyện” của Mỹ Linh. Tiếng đàn tranh thật tuyệt dịu đã giúp cho Anh Phụng và Nguyễn Thu “qua khỏi con trăng” một cách ngon lành, thành thục. Cám ơn Mỹ Linh nhé. Phần ráp nối các đoạn thơ của mỗi người thành một trường ca theo chủ đề cũng là một công trình đáng kể. Chúng tôi sẽ gửi kèm theo đây để chia sẻ cùng quý vị.

Có lẽ tình cảm của khán giả đang hướng về quê hương đất nước đã chín muồi cho nên phần trình diễn thơ dài một tiếng đồng hồ được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt. Cứ tưởng tượng 140 người trong một căn phòng tranh tối tranh sáng không một tiếng động suốt hơn hai tiếng đồng hồ thì đủ biết sự thưởng thức của mọi người tới đâu.

Tôi diễn ngâm đoạn cuối và tuyên bố chương trình chấm dứt… pháo tay nổ vang nhưng không một ai đứng dậy. Anh Kim Long lên thay mặt BTC cám ơn và tuyên bố chấm dứt cũng vẫn chưa thấy ai rời ghế. Mãi đến khi MC Ngọc Lan mời mọi người ra phía trước dùng tiệc trà và cho các tác giả cơ hội ký sách kỷ niệm, mọi người mới rời phòng đầy vẻ tiếc nuối.

Tôi đã tổ chức Ra Mắt Sách cho mình, cho người ở nhiều nơi chốn khác nhau; tôi đã tham dự RMS, CD, ca nhạc không biết bao nhiêu mà kể, đông người gấp bội cũng có, ít người hơn cũng có, người có tiếng tăm, kẻ mới nhập làng cũng lắm… nhưng chưa bao giờ có được số khán giả vô vàn thương mến như hôm nay. Cảm động nhất là đồng bào đã tỏ ra rất thân thiện. Chúng tôi 5 trong 15 tác giả có mặt hôm nay ký sách mệt không được nghỉ. Hàng trăm cuốn sách đã đến tay quan khách một cách ưu ái. Đợi đến gần 11 g đêm, khi thư viện cần đóng cửa thì mọi người mới lần lượt ra về sau khi đã tự ý giúp BTC thu dọn chiến trường, hút bụi, dọn rác, sắp xếp bàn ghế đâu vào đó. Bà giám đốc thư viện cũng có mặt suốt chương trình và cũng đã sắp hàng mua 3 cuốn sách cho thư viện. Dĩ nhiên chúng tôi rất hoan hỷ ký tặng cho bà để đền ơn sự giúp đỡ. Có lẽ ai đó đã giúp thông dịch những diễn biên cho bà nên bà tỏ ra “very appreciate” là chúng tôi đã tổ chức được một chương trình thành công chưa từng có ở đây. Bà cũng rất thán phục là BTC đã trả lại cho bà một căn phòng sạch sẽ hơn và ngõ lời sẵn lòng bảo trợ cho những sinh hoạt tương tự sau này. Cám ơn Calgary, cám ơn đồng hương, cám ơn anh chị Long Phụng, cám ơn anh chị em thanh niên hợp tác trong chương trình. Quý vị đã cho chúng tôi những giây phút vô cùng cảm động và hãnh diện.

Tôi cũng xin đặc biệt cám ơn anh Cơ – Đại Úy HQ Hoàng gia – đã giúp chúng tôi từ xế chiều đến khuya lo phần âm thanh và ánh sáng. Cám ơn anh, cám ơn Đại Úy HQ Hoàng gia. Và chắc còn nhiều anh chị em nữa nhất thời tôi không nhớ tên đã tận lòng hết sức giúp đỡ trong sự thành công của đêm RMS, nhất là sự có mặt của đôi Bác Sĩ anh chị Độ “giám đốc”

Kéo về nhà anh chị Long Phụng lại tiếp tục đàn hát, ăn uống đến hơn 2g sáng mới vãn. Có đến 30 chục người mà hầu hết là thanh niên… không uống rượu, không hút thuốc cũng là một cái lạ đời đáng nói. Chưa kể cụ Phú 82 tuổi, đương kim chủ Tịch Hội Người Việt Calgary cũng đến chơi với anh chị em. Cụ lên xuống cầu thang nhanh hơn thanh niên chúng tôi. Tiếng nói cười của cụ rổn rảng, tinh thần cởi mở, không hút thuốc, không uống rượu, chỉ uống tý sâm banh và thức ngon ơ cùng anh chị em đến 2g sáng mà không có dấu hiệu mệt mỏi gì cả… thế mới thiên tài chớ! Ngày hôm sau tôi mới biết cụ là bố của các anh chị Phước, Cường, Mỹ Linh…; dường như cụ có tới tám chín người con thì phải, toàn những người con đạo đức và chí hiếu, chí để. Bái phục và ngưỡng mộ cụ Phú lắm lắm.

Có lưu luyến lắm thì tiệc cũng phải tàn lúc gần 3g sáng. Tôi tình nguyện nằm một mình ở phòng khách để “khỏi phiền lòng hàng xóm”. Làm một giấc không mộng mị đến 7g sáng thì anh Lan Cao đã áo quần tươm tất ngồi sẵn ở cửa sổ hút thuốc lá, ngắm mây trời và… làm thơ tình. Sáng hôm nay trời khá âm u và như trong gió có bụi tuyết! Không biết hẹn hò từ lúc nào mà Tùng đã tới đưa anh Lan Cao đi lễ. Tất cả mọi người cũng đã trở dậy. Chúng tôi uống trà, cafe, ăn sáng và nói về “chuyện hôm qua”. Chuyện hôm qua đã làm cho Long Phụng và chúng tôi cảm động và phấn khởi nhiều.

Anh Lan Cao vừa bước vô nhà đã than, “Tôi như vầy mà bà cụ ở nhà thờ nỡ lòng nào ‘mời cụ lên đàng trước ngồi.’ Chúng tôi phá lên cười vui vẻ.
– Anh Lan Cao à có lẽ cụ thấy tóc tai anh “hơi vắng” nên tưởng anh già.
– Thì già mà trái tim tôi rất trẻ, trái tim đầy ắp thơ tình.
– Tôi biết anh chuyên môn “làm thơ tình”, nhưng có một dạo anh nói với tôi là đánh mất cả thơ lẫn tình chỉ có làm thinh. Hahaha!

Hôm nay anh chị Long Phụng rủ chúng tôi đi Banff để ngắm tuyết. Mấy hôm nay anh Lan Cao và Vĩnh Tuấn vẫn tha thiết mong tuyết rơi. Riêng tôi đã một thuở ở Tennessee nên cũng không lạ gì lắm. Xe Van của Long Phụng chất hết mọi người lên xe. Mấy đứa con lớn của Long Phụng thì đều có công việc riêng nên không đi. Vĩnh Tuấn sợ lạnh nên vác theo chai “sương mờ”. Ra khỏi phố thì tuyết bắt đầu rơi mỗi lúc một nặng hơn. Anh Phụng ngồi đàng sau lúc thì mở thêm heat, lúc thì bớt heat. Phải công nhận đàn bà ở đâu cũng thích làm tài xế phụ!

– Nè anh Yên Sơn không được cho tài xế uống gượu à nghen, anh Long chạy vừa vừa chứ, tuyết rơi nặng quá mà. Anh Phụng nhắc chừng.
– Nì, tài xế lạnh chân nên xin nhấm chút cho ấm, làm gì khó quá vậy!
Những bông tuyết khá lớn đập vào kính xe và hai bên đường tuyết mênh mông.
– Tuyệt vời! Anh Lan Cao và Vĩnh Tuấn luôn xuýt xoa.
– Coi kìa cả một khu rừng Bạch mai! Anh Lan Cao đang dán mắt vào cửa sổ và ngâm nga những câu thơ mới làm tôi không còn nhớ. Anh Lan Cao, như tôi đã nói trước là hồn thơ lúc nào cũng lai láng. Quả nhiên, cây hai bên đường với cành lá trĩu nặng bông tuyết.

Một tiếng 15 phút thì đến phố Banff. Người ta đi bộ đông đảo hai bên lề đường như đi trẩy hội. Chúng tôi cũng đậu xe, đi bộ, chụp hình. Đang đi bỗng dưng nghe anh Lan Cao bảo mọi người cùng hả miệng cho tuyết rơi vào để nếm cái vị của tuyết nó mằn mặn. Chúng tôi buồn cười và ghi thêm vào trang kỷ niệm. Tôi chắc anh Lan Cao sẽ cho ra đời nhiều bài thơ sau này về cố sự hôm nay. Chúng tôi dừng lại một hotel vĩ đại, nổi tiếng, sang trọng bậc nhất của Banff là Banff Hotel. Vào đây chúng tôi thưởng thức café và dùng trưa nhẹ, chụp ké những công trình kiến trúc kiểu mẫu. Cái hotel này có lẽ đến vài ngàn phòng chớ không ít. Hy vọng các thợ chụp hình của nhóm sẽ lần lượt đăng lên để chia sẻ với bà con. Chúng tôi tới suối nước nóng chỉ để tiếp tục chụp hình chứ không còn đủ thì giờ để ngâm mình trong dòng nước vang danh thế giới. Hẹn dịp khác vì còn phải đưa Giáng Hạ ra phi trường trả về Vancouver cho những người thân yêu đang mong đợi.

Rời Banff, chia tay với Giáng Hạ trong lưu luyến. Dường như có ai đó đã quẹt tay lên mắt!


« TRANG NHÀ »