Mẹ Tôi – Sau một thế kỷ

ngày 13.11.23


Mẹ tôi năm nay đã 102 tuổi. Không thể tưởng tượng Cụ tôi đã đi qua hơn một thế kỷ dài. Một thế kỷ đầy biến động với hai trận chiến tranh thế giới; một Việt Nam thoát khỏi các cuộc chiến giành độc lập; rồi một Việt Nam đau thương khi vừa thoát khỏi ách đô hộ ngoại bang lại bị kéo vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn từ mưu đồ nhuộm đỏ Đông Dương của Hồ Chí Minh và quốc tế Cộng Sản. Miền Bắc cuối cùng đã xâm chiếm Miền Nam, Cụ phải chịu đựng sự bạo ngược của chế độ tham tàn, ngu xuẩn thêm 16 năm dài, rốt cuộc cũng phải xé lòng rời bỏ quê hương để ra đi sống đời tha hương cùng một số con cháu đã may mắn chạy thoát.

Là con cháu chúng tôi xin cúi đầu tạ ơn Trời Phật đã ban cho đại gia đình tôi một hạnh phúc tuyệt vời. Dù vậy, hạnh phúc vì còn Mẹ ở tuổi chúng tôi bạc đầu, nhưng cũng lo lắng, đau khổ cùng với Cụ ở tuổi già sức yếu, nhất là mỗi lần Cụ đau bệnh khó ở, phải vào bệnh viện. Chúng tôi cũng xin tạ ơn đất nước nầy với hệ thống chăm sóc sức khoẻ người già gần như hoàm mỹ. Ước gì Ba chúng tôi qua được sớm bên nầy thì Người đã không bị chết oan uổng do sự quản trị đất nước yếu kém vì sai lầm và ngu dốt của đám Việt cộng.

Cũng may Cụ vẫn rất minh mẫn, vẫn lần chuỗi niệm Phật hàng ngày. Đôi khi sức khoẻ cho phép, Cụ còn tập thể dục, còn ngồi chép kinh Phật dù nét chữ run run nhưng vẫn ngay hàng thẳng lối. Thường thì Cụ chép một trang giấy lớn rồi nghỉ.

Dĩ nhiên ở số tuổi đời của Cụ làm sao tránh khỏi đau nhức, khập khiểng. Cụ đi đứng càng lúc càng khó khăn, phải cần thêm 4 chân nữa, đi từ từ, chậm chạp và mũi lúc nào cũng gắn liền với máy oxygen 24/24. Đã vậy mỗi đêm còn phải thở thêm ít nhất 4 tiếng trên cái máy trợ thở (Bipap) để giúp trục bớt chất toxin CO2 trong phổi ra vì người lớn tuổi thở không đủ sâu. Cái máy Bipap mà ai cũng ngán, kể cả bác sĩ, y tá cũng đều nói như thế. Thế nên, lúc nào để máy nầy cho Cụ cũng đều có vấn đề, ngoại trừ khi ở bệnh viện có lẽ Cụ không thể làm gì được với bác sĩ, y tá.

Thảng hoặc vợ chồng tôi hoặc vợ chồng chú thứ tám tới ở lại với Mẹ một hôm. Mà phải có các con dâu mới có thể giúp Cụ đi tiêu đi tiểu. Cụ không bao giờ cho con trai đi theo vào restroom. Cứ mỗi lần ở lại với Cụ một hôm thì ngày hôm sau tôi phải ngủ bù mới chịu nổi chỉ vì vụ thở Bipap mà Cụ quay quắt suốt đêm. Đêm nào cũng vậy chỉ ngủ gà ngủ gật vài ba chục phút từng lúc nào có thể. Có vậy mới biết sự khó nhọc của cô em gái út chừng nào. Thương quá mà cũng không thể nào giúp được gì hơn. Cụ khó tính nên dù đã nhiều lần thuê mướn người giúp việc cũng không được lâu dài; Cụ không thích ai đụng vào người Cụ trừ hai cô con gái – một út ở kế bên, một bên VN khi nào qua thăm – hoạ hoằng đôi khi hai cô con dâu; trong khi đó những người giúp việc thì thường chỉ “làm cầm chừng cho hết giờ”, “làm lấy lệ” giúp việc nhà cửa cho cô út và hoàn toàn không ai có bổn phận trách nhiệm trong vcông việc mình làm. Mà để con gái lo cũng chẳng làm sao hài lòng Cụ. Vậy thì chắc chắn không con dâu nào dám nghĩ tới chuyện giúp Cụ nhiều hơn một ngày mỗi lần dù chỉ thỉnh thoảng. Thế nên, mọi sự đành phải bán cái hết cho Út. Có ở với Cụ một hôm thì mới cảm thương cho cô Út của chúng tôi, đã phải lãnh hết những khổ não về phía mình từ ngày nầy qua tháng nọ! Từ bé đến khi đã có chồng con.

Thời gian không bệnh hoạn, không ở nhà thương là thời gian Cụ mỏi mòn trông đợi lũ con cháu ở mỗi cuối tuần, là những ngày chúng tôi có thể tụ họp gia đình gần đông đủ nhất cũng như những lần giỗ chạp trong năm.

Niềm vui gặp con cháu để Cụ thấy chúng tôi vẫn vui khoẻ, tụ họp đông đảo, để thấy chất keo sơn là tình yêu thương gắn bó, hoà thuận, đùm bọc nhau của đại gia đình. Đặc biệt, chỉ trông mong giờ cuối cùng của họp gia đình là lủ con ngồi đánh bài với Cụ. Đánh bài với Cụ là kể như Cụ được tiêm một liều thuốc khoẻ. Cụ có thể ngồi cả tiếng đồng hồ để “giương”, để “thủ” với xập xám, để cười đắc chí khi chúng tôi đoán sai con bài tẩy của Cụ lúc đánh cát-tê”, để cười hỉ hả khi thắng, để lầu bầu khi thua. Và trăm lần như một, khi trận chiến kết thúc là lúc con cháu tan hàng thì liều thuốc khoẻ cũng hết linh nghiệm, nhất là biết đến lúc phải chuẩn bị đối mặt với “cái máy ác ôn”.

Mỗi lần đánh bài với Cụ, niềm vui của tất cả mọi người là 3 ván bài cào cuối cùng. Ai cũng có thể thắng 2 ván đầu, nhưng ván cuối đặt gấp đôi bình thường để rồi ai cũng làm bộ “nặn lên nặn xuống, nặn tới nặn lui” rồi “nhất định phải thua Cụ” dù có ai cầm được 3 con tây hoặc 9 nút  Chỉ là đôi khi cũng phải thắng kẻo Cụ lại rầy “chúng bây chơi ăn gian, không vui!” Nhìn Cụ đếm những đồng bạc thắng cú chót, xếp lại ngay ngắn cũng làm cho mọi người cùng vui.

Tiền Cụ thắng – hầu hết là giấy $1 – Cụ ngồi đếm, xếp lại ngay ngắn, cuộn thành gói bỏ vào túi ngon ơ. Một ngày nào đó Cụ đếm đã được $50, $100 thì Cụ nhờ đổi giấy có mệnh giá lớn để đút túi cho thằng cháu ngoại một ít (con cô Út, là đứa thường giúp mẹ nó chăm sóc Cụ những lúc bận rộn khi nó còn ở bậc Trung học, gồm chích đường, thử máu, nhắc Cụ uống thuốc, đi theo canh bước Cụ những lúc đi loanh quanh trong nhà). Số nhiều khác thì để cúng Chùa những khi đủ khoẻ đi được.

* * *

Bây giờ thì Cụ tôi đang nằm bệnh viện.

Mấy ngày qua Cụ chống đối rất hăng hái, không chịu thở máy đều đặn. Mấy ngày qua, càng lúc càng thấy Cụ yếu lả, đi không được, ngồi không vững, tay chân run rẩy… biết là vì Cụ không thở Bipap đủ nhưng không thể ép được. Cụ bao giờ cũng là người gan dạ, cứng cỏi. Một khi Cụ đã dứt khoát nói không thì không ai có thể lay chuyển, kể cả Ba chúng tôi hồi còn sinh thời. Việt cộng cũng phải nhường Cụ huống chi lũ con cháu chúng tôi.

Ai cũng biết mỗi khi đưa Cụ vào bệnh viện là cả một vấn đề trọng đại cho đại gia đình. Nhưng tình trạng của Cụ không thể làm gì khác hơn nếu không gọi 911 cấp cứu sau vài ngày lũ chúng tôi và Cụ phấn đấu. Trong khi đó, chỉ còn gần tuần lễ nữa là tôi phải đi California vì có việc cần phải đi. Nhưng! Không thể giữ Cụ ở nhà thêm giờ phút nào nữa. Bác sĩ phòng cấp cứu nói nếu đưa Cụ nhập viện chậm hơn nữa chắc đã khó thoát. Chỉ số carbon dioxide trong phổi Cụ đã lên tới 114. Người có con số nầy trong phổi có thể ngất xỉu và ra đi bất thình lình không lường trước được. BS nói thường trong cơ thể người ta thì chỉ số nầy từ 5 cho tới 20 là tối đa.

Cụ vào bệnh viện thì anh em phải chia phiên nhau ở với Cụ. Cụ rất sợ ở một mình vì nghe ai đó nói rằng những người già nằm bệnh viện mà không có người nhà túc trực thường bị bạc đãi; sợ y tá vô tâm cho uống nhầm thuốc hoặc quá liều (cái nầy thì dù không ai tin nhưng Cụ sợ thì cũng đành thôi), sợ đêm khuya y tá ngủ quên không cứu kịp trong trường hợp khẩn cấp. Vì thế, Cụ sẽ không dám ngủ nếu không có người thân bên cạnh.

Chuyến đi của tôi chưa thể dứt khoát gì được. Tôi tình nguyện vào ở với Cụ đêm đầu tiên. Trong lòng cầu mong ít hôm nữa Cụ khoẻ được thì tôi có hy vọng đi xa được. Chuyến đi nầy tôi rất muốn đi, vì sẽ gặp lại được một số huynh đệ đồng môn Thiếu Lâm Bắc Phái năm xưa mà hơn 50 năm qua đã bị mất liên lạc, nhân dịp đáp ứng Thư Mời tham dự đại hội Võ Thuật Thế Giới lần thứ 31, của Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật ở miền nam Cali trong đó có Grandmaster Trần Như Đẩu, vừa là niên trưởng trong Không Quân vừa là cựu Giám Đốc Học Viện Võ Thuật Thần Phong Tân Sơn Nhất.

* * *

Đêm bệnh viện, trong khu ICU, ngồi canh bệnh cho Mẹ tôi. Nhìn Cụ nằm thiêm thiếp lòng buồn bã thương Mẹ vô cùng. Tôi gọi thầm Mẹ ơi! Mẹ rán vượt qua Mẹ nhé.

Cụ mới được chuyển từ khu cấp cứu lên phòng trong khu ICU (Khu chăm sóc đặc biệt). Ở trong khu nầy không bao giờ là nơi an tâm của gia đình người bệnh.

Cụ phải thở bằng máy thở Bipap có công suất mạnh. Vài tiếng thì phải mở ra để lau miệng môi lưỡi vì nước miếng khô quánh, cổ rát bỏng. Khi Cụ chuyển mình thì tiếng máy kêu báo động và ý tá lại chạy vào xem, sửa lại. Nhưng dù Cụ có muốn nằm yên cũng đâu được vì ngoài tiếng máy báo động còn có y tá coi về phổi, cô khác coi tim mạch, cho uống thuốc men…

Một lúc sau có một cô ý tá tới thử máu. Cô trông dáng vẻ Á đông nhưng không xác định là dân nước nào. Cô còn trẻ, tiếng Anh không có “accent”. Tôi nói với cô là ở phòng cấp cứu đã không tìm ra mạch để châm kim thử máu. Cô ta nói cô đã biết như vậy và đó là lý do bác sĩ gửi cô tới. Cô nói cho tôi yên lòng là cô có nhiều kinh nghiệm về việc nầy, chắc cô sẽ làm được. Tôi nói với cô rằng, “Tôi cũng đã nghe nhiều lần như vậy kể cả dùng máy dò mạch… nhưng rồi cuối cùng cũng phải tìm phương cách khác.” Cô có vẻ tự tin nên nhất định thử. Cô đâm kim hết chỗ nầy đến chỗ khác, hết tay nầy qua tay kia… Mỗi lần kim đâm tìm mạch là Cụ tôi đau đớn, rên la thắt cả lòng. Cuối cùng cô chịu thua thiệt, nói không lấy được!!! Tôi vọt miệng nói bằng tiếng Việt, “Nếu cô không lấy được với Mẹ tôi thì cô lấy tôi nhé?” Tôi vừa định đưa cánh tay mình ra thì cô y tá đã quay ngoắt lại mắt lườm tôi tỏ vẻ không hài lòng, xổ câu tiếng Việt làm tôi giật mình, “Thưa Bác con có chồng rồi ạ!” Rồi nguýt tôi một phát rõ dài, bỏ đi với câu nói, sẽ báo cho BS biết… là cô không làm được. Úi trời! Mới nghe nửa chừng tưởng cố ấy sẽ báo cho BS biết là tôi đòi lấy cô ấy 🤣

Tới nửa khuya có một toán y tá chuyên viên vào. Họ nói với tôi là Mẹ tôi rất cần phải được chuyền thuốc và thử máu để theo dõi bệnh trạng; và họ sẽ giải phẫu một động mạch ở cánh tay gần nách, để vào một ống nhựa để thử máu và chuyền nước biển, vì những động mạch của Cụ teo tóp không thể dò tìm như những người bình thường. Cuộc giải phẫu sẽ không lâu hơn 15 phút sau khi thuốc tê ứng dụng.

Họ bắt đầu chích thuốc tê cẩn thận và chờ đợi đúng thời gian cần thiết rồi tiến hành. Dù đã có đủ liều lượng thuốc tê nhưng chắc là đau đớn lắm khiến Cụ kêu la thảm thiết khiến lòng tôi cũng thấy đau theo Cụ. Dù vậy, cũng phải đến hơn 20 phút mới xong. Khó nhất là giữ cho cầm máu vì Cụ đang dùng thuốc loãng máu. Sau khi băng bó xong thì cũng đã hơn nửa tiếng đồng hồ và máu vẫn ra, ướt đẫm cả lớp băng vải. Họ nói vài tiếng sẽ có người thay băng cho Cụ.

Có lẽ sau khi chịu nhiều đau đớn và kiệt sức nên Cụ nhắm mắt nằm yên khá lâu mới thấy cục cựa. Sau đó, y tá tới cho nối bình nước biển vào cái valve nhân tạo. Vài tiếng sau thì trở lại thay băng vì máu thấm ướt đỏ cả cánh tay. Tôi nghiệp Cụ, lúc nầy thì hai cánh tay đã bầm tím từ mu bàn tay lên tới khuỷu tay. Mà lần nào vào nhà thương cũng bị cái màn nầy. Và đây là nỗi ám ảnh cho Cụ khi nghe tới cụm từ “nằm bệnh viện”.

Buổi sáng, y tá đến lấy máy Bipap ra, thay băng khác chỗ vết mỗ, thấy Cụ có vẻ tỉnh táo hơn, tôi thuyết phục Cụ rán ngồi dậy cho Cụ súc miệng và ép uống một bình sữa nhỏ và ăn vài muỗng cháo của nhà bếp mang tới. Tôi nói với Cụ, “Mẹ thấy chưa, vào bệnh viện là khổ như thế đó.” Mẹ gắt, “Biết rồi! Đừng nói gì thêm!” Ngồi thêm một lát thì Cụ nằm xuống và ngủ được hơn tiếng lại trăn trở thức dậy.

Thông báo tình trạng của Cụ cho các em biết, gồm cả cô em thứ năm của tôi mới từ Việt Nam bay khẩn cấp sang. Ai cũng vui mừng Mẹ đã thoát đại nạn dù vẫn còn trong khu ICU chưa biết sẽ bao lâu. Dù mệt nhưng lòng tôi cũng hân hoan, hy vọng Mẹ bình an thì tôi có thể sẽ nhờ các em và nhà tôi thay phiên loanh quanh với Cụ và tôi tiếp tục được chuyến đi dự định.

Thức trắng một đêm tôi thấy dường như không còn sức chịu thêm đêm nữa nên buổi trưa tôi gọi chú em vào thay. Rồi ngày hôm sau tôi lại thay tiếp cho chú dù mấy cô em muốn tôi nghỉ. Dù tình trạng sức khoẻ của Cụ vẫn lúc mệt lúc khoẻ không như tôi mong đợi nhưng tôi vẫn thấy có nhiều hy vọng cho chuyến đi nên tình nguyện thay các em ở với Mẹ được lúc nào hay lúc ấy. Nhưng thực sự không thể ở hai đêm liên tiếp như xưa. Chú em tôi cũng vậy.

Đến ngày sắp đi thì bác sĩ đã cho Mẹ tôi qua khu bệnh nhân bình thường. Được sự đồng ý của nhà tôi, tôi quyết định đi. Nhà tôi bảo tôi đừng lo, vấn đề của Mẹ đã có nàng và các em. Tôi yên tâm lên đường qua Cali phó hội. Tuy nhiên, 5 ngày ở Cali không ngày nào là không hồi hộp trông tin nhắn hoặc hỏi thăm tình trạng của Cụ. Tôi cũng thảo luận với nhà tôi chuẩn bị vé quay về nếu có trường hợp khẩn cấp. Nhà tôi là một con đâu trưởng gương mẫu, thay tôi đỡ đần cho các em ở bệnh viện với Mẹ tôi hai ngày cuối cùng trước khi Cụ được xuất viện về nhà.

Sau gần hai tuần nằm bệnh viện, Cụ được cho xuất viện cùng ngày tôi về lại Houston. Muôn vàn cảm tạ Trời Phật đã phò hộ cho Mẹ tôi thoát quả cửa tử đi thêm một đoạn đường với con cháu. Cho đến hôm nay, Cụ đã có thể ngồi binh xập xám, đánh cát-tê, bài cào vào cuối tuần như thường lệ dù sức khoẻ vẫn chưa trở lại như tháng trước. Thời gian của Cụ sống vui với con cháu chúng tôi chỉ dám đếm từng ngày. Cô thứ năm quyết định loanh quanh với Mẹ và đỡ đần cho cô út thêm vài ba tháng nữa trước khi trở về Việt Nam.

Vừa rồi làm tiệc sinh nhật tháng ba của con cháu, Cụ vui và đại gia đình cũng vui hơn thường lệ.


Mẹ và lũ con: Hai, Ba (mất), Bốn, Năm, Sáu (mất), Bảy, Tám, (Chín đi tu), Mười


Mẹ và đại gia đình con cháu dâu rể


Cùng với hai con gái và cháu ngoại cưng

Giữa Tháng 3/2023


« TRANG NHÀ »