Mùa Thu Tây Bắc

ngày 26.10.21

Chuyến đi chơi vùng Tây Bắc vào đầu tháng 10/2021 chỉ là một tính toán bất ngờ. Lúc ra đi lòng đã không được vui, dọc đường lại bị xui xẻo nhưng kết quả của chuyến đi đã đem lại những niềm vui và sự thân ái ngoài sự mong đợi của tôi và những anh chị em tham dự.

Tình trạng căn nhà của tôi đang sửa chữa vẫn còn rất bừa bộn. Rất khó có thể chịu nổi khi nhìn cảnh bừa bộn, thiếu thốn mọi thứ cần dùng trong 5 tháng dài. Công việc sửa sang bị nhiều yếu tố chi phối quá. Nào là phải vật lộn với hãng bảo hiểm, sự tín nhiệm đối với thợ thầy, vật liệu khan hiếm, tiền bạc chi tiêu và nhiều yếu tố bất ngờ nữa… Trong khi mỗi ngày ngồi thiền vô tích sự nhìn nhà tôi làm việc không ngưng nghỉ.

Có lẽ thấy tôi quẩn trí quá nhà tôi đề nghị đi chơi xa một chuyến. Mừng ơi là mừng! Tôi nghĩ ngay đến Seattle vì ở đây có đông thành viên Liên trường Trung học Long Khánh, trong đó có một ông bạn rất đặc biệt là Huỳnh Quy, vừa là bạn học thời Trung Học vừa là bạn đồng khoá Không Quân vừa là chiến hữu bay chung phi đoàn ngày xưa. Ngoài ra, bạn đồng khoá còn có Lê Chửn, bạn cùng phi đoàn có Cao Minh; một bạn văn cũng rất đặc biệt là Linh Vang cùng với phu quân là anh Nguyễn Ngọc Châu – nhưng bạn bè và gia đình ai cũng gọi anh là Ngọc nên chữ lót đã trở thành tên luôn – một ông Không Quân xưa đóng ở Cần Thơ. Cũng sẵn dịp này, thăm vùng lá vàng tây bắc. Tất cả những “đặc biệt đó cũng để trả lời câu hỏi của nhà tôi, “Tại sao tây bắc mà không là đông bắc,” bởi nàng vốn không ưa mấy tiểu bang tây bắc đã chủ trương bạo loạn, chống phá chính quyền mấy năm vừa qua, nhưng khi nghe tôi liệt kê ra một lô “tại vì rất hữu lý” nên nàng vui vẻ tìm được vé máy bay, đi mồng 1 về mồng 6/10.

Dù vậy, tôi vẫn không yên tâm lắm vì công ty lát gạch và thảm đã ký giấy sẽ phải xong ngày 30 Tháng 9. Tôi hỏi sao không trễ hơn chút dự trù trường hợp họ không xong. Nàng nói ngày đó có vé rẻ nhất và nếu họ không xong là lỗi của họ và chúng ta có quyền ngưng họ cho đến khi về lại. Thấy nàng đã nhất quyết nên tôi đành vui vẻ nghe theo.

Cuối ngày 30… quả thật vẫn không xong chỉ vì yếu tố ngoài dự định của cả hai bên. Họ nói bàn bi-da nặng quá họ không làm được và chúng tôi phải chịu trách nhiệm ngày công của họ vì chúng tôi đã không “made it available”. Tôi cãi việc này không phải lỗi chúng tôi mà là người của công ty họ đã đến đo đạc, tôi đã hỏi và được cho biết thợ lát thảm sẽ lo được. Họ nói họ có thể di dời tất cả giường tủ, bàn ghế chứ không làm gì được với chiếc bàn bi-da. Họ đưa giấy tờ đã ký, chỉ vào chữ initial của tôi ở cái mục “công ty không chịu trách nhiệm dời bàn bi-da”. Vâng, đó là chữ ký của tôi mà lúc ký không chịu đọc kỹ… nên ngọng, dù vẫn là lỗi của người đo đạc! Tôi phải xuống giọng và nói rằng vì tin tưởng họ nên đã không hề đọc kỹ. Nói qua nói lại thêm một lúc, họ bằng lòng bỏ qua rồi ra về sau khi dặn chúng tôi khi nào giải quyết xong vấn đề thì báo cho họ trở lại.

Sáng sớm ngày 1/10 chúng tôi ra phi trường để đi chuyến bay sớm nhất. Phi trường đã tấp nập người, phải xếp hàng rồng rắn để qua cổng an ninh. Sinh hoạt bình thường, đeo khẩu trang tuỳ ý. Dù vậy, khi lên phi cơ, mọi người bị bắt buộc phải mang suốt chặng đường. Chiếc Boeing 707 của hãng Spirit với 200 chỗ ngồi không còn một ghế trống nào.

Để giết thời gian, tôi lấy computer ra ngồi viết. Máy bay đáp ở Las Vegas để chuyển máy bay về Seattle. Dù phải chờ hai tiếng nhưng không sao, đi chơi chứ có gấp gáp gì. Chúng tôi đi quanh tìm cà phê và vui vẻ sắp hàng dài ở một tiệm Starbucks. Sau khi lên máy bay, đợi khi bình phi ở cao độ ấn định, tôi mở xách tay lấy computer thì… hỡi ơi! Quên mất cái laptop trên chuyến phi cơ trước! Lòng tôi nôn nao không yên cho tới khi đáp xuống Seatac. Tôi tới ngay chỗ văn phòng của hãng bay khai báo. Họ chỉ website cho chúng tôi search tìm và điền vào. Tôi bất bình cự nự thì nhân viên phục vụ khách hàng điện thoại liên lạc với phòng “lost and found” ở Las Vegas. Sau khoảng 15 phút chờ đợi họ báo là đã kiểm soát, liên lạc với nhóm dọn dẹp chuyến phi cơ mà không ai tìm thấy! Tôi nói chắc với nhân viên là tôi đã bỏ quên trong túi ghế chỗ tôi đã ngồi nhưng họ nói là không thể giúp gì hơn và khuyên tôi lên website điền đơn kiện cáo theo chỉ dẫn! Tôi buồn thúi ruột! Mất cái Macbook Pro đã là rất tiếc nhưng tiếc nhiều lần hơn là cả ngàn tài liệu riêng tư trong máy chưa kịp sao chép giữ lại! Tôi đành tiu nghỉu cùng nhà tôi ra cổng để được vợ chồng Ngọc & Linh Vang, đã đợi bên ngoài khá lâu, đón về nhà.

* * *

Sau khi nhà tôi mua xong vé máy bay, tôi liên lạc vợ chồng Linh Vang. Chúng tôi rất được welcome và được cho về nhà ở chung như lần trước, và sẽ cùng đi chơi những nơi chúng tôi muốn họ đi chung trong những ngày ở Seattle; lại dành riêng cho một chiếc xe muốn chạy đâu thì chạy. Còn gì vui sướng hơn. Tôi lại liên lạc với một vài anh chị em (ACE) của Liên Trường ở Seattle, thông báo sẵn dịp tôi đi thăm Seattle muốn gặp ACE của Liên Trường một hôm để thăm nhau và cùng lúc thảo luận việc Hội Ngộ năm sau. Tỵ và Tiến rất hoan hỷ và sau vài hôm vận động đã có thêm vợ chồng Kim Loan, Ngọc Lan, Huỳnh Cầm, cháu gái con của Quế. Mọi người tiếp tục thảo luận rồi lên chương trình họp mặt ít nhất hai ngày. Nhất là vợ chồng anh Bính chị Nhứt rất sốt sắng. Anh chị hứa cho mượn xe 15 chỗ và cả tài xế để vận chuyển và hướng dẫn ACE đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh trong vùng. Vài hôm sau được thông báo có vợ chồng Thẩn Dung (nhà báo Mặc Lâm), vợ chồng Huỳnh Dậu (em gái của Tỵ) và vợ chồng Dung bé ở Oregon cũng sẽ tham gia. Ngoài liên lạc với anh em cùng khoá Không Quân năm xưa hẹn họp mặt ở nhà Huỳnh Quy – vốn là một người bạn thân thiết từ ngày Trung Học – Tôi liên lạc vợ chồng Hội, một người bạn thân thiết khác của tôi và Quy ở San Jose. Hội cũng là cư dân Long Khánh, bạn học với tôi và Huỳnh Quy, đi lính cùng thời, đi Mỹ cùng lúc, học bay cùng khoá, về nước cùng lượt, chỉ có đơn vị phục vụ là khác nhưng vẫn ở Tân Sơn Nhứt. Thêm vài hôm nữa, được biết vợ chồng Hiên Phương ở Florida sẽ bay về và sau cùng là người đẹp DC, Nguyễn Thị Chải, âm thầm tính để làm cho mọi người một “pleasure surprise!” (bất ngờ thích thú) nhưng vì có người quá hào hứng nên đã âm thầm bật mí. Một dự định bất chợt rốt cuộc quy tụ gần 30 anh chị em – vợ chồng Bính Nhứt, vợ chồng Kim Loan, Huỳnh Cầm, Mỹ Hạnh, Huỳnh Tỵ, Ngọc Lan, vợ chồng Tiến Minh, Gìn A Khầu, con gái Quế, vợ chồng Ngọc Linh Vang, Huỳnh Quy (Seattle); vợ chồng Thẩn Dung, vợ chồng Huỳnh Dậu; vợ chồng Dung bé (Oregon). vợ chồng Hoàng Hội (San Jose): Chải Nguyễn (DC); vợ chồng Hiên Phương (Florida). Thật là hạnh phúc sau những ngày tù túng.

* * *

Dù trong lòng đang không vui nhưng khi gặp bạn thì dường như quên hết. Tôi thoả thê ngắm sinh hoạt chung quanh dọc đường về. Mùa Thu thật sự đã về đó đây trên những cành lá dọc đường đi cùng với ánh nắng vàng như lụa mỏng. Nắng Houston dù đã vào Thu nhưng không dịu dàng giống như nắng nơi đây. Xa lộ cũng đầy ắp xe cộ, không có dấu hiệu gì khác biệt với Houston. Sinh hoạt trong đời sống thường ngày ở Mỹ dường như đã trở lại bình thường ngoại trừ nơi nào cũng vẫn còn thấy một số người mang khẩu trang. Có một điều tôi nhận thấy rõ nét nhất là người ta sử dụng phương tiện hàng không nhiều hơn thời gian trước, vì những phi trường tôi đi qua đều tấp nập; chuyến bay nào cũng đầy ắp người là người. Tôi hào hứng ngó quanh, khen ngợi cảnh sắc. Cũng đã nhiều năm rồi tôi mới trở lại Seattle. Linh Vang nói thời tiết đãi người phương xa vì thời tiết tuần qua âm u như thường lệ.

Về đến nhà cặp uyên ương Ngọc Linh Vang, đồng hồ chỉ gần 2g chiều. Sau khi an định, gia chủ đãi chúng tôi món bún bò Huế Bình Định rất đặc biệt, rất ngon. Được biết Mẹ của Linh Vang nấu cho chúng tôi từ chiều hôm qua. Tôi hỏi sao chúng tôi được đặc ân đó? Anh Ngọc trả lời, “Bà Cụ nói ai là bạn của con gái rượu của Cụ là được chiều đãi hết mình.” Nhớ lần trước chúng tôi thăm ông bà Cụ cũng được nghe như thế. Cũng đã từng được ăn được nói được gói mang về mấy chục bánh ít lá gai do bà Cụ làm với lá gai tươi hái trong vườn của cô con gái rượu. Niềm vui thật sự khoả lấp phần lớn nỗi buồn mất máy.

Ăn uống xong, chuyện vãn với nhau một hồi, chúng tôi xin đi nghỉ một lúc vì con buồn ngủ đeo cứng trên mắt sau chuyến đi hai chặng đường dài. Sau giấc ngủ ngắn lấy sức, Linh Vang dự định cho chúng tôi qua nhà thăm ba má; nhưng khi Cụ ông nghe con gái rượu báo tin, Cụ ông nói cám ơn và xin lỗi vì long thể bất an trong mùa Covid. Thế là bốn người chúng tôi lái xe rong chơi cả buổi chiều quanh bên bờ vịnh công viên Point Defiance ở Ruston Way với những hàng cây lá vàng tuyệt đẹp và Vườn Hồng của Tacoma với hàng trăm kỳ hoa dị thảo, màu sắc rực rỡ dù đã cuối mùa trước khi tạm biệt một ngày đầy thăng trầm trong ký ức.

Sáng Thứ Bảy, sau khi thức dậy, bốn người chúng tôi rủ nhau đi bộ ở công viên Chambers Bay. Đi hết một vòng hơn 3 dặm dài trước khi đưa nhau đến tiệm cà phê Starbucks ưa thích của Ngọc và Linh Vang. Nhân viên của Starbucks chào mừng hai người khách quý một cách thân tình. Nghĩ cũng nên mở ngoặc ở đây một chút để ghi nhận cảm tình của ông bà Bính Nhứt đã mời chúng tôi đến nhà dùng cà phê trước khi đến điểm hẹn buổi trưa. Thực tình cũng muốn ghé chơi với anh chị nhưng vì mải mê đi bộ và có hẹn cà phê với nhau từ tối qua trước khi đi ngủ. Nói nhỏ đủ nghe, vợ chồng Linh Vang có mua cổ phần Starbucks nên gặp ai cũng giới thiệu uống Starbucks cho bằng được. Haha!

Cầm tay mỗi người một ly rồi lái xe đến thăm công viên Kobayashi kế bên nhà Bính Nhứt và cũng không xa nhà Linh Vang cho lắm. Đây là một công viên rất yên tĩnh, bóng cây rợp mát. Rất có thể là sáng sớm cuối tuần chưa có người đi dạo ngoại trừ một thanh niên đang đứng câu ở đầu ghềnh; hắn nói là thấy một số cá hồi lội ngược dòng nhưng vẫn chưa câu được con nào. Một công viên xinh đẹp, có dòng suối trong vắt có thể thấy cá lội, nước chảy êm đềm, thơ mộng vô cùng. Tôi nghĩ nếu tôi ở gần đây có lẽ sẽ viết được nhiều thơ, nhiều nhạc.

Dạo quanh một lúc, chúng tôi đành lưu luyến chia tay “Cô Ba” vì đã tới giờ hẹn với ACE Trường ở nhà hàng Harvest Buffet trong vùng. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy hầu hết ACE ở đó trừ hai bạn tôi Hội và Quy. Tôi gọi điện thoại thì biết Quy không được khoẻ nên không đi được.

Nhà hàng đã dành riêng cho nhóm Liên Trường một phòng lớn. Trong phòng đã đầy đủ văn võ bá quan. Thấy Phương lu bu chạy lui chạy tới chụp hình, quay phim cho nhóm. Nhớ lần Hội Ngộ tháng 7 vừa qua ở Houston, Phương đã tạo được những thước phim chuyên nghiệp, đẹp tuyệt vời, rất được ACE khen ngợi. Chính xác là câu chuyện ghi bằng hình thật hấp dẫn, độc đáo. Thế nên, khi thông báo có mặt ở Seattle, chàng đã hứa hẹn lần nầy nhất định sẽ hay hơn. Hầu hết ACE cũng không bỏ lỡ cơ hội chụp hình kỷ niệm. Nếu những ACE của Liên trường thấy sự sinh hoạt vui nhộn nầy chắc không ít người sẽ rất tiếc nuối.

Chờ vợ chồng Hội khá lâu. Tôi liên tục gọi điện thoại. Hội xin lỗi đã muốn ở nhà với Quy nhưng vì Quy không bằng lòng nên sẽ đến trễ. Tôi nói với mọi người nên bắt đầu dùng trưa, khi nào Hội đến thì gia nhập. Nhà hàng buffet nào thì cũng đầy rẫy thức ăn dồi dào. Dù chỉ ăn mỗi thứ một chút cũng đã không còn chỗ cho những món tráng miệng khan cổ gọi mời. Sau khi những con mắt không còn đói nữa thì tiệc cũng phải đến hồi kết thúc. Tôi lại gọi Hội mới biết chàng đã xuôi nam thêm mấy chục dặm đường, đành phải cho chàng địa chỉ hẹn gặp nhau nhà Bính Nhứt.

Khi tôi ngỏ lời muốn đóng góp chi phí ăn uống thì nàng Tỵ – một CHS rất đặc biệt của Liên Trường vì nàng luôn trải lòng, đóng góp hậu hĩ các chương trình giúp đỡ ACE hoạn nạn bên nhà từ ngày Liên Tường thành hình tới nay – đã rất dễ thương tuyên bố, nàng đãi tất cả ACE ở xa về kể hai khách mời Linh Vang và Ngọc. Cám ơn em, cô giáo Huỳnh Thị Tỵ.

Nhà Bính Nhứt toạ lạc trên một ngọn đồi thấp, ở ngay ngã ba đường với hoa kiểng, cây trái chung quanh đẹp đẽ, được cắt tỉa, uốn nắn bởi bàn tay khéo léo của anh Bính. Nhìn căn nhà ai cũng biết ngay chủ nhân của nó là người rất thành công, thuộc hàng dư ăn dư để lại rất hào sảng. Hai vợ chồng đón tiếp ACE trong tình thân mật. Cũng như hầu hết những người Việt trên đất Mỹ, nhà cửa khang trang, rộng rãi nhưng khi con cái trưởng thành, chúng nó tạo lập đời sống riêng, rời tổ ấm, để lại hai con khỉ già suốt ngày ngồi nhìn nhau mà than với thở.

Chúng tôi vừa nâng ly, vừa thảo luận với nhau về tổ chức Hội Ngộ Liên Trường năm sau… Rất tiếc, tiệc kỷ niệm 50 năm của Thầy Quýnh Cô Tiếp dự định tháng 6/2022 chưa được xác nhận; dù vậy, một số học trò của cô thầy cũng muốn dành cơ hội nếu được Thầy Cô mời. Cuối cùng, Thẩn và Tiến nhận lời tổ chức ở Orange County vào 2023. Dĩ nhiên, được anh em nhận lời giữ sự hiện hữu của Liên Trường tôi rất mừng. Tôi tự nguyện đóng góp công sức nếu có sự yêu cầu để có một hội ngộ thành công, không phụ lòng mong đợi của vị Thầy kính yêu vừa vĩnh biệt.

Khi trời đã về chiều, có vẻ ai cũng phải lưu luyến chia tay, hẹn 7g sáng hôm sau gặp lại nhau ở nhà Bính Nhứt để cà phê, ăn sáng trước khi đi du ngoạn. Lúc đầu dự định đi Rainier Mountain, nhưng anh Bính nói, Rainier đặc biệt là nhờ có tuyết mà khoảng thời gian nầy chưa có tuyết rơi. Anh hùng hồn đề nghị đi về hướng đông bắc, thăm Coulee Dam. Coolee Dam chính nó không có gì đặc sắc, lại phải lái xe hơn 4 tiếng đồng hồ cho đoạn đường tròm trèm 250 dặm; nhưng bù lại, dọc lộ trình có rất nhiều thắng cảnh. Dĩ nhiên là chúng tôi tin theo anh vì không ai có thể rành hơn thổ địa. Trước khi chia tay, Kim Loan và Ngọc Lan ân cần mời tất cả ACE tham dự tiệc tại tư gia của Ngọc Lan vào chiều Thứ Hai do hai chị em khoản đãi. Ôi tấm lòng con dân Long Khánh sao ấm áp, nồng nàn đến thế. Một số đông nhận lời mời; cặp Tiến Minh lại đã hẹn với bạn ở nhà cùng ngày giờ. Nghe Tiến Minh cũng lên tiếng mời nếu ACE sắp xếp được thì giờ đến tư gia dùng cơm chiều; riêng 4 người chúng tôi rất lấy làm tiếc sẽ không thể vì cũng đã có hẹn gặp mặt các bạn hữu Không Quân.

Ngoài Thẩn Dung, ACE ở Oregon nói lời từ biệt lên đường về chốn cũ vì còn nhiều việc phải làm. Một số ACE ở địa phương cho biết cũng không thể tham dự ngày mai. Vợ chồng Hội cũng sẽ ở nhà chơi với vợ chồng Quy. Tính ra số người tham dự du ngoạn ngày mai còn lại đúng 16 người gồm: Bính Nhứt, Tiến Minh, Thẩn Dung, Hiên Phương, Ngọc Linh Vang, Thuận Bích, Huỳnh Tỵ, Kim Loan, Ngọc Lan, Chải Nguyễn. Dù vậy cũng cần chạy hai xe cho rộng rãi vì còn phải chuyên chở thức uống và đồ ăn nhẹ. Anh Bính lái xe 15 chỗ cho 11 người và Huỳnh Tỵ tình nguyện lái xe pick up của nàng chở theo 3 người. Sau khi thống nhất, mọi người nói lời chia tay; bốn người chúng tôi, nhà ở gần nên là người về sau cùng, trả lại sự bình yên cho cặp Bính Nhứt.

7g sáng Chủ Nhật, trời âm u, có vẻ ẩm ướt rất Seattle. Những ngày nắng đẹp ngắn ngủi đãi người đã qua. Bốn chúng tôi vẫn là người tới sớm, rồi lần lượt các ACE khác. Những ACE ở xa, có người cách điểm hẹn cả tiếng lái xe trên đường trơn trợt. Lại tay bắt mặt mừng râm ran cả buổi; chúng tôi thưởng thức trọn vẹn sự hiếu khách của chủ nhân với thức ăn nhẹ và cà phê đủ loại cho đến khi mọi người tạm no đủ, vui vẻ lên xe trực chỉ Coolie Dam. Mưa bay lất phất làm người ta liên tưởng đến một thời Đà Lạt. Anh Bính chẳng những lái xe giỏi mà còn rất rành về địa lý, phong cảnh dọc đường. Anh hành xử giống như một hướng dẫn viên du lịch thứ thiệt. Anh cho điểm từng phong cảnh và dừng lại những nơi mà theo hiểu biết của anh hoặc theo những ghi chú trong tờ giấy riêng để mọi người tha hồ chụp hình, đóng phim.

Dọc đường đi mưa vẫn rơi đây đó, có những nơi đường hẹp, đồi dốc quanh co vậy mà nàng Tỵ vẫn lái xe bám theo sát nút, ACE ai cũng phải phục tài, gọi đùa là một “tay lái lụa” không thua anh Bính của chúng tôi chút nào. Ở những nơi dừng lại, đồi núi thênh thang, phong cảnh hữu tình đủ để bạn Tiến xách đàn ra hô hào hát ca; bạn Thẩn xướng giọng và mọi người cùng hát với nhau để cùng ôn lại một thời sinh hoạt Hướng Đạo, Gia đình Phật Tử, hoặc các đoàn thanh thiếu niên Thánh Thể ngày nào. Phương vẫn miệt mài với máy drone, máy chụp hình ảnh để ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Cuối cùng rồi cũng đến Coulee Dam. Mưa đã thôi không làm phiền những người sợ ướt tóc. Quả nhiên như anh Bính nói, không có gì đặc sắc. Mùa Thu nước đã cạn dòng như câu ca của bản Tango Gợi Nhớ Một Niềm Đau của tôi viết, “Bến Thu nay đã cạn nước lâu rồi, tình khó phai – ACE quanh quẩn làm người mẫu một lúc khá lâu mới lên xe cho kịp trời chiều. Ánh lụa vàng đã dần phai mà tiếng cười tiếng nói vẫn giòn tan như lũ học trò của một thời son trẻ. Tỵ vẫn bám theo từng cây số chạy thẳng về nhà Bính Nhứt khi nắng chiều dần buông. Lại họp nhau, chén anh chén bạn, lại điệu đàng chụp hình, ỏng ẹo làm người mẫu cho bõ công anh Bính uốn nắn săn sóc vườn cây tuyệt đẹp mà ai cũng phải trằm trồ. Nhưng rồi cũng không thể không nói lời chia ly.

Sau khi về tới nhà, tiếc ngày vẫn còn sớm, tôi rủ vợ chồng Linh Vang chạy tới nhà thăm chơi với vợ chồng Quy và vợ chồng Hội mặc dù đã hẹn nhau ngày mai như đã định trước nhưng cảm thấy cũng cần quan tâm đến bạn mình. Cặp Linh Vang và Ngọc cũng là chỗ quen biết cả hai người từ lâu. Anh em lâu ngày gặp lại nhau cười nói, vui đùa thoả thích đến thêm gần 3 tiếng sau mới ra về vì nghe theo tiếng gọi lên chuồng của hai con gà Tách-Xịch.

Sáng Thứ Hai, chào một ngày nắng đẹp bằng chầu cà phê… Starbucks rồi tà tà lên đường chạy lên nhà Huỳnh Quy. Vì là Thứ Hai nên đường đầy ắp xe cộ. Phải hơn một tiếng mới tới nhà.

Lũ bạn cùng khoá Long, Tích ở Oregon; Phiếu, Minh, Chửn ở trong vùng đều bận ngày trong tuần nên đã báo trước không có mặt như dự định ban đầu. Chỉ có chủ nhà (bà chủ nhà phải đi làm trong tuần), cặp Hội và 4 chúng tôi. Chuyện vãn, tập thể dục tay một lúc đến xế chiều, thấy Huỳnh Quy và Hội cần nghỉ ngơi một lúc, 4 chúng tôi kéo nhau ra công viên Rainier Beach Playfield nằm sát bờ vịnh đi bộ một vòng hơn 3 dặm đường xong trở về để dùng cơm chiều. Lúc nầy thì bà chủ nhà đã về, thêm tài nấu ăn của bà tỉnh của Hội, hai người đã cho chúng tôi những thức ăn khoái khẩu chỉ trong nháy mắt. Ăn uống no đủ, chuyện vãn đã nhiều. Tôi nghĩ bạn Quy của tôi cũng cần nghỉ ngơi vì sức khoẻ không còn dồi dào như người trang lứa; những gì cần nói đã nói, dĩ vãng hiện tại tương lai cũng vừa đủ để cùng nhau vui gặp lần nầy. Có lưu luyến bao nhiêu rồi cũng phải nói lời chia tay. Ở tuổi của chúng tôi bây giờ, cuộc chia tay nào cũng rất đặc biệt vì ai biết được sẽ còn có lần sau! Lá đã vàng úa trước cơn gió thời gian.

Rời nhà Quy, trên đường về, tôi lại tiếc ngày còn dài vì đêm chưa kịp tới. Vả lại nhà Tiến Minh cũng giữa đường về. Tôi liên lạc Tiến để ghé qua chơi lần cuối của chuyến tây du nầy. Tiến Minh vui mừng chào đón, cho biết đang đợi Thẩn Dung, Phương Hiên, Tỵ hứa sẽ đến trễ sau tiệc của Kim Loan, Ngọc Lan.

Chúng tôi đến nhà Tiến Minh một lúc thì mọi người lần lượt kéo tới. Lại một gặp gỡ bất ngờ. Tình Long Khánh vẫn còn quyến luyến đủ cho những đôi chân cố gắng chạy show. Bạn Tiến của chúng tôi lúc nào cũng thơm thảo một chai Black Label to đùng. Hiệu rượu nầy là một thèm muốn cho trai Saigon trong thuở thanh niên. Lại đàn, lại ca. Thẩn Dung vừa đến thì xông ngay vào bếp nấu món đặc biệt. Ông nhà báo Mặc Lâm nầy quả nhiều tài. Tài làm phóng sự cho đài BBC, tài viết văn, tường thuật, ngay cả làm người dẫn chương trình. Bây giờ lại thêm nấu ăn, có kênh youtube riêng để dạy người ta nấu nướng….

Tiệc gần tàn thì được thông báo anh chị Bính Nhứt rủ đi Rainier ngày mai. Thâm tâm tôi đã tính chương trình đi thăm một người bạn không có giờ hẹn khác nhưng khi thấy mọi người đồng lòng đi Rainier lại háo hức nhận lời cùng đi. Chỉ tiếc thiếu nhiều người trong nhóm vì anh Bính không có xe lớn nữa, người muốn đi thì không thể lái xe theo dù cặp Tiến Minh sẽ phải đi cày. Mọi người vương vấn chia tay Tiến Minh; hẹn gặp nhau nhà Bính Nhứt ngày mai. Tôi cố dụ hai người bán nhà Seattle về Houston mua một căn vừa ở vẫn còn dư tiền đi du lịch đó đây. Thế nhưng bạn cho rằng rất khó để bỏ lại một nơi chốn thân quen về miền xa lạ.

Buổi sáng đầy sương. Có lẽ ngày cuối trời muốn cho chúng tôi biết thế nào là thời tiết Seattle. Biết đường đi Mount Rainier sẽ nhiều khúc khuỷu, tôi tình nguyện thay nàng Tỵ lái xe chạy theo anh Bính. Càng lên cao càng lạnh. Lên được đến đỉnh, mưa bay và gió lạnh cắt da tưởng sẽ chùn chân những kẻ ham chụp hình, thích làm mẫu; nhưng không, nhìn cảnh trí, màu sắc quá đẹp nên mưa lạnh vẫn không thể cản nổi những người mẫu của Liên Trường. Mưa khi đến lúc đi, nhưng lạnh thì không thay đổi gì trong suốt thời gian ở đó. Nào dù, nào áo mưa xanh xanh đỏ đỏ để cùng khoe sắc với cảnh vật chung quanh. Những nụ cười cũng đua chen cùng với hoa cỏ… cho tới mãn nhãn mới từ giã vùng núi đồi để về phó tiệc với vợ chồng Khánh Đông, con gái lớn của Bính Nhứt.

Từ núi, anh Bính dẫn chạy thẳng tới cầu treo Tacoma Narrows Bridge, nơi có phong cảnh hữu tình không kém, để mọi người chụp một số hình ảnh kỷ niệm chuyến đi. Xong chạy tới nhà Khánh Đông. Anh chị Bính Nhứt rất hãnh diện về khôn ngoan, xinh đẹp, tài năng thương mại của cháu. Khi đến nơi, nhìn cảnh nhà đồ sộ sát bờ Vịnh của cháu, vườn cây được thiết kế gia bố chăm sóc đặc biệt đã làm tăng giá trị và vẻ sang trọng của căn nhà vốn đã nằm ở một vị thế lý tưởng. Gặp cháu thì ai cũng quý mến và hãnh diện lây.

Sau khi mỗi người đã có hàng trăm tấm hình đủ nơi, đủ kiểu, chúng tôi rời nhà theo xe vợ chồng cháu đến một nhà hàng sang trọng của Đại Hàn có tên Tofu. Món ăn rất lạ và ngon đặc sắc đối với nhiều người. Khánh Đông! Cô Dì Chú Bác cám ơn và rất hãnh diện về vợ chồng con. Chúc con thành công vượt bực và tài sắc cùng tấm lòng hiếu hạnh, lễ phép sẽ mãi mãi không phai nhoà.

Biết là ngày cuối cùng của cuộc họp mặt lần nầy nên ai cũng nấn ná để nói với nhau những lời ưu ái. Anh chị Bính Nhứt hăng hái tuyên bố, bất cứ lúc nào ACE Liên Trường đến thăm anh chị cũng sẽ rất vui lòng đón tiếp nồng hậu nếu không hơn thì cũng phải như lần nầy. Anh Bính nhé, chúng tôi “taking a rain check”.

Sáng sớm hôm sau, 4 chúng tôi tính ngồi thêm với nhau một chầu cà phê Starbucks nữa, nhưng Thọ, em chị Nhứt ngỏ lời mời. Chúng tôi hẹn nhau tại một tiệm Starbucks quen thuộc của anh Thọ. Starbucks ăn nên làm ra ở thủ phủ Seattle nên chuyện mời nhau uống cà phê thì dường như không thể không phải là Starbucks.

Thọ, dĩ nhiên cũng là một CHS tha thiết với tổ chức Liên Trường, rất tiếc lần nầy Thọ không tham gia được với ACE vì bạn đã bị thương tật trong sở làm, đi đứng khó khăn nên biết không thể kham với lũ ngựa già còn ham chơi như chim sáo. Thọ có vài điều nhắn gửi riêng với tôi về sinh hoạt của Liên Trường. Xin được ghi nhận tấm lòng của bạn. Chúc bạn luôn an vui; mạnh khoẻ hẳn lên, vất cây gậy chạy rong chơi với chúng tôi ở phần cuối của cuộc đời. Tôi cũng mong tình nghĩa thành viên Liên Trường sẽ luôn bền vững. Cùng nhau chia sớt niềm vui nỗi buồn, chia sẻ với nhau những mặn nhạt của đời sống.

Linh Vang và Ngọc đưa chúng tôi lên phi trường trả về Texas; kết thúc chuyến đi trong xao xuyến, bồi hồi. Và khi niềm vui chợt tắt, niềm tiếc nuối chiếc máy mất lại nổi lên; bức tranh căn nhà bừa bộn của chúng tôi không biết bao giờ mới sửa xong để được trở lại đời sống bình yên như trước.

Từ giã Seattle. Đối với cư dân nơi nầy tôi nghe họ buồn chán nhưng đối với Houston, với Kingwood của chúng tôi thì nó lại hấp dẫn vô cùng. Những hình ảnh lá vàng, mưa bay cho tôi rất nhiều cảm xúc và yêu thích. Tôi đã đến vài ba lần rồi và cũng sẽ trở lại khi thời điểm thích hợp. Tạm biệt! Tạm biệt mùa thu tây bắc; tạm biệt những tấm lòng Long Khánh; tạm biệt tất cả ACE đã tiếp đãi chúng tôi rất nồng hậu và chân tình./-

Kingwood 15/10/2021





« TRANG NHÀ »