Bình thơ “Mốc Thời Gian”

ngày 17.09.24

MỐC THỜI GIAN

50 năm – nửa đời người
làm thân viễn xứ… buồn ơi là buồn
đêm-tàn-nhạt-bóng-trăng-suông
đầu cây ngọn cỏ cũng vương nét sầu

bức tranh xưa sắc màu diễm ảo
chứa trong tim từ dạo xa quê
mỗi năm dịp tháng tư về
trào dâng nỗi nhớ đến tê tái hồn

nhớ cảnh cũ bồn chồn tấc dạ
nhớ triền sông, bờ đá tuổi thơ
đêm đêm lén nhập vào mơ
cho tim thổn thức, cho ngơ ngẩn lòng

có những đêm đèn chong chờ sáng
nhớ quảng đời trong đạn tên bay
bao lần ngất ngưởng cơn say
từng thằng bạn gãy cánh bay giữa đường

nhớ những buổi tan trường đưa đón
nhớ bờ vai từng lọn tóc dài
nhớ ơi cái dáng trang đài
khua đôi guốc mộc nắng phai vỉa hè

hai mươi ngàn đêm xa quê
mà sao mỗi lúc đường về mỗi xa
thăng trầm ta vẫn là ta
chỉ có màu tóc sương pha ráng chiều



Cộng hưởng Mốc Thời Gian

Đọc bài thơ “Mốc Thời Gian” của anh, thấy mủi lòng, chung tâm sự, buồn da diết, anh Yên Sơn ơi! Ai xa xứ, không ít thì nhiều cũng chạnh lòng nghĩ tới quê hương. Cái buồn nhiều mặt, nỗi nhớ khác nhau cho từng người, từng cảnh trạng; song chung quy cũng chỉ là nhớ là buồn. Thơ anh nhẹ nhàng, trong sáng trong ngôn từ, nhưng sức cảm xúc lại mãnh liệt ở ý và tứ thơ, đập thẳng chẳng những vào tâm hồn mà còn từng cả thớ thịt làn da của người đọc. Bố cục chặt chẽ với mở đầu, thân bài và kết luận, khiến bài thơ đọc xong vẫn lưu lại tâm tư người thưởng lãm trọn vẹn ý nghĩa của cái mốc thời gian 50 năm mất nước, chôn chặt nỗi buồn ly hương. Cái ý nghĩa đó, phải chăng là tiếng thở dài não nuột.

“50 năm – nửa đời người
làm thân viễn xứ… buồn ơi là buồn
đêm-tàn-nhạt-bóng-trăng-suông
đầu cây ngọn cỏ cũng vương nét sầu”

Anh nhập đề bài thơ trực tiếp, trình bày tâm trạng “buồn ơi là buồn” ở ngay hai câu mở đầu. Anh chấm câu sau mệnh đề, “làm thân viễn xứ” và thêm ba chấm trước nhóm chữ “buồn ơi là buồn”, ghép cả hai lại vào cùng một câu thơ để chuyên chở hai ý có liên quan mật thiết với nhau, nhưng cũng có thể tách rời nhau. Một đằng là xác nhận thực trạng, một đằng là nói lên nỗi lòng. Nhưng có khi thực trạng đã ngầm chứa nỗi lòng và nỗi lòng là biểu lộ của thực trạng. Giá anh chỉ dùng ba dấu chấm, hoặc dấu phẩy một mình, hoặc dấu phẩy cộng với ba dấu chấm, thì ý thơ vẫn không đổi, vẫn miên man, nhưng lại không ray rứt lòng người đọc vì thiếu đi cái gì đó đau đớn như tiếng nấc khi phải chấp nhận một định mệnh nghiệt ngã an bài. Dấu chấm là một sự chấp nhận và định mệnh nghiệt ngã kia là “thân phận kẻ ly hương”. Francoise Sagan thì “buồn ơi, chào mi” (Bonjour tristesse). Câu nói bất hủ của cô gái 17 tuổi trong truyện sau khi vô tình hại chết người yêu của cha mình đã để lại cảm giác sâu xa trong lòng người đọc về sự nhận diện nỗi buồn của tác giả chỉ mới 19 cái xuân xanh.

Kiều cô quạnh với:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

và:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Còn Thế Lữ thì “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn”, mà bỏ đi bốn chữ “xa vắng mênh mông”, thì câu thơ của Thế Lữ trở thành cụm từ “buồn ơi là buồn”; trong thơ của anh Yên Sơn, nếu không nói xa vắng mênh mông trong nỗi buồn mà nỗi buồn cơ hầu như rất mênh mông xa vắng! Thú thật, khi đọc bốn chữ: “buồn ơi là buồn” trong câu thơ của anh Yên Sơn, tôi có cảm giác cô đơn, bi đát, xa vắng, mênh mông như mấy câu thơ buồn của Kiều, của Francoise Sagan, và Thế Lữ vậy.

Hai câu kế tiếp, anh dùng kỹ thuật tạo từ bằng gạch nối để tổng hợp hình ảnh thành một từ duy nhất biểu lộ niềm cô đơn ray rứt cô đọng nhưng nối tiếp. Không biết bao nhiêu “đêm tàn nhạt bóng trăng suông”, anh ngồi tư lự mang tâm sự như của Lý Bạch “Cử đầu vọng minh nguyệt” (Ngẩng đầu nhìn trăng tỏ), rồi “đê đầu tư cố hương” (Cúi đầu nhớ cố hương) như thế. Nỗi buồn của anh mãnh liệt đến độ, “đầu cây ngọn cỏ cũng vương nét sầu”, nghe còn da diết và cụ thể hơn hai câu thơ Kiều:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Bài thơ tiếp tục với bốn câu:

“bức tranh xưa sắc màu diễm ảo
chứa trong tim từ dạo xa quê
mỗi năm dịp tháng tư về
trào dâng nỗi nhớ đến tê tái hồn”

Nhạc điệu chuyển từ Lục Bát sang Song Thất Lục Bát nghe ai oán như nỗi buồn của người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc;” hoặc lời than của nàng thiếu phụ trông chồng đang bận chiến chinh trong “Chinh Phụ Ngâm”. Quê hương như bức tranh xưa, chứa sắc màu diễm ảo sống động trong tâm anh từ lúc ly hương, cứ mỗi độ Tháng Tư về là trào dâng nỗi nhớ đến ngập cả hồn anh và tái tê lòng người. Đọc bốn câu thơ mà tê tái theo cảm nhận của tác giả! Mỗi người trong long đều nặng mang một bức tranh xưa riêng, một màu sắc diễm ảo riêng, nhưng nỗi nhớ đến tê tái hồn có lẽ không khác nhau, cho nên xúc động của tác giả cũng y như xúc động của người đọc.

Bốn câu này, một phần tiếp nối với nhập đề, một phần mở ra cho những nỗi nhớ niềm đau quảng diễn tiếp trong phần thân bài.

“nhớ cảnh cũ bồn chồn tấc dạ
nhớ triền sông, bờ đá tuổi thơ
đêm đêm lén nhập vào mơ
cho tim thổn thức, cho ngơ ngẩn lòng”

Nỗi nhớ dĩ nhiên là không thứ tự, có khi đang nhớ dòng sông tuổi thơ, lại vụt nghĩ tới người yêu trong cuộc tình dang dỡ. Câu, “Đêm đêm lén nhập vào mơ” hay quá! Tôi khoái Xuân Diệu đòi vào giấc mơ của em đặng dò xét em qua bốn câu trong bài “Xa Cách”:

“Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,
Anh muốn vào dò xét giấc em mợ
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu những điều quá thực… “

Nay anh đòi, “Đêm đêm lén nhập vào mơ, cho tim thổn thức, cho ngơ ngẩn long;” lãng mạn thua gì Xuân Diệu chứ!

“có những đêm đèn chong chờ sáng
nhớ quãng đời trong đạn tên bay
bao lần ngất ngưởng cơn say
từng thằng bạn gãy cánh bay giữa đường”

Bốn câu thơ này chẳng những nói lên được niềm ray rứt triền miên trong lòng của tác giả và biểu lộ được tình bạn thắm thiết sống chết có nhau, mà còn mô tả trọn vẹn cuộc đời binh nghiệp vào sinh ra tử của chính tác giả, chàng phi công oai hùng tung cánh trong đường tên lửa đạn.

Tác giả đã từng lấy bầu trời xanh với không gian rộng thênh thang làm nhà, lấy những cơn say ngất ngưởng để khóc cho những thằng bạn gãy cánh bay giữa đường. May mắn cho tác giả, phi cơ anh vẫn còn tránh được đạn địch; nhưng buồn cho anh là tim anh không tránh được vết thương đau mỗi lần nghe tin bạn mình ngã gục. Tôi may mắn là Hải quân, làm tham mưu, không đi sông, đi biển, nhưng bạn bè tôi đủ binh chủng, tôi thường gọi đùa là “mấy thằng trời đánh” trong bài thơ tôi họa bài “Làm vội bài thơ chêm chơi chỗ trống” của ông chủ nhà báo Trần Lộc hiện đang cư ngụ tại Dallas, Texas. Bài thơ đó tôi viết như vầy:

“Bạn bè ta toàn những thằng trời đánh
Có bao giờ chịu sống như người thường
Có vợ con rồi mà thương cứ thương
Còn thất tình, thì như cơm bữa
Bạn bè ta, đứa này rồi đứa nữa
Lần lượt chui vào hòm gỗ đầy hoa
Đời rộng tay chờ ở thế giới thật xa
Chứ ở đây, muôn năm đau khổ
Nhiều lần nghe lời thố lộ
Mới thấy thương mấy thằng trời đánh này ghê
Đánh giặc, về thành, thấy gái, …thì mê
Chứ vợ con, lúc nào chẳng nhớ
Tại ông trời cắt cớ
Sanh mình ra… đất nước đông đàn bà
Mà cô nào cũng xinh đẹp như hoa
Cũng thích đọc thơ mình mới chết
Vợ con chỉ gặp trong mấy ngày về phép
Nên chung tình trong tâm tưởng được rồi
Hôm nay còn gặp, còn chơi
Mai chẳng biết đứa nào đi trước
Sống trên quê hương đất nước
Chiến tranh dài nhất địa cầu
Nên ta cảm thông, không hề trách một câu
Vì thiệp phân ưu, viết thường hơn thiệp Tết
Viết đến đây, ta xin chấm hết.“
(Xuân Đấu)

Nỗi nhớ của anh tiếp tục:

“nhớ những buổi tan trường đưa đón
nhớ bờ vai từng lọn tóc dài
nhớ ơi cái dáng trang đài
khua đôi guốc mộc nắng phai vỉa hè”

Cái nhớ của anh trôi về quá khứ mơn trớn mái tóc dài thả ngang vai của những cô nữ sinh xinh đẹp lúc tan trường. Câu “khua đôi guốc mộc nắng phai vỉa hè” hay quá! Chỉ một câu này thôi cũng đủ mô tả được cảnh tan trường, các cô nữ sinh khua đôi guốc mộc với lòng rộn rã niềm vui sau một ngày chú tâm học hành. Không gian lúc đó có lẽ cũng gần xế chiều, được tác giả gói trọn hình ảnh trong bốn chữ “nắng phai vỉa hè” thật tài tình. Đọc thơ Trần Lộc, tôi vẫn thích những câu gợi hình như, “Sao áo em bay khép mở rất Sài gòn;” hoặc, “Em đi về, con phố trông lên”… Đọc mà ngẩn ngơ với hình ảnh và nỗi buồn. Thơ anh Yên Sơn nhẹ nhàng hơn với câu, “Khua đôi guốc mộc nắng phai vỉa hè”, dù mang giọng thơ và sắc thái khác với thơ của anh Trần Lộc, nhưng hình ảnh cũng đẹp và rộn ràng không kém. Mỗi người có một nét đẹp riêng như Huy Cận và Xuân Diệu vậy. Hình ảnh “khua đôi guốc mộc” này cũng thường thấy trong thơ của Du Hạ. Du Hạ là một cô nương, hiện sinh sống tại thành phố Houston, đang nắm giữ một chức vụ khá quan trọng trong cơ cấu bầu cử của quận hạt Harris County.

“hơn mười ngàn đêm xa quê
mà sao mỗi lúc đường về mỗi xa
thăng trầm ta vẫn là ta
chỉ có màu tóc sương pha ráng chiều”

Nhớ nhung đi một vòng quá khứ và lạc sâu vào hồi tưởng xong, tác giả trở lại với thực tại, thở dài ngao ngán:

“hơn mười ngàn đêm xa quê
mà sao mỗi lúc đường về mỗi xa”

Giọng thơ đã chuyển qua Lục Bác như một nối tiếp với hai câu lục bác của đoạn trên mà cũng tương hợp với hai câu lục bát mở đầu ở nhập đề về phần kỹ thuật. Nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời, anh lại thở dài thêm một lần nữa:

“thăng trầm ta vẫn là ta
chỉ có màu tóc sương pha ráng chiều”

Bốn câu thơ với ý cùng thể thơ kết thúc bài thơ một cách ăn khớp với phần nhập đề càng làm cho bố cục bài thơ chặt chẽ hơn. Tâm sự u buồn của anh trong suy tư cũng là niềm u uất của biết bao người ly hương. Đoạn kết bài thơ càng làm cho niềm u uất đó kéo dài ra và biến thành tiếng thở dài não nuột. Một bài thơ tuyệt vời, anh Yên Sơn ơi!

Nguyễn Xuân Đấu


« TRANG NHÀ