Bút Ký Chuyến đi Sydney II

ngày 5.12.16

…tiếp theo và hết

Suốt hơn tuần lễ ở Melbourne đầy rẫy những sự kiện; tình cảm thân thương của bạn bè và người thân để lại trong lòng tôi bao niềm vui chan chứa. Thế nên:

Tôi vẫn hát dưới bao vầng nhật nguyệt
Nghe dư âm lồng lộng buổi thu vàng
Vẫn nô giỡn với bạn bè thân thiết
Có ngại gì mưa gió chở mùa sang

Vâng, đâu có ai ngại gì khi chung quanh ta toàn là những gương mặt thân thương của bè bạn; nhất là Úc châu đang trong mùa xuân. Cái se lạnh đầu xuân rất dễ thương làm thăng hoa cho những chiếc áo khoác hững hờ trên bờ vai con gái…

* * *

Du ngoạn Blue Mountains

6g30 sáng, chúng tôi đã phải thức dậy để bắt chuyến xe điện về ga Trung tâm gặp chị Mỹ Duyên để cùng lên xe lửa đi viếng “Núi 3 Chị Em” Blue Mountains ở vùng Wollongong. Người ta vẫn nói, đi Sydney mà không đi tới Opera House và Blue Mountains là kể như chưa tới Sydney. Vì thế, làm gì làm, đi đâu thì đi, nhất định phải đi tour Blue Mountains. Tại sao gọi là “Blue Mountains”? Có lẽ do những bức ảnh núi non hùng vĩ, xanh biêng biếc, chụp được trong những ngày nắng đẹp như bức ảnh này.

Blue Mountains tour có nhiều giá cả khác nhau. Người ta có thể chọn đi trong ngày hoặc có kèm theo những tour phụ khác có ăn uống, ngủ nghỉ tại khách sạn trên núi. Thế nhưng chị Mỹ Duyên tình nguyện hướng dẫn và đi về trong ngày. Và đây là cách rẻ nhất, chỉ tốn tiền vé vào cửa gần $40/người.

picture1Chúng tôi tới ga trước, một lúc sau thấy chị Mỹ Duyên tươi cười xuất hiện cùng với anh Quang. Hôm qua anh Quang nói đã có hẹn với khách hàng nên không thể cùng đi chơi với chúng tôi được; thế mà giờ thấy anh xuất hiện lấy làm ngạc nhiên thích thú. Để trả lời sự bất ngờ của chúng tôi, anh cười nói, đã hẹn lại với khách vì thật không dễ để có cơ hội như hôm nay! Tình cảm đó làm chúng tôi cảm động.

Hai tiếng đồng hồ ngồi xe lửa để tới ga Katoomba, Wollongong. Xe chạy qua những làng mạc, sông, hồ, và cuối cùng cả một vùng núi non hùng vĩ. Tôi thích thú ngồi chiêm ngưỡng quang cảnh dọc hai bên đường quên cả mệt mỏi, quên luôn đường xa.

Ga Katoomba ở nằm trên đỉnh núi nhưng chưa phải là nơi bắt đầu cho Blue Mountains tour. Muốn vào khu du lịch phải đi thêm một chuyến xe bus khá dài nữa. Vì du khách từ nhiều nơi trên thế giới đổ tới đây hằng giờ, hằng ngày đông đúc nên cần nhiều xe bus vận chuyển liên tục mà vẫn không xuể. Trong khi chờ chuyến xe bus kế tiếp, chúng tôi đi loanh quanh uống café và chụp một số hình ảnh của phố xá trong khí trời se lạnh.

picture3

picture4

picture1Có tất cả 4 tour với 4 phương tiện khác nhau để khám phá cảnh đẹp hùng vĩ này; đó là Railway, Skyway, Cableway and Rainforest Walkway; chúng tôi lần lượt đi từ tour một theo thứ tự… Sau hai tour đầu, mọi người có vẻ đói bụng nên tôi đề nghị nghỉ một chút để tìm gì ăn tạm; nhưng chị Mỹ Duyên lôi ra từ trong túi xách một gói xôi đậu vàng ươm chị đã nấu sẵn đêm qua và một ít thức ăn khác, đủ cho năm người chúng tôi dằn bụng để đi tiếp. Cám ơn sự chu đáo của chị. Chỉ nội việc này cũng cho thấy chị quả thật có kinh nghiệm đưa bạn bè đi chơi ở đây nhiều lần như chị đã nói… Khi bắt đầu tour thứ 4 thì mặt trời xế bóng, nhìn đồng hồ đã hơn 2g chiều, chúng tôi đành cắt ngắn tour Rainforest Walkway vì nhiều lý do, gồm có việc những đôi chân già lão sắp biểu tình, bụng mọi người có vẻ nhi nhô chống đối và bóng chiều nghiêng chếch về tây làm ngần ngại cho hành trình trở về thành phố.

Chị Mỹ Duyên đề nghị chúng tôi dừng lại dùng bữa ở một tiệm ăn Thái Lan ở trạm xe lửa nửa đường, qua khỏi ga Parramatta một trạm. Tiệm ăn khá khang trang, thức ăn cũng thuộc loại ngon ở Úc châu. Vừa ăn vừa chuyện trò và nói tới chuyện tan hợp thường tình, những dự tính sum hợp tương lai của 5 người ở 3 nước khác nhau… và cuối cùng, chị Mỹ Duyên lại tình nguyện sắp xếp chuyến đi Nam Thiên với chúng tôi mà anh Hồng sẽ “lỡ chuyến đò”!

Sau khi ăn xong, anh Hồng muốn về khách sạn thu xếp đồ đạc để sáng mai đi sớm bằng phương tiện xe lửa, du ngoạn tiểu bang Brisbane cả ngàn dặm cách xa. Anh Hồng rất lấy làm tiếc không thể vui chơi cùng chúng tôi trọn vẹn những ngày ở Úc như đã dự định vì nhầm ngày, đã mua vé xe lửa sớm hơn một hôm! Anh chị Quang ra về và tôi thấy còn đủ sớm nên muốn nhân tiện thăm viếng vợ chồng một người bạn, người anh trong đơn vị, ở cái thời “sống giữa lưng trời” mà đã hơn 40 năm chưa gặp lại. Đó là anh chị Nguyễn Hứa Chữ. Chúng tôi đáp chuyến xe điện trở lại ga Parramatta theo lời hướng dẫn.

Anh chị Nguyễn Hứa Chữ & Tuyết Thu

Anh chị Chữ đón chúng tôi ở sân ga. Hai anh em mừng vui thắm thiết, ôm chầm nhau như đôi tình nhân. Hơn nửa đời người mà gặp lại nhận được nhau ngay cho dẫu cả hai chúng tôi đều già đi nhiều, đều phải vật lộn với cuộc sống mới sau một đổi đời bi thảm! Trong câu chuyện trên đường về nhà, bà đô thị nhà tôi nói, “Gần hết thời gian đi chơi rồi mà vẫn hụt chưa thấy mấy con Kangaroo lớn.” Anh Chữ bèn đưa chúng tôi lại sở thú gần nhà, Featherdale Park, theo anh nói có đủ các loài thú mà mình có thể sờ mó chúng nó được. Tuy nhiên, sở thú sẽ đóng cửa trong vòng 30 phút nữa! Nhà tôi nói mua vé gần $40/người để chỉ xem được từng ấy phút thì không bõ dù anh Chữ nhất định muốn mua vé vào cửa. Hẹn với anh Chữ nếu ngày mai đi Nam Thiên về còn đủ giờ sẽ quay lại sở thú.

picture1AChị Tuyết Thu, vợ anh Chữ, niềm nỡ đón chào chúng tôi như người thân khi vừa mở cửa bước vào nhà. Dẫu anh em tôi đã một thời sanh tử với nhau trong cuộc chiến hơn 40 năm trước, nhưng đây là lần đầu tôi mới gặp mặt chị Tuyết Thu. Chị trông còn trẻ đẹp thật sự chứ không phải do đôi mắt mơ huyền mới qua tuổi dậy thì của tôi. Con cái của anh chị cũng đã thành đạt và ở riêng. Chúng tôi rầm rì chuyện trò với nhau, nhắc nhớ những kỷ niệm xưa mà lòng bồi hồi tưởng tiếc…

Vì hôm sau còn cái hẹn đi chơi xa nên sau bữa ăn tối rất thân mật và đầm ấm, chúng tôi ngỏ lời từ giã và hứa sẽ trở lại thăm anh chị lần nữa trước khi rời Sydney. Anh đưa chúng tôi trở lại ga Parramatta để đáp xe lửa trở về ga Trung Tâm rồi chuyển qua chuyến về Kingcross.

Về tới phòng, thấy anh Hồng đã xong mọi việc, đang xem TV như có ý chờ. Hai anh đem chai rượu vang còn lại cưa đôi bùi ngùi, cụng ly rượu tiễn! Ở lứa tuổi của chúng tôi, bạn bè có nhiều người đã giành đường giựt lối, hát câu quan họ “qua cầu gió bay” rất là phổ biến; cơ hội gặp lại nhau từ hơn nửa vòng trái đất quả là không dễ chút nào. Dặn dò nhau bảo trọng sức khoẻ, thân mến siết chặt tay nhau trước khi đi vào mộng mị.

Du ngoạn Nam Thiên Tự

6g sáng, nghe anh Hồng lục đục thức dậy ra đi, chúng tôi thức dậy theo, uống với nhau ly café cuối cùng, tiễn anh đi hết cái hành lang dài hun hút… Tôi đứng trong cổng nhìn theo, ánh đèn vàng ố soi bóng anh chao nghiêng, lẫn lộn với bóng cây hai bên đường còn ngủ yên trong sương sớm… cho đến khi anh hút bóng!

Anh Hồng đi rồi lòng tôi cứ buồn buồn không ngủ lại được. Nhớ lại những ngày tháng cũ, hai gia đình ở gần bên nhau nơi rừng thông xanh biếc của “Livable Forest Kingwood”, thân thiết với nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi một thời gian khá lâu… chừ thì mỗi người một ngả, chia cách bởi một đại dương bao la, mịt mờ mây che núi chắn!

Không mấy chốc sau chúng tôi cũng tất bật lên xe điện tới điểm hẹn với chị Mỹ Duyên để được chị hướng dẫn đi Wollongong thăm thắng cảnh Chùa Nam Thiên, biểu tượng hãnh diện của người Đài Loan ở Sydney.

Nếu lấy ga Trung Tâm làm chuẩn thì hôm qua đi Blue Mountain ở phía tây; hôm nay đi Wollongong ở phái nam dọc theo bờ biển, đường nào cũng dài hai tiếng ngồi xe lửa. Xe cũng chạy qua phố xá, xóm làng, sông rạch như hôm qua và những bãi biển xanh ngát. Vậy là mấy ngày qua chúng tôi đã “chạy” đủ tứ phương, đông tây nam bắc. Và cũng như ở Blue Mountain, muốn tới Chùa Nam Thiên cũng phải đi thêm nửa tiếng xe bus từ ga Wollongong.

picture1

picture2

picture3Chùa Nam Thiên toạ lạc trên một đồi cao trước mặt một đồi cao hơn nữa. Nếu Chùa Quang Minh bên Melbourne gọi là vĩ đại, chùa Nam Thiên vĩ đại hơn nhiều lần. Một công trình xây cất hoàn mỹ, một khuôn viên rộng bao la, cây cối xanh tươi, hoa cỏ hài hoà khắp chốn. Tôi leo lên hết hơn trăm bậc thang, rồi một mình vượt đồi đi lên tới đỉnh núi cao nhất, mồ hôi tuôn ướt áo trong lúc khí trời đang se lạnh; ngồi thở dốc, nhìn xuống thấy nhà cửa li ti, màu sắc đẹp đẽ như đang ngồi trên máy bay giữa lưng trời nhìn xuống đất.

Khi tôi xuống núi dưới gặp lại hai người, mặt trời đã đứng bóng. Chân mỏi, bụng đói tính rủ hai người vào phòng ăn cơm chay bao bụng… nhưng nhìn vào những khay thức ăn lại không muốn ăn chút nào. O Duyên lại tươi cười, mang hộp xôi và lỉnh kỉnh ra vườn cây bóng mát, chúng tôi ngồi vừa ăn vừa ngắm nhìn ông đi qua bà đi lại với tấm lòng rộng mở với trời mây, cảnh sắc và niềm an lạc, thanh thản tuyệt vời. Một thoáng khôi hài hiện ra trong lòng làm tôi chợt bật cười thành tiếng, chia sẻ, “Nếu đi du lịch với tính cách này làm sao xài tiền cho kịp!”

Khi chúng tôi xuống núi đan tay ra về, đồng hồ đã chỉ 2g chiều. Biết là khi tới ga Trung Tâm là sẽ lìa xa chị Mỹ Duyên và những tình cảm anh chị dành cho chúng tôi trong những ngày ở Sydney vừa qua, trong lòng có chút buồn vời vợi dù ai cũng biết “hợp tan, ly biệt thường tình”. Tôi muốn kéo dài thêm chút nữa nhưng chị Mỹ Duyên nói phải về để kịp giờ lo cơm nước cho anh Quang. Biết chỉ là một lời từ chối tế nhị nhưng rất hợp lý nên đành vẫy tay chào nhau khi chuyến xe của chị đã tới giờ khởi hành.

Tôi tranh thủ thăm anh chị Chữ, Tuyết Thu lần nữa nên gọi điện thoại thông báo, xong bắt chuyến xe lửa trở lại ga Parramatta. Anh chị tươi cười đón chúng tôi khi vừa ra khỏi cổng. Nụ cười niềm nở đó đã xoá tan nỗi buồn thầm kín còn đọng lại trong lòng. Anh Chữ có nhắc lại vụ đi sở thú nhưng chúng tôi quyết định dành thời giờ còn lại chơi với anh chị rồi lo về sớm chuẩn bị lên đường trở lại Melbourne vào trưa ngày mai.

Chúng tôi vui vẻ bên nhau, nói cười rôm rả với những kỷ niệm một thời suốt cả buổi chiều. Buổi cơm tối được chị nấu đãi rất ngon miệng. Chụp với nhau một số hình kỷ niệm rồi cũng tới lúc phải hát bản “Lần Đầu Lần Cuối”. Anh chị quyến luyến đưa chúng tôi trở lại sân ga, đưa lên tận cổng… “vẫy tay vẫy tay chào nhau”… dù không phải lần đầu cũng hy vọng không là lần cuối; cũng chẳng nên hát câu bi thương như chàng Elvis Phương… “và trọn cuộc đời”! Chúng mình sẽ gặp lại anh chị nhé.

Khi về đến nơi, mở cửa phòng thấy ngay một khoảng trống vắng. Dù chỉ ở với nhau có mấy hôm, nhưng khi anh Hồng ra đi đã để quên niềm lưu luyến trong lòng tôi. Chúng tôi âm thầm thu xếp vali gọn gàng và giấc ngủ cũng đã gọi tên khi tiếng đêm chìm sâu trong đáy mắt.

Giã từ Sydney

Sáng thức dậy uống café và ăn điểm tâm nhẹ, thu xếp lần cuối, làm xong thủ tục trả nhà, chúng tôi lên ga Trung Tâm để lấy vé xe điện đi phi trường thật là tiện lợi và có lẽ là phương tiện dễ dàng nhất và rẻ nhất (chỉ tốn có $15/người). Sau khi mua vé xong, thấy còn dư thì giờ, chúng tôi nhảy lên xe điện đi Haymarket rồi Fish Market. Đã mấy lần trong những ngày qua đều muốn đi những chỗ này mà không có dịp.

picture1

picture2

picture3Tới Fish Market mới biết tại sao nó nổi tiếng. Cả một khu chợ rộng lớn bên cạnh bờ biển, người đông như trẩy hội, chen lấn nhau đi, người mua kẻ bán, ăn uống cười nói trong một không gian đầy âm thanh hỗn tạp, cộng hưởng với mùi tôm cá thơm phức trộn lẫn tanh nồng. Phần đông chủ quán đều là người Á đông. Tiếng Tàu, tiếng Việt nghe thoải mái… Đi chưa hết một vòng thì đã đến giờ phải lên phi trường, chúng tôi đành chia tay mà không có dịp thưởng thức những món đồ biển hấp dẫn, bày bán la liệt.

Nhảy lên xe điện về lại ga Trung Tâm, chuyển qua xe lửa lên tới phi trường. Anh Lợi đứng chờ trước cổng vào, chúng tôi vui vẻ thăm hỏi sinh hoạt của nhau trong những ngày qua rồi làm làm thủ tục lên máy bay trở lại Melbourne sau khi liên lạc với Hùng để đón chúng tôi ở phi trường. Đáng lẽ cô chú Quỳnh Hương và Thảo đón chúng tôi về ở với nhau thêm một hôm nữa rồi sáng hôm sau đưa ra phi trường về Mỹ, nhưng thấy “làm phiền hai người hơi nhiều rồi”; lại nữa, cùng đi với anh Lợi qua đây mà không có nhiều thời gian với nhau, và cũng chưa có cơ hội hàn huyên với cặp Hùng Trà kể từ ngày gặp lại nhau ở Nha Trang hai chục năm về trước…

Tuy nhiên, về tới nhà rì rào chia sẻ với anh Lợi và Hùng về những sinh hoạt mấy ngày qua, xong nghỉ ngơi một lúc đến 6g chiều, Lê Phú tới đón chúng tôi về nhà cũng là Arts Studio của chàng để gặp anh chị em lần nữa trước khi chúng tôi ly biệt đất nước này. Anh Lợi và Hùng chỉ muốn nghỉ ở nhà nên vợ chồng tôi đi một mình.

Gặp lại nhóm bạn văn nghệ sĩ Melbourne lần cuối.

Nhà Lê Phú chỉ cách nhà của Hùng khoảng 15 phút lái xe. Hôm nay là ngày Thứ Năm, số đông anh chị em còn phải đi làm nên khi chúng tôi tới nơi chỉ có thưa thớt một vài người và Mai Linh đang lo thức ăn trong bếp. 5, 10 phút sau anh chị em bắt đầu lai rai tới cho đến khoảng 7g thì đầy nhà, 8g thì đi đâu cũng đụng đầu nhau.

picture1
picture2Nhà Lê Phú còn được gọi là Le Phu Arts Studio. Mọi góc, mọi vách, mọi nơi đều có tranh vẽ, hình tượng điêu khắc rất độc đáo. Có lẽ tôi không biết gì về điêu khắc nên nhìn một lượt các bức tượng điêu khắc không thấy được cái giá trị đích thực và ý nghĩa đặc trưng của nó cho tới khi được Lê Phú giảng giải mới vỡ lẽ mà ngưỡng phục đầu óc tưởng tượng siêu đẳng của Lê Phú.

Buổi họp mặt hôm nay vì là ngày trong tuần nên một số anh chị em không thể tới được; tuy vậy, ngoài chủ nhà Lê Phú và Mai Linh, còn có sự hiện diện của Tina, Dzáng Thơ, chị Thanh Mai của nhóm vũ Âu Cơ, anh chị Thuỵ, Ngọc Nương, Anh Minh, anh Khang, Minh Hiếu, Kiều Tiến Dũng, anh Quế, anh Sơn; đặc biệt có anh bạn trẻ, nhạc sĩ Vũ Lâm rất chuyên nghiệp với keyboard và saxophone.

Sau bữa ăn thịnh soạn, là phần văn nghệ góp vui. Giống như Thứ Sáu tuần trước ở nhà hàng Nhị Nương, mọi người tích cực đóng góp vào các tiết mục văn nghệ thật đa dạng làm niềm vui lan toả đến mọi tâm hồn như chưa từng vui hơn. Sự hiện diện của những tâm hồn văn nghệ làm cho buổi sinh hoạt rất sôi nổi và hào hứng. Cám ơn Vũ Lâm, sự góp mặt và tiếng đàn, giọng hát của bạn, của anh chị em tối hôm đó đã theo tôi suốt hành trình trở lại Mỹ. Và bây giờ ngồi viết xuống những dòng chữ đầy kỷ niệm này, tôi hình dung từng gương mặt và nụ cười của từng người cũng như nét đam mê của Vũ Lâm khi trình tấu những dòng nhạc nổi tiếng với âm thanh của tiếng kèn Saxophone lồng lộng.

picture3Khi Vũ Lâm ngỏ ý ra về, thế là buổi họp mặt có lý do tốt để đi dần đến kết thúc. Lê Phú ưu ái tặng vợ chồng chúng tôi một bức điêu khắc có tên là “Empathy” (Đồng Cảm). Theo Lê Phú, bức tranh này đã được triển lãm ở Hội Chợ Điêu Khắc Quốc Tế và rất được giới hâm mộ yêu thích. Tôi cảm động tiếp nhận món quà tặng vô giá này của người bạn đa sĩ dễ thương với lòng biết ơn sâu xa. “Vô giá” vì tấm chân tình của tác giả khi đem một tác phẩm đắc ý của mình tặng cho bạn. Cách hành xử này quả thật không thể tính bằng vật chất. Còn về ý nghĩa đích thực của bức tượng, xin quý vị đọc phần ghi chú ở cuối bài để thấy sự siêu đẳng của trí tưởng tượng mà điêu khắc gia đặt vào nó.

“Ra về nắm áo kéo xoay, trả bao nhân nghĩa lại đây rồi về”. Không nói thì ai cũng biết, có cuộc chia ly nào không buồn, không bịn rịn, không lưu luyến. Nhưng… “đến và đi cũng chỉ là một chữ duyên.” Kể như duyên hội ngộ của tôi với anh chị em xứ Kangaroo đã đến lúc hạ màn; Lê Phú đưa vợ chồng tôi về lại nhà Hùng trên đường khuya yên vắng sau khi mọi người cố gắng tan hàng.

Về đến nhà mọi người còn thức, tôi và Hùng lai rai thêm vài chai ân tình và anh Lợi của chúng tôi vẫn với nụ cười cố hữu mỗi khi cụng ly trà nóng. Chúng tôi tiếp tục tâm tình cho đến khuya trong khi nhà tôi sắp xếp lại hai cái vali vì Hùng Trà mới tặng thêm một ít vật kỷ niệm của xứ down under. Hùng nói đã lấy hai ngày nghỉ ở nhà để loanh quanh với mấy anh em và sang mai sẽ đưa chúng tôi đi dạo Melbourne lần cuối cùng.

Ngày cuối của chuyến đi Úc châu

Sáng thức dậy, Trà đã đi làm, anh em uống xong cử cà phê, lên xe Hùng đưa đi ăn sáng ngoài phố VN. Hùng nói sẽ đưa tới một tiệm Phở quen thân với chủ nhân, tiệm không những nổi tiếng ở Melbourne mà đã từng được giới thiệu bởi MC Việt Thảo trong chương trình DVD ca nhạc nào đó tôi quên mất tên, nơi mà những ca nghệ sĩ phương xa đến vùng này trình diễn thường tới. Đó là tiệm Chú Thể, kế bên khu chợ VN ở Footscray.

picture2

picture3Đường tới tiệm phải đi ngang qua chợ sau khi đậu xe trên lầu chợ. Tình cờ gặp Bác sĩ Vương Trung lại là một võ sư đang hợp tác dạy Vovinam ở Chùa Quang Minh cùng với Võ sư Diệp Thu. Mấy hôm ở đây tôi cũng nghe vài người nhắc đến chàng BS trẻ tuổi tài cao này khi thảo luận về võ thuật VN ở Melbourne, hôm nay được gặp. Như vậy kể như tôi gặp được hầu hết các võ sư VN đã và đang hoạt động võ thuật trong vùng này. Vương Trung đang giúp mở cửa hàng trong chợ thay cho vợ sắp tới. Trò chuyện một lúc, chúng tôi qua tiệm trước và Vương Trung gia nhập một lúc sau. Vương Trung là một người trẻ có lòng, tính tình hiền hoà, đôn hậu, dễ thân tình, cởi mở, là một người trẻ đa năng, đa tài. Rất vui gặp bạn.

Sau khi dùng bữa, ai cũng công nhận phở ngon. Và chúng tôi lại lên xe chạy dọc theo bờ biển, chạy qua những khu nhà giàu, những dinh thự với giá tiền cao ngất ngưởng… chạy rất lâu, rất xa mà bờ biển hãy còn dài mịt mùng. Hôm nay nắng ấm, biển xanh, cát trắng phau và trời cao vút…

Anh Lợi là người yêu nghệ thuật, thích cảnh đẹp nên tôi đề nghị đưa anh đến thăm Chùa Quang Minh dù anh chính hiệu đạo dòng Thiên Chúa giáo.

Khi đang trầm trồ xem quang cảnh và cấu trúc, tình cờ Hùng gặp lại một người bạn năm xưa, ông ta vốn là lính chiến nay biến thành nhà sư. Hai người nói chuyện với nhau có vẻ tâm đắc lắm. Nhà sư rất vui tính, chơn chất, dễ thân thiện. Nhà sư cho biết là sẽ ở lại đây tu học vả làm Phật sự một thời gian dài. Nhà sư dẫn dắt chúng tôi thăm viếng các nơi trong chùa từ trong ra ngoài. Chúng tôi thăm phòng dạy võ của môn phái Vovinam, nơi mà võ sư Diệp Thu (tôi đã gặp ở Houston, nhân dịp võ sư tham dự ngày giỗ Tổ của môn phái này) và Vương Trung dạy mỗi tuần. Phòng tập nằm bên cạnh một đại sảnh bề thế, có thể chứa nhiều ngàn người, nguyên là sân khấu cho những buổi trình diễn ca nhạc chính thức trong những dịp lễ lớn của chùa hoặc làm văn nghệ gây quỹ. Sau đó nhà sư cùng lội bộ với chúng tôi xuống triền núi, dọc theo dòng sông, qua công viên thay cho buổi thiền hành của sư ngài.

a1Dạo quanh gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi ra về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho bữa tiệc chia tay với gia đình Hùng ở St. Albans chiều nay.

Hùng Trà có hai con, một trai một gái. Hai cháu đều xinh đẹp, lễ phép, học giỏi, hiếu thảo. Mấy hôm nay chúng tôi cũng có gặp trong giây lát nhưng hôm nay, Ba Mẹ chúng nó sắp xếp để có bữa cơm chia tay với các bác khi các cháu xong việc ở trường về.

6g chiều chúng tôi tới quán, một lúc sau vợ chồng VS Võ Hồng Sinh tới. Tự nhiên trở thành tiệc chia tay của những người Thần Phong một thời Tân Sơn Nhất mới gặp lại nhau nơi đất khách quê người.

picture1Một nhà hàng Tàu nằm trong khu Việt Nam. Ngó đâu cũng thấy bảng hiệu VN, người mua kẻ bán hầu hết là người Việt. Một nhà hàng rộng lớn, đông nghẹt khách; cách trần thiết rất lạ mắt. Và đặc biệt thức ăn ở đây món nào cũng ngon; tôi cảm thấy có lẽ đây là nhà hàng ngon nhất từ lúc qua Úc tới giờ. Tôi lại chợt nghĩ về Chợ Lớn một thuở Saigon. Hai cháu nói tiếng Việt rất giỏi, lịch sự và lễ phép. Đồ ăn thức uống ê hề, câu chuyện dòn dã, chuyện quá khứ, hiện tại, tương lai lẫn lộn nhưng chuyện tái ngộ không ai biết đâu mà hẹn với hò.

Rồi cũng đến lúc phân ly. Giã từ vợ chồng VS Sinh, chúng tôi quay về nhà để chuẩn bị lên phi trường kết thúc chuyến đi vào khuya nay. Chợt động tâm ngân nga bài hát “Khuya Nay Anh Đi Rồi” của Châu Kỳ… “Gió lạnh lạnh buồn ơi, Khuya nay anh đi rồi, Bao nhớ nhung xa vời, Ôi nói không nên lời, Để cạn niềm yêu mến anh. Phút gần gũi này thôi, Khuya nay anh đi rồi, Tay nắm tay không rời, Mắt ngắm xa chân trời, Mà lòng nghe nhớ thương hoàị…” mà lòng buồn vời vợi.

Có bịn rịn, có quyến luyến cho lắm thì cái gì tới đã tới, tới nhanh hơn mình muốn là đàng khác. Vợ chồng Hùng Trà đưa chúng tôi lên phi trường trở về chốn cũ. Cám ơn ân tình của các em đã dành cho các anh chị trong những ngày qua. Tạm biệt các em. Tạm biệt xứ Kangaroo và những bạn bè thân mến. Chuyến đi hăng hái bao nhiêu chuyến về mệt mỏi bấy nhiêu. Nhưng nếu có thể quay lại một lần nữa, tôi chắc cũng sẽ hăng hái như thường.

Viết xong cuối tháng 11/2016

Ghi chú: Xin chia sẻ với bằng hữu Ý nghĩa của bức điêu khắc của Lê Phú tặng Yên Sơn
http://lephumelbourne.blogspot.com.au/search?updated-max=2013-12-17T14:27:00-08:00&max-results=15″>

Một video clip ngắn chứa một số hình ảnh tiêu biểu trong chuyến đi:

Xin gởi đến anh chị Tường ở Melbourne, AC Quang&Helen ở Sydney , AC Yên Sơn ở Kingwood TX những hình ảnh chúng ta bên nhau ở Australia thay lời cảm ơn chân tình của tôi.

Posted by Hong Ngo on Wednesday, January 4, 2017


« TRANG NHÀ »