Tản Văn: Cậu Cháu Của Tôi

ngày 22.08.19

Cậu Cháu1


Tôi đâu muốn chạy vội nhưng thời gian cứ đùn đẩy tôi về phía ngả bảy rất nhanh. Ở chỗ tôi đứng, tôi phải luôn mắt thấy tai nghe lũ bạn bè, hết đứa này tới đứa khác cùng trang lứa, tranh nhau biểu diễn; hết khoe cháu nội đến khoe cháu ngoại; hết cháu gái lại tới cháu trai bằng hình ảnh đầy rẫy hộp thư. Có đứa còn tự tuyên bố 3-0; 5-0; thậm chí có người đã có cháu cố, nghe mà muốn… nổi dóa!

Nhìn những đứa bé bầu bĩnh, lý lắc trông dễ thương ơi là dễ thương, tôi lại thúc giục mấy đứa con trai con gái… nhưng chúng nó cứ hẹn lần hẹn lựa và thời gian cứ vụt vù trôi. Năm rồi con gái lập gia đình làm chúng tôi mừng quên luôn ngày tháng. Và tôi không hề “pressure” hay trực tiếp “nhắc nhở” gì với nó, chỉ có mỗi khi thấy hình bé nào kháu khỉnh quá tôi khoe cho con gái xem, nó lại nhìn tôi cười, lắc đầu, “Ba à! Don’t even think about that yet Papa!” Hoặc là “tụi con muốn giữ cho Ba trẻ lâu, lên chức Nội Ngoại nghe già lắm Ba à”, rồi wink wink con mắt.

Kiểu cách của những bà mẹ Việt Nam chân truyền từ đời này qua đời khác, từ VN qua tới nước ngoài, “mua cái nhà lớn cho con cái ở”. Lúc chúng còn nhỏ thì dĩ nhiên hợp lý vô cùng; nhưng khi chúng nó đã lớn khôn, như bầy chim đủ lông đủ cánh thì bầu trời xanh là những cám dỗ tuyệt vời, nhất là nếp sống và tập quán của phương tây. Chúng dọn ra ngoài để lại hai con khỉ già ngồi nhìn nhau rồi cãi lộn. Thế nhưng khi tôi đề nghị bán nhà này và mua căn nhà nhỏ hơn, “my house” nhất quyết bàn ra liền với lý do cho là chính đáng, “Rồi mai mốt con cháu về chỗ đâu chúng ở?” Hoặc là, “Nếu mình bán nhà này là gián tiếp khuyến khích chúng nó không về!” Đành bó tay để mỗi ngày nhìn tầng lầu trên mà đau cả đầu gối; nhất là lâu lâu phải lên đó hút bụi, điều chỉnh máy lạnh, xả nước phòng tắm kẻo bị hư hại.

Nhà tôi còn trẻ nên còn hăng làm việc, dù tôi cứ phải nhai đi nhai lại câu nói cũ rích của người xưa, “Biết đủ là đủ đợi đủ bao giờ đủ” cũng chẳng ăn thua gì. Tôi nói, “Thôi em ở nhà rồi mình đi du lịch kẻo xài tiền không kịp.” Nhà tôi hứ nghe dài thậm thượt rồi ngôn rằng, “Tiền hưu của anh có hơn ngàn bạc mỗi tháng mà làm tàng.” Tôi cố chống chế, “Thì tiền đó đủ để trả thuế và bảo hiểm rồi; còn tiền ăn uống của hai đứa mình đâu có bao nhiêu trong khi không nợ chẳng nần gì hết.” “Rồi tiền đâu mà đòi đi chơi?” Tôi cứng họng nói liều, “Không có thì không đi, hoặc lâu lâu con cái thấy tội nghiệp mua vé cho bố mẹ nó đi chơi.” “Ở đó mà trông đợi hão! Chúng nó không nhờ đến mình là may lắm rồi.”

Nghe bạn bè xúi giục, “Mai mốt chính phủ hết tiền thì xôi hỏng bỏng không.” Tôi nghỉ hưu sớm! Tôi nhớ hoài cái cảm giác đầu tiên hôm quyết định nghỉ hưu. Buổi sáng hôm đó tôi bỗng ngồi dựng dậy thảng thốt, “Chết rồi, quên vặn đồng hồ báo thức, trễ giờ đi làm rồi! Nhà tôi cũng giật mình ngồi dậy theo rồi nói, “Hôm nay anh nghỉ hưu rồi mà!” Ôi trời ơi… một cảm giác thênh thang, mênh mang sướng ơi là sướng, sau bao nhiêu năm giật thót cả người vì đồng hồ báo thức mỗi sáng! Tôi vừa vui vừa tức mình, ngứa tay cầm chiếc đồng hồ trên bàn ngủ ra sân vất tuốt xuống con suối sau nhà! Vừa trở vô tính ngủ lại thì bị nhà tôi cằn nhằn, “Anh phải đi mua cái khác cho em rồi vì em còn phải đi làm dài dài mà!” Tôi tiu nghỉu nhưng vui, không ngủ lại được!

Từ ngày tôi nghỉ làm, có lẽ cảm thông nỗi hiu quạnh mỗi ngày, nên nhà tôi càng tỏ ra tử tế với tôi hơn nhiều. Mỗi sáng ở văn phòng đều gọi về nhắc tôi ăn sáng, đi đánh tennis, đánh golf… vì sợ tôi ngồi thiền trên mạng “chat chiết” lung tung. Nấu ăn để phần trưa trong tủ lạnh mỗi ngày để tôi bớt thăm viếng các tiệm gà chiên, hamburger, taco, tiệm Tàu… Tôi nói với nhà tôi chẳng thà tôi nhịn đói chứ nhất quyết không ăn tiệm Tàu khựa thêm một lần nào nữa.

Mùa hè năm trước, tôi bàn với nhà tôi “Xin giữ thằng cháu con cô em Út của tôi trong dịp nó nghỉ hè”. Nhà tôi và lũ con hoan hô cả hai tay lẫn hai chân. Thằng bé 9 tuổi, ngoan ơi là ngoan; ngoài việc học hành giỏi giang còn rất ngoan ngoãn, lễ phép, nói được tiếng Việt trôi chảy. Việc còn lại là làm sao thuyết phục được cha mẹ nó; nhất là cô em Út của tôi.

Cô Út nhà tôi là em gái út trong gia đình có 9 anh chị em, và là một trong 3 con gái. Được mọi người cưng chiều hết mực từ tấm bé nên có tính hay hờn mát, nhõng nhẽo. Hồi nhỏ cô ấy có tên “con bé hai mùa mưa” vì thường hay hát rất hay bản nhạc “Hai Mùa Mưa” của nhạc sĩ Lê Minh Bằng. Lũ con trai chúng tôi nửa ở chiến trường, nửa còn đi học. Cô em gái thứ sáu không may bị chết non vì bệnh khi vừa năm tuổi. Những lúc khốn khó nhất của Ba Mẹ chúng tôi sau này chỉ có hai cô em gái sớm hôm quanh quẩn tùng huyên, mà gánh nặng luôn nằm trên vai cô thứ Năm. Cô Năm đã lập gia đình nên lúc đầu chỉ có thể bảo lãnh cho cha mẹ và các em chưa có gia thất. Vì phải chờ đợi giấy tờ bảo lãnh bao năm dài nên cô Út lập gia đình rất muộn sau nhiều năm đặt chân tới Mỹ. Vì thế, khi cô có được hai đứa con trai thì hết mực nâng niu chiều chuộng. Anh em chúng tôi thường nói với cô ấy, “Làm như một mình em mới biết thương con!” Mặc chúng tôi nói cứ nói, việc cô ấy làm cứ làm. Cô Út có hai con trai cách nhau vài tuổi. Ngoài giờ làm việc là giữ ghịt chúng nó bên mình. Tự lái xe tất bật đưa rước hai con đi, về học mặc dù hai cu tý được đặc quyền đi xe bus nhà trường miễn phí. Chồng làm cán sự y tế cho bệnh viện ban ngày, về tới nhà là vợ đi làm kế toán nhà băng ban đêm; thay phiên nhau lo cho lũ nhỏ từng ly từng tý từ khi lọt lòng, đến nay cả hai đã lên 8, lên 10.

Có một lần sinh nhật lũ nhỏ, cô Út mời đại gia đình. Khi cắt bánh, Mẹ tôi, tức là bà Ngoại chúng nó, hỏi Út, “Sinh nhật đứa nhỏ hay đứa lớn vậy Út?” “Dạ của thằng Andrew, chứ không phải thằng Aaron.” “Wới trời! Hết tên đặt sao lại đặt tên con kỳ cục vậy Út?” Mẹ làm vẻ “thật thà” nhưng Út nhà tôi tưởng thiệt nên hỏi lại với cái mặt quạu đeo, “Sao Mẹ lại nói kỳ cục?” “Thì một đứa bắt ăn rêu, đứa kia lại bắt ăn rong, sao tội vậy con!” Cả đại gia đình được một dịp cười như vỡ chợ.

Được sự đồng lòng của tiểu gia đình, một Chủ Nhật vợ chồng tôi về thăm Mẹ như thường lệ. Tôi nói với vợ chồng cô em:
– Hai em nè, anh tình nguyện đem thằng Khoa về ở với anh chị trong tuần suốt mùa hè. Anh chị sẽ lo cho nó đầy đủ. Anh sẽ dạy nó tập võ, tập bơi, đạp xe đạp. Bảo đảm một mùa thôi sẽ khác biệt ngon lành.
Thấy cả hai ngần ngừ, tôi bồi thêm:
– Con trai lớn đầu mà ở riết với mẹ đâm ra nhát như cáy lại không có thể thao, thể dục mai mốt mập phì ra thì thật là khó coi. Hơn nữa, mai mốt đi học xa thì làm sao tự vệ được?
– Anh nghĩ sao anh? – Cô Út quay qua hỏi chồng.
– Thì tùy em thôi, ở với anh chị Tư là tốt cho Khoa quá rồi!
– Nhưng em nhớ con làm sao chịu nổi?
– Chỉ cách một tiếng lái xe mà làm như đem về VN không bằng!
– Anh tính sao anh Tư?
– Chiều Chủ Nhật mỗi tuần, khi ở Mẹ về, anh chị mang nó theo; mỗi chiều Thứ Sáu, vợ hoặc chồng lên rước.
– Để cho em chuẩn bị tinh thần đã!
– Không được! Không chịu thì từ nay anh dứt khoát không hỏi, không nhận nữa!

Tôi biết là vợ chồng đã xiêu lòng nên tố thêm cho chắc ăn. Đã vậy mấy anh em với Bà Ngoại còn đồng lòng đốc thúc:
– Chỉ có thằng Khoa mới được diễm phúc đó, còn không dạ mau cho được việc!
– Như vậy là em phải chạy về nhà sắp sửa đồ đạc cho Khoa bây giờ hả anh Tư?
Cô Út rơm rớm nước mắt hỏi. Chồng cô Út nói:
– Thôi để anh chạy về lấy cho.
– Anh biết đâu mà sắp xếp. Để em đi.

Biết tính tôi nói một lời giữ một lời nên vợ chồng Út nhà ta riu ríu nghe theo. Tôi mở cờ trong bụng. Thế là tôi cũng có cháu để khoe với mấy ông bạn “trời đánh” rồi.

Bé Khoa cũng rơm rớm nước mắt theo Cậu Mợ về Kingwood. Cậu nhìn vào mắt nó, nó vội lau nước mắt. Lần đầu tiên trong đời xa cha mẹ nó nên không vui là cái chắc. Tuy nhiên, vì sợ Cậu nên không dám nói gì cũng chẳng dám chứng tỏ yếu lòng. Suốt chặng đường một tiếng lái xe, chúng tôi tìm cách nói chuyện lung tung cho cháu đỡ buồn. Cho nó thời khóa biểu mỗi ngày để biết cái gì nó sẽ làm suốt tuần. Về tới nhà cũng đã muộn, tôi đưa cháu lên tầng trên chỉ cả 3 phòng trống cho nó chọn lựa. Cu Khoa lựa phòng của anh Bảo nhỏ nhất.

8g sáng hôm sau, tôi trở dậy như mọi ngày nhưng niềm vui chợt đến khi nhớ thằng cu tý đang ở trên lầu. Tôi gọi cháu dậy và Cậu cháu chạy ra chợ lựa cereal nào nó thích ăn cùng với bình sữa mang về. Hai cậu cháu ăn sáng. Xong cháu đọc sách, Cậu ngồi thiền internet, thỉnh thoảng ra nhổ cỏ, cắt tỉa vườn hoa chờ đến 11g hồ bơi mở cửa.

Hai cậu cháu đi hồ bơi. Thằng bé chưa hề được tắm hồ nên sợ nước. Tôi phải làm mặt nghiêm nó mới rón rén xuống chỗ cạn nhất. Từ từ tôi dắt nó ra chỗ sâu hơn, tới chỗ nước gần ngập mũi nó bám chặt vào tôi không chịu buông. Tôi vào văn phòng hồ bơi mượn một chiếc phao cho nó bám vào và nó nhất định cậu phải giữ vào cái phao mới chịu…

Tôi dạy con nít mấy chục năm qua, kiên nhẫn có thừa nhưng với bản tính nhút nhát của nó cũng làm tôi phát quạu. Hơn một tiếng đồng hồ răn đe, hai chân nó mới chịu đập làm tung tóe nước. Tôi bỏ phao, hai tay đỡ vào bụng, chỉ cho nó cách đập chân quạt tay… nhưng thiệt là vô vọng! Tôi làm mặt giận cùng nó ra về.

Về tới nhà, tôi lục cơm trong tủ lạnh đã được nhà tôi xếp đặt sẵn trước khi đi làm sáng nay. Hai cậu cháu ngồi ăn và tôi giải thích cho nó biết là nó không thể rụt rè, nhút nhát như vậy được. “Ở với cậu là phải tin tưởng, vâng lời, và cố gắng học hỏi; phải luôn luôn kiên trì và tận sức mình.” Tôi nói nửa Việt nửa Mỹ xong bắt nó tóm lược những gì tôi vừa nói để chắc chắn nó hiểu rõ.

Xong bữa cơm, tôi cho nó chơi game bằng iPad một lúc trong khi tôi lên internet tìm mua xe đạp cho nó. Tôi gọi cho con gái báo cho biết là Khoa đã lên ở với Ba Mẹ rồi và biểu nó hỏi thăm bạn bè có ai bán xe đạp cũ của con nít hiệu tốt hay không. Bạn bè của lũ con tôi có rất nhiều đứa lập gia đình và có con lớn. “Con gái rượu” rất hào hứng nói liền, “Ba để con tìm và mua tặng cho em; chắc chắn vài hôm sẽ có.” Tôi yên tâm, không tìm nữa; ngồi xem thư từ cũng như xem xét trang Website riêng của tôi rồi bảo cu Khoa tiếp tục đọc sách trước khi đi trường võ.

Cái gì chứ đọc sách là nó rất vui. Thì giờ rảnh của nó chỉ chơi games và đọc sách. Đi đâu cũng chỉ mang theo sách và iPad. Tôi luôn khuyến khích con cháu đọc sách, nên lúc nào gặp cậu mợ thì chỉ có sách và sách và thôi. Tuy nhiên cứ vài giờ đọc sách tôi cũng cho nó chơi games nửa tiếng. Sách đọc không bao giờ hết, chưa kể tới thư viện. Tôi có 3 đứa con đều thích đọc sách, nên sách ở mọi nơi trong nhà kể cả ngoài trường võ.

Hai giờ chiều cậu cháu ra đến trường. Cu Khoa có vẻ háo hức học võ. Tôi lấy bộ võ phục mới toanh đưa cho nó thử vừa y. Để nó không bỡ ngỡ khi lát nữa tập chung lớp với nhiều học trò khác, tôi chỉ cho nó những động tác làm ấm người cơ bản. Thằng bé rất sáng dạ, chỉ tới đâu làm được tới đó. Tôi rất vui trong bụng; chỉ nó vài thế đá bao cát rất tốt. Sau gần 50 năm trong nghề, tôi nhận thấy người Á Đông rất ham chuộng võ thuật, dễ dạy, học nhanh lại dẻo dai, bền bỉ và chịu khó hơn người Phương Tây. Dân Mễ và người da đen cũng gần tương đương, có sức mạnh bạo hơn nhưng độ dẻo dai (flexibility) không tốt bằng. Dân Mỹ trắng thì phần đông xương cốt cấu trúc thô cứng hơn rất nhiều, cộng thêm độ chịu đựng thấp, tính ham vui và ít kiên nhẫn.

4g chiều là lớp đầu tiên. Cu Khoa nhập lớp một cách tự nhiên. Bạn học được giới thiệu học trò mới với võ phục mới toanh mà lại có thể làm tất cả các động tác thể dục khởi động (warm up exercises) một cách nhuần nhuyễn nên cũng có phần nể nang. Nhất là tới phần đá bao (bag) và đá mục tiêu (paddle) đều thể hiện rất ngon lành. Khi nghỉ xả hơi, học trò các cấp to nhỏ với nhau “chắc nó học ở đâu rồi nên mới giỏi như vậy?”

Lớp con nít chỉ có một tiếng dài. Lớp người lớn và cấp cao (advanced) một tiếng rưỡi. Mỗi ngày tôi chỉ dạy 2 lớp con nít và một lớp người lớn, và dạy 5 ngày một tuần. Hồi còn trẻ, tất cả các lớp đều dạy đúng một tiếng rưỡi; đôi khi cao hứng, lớp người lớn dạy luôn hai tiếng, dạy luôn cuối tuần… nhiều năm như vậy dù bị cha mẹ, phụ huynh than phiền hoặc không theo nổi. Hậu quả của chương trình dạy như vậy cho tôi có một số đông võ sinh tài giỏi (hầu hết thanh niên VN), còn phần đông học trò bỏ cuộc dài dài. Bây giờ rút ngắn thời gian lại không phải tôi làm theo khuynh hướng thị trường đương thời mà là chính bản thân mình cũng không kham nổi vì đuối sức; bầu nhiệt huyết cũng giảm bớt và lý tưởng cũng không còn như những năm xưa; trong khi đó, hơn 90% học trò hiện thời là người ngoại quốc, rất ít người tận sức vì võ thuật mà hầu hết là tập cho khỏe hoặc đến để được hướng dẫn kỷ luật cá nhân, tự vệ, tự tin, chú tâm, cho bớt mập… Ngày xưa học võ là học thật sự, còn bây giờ học võ chỉ là môn thể thao. Dạy võ ngày xưa là truyền đạt tài nghệ để cho người ta phòng thân hoặc cao cả hơn là giúp đời, giúp nước; bây giờ chỉ phục vụ mục đích thương mại, nhất là sau khi môn Taekwondo được cho vào tranh đua ở Thế Vận Hội Quốc Tế. Đôi khi mệt mỏi tôi cũng muốn làm giống “công nghệ võ thuật ngày nay”, nhưng cũng không đủ tài năng làm “thương mại” với tâm huyết của mình nên cứ tàng tàng đi tới; nửa nạc nửa mỡ chờ đợi nhà tôi nghỉ việc để cùng nhau quảy gánh giang hồ.

Xong lớp đầu là võ phục thằng bé ướt đẫm mồ hôi. Tiếp tục lớp thứ hai, tôi cho nó ngồi nghỉ xả hơi, đọc sách nửa tiếng xong bắt tập tiếp. (Nhớ ngày xưa mỗi lần tập võ nhiều tiếng đồng hồ, tập khó khăn hơn nhiều mà có dám than vãn gì đâu!). Đến lớp thứ ba cũng vậy. Xong buổi tập trông thằng bé xác xơ cũng thấy tội nghiệp, nhưng khi nghĩ tới ở tuổi nó ngày xưa của tôi… ôi gian khổ cả chục lần!

Về tới nhà hơn 8g tối. Mợ nó hối cậu cháu tắm rửa để ăn tối kẻo muộn quá.

Buổi tối được cho ăn khoai nướng với đủ thứ lẩm cẩm… bỏ trộn chung (bacon bit, cheese, sour cream, hành lá xắt nhỏ, BBQ pork cộng thêm một cái trứng trán và đĩa rau xà lách. Thằng bé vừa ăn vừa xuýt xoa, “ngon quá mợ Bốn, mẹ con không nấu mấy đồ ăn ngon như vầy.” Thấy nó ăn ngon lành chúng tôi rất vui làm nhớ tới 3 con chim lìa tổ. Thật hạnh phúc để lu bu với nó và tiếng thỏ thẻ trẻ thơ đã rất lâu rồi chúng tôi quên mất. Tôi gọi con gái:
– Hế lô du, Ba có Khoa rồi không thèm nhớ con nữa.
– Nhưng con vẫn là “con gái rượu” của Ba. – Nó cười rất tự tin.
– Thì mang rượu về ba mới tin.
Tôi gọi thằng con nhỏ ở xa:
– Hế lô Bảo Bảo. Hôm nay ba mẹ có em Khoa rồi không cần phải nhớ con nữa.
– Nhưng em Khoa không phải là Bảo Bảo. Bảo Bảo của ba năm-bà-oanh.
– Lâu quá không về sẽ xuống năm-bà-chu à nghen.
Gọi thằng lớn:
– Lính ơi! Ba mẹ có em Khoa rồi, khỏi phải mỏi mòn chờ đợi con về.
– Con mừng cho Ba Mẹ nhưng con biết chắc không ai có thể thay thế con được, vì con là “thằng lính của Ba” và một trong số rất ít người VN cao nhất. – Nói xong nó cười ha hả, không chút nao núng.

Tôi cho thằng bé chơi game thêm một lúc; đọc thêm một chương sách nữa trước khi đi ngủ.

Một ngày bận rộn đi qua êm đềm.

* * *

Ngày tiếp nối ngày đi qua trong an vui, hạnh phúc. Thằng bé mỗi ngày vượt thêm một giới hạn mới trong việc bơi lội, vững vàng hơn trong các kỹ thuật và bài quyền nhập môn. Hết tuần lễ đầu, nó đã bơi được một mình suốt chiều dài của hồ 75 mét; đã dám nhảy cầu Springboard cao 5 feet; dám tuột water slide tube 10 feet cao cùng với lũ nhóc trong xóm. Việc học võ cũng tiến bộ rõ rệt; đã thuộc bài quyền nhập môn, đấm đá có nét, làm các động tác thể dục một cách nhuần nhuyễn. Trong những giờ trống hoặc lúc ngồi trên xe, tôi thường đem những điều hay, lẽ phải giảng giải cho nó và chỉ nói bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất để nó có thể lãnh hội được. Đại lược về những giáo điều của môn phái (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và đức khiêm nhường); học vấn và kiến thức đối với tương lai của một người; sự tương quan giữa thành công của một người và nền tảng gia đình, xã hội; chuyện quê hương, đất nước và người tỵ nạn chính trị… Lâu lâu tôi lại hỏi nó một vài điều tôi đã giảng giải hoặc cho tôi biết nội dung sơ lược về những sách nó đã và đang đọc. Thằng bé sáng dạ nên chúng tôi rất vui lòng.

Cuối tuần họp mặt gia đình như thường lệ. Tôi kể chuyện tuần qua và những thành quả của cu Khoa, Mẹ tôi và các Cậu Mợ Dì Dượng của nó rất vui mừng vì nó đã từng phần vượt lên trên tính nhút nhát cố hữu của nó. Đến lúc mọi người chia tay, vợ chồng con gái và chúng tôi cố nán lại về sau cùng vì con gái cho biết đã mua được xe đạp cho Khoa giấu trong thùng xe pick up. Sở dĩ làm như vậy vì Ba Mẹ nó có vẻ ngập ngừng cho nó tập xe đạp, sợ nó té đau và xe cộ nguy hiểm. Tôi quyết định cho nó chạy giỏi rồi mới bất ngờ cho Ba Mẹ nó biết.

Sáng hôm sau cho nó tập xe đạp. Với bản mặt nghiêm khắc của tôi, nó không có lý do để không cố gắng sau những lần ngã lên ngã xuống trầy tróc chút đỉnh. Một buổi sáng đã qua với thành quả chạy được một mình trên đường bằng phẳng. Sáng hôm sau theo tôi chạy xa hơn. Hôm sau nữa bắt đạp lên dốc lài, rồi dốc cao hơn… Đến ngày Thứ Sáu đã có thể đạp theo tôi trên con đường vòng vèo, lên xuống Green Belt trong khu xóm.

Thế là việc tập xe đạp đã thành công. Cuối tuần nó khoe nhắng lên về việc biết đạp xe đạp đường dài, đã bơi liên tục được 5 vòng hồ ít hơn 5 phút, đã tập thành thuộc bài quyền nhập môn, đã có thể song đấu với nhiều bạn cùng lứa tuổi. Nó cũng tới ôm và nói cám ơn anh chị Quân-Hoài Hương đã tặng xe đạp cho nó. Mẹ nó xuýt xoa về mấy vết trầy sướt trên tay chân con, khám cả trên người nó rồi chạy đi mua ngay nón an toàn.

Trước khi mùa hè chấm dứt, tôi cho nó thi lên đai. Nó chứng tỏ khả năng rất tốt và được cho lên thẳng Yellow Belt (đai vàng) mà một đứa trẻ bình thường có thể phải mất ít nhất 6 tháng tập luyện. Ngoài võ thuật, thằng bé cũng đã bơi liên tục 30 vòng hồ (2250m); nhanh nhất cho 75 mét là 40 giây. Tôi không được học hỏi cách bơi lội đúng nguyên tắc nên chỉ dạy cho nó bơi trường lực mà thôi – cái này gọi là “có sức nổi lềnh bềnh.” Riêng món xe đạp đã trở thành “cơm sườn” đối với nó. Với thành quả này, dĩ nhiên không riêng gì Ba Mẹ nó mà cả đại gia đình đều rất vui mừng thấy thằng bé đổi khác đi nhiều từ thể chất đến tinh thần. Chúng tôi cũng lưu luyến chia tay hẹn mùa sau.

Suốt thời gian trở lại trường học cho đến ngày mãn khóa, thằng bé vùi đầu với sách vở và bao nhiêu chương trình phụ trội sau giờ học nên không có dịp ôn tập cả ba môn. Ba Mẹ nó sợ tôi buồn nên hay “phân bua” nhưng tôi thông cảm, nói với Ba Mẹ nó để mùa sau sẽ tiếp tục.
Mùa sau đã đến.

Khi “tiếng trống tan trường” bắt đầu cho khúc ca “nỗi buồn hoa phượng” lại là lúc tôi rong chơi Seattle rồi đến California hai tuần liên tiếp. Thằng bé thấp thỏm đợi chờ, cứ hỏi mẹ nó, “Bao giờ Cậu Bốn cho con lên nhà?”

Tuần thứ ba tôi về, thằng bé nôn nào khăn gói theo cậu về nhà. Cậu cháu lại bắt đầu những gì còn dang dở (we have left off) năm qua. Dĩ nhiên, không phải riêng nó mừng mà cả gia đình của tôi cũng vui lây; mấy đứa con ở xa của tôi cũng vui giùm cho tôi. Mẹ chúng nó lại có dịp thể hiện “thiên chức người mẹ”.

Khi tôi ngồi viết những dòng này – 3 tuần từ hôm nó trở lại – bé Khoa đã có thể bơi liên tục một tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ, dù vẫn chỉ bơi chậm. Thấy cái đầu nó lắc qua lắc lại trong mỗi cái sãi tay trông buồn cười nhưng tôi không thể thay đổi được. Tôi tự biết bơi – sau khi nghe lời xúi dại của anh lớn và đám bạn bè của anh ấy, bắt chuồn chuồn ông cho cắn rốn – nên trên thực tế là không bị chìm chứ không bơi đúng kỹ thuật như những người có trường lớp đàng hoàng. Dù vậy, tôi cũng đã lặn hụp bao nhiêu năm tuổi thơ qua lại chiều ngang của hai con sông Vệ và Trà Khúc nổi tiếng của Quảng Ngãi.

Bé Khoa cũng đã lớn sộ lên rồi. Chiếc xe anh chị nó cho năm rồi đã phải tăng cao tối đa mà hai chân của nó vẫn dài hơn một chút. Nếu chỉ có hai cậu cháu chạy thì nó dùng xe đạp của mợ nó; nếu cả ba người cùng đi, nó bắt buộc phải dùng xe của nó. Về tập võ cũng vậy, nó tiến bộ thấy rõ hàng tuần. Hòa nhập vào lớp trở lại một cách tự nhiên. Tôi dự định sẽ dạy cho nó thật kỹ rồi cho nó thi thẳng lên đai Green Belt (đai xanh lá cây) trước khi nó trở lại trường. Dĩ nhiên, không phải tại nó là con cháu của mình nên có sự thiên vị mà thật sự nó giỏi. Dạy võ mà gặp những đứa trẻ như vậy là một điều may mắn. Tính tôi công minh, không giống bất cứ ai khác. Càng thân thích càng phải canh chừng kỹ lưỡng. Càng giỏi tôi càng dạy gắt gao hơn; đứa nào học nhanh tôi càng dạy nhiều hơn, áp lực nhiều hơn, không cho tự mãn. Giỏi thì khen nhưng học khó hơn, chậm thì khuyến khích, an ủi, và kiên trì… Tôi không muốn bị người khác cho là tôi thiên vị, kể cả 3 đứa con của chính mình.

Phải nói là cuộc sống hàng ngày của tôi rất yên bình và vô cùng hạnh phúc. Có thằng cháu một bên dĩ nhiên là bận rộn hơn nhiều, làm xáo trộn cuộc sống yên bình của chúng tôi trong mấy năm qua kể từ đứa con cuối cùng rời khỏi tổ ấm. Niềm vui có cháu là một niềm vui hoàn toàn mới lạ. Thương yêu con, lo cho con là lẽ đương nhiên. Nhưng thương cháu và lo cho cháu là một niềm vui rất khác. Có những điều tôi dạy cho cháu mà mình không có cơ hội hoặc chưa đủ kinh nghiệm dạy cho con. Nhà tôi hỗ trợ tôi hết mình trong mọi khía cạnh đời sống; từ cá nhân đến tập thể, từ sinh hoạt gia đình đến sinh hoạt cộng đồng kể cả những việc vác ngà voi còn phải đánh bóng. “Xếp Nhớn của tôi”(*) cũng luôn thể hiện là một người chị dâu lớn mẫu mực, xứng đáng sự thương yêu kính nể của các em cũng như dâu rể một nhà. Tôi luôn luôn cảm tạ Trời Phật đã ban cho tôi một gia đình hạnh phúc, một người bạn đời hiểu biết, một đại gia đình biết kính trên nhường dưới, lúc nào cũng thương yêu, nhường nhịn, và tận lòng giúp đỡ lẫn nhau.

Trên hết và quan trọng hơn hết là lũ chúng tôi luôn ríu rít, quây quần bên cạnh Mẹ chúng tôi; người đã 93 tuổi thọ nhưng vẫn còn minh mẫn, mạnh khỏe. Mẹ chúng tôi có thể ngồi chép hoặc đọc kinh kệ, thơ phú hàng giờ không mỏi mệt.

Để kết luận cho tản văn này, tôi mỉm cười nghĩ tới mấy ông bạn già yêu mến của tôi… “Đấy nhé, tôi cũng có cháu để khoe khoang với các ngài!” Happy of July 4th nha bà con.

July 4, 2015

(*) Vợ ==> Mới cưới: Bà Xã; có 1 con lên chức Quận; 2 con thăng Tỉnh; 3 con tự thăng Thành Phố; 20 năm sau tự động lên hàng Đô Thị; 30 năm sống với nhau trở thành Xếp Nhớn; 40 năm trở thành “Bà Bề Trên”…. hahaha!!!


« TRANG NHÀ »