Chương trình VHNT Tháng 4/2025

ngày 26.04.25


Audio Player

Chủ đề của chương trình VHNT hôm nay của Yên Sơn sẽ là thơ nhạc của Yên Sơn lồng trong chủ đề “Kỷ Niệm 50 Năm Ly Hương”

Vâng, thưa quý thính giả, ngày Miền Nam VN sụp đổ, ngày một nửa dân tộc VN tan đàn sẩy nghé… đến nay đã tròn 50 Năm. 50 Năm! Một nửa thế kỷ! Qua bao nhiêu vật đổi sao dời mà dân tộc chúng ta vẫn còn bị cai trị bởi tập đoàn cộng sản với chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc!

Không có một dân tộc nào muốn rời bỏ quê hương mình, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi đến những nơi mà không hề biết tương lai sẽ đi về đâu, bất chấp cả mạng sống! Không có một dân tộc nào đang sống trong tự do, no ấm nào, thanh bình, giàu mạnh mà phải bỏ nước ra đi dù phải đối mặt với tử sinh, với hiểm hoạ của thiên nhiên, của ác nhân và thú dữ.

Hàng trăm ngàn người đã vùi thây biển đông, đã chết trong rừng sâu chỉ vì hai chữ tự do; chỉ vì không thể sống chung với lũ vô thần vừa ngu dốt, vừa độc ác. Và hàng trăm ngàn quân dân cán chính của VNCH đã bị Việt cộng trả thù độc ác, bị vùi dập, đày ải trong các trại giam từ nam chí bắc.

Người Việt tỵ nạn, từ khắp năm châu trong 50 năm qua vẫn chờ mong từng ngày, vẫn ngóng về quê hương yêu dấu với bao mơ ước để nhìn thấy một quê hương có một ngày bừng sáng trở lại. Trong tâm tình đó, mời quý vị cùng thưởng thức một sáng tác mới của YS qua nhạc phẩm mở đầu buổi phát thanh hôm nay; đó là “50 Năm Ly Hương”. Nội dung bản nhạc nói thay cho hàng triệu con tim, hàng triệu tấm lòng của những người con xa xứ.

Nhạc phẩm “50 Năm Ly Hương” được ca sĩ Nguyễn Hậu trình bày sau đây

Vâng, có thể hầu hết quý vị đều mong đợi như tôi… ngóng trông ngày đoàn tụ ở quê nhà!

Thưa quý vị. Có lẽ quý vị đã nghe tin tức gần đây rằng tên Saigon đã trở lại với Saigon, nhưng cái tên Saigon chỉ áp đặt cho 1 trong 4 phường của Quận 1. Và một số đông những tên cũ như Bạch Đằng, Bến Thành, Tân Định, Dakao… cùng trở lại. Điều nầy đã làm cho người dân Saigon nói riêng và số nhiều người Việt hải ngoại vui mừng.

Tuy nhiên, Saigon là một cái tên lịch sử, một Hòn Ngọc Viễn Đông nổi danh Đông Nam Á một thời, không thể trở thành một Phường của một quận. Để làm rõ khúc mắc nầy, chúng tôi xin trích đọc một bài viết trên báo Ý Dân, phản ảnh một ý thức chung của những người con Việt nói chung, và con dân Saigon nói riêng.

Bài báo viết, “Nhiều báo quốc doanh ngày 14-4 đưa tin, sẽ có phường Sài Gòn nằm là 1 trong 4 phường của thành phố hiện nay. Và tên gọi nầy đã chính thức được ban hành ngày 18/4 vừa qua.

Việc đặt tên (địa danh) cho nơi nào đó, từ cấp xã trở lên (huyện, tỉnh, vùng) là quyền của Quốc hội. Quốc hội thông qua thì mới có tên chính thức.

Hồi cuối năm ngoái 2024, Quốc hội quyết việc xã quê tôi bị nhập chung với hai xã khác, đồng ý đặt tên mới là Kiến Hưng. Cái tên này do huyện Kiến Thụy đề xuất, lại còn lý giải Kiến là Kiến Thụy, Hưng là hưng thịnh, phát triển, mẹ hát con khen, cứ tấm tắc khen hay. Quốc hội gật gù, hay, đồng ý, Kiến Hưng, ghi vào sổ, từ nay mang tên mới.

Cũng xin lưu ý rằng, tên thì ai/ cấp nào cũng có quyền đặt, dân cứ đặt thoải mái, nhưng quyết cho nó hợp pháp thì phải Quốc hội, nhé. Kiến Hưng tồn tại tới nay được gần bốn tháng, chỉ hai tháng nữa sẽ bị xóa sổ, bởi xã mới Kiến Hưng lại tách ra, có cuộc ba đào nữa, nhập với những xã khác và có tên mới khác. Chưa khi nào địa danh bị phập phù, chết yểu thần tốc như lúc này.

Nhắc lại, chính quyền Thành Phố HCM sẽ chia quận 1 thành bốn phường, trong đó một phường được đặt tên Sài Gòn: Phường Sài Gòn. Thiên hạ xôn xao, người thì mừng cái tên Sài Gòn đã trở lại, được khôi phục; người thì không đồng tình bởi chỉ đặt cho phường thì phí tên quá…

Thực tế cho thấy, địa danh Sài Gòn không chỉ đơn thuần là cái tên, mà là giá trị lịch sử, thứ ăn sâu vào tiềm thức con người. Bất luận chính quyền có ghét bỏ thì nó vẫn tồn tại. Chỉ vì nó gắn với chính quyền cũ, thủ đô cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà rẻ rúng nó, là rất vớ vẩn.

Với đại đa số người dân, nhất là dân miền Nam, đặc biệt người Sài Gòn, cái tên Sài Gòn vẫn cứ tồn tại, vẫn “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Họ nói với nhau “đi Sài Gòn” hoặc lên thành phố, chứ mấy ai trang trọng rườm rà “đi TP.HCM”.

Những người thực sự yêu quý Sài Gòn vẫn tìm ra cách tôn vinh nó, chẳng hạn Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), vừa lọt tai, dễ nghe, vừa đỡ chướng khó gọi. Tài. Tôi khen anh nào chọn cái tên dễ hút khách, tiền vào như nước bởi nó chạm vào sâu thẳm lòng người, chứ tên kiểu kia, có ma nó gửi. Sài Gòn – danh từ riêng dân dã mà đằm sâu đầy kỷ niệm ấy, dễ gì mất được.

Đừng bảo rằng đảng, quốc hội đã xóa tên Sài Gòn, đã đặt cho nó là TP.HCM thì cứ vậy, có sao đâu, cần gì phải đổi, rách việc, v.v… Này, tôi nói thật, một địa danh, tên một thành phố mà rườm rà “thành phố Hồ Chí Minh” (cứ phải trang trọng viết/ nói đầy đủ vậy, chứ không ai dám chỏng lỏn bỏ chữ/ từ “thành phố”) là đã không khoa học rồi. Thành phố thành phố Hồ Chí Minh (chẳng hạn: ngành giáo dục các thành phố Hà Nội, TP.HCM), nghe cứ sao sao ấy.

Đó là chưa kể, chỉ một địa danh mà vô vàn cách viết: Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, TP.HCM, TPHCM; rồi lại còn TP.Thủ Đức, TP.HCM… giời ạ, ung cả thủ. Nhẽ ra chỉ cần “Sài Gòn”, đầy đủ, trọn vẹn, khoa học, tình cảm, có chiều sâu lịch sử, dễ viết, luôn được dân (trừ vici) yêu thương.

Cũng đừng lý luận rằng, từ năm 1976 tới nay, gần nửa thế kỷ rồi, cũng quen rồi, làm sao phải đổi lại… Vâng, cũng đã hơi quen nhưng đầy trục trặc. Đấy là chưa kể, lấy tên người/ lãnh tụ làm địa danh, nói về cái tốt thì chả sao, nhưng về sự xấu khiến người ta cứ phải né tránh, thậm chí gây trò cười. Dư luận từng cười cứ tốt thì TP.HCM, còn chuyện xì ke ma túy, trộm cướp, giết người, tự tử, nghèo đói thì Sài Gòn.

Liên Xô từng đổi St. Petersburg thành Leningrad, rồi cuối cùng bị đàm tiếu quá lại phải cho nó trở lại tên cũ. Cái thói áp đặt chính trị vào mọi chuyện đã gây ra biết bao nhiêu quanh quẩn, đèn cù, nhố nhăng.

Tôn vinh thần tượng cứ việc tôn vinh, chả ai cấm, nhưng cần xem xét lại cái tên TP.HCM đặt cho một thành phố. Nếu quyết giữ, thì cứ gọi thẳng, ngắn gọn là HCM, cũng như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế vậy, đừng rườm rà mất thời gian tốn giấy “thành phố HCM, HCM City” nữa.

Nhưng tốt nhất, hãy trả lại tên “Sài Gòn” cho đô thị bậc nhất này. Nó đã tồn tại hơn 300 năm. Cái tên/ địa danh ấy vẫn sống, sinh sắc, bền vững, lưu trong lòng người kể cả khi đã bị xóa sổ.

Hãy nhớ rằng, việc lưu giữ tên/ địa danh Sài Gòn một cách chính thống, hợp pháp cũng phải đàng hoàng, tử tế. Đó là tên xứng tầm một thành phố lớn, thậm chí một vùng, chứ không phải để đặt cho phường, cấp phường xã một cách thô bỉ như thế.”

Nhưng, dù cái tên Saigon có trở lại như xưa đi nữa thì xã hội và con người ở thành phố đó bây giờ không thể tìm thấy dấu vết của một thời huy hoàng xưa. Trong tâm tình đó, chúng tôi kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm “Trả lại cho tôi Saigon Ngày Tháng Cũ”.

Saigon Ngày Tháng Cũ được trình bày bởi giọng ca Tuấn Vỹ, mời quý vị thưởng thức sau đây:

Trả lại cho tôi. Hãy trả cho tôi một Saigon của văn minh tiến bộ. Một Saigon của Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa.

Tiếp theo đây, xin gửi đến quý vị hai bài thơ nói về tháng 4.
https://youtu.be/snD4zYkl_XABài đầu tiên có tựa đề Tháng Tư 2025
Đêm nghe tiếng khóc ma Hời
Hận vong quốc vẫn một đời cưu mang

Tháng Tư lại đến buồn man mác
Nửa thế kỷ rồi ai biết không
Tháng Tư đó nước nhà tan tác
Chim tan đàn lạc giữa bão giông

Tôi đứng soi gương lòng phân vân
Săm soi tự hỏi biết lần lần
Là tôi hay cụ ông nào khác
Tóc bạc, da nhăn, mắt thâm quầng

Một quãng thời gian không thể ngờ
Quê người, xứ lạ vẫn bơ vơ
Vẫn nghe tiếng gọi hồn sông núi
Mỗi Tháng Tư về dạ ngẩn ngơ

Đêm qua khó ngủ nằm trăn trở
Nhớ bạn bè, nhớ chiến trường xưa
Nay mộng ước một đời vỡ lở
Có còn chăng lá úa với hương thừa

Tháng Tư nghiệt ngã không quên được
Phút cuối ới nhau đáp Thái Lan
Đâu ai nói cho mình biết trước
Đó là hôm rả ngũ tan hàng

Đâu ai biết một đi không trở lại
Quê hương thân yêu vẫn mịt mù xa
Nay thu chín lá khô vàng úa
Soi nhìn mình, chẳng nhận ra ta./-

Bài kế tiếp… 50 Năm Nhìn lại… nhớ Ngày cuối Tháng Tư năm 1975

Cuối tháng Tư tôi lên tàu chạy giặc
Đâu biết rằng sẽ vĩnh viễn lìa xa
(Đã hai năm chưa gặp lại mẹ cha
Vì chinh chiến trên mọi miền đất nước)

Ngày ra đi đâu có ai biết trước
Sẽ tan hàng, rã ngũ, mất quê hương
Đâu có ai lường được nỗi đoạn trường
Cho thân phận của những người gãy súng

Cuối tháng Tư tôi trở thành vô dụng
Trước tiếng hò reo của lũ giặc hung tàn
Đất nước dấu yêu bỗng chốc tan hoang
Dân quằn quại dưới gót thù xâm lấn

Bao anh hùng bị sa cơ lỡ vận
Chết theo thành cho trọn đạo quân dân
Chết theo thành cho rạng vẻ nhục vinh
Cùng tiên tổ… ngậm hờn nơi chín suối

Cuối tháng Tư bao cảnh đời hờn tủi
Người vào tù, người bỏ xác đại dương
Người ra đi lưu lạc khắp bốn phương
Người ở lại chống chọi cùng giông tố

40 năm, mộng thiên đường đã vỡ
Hiện nguyên hình một ác đảng, cuồng nô
Khựa Tập Chương giả dạng quỷ già Hồ
Cùng đồng lõa toàn côn đồ, cướp cạn

Ở đền miếu của một tên khốn nạn
Đề rõ ràng câu hận nước, nhục dân
(Lê Duẩn ơi! Mặt nạ bị lột trần)
“Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”

Cuối tháng Tư! Nỗi đau bao giờ dứt?
Lạc Hồng ơi! Ách nô lệ gần kề!
Bao năm rồi chưa qua hết cơn mê!
Còn yên ngủ đến bao giờ nữa nhỉ?

Để kết thúc chương trình hôm nay, kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm Về Thăm Lại Saigon

Nhạc phẩm Về thăm lại Saigon là một bài thơ cùng tên được ​YS phổ nhạc​. YS dù không phải người Saigon ​nhưng đã ở Saigon qua bao lần sinh tử trong trận chiến năm xưa, và đã rời xa thành phố thân yêu nầy từ 50 năm trước. Bài thơ là một giấc mơ về một thuở Saigon yêu dấu. Nhạc phẩm Về Thăm Lại Saigon được trình bày qua giọng ca của Nguyễn Xuân Lưu.


« TRANG NHÀ »