Đọc thơ Yên Sơn

ngày 17.12.15

Kính anh Yên Sơn!

…Thú thật, nguyên một ngày Thứ Bảy vừa qua, em đã đọc thơ anh rất nhiều (theo vần mẫu tự) mới đọc tới vần M. Em xin phép nói như thế này, thiệt lòng chứ không hề câu nệ, rằng thơ của Yên Sơn không chải chuốt, không cầu kỳ, không lệ thuộc chi cả vào niêm luật… Thơ của Yên Sơn dung dị và tự nhiên, phóng khoáng và hào sãng. Yên Sơn làm thơ như một hảo hán; chỉ tiếc hảo hán đó không còn vung gươm trên chiến trận như ngày xưa… mà nay chỉ dùng ngòi bút để tình tự về một hồi ức xa xưa, về một thủa dọc ngang trong binh lửa…

Em đặc biệt ấn tượng với bài “Mời nhau chén rượu hồ trường.” Có thể một phần em rất thích bài Hồ Trường của NBT và một phần khi đọc bài này, làm cho em nhớ đến các nhà thơ xứ Quảng… vẫn mài mại một lối văn kể lể tự sự như Trần Yên Hòa, Trần Trung Đạo, Đinh Trầm Ca, Hà Nguyên Dũng… Các nhà thơ xứ Quảng họ làm thơ rẹt rẹt, nghĩ sao viết vậy… như con sông Thu Bồn khi lũ lụt hung dữ, khi hiền lành trơ cả lòng sông. Nhớ ngày xưa, em được học với thầy Tần Hoài Dạ Vũ trước ’75 tại Huế, dạy văn chương cho bọn em rất truyền cảm… chỉ tiếc là thầy ngộ nhận cái hào quang của CS. Nhưng chỉ 2 năm sau 75, thầy đã từ bỏ hoạn lộ để trở về với đời thường.

Các nhà thơ VN ở hải ngoại, em thích nhất Tô Thùy Yên, Huệ Thu và bi chừ là Yên Sơn; có thể còn nhiều vị khác hay hơn nhưng em vì thiển cận nên chưa biết đến cũng như bây giờ mới biết đến nhà thơ Yên Sơn.

Thôi thì “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui…” Chúc anh Yên Sơn mạnh khỏe, bình an và có nhiều bài thơ hay để đời.

Nguyễn Hùng Dũng


t/b: Em vưa ra Huế thăm lại Huế thương, có một chùm thơ gửi cho anh Yên Sơn đọc cho vui nhé.

Chùm thơ ngày về:

Ra Huế

Huế ơi! ra Huế đã mấy lần
Lòng sao hồi hộp, dạ bâng khuâng
Vì Huế có nửa trời sâu nặng
Nửa kia, xa Huế nhớ mưa tần

Huế nợ ta, vì để ta đi
Nhớ ngày xưa, tang tóc, phân ly
Ta nợ Huế, đành trở lại Huế
Làm sao ta-Huế phải phân kỳ

Ta lại về Huế giữa mùa thu
Chút mưa, chút nắng, gió vi vu
Lang thang suốt cả bờ hữu ngạn
Cảnh đó, người đâu, dưới mây mù

Ta lặng nhìn trong đám cỏ cây
Hỏi hồn bia đá đã bao ngày
Hỏi nàng Tôn nữ, mắt xưa ấy
Hỏi đường hỏi phố, dáng ai gầy?

Ta trở về, đi dọc sông Hương
Một bên thành quách, bên phố phường
Bên kia, tuổi đã vài trăm chẵn
Nằm chán chơi vơi: cõi vô thường.

Ta về Vỹ Dạ, đợi trăng lên
Đợi ai áo trắng ở bên thềm
Đợi người họa lại bài thơ cũ
Đợi chiếc đò ngang, có gọi tên?

Ừ thì thôi! Huế vẫn xưa
Đền đài, lăng tẩm… vẫn còn lưa
Miếu mạo, chùa chiền… vẫn còn đó
Lòng ta cô lữ! Trời đổ mưa…


Về làng

Lối về làng, nhiều đường lắm ngã
Có đường xe hơi chạy bon bon
Còn ta chọn đường đê vất vả
Lắm khúc quanh, là ngã tâm hồn

Làng ta đây, nhà thờ sừng sững
Lũy tre dài, bao bọc chân quê
Làng ta đó, sao mình xa lạ!
Đã bao năm, quay gót trở về…

Cửa vào làng, đất Thánh Cây Da
Một cõi nghìn thu của ông bà
Là nơi yên nghĩ của cha mẹ
Một lạy này: nghịch tử phương xa

Buổi tương phùng, hai con vịt cỏ
Có tiết canh, và cháo đậu xanh
Nhấp chén rượu, sao mà diệu vợi
Rượu nào ngon bằng rượu quê mình.

Ngày sum họp, có hai thằng cháu
Đứa thì kêu chú, đứa cậu ơi
Ở ngoài trời mưa rơi da diết
Mà dường như, lòng ta rối bờ

Nơi về Lavang

Nơi đó tình thâm luống nhiệm mầu
Phù sinh còn lại mấy canh thâu
Thời gian hữu hạn, tình vô hạn
Huống bạn trăm năm kịp chuyến tàu

Nơi đó đền thiêng ước hẹn về
Phong trần giũ bước, cuối sơn khê
Giang hồ giục giã trên lưng ngựa
Gác chuyện thu phong: Hãy cố về

Nơi đó bình minh sớm nguyện cầu
Lời kinh vang động đến mai sau
Tràng hoa Mân nở khắp Linh địa
Mẹ ơi, đoàn con thoát lệ sầu

Nơi đó màn đêm đã lụi tàn
Vầng đông chói lọi ánh vinh quang
Thuyền nan vượt biển phong ba cuối
Tăm tối lo chi: Mẹ dẫn đàng

Nơi đó, còn lưu chuyện thần kỳ
Lời thề trước Mẹ buổi phân ly
Quá hải thành công, con quay lại
Tạ Mẹ ban ơn, khỏi hiểm nguy

Nơi đó, vòng tay nối vòng tay
Trái tim hòa nhịp trái tim này
Ba mái trường cũ: anh em cả
Dễ có ngày sau được sum vầy

Nơi đó ta về giữ giang san
Mẹ giúp nước Việt khỏi nguy nàn
Non sông gấm vóc vững bờ cõi
Dân Việt bừng lên, chống bạo tàn…

Nguyễn Hùng Dũng


« TRANG NHÀ »