Bạn Tâm Giao – Tình Chiến Hữu

ngày 15.04.20


Do Phượng Vy thực hiện và trình bày trên đài phát thanh 1600AM Saigon Dallas Radio.


Lời Giới Thiệu:

Đây là loạt bài viết về 4 thằng bạn gần như “nối khố” của tôi. 5 đứa có đủ 3 miền đất nước cùng là dân phi hành. 1 Bắc 1 Nam 3 Trung. 3 thằng chung trường, 5 thằng chung khoá. Thân thiết nhau đến nỗi có lúc tôi tưởng chúng nó là anh em thủ túc của mình.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, hiện chúng tôi đều ở Mỹ, dù mỗi người mỗi tiểu bang nhưng vẫn luôn liên lạc và thỉnh thoảng gặp thăm nhau. Ở lứa tuổi nội ngoại cả rồi mà khi gặp mặt nhau thì cứ mầy mầy tao tao như thời mới lớn.

Chúng tôi cùng gia nhập khoá 4/69 Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hoà. Vào tiểu đoàn Quang Trung Nguyễn Huệ “Sống Mạnh Sống Hùng” (đó là khẩu hiệu của tiểu đoàn) vào đầu Tháng 6/1969. Tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của Th/T Trần Văn Hiến, nổi tiếng là một cấp chỉ huy “hắc ám” nhất của quân trường Quang Trung. Mới nhập khoá đã nghe tiếng đồn kinh mang “liệu thần hồn, chuẩn bị thần xác” để có thể vượt qua 3 tháng quân trường. Lại nghe đồn rằng, các thẩm quyền của Tiểu đoàn này không mấy ưa đám SVSQ Không Quân (?).

Quả thật, “sống mạnh sống hùng” đâu chưa thấy mà chỉ thấy bị đì tối đa. Nhất là mỗi chiều từ bãi tập về, đang thần hồn nát thần xác, mệt mỏi bỡ hơi tai, đói lả cả người thế mà còn phải chạy “chào sân” vài vòng doanh trại rộng thênh thang mới được tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ.

Nhớ có lần Long mập – người được chỉ định cầm cờ cho Đại đội – bị bệnh nghỉ ra bãi và tôi bị chỉ định (cái tội to con lớn xác) cầm thay, từ bãi chạy về; vì muốn “chơi nổi”, mới chạy một vòng đã dẫn đại đội vào sân để tản hàng, ai nhè gặp “cù lũ” (xếp lớn) đứng chờ sẵn nên cả Đại đội bị phạt chạy hơn số vòng bình thường và sau đó bắt tôi chà láng cho chừa cái tật ba gai. Không những cả Đại đội oán hận tôi mà tôi cũng oán hận “cù lũ” ngút ngàn mà không dám hó hé. Sau ngày gãy cánh, hơn ba chục năm sau gặp lại “cù lũ” ở đất khách quê người, trong dịp Hội Ngộ 40 Năm của khoá, tôi cắc cớ hỏi ông tại sao hồi xưa ngài “hắc ám” với chúng tôi như vậy, ngài cười tỉnh bơ nói, “Các cậu KQ hồi đó mà không đe nẹt ngay, không kỷ luật sắt thì ai mà trị nổi đám con ông trời. Mà có vậy mới xứng đáng là chiến binh của một quân chủng oai hùng chứ.”

Theo thứ tự thời gian quen biết, xin giới thiệu đến bạn đọc những nét chấm phá của từng nhân vật trong “võ lâm ngũ quỷ” đương thời.

1. Huỳnh Quy

Tôi từ miền quê đất đỏ nắng bụi mưa bùn Võ Đắt về một xứ cũng chẳng khác gì, nhưng là tỉnh lỵ, để học lớp Đệ Tam Trường Trung Học Công Lập Long Khánh. Ở đây tôi quen với nó.

Tôi không nhớ đã quen với nó từ lúc nào, quen cách nào. Nó học ban B, tôi ban A. Dân nhà quê lên tỉnh lỵ có một số mặc cảm nhất định nên suốt ngày chỉ chúi mũi vào sách vở. Hơn nữa, đi với tôi về tỉnh còn có 3 đứa bạn khác nên không có nhu cầu tìm thêm bạn ở một nơi xa lạ.

Khi lên lớp Đệ Nhị, ba người bạn đi với tôi năm trước đã bỏ cuộc đăng lính và một người bạn mới, lớp dưới, vào thuê nhà ở chung với tôi. Tôi thật sự không còn nhớ cơ duyên nào đã khiến nó thuê chung nhà, ăn chung chỗ mặc dầu nó có nhà, có mẹ, có các anh chị ở gần trường chúng tôi theo học.

Nó dân Huế chính gốc và hai thằng tôi Quảng Ngãi rặt, thế mà hợp với nhau cách nào không biết lại chấp nhận sống chung hoà bình. Tính tình nó rất tốt, rộng rãi, quý trọng bạn bè nhưng có hơi khó chịu. Tính tôi đã gọn gàng, ngăn nắp nhưng vẫn chào thua nó. Điều gì làm nó không hài lòng là kể như… “mùa mưa lần này bầy nhầy hơn mưa lần trước!”

Thời gian cắp sách đến trường và tình bạn vẫn bình thản theo dòng đời trôi được mấy năm dù có những thay đổi nơi ăn chốn ở trong đời học trò. Đến lúc tôi chán học “bỏ đò bỏ bến bỏ dòng sông” đăng vào Không Quân, nó cũng lọt tọt làm theo. Ngày tôi vào Quang Trung ở Đại Đội 43, nó cũng vào sau đó một tuần ở Đại đội 44, cùng Tiểu đoàn Nguyễn Huệ “sống mạnh sống hùng.”

Sau tuần lễ đầu bỗng nghe xì xào có dịch bệnh “đau màng óc” phát sinh. Ban Y tế Tiểu đoàn lùa cả hai đại đội ra ngoài sân rồi hỏi ai cảm thấy có triệu chứng nhức đầu thì đứng qua một bên. Không biết nó nghe lộn, sắp hàng lộn hay sao mà bị giữ lại để khám nghiệm cho kỹ. Đến khi người ta khám xét kỹ lưỡng, chẳng tìm được triệu chứng gì ở trong người nó thì đã trễ khoá học mất rồi. Nó được giữ lại khoá sau và cuối cùng bị đưa qua nhập khoá ở trường Võ Khoa Thủ Đức và được làm sĩ quan, trong khi tôi vẫn mang con cá cho tới khi về nước.

Sau bao nhiêu thay đổi trong đời binh nghiệp, tôi về Phi đoàn Tinh Long 821 bay AC119K thì lại gặp nó, lại thuê nhà ở chung ngoài phố mấy năm dài trước khi nó lập gia đình và tôi được cấp phòng riêng ở cư xá sĩ quan độc thân.

Tôi với nó dĩ nhiên rất có nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời là lần tôi năn nỉ mượn được chiếc xe Honda ‘68 mới toanh của nó đi thăm ông anh Biệt Động Quân, cho oai, đang đóng quân ở Hậu Nghĩa.

Có lẽ nó biết tôi chạy xe hơi… ba gai nên phải trải qua nhiều lần thuyết phục nó mới đồng ý. Trước khi nó đưa xe cho tôi còn dặn đi dặn lại năm lần ba lượt, “Mầy làm ơn chạy xe cẩn thận giùm tao; tao mới xin tiền của Mạ tao mua đó nghe.” Dĩ nhiên là tôi hứa chắc như bắp với nó trước khi nó chịu đưa chìa khoá cho tôi.

Từ Saigon đi Hậu Nghĩa cũng khá xa. Chỗ Tiểu đoàn của ông anh đóng phải đi đò qua một con sông nhỏ. Dù vậy, vẫn không có vấn đề gì để tới nơi. Ông anh thấy thằng em xuống thăm mừng lắm, có phần hãnh diện với cấp dưới của mình nên bày tiệc nhậu linh đình. Chén chú chén anh tới say quắc cần câu lúc nào không hay. Khi trời nhá nhem tối, tôi phải gượng ra về, quên mất lời hứa với nó, vừa qua khỏi đò đã phóng xe chạy ngả nghiêng, loạng quạng nhưng cũng về tới Saigon… Khi bình tâm nhìn lại chiếc xe… ồi giời! Chiếc xe móp méo đủ chiều! Sợ quá tỉnh rượu cấp kỳ, đem xe tới tiệm sửa. Yêu cầu tiệm cố gắng hoàn chỉnh càng mau càng tốt. Dĩ nhiên phải trả tiền thêm nhưng cũng phải mất mấy ngày mới đem xe trả lại cho nó.

Dĩ nhiên trong những ngày xe nằm ở tiệm, tôi nghe nó hát bản nhạc “hai mùa mưa” tới nhức đầu nhức óc, phải tránh mặt luôn ở phi đoàn cho tới khi lấy xe về giao lại cho nó mà vẫn nghe bài ca quen thuộc cho tới đĩa rè, kim mòn! Đã bảo tính nó rất tốt nhưng vô cùng khó chịu mà! Mà không khó chịu cái vụ này mới là lạ à nghen. May mà nó không xịt chó cắn. Nó chỉ quạu là phước lớn cho tôi rồi! Lỗi của tôi tới một ngàn phần trăm chứ đâu có thể nhẹ hơn.

Dù vậy, chúng tôi vẫn hôm sớm có nhau co tới khi hắn có vợ có con và tôi thì cứ độc thân vui tính, được quân đội thương tình cấp cho một phòng riêng ở cư xá độc thân trong căn cứ. Kể từ lúc đó, nó thoát được tôi; phần đời chúng tôi dính chung được giải phẫu an toàn, ai lo thân đó.

Trưa 29/4/1975 tôi vượt thoát đến Utapao, Thái Lan để lánh nạn; nó ở lại rồi đi tù, rồi về lại Long Khánh sau một thời gian dài, rồi “Hỡi Ơi” [H.O] qua tới Seattle tái lập cuộc đời mới. Nghe tin nó qua được bến bờ tự do tôi rất mừng nhưng vì đời sống lu bu quá nên phải rất lâu mới gặp lại nhau ngắn ngủi một lần. Và nó, cũng như những người qua sau, đã phải vật lộn với đời sống mới. Với bản tính cần cù, sau một thời gian nghe gia đình nó đã được ổn định, có nghề ngỗng đàng hoàng và cuộc sống nó từ đó thăng hoa.

Bây giờ thì đã nghỉ hưu, lũ con đã nên người lại có địa vị trong xã hội, nhưng tiếc bản thân nó sức khoẻ kém đi nhiều sau bao năm lao khổ với tù đày và cơ cực trong cuộc sống mới. Nó ở tận Seattle âm u còn tôi ở xứ Cao-Bồi nắng cháy nên cũng ít gặp nhau. Thương nhớ nhau, ngoài vài ba lần tôi về Seattle thăm nó, phần nhiều biểu tỏ qua điện thoại, lâu lâu mới có dịp thăm nhau hoạ hoằng.

2. Hoàng Văn Hội

Khi tôi đăng lính, nó và Huỳnh Quy còn trong ghế nhà trường. Khi tôi qua được hồ sơ an ninh thì chúng nó cũng được nhận. Ở Long Khánh, ngoại trừ anh Nguyễn Gia Tập đã vào Không Quân trước lâu, lũ học trò Long Khánh cũ của bọn tôi kéo nhau theo cả đám khi Không Quân bành trướng. Nào Hội, Quy, Hữu, Tùng, Hồng, Gia Cần, Gia Học.

Hồi còn học Long Khánh, tôi với nó mới sơ giao, biết nhau từ năm Đệ Nhất, nó Ban B tôi Ban A. Nó Bắc kỳ rau muống, tôi Trung kỳ ớt cay. Nhà nó ở đường xe lửa, cổng số 6, không cách xa nhà trọ của tôi là bao nhưng ít qua lại với nhau.

Về Saigon, nó có bà chị họ, nhà cao cửa rộng vùng gần Ngã Ba Ông Tạ. Khi vào KQ gặp nhau, nó kéo tôi về xin bà chị cho ở nhờ chờ thủ tục nhập khoá Quang Trung, rồi trong thời gian chuẩn bị đi Mỹ. Bà chị thương em thương luôn bạn của nó nên vui vẻ cho tá túc dù trong nhà đã có tới 6 người con. Hai người lớn nhất đã đi tu, một nam một nữ. Còn lại 4 đứa rồng rồng – nói rồng rồng chứ vài năm sau cũng có hai đưa gia nhập KQ – nên chơi giỡn với nhau cũng vui nhà vui cửa. Chúng tôi được cho phòng ở sân thượng, lầu 3 mặc sức đi, về, mặc sức đùa nghịch, ca hát lúc nào cũng được.

Nhập khoá 4/69 SVSQKQ vào quân trường Quang Trung, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, Đại đội 43 cùng lúc. Đại đội có 200 thư sinh đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Khi nhập khoá, họ bắt lũ chúng tôi đứng sắp hàng từ thấp lên cao; chia làm 4 Trung đội. Nó thuộc Trung đội Người Lùn, tôi ở Trung đội Người Voi.

Xong Quang Trung về đạp cỏ một thời gian rồi nhập khoá học Sinh ngữ cũng cùng lúc, ra trường cùng lúc, đi Mỹ cùng lúc, học bay cùng khoá, khác lớp. Xong trường bay, nó được chọn bay “bà già” C47 đi trường bay khác, tôi qua vận tải lớn hơn, C123, đi trường bay khác.

Về nước không cách nhau bao nhiêu nhưng nó và tôi khác đơn vị, thân ai người đó lo từ đó. Dù vậy, chúng tôi vẫn loanh quanh với nhau khắp nẻo đường thành.

Một kỷ niệm với nó, đặc biệt cho tới giờ, vẫn không ai có thể quên được.

Một ngày đẹp trời, tôi và Huỳnh Quy rủ nó đi ăn tối vì ai cũng được nghỉ bay. Ăn xong đề nghị tới nhà bạn gái của nó chơi một lúc. Bạn gái của nó có một cô em xinh đẹp ở tuổi cập kê nên đứa nào cũng ghé mắt vào, nó biết tẩy nên miễn cưỡng đồng ý.

Gia đình cô bạn gái lấy làm bất ngờ khi thấy một lũ kéo tới. Cô bạn gái của nó luýnh quýnh mang thức uống ra; cô em vọt tuốt vào phòng, bà Mẹ Bắc Kỳ xã giao hỏi các con ăn tối chưa. Tôi vọt miệng, “Dạ tính tới thăm Bác và các em xong tụi cháu mới đi ăn với nhau.” Bà già nói, “Bác còn một ít cơm nếu các cháu không chê thì ăn tối cho vui.” Tôi biết bà già chỉ xã giao thôi nhưng vì muốn câu giờ và cố tình phá thằng bạn nên nói, “Dạ, nếu Bác cho ăn thì chúng cháu khỏi đi tiệm.” Thằng Quy tinh ý đốc xúc thêm, bà già đành gọi hai cô con gái dọn bữa ăn cho chúng tôi. Cả hai chị em chắc “mắc cỡ giùm” nên dáng vẻ ra chiều miễn cưỡng. Nó ngồi đồng chịu trận. Mặc kệ, chúng tôi đã cố tình nên cứ “tự nhiên như người Hà Nội” ngồi ăn ngon lành. Thấy cơm và thức ăn gần hết mà chúng tôi có vẻ vẫn còn muốn ăn nên bà già sai mấy nhóc chạy ra quán mua thêm rồi lại mua thêm. Dĩ nhiên, bụng đã no kềnh mà vẫn vừa ăn vừa đùa nghịch vui vẻ như không có việc gì.

Một lần rồi ai cũng… tởn. Tuổi trẻ vô tư là thế, khờ dại là thế.

Vài năm sau chúng tôi cùng được lên Trung Uý, nó đã là trưởng phi cơ ở phi đoàn nó trong lúc tôi vẫn long đong phận Copilot cho tới ngày mất nước.

Ngày mất nước mạnh ai người đó thoát thân. Nó được đưa qua trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas; tôi tới trại tỵ nạn trong căn cứ KQ Eglin Air Force, Florida.

Tuần đầu tiên tôi và Phát ra khỏi trại đi làm thợ vịn cho một con chiên nhà thờ của bà bảo trợ. Nhận được thư nó gửi thăm từ trại Ft. Chaffee. Cuối tuần hai đứa được trả chung một chi phiếu 46 đô-la. Nhờ thằng con bà già ra nhà băng đổi tiền mặt đua cho bà già để phụ phần ăn uống, chỉ xin nhín ra 5 đô bỏ vào phong bì gửi nó uống cà phê. Nhưng đến khi nó ra trại và về San Antonio với chúng tôi, nó vẫn còn giữ tờ 5 đô còn mới toanh. Hỏi sao không xài. Nó nói không nỡ lòng xài phí tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi.

Ở San Antonio với nhau một thời gian thì mỗi người đi một ngả. Tôi đi học sửa máy bay; học nửa chừng thấy tương lai mù mịt nên bỏ cuộc, đi giang hồ, rốt cuộc về Vùng Bay Area, Bắc Cali trụ ở đây đi học xong lập gia đình. Nó cũng lang bạt kỳ hồ, có vợ rồi lại đưa nhau về San Jose.

Ở đây vợ chồng nó làm đủ mọi ngành nghề, mua nhà, và 4 đứa con theo nhau chào đời liên tục. Vừa phấn đấu nuôi dạy con cái vừa quyết tâm làm thương mại. Vợ chồng nó làm cái gì cũng lớn thuyền lớn sóng, không thành công lớn nhưng đủ sức nuôi con ăn học nên người. Bây giờ thì con cái đã xong, vợ chồng lại xông vào nghề chạy xe 18 bánh xuyên bang. Ở tuổi này mà chúng nó vẫn còn sức chạy loại xe này khiến bạn bè chúng tôi ai cũng phải cúi đầu thán phục.

Nhân buổi họp mặt của khoá ở Florida năm nay, nó book hàng đi về hướng này, chở theo đủ loại đồ ăn thức uống để khoản đãi anh em, chở luôn dàn nhạc cụ để làm văn nghệ cho đại tiệc kỷ niệm 50 Năm Khoá 4/69 SVSQKQ.

Ngoài ra, khi nào nhớ anh em phương nào, nó lại book hàng đi về hướng đó để có dịp bù khú với nhau vài hôm rồi về. Khi nào nhớ đến nó, tôi bắt phone gọi thăm. Hầu hết, nó đang lông bông trên đường ở một xa lạ nào đó dù vẫn loanh quanh trong nước Mỹ.

Đó là thằng Bắc kỳ dễ thương, một thằng bạn học của vùng đất nắng bụi mưa bùn Long Khánh, và là một chiến hữu Không Quân thân mến của chúng tôi, thuộc Trung đội người lùn; đã cùng trôi nổi thăng trầm từ quê nhà đến quê người hơn nửa thế kỷ qua.

3. Hà Quan Phát

Nó là 1 trong 5 ngũ quỷ. Dân Nam kỳ quốc, ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, nhưng gốc gác ở tận xứ Nẫu Bình Định, miền Trung, phía nam của Quảng Ngãi quê tôi.

Tôi gặp nó khi nhập khoá 4/69 SVSQKQ. Trại huấn luyện bắt xếp hàng từ thấp lên cao. Nó đứng thù lù bên tôi trong hàng quân mỗi ngày, nằm gần giường trong trại. Nó cao nhưng ốm yếu hơn tôi; về mặt đùa giỡn, phá phách thì nó thuộc hàng sư phụ. Nick name “Thuận nẫu” là do nó đặt cho tôi. Nó đặt tên với tính cách chê bai, chọc phá; suốt ngày cứ nẫu này nẫu kia khiến tôi điên người. Một hôm nó làm cho tôi điên tiết, sẵn đang lau súng, tính phang cho nó một báng súng cho chừa, nhưng nó lẹ chân chạy thoát, vừa chạy vừa tiếp tục chọc quê, khiến tôi rượt quanh mấy vòng doanh trại. Thật tình thì tôi không chịu nổi cái tính lất cất của nó nhưng lại khoái loanh quanh nghe nó kể chuyện người Miên. Vùng quê của nó rất đông người Miên nên nó có quá nhiều chuyện tếu về sự trung thực đến ngây ngô của họ. Nó nhái giọng Miên kể hoài không hết. Kể rất có bài bản, rất có duyên. Mỗi tối trước khi đi ngủ, lũ chúng tôi hay tụ tập quanh giường của nó để hóng nghe chuyện cười. Từ đó nó được tôi tặng danh hiệu (nick name) là “Phát miên” trước khi có danh hiệu “Phát volley” sau này. Cho tới bây giờ, nghề kể chuyện Miên của nó vẫn còn “manger cliente” (ăn khách) lắm, chưa có đối thủ.

Thế rồi trở nên thân thiết nhau hồi nào không nhớ.

Xong khoá quân sự, nhập khoá Sinh ngữ, cùng lều cùng trại. Sau bao gian lao học tập, nó thi đậu ra trường làm thủ tục đi Mỹ, tôi bị thiếu 1 điểm ở lại học tiếp để đêm đêm cất giọng ca não nề, “Buồn nào hơn đêm nay!”

Trong thời gian học sinh ngữ, những cuối tuần đi phép nó thường rủ tôi về nhà của Chú nó chơi, gần khu Chợ Lớn. Nhà trong một con hẻm khá lớn. Mấy lần tời chơi, nó chỉ cho tôi một người đẹp đi ngang qua nhà. Nó nói, “Đó là Dì Chín, nhà phía trong hẻm này, mỗi ngày đi làm đều đi ngang qua đây, tao muốn làm quen nhưng chưa dám.” Tôi nói, “Mầy muốn làm quen mà cứ một Dì Chín hai Dì Chín thì quen thế nào được.” Nó nói, lỡ gọi theo thằng bạn. Tôi nói mầy muốn cua nàng mà cứ Dì Chín hoài coi bộ không xuôi tai chút nào.

Trước khi nó đi Mỹ, nó chở tôi đi ngang sở làm của nàng vài lần cho biết để tôi ở nhà giúp nó “canh chừng và bảo vệ Dì Chín” giùm. Nó còn dặn đi dặn lại, “Mầy chỉ coi chừng thôi nghen, không được léng phéng là chết với tao đó.” Tôi ngó bộ dạng nó rồi cười nhạt nhưng cũng tuyên hứa bảo vệ nàng.

Thương nó nên tôi cũng loanh quanh “ngó chừng người đẹp.” Tôi không biết ngó chừng như vậy để làm gì nữa; thế nhưng mỗi lần thư về nó đều hỏi thăm nàng. Tôi có biết gì hơn, chỉ nói là nàng vẫn đi làm đều, vẫn chưa thấy cái đuôi nào mọc. Thế thôi.

Khoảng tháng sau thì tôi được Bộ Tư Lệnh gửi giấy báo đi khám sức khoẻ du học. Tôi mừng không kịp lớn.

Tôi qua tới trường sinh ngữ Quân đội ở Lackland, San Antonio, TX ở chung cư xá với nó. Vì ăn thức ăn Mỹ ngán muốn chết nên lén nấu ăn ở phòng. (Phòng cũng có nhà bếp nhưng không khuyến khích sinh viên sử dụng.) Thỉnh thoảng nó nấu ăn và tôi giữ phần rửa chén. Một thời gian ngắn nó đi trường bay Randolph, không xa trường sinh ngữ lắm. Rồi tôi cũng đến trường bay, lại ở chung, sách cũ được tái bản. Được vài tháng nó xong giai đoạn đầu đi tiếp qua trường bay Keesler, Mississippi. Rồi tôi cũng nối gót theo nó.

Qua tới trường bay Keesler nó bị ói ra mật xanh mật vàng mỗi khi máy bay nhào lộn; cấp trên cho nó nghỉ để nhập khoá kế tiếp là khoá của tôi. Khoá tôi có hai lớp, nó ở lớp khác cùng với Hoàng Hội và ở khác khu cư xá nên tôi không bị rửa chén cho nó. Nhưng… khi gần ra trường thì đổi lên khu sĩ quan ở chung. Hai đứa lại chung phòng và tôi lại rửa chén, nó nấu ăn khi có dịp.

Một hôm nó ở nhà nấu ăn chiều, tôi ra sân đánh bóng chuyền. Đói bụng chạy vào thấy nó đã nấu xong đang dọn lên bàn. Tôi xông vào ăn, nó nổi quạu đổ hết thức ăn vào thùng rác! Giận nó quá nhưng không lẽ đánh lộn, đành nuốt giận, xuống câu lạc bộ ăn tối. Nghĩ lại nó giận cũng đúng – Mình đi chơi về thấy đồ ăn là xông vào ăn liền không đợi nó. Dù vậy, phải mất mấy hôm mới ký lại hiệp định đình chiến. Cái mặt nó mà ai giận được lâu mới là chuyện lạ!

Nhờ “bà hú” nên nó vượt qua được cái bệnh ói mửa khi huấn luyện kỹ thuật nhào lộn. Nó đậu ra trường được chọn qua loại máy bay C119, còn tôi đi C123. Hai loại máy bay này đều huấn luyện chuyên môn ở căn cứ Không Quân Lockbourne, Ohio. Tôi và nó lại cũng ở chung một nơi chỉ là riêng phòng. Việc nấu nướng ở phòng cũng giảm tối đa vì phải tốn rất nhiều giờ cho việc huấn luyện.

Một thời gian sau, loại phi cơ của tôi phải đổi căn cứ về New England AFB, Alabama. Tôi với nó đã đến hạn kỳ chia tay cho đến lúc về nước.

Về nước, mỗi đứa một đơn vị khác nhau, chỉ còn gặp nhau trên tần số không lưu hoặc những ngày nghỉ hoặc ở sân tập bóng chuyền. Rồi nó tổ chức đám cưới với nàng và nhờ thằng tôi làm rể phụ.

Nó đánh bóng chuyền nổi danh Sư Đoàn 5KQ, được ông Không đoàn phó thành lập đội tuyển cho Không đoàn nên nó được cưng chiều rất mực. Vì thế, khi KQVNCH được Mỹ giao cho loại vận tải cơ khổng lồ C130A thay cho C123K, nó được ông phó mang về liền cùng với cặp bài trùng của nó là “Bé đen” và cả hai được huấn luyện thành copilot khoá sớm nhất; đó là trường hợp duy nhất. Tôi được chọn qua C130A sớm nhất, nhưng vì khá đông nên phải theo ưu tiên thứ tự. Tôi thì thích đi bay mà phải chờ đợi khá lâu nên mất kiên nhẫn và lấy làm bất bình xin đổi qua C119K, loại vận tải tác chiến tối tân nhất của KQVNCH thời đó. Tôi thích loại này vì nó được trang bị hoả lực tối đa với hai cây đại bác 20 ly 6 nòng và 4 cây đại bác Minigun 6 nòng, được điều động tới những chiến trường sôi động nhất và thường xuyên đi biệt phái xa cách “mặt trời” dễ chịu hơn nhiều.

Một thời gian sau tôi nghe đồn C130A sẽ được thay thế với C130E, tôi nhờ “thằng con cưng” này xin với ông phó về lại C130A nhưng không được.

Sáng 29/4/1975 phi trường bị pháo kích khắp nơi, không ai kịp nói với ai điều gì, tất cả các thẩm quyền bỗng dưng vắng bóng, mấy cư xá sĩ quan xôn xao chạy đôn chạy đáo tìm phương tiện thoát khỏi phi trường; nhất là sau khi chiếc Tinh Long 7 bị bắn rơi trong vòng đai phi trường, tất cả mọi người đều cố tìm phương tiện thoát thân. Đến lúc tôi may mắn chạy được bằng chiếc C130A cuối cùng rời phi trường TSN vào buổi trưa. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi lại thấy rất vui vì cuối cùng tôi cũng được ngồi vào ghế lái chính thức, được bay chiếc vận tải cơ tối tân nhất của KQVNCH này dù chỉ làm nhiệm vụ “thợ vịn” cho niên trưởng Phan Vũ Điện bay tới Utapao lánh nạn.

Gia đình nó gồm vợ và con bé tý chạy thoát trước, tôi may mắn chạy được cuối cùng rồi cũng gặp nhau ở Utapao, rồi qua Guam, rồi cùng nhau trực chỉ Eglin AFB sống đời tỵ nạn.

Ở Mỹ chúng tôi có chung một bà già nuôi. Bà già nguyên là phu nhân của một vị cố Trung Tá KQ Hoa Kỳ, đã bị bắn rơi trong Thế Chiến Thứ Hai, vì thế, bà rất thương Không Quân. Khi vào PX căn cứ Lackland AFB mua sắm gặp nó bà thương ngay, nhận làm con nuôi liền.

Hồi đi du học nó qua trước gặp bà ta trước. Khi tôi qua đến nơi nó giới thiệu bả với tôi và được bà già nhận chung; mỗi cuối tuần bà đều vào căn cứ rước chúng tôi về nhà cho đi chơi, khoản đãi ăn uống vô cùng tử tế. Về nước, tôi vẫn nhớ ơn, giữ liên lạc với bà dù không thường xuyên cho lắm. Trên bước đường tỵ nạn chuyển đi từ Guam qua Eglin, máy bay ghé xuống phi trường Honolulu, tôi gọi phone cho bà già, nhờ bà bảo trợ cho cả hai gia đình để sớm được ra khỏi trại tỵ nạn. Bà vui mừng nghe tin và hứa sẽ làm hết mình để đưa chúng tôi về San Antonio với gia đình bà Cụ.

Ở trại tỵ nạn không lâu, thấy người ta nhộn nhịp đến xin bảo trợ, tôi cũng gọi điện thoại thúc giục bà già. Một buổi sáng mai, có người vào phỏng vấn gia đình nó tại lều, xin được bảo trợ vì gia đình có con nhỏ được ưu tiên. Tôi ngồi đó nghe ké. Khi nghe thằng Mỹ muốn đem vợ chồng con cái nó về nông trại, cho nó bay loại cessna rải thuốc rầy, vợ nó lo việc dọn dẹp nhà cửa hằng ngày cho tươm tất, mỗi tháng họ sẽ trả cho nó 500 đô-la, bao luôn nhà ở.

Tôi nghe tới đây nổi giận đùng đùng, đuổi thằng Mỹ ra khỏi phòng, nói, “Chúng tao là người tỵ nạn, là người có học thức, chứ không phải là thứ nô lệ rẻ tiền. Tụi tao không muốn nghe mầy nói thêm bất cứ điều gì, đi ra ngay lập tức, đi ngay!” Thằng Mỹ hoảng hốt rút lui mà tôi vẫn còn giận. Nó nói họ bảo trợ gia đình nó chứ đâu phải là tôi mà nổi nóng dữ vậy? Tôi nói, “Mầy nỡ lòng nào cho vợ mầy quét dọn như một con nô lệ da đen, trong khi nó mướn mầy về đi bay cho nó chứ đâu phải ở đợ đâu mà trả rẻ mạt như vậy. Thôi dẹp cái ngữ đó đi. Hơn nữa, bà già nuôi cũng sắp đem tụi mình ra khỏi trại rồi, đừng nghe mấy thằng bảo trợ bá láp như vậy nữa!”

Ngày 26/5/1975, Thứ Bảy, chúng tôi được bà già nuôi bảo trợ đem về San Antonio. Chủ Nhật theo bà đi lễ. Sau khi Lễ xong, bà móc nối với một con chiên nhà thờ cho chúng tôi theo làm thợ vịn sửa nhà cửa. Cả hai chúng tôi ngoài đi học, đi lính ra có đi làm bao giờ đâu mà có nghề với ngỗng. Thứ Hai hôm sau, con chiên tới chở hai đứa tôi đi làm. Cả hai như thiên lôi chỉ đâu đánh đó vậy mà thằng chủ hài lòng ra phết, khen chúng tôi khéo tay và thông minh. Tôi rủa thầm trong lòng, “Mẹ, chúng tao không thông minh, không khéo tay làm sao trở thành phi công được huh thằng khỉ gió.” Nghĩ thì nghĩ như vậy chứ cũng biết thân. Cố gắng làm tốt để nó còn mướn lâu dài.

Làm cho thằng này là vì nó muốn giúp chứ công việc đâu có nhiều. Mỗi ngày làm chỉ mấy tiếng là hết việc. Cho tới cuối tuần nó phát lương, hai anh em được trả chung một chi phiếu 46 đô-la! Cầm cái check trên tay tôi chợt bâng khuâng nghĩ tới số tiền $500 mỗi tháng cho gia đình nó (để đi bay và làm người ở,) bất giác có chút phân vân, áy náy… nhưng chợt thấy vui trong lòng vì nghĩ tôi đã ra sức bảo vệ gia đình nó, danh dự cho nó. Check lương dù ít nhưng cũng rất hãnh diện là tự tay chúng tôi đã làm ra tiền; đem chi phiếu về nhờ thằng con trai bà già đi nhà băng đổi giùm để đưa phụ tiền ăn cho bà già. Dĩ nhiên bà già không lấy. Chúng tôi dùng tiền để đi chợ mua thức ăn cho hai gia đình chúng tôi. (Hồi đó đi chợ 20 đô-la là thức ăn ê hề, chất đầy xe đi chợ.)

Sau một thời gian ở San Antonio thấy không có tương lai, nên chúng tôi hỏi thăm được người ta mách lên sở xã hội sẽ được giúp nhiều thứ. Về nhà nói với bà già, liền bị bà và thằng con trai nổi giận. Bảo chúng tôi, khi nào còn ở với bà thì đừng bao giờ nói tới việc xin welfare, Food Stamps. Nhưng rồi tôi cũng lén đi, hỏi thăm… họ cho biết là họ có thể cấp welfare và food stamp cho chúng tôi tạm sống. Nhớ lời bà già và thằng anh nuôi, tôi nói tôi chỉ muốn đi tìm việc làm thường trực. Họ chỉ tôi qua sở tìm việc. Ở đây tôi gặp những người chủ nông trại đang muốn tìm người giúp việc. Tôi cho họ biết hoàn cảnh của chúng tôi, họ nói họ giúp được. Nếu chúng tôi chịu về nông trại ở với họ, họ sẽ cung cấp nhà ở, xe cộ và trả lương đàng hoàng. Tôi hẹn với họ gặp lại ngày hôm sau. Về nhà, tôi đem chuyện bàn với nó, nó đồng ý. Chúng tôi cùng xin với bà già cho chúng tôi về nông trại làm việc. Bà và ông con trai buộc lòng phải đồng ý, nói là tạm thời cứ làm vậy, rán dành dụm một thời gian nên về ở phố. Thế là gia đình nó dọn đi theo một chủ nông trại và anh em tôi đi với một ông khác; nông trại của hai ông không xa nhau bao nhiêu.

Mỗi cuối tuần, tôi đều chạy xe qua nông trại thăm nó. Nó cho biết mỗi ngày chạy máy cày, vợ giúp ít việc nhà, đời sống tạm ổn. Nó cười nói với tôi, “Trong trại người ta mướn tao về bay rải thuốc mầy không cho, bây giờ tao phải chạy máy cày mà vợ tao cũng phải giúp việc nhà cho họ vậy.” Tôi ngọng không trả lời nó được nhưng sao lòng không thấy ân hận chút nào.

Đời sống khó nhọc quá, ai cũng vất vả lo cho tương lai nên sự thăm viếng càng thưa dần. Làm nông trại anh em tôi không chịu nổi, đi làm hãng xe hơi cũng không xong, kéo nhau bỏ ruộng về thành phố xin việc. Một thời gian sau nó cũng về lại San Antonio tìm được việc mới.

Thêm một thời gian nữa, tôi rời San Antonio đi học rồi đi giang hồ, tìm sinh kế; nó cũng dọn đi Tennessee theo lời mời gọi của một người bạn khác… Anh em chỉ còn liên lạc lai rai để còn biết nhau hiện hữu.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, sau bao nhiêu đổi thay trong cuộc sống tỵ nạn, khi công việc làm ăn buôn bán không suôn sẻ ở California, gia đình tôi dọn lại về Houston, TX gặp lại nó. Đời sống nó đã khá ổn định, con cái học hành ngon lành. Riêng gia đình tôi chưa được may mắn, còn tần tảo với cuộc sống nên dời đổi liên miên. Cứ qua lại Houston-Cali mấy lần như vậy, tôi quyết định trụ luôn ở Houston khi vợ chồng tìm được công việc thích nghi, và tương lai tương đối ổn định.

Dường như số phận của tôi với thằng phải gió này trói buộc nhau nên sau bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời… rốt cuộc vẫn còn bên nhau. Từ hai thằng xa lạ, mặt trắng tay trơn, sém đánh lộn của hơn 50 năm trước… bây giờ đã bầu đoàn thê tử, lưng còng tóc bạc vẫn còn ở gần nhau nơi quê hương thứ hai.

4. Đặng Phước

Nó là một trong bốn thằng bạn thâm giao của tôi; là con dân Quảng Ngãi, là một cựu học sinh trường trung học danh tiếng của tỉnh – Trường Trần Quốc Tuấn, ngôi trường đã đào luyện khá nhiều tinh hoa của xứ Quảng.

Tôi cũng được sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng chỉ có ở vỏn vẹn 10 năm rồi theo ba mẹ vào Nam để cùng với anh em cày sâu cuốc bẩm, xây dựng tương lai.

Nó vào Đại Đội 44 sau Đại Đội 43 của tôi mấy hôm. Dù chung một Tiểu đoàn nhưng hai Đại đội có hai chương trình huấn luyện song song nên dù có biết nhau cũng chỉ sơ giao, phận ai người ấy lo. Khi mãn khoá Quang Trung cùng về đạp cỏ “khu nhà ma”, mỗi khi được dịp là đứa nào cũng mắt trước mắt sau biến mất. Một thời gian ngắn vào trường học sinh ngữ cùng khoá chỉ khác lều trại, cho tới khi ra trường đi du học Mỹ mỗi đứa một ngành; hắn trúng tài khoá “lên thẳng” đi một nơi, tôi được “cánh quạt” đi một ngả, vẫn ở mực sơ giao dù có biết thêm về hắn là dân Quảng Ngãi chính hiệu con nai vàng và hắn biết tôi cũng… nẫu như hắn… và chỉ có vậy.

[Hồi đó, đối với dân Nam kỳ quốc thì ai người Trung chúng nó đều gọi chung là “nẫu”. Nẫu với lũ này có nghĩa là “nhà quê”. Chính gốc “nẫu” phải là dân Bình Định. Người Bình Định dùng “nẫu” là ngôi thứ ba. Phần đất Quảng Ngãi gần Đèo Bình Đê, giáp ranh giới Bình Định cũng nói ngôn ngữ này.]

Sau khi ở Mỹ về, trong một chuyến bay chở tiếp liệu cho chiến trường Miền Trung, tôi dừng ở phi trường Nha Trang tình cờ gặp lại hắn. Lâu quá mới gặp lại nhau, hai nẫu líu lo mừng vui ra chiều thân thiết. Kể từ đó, tôi có dịp đi Nha Trang lại tìm hắn, lại đàn đúm với nhau khi có dịp.

Dường như nhu cầu chiến trường lúc đó cần hơn nhu cầu bạn bè nên lại mất dấu nhau sau một thời gian ngắn. Khi cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, tôi rất thường bay tiếp tế và chở quan tài anh em bộ binh đưa về cố xứ của họ, tôi lại gặp hắn ở phi trường Đà Nẵng. Hắn cho biết là đổi về Đà Nẵng khá lâu rồi. Gặp nhau được vài lần thì đời bay bổng của tôi thay đổi. Tôi rời C123 qua C130 rồi đổi sang AC119K vận tải tác chiến.

Khi chiến trường miền Trung sôi động, AC119K được lệnh biệt phái yểm trợ ở hai căn cứ Phù Cát và Đà Nẵng, tôi liên tiếp xin đi biệt phái, tránh xa mặt trời vui hơn.

Lần đầu tiên đi Đà Nẵng, tôi tìm gặp hắn tại khu cư xá sĩ quan độc thân. Nhưng hắn bay ban ngày tôi thì ban đêm nên chỉ gặp nhau nếu trùng ngày nghỉ hoặc những ngày hắn được về sớm. Hồi đó, lương tháng chúng tôi giống nhau nhưng không biết sao hắn có vẻ rủng rỉnh hơn tôi nhiều, nên thường hào sảng bao tôi ăn uống. Con nhà nghèo mà được đãi ngộ mừng muốn chết! Hơn nữa, ở Đà Nẵng hắn là thổ địa nên dẫn dắt tôi khắp nẻo đường thành khi có dịp.

Có một lần, hắn đưa tôi tới giới thiệu cô bạn gái của hắn. Cái lần gặp gỡ này để lại cho chúng tôi một kỷ niệm dù có muốn quên cũng không thể quên được sau gần 50 năm dài.

Cô bạn gái vui vẻ chào đón chúng tôi, cho biết nàng sẽ đãi chúng tôi một chầu Cua Rang Muối do chính cô ấy làm. Cua Rang Muối mà nhậu với Bia 33 thì còn gì bằng. Chúng tôi kiên nhẫn ngồi chờ với cái bụng đói meo. Khi Cua Rang Muối được nàng “hồ hởi phấn khởi” dọn ra thì ô hô ai tai, cả lũ chưa kịp mừng đã bị phỏng lưỡi! Không phải vì đói ăn gấp mà vì công thức làm cua rang muối của nàng quá sức đặc biệt – bỏ cua rang chung với vài lon muối hột – báo hại chúng tôi phải phải mò ra phố tìm cái ăn.

Vì sự thân thiết với hắn càng ngày càng sâu đậm nên những lần biệt phái sau này tôi hay tình nguyện đi Đà Nẵng, chiến trường mà hầu hết ai cũng muốn tránh nếu có thể được trong thời gian đó.

Thân thiết đến nỗi hắn cho tôi theo hắn bay hành quân nhiều lần, nhiều nơi. Hắn hăm tôi, “Nếu bị bắn rớt thì chắc trên hai quan tài của tao và mày sẽ bị dán giấy phạt thay vì được vinh thăng.” Hắn cho tôi ngồi vào ghế Copilot, cứ chơi cái trò bay sát ngọn cây cho tôi sợ, giở chân lên làm trò cười cho tụi hắn. Những lúc thuận tiện, hắn dạy tôi bay trực thăng. Rất tiếc, lúc tôi hover gần được thì không còn cơ hội. Bay trực thăng có lẽ khó nhất là hover. Có hover được thì mới cất cánh và hạ cánh được.

Ngày 25/3/1975, tôi theo hắn bay phi vụ yểm trợ – ở quê hương Quảng Ngãi của chúng tôi – để các chiến hữu bốc ông Tỉnh trưởng Quảng Ngãi bị VC bao vây trên đỉnh núi. Xong nhiệm vụ đó, tôi năn nỉ hắn bay về Sông Vệ khu nhà Chú Út của tôi, tính nhờ hắn bốc gia đình chú ra tỉnh lánh nạn, nếu có thể; nhưng khi đến nơi, liên lạc quân bạn ở dưới đất mới biết là vùng vừa bị VC chiếm. Hắn cũng lì lợm lắm nhưng không thể xuống được. Tôi lại nói hắn bay ngang qua nhà cô bạn gái trên thị trấn Sông Vệ. Nó bay quần vài vòng xong thẳng đường về lại căn cứ. Toàn tỉnh Quảng Ngãi bị chiếm trong ngày.

Ngày 27/3/1975, buổi trưa, tôi xấc bấc xang bang rời Đà Nẵng nhưng không tìm được hắn. Trên đường về Saigon, tôi buồn rầu nghe trên tần số biết Phi Trường Đà Nẵng đã mất kiểm soát. Lòng tôi buồn vời vợi không biết tình cảnh của hắn ra sao, có thoát được không.
Giữa tháng 4/1975, tôi vui mừng đón hắn về tới Saigon. Hắn nói sẽ ở tạm với tôi trong cư xá Sĩ Quan độc thân, ngày ngày đi trình diện chờ lập thủ tục đưa về Vùng 4.

Chiều 27/4/1975, hắn được tin “bà xã tương lai” – cô nương Cua Rang Muối – chạy về từ Đại Học Đà Lạt, hắn nói hắn phải ra ngoài phố với nàng. Thế rồi lúc tôi chạy khỏi Saigon, buổi trưa ngày 29/4/1975, hắn ở lại với người yêu.

Không nhớ là bao nhiêu năm sau bất ngờ tôi nhận được thư hắn, nói bóng nói gió… trốn trại cải tạo, tìm cách vượt biển, rồi ở tù, rồi vượt biển, rồi bặt tăm. Cho tới một ngày tôi vui mừng nhận được tin hắn đã qua tới trại tỵ nạn, gửi giấy tờ để tôi giúp làm thủ tục bảo lãnh cho hắn và đứa con trai nhỏ. Không biết sự giúp đỡ của tôi có làm cho tiến trình định cư ở Mỹ của hắn nhanh hơn không thì không biết; rồi lại nghe vợ và con gái lớn của hắn cùng sum họp chung trại tỵ nạn. Thật là vui mừng khôn xiết.

Ngày gia đình hắn tới Oakland, California tôi đón và đưa về ở trong apartment 3 phòng ngủ của tôi. Sau đó không lâu, hắn xin được trợ cấp nhà ở của chính phủ nhưng không đủ nên phải trả thêm cho tôi một số tiền nhỏ sai biệt một thời gian, quên mất không biết bao lâu.

Vì qua trễ, hắn cố gắng tối đa “cày sâu cuốc bẫm” để lo tạo dựng cuộc sống mới. Phải công nhận những người đã sống khốn khổ trong xã hội cộng sản đến khi họ có cơ hội thì không nề gian khó. Không bao lâu hắn đã mua được nhà riêng và gia đình tôi lại thêm một lần nữa dọn đi Texas.

Bây giờ thì hắn khoẻ rồi, khoẻ hơn tôi nhiều. Trong khi tôi còn bon chen, vật lộn với cuộc sống hắn đã nghỉ hưu sau khi hai đứa con thành công tốt đẹp trong học vấn và nghề nghiệp. Công việc của vợ chồng hắn bây giờ là vui thú điền viên và làm ông bà nội, ngoại. Hắn dọn về San Diego, thành phố lớn cực nam của tiểu bang California, nơi khí hậu ôn hoà, bốn mùa cây cỏ xanh tốt.

Nhưng cho dù thế nào, hắn vẫn chưa thể thoát khỏi tôi. Hắn ở đâu tôi cũng tới ngủ nhờ, làm phiền. Lúc nào vợ chồng hắn cũng vui vẻ đón tiếp tôi vô cùng tử tế làm tôi có hơi áy náy là khi hắn “one leg wet one leg dry” (chân ướt chân ráo) mới qua mà tôi không có điều kiện tốt hơn để giúp đỡ hắn như những người tới trước.

Tôi mừng cho hắn; hãnh diện về hắn. Hắn rất xứng đáng vui hưởng thời gian còn lại của cuộc đời. Ông bà ta nói đúng, “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai.”

Đoạn Kết:

Hiện tại ngũ quỷ chúng tôi cùng già ngang nhau, sức khoẻ dù có khác nhau nhưng vẫn còn xoay xở được. Đứa ở San Diego giữ cháu, đứa ở Seattle dưỡng bệnh, đứa ở San Jose vẫn đang làm tài xế xe 18 bánh trên đường, thằng Miên phẻ re làm đại sứ lưu động cho các con ở tam giác Houston-San Antonio-Austin và tôi vẫn còn hăng tiết vịt, có trường dạy võ cho cộng đồng thế giới. Lâu lâu tôi nhớ đứa nào đến thăm đứa đó. Chúng nó, mỗi đứa dành tình cảm cho tôi bao nhiêu không là vấn đề, chúng nó bị tôi làm phiền bao nhiêu tôi cũng không quan tâm, nhưng tôi biết là tôi vẫn thương, vẫn trân trọng chúng nó như tình anh em ruột thịt. Bạn một lần giữ một đời. Cầu mong chân cứng đá mềm để mỗi chúng tôi sống an vui với phần đời còn lại.

Và một điều chắc chắn là chúng nó không thể thoát khỏi thằng tôi; ngày nào sức khoẻ tôi còn tốt, nhất định ngày đó tôi vẫn sẽ tiếp tục làm phiền chúng nó.

Kingwood Tháng 10/2019


« TRANG NHÀ »