Tưởng Nhớ Cao Đồng Khánh

ngày 28.05.18


Chuyện bây giờ mới kể

Không còn nhớ tôi quen biết Cao Đồng Khánh từ lúc nào, ở đâu, cách nào. Tôi cũng biết chàng về Houston từ California nhưng không nhớ lúc nào. Tôi lại biết chàng ở tạm cái trailer home trong khuôn viên nhà ông Đạo Tôn trên đường Findlay, chỗ vòng đai 610 phía Nam thành phố mà cũng không nhớ chàng dọn đến từ lúc nào rồi di chuyển qua nhà ở Vùng Southwest lúc nào. Vâng, có nhiều thứ tôi không biết về chàng lắm nhưng có một điều chắc chắn tôi biết là sự thân tình của chúng tôi dành cho nhau cũng như những bằng hữu thơ văn đếm trên đầu một bàn tay ở Houston, Texas thời thập niên ‘90 thế kỷ trước.

Năm 1991, gia đình tôi dọn về Houston, TX để tôi nhận việc mới – một công việc rất thích hợp cho đôi chân lãng tử và sở trường giao dịch của mình – Phụ tá Thương mại và Quản Lý Thị trường Pacific Rim cho hãng Minh Food’s, trực thuộc công ty thực phẩm khổng lồ Schwan’s (Pacific Rim Assistant Sale and Marketing Manager). Với công việc nầy tôi phải bay đi đây đi đó triền miên, từ các tiểu bang nội địa Hoa Kỳ đến các nước Á châu như Nam Dương, Mã Lai Á, Việt Nam… hơn 60% tổng số thời gian làm việc. Vì thế, việc sinh hoạt trong lãnh vực văn học nghệ thuật của tôi rất hạn chế. Giao tình với anh em cũng mưa nắng thất thường. Lâu lâu gặp nhau một lần thì chén bè chén bạn, chén chú chén anh rồi tôi lại vùi đầu vô công việc. Và cũng vì thế, từ việc Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ ra đời năm 1991 cho đến sự có mặt của Cao Đồng Khánh ở Houston, của Bùi Huy, và của một số khuôn mặt văn nghệ nổi tiếng khác – nay đã trở thành thân quen – rất bất ngờ, bất chợt như Vĩnh Tuấn, Nguyễn Mạnh An Dân, Phạm Ngũ Yên, Ngô Du Trung… Và dòng đời vẫn cứ tiếp diễn như thế cho đến giữa năm 1996, tôi đành phải xin nghỉ việc để có thêm thì giờ phụ cho nhà tôi với 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn nhanh chóng lớn.

Phải đợi đến ngày 20 tháng 12 năm 1996, tôi mới thật sự kết thân với Cao Đồng Khánh sau buổi giới thiệu tác phẩm thơ văn “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” của chàng. Vẫn còn nhớ trong đêm ra mắt sách đó, một kỷ niệm khó quên; tôi bị một anh bạn ngồi bàn bên cạnh gây chuyện – có lẽ nhậu quá chén – khi tôi bực mình lên tiếng về cách ăn nói thiếu nhã nhặn, cách hành sử mất lịch sự của anh ta trong lúc giới thiệu sách. Cũng may, bạn bè đôi bên dàn xếp nên mọi chuyện cũng qua nhưng cũng mất một phần ý nghĩa đêm vui. Buổi ra mắt rất thành công về mọi mặt; anh em bạn bè xa gần đầy đủ; văn nhân thi sĩ ở địa phương và các tiểu bang lân cận đều có mặt. Cao Đồng Khánh và tập thơ là một hiện tượng lạ cho người thưởng ngoạn đêm hôm đó. Chàng rất vui, rất phấn kích và khi khuya tàn tiệc thì ngất ngưởng cơn say, bạn bè dìu ra xe đưa về!

Tháng 4/1997, vào một chiều Thứ Bảy, tôi mời Cao Đồng Khánh và nhóm bạn văn lên thăm nhà tôi trên rừng Kingwood. Ai đi cũng than xa, kể cả ông thần xa lộ nhà mình là Cao Đồng Khánh cũng phàn nàn rằng tìm không ra Rest Area! Thực tình thì đâu có xa gì cho lắm, nếu không kẹt xe dưới phố thì chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ lái xe mà thôi; nhưng vì lần đầu tiên đi, lại chui vào khu rừng rợp bóng nên như xa vô tận! Hồi đó chưa có điện thoại thông minh, chưa “có I có S” gì sất”, lại chiều tối sợ bảng tên đường bị lá hoa che lấp, và tôi nghĩ đi theo cách tôi chỉ là dễ nhất… nên tôi chỉ đường tới cây số nào thì quẹo; chỉ anh em cứ đếm đúng 4 đèn đỏ từ ngả rẽ xa lộ thì quẹo trái, gặp ngả ba thứ hai quẹo phải, cuối đường ở Stop quẹo trái, vừa qua Stop thứ hai thì nhà bên trái; nhà có hai cây thiên tuế trồng trước ngõ… Thế nhưng, vài xe chạy theo một xe có mấy anh em đi chung, có lẽ vì mải mê nói chuyện nên quên mất đã qua bao nhiều đèn đỏ rồi… Hồi đó đèn đỏ còn thưa thớt lắm, lâu lâu mới có… Thế là các ngài đành quay lại ra đầu xa lộ đếm vô tiếp!

Sở dĩ tôi nói nhiều về lần nầy vì lần nầy có kỷ niệm rất đặc biệt với Cao Đồng Khánh.

Số là sau khi than phiền với tôi về “đường xa ướt mưa”… tới văng nước miếng, anh em bù khú nhau uống vùi. Chàng Cao nhà mình khi nhậu lại không chịu ăn, mà cầm chai nào nốc chai ấy tỉnh rụi. Nốc xong là nói chuyện thơ văn. Thơ của chàng Cao rất đặc biệt từ cách dùng chữ tới câu cú, rất sâu sắc, rất độc đáo; mà độc đáo hơn nữa là thơ của chàng chỉ có chàng mới đọc, mới diễn đạt, mới lột tả hết được tình ý của từng câu chàng viết, từng chữ chàng dùng. Thơ của Cao Đồng Khánh rất riêng, rất đặc biệt dù cũng có phân đoạn, cũng viết luông tuồng. Thơ và văn của Cao Đồng Khánh khi chàng diễn đạt thì cũng na ná giống nhau: hay và độc đáo!

Hơn quá nửa tiệc thì chàng đã có vẻ xỉn. Ép chàng ăn gì một chút gì nhưng nhất định không ăn. Chàng bước ra sân sau, nói là đi dạo một chút cho mát chứ đâu biết là đi thăm cây tưới cỏ! Đi một vòng xong, chàng bằng năm lăn trên cỏ… ngủ khò! Cũng may sân sau nhà tôi có chưng đèn sáng, thảm cỏ lại mới cắt tỉa bằng phẳng, gió rừng xuyên qua cành lá như tiếng ru, đêm rừng tháng 5 u tịch, giúp chàng chìm sâu vào giấc ngủ rất bình yên. Chúng tôi cố vực chàng dậy đưa vào trong mà chàng nhất định không chịu, cứ thẳng cẳng đánh một giấc nồng cho tới khuya tiệc tàn, anh em lại dìu chàng lên xe đưa về chốn cũ.

Theo tiểu sử trong tuyển tập thơ văn “LĐNGH”, Cao Đồng Khánh vốn là một công tử, con của thương gia Cao Đồng Hưng giàu có rất nổi tiếng ở Saigon năm xưa. Tuy vậy, chàng cũng đã hy sinh một con mắt trong quân ngũ. Giải ngũ đi du học ở Mỹ 5 năm; về lại làm thương mại với gia đình 4 năm; đi tù 4 năm; vượt biển đầu năm 1979 và cuối năm tới Mỹ. Cuộc đời chàng cũng thăng trầm, dâu bể không thiếu… nhưng chàng cứ mặc nhiên, sống hết mình, chơi tới bến nên bạn bè thương quý, anh em thân tình. Là một công tử con nhà giàu sụ nhưng tâm tính phóng khoáng, tấm lòng hào sảng, nói cười oang oang bất kể nơi đâu; chàng có vài chiếc răng phía trước đã đi vắng mà bạn bè nha sĩ xin giúp sửa sang nhưng chàng nhất định không chịu… nên khi chàng cao hứng, nói huyên thuyên, anh em đều ngại bị “văng miểng”!

Cứ tưởng, với chàng, một ngày rồi sẽ như mọi ngày; nhưng không! Ngày 12/12/2000 được tin chàng đột ngột lìa đời… để lại bao nhiêu thương tiếc cho gia đình và bè bạn. Cao Đồng Khánh ra đi, những tưởng sẽ không còn ai có thể đọc thơ của chàng hay bằng chính đương sự; nhưng may quá, chàng họ Cao còn để lại được hai truyền nhân mà chúng tôi tình cờ khám phá được. Một, dọn về Houston từ thành phố du lịch New Orlean, đó là chàng thi sĩ Lập Đông. Thi sĩ nầy nay cũng xụi lơ rồi! Khi thi sĩ không còn có thể uống được rượu thì sẽ héo queo như hoa thiếu nước! Một người khác, đó là ông đồ thi sĩ Bùi Huy. Chúng tôi đặt cho chàng hỗn danh nầy vì ngoài cái tài đọc thơ thế thân Cao Đồng Khánh, chàng còn tinh thông Hán Nôm, thích ngâm nga thi phú của các nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… Chàng dịch sang tiếng Việt rất bay bướm, rất chính xác; giọng đọc lại trầm ấm, lôi cuốn.

8 năm sau ngày chàng họ Cao đột ngột ra đi, chúng tôi, một nhóm bạn thân tưởng nhớ đến chàng; anh em tổ chức một Chiều Thơ Nhạc tưởng niệm ở vùng Bellaire vào giữa tháng 5/2008. Trong buổi sinh hoạt thấm đậm tình nghĩa nầy, anh em lại nghe Bùi Huy xuất hồn đọc thơ Cao Đồng Khánh; được nghe nhiều bạn hữu thân tình kể lại kỷ niệm của mình với thi sĩ tài hoa mệnh yểu họ Cao như Lê Cảnh Thạnh, Tuý Hà, Vĩnh Tuấn, Lan Cao mà tôi là người ít kỷ niệm nhất.

Thời gian đi thấm thoát, Cao Đồng Khánh đã từ giã anh em 18 năm rồi! 18 năm biết bao nhiêu vật đổi sao dời nhưng tình nghĩa với Cao Đồng Khánh vẫn còn nồng nàn mỗi khi nhắc đến, nghĩ về. Nay nhân dịp ông thi sĩ quân đội Trần Hoài Thư dự định làm một số báo đặc biệt có chủ đề để nhắc nhớ về người thi sĩ tài hoa mệnh yểu nầy, tôi xin góp vài trang để cùng nhau tưởng nhớ về một người bạn dễ thương đã ra đi khá lâu mà cứ vẫn tồn tại trong lòng anh em cầm bút.

Bài viết nầy là tâm tình của tôi nói về một người bạn thân thương đã quá vãng, nên nếu có sai sót gì chắc cũng chẳng phiền tới ai nhé. Chúc các bạn tôi luôn vui vẻ, mạnh khoẻ.

Rừng Vua tháng 5/2018


« TRANG NHÀ »