Melbourne Ký Sự III

ngày 24.11.16

Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi hơn một năm dài. Mục đích chính cho chuyến đi Úc châu là để tham dự Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm thành lập Võ Thuật Thần Phong được tổ chức ở thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria vào các ngày 29-1/10/2016.

…tiếp theo…

Dạo phố Melbourne lần đầu

picture1picture3Sáng hôm sau, Vĩnh Hảo tới nhà cô em rước chúng tôi rồi ghé khách sạn đón vợ chồng võ sư Roy Grills đưa đi thăm danh lam thắng cảnh của thành phố Melbourne. Chúng tôi dùng nhiều phương tiện di chuyển, từ xe nhà, xe điện, tới lô-ca-chưn rong chơi khắp nẻo phố cho tới lúc đôi chân rã rời.

Chúng tôi ghé ngang Casino lớn nhất của Melbourne nghỉ mệt. Sòng bài khá lớn, sang trọng nhưng không thể sánh bằng Lake Charles, New Orleans (gần bên Houston) thì nói chi tới Las Vegas. Nhưng cũng như Casino Lake Charles, nhìn đâu đâu cũng thấy rất nhiều khuôn mặt Á châu đang rất chăm chú đỏ đen. Đang nghỉ mệt thì có một nhân viên người Việt đến giới thiệu membership – ghi tên làm member thì được thưởng $10 bonus. Anh em ai cũng ngại ghi danh, tôi tham lam ghi đại sau khi được anh nhân viên khuyến khích “chú ở tuốt bên Mỹ thì lo gì bị dụ”, được $20; rồi Roy cũng bắt chước. Chúng tôi đổi chips, Roy kéo máy thua hết một nửa, còn tôi đổi ra tiền đi ăn kem uống nước, xong đi tiếp… cho tới khi không còn đi nổi nữa, chúng tôi quay về nhà, đi ngang một công viên xinh đẹp nhưng ai cũng đành lắc đầu chào thua.

picture9Về tới nhà, vợ con Hảo đã về đầy đủ. Thấy An đang sửa soạn buổi ăn tối rất thịnh soạn. Vợ chồng Hảo và hai con đã qua Houston thăm chúng tôi năm trước nên vui mừng chào hỏi và lần này nhất quyết chiêu đãi chúng tôi tận tình. Căn nhà của Hảo-An là một loại townhouse, 3 tầng, ngay ngả tư hai con đường lớn, ở giữa phố, rất tiện nghi, gần trường học tốt cho hai nhóc và rất gần sở làm của Hảo. Cách xây cất giống y như khu nhà vùng Height của phố Houston, nơi con gái chúng tôi cũng mua một căn đang ở. Tầng dưới cùng, An mở tiệm hớt tóc và beauty salon, tầng giữa là nhà bếp, phòng ăn phòng khách là một và một phòng ngủ cho hai nhóc cộng với một cái kho nho nhỏ; tầng trên cùng có phòng ngủ lớn và phòng cho Hảo tập võ. Có cái sân thượng nhỏ nhỏ nhìn thấy cả thành phố và một phần dòng sông. Ban đêm trăng thanh gió mát, ngồi uống rượu, uống cafe ở đây chắc hẳn thú vị lắm. Nhưng rất tiếc, tối hôm đó trăng không có mà gió rất lạnh nên chỉ ngồi trong phòng khách nhìn xuyên qua vuông cửa, thấy đèn thành phố ngọn xanh ngọn đỏ.

Đã có hẹn trước với cựu HLV Thần Phong, Eric Hiệp Phan, và một số huyền đai – là những học trò của võ sư Phan Cao Trí nay đã ly khai – nên sau khi ăn tối xong, nhờ Hảo đưa tôi qua nhà của võ sư Huỳnh Phi Hùng để hai chúng tôi đi đến điểm hẹn, là một nhà hàng ở vùng St. Albans.

Đến nơi đã thấy đông anh em đang chờ đợi để ăn tối. Chào hỏi xong tôi và Hùng mới cho biết là đã dùng cơm tối ở nhà rồi làm anh em có chút thất vọng. Tôi khuyến khích các em vừa ăn vừa nói chuyện…

Ở bên Mỹ, khi tôi nghe tin hơn 20 em huyền đai bỏ Thần Phong ra đi một lúc và lập một hệ thống riêng mang tên Vteam, tôi đã liên lạc trực tiếp để biết những gì đang xảy ra. Tôi cũng được anh Trí nói cho biết rồi nhưng muốn nghe từ phía các em để biết thêm câu chuyện. Dĩ nhiên là ai cũng nói cái lỗi của người khác và dĩ nhiên tôi tin anh Trí hơn chứ; dù vậy, vẫn muốn lắng nghe tiếng nói từ các em. Theo kinh nghiệm bản thân, đào tạo được một huyền đai là cả một vấn đề, nay anh Trí một lúc mất mấy chục huyền đai chắc chắn phải là một mất mát quá lớn về tinh thần cũng như hình thức.

Là một người luôn tha thiết với Thần Phong, nên sự mất mát của Thần Phong Úc châu là sự mất mát chung cho cả một hệ thống. Vì thế, tôi muốn biết thật rõ để tìm cách hàn gắn. Thế nhưng sau khi tận tai nghe, tận mắt quan sát cả hai bên, tôi thấy cơ hội hàn gắn không có hy vọng trong lúc này vì cửa nhà cả hai bên đều khoá kín, rào cao, đành khuyên các em, “Dù gì các em cũng được đào tạo từ Thần Phong, hãy vì tình nghĩa mà không tạo thêm xích mích, hiềm khích giữa hai bên. Đất Melbourne còn quá rộng cho võ thuật. ‘Hữu xạ tự nhiên hương’, ai giỏi người ta sẽ tìm đến. Không cần phải cạnh tranh bất chánh, không nên nói điều không tốt về người khác. Nếu các em không phục những người điều hành Thần Phong hiện tại thì cũng đừng quên công ơn của Thầy Trí và những anh em tốt mà mình đã cùng đi với họ một chặng đường dài. Điều quan trọng là học võ không chỉ học võ thuật mà quên võ đạo. Học võ để thành người tốt hơn chứ không phải chỉ để giỏi đánh đấm.” Tôi cũng nói với các em, “cửa Thần Phong bao giờ cũng rộng mở nếu một ngày nào đó các em muốn quay về.” Sau buổi cơm tối, chúng tôi chụp chung một ít hình kỷ niệm và từ giã các em trong cởi mở, vui vẻ.

Tôi được Hùng trả lại nhà của Hảo khá muộn. Hảo cho biết là ở nhà cùng tập binh khí với Roy vừa chia tay xong. Hảo cũng như Roy rất say mê binh khí. Cầu mong nỗi đam mê đó giữ các em đi được quãng đường dài như những người đi trước để võ phái tồn tại và có cơ hội phát triển lớn mạnh trong tương lai.

Đi xem Penguin Parade

Sáng thức dậy sau một giấc ngủ như trẻ thơ, tâm hồn rất phấn chấn, tôi bước ra ngoài hiên, gió lạnh vụt vù, mưa rơi lác đác, kịp nhìn một vòng rất nhanh con phố đã thức giấc với xe cộ rộn ràng. Mùi điểm tâm và cafe ngào ngạt xông lên tầng trên, tôi bước xuống phòng khách, nghe tiếng chào của Hảo-An; thấy An đang lục đục với điểm tâm và Hảo cũng đang giúp dọn thức ăn lên bàn.

Hảo xin nghỉ việc mấy hôm nay để ở nhà tiếp đãi chúng tôi, còn An đưa đón hai nhóc đi học. Xong điểm tâm đã thấy anh Trí và các anh em Tùng, Thiện đến để cùng nhau đi du ngoạn Phillip Island như đã hẹn trước. Đi Phillip Island để xem Viện Bảo Tàng chiến tranh của quân đội Úc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam; thăm Koala Park, rồi buổi chiều tối xem Penguin Parade.

Có tất cả 10 người, chia làm hai xe, nối đuôi nhau. (Anh Lợi đã bay qua Brisbane thăm Mẹ và đại gia đình của Huỳnh Phi Hùng nên không có mặt hôm nay.) Phải hơn hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới địa phận Phillip Island. Rất tiếc trời vẫn lấm tấm mưa và gió lạnh vẫn rạt rào. Viện Bảo Tàng đóng cửa! Kéo nhau đi thăm Chocolate Factory. Vào khu welcome xem và mua một số sản phẩm chocolates, số đông không muốn đi tour nên lái xe về vùng ven biển để dùng trưa. Sau đó, kéo nhau đi thăm Koala Park.

picture4Khi mua vé vào cửa, họ cho biết trong công viên này có 8 con Koala, vì trời đang mưa và gió lạnh bất thường nên họ không chịu trách nhiệm nếu du khách không thấy chúng xuất hiện. Ai cũng nghĩ đã lặn lội tới đây thì phải cầu may thôi. Rất may, đi hết một vòng công viên hàng giờ dưới cơn mưa bụi ngập ngừng, chúng tôi thấy đủ 8 trự và thêm cặp Wallabies ẵm con (loại Kangaroo nhỏ)picture5

picture6Rời Koala Park, chúng tôi trực chỉ tới Summerlands (Phillip Island Nature Park). Lúc này thời tiết vẫn không khá hơn, lúc tạnh lúc mưa, dù như mưa bụi nhưng gió rất mạnh, bạt cả xe và lạnh căm. Mua vé xong, chúng tôi đến một khu nhà hàng và bán đồ kỷ niệm gần bên để ăn uống lai rai chờ giờ mở cửa.

7g30 tối người ta sắp hàng dài mua vé vào cửa. Chúng tôi mua sớm nên được đi cửa khác, tránh được cảnh chờ đợi trong cơn lạnh bất thường. Nhưng khi ra ngồi bên bờ biển để đợi cũng chẳng khá gì hơn. Muốn vào trong nhà đợi tới giờ Penguin lên mà sợ mất chỗ ngồi tốt, đành mặc thêm áo và ngồi đồng chịu trận. Không phải chúng tôi dân xứ nóng sợ lạnh đâu nghen, ai ai cũng trùm kín mít!

Thời gian không bao giờ có thể đi nhanh hơn nếu chúng ta chờ đợi một điều kỳ thú. Càng kỳ thú càng nóng lòng và thời gian cứ thế tà tà mà đi! Chờ đợi rồi đợi chờ! Cái thú vị là không biết “chúng nó” lên lúc nào, lên làm sao vì không ai lạ gì gia đình penguin; cứ google penguin thì mặc sức mà xem, mặc tình mà đọc… thế nhưng, để một lần nhìn tận mắt xem chúng nó bơi lội rồi dạt vào bờ ra sao.

picture7
Cuối cùng thì tiếng la réo gọi nhau trên đầu ngọn sóng cũng đã vang lên từng lúc. Đèn điện đã bật lên, chiếu sáng một khu bãi biển và mọi người như ngưng thở chờ đợi. Một số penguin bị sóng tạt vào bờ cát trước nhưng chưa chịu lên, rủ nhau chạy vắt giò lên cổ xông vào nước trở lại cùng với những tiếng ồ tuy không lớn nhưng nghe rõ mồn một của khán giả chật ních khu bờ biển. Và cứ như thế năm lần bảy lượt, chúng bắt đầu xông lên bờ, từng nhóm 5-10 con, toàn loại nho nhỏ chứ không là những con to lớn như từng thấy trên TV chiếu vùng Bắc cực. Càng lúc càng nhiều, từng nhóm kéo nhau chạy lên bãi cỏ, số đông lại theo một chỗ nhất định, kéo đi từng đàn về phía trong, cùng với những tiếng kêu gọi nhau vang lừng cả khu đất rộng.picture8

Chúng tôi xem thêm một lúc nữa rồi theo chân chúng rời khỏi bãi cát. Tôi chưa tìm hiểu lũ penguin đã có thói quen “đi, về” ở vùng này bắt đầu từ lúc nào, nhưng nhìn những vết mòn dấu chân của chúng đi sát boardwalk từ trung tâm ra biển thì chắc là đã lâu lâu lắm rồi. Và cho đến lúc này, tôi mới biết tại sao giá vé vào cửa khác nhau ngoài việc giảm giá cho người 65 tuổi trở lên, dân cư Úc mà thôi; một boardwalk rộng chia thành hai nhánh; một nhánh đi thẳng ra biển, dọc theo đường mòn của lũ penguin, nơi chúng nối đuôi nhau chạy lên sau khi dạt vào bờ; nhánh kia ra chỗ ngồi có hình thức như rạp hát, sát bờ biển (như chúng tôi đã mua). Chúng tôi lên chỗ hai boardwalk nhập vào nhau rồi đi dọc theo lối mòn, có hàng rào mắt cáo chia cách hai bên, những chú penguin đi “tỉnh bơ” bên cạnh, có lẽ chúng đã quá quen với cảnh đông người ngưỡng mộ nên cứ ngả nghiêng “parade” cho đến nơi muốn tới. Có nhiều chú đi lẻ loi, đứng qua bên lề, gọi nhau chiu chít cho đến khi gặp bạn mới nhập đàn tiếp tục bước tiếp tục bước đi.

Xem cho tới lúc no đầy con mắt, cũng là lúc mưa bắt đầu nặng hạt, chúng tôi kéo nhau ra về. Vì khá trễ lại đông người cộng thêm cả ngày nhọc mệt, mọi người quyết định vào dùng bữa tối ở một tiệm McDonald dọc trên đường về sau khi hứng trận mưa đá kịch liệt, mờ cả lối đi.

Rời khỏi tiệm ăn cũng là lúc tạm biệt nhau, hẹn gặp lại buổi tiệc tiễn đưa vào chiều Thứ Năm; chúng tôi được vợ chồng Tùng đưa về nhà Thảo-Hương, khoảng gần 11g đêm. Chúng tôi sẽ ở lại đây loanh quanh chơi với hai người vài hôm trong tình gia đình.

Những bận rộn đã qua nên tâm hồn thanh thản, ngủ một giấc dài cho đến sáng hôm sau. Tôi rón rén xuống phòng dưới nhưng không ngờ Thảo đã dậy và đang làm cà phê. Hai anh em mang cà phê ra vườn sau. Hôm nay mới có thì giờ nhìn kỹ căn nhà. Căn nhà rộng lớn cho hai vợ chồng, vì lâu lâu hai thằng con trai cưng đi học xa mới về thăm. (Tối qua Dustin về. Dustin là con trai áp út, đang học năm cuối chương trình bác sĩ. Còn thằng Út Allan cũng đã học Y khoa năm thứ hai.) Vườn sau khá rộng nhưng hầu hết tráng xi măng rất sạch sẽ, trồng nhiều loại hoa kiểng trong chậu để tiện việc chăm sóc bốn mùa. Có chỗ ngồi uống cà phê rất tình tứ…

Thị trường và giá cả nhà đất ở Melbourne rất đắt đỏ. Mặc dù Úc kim rẻ hơn Mỹ kim (1 Úc kim = 76 xu Mỹ Kim lúc cuối tháng 9 đầu tháng 10/2016); lương tối thiểu $18… nhưng trung bình cả triệu bạc cho một căn nhà trên dưới 1500 sf thì đắt đỏ thiệt. Nếu so với người Houston như tôi thì quả là phỏng tay! Dĩ nhiên giá cả còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là yếu tố an ninh, sinh hoạt và dân cư trong khu vực. Nhà của Hương Thảo ở khu này rất tốt, đẹp, an ninh kế bên một dòng sông êm đềm, gần bên những quán cà phê rất trữ tình và nhà hàng sang trọng ven bờ sông; có con đường đi bộ, chạy xe đạp thể thao lãng mạn hai bên bờ; có nhiều nơi cho “Khương Tử Nha”* tân thời ngồi câu cá; có thung lũng, có đồi núi trong tầm nhìn với hương vị và màu sắc của đủ loại hoa đón chào mùa xuân mới.

Quỳnh Hương và Ngọc Bích cũng đã dậy. Bữa ăn sáng đã được Hương sửa soạn nằm trên bàn. Thảo với đầu óc tếu nên lúc nào cũng có nhiều chuyện vui để kể và luôn có Hương phụ hoạ. Cặp tân “tiếu ngạo giang hồ” này quả nhiên là truyền nhân của Lệnh Hồ Xung ca ca và Doanh Doanh tiểu muội. Chúng tôi biết những ngày chúng tôi ở đây, nếu không làm đảo ngược cuộc sống êm đềm thì cũng lấn át sự thanh thản trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng mà, chỉ phải “hỗn loạn” trong vài ba hôm thì có thể chịu được Thảo Hương héng, đừng rũa thầm anh tội nghiệp đó nghe.

picture1picture1Điểm tâm xong, Thảo Hương đưa chúng tôi dạo phố. Hai người đã nghỉ hưu nên ngõ ngách nào trong thành phố cũng biết và còn tiếp tục khám phá hàng tuần. Sau một chầu cà phê ở một quán cafe nổi tiếng trong khu phố sầm uất, nhộn nhịp mua bán, chúng tôi luồn lách đi ngang qua giữa khu phố, nơi người ta đang tổ chức welcome home đội banh nhà nào đó vừa thắng giải quốc gia. Một đoạn đường được che chắn, dành riêng cho việc trình diễn ca nhạc, nhảy múa… âm thanh ồn ào, màu sắc rực rỡ cả một góc trời. Trời gió và lạnh căm thế mà thấy các cô ăn mặc tối thiểu nhảy múa giữa trời, tôi thật phục quá là phục. Chúng tôi cũng cố chen lấn chụp được một số ảnh đẹp, xong đi tiếp cho tới lúc những bàn chân thám hiểm đã bắt đầu lười bước; Thảo Hương liên lạc với Dũng Liêm hẹn ăn trưa ở một nhà hàng Tàu trên lầu một khu mua sắm rộng lớn.

Nhà hàng rất đông khách, chúng tôi phải sắp hàng chờ bàn và cũng chờ Dũng Liêm. Một lúc lâu hai người cùng đến từ hai nơi làm việc khác nhau ngoài phố cũng là lúc chúng tôi được nhân viên nhà hàng mời vào một phòng dành riêng rất thoải mái và ấm cúng. Thức ăn ở đây ngon miệng cộng với những câu chuyện râm ran đời thường. Dũng Liêm rất cởi mở và vui tính như thường lệ. Có lẽ vì hợp gu nên bạn bè của Thảo Hương tính tình ai cũng dễ thương như nhau.

Sau bữa ăn, Dũng Liêm mời mọi người về thăm nhà. Cùng ra xe, cùng chạy về một lúc, nhưng khi chúng tôi tới nhà thì cửa vẫn đóng, then vẫn cài… gọi điện thoại mới biết vì Thảo đã len lách chạy đường tắt nên đến sớm hơn hai chủ nhà. Nhà của Dũng Liêm to sang như một lâu đài ở trong khu phố chọn lọc của dân thượng lưu. Từ sân trước ra tới vườn sau, căn nhà nằm thoai thoải trên một sườn đồi thấp với đầy cây cỏ, hoa lá xanh tươi, yên tĩnh. Tuy vậy, cũng chỉ còn có hai vợ chồng, sống lọt tỏm trong một căn nhà rộng lớn như hầu hết những gia đình người Việt bên Mỹ, trong đó có tôi; khi con cái trưởng thành chúng đã rời tổ ấm để tạo lập gia đình riêng. Liêm đã đặc biệt làm một chiếc bánh rất ngon cùng với rượu tốt, trà ấm, nhạc hay để đãi khách. Chúng tôi râm ran chuyện vãn với nhau đến vài tiếng đồng hồ mới quyến luyến tạ từ nhau. Màn đêm đã buông xuống trong một không gian trầm lắng có chút gió xuân làm se lạnh.

picture1Sáng Thứ Năm, khi mọi người thức giấc, uống vội ly cà phê ở nhà rồi dắt nhau đi la cà ở một shopping mall không xa nhà bao nhiêu. Thảo và tôi ngồi nhâm nhi cà phê, quan sát ông đi qua bà đi lại, chờ hai người đẹp đi khám phá khu shopping mall rộng lớn hết cả buổi sáng. Sau đó, Hương Thảo gọi điện thoại hẹn ăn trưa với vài người bạn tại nhà hàng Blue Bamboo, vùng Braybrook.

Nhà hàng với cách trang trí rất độc đáo và rất thơ mộng. Chúng tôi được ngồi ăn bên cạnh một hồ nước có tiếng róc rách và mặt nước phản chiếu đầy bóng mây, có chiếc “cầu tre lắt lẻo” bắc ngang và quanh bờ hồ đầy hoa cỏ xanh mướt… Cô bồi bàn dễ nhìn với số tuổi đôi mươi, đôi môi tươi cười thân thiện, tới lấy chi tiết món ăn. Cô chợt nhìn tôi với ánh mắt là lạ… Tôi moi óc rán nhớ xem mình có quen biết hay không nhưng đành chịu thua… Sau khi ghi chép xong, cô lại nhìn tôi hỏi, “không biết gặp chú ở đâu mà trông quen quá?” Nhà tôi chợt dán mắt nhìn tôi chờ câu trả lời! Tôi bỗng nhớ tới nhiều lần bị các bà, các cô bất chợt gặp giữa đường nghĩ tôi là ca sĩ KQ Sĩ Phú, là tài tử đóng phim Minh Hoàng; tôi hỏi ngược lại cô bé, “Người cô nói là ca sĩ hay tài tử đóng phim?” “Dường như chú đóng phim thì phải” “Chắc cô có xem phim VN “Mùi Ngò Gai” phải không?” Cô bé vỡ oà, “Phải rồi, chú có phải là cái chú già già, có tên… gì cháu quên rồi.” “Chắc cô muốn nói tài tử Minh Hoàng không?” “Là chú phải không?” Tôi nói đùa, “Trí nhớ cô thật tốt”, lại được Thảo Hương gián tiếp công nhận… vẻ mặt cô bé bỗng vui, tưởng là mình vừa khám phá một điều rất đặc biệt, cô nói trước khi rời bàn, “Lát nữa chú cho cháu chụp tấm hình kỷ niệm nha?” Tôi nói cho qua chuyện, “Để tính sau há!”.

Chúng tôi ngồi ăn và nói chuyện dông dài tới gần 4g chiều mới đứng dậy ra về. Khi chúng tôi sắp bước ra khỏi quán, cô bé đến bên tôi nhắc lại lời yêu cầu khi nãy. Tôi bối rối, tính nói thật cho cô ấy biết, nhưng Thảo sẵn đầu óc tếu nói với tôi rằng, “Đừng làm cô ấy thất vọng tội nghiệp”, lại được Quỳnh Hương xúi giục nữa nên tôi nghe theo đứng bên hồ nước chụp chung với cô bé một tấm hình mà trong lòng có chút bất nhẫn.

Về nhà nghỉ một lúc thì tới giờ đi tham dự tiệc chia tay của Thần Phong Úc châu. Chúng tôi nhờ Hương Thảo đưa đến nhà hàng Cố Đô ở vùng Sunshine lúc 6g chiều. Đến nơi chưa thấy ai cả, hỏi tiệm mới biết là giờ hẹn 6g30. Vợ chồng tôi đi bộ một vòng khám phá khu vực chung quanh; qua một chiếc cầu dành riêng cho người đi bộ bắc ngang qua đường xe lửa, qua bên kia khu công viên nhỏ nối liền với một nhà thờ Tin Lành có gắn tấm bảng “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam”.

Khi đúng giờ trở lại đã thấy anh Trí, Tấn, vợ chồng Tùng, Hảo, Thiện, vợ chồng Roy… một lúc sau có thêm một vài anh em nữa; đặc biệt có Tiêu Quốc Hiền, huyền đai tứ đẳng, cựu sáng lập và Huấn luyện viên trưởng của võ đường Braybrook, mấy hôm nay bận việc riêng không thể tham dự với anh em. Hôm chấm thi tôi cũng đã có cơ hội gặp và nói chuyện với Hiền được một lúc. Hiền còn trẻ nhưng rất chững chạc, hiểu biết, tình nghĩa và kỷ luật bản thân rất cao. Tôi rất vui gặp lại em.

Anh Lợi đã cùng với Hùng bay đi Brisbane hôm thứ Ba để thăm Mẹ và đại gia đình của Hùng đến tối Thứ Sáu mới về nên không có mặt hôm nay, anh em rất lấy làm tiếc. Anh Lợi rất thân thiết với gia đình cha mẹ của Hùng từ những ngày Hùng luyện tập với anh ở võ đường Tân Sơn Nhất. Còn vợ chồng Eduardo, học trò cùng sang dự đại hội với tôi, cũng đã rời Melbourne đi thăm viếng Sydney trên đường trở lại Mỹ. Hai người này đến Úc châu lần đầu tiên nên rất háo hức đi thăm mọi nơi, mọi chỗ bất cứ lúc nào ngoài chương trình chính của đại hội.

picture1Trong bữa tiệc vui, anh em có thảo luận sơ sơ, khuyến khích vợ chồng võ sư Roy Grills đứng ra tổ chức kỷ niệm 55 năm ở Canada, Roy chỉ cười nói để suy nghĩ lại. Ở Canada, võ đường Roy đã đứng vững hơn 10 năm qua, số võ sinh cũng khá đông nhưng việc tổ chức một đại hội không dễ chút nào; ngoài việc đòi hỏi người có kinh nghiệm tổ chức còn cần phải có nhân sự có thể hy sinh cả thời giờ lẫn tiền bạc nữa. Hầu hết anh em ai cũng mong có những đại hội Thần Phong tiếp nối trong tương lai. Tôi và anh Trí hết lòng khuyến khích các em trẻ dấn bước vì tuổi của chúng tôi cũng sắp đến lúc phải “rửa tay gác kiếm” rồi.

Có lưu luyến cho lắm cũng đến lúc nhà hàng đóng cửa. Mọi người chia tay với những hẹn ước lần sau. Vợ chồng Tùng đưa tôi về Maribyrnong. Và như thế, đại hội Thần Phong kỷ niệm 50 năm thành lập tại Melbourne, Úc châu kể như chính thức hạ màn mà chưa ai biết chắc lần tới sẽ đi đâu, về đâu. Trang trọng cám ơn anh Trí và toàn thể Ban Điều Hành Thần phong Úc châu đã dày công tổ chức một đại hội thành công tốt đẹp về mặt nổi, tạo thêm tiếng thơm cho võ phái dù chưa thể bầu lại được Ban Chấp Hành Tổng Hội Võ Thuật Thần Phong Thế Giới chính thức như sự mong ước của rất nhiều người.

picture1Sáng Thứ Sáu thức dậy, 4 người chúng tôi kéo nhau đi quanh bờ hồ nhân tạo nối liền với bờ sông Maribyrnong. Ven bờ hồ và hai bên bờ sông nhà cửa chen chúc nhưng vắng bóng người, thỉnh thoảng có người đi bộ và chạy xe đạp trên lối đi rộng rãi, tráng nhựa sạch sẽ. Hôm nay khí hậu quá tuyệt vời. Ven bờ từng nhóm người câu. Thảo nói số đông người đi câu ở đây đều là người Việt. Quả vậy, khi đi ngang qua những ông câu, nghe người ta rầm rì tiếng Việt. Thảo có một câu chuyện rất vui, rất tếu về những ông câu này. Họ đi câu để được cá chứ không phải để giải trí hoặc chờ thời như ông “Khương Tử Nha” thời Chiến quốc tuốt bên Tàu.

Đi một vòng vã mồ hôi, chúng tôi đến ngồi thiền ở một quán cà phê thơ mộng ven hồ để dùng cà phê và điểm tâm. Quán khá rộng, bài trí thanh lịch, khách nói chuyện nho nhỏ như sợ làm vỡ cái không khi tao nhã, êm đềm sáng nay. Bên góc quán nhìn ra bờ sông thấy có một bàn năm bảy người Việt đang rầm rì nói chuyện. Thảo Hương nói trong vùng này cũng có năm, ba gia đình Việt Nam ở gồm có cô nàng hàng xóm Thiên Thu dễ thương.

picture2Xong buổi ăn sáng, chúng tôi lại được Thảo Hương đưa đi chiêm bái một ngôi chùa Việt Nam rất nổi tiếng ở vùng Braybrook này. Đó là chùa Quang Minh.

Chùa Quang Minh, một ngôi chùa Việt Nam có lẽ lớn nhất Úc châu, lớn hơn cả những ngôi chùa VN trên đất Mỹ mà tôi có dịp thăm viếng. Chùa toạ lạc trên một nửa quả đồi rộng bao la, đẹp vô vàn, ngó xuống thung lũng là một nhánh sông của Maribyrnong đang mùa chảy xiết. Bên kia dòng sông lại là một sườn đồi với cảnh sắc đẹp não nùng. Tôi chợt nhớ tới chùa Kim Sơn ở đỉnh núi Watsonville bên California mà chúng tôi đã có cơ hội ngủ lại một đêm năm nào; rồi ước trong lòng nếu có thể ở lại đây trong một đêm trăng chắc là thú vị và mãn nguyện lắm.picture3Tôi đi đến vã mồ hôi, dọc theo sườn đồi của chùa, gặp một vườn trồng toàn Thanh Long, những luống cải, vườn rau còn dấu vết, xuống tận dòng sông, khuấy tay vào dòng nước mát… hoa trồng và hoa dại với màu sắc rạng rỡ chen lẫn cây cỏ xanh tươi khắp đó đây, phong cảnh làm nao lòng người.

4 người loanh quanh cảnh chùa gần hai tiếng đồng hồ rồi kéo nhau đi ăn Mì Quảng nổi tiếng ngoài phố xong đi chợ Việt ở Footscray. Mới tới cửa chợ đã bị cái mùi nặc nồng quen thuộc của chợ Việt xông vào mũi làm tôi muốn dội ngược ra. Tiếng ồn ào thường lệ của chợ chen lẫn với nhiều tiếng rao bán hàng của nhiều người cùng một lúc tạo nên âm thanh vô cùng hỗn tạp, khó phân định ai nói cái gì… nhưng rất vui nhộn lẫn khó chịu! Tôi đã từng đi chợ Cồn, chợ Đông Ba, chợ Trần Quốc Toản ở Saigon xưa cũ, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Quận Tư, chợ Vườn Chuối, chợ Phú Nhuận, chợ Xuân Lộc, chợ Hố Nai, nhiều chợ Miền Tây… và nhiều chợ khác ở khắp miền nam VN ngày xưa cũng như nhiều chợ bên Mỹ ở những nơi có đông người Việt… thế nhưng, cách mua bán này hôm nay tôi mới thấy lần đầu! Chúng tôi lượn quanh một vòng so giá cả… thấy cái gì cũng đắc ít nhất gấp đôi so với bên Mỹ, cũng có những món phổ thông nhưng lại có giá trên trời! Tôi thầm nghĩ, có lẽ dân Việt ở Úc chắc tiền bạc sung túc hơn dân Việt bên Hoa Kỳ.

Rời chợ, chúng tôi đi ngang qua công viên “Cám Ơn Nước Úc”, đi vòng tới trung tâm phố, qua phố Tàu ô… Dạo quanh mãn nhãn, chúng tôi ra về để nghỉ ngơi, dưỡng sức cho buổi tiệc với anh chị em văn nghệ sĩ Melbourne tối nay.

Họp Mặt với anh chị em văn nghệ sĩ Melbourne

Nhiều năm về trước tôi gặp người đẹp Dzáng Thơ, từ Úc châu qua, trong dịp ra mắt của Văn Đàn Đồng Tâm tại Houston, TX – một nhóm văn thi sĩ dưới sự lãnh đạo của cố nhà văn Tạ xuân Thạc và Dzáng Thơ là một thành viên. Khi quyết định sang Melbourne để tham dự Đại Hội Võ Thuật Thần Phong, tôi liên lạc cho Dzáng Thơ biết, rồi Dzáng Thơ nhờ anh John Thuỵ, anh Lê Phú giúp phần tổ chức buổi họp mặt hôm nay. Anh John Thuỵ cũng không xa lạ gì trong lãnh vực sinh hoạt văn nghệ liên đại lục nên vẫn thường xuyên đọc được email, bài viết của anh ấy trên diễn đàn, trên các nhóm văn thơ người Việt hải ngoại. Còn anh Lê Phú là người rất đa tài; là điêu khắc gia nổi tiếng, là hoạ sĩ có tranh triển lãm, là nhạc sĩ có phát hành mấy tập CD… Nói chung những người trong nhóm email tôi được giới thiệu, trong đó có người đẹp Tina – một hội viên rường cột của Nhóm Phụ Nữ Âu Cơ, hát hay, múa đẹp – đều là những người tài hoa, hứa hẹn một buổi sinh hoạt hào hứng.

Nhà hàng Nhị Nương ở vùng Sunshine. Đây là một nhà hàng văn nghệ đặc biệt trong vùng. Ở đây, thực khách vừa ăn vừa thưởng thức tài nghệ của hai cô nương chủ quán Thuý Lan, Phương Yến xinh đẹp, em đàn chị hát. Và cũng là nơi “hát cho nhau nghe” cho giới văn nghệ cây nhà lá vườn nếu có nhu cầu. Và hôm nay, 7g chiều Thứ Sáu 8/10/2016, một nhóm anh chị em văn nghệ sĩ Melbourne, nhận lời mời của anh John Thuỵ và Dzáng Thơ, đã tụ họp tại đây.

Thật là vinh hạnh gặp mặt hơn 20 anh chị em. Ngoài vợ chồng chúng tôi và anh Hồng, còn có sự hiện diện của các anh chị John Thuỵ, Ngọc Nương, Dzáng Thơ, Tina, Minh Hiếu ngâm thơ, đa sĩ Lê Phú, Mai Linh, Quỳnh Hương, Lê Thảo, Dustin, Thiên Thu, AC Hồ Kỳ Thảo, ca sĩ Anh Quế, nhà văn Đường Sơn, nhạc sĩ Viễn Trình, đa sĩ Đức Dũng, anh Hồng và 3 chị nữa trong đoàn vũ Âu Cơ (xin lỗi không nhớ tên)… đã cố gắng vật lộn với đường sá, xe cộ trong chiều Thứ Sáu để đến đây chung vui. Ông bạn Kingwood Ngô Ngọc Hồng của tôi đã đến quán từ sớm. Khi đã đông đủ, mọi người bắt tay bắt chưn giới thiệu nhau một lúc khá lâu, nhà hàng dọn thức ăn đã được đặt trước, cùng lúc cặp “nhị nương” trổ tài chào đón nhóm khách đặc biệt trong không khí rất là náo nhiệt của nhà hàng, của anh chị em trong nhóm. Cùng với hai cô chủ quán, anh em chúng tôi hầu hết ai cũng trổ tài trong các bộ môn ca nhạc, ngâm thơ, vọng cổ, kể chuyện tếu… vô cùng vui nhộn suốt 3 tiếng đồng hồ không dứt. Tôi vẫn nhìn quanh nhà hàng, sợ sự ồn ào của nhóm mình làm họ khó chịu, nhưng có lẽ thực khách nơi đây đã quá quen với không khí sinh hoạt này nên ai cũng phớt lờ, cùng thưởng thức cuộc vui.

picture1Cuộc vui nào cũng đến lúc phải tàn. Anh chị em bịn rịn, lưu luyến chia tay… Những người Melbournians còn hẹn hò gặp lại, chứ vợ chồng chúng tôi sẽ như cánh chim theo mây gió bay về một phương trời xa xăm, biết có khi nào gặp lại! Thấy anh chị em chung nhau góp phần chi phí, tôi cũng xin chia sẻ một phần nhưng anh “chủ xị Thuỵ” nhất định không cho. Anh nói rằng, “Úc châu có luật của Úc châu, những ai ở xứ khác đến thăm đều không được dự phần vào bất cứ chi phí nào trong cuộc vui chung.” Mà thật vậy, cả tuần lễ nay đi chơi đâu với bạn bè, chúng tôi đều nghe một câu quen thuộc đó, trừ một vài lần tôi âm thầm trả trước. Câu nói nhân bản, tình nghĩa này quá hay, làm tôi cảm động; tôi sẽ học thuộc lòng đem về bên Mỹ áp dụng. Cám ơn tấm chân tình của anh chị em, tôi sẽ rất vui mở rộng cửa nhà mừng đón các anh chị em khi quý vị có dịp qua thăm Houston, Texas.

Có lẽ thấy mọi người bịn rịn không nỡ chia tay, anh Lê Phú và chị Mai Linh làm một cuộc hẹn vào chiều Thứ Năm tuần sau (ngày tôi ở Sydney sẽ trở lại Melbourne để hôm sau về lại Mỹ). Anh Lê Phú hứa hẹn sẽ nhậu tới bến vì “thuyền chìm tại bến không sợ mất ván). Thế là anh chị em vui vẻ ra về. Anh Hồng theo chúng tôi về nhà Thảo Hương để sáng mai cùng đi Sydney với anh Lợi như đã hẹn trước.

Tạm biệt Melbourne


« TRANG NHÀ »