Thư Gửi Người Em Saigon

ngày 13.08.15

Lâu ghê


Để hồi đáp bức thư “Lâu Ghê Mới Gặp!” (*)

Còn có khi nào mình gặp lại
Chút tình miên viễn trả hư không

Kingwood, ngày… tháng… năm…

Mình đã gặp lại nhau, đi với nhau trọn một tuần lễ đầy – dù hầu hết đi với đại gia đình của anh ngoài một vài lần riêng lẽ, nhất là lần cuối cùng ngồi đối diện nhau trong quán café quen thuộc – mà vẫn không thể nói được tất cả điều thầm kín trong cùng tận đáy lòng. Nay, nhân dịp hồi đáp thư em gửi, anh mượn nó để nói hết những gì cần nói một lần rồi thôi.

Anh không biết là em vô ý viết lộn hay cố tình viết lộn con số thời gian? 40 năm chứ đâu phải 20 năm hả em! Rất có thể em cố tình để nghe nó nhẹ bớt những trải nghiệm đau thương trong đời sống của mỗi chúng ta; hay là để nghe cho có lý về một cuộc tình dang dở của đôi tình nhân sau một thời gian dài biệt tăm, mất bóng. Phải rồi, đâu có ai phải đau thương trong hoài vọng suốt hơn nửa đời người phải không em? Sẽ rất khó cho người ta tin một người con gái có dư điều kiện, có thừa bản lãnh, thông minh, xinh đẹp như em mà vẫn sống như một loại chùm gởi trên thân cây Việt Nam ruỗng mục 40 năm dài!

Vâng, chúng mình đã không gặp nhau 40 năm dài; thời gian có thể đã dài cho một số phận nhỏ nhoi nào đó. Nhìn chung quanh quán café anh cũng thấy hoàn toàn khác lạ so với khung cảnh ấm cúng, riêng tư thuở nọ. Dĩ nhiên 40 năm mọi việc đã đổi khác hơn nhiều, nhưng có quá nhiều cái đổi khác làm cho người Saigon cũ nhức nhối, làm cho anh trở thành lạc lõng, xa lạ trên chính quê hương mình. Anh có cảm tưởng mình đang ở một đất nước nào đó ở thế giới thứ ba chứ không phải chính giữa Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông của thời trước 1975. Cảm tạ ơn trên em không quá thay đổi theo cái xã hội bát nháo, vô cùng rối loạn này mặc dù chúng ta có già hơn xưa rất nhiều. Chúng ta đã gần đi trọn một cuộc đời; tóc anh đã bạc gần trắng đầu và tóc em cũng đã lốm đốm màu sương… dù anh có vẻ ngạc nhiên khi nhận ra em không có quá nhiều thay đổi như những người đàn bà trang lứa.

Anh thật sự rất ngạc nhiên đến ngỡ ngàng để biết, để nghe em kể về đời sống của riêng em. Anh dù có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được một người con gái giỏi giang, đầy kiêu hãnh đến cao ngạo như em lại có một cuộc đời thật lạ. Đâu có ai có thể tưởng tượng sau bao nhiêu thăng trầm, lăn lộn trong cuộc sống mà em vẫn là một người con gái trinh bạch!

Anh xin lỗi đã xỉ vả, mắng mỏ cái thằng đàn bà – Lã Quới Vỹ – đã làm hỏng đời em. Nó là ai mà dám đối xử thậm tệ với em như vậy? Anh bất cần nó là ai, nếu nó còn thô bạo như vậy anh sẽ không tha nó đâu nếu anh gặp lại. Thấy em chống đỡ yếu ớt rồi ngồi im không nói anh càng nổi giận. Anh không biết tại sao anh giận dữ như vậy nếu không phải vì tình yêu em còn sâu đậm nhường ấy. Vâng, anh còn yêu em nhiều lắm nhưng… yêu để mà yêu, để mà tiếc một thời đã qua chứ anh bây giờ đang có một gia đình hạnh phúc, một người vợ tuyệt vời, anh không đòi hỏi gì hơn và anh cũng biết em rất vui khi biết như thế.

Mặc dù em đã hai lần lắc đầu khi anh ngỏ lời cầu hôn với em năm xưa. Cho tới bây giờ anh vẫn không biết tại sao em lại làm như vậy trong khi em đã làm tất cả những gì của một người đang yêu chứ đâu phải riêng anh tự biên tự diễn, yêu đương một chiều. Bằng chứng cho đến bây giờ em vẫn còn yêu anh mới nhận lời gặp anh, đi chơi chung với đại gia đình cả một tuần lễ; nói với anh những lời tử tế, chia sẻ với anh những vui buồn của cuộc sống mà nhất quyết không nhận ở anh bất cứ một thứ gì dù anh tha thiết ước muốn giữa lúc em có bao nhiêu khó khăn giăng mắc. Em vẫn kiêu kỳ, em vẫn là em.

Vâng, anh yêu em hơn là anh tưởng. Vài lần nắm được tay em cũng đã làm anh rung động chơn chất, giống như thưở ban đầu. Chúng ta đã cùng bật cười thành tiếng lần nắm tay nhau dưới gầm bàn trong một nhà hàng đông khách nọ. Nói đến đây anh lại nhớ những ngày xưa thân ái quá chừng. Ba Mẹ hai bên đã coi chúng ta như chồng vợ sắp cưới mà cũng chỉ được vài lần lén lút hôn nhau khi xe lửa qua hầm Đèo Cả trong lần anh xin phép đưa em về thăm quê hương Miền Trung của anh. Những nụ hôn vụng trộm để lại men say chất ngất giữa lòng trời đêm đầy trăng sao vời vợi. Em nói đúng, em là hiện thân của một dĩ vãng tuyệt vời của chúng ta, là đại diện của một Saigon dấu yêu đã thất lạc trong anh, trong lòng những người Sagon xưa cũ. Kể từ hôm em dứt khoát lắc đầu khi anh nói với em sẽ không có lần nữa; anh cay đắng rời khỏi sân trường, rủi dong chinh chiến, rồi vận nước điêu linh đưa đến suy tàn, anh đã theo dòng người vượt thoát làn sóng đỏ bắc phương.

Người phương bắc như em đã chứng kiến 40 năm qua, đâu có ai tin vào sự hoang đường giả tưởng mỵ dân của những kẻ rao giảng giải phóng ngoài những tên đồ tể lợi dụng lớp bọc để mưu cầu lợi ích riêng tư. Ai giải phóng ai tự nó đã trả lời. Chiếm miền Nam để đưa toàn dân đến thiên đường xã hội chủ nghĩa!? Thiên đường mù đó đã chứng minh là một bánh vẽ vô duyên, trâng tráo khi dân quân miền Bắc tiến vào thủ đô Saigon. Thế giới đại đồng của họ là một bình phong cho những cướp giựt trắng trợn; tình đồng chí của họ là những bao che cho nhau giữa những lục lọi, chiếm đoạt, giết chóc, hà hiếp miền Nam. Họ hô hào Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc cho ai nếu không chỉ dành riêng cho chính họ – những người miền Bắc đói kém và gia đình cách mạng điên cuồng ăn bánh vẽ! 40 năm! Một đất nước đầy tài nguyên, không có chiến tranh; một dân tộc cần cù chịu khó, thông minh… lại đứng gần áp chót của nghèo khổ, chậm tiến. Chưa kể tới một xã hội Việt Nam càng ngày càng băng hoại; từ tình cảm con người với con người, tới học đường, văn hóa, chính trị; đến tất cả cơ quan công quyền từ anh công an đứng đường cho đến quan chức ở thượng tầng lãnh đạo!

Thôi em nhé, dẹp hết đi, mình nói chuyện hiện tại, kẻo không máu của anh lại trào ra mắt, niềm tức giận làm nghẹn cả cổ, đầu óc mụ mị, u tối thêm.

Em hỏi anh gia đình vợ con ra sao, hạnh phúc không? Anh chưa kịp trả lời thì em đã rào đón trước, “đừng có than vợ khen con như hầu hết quý vị đàn ông mà em thường gặp. Và em chỉ muốn nghe chuyện của cá nhân anh thôi.” Em à, trước nhất anh không phải những người đàn ông em đã gặp; em biết tính anh mà, nếu không thể tốt hơn thì chẳng thể nào tệ hơn so với những ngày xa em. Một tuần đi chơi chung với gia đình chắc em cũng đã cảm nhận điều đó. Dù chúng ta cũng đã có lúc ngồi riêng với nhau nhưng sao vẫn không nói được điều muốn nói đang cháy bỏng trong lòng. Cá nhân anh không có thành tích gì đặc biệt và đáng hãnh diện cho lắm. Nhưng hãy xem như chúng mình là hai người bạn thân lâu ngày gặp lại; em hỏi anh trả lời thật thà, đứng đắn để biết về nhau thôi chứ không nhằm khoe cái hạnh phúc của riêng anh trước một cuộc đời em cay nghiệt.

Theo em biết đó, ngày cuối tháng tư 1975 anh đã phải chạy mất dép, bỏ lại cả gia đình cha mẹ anh chị em. Được bà Mẹ nuôi người Mỹ bảo trợ anh ra khỏi trại tỵ nạn sau vài tuần lăn lóc mất định hướng. Ra khỏi trại tỵ nạn ngày Thứ Bảy, sáng Chủ Nhật bà dắt đi nhà thờ để cảm tạ Chúa, Thứ Hai đi làm bán thời gian với một người bạn nhà thờ của Bà ấy… Kể từ đó, cuộc đời anh với bao nhiêu thăng trầm, nghiệt ngã… vì anh có nghề ngỗng gì đâu ngoài nghề học trò và nghề làm lính chiến! Anh đã cố gắng tối đa trở lại trường, vùi đầu vào sách vở, vừa đi làm vừa đi học, để không có thì giờ trống nghĩ ngợi, thương nhớ và lo lắng về gia đình vốn không có một tin tức nào, không biết trôi nổi ở đâu. Ba năm sau anh lập gia đình với một cô bạn học chung trường, chung lớp khi được tin Ba Mẹ anh chị em vẫn được bình an, chỉ tội cho anh Ba đã bị chúng nó đày ải trong các trại tù gọi tên cải tạo lâu dài.

Mãỉ tới năm 1980, vợ chồng anh mới xong đại học và cùng lúc chào đón đứa con trai đầu lòng; ba năm sau thêm một cô nương xinh xắn. Hai vợ chồng lại lao đầu vào thương mại nhưng không thành công cho lắm sau sáu năm xoay trở đủ chiều. Anh muốn có bốn đứa con cho vui nhà vui cửa nhưng trời chỉ cho có ba đứa. Cậu con trai út cách chị nó 6 tuổi. Hiện tại lũ nhỏ đã khôn lớn, đứa nào cũng đã học xong bốn năm đại học, riêng con bé học lên tới Cao học về Quản trị Tài chánh và cũng là đứa duy nhất đã an bề gia thất. Riêng anh đã nghỉ hưu vài năm rồi trong khi bà xã còn vài năm nữa mới chịu nghỉ.

Em nhắc lại bài thơ của em anh đã đọc thuộc lòng cho em nghe hôm sum họp. Em biết tại sao anh thuộc lòng bài thơ không có gì đặc sắc đó so với vô số bài viết giá trị của em không? Chắc em đã biết nhưng anh muốn một lần nói ra cho nhẹ lòng. Đó là vì anh ghen, anh tức, anh tự ái. Em từ chối lời cầu hôn của anh để rồi làm thơ cho mấy thằng Mi, thằng Thức! Thằng Mi dở dở ươn ươn sao sánh bằng anh được; còn thằng Thức thì hết bồ này tới bồ khác, đâu phải túyp người của em! Cho đến sau này anh mới nghiệm ra rằng em chỉ cố tình trêu chọc anh một cách vô tâm, hoặc cố ý thử lòng anh vậy thôi… ai ngờ sự thiếu chín chắn, thiếu kiên nhẫn của anh đã làm nên cảnh chia ly lâu dài. Suy đi nghĩ lại chỉ có anh mới xứng đáng làm người yêu, làm chồng của em thôi – không phải anh hợm mình như em biết đó – nhưng tại sao em cương quyết chối từ? Nếu em nói còn ham chơi, còn tiếc thời con gái, muốn tự do thêm một thời gian nữa sao em không thẳng thắn nói với anh? Anh sợ mất em chứ anh cũng đâu có gấp muốn lập gia đình! Lứa tuổi đôi mươi lo thân chưa được thì làm sao nuôi vợ nuôi con hả em? Tất cả chỉ vì anh quá yêu em và sợ mất em. Anh sợ mất em, đơn giản chỉ có thế thôi!

Hôm gặp em lần cuối trước khi rời Việt Nam, anh ao ước em có thể tới phi trường tiễn anh đi; vậy mà em lắc đầu. Lại lắc đầu! Anh cũng biết sự chia tay nào cũng buồn bã nhưng kinh nghiệm cái lắc đầu của em lần đó, anh sợ mình không đủ thời gian để chờ đợi thêm 40 năm nữa. Anh cố nài nỉ để nghe em nói “nếu có bao giờ anh thong dong tự tại một mình, anh thu dọn về đây sống với em những ngày tháng cuối đời.” Anh nói, “em chọc anh thôi chứ em cũng thừa biết là anh yêu vợ thương con đến nhường nào.” Em cười mỉm rồi cúi mặt để cho nước mắt lã chã rơi.

Em kể anh nghe giai thoại hài của bạn Ngọc nào đó của em – Chuyện “Lâu ghê mới gặp”. Mới đầu nghĩ lại anh bật cười khan một mình. Nhưng rồi, từ từ anh mới nghiệm ra… giai thoại cười của em kể dường như đầy ẩn dụ cay đắng đối với hoàn cảnh của chúng mình, của em. Thôi em à! Chuyện chúng mình đã là như thế, dù muốn dù không cũng nên chấp nhận thôi. Tình cảm anh với em cũng giống như tình cảnh Ba Má Ngọc. Họ cãi nhau, ly dị, nhưng trong lòng vẫn còn yêu nhau. Kịp đến khi nhận biết thì mọi chuyện đã muộn màng. Anh biết em vẫn còn yêu anh lắm và anh cũng đã nói với em “anh còn yêu em nhiều hơn anh tưởng”, nhưng số phận đã an bài cho mỗi chúng ta có riêng một lối về.

Xin hãy xem nhau như là một người bạn thân mến hơn bất cứ một người bạn thân mến nào. Mai sau – nếu không là 40 năm kế tiếp – chúng ta lại có dịp hạnh ngộ nhau lần nữa, dù chỉ để ngồi bên nhau, ngó nghiêng mà giải bày những u uất trong đời nhau như chúng ta đã làm trong mấy lần riêng lẽ vừa qua. Hãy nói với nhau bằng tất cả chân tình câu “Lâu ghê mới gặp” mà không cần phải tủi buồn, cay đắng gì thêm, em nhé.
Thương quý,

Thương quý,
Yên Sơn

(*) Chú thích: Trích đoạn bài viết “Lâu Ghê Mới Gặp” của Nguyễn Thị Minh Ngọc:

“Bạn đồng nghiệp tấu hài của Ngọc gặp nhau cứ chào: “Chà! Lâu ghê mới gặp!” rồi ré lên cười từng cơn trước khuôn mặt bẽn lẽn với một chút gì hạnh phúc của má nó. Thấy em ngơ ngác, tụi nó kể:

– Cô Ngân biết không, đêm qua lúc nhắc tụi em nhớ đến dự lễ 49 ngày của Ba nó, Ngọc có kể hai giai thoại trong ngày ba nó mất.

Giai thoại một, ai cũng biết ba má nó ly dị nhau đã lâu. Hình như ba nó bị một tình địch hành hung lén, nặng tới độ phải đưa vào bệnh viện cấp cứu trong trạng thái hôn mê. Chỗ ông nằm tấp nập các cô vô thăm. Khi má đưa tay lên mũi của ông xem hơi thơ, ba nó bỗng cắn chặt ngón tay bà như muốn nói một điều gì rồi… ông tịch luôn. Các cô khóc rộ lên, bị má nó trừng mắt: “Câm ngay mấy con đĩ chó kia, chồng tao phải để tao khóc trước!” Khi các bà kia tạnh im phăng phắc xong, má nó mới bung người ra khóc như một người lĩnh xướng, các bà Hai, bà Ba, bà Tư mới nỉ non làm dàn đệm đồng khóc bè theo.

Giai thoại hai, má nó lãnh phần tắm rửa thi thể cho ba nó. Xong phần tay chân mặt mũi, xong đến cổ, thân mình, bụng… tới chỗ “đàn ông” nhất, bà khựng lại vài giây rồi thở ra, có lẽ với một chút ngậm ngùi: – “Chà! Lâu ghê mới gặp!”


« TRANG NHÀ »