Thăm Thằng Út Ở Mexico City

ngày 14.08.17


Bỗng nhiên nhớ thằng con đang lông bông nơi xứ người, hai vợ chồng lấy vé máy bay qua Mexico City thăm nó mấy hôm và sẵn tiện thăm xứ sở của ông hàng xóm ở sát nách nước Mỹ mà bao nhiêu năm chưa có dịp đi vì đời sống tất bật với cơm áo gạo tiền. Chúng tôi gọi thông báo, nó vui mừng lập ngay một chương trình dày đặc để đưa chúng tôi rong chơi, du ngoạn chung quanh thành phố mấy ngày.

Khi nhận bản thảo chương trình của nó, chúng tôi có cảm tưởng như sẽ không đủ giờ để ngủ nghỉ, tận hưởng những ngày nhàn hạ, nhưng rất vui vì chắc sẽ “đáng đồng tiền bát gạo” cho một lần du lịch nước người. Và đây là chương trình thằng Út gửi cho chúng tôi:

Wednesday: Arrive at 11:30pm, Check-in to Airbnb
Thursday: Coffee by Parque Mexico, Walk around the parks, Lunch: Pato Manila; Uber to Coyoacan Vivero Coyoacan; Walk around Centro de Coyoacan; Snack: Flautas; Coffee at El Jarocho or Cafe Avellaneda; Uber back to Condesa/Rest. Dinner: Oaxaqueno; Monumento de la Revolucion; Angel de la Independencia.
Friday: Breakfast; Uber to Xochimilco; Canal tour in Xochimilco; Early Dinner: Restaurante Nico’s; Torre LatinoAmericana
Saturday: Breakfast: Panaderia Rosetta; Mercado de San Juan; Plaza de Danson/Ciudadela; Lunch: Contramar; Castillo de Chapultepec; Walk around Chapultepec Park; Zocalo/Templo Mayor; Cafe Tacubaya; Bellas Artes – Folkloric Dance Company; Churros at El Moro
Sunday: Breakfast: Bao cooks Pho Ga with Mommy; Walk around Roma/Condesa; Lunch: Taquitos Frontera; Leave for airport by 2pm.

Con cái của bạn bè toàn học kỹ sư, bác sĩ, luật sư… Những ngành nghề mà cha ông chúng ta cho là “truyền thống” trong xã hội Việt Nam từ ấy đến giờ, bất kể trào lưu mới, thời đại mới. Tâm thức đó không dễ gì gột rửa được trong một hai thế hệ.

Chúng tôi tự cho mình là những người “cấp tiến”, có thể thích nghi, bắt kịp được với hoàn cảnh xã hội, đời sống con người trong hiện tại và không đề cao, cổ võ cho cái truyền thống áp đặt đó; tuy nhiên, đâu đó trong tâm thức cũng mong muốn con mình theo học và thành công trong những ngành nghề được cho là truyền thống xưa cũ. Có cha mẹ nào không mong muốn con cái của mình thành đạt, vinh hiển, có địa vị trong xã hội đâu. Chính tôi dạy học trò võ cũng cổ suý tinh thần đó, “I’ll be very happy, very proud of, to see you successful in life!” Successful có nghĩa là thành đạt, là nên người hữu dụng.

Với sức học của thằng con ở bậc Trung học, nó có thể chọn bất cứ ngành nghề nào, nhưng nó làm cho chúng tôi bật ngửa khi cho biết nó sẽ theo ngành Điện ảnh. Tôi thảng thốt hỏi, “Làm sao con có thể cạnh tranh công bằng được với những người da trắng!” “Nếu mình có đủ đam mê, có khả năng, có quyết tâm thì ngành nghề nào, cá nhân nào, bất kể gốc gác nào cũng sẽ có cơ hội ngang nhau ở xã hội này hết Ba.” Mẹ nó đứng bên khều tôi rồi nói, “Con nói đúng đó anh.”

Thật tình, sau khi sống và sinh hoạt ở xã hội này dài hơn thời gian lưu vong (du học hơn một năm trước kia), tôi cũng đã rán suy nghĩ như thế nhưng đâu đó trong thâm tâm vẫn có tiếng vọng “da vàng mũi tẹt rất khó có cơ hội ngang hàng”; dù vậy, tôi quyết lòng ủng hộ con cái bất cứ ngành nào chúng đã chọn.

Phải công nhận niềm đam mê điện ảnh nhiệt thành của thằng con; trong thời gian đại học nó đã tạo nhiều ấn tượng tốt đối với thầy cô giáo; họ đã vui vẻ theo nó về gia đình giúp tạo dựng một tập phim ngắn do nó viết kịch bản cho dự án ra trường hết hai ngày dài; và dự án đã được thầy cô trong ngành và Ban giám hiệu nhà trường tán dương nhiệt liệt.

Vừa ra trường, có công ty quảng cáo muốn thuê dài hạn nhưng nó không nhận, muốn tự do để khám phá thêm trong lãnh vực chuyên môn giúp thăng tiến trong nghề nghiệp. Nó nhận từng dự án một và khi có đủ tiền và không bận với dự án mới thì lại khăn gói ngao du. Nó đã đi nhiều nơi, nhiều chỗ trong nước Mỹ mà chúng tôi chưa có dịp đi; đi Canada vài bận, đi Nam Mỹ, đi Việt Nam gần hai tháng, và năm nay thì ở Mexico gần một năm rồi. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc, “Gần 30 tuổi rồi đó nha con!” “Con còn nhiều thời gian quá mà Ba Mẹ!”

Ở Mexico City, nó sử dụng dịch vụ Airbnb để thuê nhà, thuê phòng ngắn hạn. Hiện tại đang thuê chung nhà với nhiều người khác nên dù chúng tôi muốn ở với nó cũng không được. Nhà tôi cũng rất rành sử dụng dịch vụ này mỗi khi cần thiết. Và lần này cũng thế, chúng tôi tìm được chỗ ở gần con rất tiện. Chi phí chỗ ở (thuê phòng) gần một tuần mà chưa tới vài trăm USD gồm luôn cà phê và các bữa ăn sáng.

Chúng tôi xuống phi trường quốc tế Benito Juárez lúc 11:30 đêm thứ Tư trong tuần. Thằng con đón ở cổng xong gọi Uber cùng về nơi cư trú. Khu thuê phòng ở sát một công viên rất lớn của ngoại ô thành phố – Parque Mexico. Công viên về khuya đẹp lặng lẽ, thỉnh thoảng có vài người tản bộ nhàn nhã.

Chỗ cư trú là một căn nhà khá rộng rãi nằm xa mặt lộ qua con hẻm sâu hút phía sau. Theo hướng dẫn trước, chúng tôi gọi điện thoại và chủ nhà ra mở cửa đón chúng tôi thân tình như người bạn xa tới. Trong nhà vắng lặng, theo lời thì thầm (vì mọi người đã ngủ) của chủ nhà, chúng tôi có một “cô hàng xóm” từ thành phố khác đến thuê phòng bên cạnh. Mọi nơi trong nhà đều có dán lời chỉ dẫn từ nhà bếp tới phòng vệ sinh. Khi chúng tôi đã được ổn định, thằng con hẹn giờ giấc cho sinh hoạt ngày mai rồi gọi Uber ra về, mang theo một valy thức ăn Việt hợp khẩu vị mà Mẹ nó đã làm và mua ở chợ mang qua.

Thời tiết ở Mexico City có vẻ dịu mát hơn Houston; nhà không mở máy lạnh, cũng chẳng có quạt, cửa sổ phòng mở một cánh… chúng tôi đi ngủ với tiếng đêm ru thầm thì.
Sáng thức dậy sớm, nhà vẫn còn yên tĩnh, tôi mò mẫm làm cà phê bỏ vào cái ly giấy cho hai người mang theo đi dạo công viên.

Từ nhà ra công viên chỉ tốn 5 phút đi bộ. Công viên rộng lớn, kiến trúc xinh đẹp, hoa kiểng với màu sắc lộng lẫy, cảnh trí sinh động với rất đông người. Nhiều người đi bộ, chạy bộ, tập thể dục; nơi sân rộng có lũ con nít chơi đá banh. Đặc biệt có rất đông người dẫn cả đàn chó, có người dắt đến cả vài chục chú đủ loại, đi vòng công viên hoặc bằng chân hoặc bằng xe đạp. Cái hay ở chỗ dù rất nhiều chó đủ loại, đủ cỡ cùng dắt đi chung từng đàn nhưng nhìn đâu đâu cũng thấy lũ chó rất “hoà bình”, ngoan ngoãn. Có chỗ người ta trải tấm nằm cho từng con sát bên nhau, ngay ngắn, trật tự như trại huấn luyện lính vậy.

Biết thằng con thường ngủ trễ nên chúng tôi gọi nó lấy địa chỉ để đi bộ tới nhà vì nó nói rất gần. Tôi bấm địa chỉ vào điện thoại cầm tay rồi cứ thế mà đi. Con đường lớn nhỏ nào ở đây cũng có “công viên” ở giữa. “Công viên” là bùng binh xanh tươi hoa lá, cây kiểng, tượng đài. Ở giữa những bùng binh này là một con đường mát rượi lát gạch hoặc tráng xi măng, rộng rãi, sạch sẽ. Hầu hết đường một chiều. Dọc hai bên đường, trong tiệm hoặc ngoài vỉa hè, là hàng quán chen chúc, buôn bán đủ loại từ đồ kỷ niệm đến thực phẩm ăn uống. Có những khu chợ rải rác đông nghẹt người. Tôi cảm thấy rất gần gũi với khung cảnh và đời sống ở Saigon xưa, niềm vui ngập lòng và tôi hân hoan đón nhận; mải mê đi và quan sát một cách thú vị.

Được một lúc khá lâu, xem lại bảng chỉ đường, thấy không còn lối cũ mà chỉ theo lối mới… chúng tôi tiếp tục đi. Lúc sau xem lại, lại thấy lối khác! Tôi bắt đầu nghi ngờ “kẻ dẫn đường” nên gọi thằng con. Thằng con hỏi Ba Mẹ ở đâu rồi? Tôi nói tên ngã tư đường, nghe nó ngập ngừng, có vẻ bối rối một lúc… “Sai đường rồi Ba!” “Thì máy nó chỉ vậy mà!” “Con quên nói T-mobile ở đây tệ lắm, Ba đi ngược chiều rồi!” Lúc này thì chúng tôi đã đi khá lâu, hơn 30 phút cho quãng đường thằng con nói chỉ tốn tối đa 10 phút. Thằng con đề nghị chúng tôi ngồi chờ và nó sẽ gọi Uber đến rước.

Và đó là tất cả thời gian chúng tôi có thể đi bộ một mình trong suốt 5 ngày lưu lại chốn này. Thời gian còn lại thằng con đều cùng đi với chúng tôi từng nơi, từng chỗ mà hầu hết đều dùng phương tiện Uber. Uber rất rẻ, tiện dụng, giá cả tuỳ thuộc khoảng cách nhưng có thể từ $1.50 trở lên cho một chuyến đi. Trung bình chỉ $5 một cuốc xe. Mỗi lần gọi chỉ cần chờ nhiều nhất là 5 phút. Tôi chưa có ứng dụng Uber qua iPhone, thằng con gửi mời tôi gia nhập, Uber tặng mỗi người $15 tín chỉ. Mỗi dollar Mỹ lúc đó đổi được trung bình 17 Peso. Nếu các bạn ở nước khác tới Mexico, tôi đề nghị đổi tiền ở nhà băng sở tại cao giá hơn trước khi vào Mễ. Và đặc biệt không nên thuê xe vì Uber luôn sẵn sàng cho cả đường ngắn, đường dài và giá cả rất phải chăng. Khách sạn cũng vậy, lên mạng thuê trước bao giờ cũng có chọn lựa tốt và giá cả rẻ hơn nhiều. Phương tiện Airbnb luôn luôn là sự chọn lựa đầu tiên.

Trong 5 ngày ở Mexico City, chúng tôi cứ theo chương trình xếp đặt của thằng con; đi khắp hang cùng ngõ hẻm; hết thắng cảnh này đến danh lam khác. Thằng con ở đây chỉ hơn nửa năm mà như một thổ địa chính cống. Tất cả chỗ ăn uống ngon và rẻ, từ cà phê sáng đến những bữa cơm tối thịnh soạn nó đều biết chỗ nào tốt cho túi tiền, chỗ nào nên tới. Biết chỗ ăn chơi biết nơi ăn thiệt; chỗ nào an toàn, chỗ nào cần đề phòng móc túi… mỗi mỗi đều rõ.

Hôm gần chót, chúng tôi xuống phố thăm nhà thờ chính toà và dinh Tổng Thống. Tôi có cảm tưởng như mọi người đều dồn về đây như một lễ hội trọng đại của quốc gia; nhưng thật ra chỉ là… bình thường cho một thành phố hơn 21 triệu dân cư chưa kể du khách đến đây từ nhiều nơi trên thế giới. Nhìn góc cạnh nào cũng thấy tràn ngập người và người. Ở tất cả những con đường thủ đô chúng tôi đi qua đều thấy có nghệ sĩ đường phố, hầu hết nhạc sĩ, nam có nữ có hoặc nguyên cả ban nhạc. Buôn bán sầm uất, đa dạng khắp các nẻo đường.

May hơn nữa, bên cạnh thằng con còn có cô bạn gái của nó người Mỹ gốc Mễ đi theo. Dĩ nhiên tiếng Spanish của nó quá chuẩn rồi, giúp thằng con trau dồi hàng ngày nên tiến bộ thấy rõ. Qua bên này, mỗi đứa làm theo ngành nghề của mình, và đi chơi chung khi nào có thể. Cô nương này cùng học với thằng con ở Đại học Austin dù khác ngành; đã ra trường và có việc làm tốt cho đến khi thằng con quyết định qua bên này, cô nhỏ xin đi theo sau khi tìm được việc dạy Anh Văn, phần lớn online, cho sinh viên đại học.

Mở ngoặc ở đây để nói về chuyện “bạn gái” của thằng con.

Chúng tôi có rất nhiều bạn bè, một vài người rất thân, đều có con gái trang lứa với thằng con, muốn làm sui gia với nhau dù ai cũng đã biết, thời đại này, quyết định chuyện hôn nhân đều do con cái… nhưng nói vẫn cứ nói, mong vẫn cứ mong. Có cha mẹ Việt Nam nào không muốn con cháu mình có vợ, có chồng cùng là người Việt. Ước muốn này, ngoài tinh thần dân tộc tính còn do ảnh hưởng bởi khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, tập quán. Cái hố cách biệt giữa ông bà cha mẹ với lũ trẻ bây giờ càng ngày càng rộng hơn, khó lòng nối nhịp.

Chúng tôi đã nhiều lần thử nhiều cách. Nói thẳng không xong thì âm thầm sắp xếp, tạo cơ hội… nhưng đều vô dụng; chúng nó đã “đề cao cảnh giác”. Khi nghi ngờ thì chúng hoặc biến mất hoặc lầu bầu phản đối! Cũng như lũ bạn bè… rốt cuộc bó tay chấm cơm, muốn sao thì muốn, làm sao thì làm, con đặt đâu ba mẹ ngồi đó. Khi thấy nó mang về giới thiệu là bạn thì chúng tôi cũng vui vẻ, chiều chuộng; một thời gian sau lại thấy giới thiệu đứa khác… Chúng tôi hỏi nó thì nghe nó nói, “Ồ mấy đứa đó chỉ là bạn học, bạn con gái chứ không phải bạn gái!” Rồi ngày nó ra đại học thấy có cô tóc vàng tham dự và được nó giới thiệu là bạn gái; chúng tôi vui cùng niềm vui của con; lại hết lòng chiều chuộng, khuyến khích nhưng chỉ được khoảng năm hơn thì nghe chúng nó đã “you go sugar you, me go sugar me” rồi! Con bé có việc làm tốt ở tận New York và thằng con chưa muốn bị trói buộc!

Một thời gian dài sau, nó đưa cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn này về giới thiệu và đã quanh quẩn với nhau vài năm qua. Thấy hai đứa hợp tính tình nhau, chiều đãi nhau, đi đâu cũng có nhau kể cả chuyến đi VN vừa qua… nhưng vẫn chưa thấy nói năng gì về việc pháo đỏ thiệp hồng. Lâu lâu chúng tôi lại thăm dò nhưng nó nói chưa sẵn sàng vì còn đang theo đuổi sự nghiệp.

Theo chương trình dự định trước, ngày cuối cùng hai mẹ con đi chợ tìm mua thêm một ít vật liệu để mẹ con cùng nấu phở gà. Không biết từ hồi nào thằng con rất thích nấu ăn, vừa học mẹ vừa lên mạng tìm công thức nấu được nhiều món ngon và lạ. Và hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi tới thăm phòng trọ của nó.

Phòng trọ là một căn nhà 4 tầng lầu, mỗi lầu là một căn hộ. Căn hộ của nó ở lầu 4, có 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, một căn bếp rộng; ngoài hai đứa nó còn có một chàng từ Nhật, một cô nương từ Spain; người đi học, người đi làm. Hôm nay, thằng con quyết định nấu phở đãi bạn chung nhà.

Hai mẹ con nấu phở; con bé loanh quanh trong bếp muốn giúp mà không biết làm gì. Tôi ngồi thiền internet. Chương trình dự định cho Chủ Nhật không thể thực hiện được gì hơn ngoài việc nấu phở gà. Khi phở xong, thằng con vào gõ cửa phòng mời hai người bạn. Thấy chúng nó ăn uống thật tình, xuýt xoa khen ngon… mẹ con thằng út vui lắm.

Xong bữa ăn và chuyện trò với lũ nhỏ một lúc nữa thì đã tới giờ lưu luyến chia tay; hai đứa gọi Uber cùng đưa chúng tôi lên phi trường về lại Mỹ, kết thúc một chuyến đi rất vui. Tôi bảo thằng con nếu có dịp chúng tôi sẽ quay lại một lần nữa trước khi nó rời thành phố này để có thể đi thăm hết những cảnh đẹp của một thành phố có nhiều nét thân quen giống Saigon yêu dấu của tôi.

Mùa Hạ 2017


« TRANG NHÀ »