Sứ Mệnh Tinh Thần

ngày 21.10.21

Godspainting


1.
Đang nín thở, nằm bẹp dí trong một góc tối tăm ở một nơi xa lạ để chạy trốn công an Việt cộng thì nghe tiếng dộng cửa ầm ầm. Tôi cố khom mình, nhích sâu thêm một chút vào bóng tối bỗng bị lọt thỏm… xuống sàn nhà, đau điếng! Mở bừng mắt, mồ hôi vã như tắm, tôi thở phào, vui mừng… khi biết mình đang nằm trong phòng khách sạn vừa trải qua một giấc mơ kinh hoàng!

Chưa kịp hoàn hồn thì lại nghe tiếng gõ cửa. “Ai đó?” “cần dọn phòng không?” “Chưa cần”. Đó là mẩu đối thoại với người bồi phòng ở ngoài hành lang. Tôi leo lên giường nằm xuống, cố ngủ thêm một chút nữa nhưng không tài nào chợp mắt được vì những tiếng ồn ào bên ngoài xông vào phòng rất khó chịu. Nhìn đồng hồ bàn thấy đã qua trưa! Tôi lại hoảng hốt bước như nhảy vào phòng tắm, làm vệ sinh rồi sắp xếp công việc phải làm hôm nay. Việc phải làm hôm nay cũng là lý do chính tôi về Quảng Ngãi lần này.

2.
Tôi đã rời xa Quảng Ngãi khá lâu; bây giờ về đây, thấy đâu đâu cũng đều xa lạ, nhưng trong tôi vẫn như bùi ngùi, luyến tiếc một thứ gì đó. Có lẽ tuổi xuân chăng chứ cảnh không cũ và người người đều xa lạ. Quảng Ngãi trong tâm thức của tôi là những hình ảnh thân thương, mộc mạc nhưng diệu kỳ vô cùng. Quảng Ngãi trong tôi là dòng sông Trà, sông Vệ mông mênh; là những con đò ngang mỏng manh; là những bờ xe nước kỳ vĩ; là những tiếng xe ngựa gõ lộp cộp trên đường đá; là những đêm trăng sáng, trời trong bạn bè kéo nhau ra bãi cát ngủ qua đêm. Quảng Ngãi trong tôi là an vui, thanh bình suốt thời tuổi thơ mầu nhiệm… Lòng tôi lâng lâng cảm xúc, bâng khuâng, rưng rức lạ lùng!

Ra khỏi khách sạn, trời nắng chói chang, tính tìm một anh xe ôm để đi đến chỗ cần đến. Vâng, đi về xóm nhỏ thì chỉ có đi xe ôm mới tiện tìm kiếm. Đang lớ ngớ giữa một chỗ xô bồ, phía trước khách sạn Trung Tâm trên đường Lê Lợi, Quảng Ngãi. Có lẽ đây là nơi tụ tập chờ khách của những người chạy xe ôm, xích lô đạp. Họ tụ năm tụ ba tán dóc, đánh cờ, binh xập xám, nói nói cười cười xen lẫn tiếng cãi cọ ồn ào cả một góc phố. Tôi nghĩ cần một tách cà phê trước khi đi. Bước vào quán cà phê bên đường ngồi xuống. Trong lòng xôn xao lạ. Biết là không gian này không phải là sự chọn lựa của tôi. Có bóng dáng của các em bé bán vé số dạo. Tiếng mời chào đủ các âm giọng ba miền đất nước. Đầu óc tôi mụ mị trong không gian hỗn tạp tiếng người, tiếng còi xe; trên tay ôm một chiếc bình sành nhỏ đựng tro cốt của Huệ – một người học trò ngoan hiền- đưa về từ Mỹ.

Vừa ngồi vào bàn thì một đám nhóc bán vé số nhào tới mời chào. Tôi lắc đầu nói không mua mặc dù chúng nó năn nỉ dai dẳng. Tôi ngồi làm thinh, mặt mày nghiêm và buồn được một lúc thì chúng nó bỏ đi. Xong lại có thằng bé đánh giày trờ tới, “Chú đánh giày không chú?” “Trời đất, chú mang giày thể thao mà đánh nỗi gì?” “Giày thể thao thì đánh theo giày thể thao chú ơi.” “Không đâu cháu, chú cần uống ly nước rồi đi công việc gấp.”

Thằng bé vừa đi thì một bé gái rất nhỏ – có lẽ chừng 5-6 tuổi là cùng – sà đến bên tôi, “Chú mua giùm con ít vé số đi chú?” “Không, chú không mua đâu cháu.” “Chú làm ơn giúp con; mua mấy tờ cũng được. Con cần bán rất nhiều vé số hôm nay vì mạ con đang bệnh, cần tiền mua thuốc!”

Tôi nghĩ tụi nhỏ bán vé số bao giờ cũng có những lý do bi đát để câu khách nên tôi chẳng quan tâm gì lắm. Chỉ khi nhìn kỹ con bé, thấy mặt mũi sáng sủa, xinh xắn nhưng gầy gò, chiếc áo bà ba có hai miếng vá ở khuỷu tay và vai, chân đi đôi dép mòn cả gót làm tôi chạnh lòng! Với số tuổi này đáng lẽ cháu ở nhà vui chơi sao lại tả tơi bán vé số! Nhìn quanh một lượt thấy lũ nhóc bán vé số đều không khác gì nhau mấy nhưng tự nhiên tôi có thiện cảm với con bé nầy. Không biết vì cái giọng Huế nhỏ nhẹ dễ thương của nó có dự phần trong tình cảm bất chợt này không; đối với trẻ con, nhất là các bé gái bao giờ tôi cũng dành nhiều cảm tình hơn. Tôi dạy con nít hơn 40 năm qua nên tôi rất yêu mến trẻ con; thế nhưng, tuổi đời đã đi qua ngã sáu rồi, tôi vẫn chưa có cơ hội thực tập hai tiếng “ông cháu” mầu nhiệm.
– Chú không mua vé số nhưng chú có thể tặng cháu ít tiền ăn bánh mì được không? Miệng nói tay móc túi lấy ra một ít tiền lẻ đưa cho con bé.
Nó khoa tay từ chối và đi thụt lui vài bước:
– Dạ không được mô chú. Chú mua vé số thì con rất vui. Rất cám ơn chú nhưng con không xin tiền.
– …? Tôi bỡ ngỡ, chưa biết ứng xử sao.
– Mạ con dặn không được lấy tiền của người khác.
– Thì cháu có lấy của ai đâu, chú tự nguyện, kể như tiền chú mua vé số thôi mà?
– Chú mua vé số thì con bán. Còn không mua thì con không lấy mô. Chú mua giùm con một ít đi?
– Chú không thích vé số. Người ta nói trúng số xui lắm!
– Con mới nghe chú nói lần đầu. Chú không mua thì con đi nghe.
Con bé mới chừng ấy tuổi mà đối đáp như người lớn. Nó dợm bước đi, tôi vội vã nắm tay con bé giữ lại:
– Được rồi, được rồi! Chú mua.
Con bé nhoẻn miệng cười dễ thương hết sức:
– Chú mua mấy vé nì?
Thấy con bé cầm trên tay một xấp, tôi hỏi:
– Một tấm bao nhiêu tiền cháu?
– Dạ 10 ngàn!
– Phần cháu lời được bao nhiêu mỗi tấm
– Dạ tám trăm!
– Từ sáng tới giờ cháu bán được bao nhiêu?
– Dạ tệ lắm! Chắc chỉ khoảng hơn 10 tấm thôi!

Trong đầu tôi làm vội một con toán: 10 tấm được 8 ngàn, khoảng 40 xu Mỹ.
– Bán bao nhiêu mới đủ tiền thuốc cho mẹ cháu?
– Dạ không biết nơi, nhưng chắc cần bán nhiều lắm
– Cháu đếm thử cháu còn bao nhiêu tờ?

Con bé mở to đôi mắt có vẻ ngạc nhiên, quẹt ngón trỏ bé tý vào miệng, cắm cúi đếm một hồi rồi ngước lên nói:
– Dạ còn đúng 86 tờ.
– Nếu hết ngày mà cháu bán không hết thì làm sao?
– Cuối ngày phải trở lại đại lý để thanh toán. Số không bán được sẽ bị phạt 10%.
– Vậy làm sao? Bây giờ đã xế bóng?
– Có lẽ con phải bán tới khuya!
– Cuối ngày! Tới khuya!?
Như hiểu ý tôi nó nói liền:
– Dạ cuối ngày là lúc mình đem tới đại lý thanh toán. Con xin người ta tới 10 giờ đêm. Nếu hết sớm thì được về sớm. Chú mua giùm con 10 vé nghe?
– Nếu chú mua hết thì cháu về nhà với mẹ hay đi bán tiếp?
Con bé trố mắt như không tin những gì nó vừa nghe:
– Chú noái thiệt không?
– ….! – Tôi không nói gì, chờ đợi câu trả lời tiếp của nó.
– Rứa thì con sẽ về mua thuốc cho mạ trước rồi tính tiếp. Con bé nói như reo.

Tôi đưa tay đỡ tập vé số trên tay con bé, móc bóp đưa cho nó tờ 50 đô. Nó ngập ngừng một thoáng xong cầm tờ giấy bạc rồi móc cục tiền bó bằng dây thun trong túi đưa hết cho tôi và nói: “đây là tiền thối lại cho chú nè.” “sao cháu chưa đếm mà đưa hết cho chú vậy?” “đó là tiền con bán 14 tấm vé số từ sáng giờ đó.” Tôi đẩy tay nó, bảo giữ luôn không cần thối lại, nó không chịu; nó nhất định chỉ lấy đúng số tiền vé số mà thôi, dù tôi có năn nỉ thêm cũng vô ích. Tôi thầm nghĩ, ở cái xã hội băng hoại, mục nát từ thượng tầng đến các anh công an đứng đường nầy sao còn có được những tâm hồn lương thiện, đoan hậu như thế! Ước gì những kẻ ăn trên ngồi trốc có được một chút liêm sỉ của con bé nầy thì đất nước mình, dân tộc mình đâu đến nỗi tang thương, khuất phục như hôm nay! Vừa cảm phục vừa thương con bé quá, muốn ôm nó vào lòng.

Vì thấy nó có vẻ ngập ngừng khi cầm tờ 50 đô nên để chắc ăn, tôi dắt nó qua tiệm vàng kế bên đổi ra tiền VN và đưa cho nó đúng con số nó muốn. Nó đếm lại lần nữa rồi ngước mắt lên nhìn tôi nhỏen miệng cười nói:
– Con đếm lại cho chắc chú không đưa hơn số tiền vé số.
Tôi cười méo vì thương tính nết ngay thẳng và hồn nhiên của con bé; tôi đưa tay xoa đầu tạm biệt con bé với nhiều lưu luyến, và cũng không quên chúc mẹ nó chóng lành bệnh.

3.
Tôi ngoắc một anh xe ôm. Hai anh cùng chạy tới hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi nói tôi chỉ cần một anh cho tôi đi về địa chỉ nầy. Vì không biết hỏi anh nào nên tôi xòe số địa chỉ ghi trên tờ giấy ra giữa. Một anh nói 65 ngàn một chiều. Anh kia nói 45 ngàn… rồi hai anh cãi nhau, “đây chạy tới Mỹ Khê mà 45 ngàn, tính giựt khách người ta hay sao?” “Chỉ chạy tới Tịnh Khê mà đòi chặt người ta 65 ngàn!” “Anh có biết chỗ nầy gần bãi biển Mỹ Khê hay không?” “Nhưng chưa tới cầu Mỹ Khê, cũng không phải ra bãi tắm!”… Thấy hai người cãi nhau mãi mất thì giờ, tôi chọn anh bạn lấy 45 ngàn. Thật ra 65 hay 45 cũng chỉ thêm $1 USD mà thôi, đâu có bao nhiêu nhưng tôi theo anh 45 ngàn vì thấy anh ta có vẻ thật thà hơn nhiều.

Tôi leo lên xe ngồi sau gợi chuyện:
– Anh nghĩ bao lâu mình sẽ tới nơi?
– Dạ khoảng 45 phút là nhiều.
– Tôi không gấp lắm, anh chạy an toàn là tốt nhất.
– Dạ, vậy cứ đi đường chính theo Quốc lộ 24B là tốt nhất.
– Mình đi đường mới qua ngả Tam Thương phải không?
– Dạ, em sẽ chạy theo Lê Thánh Tôn, rẽ trái đường Đinh Tiên Hoàng, cũng là đường Bà Triệu, qua cầu mới, rẽ phải theo quốc lộ 24B về hướng Mỹ Khê.
– Anh cứ chạy đường nào nhanh và an toàn là được rồi.
– Mà anh tìm ai ở đó vậy?
– Một người quen.
– Em có thể biết tên không, may ra em biết?
– Anh ở vùng đó à?
– Dạ, nhà em ở gần chợ Tịnh Khê, không xa địa chỉ anh sắp tới.
– Anh biết ai tên Phạm Thị Phương Lan, một người đàn bà khoảng tuổi 30?
– Vậy thì xin lỗi, em không biết.

Anh xe ôm khoảng hơn 40 tuổi. Ăn nói lịch sự và có vẻ thành thật. Tôi cảm thấy yên tâm. Trên đường xe cộ tấp nập đủ loại. Anh vừa chạy vừa kể chuyện khi tôi hỏi để mà hỏi “anh có gia đình vợ con rồi chứ?” Có lẽ anh cũng đã biết tôi không phải là người ở đây nên “cạn mạch sầu” thao thao bất tuyệt. Anh kể chuyện anh sinh ra không có cha. Cha anh là lính Sư đoàn 2, chết trên đường chạy loạn tháng 3/1975. Vì là gia đình “ngụy quân” nên mẹ con anh bị chế độ mới ức hiếp đủ điều trong đời sống cơ bần. Mười năm sau mẹ anh bạo bệnh mất và anh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ đó. Anh ở với Nội được mấy năm, không làm gì được để giúp mà còn là gánh nặng cho một gia đình cũng tả tơi không kém. Sau đó anh tự bươn chãi để sống cho tới bây giờ. Ngày ngày chạy xe ôm mưu sinh, có một con trai đang học cấp một; có vợ buôn bán nhỏ ngoài chợ Tịnh Khê…

Tôi ngồi nghe anh kể chuyện với tiếng gió ào ào bên tai, nên chỉ nghe mà không góp chuyện. Trong lòng tôi đang bâng khuâng, hồi hộp nghĩ tới chuyện gặp gỡ sắp tới!

Xe chạy khoảng gần tiếng đồng hồ thì tới khu Trường Trung Học Cơ Sở Võ Bẩm nằm bên trái quốc lộ; đối diện bên kia lộ là trường Trung học Phổ Thông Sơn Mỹ. Anh tài xế nói với tôi sắp tới nơi rồi. Tôi giật mình vì khu nầy ở gần họ hàng nhà tôi. Nhìn đồng hồ thấy hơn 2 giờ chiều. Thấy vẫn còn sớm, hơn nữa tôi cũng cần thêm thời gian để ổn định tinh thần trước khi giáp mặt; tôi đề nghị ghé vào quán uống nước trước khi vào nhà. Tôi đã từng nhiều lần hồi hộp trước ngưỡng cửa sinh tử của cuộc đời, nhưng chỉ đơn thuần hồi hộp trước khi loạt đạn đầu tiên được bắn ra khỏi nòng súng. Còn sứ mệnh (mission) của tôi lần nầy coi bộ khó khăn hơn nhiều; ngoài sự hồi hộp, lòng tôi còn đầy thương cảm và bối rối. Dẫu đã có được tấm hình bỏ túi do người học trò đưa để dễ nhận diện – tấm hình chụp chung của hai người hơn hai năm trước – nhưng vẫn không hình dung được người ấy bây giờ ra sao, sẽ phản ứng ra sao trước một thực tế phũ phàng.

Ngồi uống nước độ hơn mười phút, chúng tôi chạy tới địa chỉ đã ghi. Tôi đưa tay gõ cửa một lúc lâu mới có một ông cụ ra mở cửa. Tôi hơi bỡ ngỡ:
– Thưa Bác cháu muốn hỏi thăm cô Phương Lan.
– Ồ! Cô ấy đã về ở trên thành phố tháng trước rồi. Mà anh là ai, quen biết ra sao với cô đó?
– Thưa Bác, có người ở bên Mỹ nhờ cháu tìm giúp cho họ.
– Trông tướng tá chú chắc mới bên Mỹ về phải không?
– Dạ phải!
– Chờ con tui một chặp, nó về đưa chú địa chỉ của cô ấy. Khi dọn đi, cô có dặn con tui, nếu có người quen nào muốn tìm, nhất là người ở bên Mỹ, thì đưa địa chỉ cho họ.

Tôi sốt ruột quá, hỏi “bao lâu nữa con Bác mới về?” Ông cụ cười mỉm nói “chắc chặp nữa thôi, nó chạy qua trường mầm non đón con về liền, chắc không lâu nữa đâu.” Nói xong mời chúng tôi vào nhà ngồi đợi. Cụ mời chúng tôi hai tách trà thơm.

Ngồi một lúc, tôi cứ thắp thỏm ngó mong. Anh tài xế biết tôi nóng ruột nên hỏi, “Anh có muốn đi một vòng trong lúc chờ đợi không, em không tính tiền thêm đâu?” “Thôi mình đợi đi anh!” Thật tình tôi cũng muốn chạy ra biển cho khuây khỏa nhưng trong lòng cứ nôn nao muốn lấy địa chỉ ngay để còn đi tìm. Thời gian cứ chậm chạp, chậm chạp!

Hơn 20 phút mới thấy một thiếu phụ dắt cháu nhỏ vào nhà. Bỡ ngỡ nhìn chúng tôi. Ông cụ nói liền, “Người ở Mỹ về muốn tìm chị Lan, Ba nói họ chờ con về đưa họ địa chỉ.” Thiếu phụ quay qua hỏi tôi:
– Chắc ông là người muốn tìm chị Lan?
– Tôi tên Phong, ở Mỹ về, tìm giúp cho một người khác.
– Sao người đó không tự về tìm lấy?
– Có, nhưng không nói được!

Tôi chỉ chiếc bình sành trên tay. Thiếu phụ có vẻ tái mặt, lúng túng, lẳng lặng đi vào trong một lúc đem ra một tờ giấy có ghi địa chỉ đưa cho tôi.
– Xin chia buồn với ông. Có lẽ ba tôi đã cho ông biết chị Lan dọn về thành phố tháng rồi. Chị Lan ốm yếu không biết có chịu nỔi sự đau buồn nầy không. Chúc ông may mắn.

Tôi cám ơn cô ta và nói lời từ giã với hai cha con. Hỏi anh xe ôm có muốn đưa tôi trở lại thành phố tìm tới địa chỉ nầy không. Anh trả lời là rất vui lòng và cũng sẽ lấy thêm 45 ngàn nữa thôi. Tôi nói không thành vấn đề, chỉ mong làm cho xong trách nhiệm hôm nay cho nhẹ mình.

4.
Về lại thành phố hơn 4 giờ chiều. Địa chỉ ở trong hẻm Ngô Quyền với hai cái xẹt (sur), khu chợ Quảng Ngãi, rất khó tìm. Anh xe ôm vừa chạy vừa hỏi thăm, cuối cùng cũng tới được. Địa chỉ là một căn nhà nhỏ trông gọn gàng, sạch sẽ. Tôi lại hồi hộp đưa tay gõ cửa, nghe tiếng trả lời của một cụ bà người Huế; rồi cửa xịch mở. Một bà cụ trông gầy gò ốm yếu, lưng lại còng, ngó tôi từ đầu tới chân:
– Cậu muốn tìm ai?
– Thưa Bác có phải cô Phương Lan ở đây không ạ?
– Cậu là ai mà biết tên con gái tui?
– Thưa Bác có người bên Mỹ nhờ cháu tìm giúp.
– Phải thằng Huệ nhờ cậu không?
– Dạ phải.
– Mời cậu vào nhà nói chuyện.
– Vâng cho cháu trả tiền xe cho họ về đã.
– Nếu anh muốn em ở quanh đây chờ anh cũng được. – Anh tài xế vội nói.
– Cám ơn anh, đây về khách sạn không xa lắm, hơn nữa không biết phải bao nhiêu lâu mới xong. Khi xong việc tôi sẽ gọi xe khác chắc không khó lắm đâu.
– Theo em thấy anh có thể đi bộ tới khách sạn cũng được.
Tôi đưa cho anh ta 200 ngàn VND mới đổi ở tiệm vàng hồi trưa. Anh ta gãi đầu lúng túng:
– Em tên Minh, mỗi ngày em đều loanh quanh trước khách sạn Trung Tâm và bến xe Quảng Ngãi. Anh cần đi đâu em sẽ hướng dẫn anh không sợ bị người ta lường gạt.
– Vâng, nếu cần tôi sẽ tìm anh.

Nhìn anh tài xế đi khuất, tôi theo bà cụ vào nhà. Căn phòng nhỏ trông rất tươm tất, vắn khéo nhưng có vẻ đạm bạc. Bà cụ mời tôi ngồi vào chiếc ghế duy nhất bên cạnh chiếc bàn con kê sát tường; tôi ý tứ đặt hũ tro cốt xuống chiếc bàn. Từ trưa đến giờ tôi ôm cứng trên tay, chỉ để xuống được 15 phút ở quán nước dưới Tịnh Khê. Bà cụ vén tấm màn ngăn làm phòng ngủ và ngồi trên cạnh giường.
– Mạ con hắn vừa ra chợ chắc cũng sắp về. Cậu ngồi đợi được chớ? Để tui lấy nước mời cậu.
– Dạ thưa Bác không cần đâu ạ, cháu vừa uống nước rồi.
Nói là nói vậy chứ tôi cũng đã khát nước, chỉ vì thấy nhà đơn chiếc quá và bà cụ cũng gầy gò trông tội nghiệp.
– Cậu mới về hay về lâu rồi? Hiện ở mô?
– Thưa Bác, cháu tên Phong, từ Saigon về Đà Nẵng xế trưa hôm qua, vậy mà mãi tới khuya xe mới về tới khách sạn Trung Tâm trên đường Lê Thánh Tôn gần đây.
– Dường như cậu ở bên Mỹ về?
– Sao Bác biết?
– Thì trông bộ dạng của cậu và nghe cậu nói thằng Huệ bên Mỹ nhờ cậu ra đây tìm em Lan.
– Dạ vâng ạ! Để Phương Lan về cháu sẽ kể hết đầu đuôi luôn ạ.

Tôi sốt ruột quá, đứng lên ngó mong ra cửa. Bà cụ nhận là mẹ của Phương Lan nhưng sao không nghe Huệ nhắc tới khi còn sống.
– Thưa Bác cho cháu để cái bình ở đây, cháu ra hẻm mua bao thuốc lá về liền.
– Được được, cậu cứ để đó tôi coai cho, không mất đi mô mà lo.

Tôi lang thang ra đầu hẻm, ngồi ngay quán cóc đầu con hẻm để ngó chừng; gọi ly cà phê đá và mua gói thuốc lá của một bà bán bên cạnh, phì phà chờ đợi. Tôi nghĩ ngồi ở đây, nếu mẹ con cô ấy về nhà nhất định phải đi qua con hẻm nầy, nên yên tâm ngồi chờ. Thế mà tôi đã hút hết hai điếu thuốc, uống hết ly cà phê mà vẫn không thấy tăm dạng của một cô gái khoảng 30 tuổi đi với đứa con nhỏ nào cả. Sự chờ đợi thật vô cùng khó chịu, thấy thời gian đi chậm như rùa. Tôi nghĩ tôi phải vô nhà kẻo bà cụ trông.

Tính đưa tay gõ cửa thì cửa xịch mở. Một thiếu phụ với suối tóc đen mượt, dài chấm lưng, gương mặt thanh tú, khả ái nhưng trông võ vàng, tiều tụy. Đôi mắt đỏ ngầu, dường như vừa mới khóc. Tôi lúng túng hẳn. Nàng cũng chưa kịp nói gì thì một con bé phía sau lưng vượt lên trước:
– Ủa chào chú!
Tôi kinh ngạc thấy con bé bán vé số khi trưa.
– Mạ ơi, đúng là chú ni là người mua hết vé số của con khi trưa mà con noái với mạ đó! – Con bé quay sang nói với mẹ nó.
– Chào anh. Anh Phong phải không? Tôi là Phương Lan, mẹ của cháu Lan Huệ! – Giọng nàng sũng nước mắt.
– ….
– Mời anh vào nhà đã.
– Con qua quán dì Tám mua cho mạ mấy chai nước ngọt; nhớ lấy ít nước đá.
– Dạ mạ!
– Không cần đi đâu cháu. -Tôi giữ vai ngăn con bé lại.
– Anh để cháu đi, nhà chẳng có gì.

Thấy không tiện ngăn cản thêm, tôi đành buông tay, theo nàng bước vào nhà. Thấy bà cụ vẫn ngồi trên giường mặt buồn dàu dàu, tôi gật đầu chào, nói với cụ cũng như nói với Phương Lan:
– Xin lỗi Bác, cháu đợi lâu sốt ruột quá nên ra ngoài đầu hẻm uống nước. Tưởng đâu Phương Lan về đường đó mà không thấy nên ngồi hơi lâu.
– Tôi tưởng cậu đi luôn rồi chớ!
– Dạ đâu có! Cháu về đây chỉ có một việc nầy thôi mà!
– Cậu ngồi xuống đi rồi nói chuyện.

Phương Lan đẩy chiếc ghế về phía tôi và ngồi chiếc đối diện. Chắc có lẽ chiếc ghế để trong bếp mới được mang ra. Tôi chưa biết mở lời cách nào thì nàng nói tiếp:
– Mạ con em đi đường trong nên anh không thấy là phải. Khi vô tới nhà, thấy trên bàn có cái bình sành nầy, bé Lan Huệ nói liền “sao giống cái bình của chú mua vé số của con khi trưa quá!”
– …
– Con bé về lúc trưa, khoe với em, “có một cái chú chắc ở đâu mới tới; tụi thằng Tèo, thằng Dũng bị chú từ chối mà chú lại mua của con, còn mua hết nữa chứ!” Rồi nó khoe là “chú nớ cố cho tiền con mà con nhớ lời dặn của mạ nên nhất định không lấy.”
– Vâng, sự thực là vậy! Phương Lan dạy con hay quá! Chính vì sự thông minh và thực thà của nó mà tôi đã “phải lòng nó”.
– Cám ơn anh, tuy gia đình em nghèo nhưng lúc mô em cũng nhắc con “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Em đâu có muốn bắt con đi bán vé số, chỉ vì thời gian gần đây em bệnh triền miên không làm ăn chi được hết. Ba thế hệ tùy thuộc vào em mà sức em tàn, lực em kiệt! Cả tuần nay lại nằm liệt một chỗ, ăn uống khó khăn. Con bé thương mẹ, nhất định đòi cho nó đi bán vé số tạm thời. Cũng may, cháu được nhiều người thương, nhưng không vì vậy mà em để con phải khổ lâu. Chỉ vì đang mùa hè cháu nghỉ ở nhà không việc chi làm và chưa biết làm răng để thoát ra khỏi hoàn cảnh tối tăm ni. Khi trưa nó về lại mang theo một chị y tá chích dạo… cách đây vài tiếng đồng hồ, em mới ngồi dậy nỗi, rán cùng đi với cháu ra nhà thuốc tây mua thuốc theo lời dặn của cô y tá; cũng là cách cho đỡ quẩn trí, cuồng chân.

Nàng thao thao như để che giấu cảm xúc; như để cho tôi có thêm bình tĩnh. Ngồi nghe nàng nói mà lòng tôi xót xa, bối rối, vẫn chưa dám mở lời.

Cánh cửa xịch mở, con bé đã về cầm theo mấy lon nước ngọt và một cục nước đá nhỏ. Tôi nhìn con bé với tất cả trìu mến. Nó đi thẳng vào bếp, nghe tiếng nước chảy, tiếng chặt đá và tiếng ly tách lịch kịch. Tôi ngó vẩn vơ chung quanh phòng. Bà cụ vẫn ngồi yên kiên nhẫn nhai trầu. Tôi nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài bóng chiều đã xuống thấp, tiếng rao hàng cũng thưa thớt dần. Tôi đưa mắt nhìn nàng nhưng không đủ can đảm nhìn lâu. Con bé đem cho bà một ly nước trước khi đặt hai ly trên bàn chúng tôi ngồi, xong tới ngồi bên cạnh giường gần bà ngó tôi… Tôi bảo con bé “chú không uống nước ngọt được, uống vào là sưng cuống họng, ho liền trong vòng 30 phút. Cháu cho chú tách nước lạnh rất tốt. Con bé ngó mẹ nó, thấy Phương Lan gật đầu, nó lại chạy xuống bếp đem lên cho tôi một ly đá lạnh. Tôi đưa ly nước ngọt cho nó, nó ngần ngừ nhìn mẹ và mẹ nó gật đầu ra dấu đồng ý.

Bỗng nhiên, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Có phải anh mang cho chúng tôi một tin rất xấu không?
Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực; miệng tôi chát đắng, ấp úng không nói nên lời!
– Có phải đây là hũ tro cốt của Huệ?
– …!

Tôi nghẹn lời chưa kịp trả lời. Người thiếu phụ đang ngồi trước mặt tôi quá sức thông minh và thẳng thắn. Tôi bối rối nhìn bà cụ rồi nhìn con bé. Không gian vô cùng tĩnh mịch, thỉnh thoảng nghe tiếng rao hàng của những người bán rong đi ngang trước cửa. Lòng tôi chùng xuống, nghe nhịp tim đập bồi hồi. Mọi người như rất chú tâm để nghe tôi xác nhận. Phương Lan vừa khóc vừa nói:
– Em đã sẵn sàng nghe anh xác nhận. Cả tháng ni em đã linh tính có điều bất thường, mặc dù đã hơn hai năm rồi không nghe tin tức chi của Huệ. Dù vậy, em vẫn nhất quyết không tin Huệ quên bỏ mạ con em.
– Vâng, Huệ không bao giờ quên bỏ mẹ con Phương Lan. Có quá nhiều đau thương đã xảy ra cho Huệ, nhưng nó nhất định không nói với ai, kể cả tôi. Tôi là thầy dạy võ của Huệ. Huệ đã đến học với tôi gần bốn năm. Tính Huệ hiền hòa ít nói nhưng siêng năng và vô cùng lễ phép. Những ngày lễ tết, Huệ thường đến nhà thăm và tặng quà cáp, đôi khi đi với Mẹ. Nhìn cách đối đáp với mẹ nó, tôi biết Huệ là một người con chí hiếu. Dần dà tôi coi nó như một người thân và không lấy tiền học phí của nó nữa. Mỗi lần có tiệc vui trong gia đình đều có nó tham dự, vài lần đi chung với Mẹ nó. Dù vậy, khi tôi hỏi chuyện gia đình vợ con thì nó chỉ cười buồn mà không nói. Tôi biết Huệ chắc có điều gì khó nói nên tôi tôn trọng sự riêng tư không hề hỏi nữa. Mỗi lần đến tập xong rồi về. Lâu lâu tôi không thấy tới thì tôi gọi hỏi thăm. Rồi Huệ lại bất chợt xuất hiện, vẫn tập tành siêng năng, kỷ luật như thường.
Tôi ngưng lại, bưng ly uống một ngụm nước. Nước đá lạnh như làm cho tôi bình thản trở lại. Tôi thong thả đặt ly xuống bàn, hắng giọng tiếp:
– Cách đây khoảng hai năm, buổi chiều, lúc tôi đang dạy lớp thì nghe điện thoại của Huệ. Tôi bắt điện thoại để nghe tiếng nấc của Huệ, “Thầy ơi! Mẹ em mất rồi!” Tôi sửng sốt hỏi “Mẹ đau bệnh gì vậy?” “Dạ, Mẹ em bị ung thư buồng trứng!” “Mới phát giác hay lâu rồi?” “Dạ chữa trị cả năm rồi Thầy ạ!” “Mẹ đang được quàn ở đâu?” “Dạ nhà quàn Vĩnh Phước.” “Có người thân nào ở đó với em không?” “Kính Thầy em là người duy nhất, em không có thân nhân, chỉ có hai mẹ con thôi!” Thế là tôi giao lớp cho học trò lớn, lái xe xuống ngay với Huệ vì tôi nghĩ Huệ đang cần tôi.

Phương Lan nấc nhẹ, nước mắt đầm đìa. Con bé lấy khăn tay đưa cho mẹ nó. Tôi cũng nghẹn ngào, khó khăn nói tiếp:
– Sau khi tang lễ hoàn tất, Huệ càng lúc càng vắng mặt ở trường. Tôi nghĩ có lẽ Huệ vì quá đau buồn nên hết muốn tập luyện. Lâu lâu không thấy thì tôi lại gọi hỏi thăm an ủi. Có lần tôi đề nghị “hay là em về ở chung với Thầy”, Huệ nói nó không muốn bán căn nhà kỷ niệm của mẹ nó. Những khi tôi thắc mắc về sự tập tành không đều đặn của Huệ nó đều nói “thầy đừng lo nhiều cho em, khi nào khỏe em sẽ đi tập.” Dù trong đầu tôi nghĩ “bây giờ chỉ có một thân một mình mà sao không khỏe?” nhưng tôi không nói ra điều đó. Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không nghe thấy gì ở Huệ nữa, tôi định tạo bất ngờ cho Huệ bằng cách ghé ngang nhà không báo trước. Tôi bàn với nhà tôi nhưng nhà tôi không bằng lòng. Nhà tôi nói “mình là người lớn, là cương vị thầy nữa, không nên làm như vậy dù thật lòng thương mến. Mỗi người có một cuộc sống riêng tư, đừng đặt người khác trước những ngỡ ngàng đáng ân hận…” Thế là tôi chỉ còn biết thương nhớ và đầy thắc mắc.

Tôi ngưng lại uống nước. Mọi người vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Tôi cố ngậm hớp nước lạnh thật lâu để dằn cơn xúc động trước khi nói tiếp:
– Cách đây hai tháng, Huệ gọi nói muốn gặp tôi gấp, có việc vô cùng hệ trọng cần nhờ. Tiếng nói nghe rất yếu ớt. Địa chỉ là nhà thương MD Anderson, khu Medical Center gần trung tâm phố Houston. Lòng tôi nghi nghi ngại ngại. MD Anderson là trung tâm ung bứu nổi tiếng thế giới cũng là nơi làm việc của nhà tôi gần 20 năm qua. Buông điện thoại xong là tôi lái xe đi ngay. Vào đến nơi mới biết Huệ đang nằm điều trị tại khu chăm sóc đặc biệt (intensive care unit). Trông Huệ tiều tụy quá mức làm tôi rất ngỡ ngàng. Hình ảnh chú học trò văn vẻ, mạnh khỏe, đẹp trai chỉ còn lại vài đường nét lu mờ trên người bệnh. Huệ bị ung thư ruột già thời kỳ chót; đã kinh qua hóa trị rồi xạ trị nhưng không thoát. Tôi bốc điện thoại gọi nhà tôi nhờ hỏi thăm vị Bác sĩ chuyên môn xem lại hồ sơ. Hóa ra, vị Bác sĩ chuyên môn nầy lại là cấp trên của nhà tôi và cũng là Bác sĩ đang chăm sóc cho Huệ. Ông ta nói với tôi rằng khi Huệ nhập viện thì đã quá trễ! Ông đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được. Vì Huệ không có thân nhân nên họ đang làm thủ tục chuyển Huệ qua hospice- nơi chăm sóc cho những bệnh nhân không còn phương án trị liệu. Nói cách khác là nằm chờ chết!

Tôi phải dừng lại vì Phương Lan khóc nức nở thành tiếng. Nàng lẩm bẩm, “Huệ ơi! Thế mà em đã trách oan cho anh rồi!” Đột nhiên nàng tuột xuống khỏi ghế ngồi; tôi nhanh tay chụp được tay nàng giữ lại để khỏi va đầu vào bàn; đứng phắt dậy đỡ lưng nàng trước khi đụng đất. Con bé khóc thét lên gọi mẹ ơi mẹ hỡi. Bà cụ cũng vội vàng chạy xáp tới. Tôi vội vã bế xốc nàng đặt ngay ngắn trên giường, khuyên bà cụ và con bé bình tĩnh… Tôi dùng hai đầu ngón trỏ xoa bóp liên tục vào hai đại huyệt Nhĩ Môn và Thái Dương hai bên mặt nàng được một lúc thì nàng tỉnh dậy. Bà cụ lấy chai dầu xanh dưới gối xức vào hai bên thái dương cho nàng. Nàng tiếp tục khóc rấm rứt:
– Em xin lỗi, anh kể tiếp đi.
– Phương Lan tịnh dưỡng chút đi rồi tôi sẽ kể tiếp.
Bóng tối đã chiếm gần trọn căn phòng. Bà cụ bảo con bé thắp đèn lên. Con bé đứng dậy bưng chiếc đèn dầu ở góc phòng, quẹt diêm đốt. Ánh sáng lù mù trông căn phòng nghiêng ngả, thê lương hơn. Tôi bỗng sực nhớ từ sáng tới giờ chưa ăn gì. Tôi đề nghị đưa cả nhà đi ăn nhưng tất cả 3 người đồng loạt từ chối. Tôi nghĩ ngay ra một phương cách:
– Thưa Bác và cô Phương Lan, cả ngày nay bận rộn nên tôi chưa có gì trong bụng, nếu không ăn tối tôi sẽ không đủ sức nói chuyện thêm!
– Rất tiếc nhà em cũng chẳng có gì để mời anh. Phương Lan gượng ngồi dậy, con bé đỡ lưng mẹ nó.
– Thế thì thường ngày 3 người ăn uống ra sao?
– Dạ ăn cho qua ngày anh à. Lúc em không bệnh thì buôn bán vặt vãnh ngoài chợ mỗi ngày. Hai năm trước, em nhận được 10 ngàn đô la của Huệ gửi cho, kèm theo bức thư nói rằng “em cố gắng dùng số tiền nầy buôn bán đỡ đần trong thời gian tới chờ anh làm thủ tục giấy tờ bão lãnh.” Thế rồi bặt tin luôn. Em có gửi thư và gọi điện thoại nhiều lần nhưng không thấy hồi âm. Em cay đắng nghĩ rằng, Huệ đã thí cho mạ con em 10 ngàn để rồi trốn biệt! Em cố nghĩ tốt cho Huệ nhưng càng ngày em càng thấy suy nghĩ Huệ đã bỏ mạ con em đúng hơn tất cả những lý do em bào chữa khác.

Kể tới đây lại khóc òa. Con bé lấy khăn ướt lau mặt cho mẹ nó. Được một lúc, nàng trấn tỉnh lại nói tiếp:
– Anh biết không, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. buôn bán nhỏ để nuôi ba miệng ăn nên càng ngày vốn càng hao hụt. Vì thế, tháng trước khi con em nghỉ hè, em quyết định dọn về thành phố để xoay xở may ra khá hơn; ai ngờ lòng người lừa lọc, họ nhẫn tâm giựt mất lẽ sống của ba người chúng em khi em nộp tiền sang một cái sạp bán trái cây ngoài chợ Quảng Ngãi. Tuần sau em tới nhận sạp thì mới biết đó là trò lường gạt. Không tìm được thủ phạm, lại tiếc tiền và lo sợ không biết gia đình sẽ sinh sống ra sao nên kiệt sức quỵ dần, nằm liệt giường cả tuần nay. Đó là lý do em đành lòng để Lan Huệ đi bán vé số tạm thời.
– Phương Lan nghỉ chút đi, đừng nói nữa. Bây giờ phải giải quyết buổi ăn tối trước đã. Chuyện đâu còn có đó. Thế nào cũng có con đường sáng cho Cụ và hai mẹ con Phương Lan. Tin tôi đi!
– Rứa thì anh tính răng em xin nghe theo. Nhưng người em yếu quá, em không thể ra ngoài được.
Tôi chưa biết nói sao, bà cụ đỡ lời:
– Huệ, mi chạy ra quán chú Tư nói chú cho người mang cho mình 4 phần cơm đặc biệt để đãi khách rồi mạ mi thanh toán sau.
– Cô với Bác nghỉ chút đi, cháu đi cùng với Lan Huệ.
Con bé ngó mẹ nó, thấy mẹ nó gật đầu:
– Con dẫn đường bác Phong đi đi.

Tôi nắm tay con bé, muốn truyền tất cả sự thương yêu của Ba nó qua trái tim ướt sũng của tôi. Với số tuổi nầy ở bên Mỹ sung sướng biết bao nhiêu, trong khi con bé nầy phải ngày ngày lê gót đi khắp phố phường bán vé số lo thuốc cho mẹ! Còn đau đớn nào bằng! Tôi trìu mến hỏi nó:
– Lan Huệ, cháu bao nhiêu tuổi rồi?
– Dạ con 7 tuổi!
– Cháu học lớp mấy?
– Con vừa xong lớp một ở dưới Tịnh khê. Đầu mùa hè mạ con dọn về đây; khai trường con sẽ ghi danh lớp hai.
– Nếu có Ông Tiên cho cháu một mơ ước bây giờ, cháu sẽ mơ ước điều gì?
– Ước cho mạ con khỏe mạnh và con có cha như lũ bạn trong lớp. Nó nói liền không cần suy nghĩ.
– Đã nói là chỉ có một thôi mà!
Nó cúi gằm xuống, bước đi theo tay kéo của tôi. Không biết nó tính toán cái gì trong cái đầu bé tí đó. Được một lát nó ngước lên nói:
– Ba con chết rồi, rứa cho con xin mạ khỏe mạnh như xưa.
Con bé nầy vừa thông minh vừa chí hiếu giống như ba mẹ nó. Tôi cũng chợt đau lòng thay cho nó. Nếu có điều kiện học hành đàng hoàng, chắc chắn nó sẽ nên người hữu dụng mai sau. Tôi tự nhủ thầm “chắc chắn cháu sẽ có tương lai tốt đẹp thôi”

Chúng tôi bước vào một tiệm ăn nhỏ xíu bên ngoài con hẻm. Con bé nhìn tôi, tôi nhìn nó:
– Bà và Mẹ cháu muốn ăn món gì?
– Khi nảy Bà nói mua 4 phần cơm đặc biệt đãi khách.
– Cháu muốn ăn gì khác không?
– Hủ tíu mì! Nhưng chỗ ni chỉ bán cơm thôi.
– Ở đâu bán hủ tíu mì?
– Ngoài đường lớn mới có.
– Xa không?
– Một con hẻm nữa là tới đường Ngô Quyền sẽ thấy tiệm liền hà!
– Rồi, chú cháu mình đi.
– Không được mô chú. Không mua cơm về nhà sẽ bị Bà và Mạ la chết.
– Chú chịu trách nhiệm cho. Hơn nữa mẹ cháu không được khỏe làm sao nuốt cơm cho trôi; Bà cũng già rồi, cơm khó nuốt lắm.
– Vậy thì về nhà chú nói là tại chú muốn ăn hủ tíu mì đó nghe.
– Được rồi, chú hứa.

Tôi đưa ngón tay ngoéo ngón tay bé tí của nó. Nhìn mặt cười rạng rỡ của nó tôi càng thương hơn. Tôi bỗng ước ao nó làm con, làm cháu gì của tôi cũng được, tôi sẽ lo lắng, thương yêu nó hết lòng để bù trừ những bất hạnh trong mấy năm qua.
Về đến nhà với 4 tô hủ tíu mì đựng trong hai cái gà-mèn, tôi nói liền:
– Tôi mua hủ tíu mì cho Bác và Phương Lan dễ ăn nha.

Nói xong kín đáo nhìn con bé nháy mắt, nó mỉm cười quay đi đồng lõa. Bà cụ và Phương Lan rán ăn một ít rồi ngừng. Riêng con bé ăn một cách ngon lành làm tôi muốn chảy nước mắt. Có lẽ lâu lắm nó chưa được ăn món ăn xa xỉ nầy.

Sau bữa ăn ngắn, thấy không tiện ở lâu, tôi đề nghị ngày mai tôi trở lại sớm để nói cho hết câu chuyện. Phương Lan dụ dự nhưng đồng ý. Có lẽ bất đắc dĩ chứ có cách nào hơn.
– Cháu xin chào Bác và mẹ con Phương Lan. Sáng mai mấy giờ tiện cho tôi trở lại?
– Giờ nào anh ngủ dậy thì tới cũng được ạ. Anh đang ở khách sạn nào?
– Khách sạn Trung Tâm trên đường Lê Lợi.
– Chỗ nớ cách đây không xa lắm.
– Nếu biết trước tôi đâu mất nửa ngày đi tìm!

Chợt để ý thấy hũ tro cốt của Huệ đã được đặt lên bàn thờ có nén hương đang cháy.
– Thưa Bác và cô Phương Lan, trước khi ra về, tôi muốn được thắp nhang cảm tạ trời đất và tạm an vị tro cốt của em Huệ.
– Cám ơn anh đã chu đáo!

Phương Lan vừa âm thầm khóc vừa bước tới trước bàn thờ, lấy một nén nhang run run đốt. Tôi nghĩ có lẽ nàng sẽ khóc suốt đêm nay. Tôi không biết an ủi cách nào, đành lặng lẽ cầm nén nhang từ tay nàng trao, đứng trước bàn khấn vái lớn cho mọi người cùng nghe.
– Huệ ơi! Cuối cùng thì em cũng đã về bên vợ con như ý nguyện. Thầy cảm tạ hương linh em đã giúp Thầy vượt qua nhiều thử thách để chu toàn lời hứa với em. Dĩ nhiên công việc chưa xong, hy vọng trong vài ngày nữa sẽ được. Em an nghỉ và ở bên vợ con phù trợ cho họ vượt qua tất cả nghịch cảnh do ông trời thử thách, sớm cho họ được bình an từ tinh thần đến vật chất. Thầy cũng đã hứa với em, Thầy sẽ để tâm tới bé Lan Huệ từ hôm nay. Bây giờ kể như đã xong phần quan trọng nhất, những việc khác chắc không có gì để lo. Ngày mai, Thầy sẽ trở lại đây để lo cho xong trách nhiệm em giao phó. Tạm biệt Huệ.

Tôi cắm nhang xong quay lại đã thấy Phương Lan mắt lệ đầm đìa, dang tay ôm chặt tôi, gục đầu trên vai khóc nức nở:
– Mạ con em đội ơn anh. Còn nhiều điều em nôn nóng muốn biết nhưng không còn thắp thỏm như mấy năm qua nữa. Huệ đã về với mạ con em dù chỉ là di cốt nhưng trong thâm tâm em cũng đã thấy mãn nguyện lắm rồi. Vô vàn cám tạ tấm chân tình anh đã dành cho chúng em, và đặc biệt cho mạ con em. Hẹn gặp anh sáng mai và chúc anh ngủ ngon đêm nay.

Tôi nghĩ phải có niềm cảm xúc sâu sắc lắm mới khiến một người con gái Việt Nam biểu lộ cử chỉ thân mật như vậy. Tôi quá bất ngờ nên đâm ra lúng túng, một tay buông thõng, một tay ngại ngùng đập nhẹ trên chiếc vai gầy run rẩy, thổn thức để nói lời an ủi. Nàng cố dằn cơn xúc động, buông tay, ngả nghiêng bước tới giường nằm vật xuống gối khóc vùi. Con bé giờ nầy cũng khóc theo mẹ và bà Cụ cứ lấy tay áo quẹt nước mắt. Tôi bối rối chôn chân tại chỗ. Tình cảnh rất khó lòng, đi không nỡ ở không được! Không quay mặt lại, Phương Lan nói trong nước mắt nhưng dứt khoát, “Anh đi về kẻo muộn, mai chúng em gặp lại anh.” Tạm biệt!

Tôi bước qua khuôn cửa, thuận tay khép lại, nghe nặng bước chân, tâm hồn chùng xuống thật thấp với tấm lòng đầy trắc ẩn và âu lo lẫn xót thương. Một gia đình nhỏ với 3 thế hệ toàn là đàn bà đứng trước một nghịch cảnh đớn đau. Tôi thấy mình bất lực quá trước đau thương to tát của 3 người đàn bà đáng thương nầy.

5.
Màn đêm phủ kín khu phố; những ngọn đèn đường vàng vọt trải xuống cảnh vật chung quanh một màu ảm đạm, thê lương. Đâu đây tiếng dế kêu vang như hòa cùng tiếng khóc than của một người thiếu phụ mất chồng và một đứa con gái nhỏ mất cha.

Có chiếc xe ôm trờ tới, tôi bảo anh ta cho tôi trở về khách sạn Trung Tâm. Anh ta nhìn tôi chằm chặp, nói “anh có thể đi bộ được mà”. “Tôi không thể đi thêm bước nào nữa”. Anh tài xế nhìn tôi ái ngại, “anh có muốn tôi chạy quanh một vòng cho khuây khỏa không?” “Cám ơn anh, tôi cần một giấc ngủ!”
Chỉ xa hơn một lốc đường và tốn không đầy 3 phút chạy xe, anh tài xế đã đổ tôi xuống trước khách sạn. Bước xuống xe, hai chân muốn khuỵu xuống. Về đến phòng, không kịp thay đồ, tôi tuột giày nằm vật mình trên nệm… Một ngày đầy âu lo, vất vả làm rệu rã cả tâm hồn lẫn thể xác! Thế nhưng có ngủ được đâu. Niềm xót thương đứa học trò tình nghĩa đã ra đi, để lại vợ con trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã như hiện tại cứ dâng đầy, làm hai con mắt ráo hoảnh. Tôi cố làm mọi cách để quên hết mọi chuyện, áp dụng mọi phương pháp để dỗ giấc ngủ… nhưng hình ảnh đau thương của một gia đình 3 thế hệ cứ chập chờn làm cay đôi mắt.

Cứ ray rứt như thế cho đến quá nửa khuya, tôi bật dậy vào phòng tắm mở nước đầy bồn, nằm ngâm mình với những suy tư dằn vặt rồi ngủ quên cho tới gần sáng khi tiếng loa tuyên truyền vang lên ra rả bên ngoài khách sạn.

Lau mình sạch sẽ xong, tôi lại vùi đầu vào gối cố ngủ tiếp nhưng không thể nào, cứ nghĩ tới những công việc cần phải làm trước mắt, trong ngày hôm nay… tôi nóng lòng trông cho trời mau sáng…

7 giờ sáng, tôi thay đồ ra hàng quán trước khách sạn uống mấy cốc cà phê chờ đợi. Tôi nghĩ có lẽ mọi người cũng nóng lòng muốn biết hết câu chuyện, và tôi cũng muốn nói cho xong, cho nhẹ lòng. Thấy còn nhiều thì giờ, tôi quyết định đi bộ theo con đường anh xe ôm chạy tối hôm qua. Đi dọc theo đường Quang Trung để nhớ về một thời… Ngày xưa, tôi cũng có “người yêu bé nhỏ” có tiệm bán xe đạp ở trên con đường nầy. Khi đi ngang qua trường Trung học Trần Quốc Tuấn – ngôi trường nổi tiếng năm xưa không biết bây giờ có còn được dư hương ngày tháng cũ hay cũng chỉ còn là những kỷ niệm muôn màu như tuổi ấu thơ của tôi đã biệt mù trong thế kỷ trước… Ngôi trường đồ sộ hơn nhiều so với “năm xưa”. Bây giờ đang là mùa Hè, sân trường lác đác người và xe cộ, những tàng phượng vỹ đỏ ối sân trường cho tôi nhiều bồi hồi nhớ tiếc.

Quẹo phải Nguyễn Nghiêm, quẹo trái Ngô Quyền, quẹo vào hai con hẻm, tới trước nhà thấy cửa trước mở hé. Vừa bước qua khoảng sân hẹp đã thấy Phương Lan đứng chờ:
– Em nghĩ tối qua chắc anh không ngủ được… nên mới tới trễ?
– Bằng vào đâu cô nói vậy?
– Nhìn mặt anh trỏm lơ em đoán rứa. Vì không ngủ được, anh trằn trọc suốt đêm và rồi ngủ quên lúc về sáng?
– Nếu vậy tôi cũng có thể nói cô đã thức và khóc trắng đêm.
Phương Lan cúi mặt như cố giấu đôi mắt đỏ ngầu, sưng húp.
– Dạ, em mô có muốn rứa nhưng nước mắt cứ tuôn hoài. Em đã tốn biết bao nhiêu nước mắt trước khi anh về nhưng có lẽ trời sinh ra em với hồ nước mắt lớn hơn bình thường!
Bé Lan Huệ cũng vui mừng ôm chầm lấy tôi khi tôi vừa đặt chân qua ngưỡng cửa. Cụ bà cũng đã thức, đang ngồi trên mép giường nhai trầu bỏm bẻm.
– Cháu chào Bác ạ. Tối qua Bác ngủ được tí nào không?
– Ngủ nghê chi được cậu. Mạ con chúng nó khóc hoài cả đêm. Hơn nữa tui cũng buồn cho số phận của con cháu quá!
– Vâng thưa Bác, cháu là người ngoài mà cũng buồn não nuột cho hoàn cảnh của gia đình Bác huống chi người ruột thịt, và là con là vợ. Chuyện đã xảy ra rồi, bây giờ những người còn sống phải sống cho đáng sống để linh hồn người ra đi không quá nặng nề.
– Anh uống cà phê chưa? – Phương Lan hỏi.
– Đã uống ở khách sạn rồi.

Ngửi thấy mùi khói nhang nồng nực, tôi đưa tay kéo thêm cánh cửa mở rộng hơn chút nữa, xong tự động ngồi xuống chỗ ngồi hôm qua. Phương Lan cũng ngồi xuống ghế đối diện. Trông nàng có vẻ bình tĩnh hơn nhiều. Trên chiếc bàn nhỏ có một chiếc bình trà nhỏ với 4 cái tách nằm úp trong một cái đĩa vừa đủ lớn. Nàng khoan thai rót trà ra ba tách, đẩy về phía tôi một chung, gật đầu thay lời mời và hai tay bưng một chung đứng lên mời bà cụ. Trở lại ghế ngồi, nhắm môi vào chung trà rồi nhẹ nhàng đặt xuống, nhìn thẳng vào tôi, giọng tâm sự:
– Anh Phong à! Suốt đêm qua em đã nghĩ thấu đến thực tế đời mình. Huệ đã chết rồi và em có bổn phận phải sống tốt để lo cho cháu Lan Huệ. Chừ em đã bình tĩnh hơn nhiều rồi; anh có thể kể hết ngọn ngành câu chuyện.
– Hôm qua mình ngừng ở chỗ Huệ sắp chuyển nhà thương.
– Anh nói Huệ bị ung thư không cứu chữa kịp và vì Huệ không có thân nhân nên người ta chuẩn bị đưa Huệ qua chỗ nằm chờ chết… Trời ơi nghe đau lòng quá! Huệ có vợ, có con mà!

Nói tới đây nàng lại nấc lên, nước mắt lại tuôn trào. Tôi ái ngại nhìn nàng, nhìn con bé, nhìn bà cụ, nhìn quanh căn phòng, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương… Để làm nhẹ không khí ảm đạm, tôi nói như chọc nàng:
– Cô mới nói là cô đã bình tĩnh rồi mà?
Nàng nhích môi như cố mỉm cười nhưng là nụ cười méo xệch trên bờ môi khô héo:
– Em xin lỗi, em sẽ cố gắng!
– Tôi mong cô cố gắng nhiều hơn nữa vì những gì tôi sắp nói ra sẽ vô cùng bi thiết. Cô nên nhớ, đàng nào Huệ cũng đã chết rồi; bổn phận của tôi phải làm những gì Huệ gửi gắm; và bổn phận của cô là giữ gìn sức khỏe thật tốt để chăm sóc cụ bà trong lúc tuổi già và lo tương lai cho bé Lan Huệ, giọt máu duy nhất của Huệ.

6.
Tối hôm đó Huệ mệt quá không nói được gì ngoài câu “em trông mong Thầy giúp em, vì em không còn ai thân thuộc ngoài vợ và con gái nhỏ còn ở VN.” Tôi quá bất ngờ để nghe như vậy nhưng không tiện nói gì vì Huệ lả đi. Tôi quanh quẩn với Huệ tới khuya, khi thấy Huệ đã tạm ổn tôi ra về vì không chuẩn bị trước.

Sáng sớm hôm sau tôi trở lại thì người ta đã chuyển Huệ qua nhà thương hospice. Theo lời chỉ dẫn của phòng y tá trực, tôi chạy qua với Huệ.

Huệ thấy tôi vào mừng rỡ gượng ngồi dậy, “em trông Thầy từ sáng sớm đến giờ! Em đã ký giấy ủy quyền pháp lý cho Thầy với bệnh viện tối hôm qua.” Tôi ngăn không cho ngồi dậy, nhưng Huệ nói hôm nay Huệ thấy khỏe hơn nhiều. Tôi bấm nút cho chiếc giường cao lên tối đa, chặn thêm vài chiếc gối sau lưng để Huệ ngồi thoải mái. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường.
– Huệ nói “hôm nay em phải nói hết sự thật cho Thầy biết vì em rất cần đến sự hy sinh và giúp đỡ của Thầy.”
Tôi lo sợ Huệ phải vận động tâm lực nhiều quá không tốt:
– Thì khi nào em thật khỏe kể Thầy nghe cũng được.
– Thầy không cần phải lo cho sức khỏe của em nữa. Em biết thời gian của em không còn được bao lâu, bác sĩ và y tá cũng đã nói cho em biết là em có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Tôi mủi lòng rán cầm nước mắt:
– Nếu Thầy có thể giúp được gì cho em, Thầy rất vui lòng. Đã từ lâu Thầy coi em như người thân trong gia đình. Chỉ vì em ít nói nên Thầy không rõ em nghĩ sao.
– Em xin Thầy cho em nói hết mọi việc xong Thầy sẽ cho em biết ý kiến của Thầy; nhất là sau nầy, khi có dịp Thầy nói lại với vợ con em giùm em.
Dù trong thâm tâm tôi nghĩ sẽ chẳng có cơ hội đó nhưng vì tôn trọng thời gian hiếm hoi còn lại của chú học trò, tôi gật đầu lắng nghe.
– Em sẽ nói điều cần nói trước và không theo thứ tự nào. Những gì em không kịp nói thì cũng đành, Thầy không cần bận tâm. Em cũng xin Thầy tha thứ vì em đã không cho Thầy biết về đời sống riêng tư của em. Và còn tự ý làm một việc mà không hỏi ý kiến Thầy trước. Em sẽ nói tới sau. Em biết Thầy ngạc nhiên lắm khi biết em đã có vợ có con ở Việt Nam.

7.
Bảy năm về trước em đi cùng mẹ em về Mỹ Khê, Quảng Ngãi lần đầu tiên thăm mộ phần của ba em. Theo lời mẹ em kể, ba em bị giết trong trại tù Cộng sản vì trốn trại khi em chưa đầy tuổi. Trong chuyến đi nầy em gặp và thương yêu một người con gái đồng cảnh ngộ tên Phạm Thị Phương Lan, dân Mỹ Khê gốc Huế. Sau khi về Mỹ, chúng em vẫn thường xuyên liên lạc càng ngày càng mật thiết. Chúng em thật sự yêu nhau, muốn tiến đến hôn nhân. Trong thời gian quen biết em nhận thấy Phương Lan là một cô gái hiền hòa, xinh đẹp, tâm hồn đoan hậu và là một người con hiếu đễ. Nàng không hề đòi hỏi bất cứ một điều gì ở em, kể cả khi em đề nghị làm giấy tờ cho nàng sang Mỹ. Đến lúc nầy em mới biết mẹ con Phương Lan không còn thân nhân nào ở Việt Nam!

Dĩ nhiên tất cả việc riêng tư nầy em đều cho mẹ em biết. Mẹ em nói em đủ khôn lớn rồi có thể tự quyết định tương lai cho mình; mẹ không lo được gì và cũng sẽ không phản đối.

Vì quá yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, sáu tháng sau, em xin phép Mẹ trở lại Quảng Ngãi một mình để làm một đám cưới đơn giản nhằm hợp thức hóa hôn nhân. Em về lại Mỹ hỏi thăm nhiều Luật sư Di trú về trường hợp của chúng em. Ai cũng nói là không có cách nào cho tới khi Phương Lan trở thành công dân Hoa Kỳ mới bảo lãnh cho mẹ nàng qua được.

Tụi em chưa biết tính sao thì được tin Phương Lan có mang. Em vừa mừng vui vừa buồn bã… Rồi Phương Lan sinh hạ một bé gái. Em tức tốc bay về khi nàng còn trong nhà thương. Chúng em đồng ý đặt tên cho con là Lan Huệ để đánh dấu mối tình sâu đậm của chúng em. Việc bảo lãnh vẫn dậm chân tại chỗ. Không ai nói với ai nhưng trong thâm tâm đều biết rất khó để chúng em đoàn viên trong nghịch cảnh éo le nầy. Em thương yêu mẹ của nàng như yêu thương mẹ của em. Chúng em cùng đau đớn chấp nhận số phận. Không dám nói ra nhưng ai cũng biết chỉ khi nào hai bà mẹ trăm tuổi thì chúng em mới có cơ hội chung sống với nhau, hoặc bên nầy hoặc bên kia…

Nói tới đây thì Huệ mệt quá phải ngưng lại. Tôi khuyên Huệ nằm xuống nghỉ ngơi đợi lúc khỏe sẽ tiếp. Huệ ra dấu xin uống nước, cùng lúc cô y tá vào thăm bệnh. Tôi bước ra ngoài, gọi nhà tôi hỏi ông bác sĩ về tình trạng sức khỏe của Huệ. Ông ta khuyên, nếu là người thân thì nên chuẩn bị tinh thần và vui vẻ với Huệ được lúc nào hay lúc nấy (enjoy him while you could). Tôi cố làm tỉnh, trở lại phòng. Huệ đã đỡ mệt và muốn tôi ngồi bên giường để Huệ nói tiếp.
– Thưa Thầy, Thầy đừng lo cho em, em cần nói ngay những điều cần nói chỉ sợ không còn đủ giờ. Dạ, cách đây khoảng ba năm, mẹ em ngả bệnh rồi mất vài năm trước như Thầy đã biết. Trong thời gian mẹ em bệnh, em phải luôn ở bên mẹ sau giờ đi làm, dù Mẹ ở nhà hay trong bệnh viện, vì chỉ có hai mẹ con. Ngoài ra, em còn phải cáng đáng tài chánh cho mọi chi phí trong gia đình kể cả thuốc men. Những khó khăn nầy em chỉ giữ riêng em chứ không dám nói với Phương Lan vì em nghĩ chẳng lợi ích gì mà còn tạo thêm sự lo lắng cho nhau hơn thôi. Em chỉ nói với Phương Lan về bệnh tình của mẹ em. Phương Lan tỏ ra rất thông cảm và khuyên em yên tâm lo cho mẹ là quan trọng hơn hết. Sự cao thượng của nàng đã an ủi em không ít. Trong khi đó tiền để dành càng ngày càng cạn dần, em lo sợ nếu không tính ngay thì cuộc sống của mẹ con Phương Lan sẽ rất khó khăn; vì thế, em quyết định lấy ra 10 ngàn đô gửi cho nàng, khuyến khích tìm cách buôn bán sống tạm trong thời gian khó khăn sắp tới. Bệnh tình của mẹ em trở nên nguy kịch nên em không còn tâm trí nào để nghĩ tới việc riêng của mình. Để rồi chưa đầy năm sau mẹ em lìa đời! Tang lễ cho mẹ xong, tinh thần em suy sụp đáng kể, tài chánh kiệt quệ. Cả tháng sau em mới nguôi ngoai, dần dần phục hồi. Trong thời gian bị bệnh em có nghĩ nhiều về vợ con nhưng em không muốn liên lạc trong lúc cùng quẫn. Em dự định trở lại sở làm một thời gian để dành đủ tiền sẽ về thăm mẹ con Phương Lan; lúc gặp nhau sẽ giải thích sự vắng bóng của em trong thời gian qua cũng không muộn. Nhằm lúc kinh tế khó khăn, hãng xưởng sa thải nhân viên hoặc đóng cửa và vì vậy em bị cho nghỉ việc luôn!”

Thấy Huệ ra dấu xin uống nước, tôi nói em nghỉ một lát nhưng Huệ lắc đầu. “Thầy để em nói, phần nầy mới là quan trọng.”

Ba tháng sau em vẫn chưa tìm ra việc làm, em buồn chán quá sức, ăn ngủ thất thường lại nhớ vợ, nhớ con đứt ruột… rồi ngã bệnh. Ông bác sĩ gia đình chỉ nói có lẽ tại em buồn rầu rồi sinh bệnh; bảo em về cố tĩnh dưỡng, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ một thời gian sẽ khỏi; rồi cho cái toa mua mớ trụ sinh về uống.

Thấy cơn đau bụng thuyên giảm đi nhiều em chưa kịp mừng thì phải nhờ ông bạn hàng xóm đưa đi cấp cứu vì bụng dưới của em đau không chịu nỗi!

Sau khi khám nghiệm, bác sĩ nói em có vấn đề ở ruột già! Họ gửi em đi các chuyên khoa để xác nghiệm… Sự xác nhận cuối cùng là em bị ung thư ruột già không còn cách chữa trị như Thầy đã biết. Họ đề nghị em làm xạ trị không ổn, đổi qua hóa trị cũng vô phương. Trong thời gian điều trị, em sợ em khó thể vượt qua nên đã lo sắp xếp mọi thứ từ ngân hàng, nhà cửa, xe cộ, hang bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ; đi luật sư làm di chúc; làm giấy ủy quyền pháp lý (power of attorney). Em đã để tên Thầy là người đại diện pháp lý, có toàn quyền định đoạt về tài sản khiêm nhường của em kể cả thân xác nầy sau khi em không còn tự quyết định được nữa. Em hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng nhân ái của Thầy; và Thầy là người thân duy nhất của em bên Mỹ. Tất cả sổ sách, giấy tờ, chìa khóa em đựng trong hộp sắt để tại Chase Bank trên đường Bellaire Blvd., Houston, TX gần đường Synott; và đây là chìa khóa chiếc hộp sắt em xin trân trọng giao lại cho Thầy quản thủ. Sau khi em chết rồi, Thầy cứ theo di chúc mà giúp em hoàn thành tâm nguyện.

Nói xong, Huệ cởi chiếc chìa khóa đeo trên tay đưa cho tôi rồi nhắm mắt lịm đi. Hơi thở gấp gáp, mặt tái nhợt! Tôi hoảng hốt gọi y tá trực vào phòng xem xét… Một lúc sau Huệ tỉnh lại. Huệ nhìn tôi gượng mỉm cười, môi mấp máy, yếu ớt nhưng thần thái có vẻ tự tại lắm. Tôi nắm chặt tay Huệ và áp tai để nghe:
– Bây giờ thì em yên tâm rồi. Thầy hứa với em đi! Em chỉ ân hận là không chính miệng em kể lại cho vợ em nghe về những trầm luân của em; em biết Phương Lan đang buồn trách em và rồi nàng sẽ đau đớn lắm khi biết tất cả sự thật. Và em cũng ân hận không được nhìn được mặt đứa con gái yêu quý; hơn ba năm qua chắc nó đã lớn lắm rồi…

Nói tới đây Huệ thở hắt ra và nhắm mắt lại, hai giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy nhom. Tôi ngó nhịp tim vẫn đập nhưng không đều đặn và hơi thở yếu dần đi. Một tay nắm, một tay ôm vai, tôi áp miệng vào tai Huệ thì thầm: “Thầy tuyên hứa với em sẽ làm tất cả những gì em muốn Thầy làm.” Huệ mở bừng mắt ra, cố siết nhẹ tay tôi, mỉm miệng cười xong trút hơi thở cuối cùng!

8.
Phương Lan hự lên một tiếng rồi ngất xỉu. Tôi đã đề phòng nên đỡ nàng kịp lúc, bế xốc nàng đặt lên giường, làm các động tác như hôm qua. Ngoài xoa bóp ở hai huyệt Nhĩ Môn và Thái Dương, lần nầy tôi phải nắn bóp thêm huyệt Thần Đình trên đỉnh đầu để trợ não. Tiếng khóc của bà cụ và con bé quyện hòa với mùi hương trầm u uất làm đau xé tim gan. Dù vậy, tôi cũng cố bình tĩnh để trấn an hai người trong lúc nước mắt cứ chực tuôn trào.

Một lúc sau Phương Lan tỉnh dần nhưng lại hôn mê ngay. Tôi thực sự lo sợ cho sức khỏe của nàng, nên vừa nắn bóp các huyệt đạo cho nàng vừa bảo con bé mở toang các cánh cửa cho thoáng khí và chạy tìm gấp người y tá hôm nọ. Nó vừa khóc vừa chạy đi. Bà cụ lu bu xức dầu xanh lên mũi, lên thái dương Phương Lan. Tôi xem mạch nàng vẫn điều hòa dù hơi thở có yếu ớt. Tôi biết, ai mà không sốc với hoàn cảnh đau đớn cùng cực như vầy!

Vài phút sau nàng lai tỉnh, ngỏ lời xin uống nước. Tôi lấy tách trà và giúp nàng ngồi dậy. Thân hình nàng ẻo lả như cọng bún; tôi phải để nàng tựa vào tôi và chậm chạp cho nàng uống từng hớp nước xong đặt nàng nằm gối đầu lên hai chiếc gối chồng cao.

Khoảng mười phút sau, cô ý tá và con bé hớt hải bước vào nhà. Người y tá hành sự thành thạo, bày đồ nghề và chích cho nàng một ống thuốc khỏe (?); tôi không buồn hỏi loại thuốc gì vì thấy cô ta đã chích cho Phương Lan hôm qua rất tốt. Cô y tá ra về hẹn tối sẽ tới chích thêm một ống nữa.

Tôi nhẹ nhàng nói với Phương Lan:
– Tôi chia sẻ sự đau đớn, mất mát to lớn của Phương Lan nhưng cô phải rán khỏe, chúng ta còn vài việc cần làm, tôi chỉ có thể ở đây vài hôm nữa thôi.
Phương Lan lại òa khóc. Tôi khuyên giải:
– Người đi đã đi, người ở lại mới là quan trọng. Bà cụ và bé Lan Huệ chỉ trông cậy vào cô, và đó cũng là ước nguyện của Huệ.
– Dạ, em hiểu!
– Tôi nghĩ tốt nhất bây giờ tôi về khách sạn, để mọi người nghỉ ngơi; sau trưa tôi trở lại, rất mong Phương Lan khỏe đi ra ngoài được, chúng ta có việc cần làm.
– Bao giờ anh trở lại Mỹ?
– Xong việc ở đây, tôi trở lại Mỹ Khê, ghé thăm mồ mả ông bà một hôm xong về Saigon thăm bạn bè vài hôm.
– Quê anh cũng ở Mỹ Khê? – Nàng có vẻ ngạc nhiên.
– Dòng họ, bà con tôi hầu hết ở đó.
– Anh có liên hệ chi với dòng họ Trương Quang không?
– Dòng họ của tôi.
– Em sém làm dâu nhà Trương Quang.
– ??? – Tôi ngó nàng chờ đợi.
– Cũng may, em khám phá sớm gia đình nớ có thân nhân làm lớn trong chính quyền Việt cộng nên chấm dứt liên hệ liền.
– Ăn nhằm gì tới tương lai của cô?
– Em không thích liên hệ tới Việt cộng!
– Cô chưa biết tôi là ai sao dám nói những điều như vậy?
– Em chắc anh không phải Việt cộng, vì Việt cộng không có trái tim từ ái, không có tấm lòng nhân hậu.
– Thôi bỏ qua chuyện nầy đi Phương Lan, tôi không muốn tai bay họa gửi cho ai hết.
– Bi chừ em thấy khỏe nhiều rồi, anh không cần phải đi tới đi lui. Anh muốn em đi mô và làm chi mà anh noái rất cần?
– Buổi trưa các ngân hàng có làm việc hay không?
– Em không lui tới những chỗ nớ nên không rõ. Chắc ăn mình có thể tới đó sau 1 giờ chiều. Ở trên đường Hùng Vương gần nhà có Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam, đó là chi nhánh của Vietcombank.
– Rất tốt! Vậy liệu cô và mọi người đi tiệm ăn trưa với tôi được không, xong tôi với cô đi nhà bank lúc 2 giờ, để cho họ còn ngủ trưa an giấc.
– Mạ em không thích đi tiệm ăn mô. Mình mua thức ăn đem về nhà như hôm qua được không anh?
Tôi dành phần đi mua thức ăn cùng với bé Lan Huệ. Con bé vui hẳn lên, tự động nắm tay tôi kéo đi. Không ai nói ăn gì nên tôi tự quyết định tới tiệm cơm gà nổi tiếng ở gần chợ Quảng Ngãi mua về.

Trong suốt bữa ăn gia đình, tôi cố pha trò để phá tan không khí u trầm nhưng không thành công mấy. Phương Lan và bà cụ vẫn chỉ ăn chút đỉnh; tôi và con bé cứ ăn ngon lành vì bụng đói. Tôi chưa nói gì về những dự định sắp tới, chỉ mở hé chút chút là ngoài tin buồn cũng sẽ có tin vui…

9.
Sau khi Huệ trút hơi thở sau cùng và trong lúc chờ giảo nghiệm, tôi dàn xếp với nhà thương rồi cấp tốc chạy về ngân hàng Chase mở tủ sắt đọc di chúc để biết phải làm gì.

Trong di chúc, Huệ cho tôi chi tiết để liên lạc với hãng bảo hiểm nhân thọ AIG ngay sau khi Huệ tắt thở để được hướng dẫn. Huệ muốn được hỏa thiêu; nhờ tôi tìm cách bán căn nhà và chiếc xe; đến nhà băng đóng trương mục, lấy hết tiền ra; đến ngôi chùa nơi để di ảnh của Mẹ, trích ra $5 ngàn để cúng chùa. Khẩn cầu tôi đi Việt Nam về Mỹ Khê tìm gặp mẹ con Phương Lan trao lại tất cả số tiền còn lại để nàng buôn bán nuôi con và lo cho mẹ già sau khi chi trả tất cả những khoản chi phí cần thiết, kể cả chi phí cho chuyến đi của tôi; tiền bảo hiểm nhân thọ ký thác vào quỹ học vấn cho con gái Lan Huệ. Huệ cũng bày tỏ ước mong Phương Lan sẽ thay Huệ chăm sóc mồ mả của Ba Huệ ở Mỹ Khê…

Tôi chảy nước mắt vì những toan tính tình nghĩa và chu đáo của Huệ. Tôi gọi ngay cho hãng bảo hiểm. Ngạc nhiên thay, họ đã biết trước, đã chuẩn bị sẵn giấy tờ cho tôi ký nộp qua internet. Tôi thắc mắc hỏi họ, họ chia buồn và nói với tôi Huệ đã chuẩn bị cho việc ra đi từ mấy tuần trước. Nhờ vậy mọi thủ tục rất suôn sẻ.

Sau khi xong việc tang lễ, tôi mang hũ tro cốt để tạm vào chùa (cho tới khi tôi mang đi Việt Nam) nhân dịp đến cúng viếng theo lời dặn của Huệ. Vị trụ trì cũng là chỗ quen biết lâu dài nên dành cho tôi mọi sự dễ dàng. Tôi nhờ chú em làm địa ốc đăng bảng bán nhà sau khi đã mướn người dọn dẹp, lau chùi, cắt cỏ sạch sẽ. Nhà trệt có 3 phòng ngủ, rộng 1700 square feet, hai phòng tắm, mái nhà thay chưa quá 5 năm, nhà để xe riêng, khoản đất ¼ mẫu, bàn ghế tủ giường còn nguyên vẹn. Chú em đề nghị đăng giá $120 ngàn gồm luôn đồ đạt. Đồng thời tôi cũng liên lạc với một người bạn quen, có công ty mua bán xe cũ để bán chiếc xe của Huệ. Chiếc xe Toyota Camry 2008, bạn nói vì thương hoàn cảnh của Huệ nên mua giúp $10 ngàn, không tính thuế. Tôi liên lạc với hãng bảo hiểm AIG làm thủ tục chuyển hết số hiện kim vào một trương mục đặc biệt tôi vừa mở ở ngân hàng Citibank. Trong khi đó tôi cũng xếp đặt công việc ở trường võ, giao cho một học trò lớn tuổi, cao đẳng nhất để trông coi trong thời gian tôi vắng mặt.

Trong đời tôi thăng trầm cũng lắm, gian nan cũng thừa trong bất cứ công việc gì tôi làm; thế nhưng, trong tiến trình lo cho Huệ mọi việc đều trơn tru, mau lẹ. Nhiều lúc tôi nghĩ có lẽ Huệ theo phò hộ cho tôi nên mọi chuyện mới êm thắm như vậy.

Nhà đăng bảng chưa đầy một tháng đã có mấy người muốn mua; trong số đó có một cặp vợ chồng lớn tuổi người Việt ở California mới dọn về, muốn mua một căn nhà nho nhỏ, trả tiền mặt, để an hưởng tuổi già. Họ hẹn đến xem nhà rồi đồng ý mua luôn với giá $122 ngàn tiền mặt, đặt cọc 20% ngay trong ngày. Chú em tôi vui mừng gọi báo cho biết; rồi năm ngày sau, giấy tờ sang nhượng hoàn tất. Chú em chỉ lấy ít tiền công tượng trưng.

Tôi làm một cuốn sổ nhỏ, ghi tất cả những dữ kiện về tài chánh của Huệ để sau nầy trao lại cho Phương Lan.

***

Hai giờ chiều chúng tôi có mặt ở ngân hàng. Phương Lan rất đỗi ngạc nhiên thấy tôi mở hai trương mục, một cho nàng và một dành riêng cho con bé. Càng ngạc nhiên đến nỗi không tin là sự thật khi tôi chuyển ngân vào mỗi trương mục. Tổng số tiền cho nàng là $124+ ngàn (gồm tiền bán nhà, bán xe, sổ tiết kiệm); của con bé $105+ ngàn (gồm $100 ngàn trị giá bảo hiểm và tiền lời). Tôi đề nghị nàng lấy ra một ít để chi dụng và lo thuốc men, số còn lại để trong nhà băng cho an toàn cho tới lúc cần dùng thì lấy. Nàng đồng ý lấy ra 10 triệu tiền mặt.

Tôi thật không ngờ mọi sự việc lại xảy ra một cách mau lẹ và suôn sẻ như vậy. Khi mọi thủ tục đã xong, tôi mở xách tay lấy ra tờ di chúc của Huệ để lại cho riêng tôi, và cuốn sổ tài chánh trao lại cho Phương Lan giữ làm kỷ niệm. Tôi cũng nói luôn ước nguyện của Huệ muốn nàng thay Huệ chăm sóc mộ phần của ông cụ. Nước mắt lại lả chả rơi; nàng sụt sùi khóc như thế suốt trong thời gian làm thủ tục giấy tờ.

Tôi thở phào khoan khoái như trút được gánh nặng trên lưng. Cám ơn người nhân viên ngân hàng rối rít. Chúng tôi đứng dậy ra khỏi nhà băng. Đôi chân tôi nhẹ tênh, tâm hồn tôi bềnh bồng. Sức khỏe Phương Lan quá yếu, tôi phải dìu nàng ra cửa gọi taxi đưa nàng về nhà. Tôi dự định về tới nhà dặn dò đâu đó xong xuôi sẽ nói lời từ giã với mọi người. Phương Lan rất yếu để đi hết hai con hẻm nhưng tôi ngại người ta dòm ngó đành để nàng chậm chạp bước đi một mình, tôi theo sát sau canh chừng. Khi tới ngõ đã thấy bà Cụ và con bé bắc ghế ngồi trước cửa như trông đợi. Con bé thấy mẹ chạy lại ôm chầm, dìu mẹ nó vào giường rồi xoay lại ôm tôi và khóc. Tôi cảm động ôm chặt con bé vào lòng, thủ thỉ:
– Từ nay về sau cháu ngoan của chú không cần đi bán vé số nữa. Ba của cháu đã chuẩn bị hết việc học hành cho cháu rồi. Cháu phải hứa với chú học hành ngoan ngoãn để nên người hữu dụng mai sau. Đó cũng là ước nguyện của ba cháu. Ba cháu đã thương nhớ cháu vô cùng!
Con bé khóc lớn, nói trong tiếng nấc:
– Dạ con hứa với Ba, con hứa với Chú!
Tôi gật đầu chào bà cụ, bế con bé trên tay cùng bước đến trước bàn thờ khói hương nghi ngút, tôi đặt con bé xuống, loay hoay đốt hai nén nhang, trao cho con bé một… Phương Lan cũng tới đứng một bên từ lúc nào, tôi trao nén nhang còn lại cho nàng và đốt thêm một cây khác. Tôi khấn lớn:
– Huệ quý mến, Thầy đã giữ trọn lời hứa với em rồi đó, đã chu toàn tốt đẹp một “mission” tưởng đâu “impossible”; một sứ mạng tinh thần đầy nước mắt. Thầy biết chắc có sự phù trợ của em nên mọi việc đều thông suốt, hoàn mỹ. Thầy cám ơn em. Bên kia thế giới chắc em đang nở nụ cười mãn nguyện. Thầy tiếc cho em có vợ đẹp con ngoan mà không cùng cộng hưởng hạnh phúc gia đình lâu dài. Có lẽ mỗi người chúng ta khi sinh ra đã được xếp đặt cho một định mệnh riêng biệt. Định mệnh của em có nghiệt ngã nhưng Thầy chắc những người thân yêu nầy sẽ làm rạng danh em. Cầu xin linh hồn em đời đời an lạc nơi cõi vĩnh hằng.

Phương Lan khóc rấm rứt, cắm nhang rồi phũ phục xuống đất lạy trước di cốt của Huệ. Con bé cũng quỳ lạy theo mẹ. Cụ bà ngồi ở cạnh giường tự nãy giờ cũng lặng lẽ đứng dậy thắp nhang lên bàn thờ.

Ngoài hiên bóng chiều mờ dần, tiếng ồn ào của thị tứ cũng lắng xuống cùng với tiếng rao hàng thỉnh thoảng vang lên. Tôi ngỏ lời chào tạm biệt nhưng ai cũng năn nỉ tôi ở thêm chút nữa. Phương Lan vừa khóc vừa nói:
– Lần chia tay nầy không chắc có lần tái ngộ. Xin anh ở lại dùng bữa cơm cuối cùng với chúng em. Em không biết nói gì hơn ngoài tấm lòng tri ân sâu xa của gia đình em đối với nghĩa cử cao đẹp của anh. Em xin lạy anh một lạy đền ơn…
Tôi nhảy tránh qua một bên để nghe nàng nói tiếp:
– Em xin hứa với anh và vong linh Huệ, em sẽ tự lo thân mình, bảo trọng sức khỏe và tận tình chăm sóc Lan Huệ; nhất định cháu sẽ học hành tới nơi tới chốn để có một tương lai rạng rỡ như di ngôn của Ba nó. Việc mồ mả của Ba Huệ, em đã là vợ của Huệ nên đã và đang thay mặt chồng lo việc hương khói từ lúc cưới nhau đến giờ.
– Cậu rán ở lại với chúng tôi một lúc nữa nghe. -Bà cụ nói.
– Chú đi con buồn lắm!
Nói xong nó lại khóc ròng. Tôi cũng buồn bã nói:
– Trước sau gì cũng phải chia tay. Tôi sẽ đưa số điện thoại của tôi bên Mỹ cho Phương Lan để khi nào cần thiết thì liên lạc. Việc tôi làm hoàn toàn do lòng tự nguyện và do tấm lòng quý mến người học trò đầy tình nghĩa của tôi. Vì thế, tôi không dám nhận cái lạy đền ơn của cô nhưng tôi nhận lời với mọi người… ở lại dùng cơm tối với gia đình.

Tôi lại đi với Bé Lan Huệ mua thức ăn đổi món nhưng bà cụ và Phương Lan cũng chẳng ăn uống gì khá hơn mặc dù cô ý tá đã trở lại chích thêm cho nàng một ống thuốc khỏe.

Khoảng 9g tối tôi ra về, lòng tràn ngập niềm vui, chân bước lâng lâng, tâm hồn nhẹ nhàng… nhưng khi về tới phòng thì đôi mi nặng trĩu, đôi chân rời rã, đặt lưng nằm xuống là ngủ vùi một giấc, không còn biết trời trăng gì cả cho tới hơn 8 giờ sáng hôm sau khi những tiếng động của mấy người dọn phòng làm tôi thức giấc.

10.
Tôi xếp đặt thì giờ để đi Mỹ Khê thăm nhà thờ Đại Tôn, nhà thờ Tiểu Tôn và nhà thờ Thái Bảo Trương Đăng Quế một chuyến; nhân tiện ghé thăm một vài người bà con thân thuộc rồi sáng mai trở về Saigon, tuần sau về lại Mỹ.

Vừa bước ra phòng khách, tôi khựng lại vì thấy Phương Lan đã đứng đó từ lúc nào! Nàng có vẻ mừng ra mặt nhưng bỗng nước mắt lại rơi! Tôi chưa kịp nói gì thì nàng đã nói:
– Em sợ anh đi sớm nên đến đây chờ từ lúc 6g sáng hỏi thăm chị Lễ Tân (front desk) cho biết anh còn đang ngủ nên ngồi chờ tới bây giờ.
Tôi ái ngại nhìn nàng và mời nàng ngồi xuống ghế, âu lo hỏi:
– Có chuyện gì không Phương Lan?
– Dạ không có gì quan trọng lắm. Tối qua khi anh về rồi em vẫn bâng khuâng thương tiếc Huệ nên không ngủ được. Em lấy bản Di Chúc của Huệ và cuốn sổ nhỏ của anh đưa ra xem. Em thấy anh ghi tỉ mỉ việc tài sản của Huệ và chi tiết chi tiêu nhưng không thấy chi phí cho chuyến đi của anh như lời Huệ muốn nên em đến tìm anh để xin anh cho em gửi lại tất cả chi phí theo lời dặn dò của Huệ trong di chúc. Nếu không, em sẽ áy náy suốt đời.
– Phương Lan không cần phải áy náy. Như tôi đã nói, công việc nầy hoàn toàn tự nguyện như một nghĩa cử cuối cùng đối với một người học trò yêu quý đã đặt hết niềm tin vào mình. Thật sự lúc đầu tôi nghĩ sẽ làm như vậy, nhưng suy đi nghĩ lại tôi thấy không thể làm như thế được, nhất là khi thấy tình cảnh sống của Bà cụ và mẹ con Phương Lan. Thật ra, tất cả những chi phí cho chuyến đi nầy đối với tôi không đáng là bao nhiêu, mong cô yên tâm để cho tôi có cơ hội làm được một việc đáng làm và kể như quà tặng của tôi dành cho gia đình cô vậy.

Phương Lan đứng lên tiến lại phía tôi. Tôi cũng ngập ngừng đứng dậy, nàng ôm choàng tôi vừa khóc vừa nói:
– Anh đã noái rứa thì em xin nghe. Mạ con em xin kết cỏ ngậm vành cảm tạ tấm lòng cao thượng của anh.
Thấy mọi người nhìn làm tôi luống cuống, gỡ tay nàng dìu ngồi xuống ghế:
– Xin đừng nói chuyện ân nghĩa nữa. Cô hãy rán bảo dưỡng sức khỏe thật tốt để lo cho bà cụ và cháu Lan Huệ. Tôi không cần nhắc cô cũng thừa biết là rất nên cẩn thận trong việc giao tế. Cũng không cần bày là cô cần phải làm gì để có tương lai tốt đẹp hơn. Tôi quý mến con bé lắm, nó rất thông minh, hiếu nghĩa giống ba mẹ nó. Xin giữ liên lạc; nếu tôi có dịp trở lại Quảng Ngãi lần sau, tôi sẽ tìm thăm mọi người. Bây giờ thì tôi phải đi Mỹ Khê. Kể như đây là lần từ giã cuối cùng.
– Em ước phải chi sức khỏe của em tốt em sẽ đi cùng với anh về Mỹ Khê hôm nay luôn.
– Khi nào xong hết mọi việc và sức khỏe cho phép, cô về cúng ông cụ mâm cơm là tốt rồi!
– Em xin nghe lời anh. Chúc anh đi bình yên.

Chúng tôi cùng đứng dậy sánh vai bước ra cửa. Không gian bên ngoài tràn ngập tiếng còi xe và tiếng người qua lại ồn ào bất tận. Phương Lan cúi mặt bước đi bên tôi, nghe tiếng nàng sụt sịt nhưng tôi làm như không để ý, nói lời từ biệt lần nữa. Bất ngờ nàng quay lại ôm chặt tôi, sau một khoảnh khắc, buông tay quay mặt vội vã bước đi hòa lẫn vào đám đông tấp nập trên đường. Tôi thương cảm nhìn theo “tội nghiệp cho một kiếp con người”.

Ánh nắng hè chói chang, cùng tiếng ve sầu râm ran hòa nhập vào hoạt cảnh của một thành phố cố vươn mình lên trong một xã hội phát triển không mấy trật tự.
Đó, Quảng Ngãi quê tôi!

Mùa Hè 2014


« TRANG NHÀ »