Tản mạn thời Covid

ngày 25.09.21


Khi “Người Sống Trên Mây” làm vườn

Từ lúc cô thiếu nữ với 19 cái xuân xanh xuất hiện khiến gia cảnh hắn xáo trộn. Dù cô ta không xinh đẹp gì, nếu không muốn nói là xấu tàn tệ luôn, vậy mà cô ta thừa đảm lược làm cho hắn phải điên đầu. Sau một thời gian ngắn, hắn đành chắp tay đầu hàng, đành “bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông,” đóng cửa trường võ.

Hắn đâm ra thất nghiệp! Thất nghiệp kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường! Ngoài việc mất trắng thu nhập hàng tháng, hắn còn phải trả nợ chủ đất và các chi phí cần thiết đến mấy tháng dài, mà điều khó khăn nhất là nỗi nhớ lũ học trò nhỏ quá sức. Không nhớ sao được! Hơn nửa đời người miệt mài, loanh quanh với trường lớp, với trẻ con; có đứa nay đã thành danh, nên người hữu dụng; có đứa vào quân ngũ trở thành cấp chỉ huy tài ba ở các chiến trường sôi động, và lũ con nít cùng với tiếng cười tiếng nói rộn rịp trong những giờ tập mỗi ngày. Nhớ những lần được phụ huynh mời tham dự lễ ra trường Trung Học, Đại Học của con cái họ với bao nhiêu hãnh diện… Vậy mà bỗng nhiên mất trắng, lại bị ngồi nhà tù túng hết ngày nầy qua ngày khác! Cũng may, vợ hắn được làm việc tại nhà, sớm hôm bầu bạn, an ủi; có internet để hắn dạo chơi trên trời, loanh quanh với chữ nghĩa; có tủ sách đồ sộ để đọc. Thời gian đầu hắn cố tự an ủi, “Thôi cũng đã đến lúc rửa tay gác kiếm, lui về vui thú điền viên.”


Ngày ngày, ngồi thiền đối diện với vợ, lâu lâu ngước lên nhìn vợ làm việc online. Chán internet thì lục sách đọc, đọc mỏi mắt lại đi ra đi vào cho giản gân giản cốt rồi lại… Nhưng việc gì cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày mà không thấy chút ánh sáng nào cuối đường hầm thì trở thành nỗi ám ảnh bất kham. Nỗi nhớ học trò, nhớ trường lớp, nhớ thông lệ mỗi ngày làm việc… Phải chi không bị Cô-Vy chặn đường thì vui biết mấy; đúng lúc đúng thời để xúi giục vợ nghỉ hưu, vợ chồng rong chơi đây đó, tiếu ngạo giang hồ. Giờ còn mạnh khoẻ mà không được đi, mai mốt sụm bà chè chắc sẽ ân hận lắm lắm.

Nói là “vui thú điền viên” nhưng hắn vốn tuýp người không thích “cái thú điền viên” bình thường ấy. Có lẽ hắn đã trải qua một thời thơ ấu với ruộng vườn, thêm một thời “one leg wet one leg dry” (chân ướt chân ráo) qua Mỹ đã bị sống với nông trang, dù rất ngắn, nên cây cỏ, hoa trái chỉ muốn xem nếu nó đẹp mà thôi. Một lần duy nhất vợ chồng hắn cùng hăng hái làm vườn là lúc mới mua căn nhà ở khu rừng nầy. Thấy chung quanh nhà ai cũng trồng cây kiểng đẹp đẽ nên vợ chồng hắn cũng phải làm cho giống người ta. Sau mấy năm cư trú nơi nầy, mọi việc sân vườn đã tạm xong; và kể từ đó, không còn đủ hứng thú nữa chỉ vì phải bon chen mưu sinh, và vì công việc sở làm đòi hỏi phải đi đây đó một thời gian khá dài, riết rồi trở thành làm biếng trời chê! Những loại cây, loại hoa trồng đầu tiên vẫn còn nhưng càng ngày càng ngắt ngoải. Mỗi năm hắn mướn người để thêm đất vào các luống hoa, làm sạch sẽ một lần theo sự chỉ đạo của bà chị vợ thế thôi. Thế nhưng thỉnh thoảng lại thấy có những cây hoa dại nở hoa, ra trái một cách tự nhiên. Tự nhiên như mấy cây Sơn Trà (Loquat) đã cho quả ngọt ăn mấy năm nay. Tự nhiên như mấy cây Bằng Lăng (Crepe Myrtles) đủ màu sắc mọc đầy vườn sau; như cây Điệp bên hông nhà; đặc biệt loại cây hoa tím không biết ở đâu mà đầy đường chật bãi. Tất cả thứ vừa kể hắn không trồng, không bón phân, không cả tưới nước mà chúng nó vẫn sống mạnh mẽ, sống tràn làn. Cứ tự nhiên ra hoa, tự nhiên cấy giống, lan toả khắp các luống hoa mặt trước vườn sau của căn nhà. Có thể những loại “tự nhiên” nầy đến từ đất của các anh làm vườn, trừ cây Bằng Lăng mới đầu trồng được mấy cây rồi do hoa kết thành bay tứ tung, dễ mọc.

Vợ hắn…

Số phận cũng khá thú vị. Vợ hắn về mặt “điền viên” cũng y chang như hắn; thích cây, thích cảnh nhưng chỉ để nhìn hoặc thuê người làm. Nàng rất hấp dẫn với muỗi mòng nên mỗi khi ra vườn một lúc là bị chúng bu lại xơi tái ngay nên sợ. Vì thế, ngoài giờ làm việc – mà lại làm việc dài giờ – thì nấu nướng, làm bánh làm trái; hoặc lục lọi tìm kiếm trên internet những chuyên mục hấp dẫn với thị hiếu của nàng. Nàng lại là mẫu người perfectionist, ưa chuộng sự hoàn hảo nên làm việc gì cũng phải tìm cách tốt nhất, kể cả tìm kiếm những nơi đi du ngoạn. Mỗi lần đi chơi đâu cũng lên kế hoạch chi tiết đến nỗi đôi khi làm hắn phải nổi quạu… Tuy vậy, trong thâm tâm hắn rất cảm kích mỗi khi đụng chuyện.

Thêm một điều hắn nể phục nữa đối nàng là dù theo học chương trình Pháp từ bé cho hết bậc Trung Học mà tiếng Việt của nàng bây giờ khá thông thạo so với năm tháng đầu tiên hắn mới gặp nàng bên Mỹ. Thuở đó hắn hay chọc ghẹo nàng, “Người Việt mà không biết nói tiếng Việt, đọc tiếng Mỹ thì toàn giọng Phú Lãng Sa.” Thế mà chỉ một thời gian ngắn, tiếng Mỹ của nàng đã vượt xa hắn, còn giúp được hắn vượt qua các bài luận văn tiếng Mỹ trong lớp văn (literature) nữa chứ. Còn chính tả tiếng Việt cũng chẳng kém gì ai vì là dân Bắc Kỳ chính hiệu.

Đặc biệt nàng rất tôn trọng sự riêng tư của mọi người kể cả chồng con. Những gì hắn viết, nếu không chính thức đưa cho nàng đọc thì chẳng bao giờ ngó tới. Chỉ là thời gian chung sống đầu tiên, hắn hay viết vẽ về một thời xuân xanh, thời đi mây về gió, thời mộng mơ tình ái nên bị nàng theo dõi lầu bầu đến gây nhau mấy lần. Sau cùng, có lẽ cũng chán mớ chữ nghĩa ấy và cũng bắt đầu biết thông cảm, biết tôn trọng sự tự do trong văn chương của người cầm bút, nên nàng đã dành cho hắn một khoảng không gian bao la với chữ nghĩa bằng cách tuyên bố sẽ không đọc bất cứ cái gì hắn viết trừ phi muốn nàng đọc. Dòng đời cứ êm đềm trôi như thế đã hơn bốn thập niên rồi và nàng cũng đã làm quen được với chuyện văn chương chữ nghĩa của hắn nên tận tình hỗ trợ.

Nhớ lần ra mắt tập thơ in tại Mỹ đầu tiên nàng nhất định không đi dự; khi bị bạn bè hỏi tới thì được nàng thố lộ, “Cả một tập thơ dày như thế đâu có bài nào viết cho tui đâu, toàn hết tặng cô nầy tới cô khác.” Bạn bè ai cũng cười bảo đó là chuyện trên mây; nhà thơ nhà văn nào cũng dệt mộng trên mây và dù gì cũng đã là dĩ vãng, công sức đâu mà ghen tức với dĩ vãng. Nàng chống chế, “Dẫu biết là dĩ vãng nhưng không nhớ tới, nghĩ về thì làm sao thành thơ, thành truyện được?!” Nhưng sau lần đó, nàng bắt đầu làm quen với cách sống của hắn, bắt đầu hỗ trợ hắn sau khi tặng cho hắn mỹ từ “người ở trên mây.” Và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, thấy hắn lầm lì ngồi suốt ngày gõ tới gõ lui; hết thơ văn rồi ca hát, rồi siêng năng viết nhạc… nàng hoàn toàn để hắn tự do, lâu lâu nhắc chừng việc ăn uống ngủ nghỉ.

Thơ văn chỉ tốn tiền khi cần in thành sách; lâu lâu giới thiệu được bạn bè ủng hộ cũng đủ vốn viết tiếp; còn viết nhạc thì khác. Soạn thành nhạc mà không làm gì cả thì chẳng hứng thú gì. Hắn đã làm một CD đầu tay, chi phí hoà âm và ca sĩ tốn khá tốn kém. Tuy vậy khi giới thiệu CD đến công chúng, bạn bè, thân hữu thì được hưởng ứng nồng nàn, được yểm trợ tối đa thừa đủ chi phí sản xuất. Nhưng một lần khi nghe một người bạn nói, “Trong nhà không còn dùng máy nghe CD nữa,” hắn giật mình nhận ra hắn đang sống trong thời đại tân tiến… đài radio, kênh truyền hình cũng từ từ phôi pha huống chi máy CD; hắn đâm ra nản lòng, chưa biết có nên tiếp tục hay không. Dù vậy, viết nhạc lại có cái thú rất khác biệt của viết nhạc. Nhất là lựa được những bài thơ ưng ý của mình rồi phổ thành ca khúc theo ý muốn và cảm nhận của chính mình, không phải nhờ đến các nhạc sĩ khác phổ giúp. Nhạc phổ thơ rất khó trở thành giai điệu tự nhiên nếu không hiểu đúng nội dung và tình cảm của bài thơ; hoặc nếu không khéo uyển chuyển. Nhất là viết nốt trước rồi mới đặt lời là một thách thức khó khăn. Nhưng một khi tìm được tình tự của khúc nhạc và hài lòng với nó thì niềm vui chứa chan. Đặc biệt nữa khi ca khúc đã được nhạc sĩ hoà âm, ca sĩ trình bày thích hợp thì hạnh phúc dâng tràn.

Dù sao thì CD đầu tay được thực hiện công phu, được các nhạc sĩ đàn anh đón nhận với những lời phê bình thân tình cũng cho hắn cảm hứng viết tiếp dù biết rằng sẽ không in ra CD nữa. Không in ra CD, chỉ để đường dẫn trên trang nhà cá nhân giới thiệu đến độc giả và thân hữu. Hắn nghĩ tới việc làm video để lên youtube dễ phổ biến hơn. Hắn rủ vợ đi học chung một khoá làm video mấy cuối tuần. Sau khi mãn khoá hắn có làm thử nhưng chưa kịp thành công thì tình cờ có một vài người bạn đánh tiếng giúp hắn hoàn toàn miễn phí. Thế là hắn… uỷ thác cho người khác giúp rồi quên luôn bài học của mình.

Sau một vài video để lên youtube thấy được nhiều người hưởng ứng nên lại miệt mài viết tiếp; mặc dù biết chắc là chỉ có tốn tiền mà không có cơ hội được tài trợ. Hắn trở nên ưu tư và chia sẻ cảm nghĩ của mình. Vợ hắn khuyến khích, cổ võ cho hắn tiếp tục. Nàng nói, “Em còn đi làm ra tiền, chúng ta không ăn xài bao nhiêu, con cái đã khôn lớn tự lo được hết rồi nên anh thích viết cứ viết, không cần phải lo nghĩ. Đam mê nào cũng có cái giá cho nó mà. Cái giá trả của đam mê nhã như anh đang làm em có thể kham được!” Được lời như mở tấm lòng, nhưng vẫn có chút áy náy. Rồi hắn lại nghĩ, viết nhạc là cái thú thanh tao hơn là ăn nhậu, cờ bạc, dù có tốn kém đấy nhưng việc gia đình, con cái, hậu sự đã ổn định, hắn đâu cần để dành tiền làm gì… Ngoài ra, hắn cũng may mắn được một số bạn bè thân tín bảo trợ cho hắn một số ca khúc, cho hắn thêm niềm hứng khởi.

Bây giờ trở lại việc hoa cỏ và làm vườn.
Mỗi khi thấy nhà các em, bạn bè có vườn đẹp, hoa xinh thì khen rối rít nên ai cũng ân cần cho cây giống đem về trồng. Vì không muốn phụ lòng người khác nên ai cho gì cũng mang về. Cũng trồng, cũng tưới nước nhưng chỉ được một thời gian rồi… quên. Cây nào có thể tự lo được thì sống vui, không thì… vẫy tay vẫy tay chào nhau! Biết là bổn cũ soạn lại không hay mấy, nhưng được cái là hắn hay chiều lòng người nên lúc nào cũng vui vẻ mang về cho gia chủ vui lòng. Vợ hắn biết quá rồi nhưng cũng vờ như không biết cho hắn thoải mái mang về tự lo, chỉ đôi khi nàng thấy hắn vui mới hát, “Một lần như mọi lần cứ đem về… rồi thôi.” Hắn chỉ biết ha ha cười với vợ.

Hôm ấy, đúng 2 tuần, tới lúc phải cắt cỏ nếu không muốn lãnh giấy khuyến cáo của văn phòng khu vực. Ừ “giấy khuyến cáo” hắn đã từng nhận nhiều lần chỉ vì… cỏ cao không kịp cắt, miếng cây hàng rào sút đinh chưa kịp đóng lại, trước nhà có rong rêu trên mặt gạch, bồn hoa nhiều cỏ dại, hoặc cỏ mọc ở các kẻ đường phân chia giữa các tấm xi-măng của đường vào nhà xe… Có nghĩa là bất cứ cái gì họ cho là không bình thường thì gửi giấy. Ban đầu hắn nổi quạu nhưng vợ khuyên, “Chỉ vì họ muốn giữ giá trị cho khu xóm.” Nhưng nhiều lần sau vợ hắn cũng phải thốt lên, “Trời ơi! Mình đóng tiền ‘association fee’ quá nhiều để họ thừa tiền mướn nhiều người suốt ngày loanh quanh làm khó dễ (harass) các chủ nhà.”

Vâng đã tới ngày cắt cỏ. Đã nhiều lần vợ thấy hắn hì hục thở sau khi cắt xong khu vườn – chỉ lớn bằng 1/10 sào đất – lại nói hắn mướn người cắt. Hắn nói với vợ không phải tiếc tiền nhưng mà để có cơ hội cho hắn hoạt động thể dục thay vì ngồi thiền rêm bàn toạ.

Khi cắt cỏ vườn sau, hắn ngỡ ngàng thấy một dây bí hay dây bầu gì đó không biết từ đâu và mọc lên từ lúc nào mà đã bò dài cả thước. Thật lạ lùng, bí bầu tự nhiên mọc. Chắc là do chim đánh rơi. Hắn thấy vui vui, săm soi một lúc rồi tiếp tục đi trim cỏ. Thấy quanh gốc bí có nhiều cỏ nên muốn trim cho sạch nhưng vì bất cẩn bị dây trim quất đứt lìa! Hắn mân mê gốc dây bí tiếc hùi hụi.

Tưởng thế là xong, nhưng không…

Hai tuần sau đáo hạn cắt cỏ, một lần nữa hắn lại… ngỡ ngàng thấy đây bí héo đã tươi trở lại. Hắn ngó vào chỗ cắt, một rễ con chỗ gần gốc đã mọc ra cắm vào đất. Hắn không thể tưởng tưởng được sức sống mãnh liệt của loại dây leo nầy. Thấy vậy, hắn đi xúc đất hoang vun vào dây bí và tưới nước.

Mỗi ngày đều ra ngó sự tiến triển của dây bí. Thấy càng lúc càng dài ra rất nhanh, bắt đầu chia thành nhiều ngọn, bò trên đất. Chợt nghĩ nó là loại dây leo nên hắn chặt mấy nhánh crepe myrtle cắm gần đầu ngọn cho nó có chỗ leo lên cao; và mỗi ngày tiếp tục quan sát. Hôm nay đã gần một tháng, đã có rất nhiều nụ và nhiều nụ đã bắt đầu nở hoa. Bây giờ mới biết chắc nó là bí chứ không phải bầu. Nhưng… sau khi hoa nở rồi hoa tàn, nụ rụng mà vẫn chưa thấy kết quả có trái.

Hắn chợt nghĩ chắc bí cần giàn may ra nó mới cho trái. Hắn cũng đã thấy bạn bè làm giàn cho bầu bí hoặc cho các loại hoa leo. Làm giàn có vẻ dễ chứ không khó gì mấy nhưng khổ nỗi hắn lỡ làm biếng quen rồi nên cứ phải ngó hoa nở hoa tàn nụ rụng.

Nhưng hôm nay, bỗng nhiên hắn thấy hai ngọn dây trước sau trên đầu cây bằng lăng đã có mỗi dây một trái bằng quả banh golf rồi! Ôi vui ơi là vui. Hắn nghĩ hắn phải làm giàn để may ra có nhiều trái hơn. Dẫu bí bầu không giá trị gì bao nhiêu, vẫn được các em và bạn bè cho ăn không kịp nhưng tự nhiên nó mọc rồi có hoa kết trái làm hắn vui, niềm vui khó tả trong lòng. Và hắt quyết định làm… giàn!

Vào nhà để xe tìm được cây thép mỏng nhưng chắc, một khung gỗ pallett, mấy cây gỗ thừa dư đem ra gác ngang trên mấy cành crepe myrtle, xê dịch tháp chuông gió gần cây Bằng Lăng, mang cây trụ để móc chậu thức ăn cho chim vô tích sự góc nọ lại, bẻ mấy cành của một vây chết khô bên cạnh để lên trên cho dây có chỗ bám vào và chờ đợi…

Và đó là câu chuyện làm vườn của hắn – một người thích sống trên mây – được kết thúc ở đây kèm theo một số hình ảnh.

Kingwood 23/9/2021

————————————————————
Hình ảnh: Trái Sơn Trà; sân trước, vườn sau, và giàn bí với vật liệu tạp nhạp.


« TRANG NHÀ »