Tản mạn Kingwood – Livable Forest

ngày 18.08.22


Livable Forest, có tên là Kingwood, nằm phía đông bắc thành phố Houston, cách trung tâm Houston khoảng 30 dặm, dọc theo quốc lộ Liên Bang I.69 đi về hướng thành phố Cleveland, tiếp tục đi sẽ đến thành phố Texakana, biên giới Texas và Arkansas.

Lúc tôi dọn tới năm 1993, Kingwood nguyên là một thành phố riêng biệt với dân số khoảng 30 ngàn người sống rãi rác trên 14 ngàn mẫu vuông với rừng thông bạt ngàn và đầy cây xanh bóng mát. Có hai con đường chính vào trung tâm thành phố là hai con đường nằm dưới vòm cây xanh rợp bóng làm tôi rất nhớ khúc đường dẫn đến Trường Luật ở Saigon ngày xưa. Sát bên thành phố là dòng sông hiền hoà San Jacinto lại nhắc nhớ con sông Vệ với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu. San Jacinto đổ ra Hồ Tây (West Lake Houston) cũng sát bên nhà. Hồ Tây rộng thênh thang, ước tính có thuyền máy chạy quanh hồ cũng phải tới cả ngày. Chung quanh hồ cũng như dọc hai bên dòng sông rải rác là những khu thương mại, nghỉ dưỡng trù phú. Những buổi tối mát trời, nhất là những đêm trăng đầy, người người với quần là áo lượt kéo nhau đi thuyền đến những tiệm ăn, quán rượu ở khu King Harbor cạnh bên bờ sông, cũng là nơi tôi thường lui tới, giới thiệu với bạn bè về từ phương xa có dịp về thăm. Ở đây, thứ Sáu tuần lễ thứ ba mỗi tháng đều có ban nhạc sống giúp vui ngoài trời. Người ta đến tham dự với mền chiếu trải đầy trên thảm cỏ bao la xanh mượt như kiểu Woodstock ngày xưa; đời sống như vậy, cảnh trí như vậy, thanh bình như vậy làm sao tôi không ham cho được. Cư dân hầu hết Mỹ trắng; họ là những công nhân viên các hãng dầu hoả nổi tiếng của Mỹ, của khu đại học, khu nhà thương, nhất là của đại công ty hàng không dân dụng Continental, tổng hành dinh là phi trường Houston Intercontinental Airport. Cho đến năm 2012, đại bản doanh hãng Continental Airline đã bán lại cho United Airline.

Phi trường nầy sau được thành phố Houston đổi tên là George Bush Intercontinental vào tháng 5/1997, để vinh danh ngài Tổng Thống thứ 41 của Hoa Kỳ (1989-1993) và cũng là cựu Giám Đốc sở Tình Báo rồi được bầu Phó Tổng Thống hai nhiệm kỳ dưới thời Tổng Thống Reagan (1981-1989); đó là ông George H. W. Bush (Bush cha), nguyên cư dân của tiểu bang Texas. Ông xuất thân là một thương gia rồi bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1966 cho đến khi về hưu sau khi mãn nhiệm kỳ 4 năm làm Tổng Thống. Và rồi ông Bush con theo chân cha lên làm Tổng Thống thứ 43 (2001-2009) của Hoa Kỳ sau hai nhiệm kỳ – 8 năm – của Tổng Thống Clinton.

Thành phố Kingwood – Livable Forest không ngừng phát triển. Số cư dân hiện tại đã hơn 100 ngàn người. Người dân Kingwood luôn luôn tự hào về phong cảnh đẹp, lợi tức đầu người khá cao, đời sống hiền hoà với đa phần trung lưu, học thức. Vì thế, khi bị thành phố Houston ngang nhiên sáp nhập năm 2012, người dân bất bình chống đối từ ấy đến nay. Dù vậy, bao nhiêu năm kiện cáo, bao nhiệu phản đối đều không mang lại kết quả nào. Kingwood Livable Forest chỉ còn được tên gọi mà thực chất đã là một phần không thể tách rời của Houston. Sự sáp nhập ngoài lợi ích kinh tế tài chánh, nó cũng giúp cho Houston giữ vững địa vị thành phố lớn hàng thứ tư của nước Mỹ với tổng dân số 2,378,146 sau New York City (8,622,357), Los Angeles (4,085,014), Chicago, (2,670,406).

* * *

Năm 1991, từ vùng thung lũng Silicon Valley, phía bắc California, chúng tôi dọn về Houston sau khi bị thất bại trong việc kinh doanh ngành địa ốc và được Schwan’s Food Co., hãng thực phẩm lớn thứ năm nước Mỹ, thuê làm phụ tá Quản Lý Thị Trường và nhà tôi trách nhiệm trông coi việc văn phòng sổ sách cho chi nhánh tân lập. Một chi nhánh thị trường tân lập chuyên về thực phẩm Á châu. Việc thuê mướn nầy làm sao chúng tôi biết nếu không nhờ cậu em họ của vợ đang làm sếp lớn của hãng. Hãng mướn công ty dọn nhà tới thu dọn gói ghém tất cả đồ đạc vật dụng trong nhà, kể cả chiếc xe hơi thứ hai để đưa về Houston, Texas. Vợ chồng con cái chúng tôi chọn lái chiếc xe còn lại. Với sự sắp xếp như thế, hãng đồng ý cho thêm mười ngàn tiền mặt để chúng tôi xoay xở trong thời gian đầu.

Trong thời gian bay qua bay về để phỏng vấn, khi hợp đồng thuê mướn đã xong, chúng tôi lấy lại căn nhà cho thuê ở vùng South Belt, phía nam thành phố, để sửa sang chuẩn bị cho việc trở về. Căn nhà nầy chúng tôi đã mua từ 1980 để ở sau khi cả hai xong đại học và tìm được việc làm lương cao ở thời điểm ngành khoan dầu rất thịnh vượng ở Texas. Nhưng chỉ được chưa đầy 3 năm thì mọi thứ thay đổi 180 độ. Rất nhiều người “bỏ của chạy lấy người” rời Houston đi bốn phương tám hướng để tìm sinh kế. Tôi được người bạn thân rủ rê về San Jose kinh doanh ngành xe lunch với hắn. Rồi cũng phải chia tay vì cách bon chen nầy hoàn toàn không thích hợp với bản tính tôi sau vài tháng thử thời vận. Xoay qua mở nhà hàng được gần năm… không thọ vì hùn hạp quá ư rắc rối. Người anh rể kêu tôi về Oakland học việc kinh doanh ngành mua bán sửa đổi chung cư. Ngành nầy phát triển rất huy hoàng, tiền vô rủng rỉnh. Làm được bao nhiêu tiền lại bỏ hết vào việc đầu tư phát triển và cứ thế, vất vả ngày đêm được 5 năm. Cho đến cuối thập niên 1990, thị trường bất động sản mua vào rất dễ nhưng bán ra lại vô cùng khó khăn. Ngành địa ốc tuột dốc thê thảm; chúng tôi với 35 khu chung cư – vừa dân cư vừa các dãy (strip) thương mại – tổng cộng 600 căn phòng ốc đành để cho nhà băng lấy trừ nợ. Mèo lại hoàn mèo!

* * *

Công việc mới nầy cho tôi sự vui thích đặc biệt vì rất phù hợp với sở học Quản Trị Kinh Doanh của tôi, thích mua bán thương lượng với với khách hàng, được đi đây đó quan sát và tìm thị trường ở các thành phố lớn trong nước Mỹ và vùng Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Rim). Chỉ là chân tôi có lắm nốt ruồi mà sau bao năm bị gò bó trong công việc kinh doanh nên khi nhận công việc mới tôi như con chim sổ lồng. Trong thời gian nầy tôi học đòi đánh golf để “giao dịch thương mai”.

Được đi đây đi đó, chẳng những không mất tiền mà còn được tiền; vì ngoài lương bổng khá xộp còn có công tác phí (per diem). Điều nầy áp dụng cho cơ cấu thị trường của hãng chứ không phải chỉ riêng tôi. Ban đầu hãng cho khoán miễn là hợp lý, sau vài năm công ty thay đổi chính sách, nhân viên phải nộp biên nhận, rồi những năm sau cùng thì họ giới hạn với con số nhất định để chi trả tiền ăn mỗi ngày mà thôi.

Tôi làm việc dưới quyền của một trung niên người Đài Loan. Anh ta là cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến của Mỹ, lớn hơn tôi vài ba tuổi. Chúng tôi rất hợp gu về cách điều hành chi nhánh, thương lượng buôn bán, xã giao với khách hàng… dù đôi khi hắn tỏ ra hách dịch một chút về kinh nghiệm và sự hiểu biết của hắn. Nhưng phải công nhận hắn giỏi thật. Tôi rất phục tài ăn nói và hiểu biết của hắn. Chúng tôi thường đi chung với nhau. Những năm đầu thật là tuyệt vời. Tuyệt vời đến nỗi tôi quên luôn bổn phận làm cha. Nhà tôi ngoài công việc sở còn phải lo chăm nom ba đứa con nhỏ (hai đứa trung học, một đứa sắp xong tiểu học). Cũng may, khoảng hơn 6 tháng sau khi tôi dọn về Houston, mẹ và hai đứa em út của tôi được sang Mỹ đoàn tụ với đại gia đình.

Vì là chi nhánh tân lập nên công việc rất bề bộn. Nhà tôi lo việc sổ sách, văn phòng, nhân viên còn tôi phải bay liên tục. Nếu đi trong nội địa thường vài ba tuần một tháng, nếu đi ngoại quốc có thể cả tháng mới về; dù vậy, việc phải đi nước ngoài không nhiều lắm. Và cứ đi liên tục như thế. Thời gian nầy chưa liên lạc được nhiều bạn bè khắp nơi như bây giờ nên chỉ loanh quanh với công việc và phòng khách sạn; rất ít khi đi dạo quanh quẩn thăm cảnh trí ngoài những cơ hội đi đánh golf với các thân chủ. Đi riết bắt đầu hơi ngán. Ngán phòng ngủ và cơm hàng cháo chợ, chỉ có vui khi tìm được thị trường hoặc tìm được thân chủ mới.

Sau hai năm ở chung với mẹ và hai em, chúng tôi quyết định tìm mua nhà riêng vì các con đã lớn, chúng cần khoảng riêng tư cho việc học hành. Chúng tôi đã chọn Kingwood sau một dịp thăm viếng anh chị vợ – là anh chị đã hướng dẫn chúng tôi trong ngành địa ốc và cùng thất bại ở Oakland. Anh chị đã mua nhà và dọn về ở vùng nầy hơn một năm trước.

Dù ở cách xa sở làm, phải lái xe cả tiếng một chiều; mỗi ngày hai buổi đi về. Cũng may thời đó xe cộ còn thưa thớt, không có nạn kẹt xe như bây giờ. Thời đó xa lộ 59 chỉ là một trong hàng ngàn xa lộ nhỏ của tiểu bang, mỗi bên chỉ có hai làn xe (*). Vậy mà nhà tôi cứ phải dặm trường mỗi khi tôi đi vắng. Nhưng chúng tôi đã chọn Kingwood. Nhà cửa ở Kingwood thuở đó coi vậy mà giá cả rất phải chăng; nhà toàn gạch, tuỳ khu với căn nhà khoảng 2 đến 7 ngàn square feet, giá từ $150 ngàn cho đến vài ba triệu. Chung quanh có tới ba sân golf đẹp thơ mộng. Có những buổi chiều từng đàn nai thanh bình gặm cỏ. Ở gần bên lại có thêm sân Shell 18 lổ rất nổi tiếng cho những giải vô địch hàng năm của nước Mỹ.

Kingwood, ngoài vẻ đẹp thơ mộng, dân cư hiền hoà, mực sống cao, còn vì sự học hành của con cái. Khu học chánh vùng nầy là một trong số ít khu học chánh xuất sắc nhất của tiểu bang. Chính nhờ điều nầy mà ba đứa con chúng tôi đều ra trường trung học trong nhóm 5 người cao điểm nhất. Và trong buổi tiệc mừng cháu nhỏ nhất xong đại học, cháu đã đại diện hai anh chị nói lời, “Cảm ơn Ba Mẹ đã cho chúng con về sống và học hành ở vùng Kingwood,” làm cho chúng tôi xúc động lẫn hãnh diện.

Sau hơn 5 năm làm việc với hãng Schwan’s Food tôi thật tình sợ đi xa, cùng lúc cháu nhỏ nhất chuẩn bị đi đại học ở thủ phủ Austin. Tôi nghĩ không thể để nhà tôi hôm sớm một mình nên xin thôi việc nếu không có việc văn phòng nào khác. Công việc buôn bán của toàn hãng trong lúc đó cũng có vẻ chậm lại nên nhất thời không có chỗ nào cho tôi nếu tôi nhất định nghỉ việc đang làm. Và thế là tôi nghỉ việc. Trong khi đó nhà tôi vẫn tiếp tục đi về một mình thêm một thời gian cho đến khi tôi tìm được việc Technical Engineering bền vững với hãng điện tử Compaq – hãng này sau bán lại cho Hewlett Packer – dựa vào sở học Computer Science, và rồi nhà tôi cũng xin nghỉ việc sau khi tìm được việc làm với MD Anderson.

Làm với Compaq tôi cũng phải lái xe đường dài 50 dặm mỗi chiều và nhà tôi cũng phải lái xe mỗi chiều 45 phút mới đến sở. Có vài lần thảo luận với nhà tôi tìm nhà mới gần sở làm hơn, nhưng dường như định mệnh đã buột chặt chúng tôi với Livable Forest. Cho tới bây giờ ba đứa con đã trưởng thành, rời xa tổ ấm từ lâu, nhà rộng thênh thang mà chúng tôi vẫn không nghĩ tới việc (scale down) thay đổi chỗ ở cho hợp tình hợp lý hơn.

29 năm, qua bao nhiêu mưa nắng bão bùng, chúng tôi đã là một phần của Kingwood; tôi vẫn yêu thành phố nầy, thành phố đã cho tôi nhiều chất liệu để làm thơ viết nhạc; thành phố đã cho tôi có cuộc sống an bình và niềm tự hào về sự hãnh tiến của các con. Những ngày nghỉ, những lúc có bạn bè đánh golf ở xa tới thăm thì việc dạo quanh mấy sân golf là một cái thú tiêu khiển ở tuổi về hưu khi sức khoẻ còn cho phép. Và cứ thế, đời sống vẫn êm đềm trôi, tôi bước vào hoàng hôn nhìn những chiếc lá vàng phất phơ trước gió nhưng không bận lòng tự hỏi bao giờ lá lìa cành, và khi lìa cành lá sẽ về đâu. Vâng, tất cả chuyện áo cơm đã qua rồi, mộng ước cũng đã là mây khói; đời người đã vàng úa, từ bên nầy đại dương bao la nhìn về quê hương yêu dấu chỉ là tiếng thở dài trong niềm thương nhớ khôn nguôi./-

Mời quý vị thưởng thức một video nhạc tôi đặc biết viết cho nhà tôi như một sự biết ơn nàng đã cùng tôi đi qua những thăng trầm của cuộc đời 43 năm qua và lúc nào nàng cũng ủng hộ tất cả việc tôi làm, điều tôi ưa thích.

Tháng 8/2022

——–
(*) Xa lộ tiểu bang 59 trở thành xa lộ liên bang I. 69 khoảng 2010.


« TRANG NHÀ »