Chuyến đi Nam California Cuối Hè 2016

ngày 1.09.16

Không biết tôi có duyên nợ gì ở California, cả Nam lẫn Bắc, mà hễ cứ không đi Cali chừng một năm là thấy như lâu lắm mình chưa về Cali! Thấy “lâu lắm” có nghĩa là tôi nhớ Cali. Mỗi lần nghe tôi nói “nhớ Cali” là “my house” phán liền một câu, “Chắc lại nhớ bồ bên đó.” Mỗi lần nàng nói như vậy mà tôi không có một câu trả lời hợp lý là có chuyện liền đó nghe. Ví dụ như, “Hồi xưa mình ở Cali rất lâu – 17 năm chứ ít ỏi gì, có quá nhiều bạn bè từ Không Quân tới văn chương, văn nghệ, võ thuật; có chi nhánh của võ phái, có học trò, có đủ thứ trên đời… mà sao không nhớ được?!” Nếu có một lúc nào không tìm ra câu trả lời hợp lý thì “thủ thỉ”… nhớ nơi chúng mình quen biết nhau, yêu nhau, sống đời với nhau… Gì chứ thủ thỉ thì thầm chuyện “ngày xưa thân ái” với nàng thì mọi chuyện êm liền!

Nghĩ tới chuyến đi vừa qua, tôi bỗng nhớ Duy Khánh hát bài “Đưa Em Vào Hạ”, tôi ứng khẩu ca rằng, “Mùa hè năm nay, anh sẽ đưa em cùng khắp cả… Orange!” “Há, tìm cớ đi thăm bạn bè thì có!” – nhà tôi phán như thế. Vâng, chúng tôi đi Miền Nam California trong dịp dự lễ thụ phong Linh Mục của đứa cháu con một người bạn thân vào sáng Thứ Bảy 13/8/2016, tại thánh đường của trường đại học Loyola Marymount College ở Los Angeles.

Chúng tôi đi chuyến bay chiều Thứ Sáu, tới phi trường Los Angeles vào lúc 5:45 sau ba tiếng rưỡi bay từ Houston qua, chờ xe đưa đến chỗ lấy xe thuê khá lâu. Xong thủ tục mướn xe là chạy thẳng về Nhà hàng Majesty, ở Orange County, dự buổi tiệc ra mắt chương trình Đào Tạo Tài Năng Trẻ do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tổ chức theo lời mời của anh Hội trưởng, nha sĩ Cao Minh Hưng, một người trẻ đa năng, đa tài với tấm lòng phục vụ Cộng Đồng, Xã Hội rất cao.

Phải đến 7:30 chúng tôi mới đến nơi trong khi chương trình đã bắt đầu từ 6:30. Tôi nghĩ tôi không quen biết nhiều hội viên trong Câu Lạc Bộ này, nhưng khi đến nơi tôi đã gặp nhiều người quen biết từ phe cựu Không Quân cho đến các anh chị em trong các lãnh vực văn học nghệ thuật. Được vợ chồng Cao Minh Hưng và anh chị em đón chào nồng hậu nên cũng đỡ ngượng vì chương trình và bữa tiệc đã quá nửa!

Tôi được một anh bạn quen cựu KQ đưa vào một bàn ngồi với mấy anh bạn cựu quân nhân khác mà trong đó đã có hai ông KQ cùng thời nhưng khác ngành. Nhà hàng lớn chứa chật khách ngồi. Gặp các chàng phóng viên quen biết như anh Thanh Phong và Nguyễn Thanh Huy. Găp ngay Phi Loan với nụ cười rất tươi trên khuôn mặt có nhiều nét tinh nghịch. Phi Loan nhờ anh Nguyễn Thiều Minh, người chụp hình chuyên nghiệp trong Cộng Đồng Người Việt có tiếng ở Quận Cam, chụp hình chung với vợ chồng Cao Minh Hưng và bè bạn.

Nhìn lên sân khấu toàn là tài năng trẻ. Chương trình phong phú, hết tiết mục này đến tiết mục khác với hai MC duyên dáng, khả ái làm không khí lúc nào cũng sinh động, linh hoạt. Các em nhỏ dạn dĩ, hát hay, múa giỏi… bỗng thấy mình như già thêm một chút nữa. Với không khí vui nhộn và cũng vì vào trễ nên việc ăn uống có hơi ngại ngùng; lại nữa, người của BTC bỗng đem tiền đóng vào cửa trả lại, nhất định không lấy vì nói là khách mời của chàng nha sĩ tài hoa Cao Minh Hưng. Cám ơn người bạn trẻ và BTC.

Tôi biết chương trình còn dài nhưng vì rời Houston rất sớm hôm nay cộng với chuyến bay dài nên nhà tôi có vẻ đuối sức, chúng tôi đành lẳng lặng rút lui khi đồng hồ điểm 9g tối (11g đêm Houston). Tôi ra về nhưng lòng còn ở lại với cuộc vui vì tôi đã thấy nhiều anh chị em quen biết chưa kịp bắt tay chào hỏi.

Xin cám ơn Cao Minh Hưng và Ngọc Bích. Cám ơn BTC đã cho tôi một buổi tối thật vui khi được tham dự một chương trình rất hữu ích cho con em trong Cộng Đồng chúng ta.

Đến 9 giờ, nhà tôi hết kham nổi nên chúng tôi âm thầm rút lui để còn tìm chỗ ở trong thời gian lưu lại miền “Quận Cam nắng ấm tình nồng” này. Chỗ ở đã được người bạn KQ cùng khoá, độc thân vui tính, có nhà cửa rộng rãi ở Huntington Beach, ưu ái mời gọi rồi, chỉ là chưa một lần tới nên phải “chạy theo bảng chỉ đường” qua lời ỏn thót của em gái tóc vàng GPS.

Chỉ cần có 12 phút từ Nhà Hàng Majesty về đến nhà. Ông bạn vàng độc thân mà bắt hắn ở nhà tối Thứ Sáu chờ đợi thì quả là bất công, nhưng khi thấy cái mặt hắn cười toe toét rước vào nhà mới đỡ áy náy. Hắn đợi cho chúng tôi an định sau những hướng dẫn của hắn, chỉ cho chúng tôi cái quạt tường remote control, cái đèn phòng tắm có gắn liền với các bản nhạc tango xưa cũ; chúng tôi ra phòng khách thì đã thấy hai “chai dầu xanh” ướp lạnh mang ra và một lon nước ngọt. Hắn biết là chúng tôi vừa ở nhà hàng về nên chẳng nói năng gì về việc ăn tối mà chỉ rủ nhậu. Vừa nốc một hơi đã khát, đặt chai xuống bàn thì hắn đưa cho chúng tôi chìa khoá nhà và nghiêm trang nói:

-Rất vui gặp lại mầy, tau rất vui vợ vì chồng mầy chọn về đây ở với tau mấy ngày, nhưng tau có hai luật lệ mà vợ chồng mầy cần biết.
– Làm gì nghiêm trọng vậy mầy
– Thứ nhất là không được mua bất cứ thứ gì, kể cả đồ ăn thức uống, bỏ vào tủ lạnh. Tau không nấu cơm nhà. Khi mô cần món ăn chi tau chạy ra phố gần đây mua, có liền. Bia rượu trong tủ lạnh và chỗ nào mầy thấy, muốn uống bất cứ loại gì, bất cứ khi mô thì cứ tự nhiên, tau không thiếu thứ chi từ bia tới rượu mạnh, rượu vang, XO, Cordon Blue, rượu thuốc bổ để ngay đường đi tề. Thứ hai là vợ chồng mầy có chìa khoá nhà, muốn đi muốn về bất cứ lúc nào tuỳ thích. Khi nào muốn đi với tau thì nói trước và đừng bận tâm gì về tau. Mầy cứ coi như nhà của mầy và không cần thắc mắc.
– Chúng tao cám ơn mầy. Mầy tính vậy cũng tốt cho tao trong thời gian ở đây.

Tôi cho hắn biết chương trình của tôi; báo cho hắn biết, chúng tôi sẽ “đi sớm về khuya”, phần ai nấy lo thì “tuyệt vời vô cùng”.
– Cứ rứa mà làm, không ai cần lo cho ai. Nhưng nhắc lại, khi nào mầy muốn đi với tau thì cho tau biết trước!
– Will do sir!

Tôi nhìn quanh căn nhà bừa bộn của hắn với bao nhiêu thắc mắc trong lòng nhưng không dám ý kiến ý cò. Đảo mắt quanh một vòng… rất gần chỗ ngồi (within reach) quả nhiên bao nhiêu thứ rượu bia. Nhìn lại mặt mày tỉnh queo của hắn tôi mỉm cười nốc cạn chai bia. Hắn cũng nốc hết chai bia của hắn, với tay cầm chiếc đèn pin đứng dậy nói:


– Mi ra đây tau chỉ cái ni!

Hắn cầm đèn pin dắt tôi ra vườn sau dù đã mở đèn sáng choang. Tôi lầm lũi đi theo mà không nói một lời. Ra tới một gốc cây sum suê cành lá, hắn rọi pin và chỉ tôi thấy từng chùm mận tím trĩu cành, miệng thì cứ nói, “Mi thấy chưa?”

– Đã lâu lắm rồi tao không thấy trái mận. Đâu có biết khí hậu Cali ưu đãi dân Việt nhường này. Tao đã biết Thanh Long, Nhãn, Ổi, Xoài, Cốc, Khế, Sa-bô-chê… bây giờ mới thấy mận. Dân Việt Cali mang cây trái của quê hương sang đến đất nước này.

Hắn rọi đèn pin về khắp góc vườn:
– Ổi chỗ ni, thanh long chỗ nớ, cóc, xoài chỗ tê, táo tàu, khế… đủ cả nhưng tau không có nhãn…

Nhìn vườn cây um tùm nhưng có vẻ vô trật tự của hắn, tôi xua tay:
– Được rồi, sáng mai tao ra coi lại, bây giờ tối không thấy gì nhiều.
– Ngán rồi hả?
-Đi nhậu kẻo hết giờ ra chơi.

Hắn với tay hái một chùm mận. Trái to màu trắng tím, tôi bẻ ra ăn thử… ngọt lịm. Chúng tôi quay vào nhà và tôi nói với hắn tôi cảm thấy đau bụng.
– Mầy ăn gì mà đau bụng.
– Không ăn gì bao nhiêu nhưng không biết tại sao.
– Mầy có thường đau bị như vậy không?
– Không, mới đau tức thời.

Hắn lấy một chai thuỷ tinh trong có hợp chất đen đen, đổ vào cốc rồi đưa cho tôi:
– Mầy uống đi, bảo đảm bớt liền.

Tôi ngần ngừ, ngửi ngửi:
– Rượu thuốc hả?
– Mầy không cần biết, uống đi sẽ bớt!

Thấy chắc là rượu thuốc, tôi tin hắn nên nốc một hơi cạn rồi khà một cái, nhăn nhăn cái mặt. Hắn nhìn tôi cười cười, phán:
– Trông mầy giống ông Phan Thanh Giản uống thuốc độc quyên sinh.

Cái bụng vẫn ngâm ngâm đau nhưng vẫn tiếp tục uống bia. Nhà tôi có vẻ mệt nên để nàng đi nghỉ, còn lại hai thằng tôi, hắn nhỏ to hỏi:
– Mi uống Cordon Blue không?

Miệng hỏi chân bước, không cần nghe câu trả lời của tôi, hắn đến tủ rượu lấy chai màu xanh bẻ cổ một cách sành điệu, rót vào hai nửa ly lớn, đưa tôi cụng ly:
– Chúc sức khoẻ, chúc mừng năm mới!
– Hahaha! Chúc mừng sinh nhật!

Tới 12g khuya, con mắt tôi đã khờ đi nhiều, vì giờ TX đã là 2g sáng chứ ít sao. Quá giờ giới nghiêm nên xin thăng. Hắn cười độ lượng, vớt vát:
– Mai mốt mặc sức mà ngủ!

Tôi đi ngủ mà lòng rất vui. Tôi cũng biết hắn vui cho nên nói chuyện với tôi nửa Huế nửa Nam, túi bụi xà ngầu.

* * *

Hắn là Hoàng Ngọc Đủ, dân Huế chính hiệu con nai vàng. Cựu SVSQKQ cùng khoá thời vừa bỏ lớp bỏ trường. Hắn làm Trung đội trưởng Trung đội 2 khoá sinh, có bổn phận điểm danh, báo cáo trong các giờ học tập, đi bãi về… Cứ mỗi lần nghe hắn trình diện là lũ chúng tôi lại cười bò lăn bò lóc. Và cũng vì cách trình diện của hắn mà chúng tôi bị phạt chà láng mệt không được nghỉ. Bị phạt vì cả lũ thi nhau nhại câu trình diện của hắn “SVSQKQ Hoàng Ngọc Đủ, Trung đội trưởng Trung đội 2, báo cáo đủ” bằng giọng Huế dổm cố tình làm hắn tức điên người. Riết, tên hắn trở thành biệt danh dính liền cả đời hắn. – Cũng như tôi, lũ trời đánh thánh đâm này nghe tôi nói tiếng Quảng Ngãi thì ngay lập tức ghép chữ “nẫu” vào sau tên tôi một cách vô tội vạ, làm tôi tức phát điên có nhiều lần sém đánh lộn… Thế nhưng, cái chữ “lạ lẫm” đó dính liền với tên tôi để trở thành tiếng gọi thân thương khi có dịp gặp lại nhau sau bao nhiêu thăng trầm, dâu bể. Thuở mới rời ghế nhà trường vào quân ngũ, thằng nào cũng lớ ngớ như nhau dù đến từ nhiều tầng lớp xã hội, hoàn cảnh gia đình khác nhau. Biệt danh thường xảy ra từ lúc này. Điều kiện cần để có cho một “biệt danh” là phải có một nét gì đó dễ buồn cười, dễ làm cho người được đặt tức giận, hoặc một nét đặc biệt, độc đáo nào đó của người mang biệt danh đó… Chính vì những cái “lẩm cẩm dễ sầu đời” như vậy mà trong khoá có 400 nhân mạng lính mới tò te, chỉ ở với nhau vỏn vẹn 90 ngày căn bản quân sự ở quân trường, chuyện ai quên ai là lẽ đương nhiên trừ những kẻ được gắn cho một biệt danh độc đáo; mà trong trường hợp này, rất ít ai quên được câu báo cáo điểm danh nổi tiếng của SVSQKQ Hoàng Ngọc Đủ, Trung đội trưởng Trung đội 2 khoá sinh, Quang Trung Nguyễn Huệ, sống mạnh sống hùng.

Ôi kỷ niệm tuyệt vời. Hơn 41 năm sau, qua bao nhiêu dâu bể cuộc đời chúng tôi mới gặp lại trong buổi Hội Ngộ khoá, đầu tháng 6 vừa qua. Nhưng đâu phải hắn mới qua đâu mà đã qua vài chục năm trước, sau khi được Việt cộng cho đi học tập cải tạo 7 năm dài. Tính hắn đã điềm đạm lại qua sau nên “cố công mài sắt đến ngày nghỉ hưu” hoặc giả khoái làm người hùng của lực lượng “Người Nhái”. Nay có lẽ bình hơi sắp cạn nên mới trồi đầu lên; nhưng vừa ló đầu ra là bị bạn bè cùng khoá giữ ghịt không tha nữa. Thế là, gặp nhau rồi dính chùm với nhau cho nên mới có ngày hôm nay.

Số là hắn nghe tôi đi Cali (Cali có đông bạn cùng khoá nên tôi thường thông báo mỗi lần qua bên đó) liền gọi điện thoại cho tôi, vui vẻ tình nguyện rước tôi về ở nhà hắn. Cũng phải nói cho rõ, hắn là một SVSQ gương mẫu còn tôi thì ngược lại nên có lắm kỷ niệm “tuyệt vời”, rất khó quên nhau.

Vợ hắn đang sống vui vẻ hạnh phúc với hắn, một tay chăm sóc mọi nề nếp từ trong bếp ra tới ngoài vườn… bỗng một ngày trời không còn đẹp, trăng đã hết mộng mơ, nàng cam lòng quảy gánh đi về nước Chúa, bỏ lại hắn một thân một mình trơ trụi, ôm hình bóng dấu yêu của vợ mà ca bản “đời tôi cô đơn” đã hơn hai năm qua. Hắn nói, từ ngày vợ hắn ra đi tới giờ, hắn không buồn đụng đến bất cứ thứ gì trong nhà, ngoài ngõ sợ mất dấu của vợ… cho nên chỉ có tưới nước mà không làm vườn, trong nhà chỉ có mang đồ về thêm mà không cần phải dọn… nhà bếp lạnh lẽo, vườn tược nhện giăng, chỉ còn có lối đi hái quả cho bạn bè, hàng xóm. Cũng may, nắng gió Cali dễ thương nên cây trái cứ tự động xanh tươi, đâm chồi ra trái để cho hắn có cơ hội cầm đèn pin chỉ chỗ này, chỗ khác. Tôi hỏi hắn “răng mi không tìm một O mô tre trẻ làm bạn cho nhà cửa ngăn nắp hơn, đỡ cô độc hơn?” Hắn phán một câu mà tôi nghĩ chí lý, “đã thoát một cái gông ai lại ngu đi tìm gông khác mà tròng vào cổ bao giờ?” Nói là nói vậy, chứ tôi biết tình yêu của hắn dành cho vợ vẫn đặc quánh trong lòng. Vợ hắn ra đi để lại một khoảng trống bao la trong lòng hắn mà khó ai có thể bù lấp nổi.

8g sáng hôm sau chúng tôi phải dậy sớm để chuẩn bị đi dự lễ thụ phong Linh Mục của đứa cháu con một người bạn thân ở Đại học Loyola Marymount College, Los Angeles. Hắn cũng đã thức dậy từ hồi nào, mùi cà phê thơm phức. Sau khi vệ sinh cá nhân, chúng tôi cùng uống cà phê với hắn, xem đường sá để đi. Hắn chợt hỏi tôi:
– Tau có một môn công phu tâm đắc mà tau chắc mi rất thích.
– ???
– Mi theo tau ra vườn sau tau chỉ cho coai.

Thấy hắn không cười, đứng dậy bước ra sau nhà, tôi cũng bước theo lòng thầm nghĩ, “thằng quỷ này đã biết mình là võ sư mà còn bày trò gì đây.”

Ra tới vườn sau. Buổi sáng, nắng đã lên rực rỡ nên thấy cái vườn bừa bộn không khác gì trong nhà, chỉ thấy các lối mòn đủ cho bước chân hắn đi tưới nước hoặc hái quả. Hắn chỉ cho tôi một bao cát đã cũ sờn để tập chân đá, được trùm bằng bao ny ni-lông chống mưa nắng, rồi lại chỉ cho tôi đống đá vụn kế bên

– Mầy thấy không, tau có tập chưn đàng hoàng đó nghe. Còn đống đá nhỏ ni là để luyện vụt phi tiêu.

Tôi tưởng thiệt, ngầm phục trong lòng, chờ đợi hắn giảng giải tiếp. Rồi hắn chỉ vào vạt nắng xuyên qua cành lá rọi xuống đất, nói tiếp:
– Mầy ngó vào ánh nắng nè, thấy chưa lũ mòng bay loanh quanh ánh nắng, tau tập bắt chúng nó mỗi sáng trước khi đi làm. Chừ thì công phu đã thượng đỉnh rồi. Nè coi đây…

Nói xong hắn vươn tay thật nhanh chộp một con mòng rồi xoè tay cho tôi coi, thấy một con mòng bay vụt lên. Tôi phì cười:
– À thì ra mầy phá tao phải không?
– Mầy thử đi rồi biết.

Tôi cũng chộp đại thử một con nhưng trớt quớt! Hắn cười như trẻ thơ, “Mi thấy chưa, mô dễ!”
– À tao hiểu rồi, mầy cũng dùng đá cuội này ném lũ mòng chứ gì?
– Thì rứa chớ răng!
– Tao mệt cho mầy quá! Chắc mầy luyện tập để có gì làm khi nhớ vợ chứ gì? Thôi không nghe mầy nói nhảm nữa, tụi tao cần đi đây.
– Mi hết đau bụng chưa?
– Vẫn còn ngâm ngâm.
– Vậy tau cho mi uống thứ ni.

Nói xong vào bếp rót cho tôi nửa ly cà phê rượu thuốc. Tôi khoa tay nói, “Thôi không uống nữa, tối qua uống có ăn nhằm chi mô.” “Không phải đây là loại thuốc khác, mầy không thấy khác chai à? Mầy tin tau đi, uống cái ni không bớt thì… tính tiếp.” Thấy hắn hết lòng, vả lại cũng chỉ là thảo mộc chẳng hại gì nên lại uống cạn ly, xong lên đường. Trước khi lên xe tôi nói với hắn:

– Tao đi trưa về nhưng sẽ đi một cái tiệc khác do bạn bè khoản đãi, nếu mầy muốn đi chơi với tao thì tao về ngang chở mầy.
– Thôi khỏi, mầy cứ lo việc mầy đi, chơi vui với bạn bè, tau có chuyện của tau.

* * *

Người em tóc vàng hướng dẫn tôi chạy một hơi tới ngay Đại học Loyola Marymount mới hơn 9g sáng. Chương trình lễ 10g mới bắt đầu. Vợ chồng ông bạn già đã đứng đầu khu đậu xe gần Thánh đường chờ đợi. Tôi xuống xe chạy lại tay bắt mặt mừng. Nebraska và Houston dù không xa nhau mấy nhưng chắc cũng đã 3 năm hơn kể từ ngày anh ấy nhờ tôi giới thiệu thành công tập tự truyện rất tếu của anh ấy ở Houston.

Anh Vũ Ngọc Thạch là một cựu tù nhân chính trị, đi tù hơn 5 năm về, theo chương trình HO qua tới Mỹ với hai đứa con trai nhỏ nhất, bỏ lại sau lưng mấy đứa con trai, con gái đã có gia đình. Những ngày đầu lạc lõng ở Houston, tôi giúp đưa anh chị ấy vào làm chung hãng Minh Foods của cậu em con dì của Bà Quận nhà tôi. Đó là hãng sản xuất chả giò lớn nhất Bắc Mỹ, sau được hãng Schwan’s Food của Mỹ mua lại với giá nhiều chục triệu đồng.

Anh Thạch lớn tuổi hơn tôi nhiều nhưng chữ viết rất đẹp, rất bay bướm, lại ham thích hoạt động xã hội, thích làm báo chí, sinh hoạt hội đoàn… rồi trở nên thân tình như anh em một nhà. Sau một thời gian phấn đấu cật lực, đời sống ổn định, anh đã lần lượt bảo lãnh thêm được mấy đứa con cháu qua Mỹ, không biết sao chúng nó chọn ở hết bên tiểu bang Nebraska trong khi hai đứa nhỏ lần lượt vào đại học. Thằng áp út học y khoa rồi đi tu. Thằng nhỏ học điện cơ rồi tình nguyện đi Thuỷ Quân Lục Chiến qua chiến trường Iraq mấy bận nhưng vẫn nguyên lành, giờ giải ngũ về Nebraska gần các chị để cưới vợ sinh con… Thế rồi anh chị Thạch dọn nhà theo các con về ở tận vùng trời lạnh “teo bu-gi” đó, như lời anh ấy thường nói. Chúng tôi vẫn liên lạc nhau thường xuyên, biết con cái của anh dần dần có đời sống tốt đẹp, các cháu học hành tốt, tôi mừng cho anh chị. Rồi nghe anh nói thằng đi tu được một thời gian lại “nghỉ tu” nhưng tiếp tục học làm Bác sĩ. Một thời gian dài nó ra trường, đi làm cho bệnh viện tận bên xứ cờ bạc Las Vegas một thời gian khá lâu, mang bố đi theo cho đỡ buồn… Hai bố con hủ hỉ với nhau sống đời đạo hạnh.

Rồi một ngày trời rất đẹp, anh vui mừng gọi cho tôi biết “thằng lang vườn” lại xin đi tu tiếp. Vừa làm Bác sĩ vừa nhập dòng tu nghiêm túc. Theo lời anh nói, nó đã trải nghiệm qua bao nhiêu thử thách gian khó vẫn bền lòng vượt qua để quyết chí đi theo ơn kêu gọi.

Bẵng đi một thời gian, anh lại vui mừng gọi cho tôi biết, cháu sắp làm lễ “khấn trọn đời”. Anh tha thiết mời chúng tôi về Los Angeles tham dự với gia đình. Tôi xem “lịch trình đời sống” của tôi rồi vui vẻ nhận lời và hôm nay vợ chồng tôi đến đây để chia sẻ niềm vinh dự to tát của gia đình anh, để tận mắt thấy lại cậu bé năm xưa kính cẩn quỳ chịu lễ thụ phong Linh Mục Dòng Tên. Buổi lễ dài một tiếng rưỡi đồng hồ, tràn đầy lời ca tiếng nhạc ngợi ca Chúa, dâng lên Chúa trong không khí vô cùng trang nghiêm và cảm động. Có tất cả 7 ông Cha trẻ Mỹ, Mễ và Việt Nam được thụ phong hôm nay. Trong phần khấn nguyện của từng người, có nhiều ông đã quá xúc động, nghẹn ngào, không cầm nổi nước mắt. Đó là một “ơn thiên triệu” mà phàm nhân có muốn cũng chưa chắc được, cầu cũng không chắc có; và là một vinh dự to tát, niềm hãnh diện lớn lao cho những gia đình có con cháu được thụ phong hôm nay. Một nhà thờ, rộng lớn thênh thang, hoành tráng chứa đầy nghẹt những người là người.

Và… như thế, anh chị được lên chức “ông bà cố”, còn chúng tôi cũng được ăn theo xin được làm “cô chú cố” cũng một hãnh diện! Sau buổi lễ, nhà dòng khoản đãi một buổi ăn nhẹ ngoài sân công viên đầy bóng cây bên hông nhà thờ và lại hứa hẹn một buổi đại tiệc thịnh soạn, trang trọng vào buổi tối. Anh chị Thạch ân cần mời chúng tôi tham dự nhưng vì không biết trước nên buộc lòng từ chối khi lịch trình thăm viếng bạn bè của chúng tôi trong thời gian ở đây đã chật kín.

Từ giã anh chị Vũ Ngọc Thạch, từ giã tân Linh Mục Dòng Tên Vũ Ngọc Dzao, từ giã Thánh đường Đại học Loyola Marymount, Los Angeles… chúng tôi vội vã đến cái hẹn 1g chiều ở nhà hàng Hồng Ân trên đường Westminster để hội ngộ với một số anh chị em văn nghệ sĩ quen biết đã nhiều năm, do bạn văn Trần Việt Hải và Khiếu Như Long tổ chức.

1:30 trưa tới nơi đã thấy một nhóm đang chụp hình, cười đùa rôm rả. Thấy có vợ chồng Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, tôi cảm động đến chào Thầy. Đây là lần thứ hai tôi gặp Thầy (lần đầu gặp Thầy trong Hội Ngộ Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi ở Washington DC 2013). So với lần trước, Thầy trông có vẻ gầy ốm và dĩ nhiên già hơn. Với sức khoẻ như vậy mà Thầy Cô cũng có mặt vui vẻ với anh chị em thật là đáng trân trọng. Trong suốt buổi gặp gỡ, Thầy chỉ ngồi cười nhiều và vỗ tay tán thưởng cùng với mọi người. Theo đề nghị của Việt Hải, tôi đặc biệt hát tặng Thầy một câu Vọng cổ của 6 câu “Đêm Mộng Hồ Tây”. Câu này không có gì đặc biệt chỉ là nhớ đâu hát đó cho vui chứ đâu có ai ngờ đó là câu vọng cổ cuối cùng Thầy nghe được trước khi giã biệt cõi đời!

Viết đến đây bỗng dưng xúc động, ngồi một phút lặng yên tưởng nhớ đến Thầy. Dạ thưa Thầy, dù em không có may mắn được học với Thầy, nhưng tiếng thơm của Thầy được sách vở và người đời truyền tụng khắp cả Miền Nam Việt Nam; trong nhiều thập niên Thầy đã dày công đóng góp cho một nền giáo dục của VNCH vô cùng tốt đẹp đầy nhân bản và khai phóng. Em cảm tạ tình nghĩa của Thầy đối với lũ hậu bối chúng em; cảm tạ Thầy đã không ngại nắng gió hôm nay đến chung vui với tụi em trong bầu không khí thân tình. Và em cũng không ngờ, em vô tình hát tặng Thầy Cô bản Thư Tình Cuối Mùa Thu của Phan Huỳnh Điểu khi nhớ lại bức tranh Cô dìu Thầy ra xe về trong chiều ly biệt, “…Tình ta như hàng cây đã qua mùa bão gió. Tình ta như dòng sông đã yên ngày thác lũ. Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm, người theo mùa đi mãi chỉ còn anh và em. Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại…”

Khi chúng tôi tới nhà hàng, ngoài Thầy Cô Nguyễn Thanh Liêm, thấy có khoảng mười mấy anh chị em, hầu hết đã quen biết như: Khiếu Như Long, Trần Việt Hải, Nhược Thu, Cò Tuấn, Trina Thu Hà, Thy Linh, chị Hồng Vũ Lan Nhi lúc nào cũng tươi vui, chị Bích Huyền vẫn còn khá nhiều nét yêu kiều, anh Dương Viết Điền, Trịnh Thanh Thuỷ, Quỳnh Hương; một số bạn quen nhưng mới gặp lần đầu có anh Trần Mạnh Chi, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, chị Gina Nga (phu nhân NS Lê Trọng Nguyễn), nha sĩ Kim Loan, anh chị Hiếu, Huỳnh Anh, Băng Tâm, phó nhòm vô cùng dễ thương Nguyễn Thiều Minh, nhạc sĩ keyboard thiên tài David Tòng, anh Ngô Thiên Đức… rồi từ từ thêm nhiều người khác đến gồm có anh Đào Ngọc Nhuận đã quen lâu bây giờ mới có cơ hội gặp, đặc biệt nữa là ông bạn hai quần Đồng Văn… Nếu thiếu ai cho tôi xin lỗi nha.


Dù là bạn cũ hay bạn mới, chúng tôi cũng rất trân trọng tình nghĩa bạn bè. Một lần nữa, xin đốt nén hương lòng tưởng niệm đến Thầy, chúc Cô Phương nhiều nghị lực để phấn đấu trong những tháng năm cô đơn sắp tới; xin chân thành cảm tạ Bạn Khiếu Như Long, bạn Việt Hải, không có hai bạn chúng ta không có buổi hội ngộ thân thương và mang nhiều kỷ niệm này.

* * *

Rời khỏi nhà hàng Hồng Ân, tôi chỉ còn đủ giờ đưa my house về nhà nghỉ ít phút và thay quần áo, xong chạy tới nhà chị Annie, nơi nhóm Việt Bút dùng làm địa điểm họp mặt năm nay. Chị Annie là Vương Hậu trúng giải Viết Về Nước Mỹ lần này (VVNM 2016). Thường nhóm Việt Bút tổ chức họp mặt hàng năm vào trước ngày phát giải thưởng. Thành viên nhóm Việt Bút quy tụ tất cả những người đã và sắp nhận giải thưởng VVNM kể từ năm đầu tiên, năm 2000, do nhóm chủ trương Việt Báo Online của ông bà thi sĩ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca sáng lập cho đến nay. Dù vậy, không có sự bó buộc nào cho ai phải tham dự mà hoàn toàn tự nguyện tìm đến nhau. Tôi cũng đã hân hạnh được trúng giải năm 2003, nhưng lần này mới là lần thứ hai tham dự với anh chị em nhân chuyến đi có chủ đích. Lần trước ở nhà “anh Tưng O Điểm.”

Nhìn vào tấm hình chụp chung, thấy ngay O quậy Thanh Mai đứng ở giữa cười toe toét, nổi hơn giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân luôn, trong khi vương hậu chủ nhà ngồi nhỏ nhẻ ở giữa hai người đẹp Donna và Iris Đinh Nữ bên trái. Để tôi làm một phát điểm danh nha.

Hàng ngồi dưới đất từ trái qua phải: Chủ tiệm phở Việt Bút – Saigonmylove Vũ (Saigon Zú), chàng Phan Cao bồi TX, nàng điệu Donna SJ, TháiNC (anh của MC), chàng trai trẻ Wo Wang (Quờ Quạng), chủ nhà ‘Phóng Dao’, “DMV” Trần Quốc Sỹ; hàng ngồi trên ghế: Chị thân hữu, Anh Tân Khoa và chị Phương Hoa, cô em họ Trương Ngọc Anh, em xinh Hồ Triều Lam, người đẹp Hằng Lê Nguyễn, Radio Iris Đinh Nữ, chủ nhà vương hậu Annie; hàng đứng: tôi và bà quận, Trương Ngọc Bảo Xuân, chàng nha sĩ tài hoa Cao Minh Hưng, O quậy Thanh Mai xứ Vạn Hồ, anh thân hữu, chị Bảo Trân, chị Thịnh Hương, chị Nguyễn Văn Mão, chị thân hữu, và chị Tường Vân. Có vài anh chị chậm chân không có trong hình, nhất là Cụ Bồ Tùng Ma và anh Tưng Nguyễn Viết Tân (hai người này hiện là cột chống nhà Việt Bút nên… hơi bận).

Đúng 6g chiều, chúng tôi tới trước ngõ nhà anh Đào Phong và chị Annie đã nghe rộn ràng tiếng cười, tiếng nói rôm rả của anh chị em bên trong nhà. Bước vào nhà gặp hầu hết những người muôn năm cũ, về đây từ bốn phương trời… tay bắt mặt mừng. Tay bắt để cảm nhận tình cảm quý mến nhau. Mặt mừng vì thấy đồ ăn thức uống đầy bàn, đầy bếp; ký sách kỷ niệm mỏi tay, cười mỏi miệng chỉ vì có mấy tay chọc cười cỡ anh Tưng và O Thanh Mai luôn luyến thoắn, thân thiện. Thấy một cô nương trẻ đẹp không quen biết cứ đứng suốt ở bếp lo sửa soạn thức ăn không thấy nghỉ tay, hỏi ra mới biết đó là tiểu thơ của chủ nhà, đặc biệt ordered từ Dallas về để giúp Ba Mẹ chiêu đãi khách. Cám ơn anh Phong và chị Annie quá chu đáo. Ừ nhỉ, người ta lên ngôi Vương Hậu chứ đâu phải bàng dân thiên hạ như mình! Hahaha! Chúc mừng chị vương hậu rất dễ thương của chúng tôi. Và dĩ nhiên, phải cám ơn cháu gái đẹp con chủ nhà nữa chứ.

Tôi đang ngồi thưởng thức chai bia Corona của Cao bồi Phan mời ngoài sân sau, bỗng thấy phái đoàn của “chủ tiệm phở” Saigonmylove ì-ạch mang vào một thùng nước lèo rất lớn và những thịt thà rau cải phụ tùng đủ thứ. Anh xoay trở một cách chuyên nghiệp nên mới chỉ một lúc là mùi phở bốc lên thơm nồng; rồi anh bày biện ở hiên sau nhà rất khéo, gọn, tỉ mỉ để mọi người tự động làm cho mình một tô phở theo chỉ dẫn của chủ tiệm. Trong khi đó bên trong nhà có một nhóm anh chị em dợt hò lơ hó lơ, và rồi tập dưỡng sinh, yoga theo sự chỉ dẫn của anh Sao Nam Trần Ngọc Bình, người trúng giải năm trước, về từ Carolina…

Loanh quanh ăn uống vừa xong thì đã hơn 9g tối. Cả nhà sắp xếp chụp hình kỷ niệm và văn nghệ cây nhà lá muôn nơi. Đôi mắt người… Tách Xịch đã báo hiệu giờ lên chuồng nên ngỏ ý từ giã cuộc vui, hẹn gặp nhau ngày mai. Thế nhưng, Donna nhất định “nắm áo kéo xoay”, nói tôi phải diễn ngâm một bài thơ góp vui cho phần văn nghệ mới cho về. OK ngâm thì ngâm có chi mô, nghiệp của chàng mà! Chợt nghĩ tới con mắt buồn ngủ của mình, tôi nhớ ra bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây”… được bà con vỗ tay náo nhiệt quên luôn cả buồn ngủ nhưng rồi cũng phải lưu luyến chia tay, vì “nửa kia”(của tôi) đã tới giờ hoàng đạo.

Theo chương trình định trước, nhóm Việt Bút năm nay ăn mừng lớn, hai tiệc lận. Tiệc chiều Thứ Bảy hôm nay và tiệc trưa Chủ Nhật ngày mai trước khi đến tham dự lễ phát giải thưởng 2016 vào lúc 5g chiều. Tôi cũng hẹn rồi ra về nhưng biết chắc tôi chỉ có thể đến tham dự buổi lễ chiều được một lúc mà thôi, chỉ vì lâu lâu mới xuất hiện nên tranh thủ thời gian thăm viếng bạn bè. Rất tiếc nhà Việt Bút ơi!

Về tới nhà hơn 9g tối, vẫn nghĩ sẽ còn đủ sức uống vài chai dầu xanh với chủ nhà cho vui… nhưng nhà cửa vắng tanh, phần khách khách la cà, phần chủ chủ lang bạt, tôi đành đi ngủ sớm.

* * *

Sau giấc ngủ dài qua một đêm an bình, chúng tôi lại cùng thức dậy uống cà phê sáng với chủ nhà. Thay vì đi dự tiệc 10g sáng với Nhóm Việt Bút nữa, tôi quyết định ở nhà chơi với Hoàng Ngọc Đủ. Sau khi săm soi vườn cây của hắn, thấy trời xanh cao vút, ánh nắng vàng hiền hoà của vùng cận biển lan toả khắp nơi, gió nhè nhẹ thôi thúc làm tôi muốn đi dạo biển. Tôi gạ hắn bằng giọng Huế

– Đủ ơi, nghe noái biển ở bên ni đẹp lắm, mà chừ thời tiết quá tuyệt vời, mi biết chỗ mô đẹp nhứt, cho tụi tau đi thăm biển chơi một chút được không?
– Mi cứ chọc tau hoài nghe. 41 năm qua chưa thấy cũ hí? Đi thì đi! Cà phê xong mình đi.

Tôi biết hắn chiều lòng tôi chứ hắn ở đây bao nhiêu năm chắc ngán biển lắm rồi. Biết vậy nhưng tôi cũng muốn mượn cớ ở nhà loanh quanh chơi với hắn một buổi. Vì vậy, tôi thật lòng nói với hắn:
– Tao biết mầy chẳng tha thiết gì việc ngắm biển vì mầy ở đây lâu quá rồi, nhưng tao chừa sáng hôm nay là để ở nhà loanh quanh với mầy cho vui; lát trưa tao lại có họp mặt với bạn văn nữa.
– Tau đã nói rồi, mi cứ lo công việc của mi mà không cần phải tỏ vẻ thương hại tau như rứa.
– Không, tao đã quyết định ở nhà chơi với mầy, đi dạo biển với mầy trừ phi mầy có hẹn với em nào.
– Không em không chị chi hết. Đi thì đi, noái nhiều rứa!

Hắn chở hai chúng tôi đi một vòng Huntington Beach, rồi Newport Beach… đến những khu nhà nghe hắn nói về giá cả thì dẫu ông trời có cho phép tôi quành lại vài ba chục năm nữa để tìm cơ hội làm giàu thì cũng… “chẳng thà tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước, chẳng thà vui với sức nóng Texas còn hơn.” Phải công nhận phong cảnh, khí hậu miền nam California thật tuyệt vời nhưng chỉ có thể lâu lâu về thăm, thưởng thức một lần cũng tốt thôi. Tôi nghĩ dù tôi có bán cả chục căn nhà như căn nhà hiện tại ở “Rừng Vua Kingwood” bên Texas của tôi cũng mới chỉ sờ được một góc tường của những căn nhà “giá trị bình thường” ở đây.

Biển trời xanh ngát, trên đường thưa xe cộ, người ta chạy xe đạp thể thao khá đông, và dưới các bãi biển cũng rất đông người đi dạo. Chúng tôi chạy xe tà tà trên các con đường sát biển, nhìn trời mây, cảnh vật, con người… sao thấy thanh bình quá, thanh thản quá, bỗng nghĩ tới đất nước của tôi, Saigon của tôi bây giờ… không thể giấu được tiếng thở dài len lén trong tim.

Chúng tôi về lại nhà lúc 10:30 sáng để rồi theo chương trình “phần ai nấy lo” tiếp.

* * *

Đến nhà văn hữu Phạm Trần Anh lúc 11:30 theo cái hẹn 12g trưa để sum họp với nhóm Văn Đàn Thời Đại. VH Phạm Trần Anh là một nhà biên khảo sử học, nhà đấu tranh bền bĩ cho nhân quyền, dân chủ Việt Nam, là một người luôn luôn hoạt động xã hội tích cực và hết lòng với chữ nghĩa cũng như bè bạn. Có nhiều khi tôi tự hỏi, “Không biết ông này tìm đâu ra thì giờ mà làm được quá nhiều việc cùng một lúc như vậy?”

Tôi tưởng mình tới sớm để có giờ hàn huyên trước với ông Phạm, nhưng khi bước vào nhà đã thấy anh Vũ Lang “tóc tai láng coóng, áo quần bảnh bao” tươi cười chào đón.

Anh Vũ Lang, một con người lúc nào cũng nề nếp, vua làm thơ chua, thơ đấu tranh không mệt mỏi, là một “cụ già gân” thời đại; trông anh rất trẻ, khoẻ, hoàn toàn minh mẫn so với tuổi 80+ của anh. Thấy anh vẫn hút thuốc lá như ống khói xe lửa, tôi ân cần nói, “Anh không nghĩ là cần phải giảm bớt thuốc lá sao anh?” Anh nhìn tôi cười bảo, “Biết bao nhiêu ông Bác sĩ cũng nói như anh đều đã đi ráo trọi rồi đấy!” “Thôi em còn yêu đời chán, anh cứ thế mà đi tới nha!”

Chuyện vãn được một lúc thì chúng tôi chào đón thi sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ Hà Phương, vẫn muôn đời ốm nhưng không yếu; chị nhà thơ Hoài Mỹ – 10 năm chưa gặp – đang làm “bà giú bú già” ẵm theo thằng cháu ngoại rất dễ thương cùng với anh hoạ sĩ Mạc Chánh Hoà, nhạc sĩ Tha Nhân; rồi lại thấy Giáo Sư Đinh Thạch Bích bước vào nhà. Khá lâu mới gặp lại ngài. Giáo sư trông rất khoẻ mạnh, thân tình, dù có “già hơn xưa”. Rồi đến chị Lê Thị Việt Nam cùng bước vào với chị Ninh Thuận. Tôi rất vui và cảm động thấy chị LTVN tới vì biết sức khoẻ của chị không khả quan như người bình thường, thế nhưng chị vẫn miệt mài với chữ nghĩa và luôn luôn quý trọng giao tình bằng hữu; chị Ninh Thuận lúc nào cũng tươi cười, là một nhà văn, nhà báo dễ thương của Cộng đồng Người Việt vùng Quận Cam. Nghe nói sau khi tôi buộc lòng phải đi trước, có thêm nghệ sĩ Bích Ty tới. Rất tiếc không gặp chào hỏi thăm nhau với chị được.

Chúng tôi vừa ăn trưa (do chủ nhân và các chị mang tới) vừa hàn huyên, thảo luận chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện đấu tranh với kỳ vọng góp một phần nhỏ nhoi vào công cuộc tranh đấu cho một nước VN thật sự tự do, dân chủ và nhân quyền của đồng bào ở quê nhà. Lồng trong buổi sinh hoạt là phần văn nghệ bỏ túi. Chúng tôi được nghe giọng ngâm trầm ấm của anh Hà Phương, trình bày những sáng tác đặc biệt của anh chị em trong nhóm; và tôi cũng bon chen góp phần với bài thơ rất cũ “Rồi Một Hôm” của Thanh Tịnh (*) trong lớp Việt Văn thời còn Tiểu học, nhân Mùa Vu Lan Báo Hiếu.

Chúng tôi rất hân hạnh gặp gỡ bao nhiêu người ở đây hôm nay, mỗi người là một nhân vật đặc biệt của giới cầm bút. Dù lần đầu tiên gặp mặt các anh Tha Nhân và Mạc Chánh Hoà nhưng cũng cảm nhận được sự thân tình và tấm lòng quý trọng dành cho nhau. Cám ơn các anh chị.

Vì đã hứa nhận lời mời của Ban Tổ Chức buổi phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2016, nên đành phải chào từ giã anh chị em lúc 4:30 chiều. Khi ra về, chúng tôi được anh Vũ Lang, chị Lê Thị Việt Nam, chị Ninh Thuận, và anh Phạm Trần Anh tặng cho một số sách quý và CD thơ nhạc.

Chúng tôi đến Moonlight Restaurant & Banquet lúc 5g, đã thấy hội trường đầy nghẹt người. Vui quá gặp lại anh chị em từng quen biết mười mấy năm qua; cũng có rất nhiều người từng trúng giải nhưng chưa từng gặp mặt. Gặp chào mừng, chụp hình kỷ niệm với một số anh chị em trúng giải năm nay và bạn hữu…

Chương trình dự định bắt đầu từ 6g chiều, nhưng có lẽ vì đông đảo quá và có vài khó khăn về việc sắp xếp chỗ ngồi nên đến 6:30 vẫn chưa khai mạc được. Tôi dự định xong phần phát giải xong hoặc 7:30 sẽ rời hội trường; tuy nhiên, vì trục trặc chỗ ngồi nên chúng tôi rời đi sớm hơn dự định khi chương trình chưa kịp bắt đầu nữa! Số là khi nhận được giấy mời, tôi xác nhận chỉ tham dự phần phát giải và không thể ở lại cho dạ tiệc, nhưng khi sắp chỗ ngồi thì vợ chồng tôi chỉ có một ghế! Một cô nương xếp chỗ nhất định là cô chú chỉ được ngồi một ghế!? Sau một lúc bị tôi than phiền, BTC mang lại thêm một chiếc ghế nữa… nhưng nghĩ rằng, đằng nào chúng tôi cũng sẽ rời hội trường sớm để đến nơi hẹn ăn tối với một nhóm bạn thân cựu KQ, tôi cám ơn BTC và ra về.

Chạy thẳng tới nhà của một bạn KQ cùng khoá – Phú&Thu – để cùng đi đến chỗ hẹn. Chỗ hẹn là nhà hàng Royal Banquet, một Vietnamse Cousine sang trọng trên đường Bolsa St. với một dancing hall rất lịch sự từ ngoài vào trong. Hôm đó, không biết ai tổ chức với chủ đề liên quan đến Hawaii nên mọi người đều có “trang phục chim cò” đủ kiểu. Tôi được Phú cho biết trước nên cũng đã mang theo quần áo chim cò để khỏi bị lạc lõng.

Tôi nói trước cho Phú biết là chúng tôi sẽ chỉ ở chơi với mọi người, uống vài ly rượu cho tới 8:30 tối là tối đa, vì chúng tôi có hẹn ăn tối với một nhóm bạn bè khác ở nhà hàng của vợ chồng Thu Đào, “em Pleiku má đỏ môi hồng”. Phú không vui nhưng cũng thông cảm vì biết tôi lâu lâu mới về đây, nơi có quá nhiều bạn bè mà thì giờ thì rất giới hạn nên phải chia giờ thăm mỗi người một chút.

Ngồi nhâm nhi một ít đồ ăn thức uống, nghe nhạc nhẹ giữa những tiếng cười nói chào mời, giữa những xôn xao của từng cặp, từng nhóm đưa nhau tới các phông cảnh hai bên sân khấu để chụp hình kỷ niệm, tôi cũng cảm thấy vui vui dầu hầu hết khách tham dự trong buổi tiệc riêng (private party) này tôi chưa quen biết. Đợi khi mọi người đến đông đủ và bắt đầu nhập tiệc, tôi ngỏ ý giã từ. Mọi người trong bàn có vẻ bất ngờ nhưng cũng cùng tôi cạn ly khi Phú rót mời tôi nửa ly Cordon Blue khá lớn trước khi cáo biệt.

* * *

Phải nói chiếc iPhone và google map giúp chúng ta quá nhiều trong việc tìm kiếm một nơi chốn nào đó ở một nơi xa lạ. Giữa hoàng hôn tấp nập xe cộ với những con đường, phố thị chằng chịt của Quận Cam, tôi tìm tới nhà hàng Gà Bistro trên đường Brookhurst, Garden Grove như chạy trong xóm quen thuộc của mình. Tuy vậy, cũng phải quành tới quành lui vài vòng mới thấy được con số địa chỉ vì trời tối.

Tới nơi tôi mới biết là vì chúng tôi tới quá trễ nên một vài người bạn không thể đến được. Sau khi an định, vợ chồng Thu Đào và người partner – anh Sơn “đầu bếp” – mời chúng tôi món beefsteak độc đáo của nhà hàng do chính tay anh sửa soạn. Anh xin lỗi vì đã phải hâm nóng vài lần cũng chỉ vì “cái vụ GPS” của tôi. Anh Sơn chẳng những là một Bác Sĩ dễ thương có tiếng trong vùng mà còn là một đầu bếp giỏi. Nhà hàng Bistro Gà bán Beefsteak, lạ lẫm không khác gì Bác Sĩ làm Đầu Bếp. Chúng tôi đã từng đi ăn ở các nhà hàng chuyên môn beefsteak ở Mỹ nhưng phải công nhận món beefsteak ở đây thật là độc đáo, thịt mềm và mùi vị thơm ngon, rất hợp khẩu vị dù đã phải hâm nóng vài lần.

Lúc đang giữa tiệc thì Luật sư Andrew Đỗ xuất hiện cùng ăn tối với chúng tôi. Trong câu chuyện tối nay, tôi nhận thấy Andrew Đỗ là một luật sự trẻ tài năng, rất năng động, rất quan tâm đến quyền lợi và sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt ở Orange County. Theo tiểu sử ghi trong FB của anh, Anh đã từng là Phó Biện Lý hạt Orange County, Giáo sư trường đại học Cal State Fullerton, nghị viên thành phố và sau cùng là Giám Sát Viên Quận Cam tháng 10/2015. Tôi ở xa nên không biết rành rẽ về những hoạt động của anh tại địa phương nhưng qua cung cách trình bày những vấn nạn, những buồn phiền, những âu lo của anh đối với Cộng Đồng Người Việt Orange County tôi tin anh có cái tâm, có chính nghĩa trong sáng. Tôi rất quý trọng những người trẻ luôn hướng về tình tự quê hương dân tộc trên đất nước này. Tôi luôn luôn ủng hộ người trẻ dấn thân cho cộng đồng, vì cộng đồng người Việt chúng ta. Quần chúng bao giờ cũng thiên biến vạn hoá nên rất khó để làm vừa lòng mọi người; tuy vậy, tôi cũng cầu mong bạn trẻ Andrew Đỗ luôn chân cứng đá mềm, gặp nhiều may mắn trên con đường phục vụ.

Xin cám ơn các chủ nhân nhà hàng Gà Bistro và đặc biệt gửi lời cám ơn đến ông Bác Sĩ Đầu Bếp Sơn, dù mới gặp nhưng cảm thấy rất thân tình.

Chia tay mọi người, về tới nơi thấy chủ nhân có ở nhà, còn thức nên lại xáp vô bẻ cổ vài chai, ôn với nhau những chuyện xưa cũ, nói với nhau những chuyện hôm nay, chuyện bạn bè, chuyện đời sống… đến khá khuya mới đi ngủ.

Sáng hôm sau thức dậy khoảng 7g30 đã thấy mặt hắn cười với mùi cafe thơm ngát. Hôm nay là ngày Thứ Hai hắn sẽ đi làm. Hắn nói việc ở bưu điện nhàn nhã nên sẽ làm thêm một thời gian nữa. Hắn làm buổi chiều nên sẽ cùng chúng tôi đi ăn sáng với một nhóm bạn cùng khoá do lời mời của Trùm Khanh Thu đã hẹn trước, lúc 11g. Vì tiện đường đi, tôi nhận lời đi uống cafe với cô bạn văn nghệ Như Nguyệt trong diễn đàn Phố Vui, ở Cafe Mưa Rừng lúc 8g30 sáng, vì Thứ Bảy NN bận đi làm nên không tới chỗ sinh hoạt Hồng Ân được; hẹn luôn Phi Loan vì chưa có giờ hàn huyên trong buổi tối Thứ Sáu ở nhà hàng Majesty. Thế nhưng phải 9g Như Nguyệt mới xuất hiện. Chúng tôi ngồi với nhau cả tiếng, nói với nhau năm điều ba chuyện rồi phải chia tay vì đã sắp tới giờ hẹn với anh chị em trước khi Phi Loan tới.

Khi chúng tôi tới nhà hàng Tài Bửu Paris trên đường Westminster, có lẽ còn hơi sớm nên phe ta chưa có ai tới. Tôi thấy hẹn đông anh chị em mà chỗ đậu xe trong khu nhà hàng rất khó kiếm nên gọi cho Trùm Khanh đề nghị đổi chỗ khác. Trong khi tôi liên lạc điện thoại thì Lt. Đủ đã gọi thức ăn. Vì thế khi Trùm Khanh gọi lại xác nhận đổi qua nhà hàng nem nướng Brodards ở ngả tư đường Westminster và Brookhurst thì nhà bếp đã làm gần xong thức ăn rồi, Lt. Đủ không tiện từ chối nên lấy mang theo.

Đến Brodards lại phải chờ một lúc lâu để có chỗ ngồi và chờ mọi người tới. Một lúc sau, Khanh-Thu, Phú-Thu, Lt. Lê, Bắc Kỳ Đồng, và 3 chị em nhà của Lt. Yên (đi làm) mới tới nơi. Đợi đến khi an vị, mọi người gọi thức ăn thức uống thì Lt. Đủ tới giờ phải đi làm. Mừng vui gặp lại nhau, ăn uống thả dàn, chuyện trò rôm rả và… cám ơn ông bà Trùm đã khoản đãi mọi người một bữa ăn trưa thịnh soạn.

Ăn xong qua trưa, mọi người chia tay ra về, hẹn gặp nhau ở buổi tiệc chiều tại nhà Đặng Trần Yên và Mimi, dành riêng cho một số bạn bè cùng khoá. Tôi chạy theo ông bà Trùm ghé thăm nhà để ông bà Trùm khoe một cây nhãn to tướng, chiếm cả một khoảng lớn của sân sau – nơi đã từng tổ chức tiệc tiền hội ngộ khoá 4/69 cả trăm người vài năm trước. Vậy mà, theo lời chủ nhà, năm nay coi như thất mùa, trái chỉ một phần so với những năm trước. Nhưng trái càng nhiều thì càng khổ vì cứ phải hái tặng biếu bà con, bạn bè hoặc rước khách về nhà cho tự do ăn tại chỗ, tự hái mang về. Không biết có giống dân nào thơm thảo như giống dân Việt hải ngoại? Trồng trọt đủ loại rau quả trong vườn rồi phải lo mang đi biếu tặng bạn bè một cách vui vẻ.

Rời nhà Khanh Thu về tới nhà nghỉ một lát để chuẩn bị phó hội nhà Yên-Mimi.

Theo lời mời, 5g chúng tôi có mặt ở căn nhà rộng rãi thoáng đẹp của vợ chồng Yên-Mimi ở vùng Fountain Valley. Đây là buổi họp mặt cuối cùng với anh em đồng khoá, và cũng là buổi tiệc cuối cùng kết thúc chuyến đi California 4 ngày của vợ chồng chúng tôi. Tôi cười nói với nhà tôi, “Từ nay trở đi mình nên đi Cali thường hơn để không phải vất vả với tiệc tùng nhiều như lần này.” Nhà tôi biết là tôi hay đùa nên nàng chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Buổi họp mặt hôm nay, vì là ngày trong tuần nên số đông anh em cùng khoá ở Vùng này không thể tham dự được. Vì thế, ngoài Phú-Thu, Khanh-Thu, Lê, gia đình các chị em Yên-Mimi có thêm một số bạn khác mà cũng rất lâu tôi mới có dịp gặp lại gồm có vợ chồng Sanh, Giàu-Thuý, vợ chồng Hùng khoá 5/69, và một ít bạn của gia đình.

Các chị em của Mimi từng có nhà hàng Huế Rendezvous nhiều năm nên hôm nay thiết đãi rất nhiều thức ăn Huế. Ôi đồ ăn thức uống ê hề, đủ món ngón vật lạ, rất ngon miệng, hạp khẩu vị mọi người. Anh em gặp nhau vui vẻ, cởi mở, nói cười không dứt… cho đến gần 10g đêm thì mọi người “tan hàng cố gắng”, hẹn nhau lần sau. Và vợ chồng chúng tôi cũng phải ra phi trường lúc 3g sáng để kịp giờ trả xe và làm thủ tục cho chuyến phi cơ cất cánh lúc 6g sáng.

Nhìn qua nhìn lại, lũ chúng tôi, một số đông đã giã biệt anh em, số còn lại kẻ chân trời người góc biển nhưng hầu hết đã nghỉ hưu; mỗi lần gặp nhau là mỗi lần vui tới bến, vì có ai biết được mai đây, mốt nọ ai sẽ là kẻ giựt đường, xé hàng đi trước! Tạm biệt các bạn, tạm biệt California.

Kingwood, tháng 8/2016

——————————————————-

Ghi chú:
(*) Lời bài thơ: Rồi Một Hôm của Thanh Tịnh:

“- Rồi một hôm nếu về cha hỏi
Mẹ ở đâu? con biết nói sao?
Con hãy bảo: Trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.

– Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao?
Con lặng chỉ bình hương khói tẻ
Và bên giường chỉ dĩa dầu hao.

– Nếu cha hỏi cặp tùng trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?
Con hãy chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên.

– Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết
Phải phương nào con nói cùng cha?
Con hãy chỉ bầu trời xanh biếc
Và bên trời chỉ có nội cỏ xa”


« TRANG NHÀ »