Ân Tình Tây Bắc

ngày 28.08.17

Chambers Bay – University Place, WA


(Viết gửi hai Bác Bùi Đắc Bảo để thay lời cám ơn nồng hậu)

Nhân chuyến đi chơi vùng Tây Bắc nước Mỹ thăm bạn bè, chúng tôi được vợ chồng anh Ngọc (tên giấy tờ là Châu nhưng được gọi theo tên đệm là Ngọc, Ngọc của Hồn Bướm Mơ Tiên) và Linh Vang mời về nhà ở chơi với nhau vài hôm.

Tôi quen biết Linh Vang từ trong sinh hoạt Văn Bút. Đã gặp nhau nhiều lần, ở Seattle hoặc Houston nên trở thành thân thuộc. Hai vợ chồng không bị ràng buộc bởi con cái, có cuộc sống vật chất sung túc nhưng đơn giản. LV rất thích đi làm vì theo nàng, “Làm khoẻ mà có tiền chi tiêu thoải mái, tại sao không.” Làm hai việc mỗi ngày, ban ngày cho tiểu bang và chiều tối cho thư viện. Làm để có tiền nuôi hai tờ tạp chí Văn Học cùng một lúc (tập san Văn Hữu và Kỷ Nguyên Mới) mà chính nàng làm chủ bút, làm từ thiện, tặng bạn bè văn nghệ khi cần đến. Nói chung, nàng cốt ý làm việc để có tiền chi trả cho nghiệp chữ nghĩa và từ thiện. Với năng lực vô tận đó, tôi đã gọi nàng là “thiên tài tây bắc”.

Anh Ngọc, cựu Không Quân VNCH, đã nghỉ hưu non, ngoài những lúc được hãng cũ kêu làm những projects ngắn hạn, còn thì ở nhà làm “tổng giám đốc” nhiều thứ, gồm việc trông coi nhà in riêng, giúp LV layout in ấn tờ báo ở nhà và của thân hữu; trông coi nhà cửa, vườn tược; làm tài xế cho nàng mỗi khi nàng đi đâu (sau bao năm lái xe đi làm xa, giờ nàng không chịu lái nữa); làm chàng rể quý của ông bà Cụ vợ; và đôi khi có dịp lại đưa nhau “tiếu ngạo giang hồ”. Nhưng việc quan trọng nhất của chàng là trông coi và chiều đãi một thiên tài tây bắc. Và tôi quen biết chàng kể từ khi quen biết Linh Vang.

Chúng tôi sống ở Vùng Houston không đồi không dốc, đã quen với sự phẳng lì của diện địa chung quanh nên khi về đây thấy chỗ nào cũng đẹp. Và dĩ nhiên, khu University Place này quá đẹp so với khu rừng thông bạt ngàn nơi tôi chọn để tu thiền mấy chục năm qua

Sau giấc ngủ bình yên, tôi dậy sớm hơn chủ nhà vì Houston có hai tiếng đi trước. Cố nằm nướng để không kinh động mọi người mà thấy như đang lãng phí thời gian. Rón rén xuống nhà, bước ra khu vườn nhỏ để chiêm ngưỡng những hoa tươi cỏ lạ của nhà LV. Khu vườn nhỏ, dưới bàn tay chăm sóc của anh Ngọc, cây lá tươi tốt, nhiều cụm hoa hồng đại đoá màu sắc rực rỡ; tôi say sưa, loanh quanh với chiếc máy ảnh trên tay một lúc thì đã thấy anh Ngọc và LV xuất hiện. LV chỉ cho tôi một bụi cây lá xanh um hỏi tôi có biết cây gì không? Dĩ nhiên là không biết. LV nói đó là bụi cây lá gai để làm bánh ít, loại bánh nổi tiếng của dân miền Trung. Tôi tỏ vẻ hào hứng:

– Đó là loại bánh anh thích nhất. Bánh họ bán ngoài chợ thường nhuộm màu chứ khó tìm được đủ số lá gai cần thiết.
– LV trồng lá gai cho má. Má LV chuyên môn làm bánh ít mà LV không hảo lắm. Mỗi lần má cho, hầu hết mang vào sở cho bạn bè… ai cũng thích!
– Đúng là bụt nhà không thiêng, phí của giời!

Loanh quanh mãn nhãn, chúng tôi được chủ nhân đưa đi quán cà phê Starbucks gần nhà, nơi quen thuộc của LV. Nhà văn của chúng ta rất thích uống Mocha ở hiệu cà phê này. Mỗi người chúng tôi mua loại cà phê tuỳ sở thích, thêm mấy cái bánh ngọt, ngồi nhâm nhi ngó ông đi qua bà đi lại được một lúc rồi đưa chúng tôi đi dạo công viên Chambers Bay rất nổi tiếng trong vùng.

Đây là một công viên rộng thênh thang sát bên bờ Vịnh với sân cù nổi tiếng đã từng tổ chức giải vô địch US Open 2015. Sát bờ nước là đường rầy xe lửa và nhiều dấu tích thành quách cũ mà chính vợ chồng Ngọc-LV cũng không thông lịch sử.

Đứng trên đồi cao nhìn quanh bờ Vịnh thấy nhiều nhà cửa, dinh thự, thuyền bè nằm chen chúc với cây cối bên sườn đồi hoà trộn với màu nước xanh xanh thành một bức tranh tuyệt mỹ, phô trương sự giàu sang sung túc của một vùng. Xa xa là những hòn đảo liền nhau theo đường cong bờ Vịnh. Nhìn xuống, thấy sân cù như nằm gọn trong lòng chảo, bao bọc bởi lối đi bộ chung quanh tạo cho người nhìn một cảm giác êm ả, thanh thản. Tạo cho người thanh thản, êm ả nhưng tạo cho tôi ngứa tay, ngứa chân khi nhìn thấy người ta đang đánh cù. Xưa kia, thuở còn đi đây đi đó buôn bán với người, tôi cũng đã học chơi môn thể thao này hơn ba năm với không biết bao nhiêu banh đã mất trong bụi cây hoặc trong hồ nước. Tôi đã nghỉ chơi cũng khá lâu rồi sau khi bị trật xương vai và cũng không còn giao tiếp với “giới” này nữa; chỉ còn có thể chạy theo lượm banh cho con rể, con gái mỗi khi chúng nó tranh giải mà thôi.

Chúng tôi đi quanh hết một vòng công viên dài hơn 3 dặm lên đồi xuống dốc. Ghé qua cây cầu sát bờ Vịnh. Cây cầu được mệnh danh “chiếc cầu không đi về đâu” vì nó chỉ nửa vời; và cuối đường cầu ngó ra Vịnh là nơi có hàng ngàn “ổ khoá tình yêu” ràng rịt, chồng chất bên nhau. Những kẻ yêu nhau đã đem nhau đến đây “thề non hẹn biển”, nguyện khoá đời nhau, thể hiện bằng một ổ khoá bằng thép, khoá vào hàng rào kẽm mắt cáo rồi ném mất chìa khoá xuống bờ đá hoặc lòng nước. Theo LV, lâu lâu thành phố phải cắt bỏ sạch sẽ nhưng chỉ một thời gian sau lại đầy trở lại. Tôi mỉm cười tưởng tượng, không biết đã có bao nhiêu người hối hận sau khi đã buộc được đời nhau; bao nhiêu đơn ly dị đã nộp ở toà; bao nhiêu gia tài đã được chia chác và đã có bao nhiêu đứa trẻ đang thiếu cha hoặc thiếu mẹ!

Xong một vòng công viên thì mọi người đã mướt mồ hôi. Theo lời yêu cầu, chúng tôi được vợ chồng Ngọc-LV cho tới nhà thăm Ba Mẹ của LV, ở không xa nhà của hai người cho lắm.

Theo chuyện kể của LV, Ba của LV rất không muốn con mình theo nghiệp chữ nghĩa từ khi nàng còn đi học. Nhưng có lẽ cái gì bị cha mẹ cấm đoán cũng tạo sự hấp dẫn, thế nên LV phải viết lén (viết từ lúc còn ở VN, được trả nhuận bút 800 đồng khi một đĩa bánh cuốn chả lụa lúc bấy giờ chỉ tốn 120 đồng) cho tới khi bài được báo đăng và nằm trên tay ông Cụ. Dù là một bài viết được nhiều người khen hay nhưng ông Cụ vẫn tỏ vẻ không bằng lòng. Dù chuyện thăm viếng ông bà Cụ là do tự nguyện, nhưng khi nhớ tới việc Cụ không hoan nghênh nghiệp cầm bút của con gái cưng, khiến tôi cũng có chút áy náy khi được giới thiệu là bạn văn của nàng; tuy vậy, khi được chàng rể quý với con gái rượu đưa bạn đến thăm, ông bà Cụ tỏ ra rất cởi mở, vui vẻ và thân tình.

Sau này, LV cho biết thêm là bây giờ ông Cụ lại hãnh diện có cô con gái viết văn. Còn bà Cụ lại là người đọc hết những truyện ngắn, tùy bút của nàng, đôi khi cũng phê bình bài nào hay, bài nào dở. Nàng khen bà Cụ phê bình rất chính xác!

Đã được báo trước, ông bà Cụ đón chúng tôi rất niềm nở. Cụ bà còn khoẻ mạnh nhưng Cụ ông đã bị chứng run tay chỉ mới mấy tháng qua. Có lẽ vì thân quen với vợ chồng Ngọc-LV từ lâu, đã được LV kể nhiều về cuộc đời lắm bôn ba, thăng trầm của hai Cụ từ những ngày huy hoàng xa xưa cho tới lúc mang bầy con trốn chạy cộng sản lưu lạc xứ người, vượt mọi trở lực để nuôi dạy đàn con nên người và thành đạt; vì thế, dù chưa một lần diện kiến nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi, thân tình và hết sức tự nhiên đối với hai Cụ như bậc thân sinh. Cụ bà ít nói như trong truyền thống gia đình xưa để nhường phần cho Cụ ông giao tiếp. Cụ ông vẫn rất tinh anh, dáng vẻ quắc thước. Qua câu chuyện kể, được biết ông bà Cụ đã làm công chức cho tiểu bang Washington 25 năm, nay đã về hưu sau khi tất cả con cái thành tài. Là một người năng động nay tự nhiên bị bệnh sợ không lo được cho cả bản thân mình nên ông Cụ rất buồn rầu tới mất ngủ. Tôi rán líu lo để ông Cụ quên bớt nỗi buồn phiền và hứa sẽ hỏi thăm một người bạn thân về toa thuốc tây, theo họ, trị chứng run tay rất đại tài với chứng minh thực tế từ một người quen biết. Nghe tôi nói, ông Cụ cũng vui vẻ với chút hy vọng.

Khi được LV cho đi quanh nhà xem hình ảnh gia đình, tôi lại thấy trên bàn ăn có đĩa bánh ít lá gai… Không biết tôi đã nói gì mà lúc tiễn chúng tôi ra về, Cụ bà đưa cho LV hơn chục chiếc bánh ít tặng chúng tôi “đem về ăn lấy thảo”. Tôi cám ơn rối rít trong khi cái bụng đã thấy thèm.

Từ giã ông bà Cụ, chúng tôi được cặp chủ nhà dễ thương giới thiệu một tiệm phở nổi tiếng trong vùng. Vâng, phở ngon không thua gì ở Houston của chúng tôi. Và buổi chiều còn lại, vợ chồng LV đưa chúng tôi tới thăm các cơ ngơi sát bờ hồ American Lake của các em trai của nàng (một em trai kế cũng ở University Place nhưng đang bận đi công tác xa, một cậu em khác đang xây dựng tương lai ở San Diego. Nàng có một cô em gái mà hôm đó chúng tôi cũng có gặp). Được cả hai cậu em (út và kế út) cho chạy tàu quanh hồ, được hát với dàn Karaoke âm thanh tuyệt hảo, được ăn chiều trong tình thân… Chúng tôi rất lấy làm thán phục về sự thành đạt của các gia đình này và đặc biệt là họ đối xử với chúng tôi như anh chị em trong gia đình dù mới gặp nhau lần đầu.

Sau hai ngày rong chơi không mệt mỏi với cặp Ngọc-LV, chúng tôi trở về Rừng Vua mang theo ân tình của người Tây Bắc, đặc biệt hơn nữa là chục bánh ít mà Mẹ LV đã ân cần gửi tặng. Bánh ít chúng tôi đã chia với gia đình và ai cũng rất thích. Tôi gọi điện thoại cho LV nhờ chuyển lời tới bà Cụ là mọi người bên này gửi lời cám ơn và những lời khen ngợi bánh ngon. LV nói bà Cụ rất vui và cảm động và hứa có dịp sẽ đặc biệt tặng thêm.

Bánh ít được người miền Trung chính hiệu làm thì nhất định phải ngon và đặc biệt hơn bất cứ ai khác làm. (Dạ thưa Bác, bánh Bác làm ngon thiệt chứ không phải vì nó có “mùi nhang” đâu nghen.) Ăn bánh ít để sống lại cả một thời ấu thơ ở miền Trung khô cằn sỏi đá. Tôi lơ mơ thấy như tôi vừa về tới nhà sau cuộc rong chơi với bạn bè hàng xóm, trên trán vẫn còn lấm tấm mồ hôi… được mẹ cho một chiếc bánh ít đen tuyền, ngọt lịm đỡ lòng. Chiếc bánh nhỏ nhắn, khiêm nhượng chứ không phải to lớn và ruột đầy nhân đậu như chiếc bánh bà Cụ đã cho.

Tôi ngỡ việc tặng thêm cũng sẽ rất khó thực hiện nếu tôi không trở lại thăm Cụ lần nữa… nhưng không ngờ đã có thể biến thành hiện thực khi “my house” khám phá nàng đã để quên cái điện thoại blackberry trong phòng ngủ nhà Ngọc-LV. Không biết LV nói với Cụ ra sao nhưng tuần lễ sau đó chúng tôi nhận lại cái blackberry đặt trong thùng quà bánh ít mấy chục cái, kèm theo mấy gốc cây lá gai mà đáng lẽ tôi dự định mang về Houston để trồng lúc ở Seattle về nhưng đã bỏ quên khi lên phi cơ. Chúng tôi càng cảm động với sự lo lắng và tấm lòng của ông bà Cụ đã gửi kèm trong gói quà bánh; và dĩ nhiên đại gia đình tôi lại có dịp chia nhau thưởng thức những chiếc bánh tình nghĩa này.

Viết mấy dòng này để cám ơn thâm tình mà vợ chồng anh Ngọc-LV đã dành cho vợ chồng chúng tôi. Đặc biệt cám ơn ông bà Cụ. Cầu chúc Cụ ông chóng lành bệnh để ông còn có thể đưa chàng rể quý và con gái rượu ra phi trường mỗi lần họ đi xa như ông đã từng làm thuở trước.

Rừng Vua, giữa tháng 8/2017


« TRANG NHÀ »