Tản Mạn Với Đại Dịch Wuhan

ngày 16.05.20


Hôm Mồng 3 Tháng 5, 2020 là ngày chung thất của Dì tôi, cũng là ngày xả tang cho con cháu theo sự đồng ý của chú tôi – chồng của Dì – và Cậu em – trưởng nam của Dì. Rất may, nhằm lúc Thống Đốc Tiểu Bang Texas cho phép Chùa, Nhà Thờ sinh hoạt lại dù chỉ trong giới hạn 25% sức chứa.

Vợ chồng tôi và các chị bên vợ cũng để tang cho Dì, vì Dì là người rất đặc biệt cho các chị em bên vợ. Ngoài việc giúp các chị làm ăn buôn bán ở Saigon, Dì Chú còn đưa 5 chị em rời khỏi Việt Nam trong những ngày cuối cùng của Miền Nam Việt Nam. Đối với tôi, Dì cũng có mối quan hệ đặc biệt – thay Ba Mẹ vợ làm lễ thành hôn của chúng tôi khi Ba Mẹ vợ của tôi còn chưa liên lạc được. Dù vậy, nhà tôi không được khoẻ nên ân hận không thể tham dự, các chị ở xa, chỉ có tôi đại diện cho mọi người.

Trong các buổi lễ 6 tuần qua chúng tôi không được đến Chùa vì lệnh chống dịch Coronavirus của tiểu bang. Hôm nay ở Chùa có 3 Lễ Tang. Hai Lễ kia của gia đình người mới từ trần vài tuần qua. Dù vậy cũng chỉ có khoảng 20 người gồm hai vị sư và Ban hộ niệm. Gia đình và người thân của Dì cũng chỉ có 3 người là tôi và trưởng nam, trưởng nữ của Dì! Tất cả mọi người đều mang khẩu trang đọc kinh Phật, ngồi cách xa nhau trong lúc hành lễ trông lạ lẫm vô cùng, chỉ trừ hai em bé là được ngồi sát bên bố mẹ của chúng. Nhớ khi vừa gặp cậu em sáng nay, tôi cũng không kịp nhận ra.

Khi Lễ xong, tang gia hiện diện được nhà chùa gói ghém phần cơm cúng vong linh để mang về chứ không dùng trưa tại chùa như thường lệ. Tôi chờ cô em lấy phần ăn và cùng về thăm chú tôi ở nhà. Chú năm nay cũng đã hơn 90 tuổi nên con cháu không muốn ông đến chỗ đông người. Nơi Chú ở là một dưỡng lão viện, có sân tennis, có hồ bơi, có khuôn viên đi bộ thoáng mát. Chú là mẫu người thích vận động nên không bao giờ chịu ở nhà lâu. Chú rất thích bơi lội; mấy năm trước còn đánh được tennis. Khoảng 10 năm trước còn cho tôi chạy hộc gạch luôn dù tôi đánh tennis đâu có tệ.

Trước kia, khi Dì còn sống, Dì muốn ở với con gái – là một goá phụ có hai con – để giúp trông nhà, trông cháu cho con gái đi dạy học ở trường Cao đẳng xa nhà; trong khi chú thì chọn ở với gia đình cậu em. Chú hợp với cậu em và đặc biệt có cả con cả cháu luân phiên đưa chú đi chỗ này chỗ khác. Chú và Dì vốn thường ở riêng vì Dì thích loanh quanh với con cháu, còn chú lại thích một mình rong chơi đây đó, riết rồi thành nếp, cho đến tuổi già mà vẫn muốn ở riêng.

Chú ở với cậu em chỉ được một thời gian, chú bắt đầu cảm thấy bị tù túng; mỗi ngày phải vò võ ở nhà một mình đâm buồn bực. Chú ước chú được lái xe nhưng các con, các cháu đều không yên lòng nên cảm thấy bị bó chân bó cẳng. Mỗi ngày nhìn cảnh nhà trống vắng, con trai con dâu đều phải lo công việc làm ăn buôn bán, còn cháu đứa đi làm, đứa đi học mãi tối mới có đông đủ ở nhà. Chú bắt đầu nhận thấy là một gánh nặng cho họ nên nhất quyết tìm viện dưỡng lão để cư ngụ lâu dài. Chú yêu cầu cậu em phải tìm cho được một nơi có đầy đủ phương tiện giải trí, thể dục thể thao, cũng như phải là một không gian thoáng mát trong khả năng tiền hưu bổng của chú. Cậu em cấp tốc tìm kiếm. Rốt cuộc được một chỗ chú ưng ý thì hơi xa nhà các con nhưng mà chú lại hài lòng. Ban đầu hai anh em thấy khó khăn cho việc chăm sóc thăm viếng nhưng cũng phải chiều lòng chú, riết rồi cũng quen. Phần chú thì vui lắm khi được tự do tự tại.

Ngày xưa, chú vốn là một ông quan hét ra lửa ở Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nay phải sống cô đơn trong tuổi già thấy cũng buồn. Dù vậy, ai cũng đồng ý, chú vui và hài lòng là được. Theo cô em cho biết, mỗi tuần hai anh em thay nhau đến thăm chú; đi chợ mua thức ăn, săn sóc thuốc men, giặt giũ. Sinh hoạt hàng ngày của Chú là đi bơi, đi bộ, đọc sách, xem TV. Và một ngày… như mọi ngày vẫn vui vẻ một thân một mình.

Chú có rất nhiều sách xưa, nhất là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chú biết tôi rất thích sách vở nên cho tôi toàn quyền lấy bao nhiêu cũng được. Những sách chú thường đọc thì chú đã giữ riêng. Tôi ngồi miệt mài vừa đọc vừa chọn sách cả buổi, chọn được cả một thùng sách nặng.

Thăm chú xong, tôi chạy về nhà Mẹ để “ngó” mẹ một chút. Vâng, chỉ có thể đứng xa để ngó mẹ vì mới ở chỗ đông người và loanh quanh ngoài đường. Thật ra cũng đã gần hai tháng anh em chúng tôi không thể hội họp cuối tuần để thăm mẹ như thường xuyên. Chỉ khi nào nhớ mẹ thì chạy về ngó một chút rồi đi. Con cúm Tầu phù này lợi hại vô cùng, làm cho hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới thiệt mạng, kinh tế toàn cầu tơi tả, gia đình ly tán, chia cách, người với người nhìn nhau e ngại, xã hội điêu đứng… Sớm muộn gì, kẻ gây ra thảm cảnh nghiêm trọng này cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả khắc nghiệt tương xứng.

Rời nhà mẹ, trên đường về muốn ghé ngó con bé Hạ-Vy. Vâng, cũng từng ấy ngày tháng… chỉ có thể đứng từ xa ngó nó hoặc ngó nó qua Facetime như ngày nó chào đời trong giông bão. Song suy đi nghĩ lại, tôi phải tự ép mình chạy thẳng về nhà vì không muốn có một lần nào ân hận đã làm hại nó vì ích kỷ.

Mấy tuần trước đây thôi. Tôi đã ở yên trong nhà mấy tuần lễ liền, và vì nhớ con bé đến không chịu được nên xách xe chạy tới nhà thăm nó. Đến nơi, tôi đứng ngoài nhìn nó qua cửa sổ, thấy nó ngồi dán mắt vào iPad bên mẹ nó đang làm việc trên computer. Tôi gõ vào mặt kính gây chú ý cho nó; thấy nó nhìn lên nhưng không có biểu cảm nào cả rồi tỉnh bơ nhìn xuống máy. Tôi tiu nghỉu nghĩ có lẽ lâu quá không gặp nên nó quên mất rồi. Mẹ nó nhìn lên ngạc nhiên, rồi ngó con bé thấy nó mải mê với iPad nên lấy đi, bắt nhìn ông ngoại mà nó giận khóc, liếc nhìn tôi như trách rồi quay mặt đi khóc tiếp. Lòng tôi buồn buồn. Mẹ nó dẫn nó ra mở cửa sân sau đón tôi, bảo nó chào ông ngoại mà nó nhất định làm ngơ và cứ quấn theo chân mẹ nó. Mẹ nó bỏ đi vào nhà, nó theo vào nhà, trở lại ra nó lại đi ra. Tôi dụ mấy cũng không chịu ngó.

Cứ thế khá lâu cho tới khi mẹ nó dỗ dành mới bắt đầu vui chơi lại bình thường. Tôi rủ nó đi dạo quanh vườn sau, mẹ nó cau mày dặn, “Ông ngoại đừng nắm tay cháu nha!” “Biết mà!” Tôi đi trước nó theo sau, hoặc nó chạy trước tôi theo sau, mẹ nó cũng theo. Được một lúc thì trở lại chỗ ngồi cách xa nhau. Thấy nó vui, tôi nói chơi, “Ông bế nè.” Nó dang hai tay chạy tới như cũ nhưng bị mẹ nó nắm cổ áo kéo lại! Vì bảo vệ con trong vô thức, dù tôi cũng biết sẽ không đụng tới nó, nhưng lòng cũng buồn, nhìn con gái. Nó nói, “Xin lỗi ba!” “Ba biết mà. Nói chơi với nó thôi để xem nó hết giận chưa.” Rồi vì sợ con gái không yên lòng, tôi nói tiếp, “Ba cũng biết con vì muốn bảo vệ con bé theo phản xạ tự nhiên, con đừng lo.” Ngồi thêm một lúc ra về.

Về tới nhà. Tôi cũng phải ý tứ tránh xa nhà tôi vì cũng nghi ngại trong lòng, không biết chắc ra sao sau những gặp gỡ hôm nay. Khỏi nói thì nhà tôi cũng biết, cũng rất kỹ. Nàng đã là mẫu người rất kỹ trong lãnh vực vệ sinh lại còn làm việc trong ngành y tế lâu năm giao tiếp với Bác sĩ, Y tá hàng ngày nên kỹ đến… phát quạu luôn.

Mở ngoặc để nói một mảng chuyện vui về tính cách kỹ lưỡng của nhà tôi.

Mấy hôm trước tôi về nhà Mẹ cắt cỏ và hương khói cho bàn thờ. Mẹ bây giờ ở luôn với cô Út để sớm hôm được săn sóc; (nhà Mẹ bỏ trống từ mấy tháng nay, Mẹ nói giữ như vậy để làm nhà thờ.) Cắt cỏ xong, chạy qua nhà Út để ngó Mẹ một chút. Ngồi được một lúc thì điện thoại của ông bạn thân gọi nói tới nhà làm một ly. Thấy tình trạng có vẻ khả quan rồi, lại cũng đang cuồng chân, nhớ không khí bạn bè nên nhận lời liền. Ở chơi nhà bạn tưởng chỉ mới một lúc, ai ngờ khi nghe điện thoại nàng gọi, “Anh OK chứ?” “Không sao, anh về liền.” Nhìn đồng hồ đã hơn 11g khuya…

Về tới nhà đã quá 12g khuya, thấy nàng ngồi đó như chờ đợi. Tôi chưa kịp mở miệng đã bị cằn nhằn, “Anh thiệt quá đáng, trong lúc có lệnh cấm mà cũng chạy đi nhậu được thì không còn gì để nói với anh nữa! Anh không được tới gần em.” Thế là tôi ngậm tăm vào phòng ngủ luôn cho đỡ bị nghe. Khuya giật mình quơ tay không thấy nàng bên cạnh, ra phòng khách thấy nàng nằm ngủ ngoài sa lông! Thế là chiến tranh lạnh thêm tới hết ngày hôm sau!

Kinh nghiệm của tôi là khi nàng có lý do rõ ràng thì đừng hòng cãi lại. Nếu cượng lý cãi bừa, cầm chắc có chiến tranh… nguyên tử chứ chẳng chơi đâu. Biết thế, cứ theo chiến lược “ngậm miệng ăn tiền” thì cửa nhà êm ấm. Đóng ngoặc.

Về tới nhà, nhớ các con. Tôi bấm điện thoại gọi cho “thằng lính”. Nó thuê nhà ở dưới phố cho gần chỗ làm kể từ khi đổi sở làm này. Nó làm Quản lý cho nhà hàng khá nổi tiếng. Nhà hàng đóng cửa vì bệnh dịch, nó nằm nhà ngó trời ca vọng cổ. Không có xe cộ, muốn mua gì nhờ bạn chung nhà. Thấy nó gặp khó khăn, chúng tôi đề nghị nó dọn tạm về nhà để chúng tôi chăm sóc và đỡ phải lo trả tiền nhà… nhưng nó nhất định không chịu. Nó nói, “Con muốn nói cho ba mẹ biết, con không về với ba mẹ trong lúc này là để bảo vệ sức khoẻ cho ba mẹ.” Nó nói nghe cũng hợp lý lắm nhưng lòng ba mẹ bao giờ cũng muốn được chăm sóc cho con trong những lúc hoạn nạn như lúc này. Dù vậy lâu lâu mẹ nó cũng làm cho một ít thức ăn cho tôi chạy đem đến cho nó.

Tôi lại gọi cho thằng Út đang làm việc ở Los Angeles. Los Angeles là một ổ dịch nên chúng tôi cũng lo lắng lắm nhưng thằng Út thì tỉnh như ruồi. Nó làm việc ở nhà và thừa sức tự lo thân, không vấn đề gì. Mà coi bộ nó thích chí lắm, vừa làm việc vừa thưởng thức nấu ăn. Nó rất thích nấu ăn, chuyên nghiên cứu những món ăn đặc thù. Nó khoe với mẹ nó, tôi nghe được qua phone nên nói lớn, “Bao giờ nấu cho ba ăn được thì ba mới tin.” Nó trả lời, “Lần tới con về nhất định sẽ nấu cho ba mẹ ăn.” Thấy nó tự biết chăm sóc nên chúng tôi cũng rất yên lòng. Từ ngày học xong ngành nghề tới giờ là nó liên tục xa nhà, hoặc đi du lịch học hỏi đây đó hoặc đi làm hãng sở như lúc này. Lâu lâu nhớ nhà thì bay về thăm năm hôm ba bữa rồi lại ra đi. Lúc nào cũng chứng tỏ tự lo được cho bản thân và vui vẻ nên chúng tôi cũng phải làm quen với hoàn cảnh.

Ba đứa con ở ba nơi. Mỗi đứa một hoàn cảnh sinh sống cá biệt. Đáng lẽ chúng tôi phải an lòng nhưng đôi khi nghĩ tới hai thằng con đã lớn tuổi mà chuyện lập gia đình của chúng nó chỉ như mây bay. Cũng may con gái lập gia đình, có đời sống thoải mái, tài chánh sung túc, cho chúng tôi đứa cháu ngoại cưng ơi là cưng, lại sắp cho ra đời một chú nhỏ nữa làm cho hai bên nội ngoại khấp khởi vui mừng.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh tràn lan mà ba đưa con chia xa, Mẹ và gia đình anh em cũng mỗi người một góc! Thật không thể tưởng tượng cái chiêu của Tập Cận Bình quả nhiên lợi hại, quá sức độc ác!

Tôi đã phải đóng cửa trường võ từ đầu tháng Ba khi đại dịch bắt đầu phát tác nhanh ở Mỹ. Công việc hàng ngày mấy mươi năm qua bỗng nhiên thay đổi như ngày và đêm. Bị bó chân ở nhà hết ngày này qua ngày khác càng chới với hơn nữa. Dự định cuối Tháng Sáu là “rửa tay gác kiếm”, thong dong tự tại, tiếu ngạo giang hồ… Thế nhưng, sự thay đổi quá đột ngột này làm tôi sốc nặng. Tôi nhớ công việc hàng ngày, tôi nhớ lũ học trò nhỏ, những măng non vô tư, nhớ cả đường đi lối về mỗi ngày; cứ cảm thấy như mình đang ở một hành tinh xa lạ. Tôi chợt cảm nhận rõ một điều, cái gì mình tự nguyện thì dễ dàng xoay xở nhưng khi bị bó buộc thì cảm thấy bực bội, bất an. Bản tính tôi dường như là vậy. Hãy để cho tôi tự nguyện làm những việc cần làm thì cảm thấy sung sướng, hạnh phúc hơn. Tôi có đủ lý do chính đáng để huỷ bỏ khế ước thuê mướn, sẵn dịp về hưu luôn nhưng không làm được, vì có những trói buộc tinh thần mà không thể “thừa gió bẻ măng.”

Cũng may sớm hôm còn có nhà tôi bên cạnh mặc dù nàng làm việc miệt mài, dài giờ từ sáng tới chiều; nhiều ngày phải làm qua bữa ăn trưa, quá giờ ăn tối. Đôi khi tôi ta thán, “Việc ở đâu mà em làm không ngưng nghỉ như vậy.” “Em cũng không biết! Vẫn tưởng làm việc ở nhà thì đỡ hơn trong sở.” “Bộ trong sở em cũng quên ăn trưa, quên đường về luôn sao?” “Quên ăn trưa thì không lạ gì, còn quên giờ về thì anh biết đó, đôi khi quên luôn van pool (xe đi chung) và phải đi xe buýt. Mình làm lương tháng thì cần làm hết việc chứ không thể làm hết giờ! Mà việc thì cứ tới tấp. Có quá nhiều công việc có giới hạn thời gian.”

Nhà tôi được cho làm việc ở nhà trước một ngày tôi bị bắt buộc đóng cửa trường. Ban đầu hý hửng vì có nhau nhưng chỉ được vài ngày thì thấy mất vui. Thấy vợ làm việc cực nhọc đôi khi phát quạu ngang. Có lẽ vì ghen với công việc của nàng. Từ sáng tới tối ngồi cùng chỗ, cùng một không gian, nhưng việc ai người nấy làm. Tôi có một cái laptop nhưng nàng có tới vài cái cộng với hai màn hình với màn ảnh to tướng. Họp hành, thảo luận công việc bằng video, interphone, qua phương tiện webinar… Có nhiều lúc suy nghĩ chợt cười mỉm chi một mình, “Nàng làm ra tiền để trang trải cuộc sống còn mình thì chỉ toàn làm chuyện trời ơi, nếu không nói là chỉ mất thêm tiền!”

Mà là chuyện trời ơi và tốn kém thật. Mỗi tháng dạy học chỉ đủ xoay xở tiền thuê chỗ; nếu có thừa chút đỉnh cũng chỉ đắp vào những chuyện bao đồng, chuyện vác ngà voi. Đã vậy lại có cái đam mê tốn kém là viết nhạc, mướn ca sĩ, làm youtube để lên trời khơi khơi! Phải chi như “những ngày xưa thân ái” viết nhạc có tiền thì đỡ biết mấy! Bây giờ đang giữa mùa dịch, trường bắt buộc đóng cửa mà những chi phí đều phải trả đầy đủ. Chỉ mới thiếu tiền trường một tháng mà chủ đất đã đòi khoá cửa rồi!

Khi nghe tôi than, nhà tôi nói, “Dù ra sao đi nữa, làm việc ở nhà vẫn khoẻ hơn rất nhiều; không cần phải quần áo chỉnh tề, không cần phải thức khuya dậy sớm, không cần phải son phấn, không cần phải nhìn những khuôn mặt hắc ám của những cấp trên.” Tôi nghe và ngẫm nghĩ hoàn toàn đúng.
– Đàng nào thì Tháng Tám em cũng nghỉ hưu rồi!
– Nếu được làm ở nhà thì em chưa tính nghỉ hưu. Vì nghỉ hưu mà không đi đâu được, không làm gì được thì tại sao cần nghỉ? Chưa nói là mình vừa mất quá nhiều trong khoản tiền dành dụm được bao năm nay cho Mutual Funds.
– Em nói cũng đúng! Nhưng đâu phải riêng mình; hơn nữa, Mutual Fund rồi cũng sẽ lên trở lại thôi mà!
– Bao giờ lên trở lại bằng số tiền đã, đang và sẽ mất?
– Cứ phải để yên đấy thôi. Kinh tế sẽ phải trở lại chứ không thì chết thiệt!

Mà chết thiệt nếu kinh tế cứ trì trệ. Mình đã bao năm cố sống cần kiệm, tích cóp để cuối đời không phải lo toan vấn đề tài chánh; để an nhiên tự tại với đôi chân có nhiều nốt ruồi… ai ngờ thằng khốn Tập Cận Bình tung con Virus Vũ Hán ra, chơi một vố mạt sát ván, nhất là đã đến lúc vợ chồng nghỉ hưu. Nghỉ hưu mà bị bó chân ở nhà, khiến hai con khỉ già ngồi một nơi, chăm bẵm nhìn nhau trào máu họng thì… chết thiệt!

Đã hơn hai tháng qua, đời sống chúng tôi cứ như cái máy đĩa cũ kim bị mòn nên cứ lặp đi lặp lại cùng một câu hát. Sáng nàng dậy sớm làm việc, tôi ngủ cho tới 8g hoặc hơn. Ngủ dậy ra pha cà phê cho hai người rồi… thiền internet cho tới quá giờ trưa một chút nghỉ ăn. Đôi khi nàng mang thức ăn tới bên máy vừa làm vừa ăn. Tới giờ nghe đồng hồ reng nghỉ xả hơi, uống thuốc, rồi tiếp tục. Chiều, sau khi nàng nghỉ, chúng tôi cùng nhau đi bộ hoặc đạp xe đạp quanh vùng. Cuối tuần thì đi buổi sáng trước khi về uống cà phê. Kể từ ngày ông hàng xóm cho mượn hai chiếc xe đạp đến nay, chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội sử dụng tối đa như lúc này. Chúng tôi thay đổi lộ trình mỗi ngày, khám phá các hang cùng ngõ hẻm… đến một hai tiếng về nhà ăn tối, rồi mỗi người mỗi góc ôm máy cho tới giờ đi ngủ… Và ngày mới chương trình cũ tiếp nối… cho tôi hát bản, “Một ngày như mọi ngày…” cũng đã mòn hơi.

Ngày 1/5/2020 được tin ông Thống Đốc Texas cho phép mở cửa giới hạn, tôi mừng quá, gửi email và tin nhắn đến tất cả cha mẹ học trò, rán sắp xếp lịch trình dạy cho phù hợp với luật giới hạn 25%. Nhưng hỡi ơi! Một số đông đã tự ý huỷ hợp đồng. Một số viện lý do bất an với tình trạng dịch bệnh hiện tại, mặc dù tôi bảo đảm sẽ cố gắng sắp xếp để chỉ dạy mỗi lớp tối đa 10 học trò trong một không gian mở rộng với 2500sf. Một số khác viện cớ thất nghiệp không có tiền tiếp tục… Từ lúc đóng cửa trường – tuần lễ đầu tiên của Tháng Ba cho tới nay, tôi tự ý ngưng hợp đồng cho tất cả mọi người dù tiền trường và những chi phí khác vẫn phải trả tự động. Nhìn lại danh sách học trò còn lại không tới 10/50+ mà… méo mặt!

Tôi gọi cho chủ đất xin không trả Tháng Tư thôi nhưng chủ đất – là người Việt – nhất định không chịu. Sau khi nói chuyện tình nghĩa vài lần, đương sự mới chịu cho trả góp, nghĩa là từ Tháng Năm trở đi, mỗi tháng trả tiền thuê đầy đủ, cộng thêm $100 cho tới khi hết hợp đồng vào Tháng Tư năm tới. Thật ra với tình hình dịch bệnh này, tôi có thể xù hợp đồng thuê mướn, đóng cửa trường võ luôn thì chủ nhà cũng chẳng làm gì tôi được, nhưng vì trách nhiệm, vì tình nghĩa của những đứa học trò ngoan còn lại và cha mẹ tử tế của chúng nên không đành lòng. Hơn nữa vài ba đứa trong nhóm này đã trả hết tiền cho tới thi huyền đai vào Tháng Sáu tới, nên đành phải dùng số tiền ông Trump cho để phụ trả cho tròn trách nhiệm.

Cơn hoạn nạn này cũng là phép thử lòng tôi đối với trường lớp và học trò. Gần hai tháng trôi qua, dần dà cũng bớt bứt rứt vì những tiếng cười, giọng nói của lũ học trò con. Vì thế cho nên, lòng đã cương quyết, sau khi lũ nhỏ thi huyền đai xong, tôi sẽ giao võ đường lại cho vợ chồng học trò cao đẳng nhất và nhất định thơ túi rượu bầu. Chỉ hy vọng là tình trạng dịch bệnh chóng qua, tình trạng kinh tế tài chánh dần dần trở lại để tôi có thể được thong dong đây đó, thoả mộng giang hồ.

Hai tháng nữa thôi có vẻ rất gần nhưng vẫn phập phồng trông đợi như ngày xưa đứng trước ngõ chờ Mẹ đi chợ về để được cái thú thưởng thức chất ngọt lịm của những viên kẹo Mẹ cho. Mong lắm thay!

Kingwood, đầu Tháng 5/2020


« TRANG NHÀ »