Tản Mạn Thăm Trại Gà

ngày 8.12.16

Nửa buổi Thứ Năm, tôi đang ngồi thiền trên net thì được cú điện thoại của chú Minh, một người bạn cũ, ở Bắc California, đã lâu lắm rồi chưa gặp lại, gọi thăm. Chú mới qua Houston dự định cuối tuần lên nông trại nuôi gà của em chú để thăm nom công việc xem sao. Tôi hỏi “thăm nom xem sao” có nghĩa là gì? Chú nói để xem công việc làm ăn của nó ra sao để liệu tính có qua tiếp tay với chú ấy được không.


– À thì ra thế! Nếu không, anh cũng chẳng biết chú đang ở đâu, làm gì. Mà sao khá lâu rồi chú không liên lạc?
– Em mất số điện thoại của anh rồi! Em qua đây mới lục internet tìm anh.
– Anh có list số điện thoại đâu mà sao chú tìm được?
– Trên trang web trường võ của anh chứ đâu!
– À thì ra thế!
– Em muốn đến thăm anh chị được không?
– Dĩ nhiên là được rồi. Chị đi làm, chỉ có anh ở nhà. Mà có tiện cho chú không?
– Em có xe, em có máy dò địa chỉ (GPS). Anh cứ gửi địa chỉ của anh qua điện thoại là em tới thôi. Bao giờ anh đi làm.
– 3g anh đi. Vậy chú tới ngay đi.
– Bác với mấy người em của anh có ở gần anh không?
– Cách nhau khoảng gần tiếng lái xe. Hay là chú xuống nhà Bà Cụ sẵn thăm được hết mọi người. Hôm nay mọi người nghỉ lễ nên có hết ở nhà, cũng tiện. Anh gửi địa chỉ cho chú và sẽ lái xe xuống đó bây giờ.
– Vậy thì tốt quá!

Ngày xưa tôi ở Bắc Cali, quen thân với Minh. Chú vừa là học trò học võ, vừa là cha mẹ học trò, thích sinh hoạt cộng đồng và văn nghệ nên hợp với tôi lắm. Thế rồi cuộc đời đưa đẩy, tôi rời Cali qua tới Houston mấy chục năm qua. Chú có qua Houston thăm Mẹ và các em tôi một lần rồi. Nhưng sau bao lần thay đổi điện thoại, tôi làm mất số của chú, mất luôn liên lạc. Hôm nay, tình cờ liên lạc lại được và cảm động tấm lòng của chú đã nhớ nghĩ đến mình nên tôi rất vui đi gặp chú và sẵn dịp thăm được Mẹ tôi ngày trong tuần.

Tôi gửi tin nhắn cho chú Minh rồi liên lạc với Mẹ tôi và mấy đứa em. Mấy chú em đi câu từ sáng sớm vẫn chưa về. Nhưng nghe tôi xuống và có người bạn ở xa đến thăm nên các chú hứa chạy về liền. Mấy chú em tôi mê câu lắm. Mấy chú nói, “đi câu là cái thú giăng nắng giăng gió, cái thú ngồi chờ cá cắn câu, cái thú bắt được cá…”; nhiều khi đi câu đắt tiền hơn nhiều so với tiền mua cá nữa. Chú em lớn còn sắm thuyền đi câu xa bờ nữa kìa, nhưng chỉ được vài năm chịu bảo trì không thấu cũng đã bán đi. Tôi cũng thích đi câu nhưng đi câu của tôi là ra biển chơi, uống rượu và ngó trời nước, trải lòng với đại dương bao la chứ không thích cầm cần câu cá. Vì thế, các chú em tôi cũng chán cho tôi đi theo vì chẳng được tích sự gì.

Tôi và Minh tới nhà Mẹ tôi một lúc sau thì các chú em mới về, mang theo một ít cá đã câu được. Cô em gái út, nhà ở gần bên, cũng chạy sang giúp làm cơm chiên cá mới câu để ăn trưa và đãi khách. Bao nhiêu năm không gặp nhưng Minh không thay đổi gì nhiều, chỉ có khác là đã làm ông nội của hai đứa con trai của thằng con cả. Vợ Minh vẫn đi làm và hắn đang thất nghiệp. Trong câu chuyện mới biết Minh có đứa em trai kế, ở Houston, mới mua 4 trại gà đẻ trứng giống, ở phía bắc thành phố, cách Houston hơn 2 tiếng rưỡi lái xe. Minh qua giúp em và nếu cần Minh sẽ ở lại cùng em phát triển công việc làm ăn, vì sau hai tháng quản trị cơ sở, chú em nói thấy rất thích công việc nên muốn mua thêm.

Tôi đã một lần thăm trại nuôi gà lấy thịt của một người ở Việt Nam sang Mỹ đầu tư, và đã được ở lại qua đêm. Vì thế hôm nay nghe chú Minh nói nuôi gà đẻ trứng giống, tính tò mò của tôi lại được vực dậy. Tôi hỏi chú cho tôi đi theo chơi cho biết được không? Chú nói “tụi em welcome anh chị”. “Bao giờ chú đi?” “Cuối tuần, chắc Chủ Nhật.” “Chú có biết giờ nào đi không?” “Để em hỏi em của em địa chỉ chính xác rồi gửi tin nhắn qua điện thoại cho anh; và khi nào em đi sẽ gọi trước cho anh chị biết.”

Sáng Chủ Nhật tôi chờ mãi cho đến 12g trưa Minh mới gọi xin lỗi là vừa đi lễ nhà thờ về; và bây giờ bắt đầu đi. Nhà tôi nói đi trễ quá còn coi được gì? Tôi vớt vát, kể như mình chạy một vòng ra đồng quê cho thoải mái vậy thôi. Lâu lâu tôi vẫn làm thế để bớt sự ngột ngạt thường tình trong đời sống bon chen hàng ngày nơi thành phố. Có một lần vào dịp nghỉ lễ cuối tuần, hai chúng tôi lái xe loanh quanh, len lỏi vào những làng mạc, đồng quê xuống tận thành phố biển Corpus Christie, đi trong đêm, ở khách sạn qua đêm, thăm Hàng Không Mẫu Hạm USS Lexington, chạy dọc bờ biển San Padres Island… rồi lại chạy về, vô cùng thú vị.

Hôm nay trời hơi âm u, không một chút nắng. Đường sá đông xe cộ. Có lẽ người ta đi nghỉ Lễ Tạ Ơn ở Houston hoặc các vùng lân cận trên đường về. Suốt chặng đường đi có tới 4 vụ đụng xe làm chậm thêm hành trình và nhà tôi lại nhắc, “lựa đi trật giờ trật ngày!” Tôi nói, “mình đi chơi chứ có đi đâu đâu mà phải vội.”

Cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi sau khi phóng tốc độ trên những con đường quê hẻo lánh dù bị nhà tôi cằn nhằn “lái xe như lái máy bay”. 4 trại gà và một căn nhà nhà lưu động (mobile home) nằm chỏng chơ trên một cánh đồng rộng, xa xa mới thấy lác đác vài căn nhà khác.

Minh đón chúng tôi trước sân, mời vào nhà chơi. Chúng tôi được chú Minh và chủ nông trại tiếp đãi nồng hậu. Căn mobile home 3 phòng ngủ với một phòng khách khá rộng, đầy đủ tiện nghi. Vào nhà chưa kịp uống ly trà mời đã vội xin đi thăm mấy chuồng gà vì thấy trời đã tối.

picture1

picture2Mỗi chuồng gà rộng 40×400 feet, chứa 12 ngàn con gà gồm một số rất ít gà trống. Đồ ăn thức uống điều khiển bằng điện tử theo giờ giấc nhất định. Có 4 người làm gồm chủ nhà. Bổn phận người làm là mỗi ngày đi lượm trứng hai lần vào 10g sáng và 3g chiều; đi lượm xác những con gà bị chết, canh chừng máy móc vẫn chạy tốt, đồ ăn thức uống cho gà vẫn đầy đủ; sửa chữa, bảo trì những hư hỏng nhẹ. Tôi mở cửa trại để nhà tôi chen đầu vào xem. Cái mùi nồng nặc của chuồng gà làm nhà tôi dội ra liền, nói trông lũ gà bị nhốt tội nghiệp quá!

picture3Phú, chủ nông trại, cho biết sơ sơ: “mua lại trại gà này từ một người chủ VN khác (ông ta già yếu nên bán cơ sở hưu trí). Người mua phải trả xuống một số tiền mặt, phần còn lại nhà băng cho vay và trực tiếp lấy phần tiền của họ mỗi lần bán trứng. Mỗi ngày có xe tới lấy, mỗi tháng thanh toán một lần, 4 trại này lợi nhuận khoảng $8000/tháng, chủ trại 52% nhà băng 48%. Khi gà mới được thay thì lợi nhuận cao hơn vì gà trẻ sanh đẻ mau và nhiều. Mỗi 48 tuần lễ người ta sẽ đổi gà một lần. Chủ gà chịu trách nhiệm thay gà, lấy trứng đem về xưởng ấp, cung cấp thực phẩm cho gà theo hạn kỳ, có nhân viên chuyên môn tới kiểm soát vệ sinh và sức khoẻ của gà. Gà trống nào hết sản xuất sẽ bị họ tiêu huỷ và họ thay vào con khác.” Như vậy có nghĩa là, chủ nông trại trách nhiệm cung cấp và bảo trì cơ sở, lượm trứng và vệ sinh phòng ốc, phụ chăm sóc gà; chủ gà đem gà tới, thay gà, lấy trứng đi, lo sức khoẻ và cung cấp thực phẩm cho gà .

Nếu những ai có một số vốn tương đối, muốn kinh doanh sinh lợi tương đối khá, chịu sống xa thành phố, giữa đồng không mông quạnh thì mới có thể thích nghi nỗi với nghề này. Vậy mà, theo chú Phú, rất đông người Việt chúng ta theo đuổi nghề này ở Texas; gồm những người lớn tuổi, có vốn, đã ở đây lâu năm hoặc từ VN sang định cư với diện bỏ vốn mở cơ sở. (Nghe nói ở VN muốn đi theo diện kinh doanh này, cần phải có ít nhất một triệu.) Chú Phú nói chú đang tìm hiểu mua thêm nông trại khác với số lượng 8 tới 14 chuồng nữa để Minh có cơ hội về, anh em làm chung. Theo tôi cũng được biết, số người ở VN sang kinh doanh trại gà, thường mua đứt cơ sở mà không phải qua nhà băng.

Mới 6g chiều mà đã tối vì trời âm u, chúng tôi từ giã ra về. Anh em chú Minh muốn biếu chúng tôi mấy con gà và ít trứng mang về dùng nhưng nhà tôi từ chối liền, nói nhìn chúng nó rồi hết muốn ăn thịt. Tôi nghĩ nếu có dịp tôi sẽ trở lại đây, xin ở lại chơi vài hôm để tìm hiểu thực tế đời sống này để cảm nhận một cách kinh doanh thích hợp với sự siêng năng, nhẫn nại, cần cù… rất thích hợp với dân tộc tính Việt Nam.

Cuối tuần Lễ Tạ Ơn 2016


« TRANG NHÀ »