Những Cú Lừa Ngoạn Mục (2)

ngày 15.11.21


Cứ tưởng chuyện lừa đảo chỉ thường xảy ra ở các nước chậm phát triển, nhưng xét cho cùng và theo kinh nghiệm bản thân, chuyện lừa đảo còn khiếp đảm hơn ở Mỹ. Lừa đảo kiểu mánh mung là chuyện nhỏ; lừa đảo dùng phương tiện khoa học, kỹ thuật thì rất khó mà tránh.

Tiếp theo kỳ trước

3.

Tháng 6/2020, sau khi lệnh Thống Đốc Texas cho phép các cơ sở thương mại có thể mở cửa trở lại sau mấy tháng dài bị phong toả vì Covid19. Tôi vui mừng gửi email thông báo tin vui đến cha mẹ học trò. Một số cha mẹ rất vui và cũng có nhiều cha mẹ còn ngại chưa muốn cho con trở lại. Chuyện nầy cũng dễ hiểu và đáng được du di dù hầu hết học trò đều có khế ước một năm, nhưng cha mẹ có quyền không trả tiền, hoặc huỷ bỏ hợp đồng, vì lý do dịch bệnh mà trường không làm gì được trong hoàn cảnh chung. Dù vậy, tôi cũng phải trả đầy đủ tiền thuê cơ sở, tiền điện nước như thường lệ mà không được nhà nước trợ giúp vì không đủ tiêu chuẩn quy định hoặc tôi không biết cách điền đơn. Vì thế khi được tin cho mở cửa tôi mừng lắm, nếu kéo dài có lẽ tôi phải đóng cửa vĩnh viễn.

Tôi tới trường, liên lạc bằng điện thoại, cố thuyết phục những phụ huynh còn lưỡng lự. Tôi nói với họ, trường lớp sẽ áp dụng tối đa luật giản cách xã hội, có máy thử nhiệt độ khi các em tới lớp, có nước rửa tay an toàn cho mọi người, và các em cần phải mang khẩu trang, chia ra nhiều lớp, mỗi lớp chỉ một ít em… Thế nhưng, số người còn lưỡng lự vẫn lưỡng lự, chỉ có một số nhỏ đồng ý cho con trở lại.

Đang lúc không vui, điện thoại reo vang, có khách hàng mới xưng tên Alan Thunderbold, muốn ghi tên cho con đi học. Tôi cũng tự giới thiệu tên và trao đổi thể thức ghi danh, điều kiện gia nhập, giá cả… và mời ông ta đem con đến trường để làm thủ tục nhập học. Ông Alan cho biết ông đang làm việc ở Georgia, đã ly dị vợ; con của ông đang ở với người thân gần trường. Ông tin tưởng tôi là một người thầy giỏi, ông bảo ông có xem kỹ tiểu sử và những điều lệ nghiêm ngặt của trường trên trang nhà của môn phái. Và cách giảng dạy của tôi theo như ông đọc thấy, rất thích hợp cho con ông, một đứa trẻ 15 tuổi cần có người hướng dẫn thay ông ta trong thời gian ở xa nó; tiền bạc không thành vấn đề, ông có thể trả hơn số tiền học phí bình thường, miễn là tôi để ý đến con ông nhiều hơn một chút; ông bằng lòng trả trước một năm học – $1,800 – cộng thêm $700 bonus (tiền thưởng) với một điều kiện – ông nói một yêu cầu đúng hơn – tôi giúp ông trả tiền mặt $2,500 cho người đưa đón con ông ngay ngày đầu tiên người đó đưa con ông tới trường. Ông ta còn nói tôi yên tâm, sau khi tôi lấy được $5,000 qua thẻ tín dụng của ông xong thì ông sẽ nói người ta đưa con ông tới nhập học.

Đang cần tiền để trả chi phí mà nghe ông khách sộp nói vậy nên trong lòng rất vui. Nhất là được ông Alan khen về cách dạy dỗ nghiêm ngặt của mình mà từ khai mở môn phái đến giờ tôi rất tự hào. Tôi vẫn nghĩ trong cái xã hội kim tiền nầy, môn võ thuật đã bị thương mại hoá rất nhiều nên phẩm chất không đâu vào đâu; trường nào, thầy nào cũng học nhau cách màu mè, kiểu “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”, còn cha mẹ thì phần đông không biết gì nhiều về sự khai thác triệt để nầy. Chỗ nào cũng tìm đủ mọi cách để moi tiền cha mẹ mà kết quả chẳng ra làm sao cả.

Tôi bằng lòng điều kiện của ông ta. Ông ta cho tôi chi tiết thẻ tín dụng, mọi chuyện đều xảy ra suôn sẻ. Tôi hỏi ông làm sao ký hợp đồng, ông nói điều đó không cần thiết, vì nếu tôi nhận được tiền và làm theo đề nghị của ông trong vòng một năm kể từ ngày con ông tới lớp là tốt rồi, sau đó tính tiếp. Ông hẹn tôi ngày hôm sau sẽ gọi lại để biết kết quả và tiếp tục công việc.

Thật là khó tin chuyện xảy ra như vậy. Đúng là một người khách hàng quá đặc biệt. Suốt trong buổi dạy lòng tôi cứ phân vân. Buổi tối, khi trường đóng cửa tôi mới chợt nghĩ ra… Tất cả những ai học tập tại trường đều phải ký giấy giao kèo; vì là học võ là một môn học có nhiều rủi ro thương tích, nên trường nào, thầy nào, xứ sở nào cũng đều có giao kèo trước khi vào lớp. Đó là phụ huynh, người thân của học trò phải đồng ý không được thưa gửi nếu xảy ra tai nạn, bất hạnh ngoài ý muốn trong lúc tập luyện. Trong trường hợp nầy… rủi xảy ra chuyện, rất nguy hiểm cho sự nghiệp của tôi. Tôi bấm điện thoại gọi lại ông ta thì được báo rằng số điện thoại không sử dụng được. Tưởng bấm sai, coi lại kỹ, gọi lần nữa cũng được. Tôi bắt đầu hoang mang, có chút nghi ngờ nhưng không thể làm gì hơn, chờ ngày mai ông ta gọi lại sẽ thảo luận tiếp, nhất là xem thử tiền đã vào trương mục của trường chưa.

9g sáng hôm sau, coi sổ nhà bank thấy đã có số tiền ông ta trả, tôi tạm yên tâm; nghĩ có thể ông ta làm việc gì đặc biệt lắm, có thể làm cho chính quyền cho nên điện thoại của ông người ngoài không thể gọi. Dù gì khi liên lạc với ông tôi cũng phải đòi hỏi ông ký vào giấy cam kết.

Buổi chiều, trước khi trưởng mở cửa, ông Alan gọi đến. Ông nói liền là hãng tín dụng đã báo tiền tôi đã lấy tốt. Tôi xác nhận là đã có và nói những ưu tư của tôi về việc cần ký giao kèo. Tôi yêu cầu ông ta cho xin số fax để tôi gửi hợp đồng cho ông ta ký. Ông nói không cần làm như vậy. Tôi nói quy luật hành chánh của tất cả trường võ đều phải làm như thế để tránh tối đa những rắc rối bất ngờ. Ông nói nơi ông làm việc rất khó để làm như vậy, kể cả người ngoài muốn liên lạc bằng điện thoại. Tôi nói nếu không làm vậy thì tôi sẽ trả tiền lại cho ông. Ông nói tôi có thể cho con ông ta vào học rồi ít lâu sau ông sẽ tìm cách ký giấy tờ như tôi muốn được không. Tôi trả lời giấy tờ cần ký trước khi nhập học. Ông than phiền tôi làm khó ông ta quá, rằng, ông ta đã trả ngay cho tôi cả năm ngàn đồng mà không cần điều kiện gì hết trong khi chỉ vì chữ ký mà khiến ông phải điên đầu. Ông còn nói, ở đất nước nầy dù có ký hàng trăm chữ ký nhưng khi người ta muốn thưa kiện vẫn có thể thưa kiện, thiếu gì luật sư hành nghề ngoài xã hội đang chờ chực. Tôi nói cám ơn lòng tin của ông, cám ơn sự tử tế của ông, ông quả nhiên là một khách hàng vô cùng đặc biệt nhưng tôi bắt buộc phải làm đúng thủ tục hành chánh. Ông Alan tỏ vẻ không hài lòng nhưng hứa vài hôm nữa sẽ tìm cách, và cúp điện thoại.

Thật ra cách hành xử và những lý lẽ của ông Alan nghe rất đáng tin; tôi cố gắng đặt niềm tin vào ông ta nhưng sao trong lòng cứ thấy bất an. Sau khi cúp điện thoại với ông ta, tôi ngồi suy tư một lúc rồi quyết định gọi Jeffery, Giám đốc ngân hàng thương mại để xin ý kiến. Vì tôi là khách hàng của ngân hàng nầy hơn hai mươi năm qua nên quen biết tất cả nhân viên của họ. Jeff cho tôi cái hẹn hơn một tiếng sau. Tôi giao lớp cho học trò lớn để đi gặp Jeff.

Sau khi nghe tôi trình bày đầu đuôi sự việc, Jeff cười nói, “Too good to be true!” (tốt quá đến khó tin).
– Jeff, bộ anh có nghi ngờ?
– Tôi chắc anh cũng đã nghi ngờ nên tới hỏi tôi, phải không?
– Xin anh cho tôi ý kiến.
– Theo cách nghĩ của tôi, đó là một việc đáng nghi ngờ (it kinds of fishy).Tiền đã có trong công băng của anh không có gì chắc chắn là họ không rút lại được. Về thương mại, người ta có thể huỷ bỏ những khoản chi bằng thẻ tín dụng bất cứ lúc nào. Người ta có nhiều cách, dù nguỵ tạo, để huỷ bỏ hợp đồng một cách dễ dàng. Hãng tín dụng nào cũng một sách như nhau, bảo vệ quyền lợi khách hàng của họ là trên hết, cùng lắm anh có thể đi thưa, nhưng phần thắng về với anh không có nhiều.
– Vậy số tiền tôi trả tiền cho người tài xế họ gửi tới thì kể như mất?
– Nếu anh trả bằng chi phiếu thì có cơ hội đòi lại được nhưng phải đem họ ra toà. Mà nếu họ cố tình lừa anh thì chắc anh tìm họ không ra đâu. Nếu anh trả bằng tiền mặt thì vô phương. Chẳng những vậy, khi người ra rút lại tiền thẻ tín dụng, anh là người phải trả chi phí dịch vụ cho ngân hàng. Điều đó có nghĩa là anh sẽ mất trắng $2,500 và tiền lệ phí 3%.
– Anh nghĩ tôi phải làm sao?
– Nếu là tôi, huỷ bỏ ngay dịch vụ nầy, trả tiền lại cho họ để tránh những hối tiếc. Không ai biết chắc được cách nào tốt hơn nhưng tôi thật sự nghi ngờ có thể đây là một vụ lường gạt (scam).

Tôi cám ơn Jeff trở về trường. Vừa bước vào cửa đã thấy có một gã trung niên da màu, đầy vết xăm trên hai bắp tay, cùng một thiếu niên cũng da màu, ăn mặc sạch sẽ như ông chủ nhỏ, đang ngồi đợi. Hắn tự giới thiệu tên Javon, sẽ là tài xế đưa đón Nathan – chỉ chú thiếu niên – đi học 3 lần một tuần theo chỉ thị của ông Thunderbold, ba của Nathan.

Tôi đã dự định huỷ bỏ dịch vụ nầy như lời khuyên của Jeff. Dù vậy, cũng muốn biết thêm cách hành xử của họ ra sao.
– Ông Alan còn dặn gì anh nữa không?
– Ông Thunderbold nói đã trả cho ông số tiền ông ấy trả công cho tôi chuyên chở Nathan tới trường trong một năm.
– Ông ấy nói tôi phải trả cho anh bao nhiêu?
– $2,500 và tôi chỉ lấy tiền mặt mà thôi vì đang lãnh trợ cấp.
– Hợp đồng chưa ký thì không nhập học được?
– Không nghe ông ấy nói gì về việc nầy.
– Ai học võ cũng phải ký hợp đồng trước khi vào lớp. Chưa vào lớp thì tôi chưa thể trả tiền cho anh. Anh về nói với ông Thunderbold, khi nào ông ấy ký xong hợp đồng tôi sẽ thanh toán tiền bạc cho anh mà không trở ngại gì.
– Không được! Tôi phải bỏ ngang công việc để làm theo chỉ thị của Alan đưa Nathan nhập học hôm nay.
– Anh về đi! Tôi chờ ông Thuderbold liên lạc trước khi chúng ta đi bước kế tiếp.

Thằng Javon thấy tôi cương quyết nên nó dành dẫn Nathan ra khỏi lớp. Nhìn vẻ bậm trợn của nó và rồi khi thấy nó lên chiếc xe không bảng số thì niềm tin còn sót lại trong tôi biến mất. Tôi liên lạc ngay Merchant Services – nhà bank thương mại của tôi để hoàn lại số tiền $5,000 vào tài khoản của thẻ tín dụng như cũ và yêu cầu huỷ bỏ dịch vụ nầy vì nghi ngờ bị lừa đảo. Họ có hỏi chuyện và tôi cũng cho họ biết tiến trình công việc xong họ cũng nói là tôi đã làm một quyết định đúng đắn.

Ngày hôm sau xem lại tài khoản của tôi đã bớt đi không những $5.000 mà còn thêm $1,327.69 bị IRS giữ lại cho tiền thuế. Tôi liên lạc Merchant Services thì được cho biết là IRS tự động giữ lại chứ không phải họ. Tôi nói tôi đã hoàn trả và huỷ bỏ dịch vụ nầy rồi mà. Họ nói IRS tự động giữ khi số tiền $5,000 vào trong tài khoản của tôi và tôi cần liên lạc cơ quan IRS để trình bày cho họ biết. Gọi IRS không bao giờ là chuyện dễ dàng. Tôi đã gọi và tiếp tục gọi mà không thể nào nói chuyện được với ai dù đã bấm hết những lựa chọn (option) họ có, chỉ mong nói chuyện được với ai nhờ chuyển tới chỗ tôi cần nói. Thế nhưng mãi cho đến nay, hơn 1 năm rồi, trường cũng đóng cửa – vì số thu không trở lại được bình thường – mà tiền mất tật vẫn cưu mang… Tôi có nhờ văn phòng CPA của tôi nhưng họ nói phải có giấy tờ chứng minh từ IRS mới có thể giúp tôi được. Và Mr. Alan Thunderbold cũng biệt tăm từ ngày đó!

4.

Chuyện chỉ vừa xảy ra mấy tuần qua.
Chúng tôi mua căn nhà đang ở từ 1993. Nhà có hai lầu đều lát thảm; chỉ có phòng bếp và 3 phòng tắm lát gạch. Ngoài việc siêng năng lau chùi, hút bụi hàng tuần, hàng năm đều mướn công ty chuyên nghiệp tới giặt thảm và làm tổng vệ sinh, vì lũ con khi còn ở chung nhà hay bị dị ứng với bụi bặm. Khoảng 10 năm sau, thảm dưới nhà cần thay, sẵn dịp tân trang sàn nhà hầu hết bằng gỗ thẻ, loại đắt tiền dù tốn kém nhưng nghĩ sàn gỗ dễ chăm sóc và sẽ bền cả đời.

Thế nhưng tháng 5/2021 vừa qua, ống nước phòng tắm bị vỡ nửa đêm, đến lúc biết được thì nước đã ngập tới mắt cá chân! Dĩ nhiên hãng bảo hiểm chịu đền bồi, dù vậy vẫn không đủ vào đâu sau khi khấu trừ phần trách nhiệm của gia chủ. Sẵn dịp chúng tôi quyết định bỏ thêm tiền thay thảm mới trên lầu và lát gạch đặc biệt cho phần dưới nhà. Chúng tôi thương lượng với hãng bảo hiểm để có sự đồng thuận. Dĩ nhiên, họ chỉ trả theo sự đánh giá của người chuyên môn của hãng họ, khấu trừ phần trách nhiệm chủ nhà; và phần chúng tôi phải mất thêm mấy chục xấp nữa để… có nhà mới! Công ty bảo hiểm muốn nhờ công ty sửa chữa quen biết của họ để sửa sang, chúng tôi chỉ lo trả phần trách nhiệm của mình. Nhưng giá cả của họ quá cao chúng tôi không thể lo được. Tôi đành nhận việc tự lo phần sửa chữa và họ trả phần của bảo hiểm đền. Họ đồng ý nhưng sẽ giữ lại 1/4 tổng số tiền đền (depreciation) cho tới khi tôi làm xong, nộp tất cả chi tiết sửa chữa cho họ; nếu nhiều hơn tổng số tiền họ cần trả, chúng tôi chịu, nếu ít hơn tiền họ đã trả thì số tiền giữ lại sẽ không được tháo ngân!

Sau một thời gian tìm kiếm, chúng tôi đã tìm ra nhiều công ty có thể sửa hết nhà cũng chỉ hơn chút đỉnh số tiền họ trả. Như vậy kể như số tiền họ giữ không có cơ hội được tháo ngân. Đâu có chọn lựa nào tốt hơn nên đành vậy.

Khổ nỗi, sau cơn bão tuyết thế kỷ xảy ra ở Houston vào tháng 3/2021, rất khó để mua vật liệu và tìm hãng sửa chữa. Mọi thứ đều tăng giá đến chóng mặt trong khi hãng bảo hiểm họ lại đền bồi rất giới hạn. Cũng đành nhắm mắt đưa chân. Vì thế, từ tháng 5/2021 đến lúc nầy, đã nửa tháng 11/2021, mà nhà cửa còn bề bộn, đồ đạc phần lớn dưới lầu đã được dọn đi chứa ở Public Storage (kho chứa cho thuê); và phần dưới lầu đã tạm xong, chỉ có việc thay thảm trên lầu bất ngờ bị trục trặc.

Khi ký hợp đồng làm thảm, công ty lát thảm đưa nhân viên tới đo đạc và định giá sau khi chúng tôi đã chọn mẫu và đồng ý với giá tiền. Họ bảo đảm sẽ giúp dọn những giường tủ bàn ghế nặng mà không nói gì về cái bàn bi-da nằm giữa phòng giải trí. Đợi khi hẹn được ngày cuối tháng 9 họ tới thì mới biết hãng không chịu trách nhiệm việc di chuyển vì quá nặng (sức võ sư của tôi không thể giở nổi một góc). Thế là họ bỏ về; họ bảo đợi khi nào tôi sẵn sàng thì cho họ biết để lên lịch trở lại. Vì nóng lòng muốn làm cho xong mà gặp phải rắc rồi nầy thật là bực mình. Chúng tôi thảo luận với nhau tìm cách giải quyết.

Muốn di chuyển bàn bi-da phải nhờ đến một công ty chuyên nghiệp. Kiếm tìm trên net, khảo giá mọi nơi; tối thiểu phải tốn gần $800 để gỡ ra xong ráp lại. Tiền gỡ ra chỉ bằng 2/3 tiền ráp lại, vì khi ráp lại họ phải điều chỉnh độ bằng phẳng của mặt bàn. Nhà tôi nhất định bằng mọi cách phải bỏ đi, không muốn tốn thêm tiền lại chật nhà.

Tôi gọi vòng vòng những người quen biết kể cả các chú em trai… không một ai muốn mua dù rất rẻ, cho không cũng không muốn rước về nhà. Gạ bán rẻ cho mấy người sơn sửa nhà cửa cũng thế! Cuối cùng đăng lên rao vặt… đề giá $1,000 tiền mặt hoặc ngân phiếu cho mọi thứ (complete set) kể cả bàn pingpong.

Chiếc bàn nầy tôi mua lại sau khi dọn vô nhà mới một thời gian. Tình cờ đọc báo rao vặt thấy một người trong vùng muốn bán bàn bi-da chuyên nghiệp, mới mua không đầy một năm, còn giấy chứng minh, giá trọn bộ (complete set) $4,000+. Giá bán chỉ có $1,500 trọn bộ, tặng luôn bàn pingpong, loại để trên mặt bàn bi-da khi muốn đánh pingpong. Người chủ muốn bán gấp vì mới ly dị vợ, dọn nhà đi tiểu bang khác. Tôi đọc thấy bắt mắt quá vì vốn thích bi-da từ nhỏ lại thêm lũ con đang tuổi lớn nên muốn mua giải trí lành mạnh tại nhà. Tôi liên lạc hỏi mua, họ đồng ý bán nhưng tôi phải mướn người chuyên nghiệp tháo gỡ đem về ráp lại. Tôi tới nhà xem qua, thấy quả nhiên còn mới toanh với đầy đủ giấy tờ chứng minh. Trong lòng vui thích, nghĩ rằng mình mua được giá hời; dù vậy tôi vẫn gạ gẫm thêm, ai ngờ chủ nhân chịu tiền tháo gỡ mang đi, tôi chịu tiền ráp lại; họ biết công ty chuyên ngành nên khảo giá và nói tôi chỉ trả thêm cho họ $400. Nghĩa là chưa bằng phân nửa giá mua; quá tuyệt vời!

Tôi và các con rất vui mừng khi thợ ráp xong trong phòng sinh hoạt trên lầu. Thời gian đầu cả nhà đều háo hức tận dụng; kể cả đánh pingpong. Từ bạn bè tôi cho tới bạn bè lũ nhỏ… rồi từ từ phai nhạt dần, cho đến khi lũ nhỏ lớn khôn, rời tổ ấm thì cái bàn bi-da chỉ còn là vật để trang trí. Đã hơn 15 năm qua, chiếc bàn vẫn trơ gan cùng năm tháng cho đến hôm nay cần thay thảm thì nó trở thành vật cản!

Đăng rao vặt lên Craigslist buổi sáng – nơi buôn bán mọi thứ thượng vàng hạ cám – buổi trưa đã có dồn dập tin nhắn muốn mua. Người muốn mua nguyên giá nhưng tôi phải chi tiền tháo gỡ, người muốn mua nửa giá, người nói đang ở xa muốn đặt cọc để giữ lại một thời gian ngắn; người khác nói chỉ có thể trả bằng thẻ tín dụng… Dĩ nhiên chưa có ai đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tôi. Qua trưa có một người xưng là cựu Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, đang làm việc ở xa muốn mua về dùng. Anh ta chỉ dùng tin nhắn để dễ liên lạc. Anh ta đòi tôi chụp hình đủ mọi khía cạnh gửi cho anh ta, nói trên trang Rao Vặt không thấy đủ góc cạnh muốn thấy, và tiếp tục hỏi rất chi tiết về chiếc bàn bi-da. Tôi đáp ứng mọi đòi hỏi và yêu cầu anh ta nếu chịu mua phải đến lấy ngay. Vài tiếng sau anh ta nhắn lại là đồng ý mua nhưng chỉ muốn trả qua Paypal; yêu cầu tôi hứa chắc bán cho anh ta và lấy quảng cáo ở tờ Rao Vặt xuống. Thấy anh ta nói chắc chắn nên tôi đồng ý cho anh ta số tài khoản vì nghĩ Paypal cũng bảo đảm. Thế nhưng một lúc sau anh ta nhắn lại, “Không gửi được,” nhờ tôi xác nhận lại có đúng tài khoản hay không. Tôi xác nhận đúng và chờ đợi.

Trong khi đó, nhiều tin nhắn muốn mua vẫn xuất hiện liên tục trên điện thoại của tôi nhưng vẫn chưa một ai đáng tin cậy như anh chàng TQLC. Thế rồi vài tiếng sau anh lại báo vẫn không gửi được. Tôi nói với anh ta tôi chưa bao giờ có trục trặc gì nhận và gửi tiền qua tài khoản nầy. Anh ta nói anh chịu thua, vậy để anh gửi chi phiếu; tôi không đồng ý, chỉ nhận tiền mặt hoặc ngân phiếu (money order), cùng lắm là ngân phiếu nhà bank (cashier check). Anh ta đồng ý trả bằng cashier check, gửi bằng phương tiện USPS ưu tiên, có bảo đảm cho chắc ăn và nhanh, sẽ nhắn cho tôi số tracking để tiện theo dõi; và nói thêm, anh ta sẽ gửi tổng cộng $1,450, sau khi tôi báo với anh ta rằng đã đổi được ra tiền mặt, nhắn cho anh ta biết để dàn xếp cho người tới mang đi ngay và nhờ tôi trả giùm cho người đó $450 chi phí. Đọc tin nhắn tôi hơi khựng lại một chút… sao nghe có vẻ quen quen? Nhưng suy đi nghĩ lại thấy cách giao tế của anh ta cũng đáng tin cậy và rằng cashier check chắc không thể giả mạo được.

Tôi nói cho nhà tôi biết tiến trình mua bán với anh chàng nầy. Nhà tôi cũng đồng ý với tôi rằng tay này có vẻ tin được. Dù vậy tôi vẫn chưa gỡ mẫu quảng cáo xuống, định bao giờ bán được mới bỏ. Và mấy hôm nay cũng không thấy tin nhắn nào muốn mua nữa. Tôi có thử email vài chỗ muốn mua nhưng chẳng đâu vào đâu, đành chờ kết quả của tay nầy vậy.
Ngày hôm sau, tôi nhận được số tracking; thử lên trang nhà bưu điện xem thử thì thấy 3 ngày sau, 28/10 thư sẽ đến.

Vâng, buổi sáng ngày 28/10 nghe tiếng chuông gọi cửa, khi tôi ra mở cửa thì thấy anh chàng phát thư đã để thư trước cửa đang quay lưng ra xe trở lại. Tôi nói với theo “cám ơn,” đem thư vô bàn viết, thấy gửi đi từ Minnesota, khui ra… trong thư là một chi phiếu của công ty (business check) có trị giá $2,000 của một công ty ở Florida. Vâng, hai ngàn đồng! Nhà tôi nói, “Người mua ở Minnesota mà công ty lại ở Florida?” Tôi nói, “Đâu có gì quan trọng. Quan trọng nhất là tại sao anh ta đồng ý gửi Cashier Check $1,450 mà lại gửi Business Check $2,000 mà không hề báo trước cho mình biết.” Lấy làm lạ và đầy nghi ngờ, tôi tìm trên google, thấy công ty thật sự đang hoạt động ở Florida. Tôi nhắn tin hỏi anh ta tại sao không là cashier check mà là business check? Tại sao $2,000 thay vì $1,450 như đã nói… nhưng chờ mãi vẫn không thấy hồi đáp. Tôi mang check đi nhà bank đổi tiền không có vấn đề gì nhưng lòng vẫn không yên ổn. Tôi đem thắc mắc hỏi một banker đang ngồi ngáp vặt:
– Người ta dùng business check để mua hàng tôi bán. Với business check liệu người ta có thể huỷ bỏ sau khi đã nhận hàng được không?
– Hoàn toàn được!
– Nếu mình có bằng chứng người ta lấy hàng của mình thì sao?
– Nếu người ta có ý định lừa gạt thì họ có rất nhiều cách kể cả nguỵ tạo bằng chứng. Họ là một công ty và bạn là một cá nhân, phần thiệt hại sẽ là bạn.
– Vậy Cashier check thì sao?
– Cũng vậy, người ta có tới 7 năm để huỷ bỏ nó và người nhận phải chịu trách nhiệm về số tiền đó cộng thêm tiền phạt.
– Vậy nếu tôi đem chỗ khác lấy tiền thay vì dùng nhà bank của tôi thì sao?
– Bạn sẽ phải trả một số lệ phí và họ cũng sẽ lấy chi tiết cá nhân như bằng lái xe của bạn. Nếu người mua quyết định huỷ bỏ cái chi phiếu đó thì bạn lại phải đối diện với nhiều rắc rối của luật pháp mà phần thắng của bạn cũng rất gian nan.

Nghe nói tôi càng thêm bất an. Dù vậy, tôi cám ơn anh chàng banker, đem tiền về nhà nói chuyện với vợ. Nhà tôi nhất định bắt tôi đi nhà bank lấy lại cái check và huỷ bỏ giao dịch.
Sau khi cầm cái check về, tôi nhắn tin với người mua:
– Anh đã hứa với tôi gửi cashier check sao lại gửi business check?
– Cả hai đều có giá trị ngang nhau. Đằng nào bạn cũng lấy tiền được mà.
– Nhưng tôi đem đi đổi tiền mặt thì phải trả 3% lệ phí và người ta nói người gửi có thể huỷ bỏ cái check bất cứ lúc nào?
– Cái chi phiếu là để bạn gửi vào tài khoản của bạn chứ không phải để lấy tiền mặt ra ngay.
– Không! Tôi hoàn toàn không yên tâm với sự giao dịch nầy.
Không thấy thêm một tìn nhắn nào nữa…

Cuối cùng thì chúng tôi cũng vui mừng “get rid” bán được chiếc bàn bi-da với giá $500 tiền mặt. Dù vậy cũng đã không lấy gì làm chắc cho tới khi cầm tiền trong tay và người ta tới tháo gỡ mang đi. Vui hơn nữa là thảm đã được thay và việc sửa chữa nhà cửa đã hoàn tất. Bây giờ thì chỉ còn nhức đầu vì đồ đạc hàng mấy trăm thùng carton sẽ phải đem về từ nhà kho thuê mướn.

Nghĩ cho cùng, rất có thể hai trường hợp kể trên không tệ như tôi lo sợ; họ có thể là những người giàu có, rộng rãi muốn giao dịch mua bán theo phương cách đặc biệt của họ mà mình không biết chắc một trăm phần trăm; chỉ là chúng tôi thật sự không muốn dây dưa với những rắc rối vô hình. Chúng tôi như một con chim đã bị bắn hụt bao lần trong đời, giờ mỗi lần thấy cành cong đâm ra e ngại, lo sợ. Cẩn tắc vô ưu vậy. Đời người cuối cùng ai cũng sẽ về không, có thêm một số tiền để phải chuốc lấy những ưu tư, lo lắng quả là không đáng chút nào.

Rừng Vua, 15/11/2021





« TRANG NHÀ »