Tưởng Đâu Sáo Đã Sổ Lồng

ngày 3.11.21


Hay “Châu Về Hợp Phố” (*)

Đang làm việc trong sở, nhà tôi gọi báo tin, “Sáo đã về tới rồi!” Niềm vui muốn vỡ oà; nếu đang ở đâu đó một mình có lẽ tôi đã hét to để diễn đạt niềm hạnh phúc; nhưng rất tiếc, tôi đang trông coi một phòng phiếu đông người.

Cái MacBook Pro laptop của tôi đã bỏ quên trên máy bay trong chuyến đi Seattle đầu tháng 10 vừa qua, ngỡ đã không có cơ hội tìm được bỗng nhiên “vật hoàn khổ chủ”. Chiếc máy là một món quà của chú em tặng cho tôi trong dịp lễ tết vài năm trước. Chiếc máy ngoài giá trị vật chất và tinh thần đó, nó còn là kho dữ liệu riêng tư gồm thơ văn nhạc và nhiều tài liệu của tôi chưa kịp sao chép giữ riêng.

Để giết thời gian trên máy bay, tôi thường dùng laptop. Lần nầy cũng thế, nhưng khi đổi máy bay ở Las Vegas, tôi đã bỏ quên nó ở trong ngăn đựng tài liệu của hành khách trước mặt chỗ ngồi. Đợi đến khi an toàn trên chuyến bay kế tiếp, tôi tìm laptop thì mới hay đã bỏ quên. Tôi đã rất lo lắng nhờ trạm hàng không ở Seattle liên lạc nhưng cuối cùng không ai biết, họ đã chỉ cho tôi vào trang nhà của hãng máy bay để khai báo.

Tôi vẫn cố liên lạc với hãng bay trong suốt thời gian dung dăng dung dẻ ở Seattle rồi lại về đến nhà… nhưng vẫn bặt tăm ngoài cái email hãng máy bay cho biết là họ sẽ cố gắng, nếu trong vòng 30 ngày không tìm thấy thì kể như… một thoáng may bay!

Rồi một hôm tôi nhận được email của hãng máy bay nói rằng họ đã tìm thấy món đồ thất lạc của tôi, cho tôi đường dẫn để làm thủ tục thu hồi. Trong thư họ còn dặn phải làm thủ tục trong vòng 45 ngày, nếu không thì món hàng sẽ mất vĩnh viễn.

Mừng ơi là mừng, ngoài sức tưởng tượng. Tôi theo chỉ dẫn điền đơn. Cuối cùng là việc trả chi phí vận chuyển món hàng gửi trả lại khổ chủ do hãng Fedex. Tuỳ theo giá trị của món hàng mà đóng chi phí vận chuyển. Tôi thử để đại trị giá $10,000… tiền chi phí gửi gần $1000! Dĩ nhiên là xứng đáng giá trị tinh thần nhưng tôi cũng “tá hoả”. Thử sửa lại $500 rồi $100, đồng giá tương đương $50+. Tôi chọn liền. Điền hết chi tiết chi trả bằng thẻ tín dụng xong nhấn nút chấp nhận “confirmed” nhưng nó bị mờ đi (gray out) và không thể bấm gì tiếp. Tôi tưởng đã làm gì sai nên dò tới dò lui vẫn không thấy gì sai sót, đành phải bỏ đi làm lại. Nhưng khi làm lại, đến mục cho giá trị món hàng tôi cũng thử chọn con số $500 nó lại tăng lên $80+. Dù lấy làm lạ nhưng tôi mặc, cứ tiếp tục cho đến lúc hết, nhấn “confirmed” thì… vũ như cẩn! Không làm sao được nữa! Loanh quanh hơn nửa tiếng đồng hồ mà chẳng đi vào đâu…

Khi chia sẻ với nhà tôi, nàng cùng xem tiến trình tôi đã làm rồi đâm ra nghi vấn.
– Chắc không xong rồi anh ơi! Thường nếu là của hãng bay thì email họ luôn dùng cái “nhãn hiệu” (logo) riêng của họ; đàng nầy, mấy email họ gửi cho mình đều không có logo quen thuộc, coi chừng bị giả mạo (scam). Coi chừng họ lấy hết chi tiết cá nhân của mình.”

Tôi liên lạc với hãng máy bay, văn phòng phụ trách “loss and found”, trình bày những lo lắng của chúng tôi thì được trả lời ngập ngừng. Họ còn nói họ không tìm thấy chi tiết nào xác nhận là đã tìm thấy đồ vật mất của chúng tôi, chuyển tôi tới một cơ quan khác và tiếp tục chờ đợi… rốt cuộc chẳng có gì khả quan.

Cúp phone rồi, ngẫm nghĩ lời vợ nói, thấy có lý. Việc giả mạo nhan nhản hàng ngày, ở đâu cũng có, nhất là trong thời đại nầy người ta giả mạo bằng khoa học kỹ thuật rất khó cho ta phòng ngừa! Tôi lập tức liên lạc với hãng tín dụng cho họ biết là tôi nghi ngờ bị scam, yêu cầu họ đóng trương mục ngay và xin gửi cho tôi một thẻ tín dụng khác. Hãng tín dụng làm ngay theo lời yêu cầu và niềm thất vọng ngập lòng tôi.

Tuần trước, đang lúc làm việc tôi lại nhận được email, cùng nguồn gốc, với câu in đậm, “Thời hạn 45 ngày quy định gần kề, nếu bạn không liên lạc, món hàng mất của bạn sẽ vĩnh viễn mất.” Tôi làm ngơ, không thèm trả lời dù trong lòng vẫn cứ bâng khuâng. Tối về nói với nhà tôi; nhà tôi nói hay là làm đại thử xem, biết đâu không phải giả mạo thì sao. Nói xong nàng thử nhấn vào đường dẫn như cũ, điền đơn; trước khi nhấn nút gửi, nhà tôi nói, “Cứ làm thử lần nữa, nếu có bị lừa mấy chục bạc cũng không đáng bao nhiêu.” Tôi đồng ý, nàng nhấn nút “confirmed”. Máy đã nhận trơn tru chứ không giống như mấy lần trước. Thế rồi cả hai chúng tôi hồi hộp đợi chờ. Sáng hôm sau, nhận được thư trả lời, “Cám ơn, chúng tôi đã nhận tiền trả chi phí của bạn, sẽ có thư thông báo theo sau.” Vài tiếng sau, nhận thư thông báo với “tracking number” của Fedex cho biết 3 hôm nữa sẽ nhận được. Tôi cũng đã có vài sour taste (chua cay) với “tracking number, vì đã nhận đồ giả gửi tới. Dù có nhiều hy vọng nhưng vẫn hồi hộp lắm. Chúng tôi nói với nhau bao giờ thấy mới bảo đảm. Dù vậy, để tránh tối đa việc bị lừa, tôi gọi thông báo cho hãng tín dụng biết là chúng tôi đã trả số tiền như vậy cho cơ sở như vậy, và chỉ có thể chấp nhận bấy nhiêu tiền mà thôi. Nếu thấy nhiều hơn thế hoặc nhiều hơn một lần thì xin đóng account ngay.

Ba ngày chờ đợi coi vậy mà dài, chúng tôi theo tracking number để xem món hàng đã đi đến đâu. Buổi trưa ngày thứ ba thì nhà tôi gọi cho biết đã nhận được. Thế nhưng tôi không thể rời trách nhiệm chạy về nhà để ôm nó vào lòng.

Thật sự nếu không có sự liều lĩnh của nhà tôi thì kể như tôi đã chia tay với Thuý – “Thuý đã đi rồi”, và sẽ là một niềm nuối tiếc khôn nguôi. Người ta nói, “Không có cái dại nào giống dại nào,” cho nên tôi chỉ có thể nói đây chỉ là một sự may mắn trong tất cả sự may mắn hiếm hoi mà tôi nhận được trong đời. Cám ơn nhà tôi, cám ơn ông địa, và cám ơn văn hoá Mỹ.
Tưởng đâu sáo đã sang sông
Ngờ đâu sáo trở lại lồng sơn xưa

Kingwood, 31/10/2021

—————

(*) Đây là một thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt. Thành ngữ này bắt nguồn từ một điển tích xưa:
“Châu về Hợp Phố” vốn là một điển cố gốc Hán, bắt nguồn từ câu “Châu hoàn Hợp Phố” Điển cố này gắn với địa danh Hợp Phố, một quận xưa của đất Giao Châu, là nơi sản xuất ngọc trai nổi tiếng (châu: ngọc trai, còn gọi là trân châu, về sau chỉ ngọc nói chung). Theo sách Hậu Hán thư, thời Hậu Hán, có tên quan thái thú tham ác ép dân phải đi lấy ngọc trai rất ngặt; vì thế, người làm chuyên nghề dần dần bỏ đi nơi khác hết. Mạnh Thường lên thay, ông bãi bỏ các quy định hà khắc của tên thái thú cũ, cho dân chúng tự do khai thác, sản xuất, chế tác châu. Nhờ đó, người chuyên ngành tìm châu lại trở về quê nhà Hợp Phố để phát triển ngành nghề thịnh vượng.


« TRANG NHÀ »