Chuyến Đi Florida

ngày 28.08.14

Orchide2


Ngày thứ Sáu, 17/5/02, chúng tôi tới phi trường Orlando lúc hơn 11 giờ sáng, thời tiết như mơ: trời trong xanh, nắng như thủy tinh với vài đám mây trắng lãng đãng tận cuối trời xa, gió phi trường nhè nhẹ mát rượi. 27 năm tôi mới lại trở lại không gian này với một thân phận mới, dù cũng thân phận tha hương nhưng với một đời sống vật chất ổn định trăm lần! Dù vậy lòng tôi cũng thoáng chút bùi ngùi!

Chúng tôi lấy hành lý xong ngó quanh ngó quất tìm xe khách sạn. Orlando chuẩn bị Đại Hội thế giới cuối tuần này về bệnh Ung thư nên nhiều sắc dân từ muôn hướng kéo về đông nghẹt. Bao nhiêu là nguời đón đứng chật hành lang với bảng tên trên tay. Tôi hỏi nhà tôi có ai đón em không? Bà xã cười trừ, “Có Taxi đón chúng ta thì có!” Chờ mãi vẫn không thấy xe khách sạn mà tôi đoan chắc với nhà tôi là thế nào cũng có xe đưa rước khách đi, về khách sạn. Tội nghiệp nhà tôi tin lời để ngồi đợi đến sốt ruột! Trong khi đó, tôi gọi vợ chồng Thu Nga và Tuấn tây lai báo tin, gọi anh Phạm Ngũ Yên xem đang ở đâu từ đêm qua… Anh cho biết đang đi dạo phố với anh bạn Lăng. Hỏi tôi đang ở đâu và khi biết chúng tôi đang chờ taxi, anh Lăng tình nguyện chạy tới đón chúng tôi về khách sạn.

Khách sạn The Rosen Centre trên đường International đông nghẹt những người. Cũng may là mọi thủ tục đã làm sẵn chỉ có xếp hàng coi lại tên tuổi, phòng ốc nên chúng tôi mau chóng nhận phòng xong cùng anh Yên, anh Lăng chạy qua nhà Bùi Trần Tuấn theo lời hẹn trước.

Nhà Bùi Trần Tuấn chạy loanh quanh lối vào Nghĩa trang. Hắn nói trong phone là đường vào nhà cũng là đường đi nghĩa địa! Nghe nói mà lạnh mình. Tôi chợt nói với mọi người “Ở vậy coi bộ tiện nghi, lúc nào muốn đi chỉ cần lăn xuống đất, đỡ tốn kém cho con cháu.” Nhà Tuấn tây lai chiếm hết một ngã tư thênh thang, trong khu nhà giàu Winter Park mà hôm sau có dịp chạy vòng vòng coi nhà bán, tôi mới tá hỏa vì giá cả gấp nhiều lần so với nhà tôi, dù living area còn thua nhà tôi ở Kingwood. Tuy vậy, nhà cũng rộng rãi khoáng đãng, nhiều cửa, chúng tôi không biết ngõ vào nên đứng ở garage gọi điện thoại hỏi thăm. Cụ Bùi thấy chúng tôi thì cười toe toét phân bua rằng cụ đang bận nướng thịt đãi khách chiều nay. Còn bà quận xinh đẹp “thánh mẫu Loan” vừa dọn dẹp vừa làm đủ loại đồ ăn. Nhà có hồ tắm enclosed lớn phía sau, và tôi thò đầu ra cửa trước ngó về nơi “vô cùng thương tiếc”!

Chiều chưa kịp xuống thì khách đã lần lượt kéo tới. Tuấn tây lai nói khoảng 40 tới 60 khách tối nay. Toàn là người “trẻ” như tôi và trẻ hơn! Quá đông, vui nhộn một đêm với nhau mà tới lúc này tôi vẫn không thể nhớ hết. Những người tôi nhớ xin kể ra đây: Anh Lăng, anh Phạm Ngũ Yên, Thu Nga và ông xã “Võ Bị 18 trà lá dứa”, anh chị Hiền (cùng phe khóa 18), Châu Đình chôn dầu cùng người đẹp Duyên Hằng, chị Hiên phu nhân người họa sĩ Vũ Đức Thanh, anchor truyền hình hay lạc đường Diễm Hương, cô nương Mỹ Thiện con gái danh ca Mỹ Thể, anh chị Đào Quang Vinh và ca sĩ tài hoa Kim Uyên, anh Mạnh, Phúc và một số bạn Không Quân của gia chủ, anh “Thông Hồ Trường” khóa 19 như anh Vinh (thích ngâm Hồ Trường), anh Khúc và anh em nhà Hải Quân, có Minh Thu chủ khách sạn ở Gainesville và mấy người trẻ nhóm Hoa Lư Orlando, nàng Lê Thùy Vân đi với mẹ… tới thăm Tiên Bác, v.v… và v.v… Thôi thì đủ bộ môn ca vũ nhạc kịch, tân nhạc, cải lương, ngâm thơ, ngâm nước đủ cả.

Sáng hôm sau chủ nhà cười méo xệch vì phải tiếp khách đến gần 4 giờ sáng!
Chúng tôi về khách sạn lăn kềnh ra ngủ mê man. 10 giờ sáng thức dậy thì nhà tôi đã đi Đại hội rồi. Tôi uể oải bò xuống nhà hàng khách sạn ăn sáng mình ên sau khi thất bại rủ rê ông bà “trà lá dứa” và Phạm Ngũ quên đi phố ăn phở – ai cũng than xa quá bất tiện, chỉ hẹn gặp buổi chiều! Không có xe để chạy rong nên buồn chân, tôi bèn làm phiền Bùi Trần Tuấn cho tới nhà chơi vì nhà hắn không xa lắm. Loanh quanh xem phố Winter Park một lúc thì về nhà ngủ tiếp cho tới chiều mới ngược xuôi chạy lên China Jade cho buổi ra mắt sách của tôi.

Khi chúng tôi đến nơi thì khách đã đến khá đông. Thấy anh Đào Q. Vinh xôn xao đón khách, thấy một vài bạn bè thân quen đang dùng bữa. Gặp nhà văn Bác sĩ Nguyễn Đức An và phu nhân xinh đẹp Tăng Di Linh tay bắt mặt mừng. Số người tham dự không đông như mong đợi vì có hai đám cưới quen trong một cộng đồng nhỏ, nơi mà ai cũng biết ai. Xong phần chờ đợi “truyền thống” và phần buffet dinner, cuối cùng rồi chương trình giới thiệu sách cũng được bắt đầu. Mặc dù con số người không đến 100 nhưng không khí rất ấm cúng thân tình. Có quá nhiều nghệ sĩ chiến cho một cử tọa khán giả giới hạn. Cháu Đan Vinh 12 tuổi, con gái cưng của Tuấn Loan mở đầu chương trình văn nghệ với nhạc phẩm “Em Đi Trên Cỏ Non” một cách chuyên nghiệp. Tôi đã nghe cháu hát vô cùng xuất sắc lúc cháu qua Houston 2 năm về trước. Chẳng những hát tân nhạc mà cháu còn có thể hát vọng cổ như bố Tuấn tây lai của cháu nữa. Bố vẫn nổi danh “tây lai ca vọng cổ” mà. Thật là một thần đồng! Lại một bất ngờ nữa là phu nhân của ông Tổng Thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Nguyễn Đức An, chị Tăng Di Linh, người Hoa hát rành rẽ và rất chuyên nghiệp cả nhạc Việt lẫn nhạc Tàu. Ca sĩ Tâm Khanh và chồng, ca sĩ Kim Uyên, cũng như anh chị Minh và Vân Khanh, chủ đài truyền hình VN tại địa phương, chị Thủy, chị Lệ Hoàng, nghệ sĩ ngâm thơ O Huế Thiên Thanh, còn nhiều nữa… Tóm lại, ai trình diễn cũng vô cùng xuất sắc. Sau phần giới thiệu 2 tác phẩm là phần dạ vũ vui nhộn cho tới rất khuya. Tôi đã rất vui mừng quen biết thêm nhiều bạn mới.

Cám ơn niên trưởng Đào Quang Vinh đã tận lòng giúp tổ chức chu đáo. Cám ơn tất cả các nghệ sĩ đã không nề thân sơ. Cám ơn nhà văn Phạm Ngũ Yên, thi sĩ Phan Long, ông bạn Lê Viết Bé đã dành cho Yên Sơn những lời ưu ái, thân mến khi giới thiệu tác phẩm và phát biểu cảm tưởng. Cám ơn văn thi hữu trung tâm Văn Bút Florida, quý thân hữu và đồng hương đã dành thì giờ quý báu, không nệ đường sá xa xôi đến tham dự với lòng ưu ái. Đặc biệt cám ơn văn hữu Nguyễn Đức An, Chủ tịch trung tâm Văn Bút Florida, ngoài việc biểu diễn kèn Saxo điêu luyện, chơi đàn Violin nhà nghề, còn giúp chữa bệnh cho Yên Sơn, tặng một bịch thuốc đủ loại, bao chi phí tổ chức và còn khoản đãi thịnh soạn cho hơn 10 thân hữu của Yên Sơn buổi ăn trưa ngày hôm sau tại nhà hàng. Cảm động nhất là hai vợ chồng ở xa nên phải thuê khách sạn ở lại cho tới ngày hôm sau.

Sau khi dùng trưa xong, chúng tôi được anh NĐA mời về nhà chơi ở thành phố Gainesville. Nhà cách xa hơn 2 tiếng đồng hồ lái xe qua những cánh đồng bát ngát. Tôi tưởng xứ Texas của tôi đất rộng người thưa nhưng Florida có khác gì. Tới cổng nhà thấy trên cánh cổng đề “coi chừng chó dữ” mà chỉ thấy chú chó tý hon ngoe nguẩy đuôi mừng chủ về làm chúng tôi không hẹn mà đồng bật cười! Khí hậu thay đổi bất chợt như lên núi cao. Cổng mở mọi người vừa bước vào thì tiếng gà, tiếng công thi đua kêu ầm ĩ! Ngó ra vườn thấy trong một chuồng lớn chứa quá nhiều công; còn gà thì cả bầy kêu ang ác. Trong nhà là một biệt thự nhiều phòng, trên nhiều bức tường trang trí bằng hình ảnh của người đẹp chủ nhân, hình các con, bao nhiêu là bằng cấp, giấy khen của lũ nhỏ. Chủ nhà dắt chúng tôi đi xem phòng “thập bát ban” nhạc khí, nhạc cụ. Tôi đâu thể ngờ được một người đa tài như vậy! Bội phục! Bội phục! Chúng tôi lại được đãi rượu cognac, được nghe chủ nhân biểu diễn dương cầm, ngó ra ngoài vườn đầy cây cao bóng mát, quả là cảnh trí thần tiên!

Rồi cũng phải chia tay trong lưu luyến, hẹn gặp lại tại Tampa cuối tuần sau. Chúng tôi theo Bùi Trần Tuấn về Orlando và chia tay để công tử nhà mình tiếp đãi một số khách riêng đang chờ đợi. Thế là mọi người chia tay, you go sugar you, me go sugar me! Tôi cảm thấy như Orlando bỗng nhiên thanh bình khi tôi về tới khách sạn.

Ngày hôm sau khi mọi người trở lại với công việc sở thì nhà tôi cũng trở lại với họp hành suốt ngày! Phạm Ngũ Yên, vợ chồng Thu Nga đều theo bạn chạy quanh thành phố, vậy mà còn gọi điện thoại báo rằng đi thăm “làng Phượng” (chỗ này nghe nói phượng nở đỏ ối cả lối đi), thăm Disney World! Chỉ có riêng tôi nằm chèo queo nursing the flu ở khách sạn. Vì nhà tôi bận bịu với convention tại khách sạn nên tôi không đành lòng bỏ nàng theo bạn bè đi chơi một mình, đành loanh quanh ở nhà hát bài “ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu”

Sáng thứ Ba chị Mai Khanh và cô con gái rượu Mai Linh tới thăm và nhất định đưa xe cho mượn một tuần, trước để đưa my house ra phi trường về lại Texas, sau nữa để làm chân cho tôi “chạy xuống chạy lên” sau khi biết được chương trình những ngày còn lại của tôi. Chiều Thứ Ba, hẹn với anh Vinh, theo lời mời của đài truyền hình VN để phỏng vấn; Thứ Tư thăm Mr. Beden (tên hắn là Bé đen) ở phía Nam Tampa; Thứ Năm Mr. Beden tổ chức mời thân hữu tới nhà ăn tối; Thứ Sáu tôi được mời thuyết trình cho hội Sinh Viên Á Châu trường đại học UCF do chị Mai Khanh tổ chức ở Orlando; trưa Thứ Bảy họp mặt với các anh chị em trẻ thành lập nhóm sinh hoạt Hoa Lư Tampa. Buổi tối, cô Nguyễn Cúc Trân giúp tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm tại Tampa; và trưa Chủ Nhật về với vợ con.

Nhưng sau khi đưa vợ về rồi mới chạnh lòng nghĩ rằng “tại sao mình nhận lời phỏng vấn truyền hình để làm gì? Với mục đích gì?” Vì không tìm ra câu trả lời hữu lý nên gọi anh Vinh trong sở thông báo hủy bỏ, xong chạy tuốt xuống nhà Mr. Beden để khỏi bị homeless. Mr. Beden nghe tôi xuống thì bảo, “Tao để sẵn bộ đồ nông phu cho mày rồi, xuống đây đi cày với tao để kiếm chất làm thơ.” Nghe hắn nói như nghe tiếng gọi núi sông xưa tôi hoan hỷ ôm cầm sang thuyền mới.

muagiang

Tôi chạy qua những cánh đồng rộng bao la bát ngát tưởng như đang miên man chạy về miền tây của quê hương yêu dấu. Tôi mở rộng tất cả các cửa xe cho gió lộng vào để nghe ngây ngất. Con đường dài 1 giờ 45 phút chạy xe mà thấy dài thênh thang. Có lẽ vì cái bao la của đất trời, cái vắng vẻ trên đường xa lộ. Những con đường phẳng lì, đi xuyên qua nông trại làm tôi nghẹn ngào nghĩ về sự nghèo kém của quê hương đất nước mình! Ôi một quốc gia 80 triệu dân với con đường huyết mạch Quốc lộ 1 đầy rẫy ổ gà, đầy rẫy bất trắc vì nhỏ hẹp, thua xa đường làng của đất nước người ta!

Hắn đón tôi với nụ cười rất là… nông dân. Tôi xúc động nhìn hắn trong bộ đồ nông trang. Ôi một thuở ngang trời! Đâu vẻ hào hoa phong nhã con nhà phi công! Gặp hắn tối Thứ Bảy rồi, tôi đã nghe hắn kể vanh vách chuyện ngày xưa của tôi với hắn, tôi đã rất cảm động để biết chiều sâu của tâm hồn hắn sau bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống tha hương vẫn còn đấy, nhưng trong lòng vẫn có chút bùi ngùi một thoáng hương xưa. Về tới nhà, hắn hỏi tôi muốn nghỉ hay muốn đi “work for food.” Tôi đồng ý đi làm để đổi thức ăn mấy ngày tới. Hắn thiệt tình đưa tôi bộ đồ nông dân lượm ở đâu mà vừa vặn, rồi lên xe chạy ra nông trại. Hắn nói với tôi hắn có hàng trăm mẫu đất trồng đủ thứ trên đời, từ rau cỏ đến trái cây đủ loại. Hắn không trồng cam vì theo hắn trồng cam thua trồng rau thơm ăn phở. Hắn say sưa kể cho tôi nghe những chế biến nông cụ của hắn, những sáng tạo bất ngờ làm đỡ tốn nhân công. Hắn kể tôi nghe những thăng trầm cuộc sống. Hắn kể tôi nghe những thành quả học vấn đáng nể của “ngũ phượng” của hắn… (con nhà nông mà sinh toàn con gái thì chắc là không có người kế nghiệp rồi con ơi!) Nghe hắn nói mà tôi u hoài, mừng vui, cảm khái lẫn lộn. Không biết trong tâm tư hắn có khi nào như tôi, lênh đênh một đời tưởng tiếc?!

Ra ngoài đồng, thấy hắn và vợ hắn nói tiếng Mễ như người Mễ, chỉ huy cả chục chú Mễ làm đủ thứ chuyện trên đời, hắn như đang điều binh khiển tướng ra trận. Hắn biết từng cá tính của người làm, tin tưởng và đối xử công bằng với mọi người. Lúc nào hắn cũng toe toét cười như không có gì có thể làm cho hắn buồn phiền. Nhưng tôi biết, hắn biết… đàng sau cái bộ vó vui tươi đó là cả một sự chịu đựng, sự chấp nhận; là những dằn vặt, xâu xé không lối thoát. Vợ của hắn cũng là người đàn bà đáng phục. Lam lủ trong áo quần đầy bụi đất nhưng vẫn không giấu hết nét đài trang một thời niên thiếu. Nào lo cho năm đứa con ăn học, lo cơm nước cho chồng, làm việc quần quật mà cũng có thể tươi vui, hiền hòa giấu chút nhí nhảnh.

Những ngày đầu tuần thật là bận rộn. Bán rau, bán trái bằng pallet, chuyên chở bằng xe 18 bánh thì biết là bao nhiêu. Mỗi ngày đều có xe đến nhận hàng, 5 pallet cho xe này, 6 pallet cho chỗ kia, chạy lên chạy xuống phi trường gửi đi các tiểu bang có chợ Việt Nam. Những ngày gần cuối tuần thì lo làm cỏ, cày đất, lên giồng, bón phân, trồng cây mới. Tóm lại, làm việc mút mùa! Hắn cũng chừa giờ chở tôi đi xuyên qua những cánh đồng trồng đầy bưởi, vải, và một số cây ăn trái khác, chỗ nào cũng ngút ngàn. Điều đáng ghi nhận ở đây là tất cả cây ăn trái chỉ cao nhiều nhất khoảng 6 feet là cùng, vậy mà đầy hoa và quả. Có những cây bưởi trái oằn cành mà hắn nói khi nó đủ lớn mỗi trái có thể nặng 5-6lbs. Vì tất cả cây ăn trái đều là loại được chiết cành nên mới được như vậy. Hắn chỉ cho tôi cách cày đất, lên giồng, bón phân, trồng cây, hái trái. Cái gì cũng bằng máy móc ngoài một vài công việc phải sử dụng nhân công. Hắn vừa lái xe cày vừa giảng giải cho tôi, “Mầy coi nì, phải ngó từ phía xa, như mình đáp phi cơ vậy thì cái giồng mới thẳng boong một đường, trừ phi có nhiều lần tao xỉn mới bị cong quẹo”. Tôi cứ xuýt xoa “awesome” liền miệng! Làm sao một phi công bỗng trở thành một nông dân chuyên nghiệp! Người làm của hắn lâu lâu nhìn tôi rồi chỉ hắn xong đưa hai ngón tay cái lên, lại chỉ vào đầu rồi gục gà gục gặc ra chiều khen ngợi sự thông minh, tài trí của ông nông dân cựu phi công này!

Thứ Năm thì hắn về sớm, ra vườn chụp mấy con vịt làm tiết canh; trong khi vợ hắn bắt mấy con gà làm tiệc buổi tối. Công việc đồng áng giao lại cho người giám thị trông nom. Bạn bè đến từ xa – nói xa vì cứ đồng ruộng mà băng, chứ cũng cách nhau khoảng chừng một tiếng lái xe là cùng – mang theo đủ loại rượu, nhậu quắc cần câu rồi đọc thơ, ngâm thơ, hát hò loạn xạ. Mấy ổng nói nếu có té cũng chỉ nằm lên đồng cỏ chứ không trúng ai mà sợ. Tuy vậy có ông thi sĩ cũng mang theo “trà giải rượu”, ông này chính gốc dân Quảng… thủ quá chừng! Lại gặp một ông chủ nhà hàng người Hoa Chợ Lớn, nói rành rọt tiếng Việt, bản nhạc nào vừa hở e là ổng đã biết rồi. Lại gặp O Huế có 2 cây Ngô Đồng, tôi nghe “cây ngô đồng không trồng mà mọc” cứ hỏi tới, được O Huế ưu ái hứa tặng một cây mừng hết lớn. Gặp mấy thi sĩ với nguồn thơ bất tận, toàn cỡ sồn sồn 5-6 bó cả. Đó là ông thi sĩ Nguyễn Đăng Lâu và Linh Quân Lê Bá Năng. Rất vui khi trao đổi thơ phú với hai vị này. Còn thêm cái hẹn in chung tuyển tập sau này.

Ngủ dậy muộn, thấy nhà trống trơn mà trên bàn thì dấu tích trận địa đêm qua còn lưu lại. Tôi dụ phượng con 12 tuổi dọn sạch sẽ thì tôi chở nó đến trường thay vì đợi xe bus. Wow, nó đồng ý liền. Sau khi ở trường về thì Mr. Beden đã pha cho tôi một ly cafe đợi sẵn. Lại ngồi kể chuyện đời xưa. Một lúc sau phượng mẹ về chuẩn bị cơm trưa. Sau buổi cơm trưa tôi chạy lên Orlando chuẩn bị tài liệu thuyết trình. Mãi gần chiều bị anh Toàn, chủ đài phát thanh, chồng chị Mai Khanh, bắt cóc bỏ đĩa: nhờ tôi giúp đọc giùm tin tức cho Saigon Radio. Anh Toàn biết tôi đã từng “phát thanh” nên tin tưởng. Dĩ nhiên là tôi OK thôi. Thực tình không phải tôi run mà chỉ vì ba cái tiếng Việt tiếng Anh lộn qua lộn lại làm tôi phì cười trên làn sóng. Buổi tối niên trưởng Vinh hỏi anh Toàn, “Giọng ai lạ đọc tin tức chiều nay có vẻ cứng cáp” – hai chữ “cứng cáp” đóng khuôn, nói xong cười khoái trá.

Buổi nói chuyện với sinh viên cũng xảy ra êm thắm chỉ có điều rất tiếc là nói bằng tiếng Anh nên tôi không nói được hết ý của mình. Các em còn quá trẻ để nhồi nhét những tranh chấp ý thức hệ đau thương. Tuy vậy, cũng đã có thể cho các em hiểu tại sao chúng ta ở đây, làm sao để san bằng hố cách biệt giữa hai thế hệ. Người lớn nên làm gì, nghĩ gì; và người trẻ nên làm gì để giúp mình, giúp xã hội trong tương lai. Khuyến khích các em nói, học và dạy tiếng Việt trong gia đình, trong Cộng Đồng. Trách nhiệm con dân Việt, trách nhiệm dựng xây một đất nước hùng mạnh, văn minh khi chủ thuyết Cộng Sản quay về với bóng tối. Các em cũng đã phát biểu cảm tưởng chân thật, cũng đặt câu hỏi cách thẳng thắn. Có niên trưởng Vinh, anh Toàn góp phần như là những chứng liệu. Mong rằng sự chia sẻ của tôi mang lại cho các em ít nhiều lợi lạc. Lúc nào tôi cũng vui khi có dịp sinh hoạt với giới trẻ để thấy mình vẫn còn trẻ.

Water lilies

Sau khi dùng cơm tối với anh chị Toàn Khanh, tôi về chơi và ngủ lại với anh chị Vinh. Chuyện anh em nói hoài không hết. Buổi sáng được chị Kim Uyên trổ tài nhà hàng, ăn uống no nê lại lên đường vọt về Tampa để gặp Cúc Trân sắp xếp chương trình cho buổi tối.

Sắp xếp chương trình bao giờ cũng là một sự nhức đầu tế nhị. Vừa xong việc thì Trần Trí Hoàng ở Houston xuống, cùng lúc cô nương Du Hạ Tennessee, Thục Nhi Atlanta và các em lái xe qua; Minh-Thu ở Gainesville cùng đến, thêm Hùng Hương và cả chục thanh thiếu niên địa phương họp lại thành lập nhóm Hoa Lư Tampa Bay. Tiếng cười tiếng nói hồn nhiên lại được gia chủ đãi ăn đủ thứ. Vừa họp vừa ăn vừa vui đùa xong thì cũng đã đến giờ ra vũ trường Ritz để tiếp rước quan khách và thân hữu. Phe ta gần 20 người rồi! Ra tới nơi thì đã thấy anh chị Vinh, anh chị NĐA, anh chị Bảo Côn xuống tới (dân văn nghệ ở Florida gọi anh Bảo Côn là Tuấn Ngọc Florida đấy). Một lát sau thì gia đình Bùi Trần Tuấn, chị Linh Phương, chị Thiên Thanh, anh chị Lý Trực thuyên, anh chị Hoa Lan, ôn mệ Beden, anh chị Trung Thủy, anh chị ngô đồng thi sĩ Nguyễn Văn Lâu, anh chị Hoàng Quang (giống Vũ Khanh nhưng cao hơn nhiều), Cường Vân (em bạn 30 năm mới gặp lại), rồi anh chị Chong Nhỏ… và nhiều bạn hữu nữa không nhớ hết! Xin lỗi, xin lỗi! Đến gần 8 giờ chương trình mới bắt đầu khi căn phòng rộng rãi, xinh xắn đã gần đầy.

Chương trình rất là suôn sẻ. Có Trần Trí Hoàng làm MC cùng với Cúc trân. Phần góp vui văn nghệ lại rất dồi dào. Bé Đan Vinh lại mở màn dưới con mắt thán phục của những người yêu thích văn nghệ. Tôi rất ngạc nhiên để biết ở đây ai ca cũng rất độc đáo và chuyên nghiệp. Tôi cũng được cơ hội ngâm thơ và hát bài nhạc do mình sáng tác. Tôi nói với chị Linh Phương cứ đàn vô tư, tôi hát kệ tôi, hồn ai nấy giữ làm quan khách cười ngất. Đến 10 giờ thì chương trình dạ vũ bắt đầu. Người ta nhảy chật sàn. Càng về khuya thì khách tới càng đông làm cho không khí càng thêm sinh động.

Phải tốn hơn nửa giờ bịn rịn để chia tay với bạn bè cũ mới. Khi về tới nơi tạm trú đã 2 giờ sáng. Chị Thuyên sụt sịt đòi đi ngủ, O Hoàng thì ngáp xuống ngáp lên muốn rút dù. Còn lại ba anh em, anh Thuyên nhất định không cho ngủ, “Nói chuyện cho đã rồi mai chia tay, rủi không gặp nữa thì răng?” Mr. Beden chịu không nổi nên xin “nằm” nói chuyện. Tôi ngồi với anh Thuyên để “suốt đêm tâm sự bên tách cafe đen”. Mr. Beden vừa nằm chưa kịp nói chuyện đã mở máy ồ ồ, còn tôi thì rán đến 5 giờ sáng dù vừa nói chuyện vừa ngủ gục, anh Thuyên chán quá tuyên bố tan hàng! Anh ơi là anh ơi hết dám “cố gắng”!

Khi thức dậy vội vã uống cafe, xếp đặt hành trang chuẩn bị về trình diện vợ. Cuộc chia ly nào mà không buồn! Tội nghiệp hai con phượng nhí mới có mấy ngày mà quyến luyến quá sức. Hắn, Mr. Beden, gói giùm tôi một cách cẩn trọng chậu cây ngô đồng. Anh chị Thuyên cũng không nỡ giã từ nên anh em cùng nối đuôi chạy với nhau được lúc nào hay lúc nấy.

Về tới Orlando để trả xe và được chị Mai Khanh cùng cô nương Mai Linh xinh đẹp đưa ra phi trường đúng giờ. Lại thêm một lần giã từ không dứt. Nắng phi trường rất nhẹ, trời vẫn cao xanh. Thôi nhé Florida mong ngày trở lại.

Cám ơn tác phẩm của tôi đã mang tôi đến đây làm phiền các bạn. Cám ơn tất cả những tấm lòng độ lượng của bạn bè, của các anh chị em nghệ sĩ, của những tấm chân tình. Chị Linh Phương ơi tôi vẫn nhớ chị vừa đàn vừa xỉu, vậy mà cũng rán đàn hát với anh em suốt mấy canh dài. Cám ơn đời đã cho tôi gặp lại bạn bè thân thuộc và làm thân với những người bạn mới. Cám ơn Cúc Trân nhiều nhiều lắm đã hết lòng giúp YS buổi RMS thành công. Chân tình này xin mãi mãi khắc ghi. Cám ơn anh chị Toàn Khanh với những cảm tình nồng hậu, nhất là cho thêm đôi chân để YS ngược xuôi suốt tuần lễ ở miền nắng ấm và những cánh đồng bát ngát bao la. Cám ơn anh chị em Hoa Lư và người bạn trẻ rất dễ thương Trần Trí Hoàng. Đời còn có nhau thật là còn có nghĩa sống. Bạn bè ơi! Tình người ơi! YS xin ghi nhận và gìn giữ khối tình cảm to tát của anh chị em. Cứ mỗi lần đi là chất thêm đầy ân nghĩa thì làm sao không “một đời tưởng tiếc” cho được? Có lẽ đây là phần thưởng lớn lao nhất cho tôi, cho những người vốn nặng tình nghệ sĩ.

Kingwood 30/5/02


« TRANG NHÀ »