Diễm Xưa

ngày 26.05.10

Buổi chiều Saigon trời cao nắng nhẹ, đó đây vài cụm mây trắng bay lững lờ. Cả thành phố đắm mình trong màu nắng vàng hanh. Màu nắng làm vàng thêm những chồng cam tươi như những dãy núi nhỏ xa xa đang bày biện trong các gian hàng trái cây ở chợ Bến Thành. Con đường Lê Thánh Tôn đông nghẹt những xe với người. Đúng với câu thơ của cụ Nguyễn Du “dập dìu tài tử gìai nhân”. Không biết mình có được liệt vào hàng tài tử trong cái ý nghĩa của cụ hay chăng trong buổi chiều Thu nắng nhạt hôm ấy.

Tôi vừa mới lãnh lương hôm nay dự định đến hiệu gìày Gia để tậu một đôi giày mới, vì mấy đôi giày hiện có của tôi đã gửi gấm hơn nửa phần đời ở các sàn nhảy trong các câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc và Mây Bốn Phương Trời… ơi trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất!

Mải mê suy nghĩ nên đã đi quá hiệu gìày. Tôi vội vàng “left clear”, nghiêng cánh trái làm chữ U để tấp vào lề trái. Có lẽ tôi quên mất là tôi đang lái chiếc xe Lambretta hai bánh đi giữa dòng xe cộ của một con đường hẹp. Bỗng nghe tiếng thắng gấp đàng sau cùng với một tiếng thét hãi hùng của một người con gái. Vừa tấp được vào lề thì tôi đã phải vội vàng xuống xe vì trước mặt tôi là một chiếc Honda Dame mang hai người con gái cũng vừa dừng lại, mà nàng đang ngồi đàng sau đã nhảy xuống xe và đang hớt hãi vụng về hai tay quấn ngang mình một cách hỗ thẹn đến trào nước mắt. Nửa vạt áo dài màu xanh da trời đang nằm gọn gàng trong căm bánh xe sau. Tôi vội vã cởi chiếc áo jacket đi bay phủ lên vai nàng.

– Ông làm gì mà chạy xe ẩu tả vậy, chút xíu nữa thì chết người ta còn gì. Bắt đền ông đấy.
Nàng tài xế “Bắc Kỳ” sần sộ, xỉa xói tôi như thế. Tôi vờ ngạc nhiên lẫn ngây thơ… vô số tội:
– Tại tôi?
– Không nhẽ tại tôi à? Còn vờ vịt nữa. Nếu không nhanh tay thì đã đụng vào xe ông rồi!
– Xin cô đừng to tiếng mà, người ta đang nhìn cô kìa. Cho tôi xin lỗi vậy!
– Xin lỗi, xin lỗi là xong à? Ông bắt đền áo cho Ngọc Anh đi!

Tôi quay qua người con gái có tên NA. Qua cơn khiếp đảm và hỗ thẹn, gương mặt nàng đã hồng hào trở lại dù đôi mắt vẫn còn long lanh ngấn lệ.
– Cô NA cho tôi xin lỗi nhé. Tôi thật bất cẩn. Tôi… tôi phải làm gì cho cô bây gìờ?
– Ông không phải làm gì cả. Nàng từ tốn trả lời. Tôi chỉ phải mượn ông chiếc áo nầy về nhà. Có điều làm sao tôi có thể trả lại cho ông?

Nàng cắn nhẹ chiếc môi son hồng xinh xắn, suy nghĩ đắn đo:
– Hay là trưa mai phiền ông đến nhà tôi lấy vậy. Tôi cho ông địa chỉ nhé?
– Mai tôi phải đi làm, nhưng không cần gấp đâu cô ạ!
– Thì chiều cũng đuợc nhưng ông đừng đến muộn quá sợ bất tiện.

Nàng ghi vội tên và địa chỉ trên một miếng giấy nhỏ rồi trao cho tôi.
– Ông biết cư xá Lữ Gia chứ?
– Vâng tôi có biết, nằm trên đường Nguyễn Văn Thoại. Tôi tên Nguyên và xin lỗi đây là…

Tôi huớng mắt về phía cô tài xế. Mắt cô bé tròn xoe nhìn tôi chăm chăm một cách căm tức.
– Đây là Vũ Phương, bạn thân của tôi.
– Hân hạnh đuợc biết hai cô. Một lần nữa cho tôi xin lỗi. Tôi rất hối tiếc đã làm lỡ một buổi chiều đẹp trời của hai vị.

Tôi cúi xuống gỡ vạt áo ra khỏi bánh xe và chờ tới khi hai người mất hút trong dòng xe cộ tôi mới trở lại xe trong tay còn cầm vạt áo màu xanh da trời.

Trần Vũ Thị Ngọc Anh. Cái tên dài thật hay, thật đẹp. Tên không khác chi nguời. Nàng có vẻ cao hơn người đàn bà Việt Nam bình thuờng. Dáng nguời mảnh mai, duyên dáng, đẹp dịu dàng. Tôi đứng bâng khuâng trước tiệm giày. Có lẽ tháng này cũng không sắm đuợc đôi giày. Lương của “quan nhị phẩm tàu bay” cũng chỉ vỏn vẹn một tháng tiền cơm, tháng tiền nhà, tiền nhậu khiêm nhượng với bạn bè một bữa, còn một ít lây lất “một sáng bánh mì, một sáng xôi”; ngoại trừ có gia đình tiếp tế, mà gia đình Ba Mẹ tôi thì vất vả với tôi đã nhiều. Sau khi toan tính tôi quyết định gia hạn… đôi giày thêm một tháng nữa và lên xe xuống phố Chà Và…

Trần Vũ Thị Ngọc Anh. Cái tên, dáng người như mọc rễ trong trí nhớ tôi. Tôi bâng khuâng cả buổi chiều rồi đem vào gìấc ngủ. Tôi nằm mơ thấy nàng như nàng tiên cánh trắng và tôi đang dìu nàng trong những bước Tango tuyệt vời, nhẹ nhàng, lơ lững theo những cụm mây trắng cuối trời thênh thang…

Sau phi vụ chưa bao giờ dài hơn hôm nay – Saigon-Đà Nẵng-Huế-Nha Trang-Saigon – tôi về tới nhà trọ lúc 5 gìờ chiều. Mặc dù mệt phờ râu tôi cũng phải vội vã đi tắm, xong lựa một bộ quần áo thẳng nếp nhất rồi hối hả ra đi không quên mang theo gói quà mà tôi đã mua chiều hôm qua.

Nhà nàng tuy không ở mặt đường nhưng cũng không khó tìm cho lắm. Sau một lúc quanh quẩn tôi đã đứng trước cổng nhà nàng, 62/4 cư xá Lữ Gia. Tôi đưa tay bấm chuông và chờ đợi một cách hồi hộp. Chẳng bao lâu nàng xuất hiện gọn gàng, tươi mát trong chiếc áo đầm màu xanh nhạt với nụ cười tươi đẹp vô cùng quyến rũ. Tôi gật đầu chào:
– Chào cô Ngọc Anh, trông cô vô cùng xinh đẹp.
– Cám ơn lời khen của anh. Tôi ngỡ anh không đến đuợc.
– Tôi không có lý do để không đến hôm nay. Tôi thật lòng không muốn trễ hẹn với cô, tôi phân trần, thế mà cũng không thể sớm hơn.
– Nghe anh nói tôi lấy làm áy náy! Vừa nói vừa mở khóa cổng.

Nàng trước tôi sau cùng bước vào phòng khách.
– Mời anh ngồi chơi, để Ngọc Anh đi ly nước. Anh uống bia nhé?
– Không dám phiền Ngọc Anh, cô cho uống gì tôi cũng vui lòng.

Cách trần thiết của căn phòng thật lịch lãm không dấu vẻ sang trọng. Bình hoa, chậu kiểng, bức tranh, khuông hình… mỗi thứ như ở một nơi thích hợp như những chỗ đó chỉ dành riêng cho loại đó mà thôi. Tôi bỗng dừng mắt tại một khung hình bán thân của nàng; cũng chiếc áo dài màu xanh da trời nhưng trên cổ áo có mang huy hiệu một con rồng nhỏ. Tôi nhủ thầm:
– À thì ra là thế. Hèn gì không cao ráo, xinh đẹp, không thích màu xanh da trời !

Nhìn sang bên cạnh là một khung hình khác chụp một đôi uyên ương. Người đàn ông trong bộ đồ lớn đẹp trai và vô cùng oai vệ, bên cạnh người đàn bà đẹp hao hao gìống Ngọc Anh – cũng áo xanh, cũng huy hiệu con rồng.

– Anh suy nghĩ gì mà mỉm cười một mình thế. Trông cử chỉ dường như anh vừa khám phá ra điều gì ngộ nghĩnh lắm?
– Không, không! Tôi mỉm cười vụng về

Nàng đặt hai ly nước cam vắt trên bàn, một về phía tôi.
– Ngọc Anh làm nước cam vắt để anh uống cho khỏe thay vì uống bia. Có lẽ anh vừa đi bay về?
– Sao cô biết? Tôi vô cùng ngạc nhiên.
– Vì áo jacket của anh có tên anh và cánh bay! Hơn nữa trông anh có vẻ mệt mỏi.
– Cô thông minh thật. Quả nhiên đúng vậy, tôi có hơi mệt vì đường bay hơi dài. Nhưng nhịn cơm, bỏ nghỉ để đi đòi nợ, để gặp Ngọc Anh và nhìn cô mỉm cười thì tôi nghĩ mình đã làm một chọn lựa đúng.
– Ngôn ngữ của các ngài Không Quân quả nhiên đáng ngại, đúng là danh bất hư truyền.
– Có lẽ Ngọc Anh đã từng nghe nhiều ngài Không Quân nói?
– Không, Ngọc Anh nghe chị Ngọc Minh nói vậy. Hơn nữa, Không Quân các anh hào hoa bay bướm ghê lắm, bạn bè Ngọc Anh ai cũng bảo vậy cả.
– Được Ngọc Anh tán tụng tôi hãnh diện được thơm lây, chứ tôi chưa đuợc liệt vào hàng ngũ đó!
– À, tôi có mang cho Ngọc Anh món quà mọn mong đền bù một phần lầm lỡ của mình.
– Anh bày vẽ quá, mong anh quên đi vì đó là số xui của tụi em thôi mà.
– Vâng, nhưng đây chỉ là món quà hạnh ngộ.

Nàng không nói gì thêm, đưa tay mân mê gói quà rồi mỉm cười:
– Trước khi mở hộp, Ngọc Anh xin đoán thử bên trong.
– Cô đoán được tôi phục tài cô lắm.

Nàng cầm hộp nghiêng tai lắc lắc, xong nhẹ nhàng đặt xuống mặt bàn, nụ cười vẫn gắn liền trên đôi môi tươi thắm.
– Đây là xấp vải áo dài, màu xanh da trời.

Tôi đứng dậy chắp tay nghiêng mình:
– Bội phục, bội phục! Cô làm như có thiên lý nhãn không bằng.
– Dễ mà anh. Lý do thật đơn gìản. Này nhé, anh làm rách áo người ta, lại còn giữ mẫu áo. Một gói quà cho lần đầu tiên gặp gỡ, nếu không phải vải áo đã rách thì còn gì khác? Có ai lại liều lĩnh tặng quà cho người khác phái khi mình chưa hiểu một tý gì về họ?! Thật ra Ngọc Anh đã đoán già nửa trước khi lắc chiếc hộp.
– Lối suy luận của Ngọc Anh vô cùng vững chải. Người ta đồn rằng các cô “hotess de l’air” thông minh có thừa, duyên dáng, lịch lãm ghê lắm. Tiếng đồn không ngoa.
– Anh quá khen làm Ngọc Anh thẹn, thông minh làm gì bằng anh được, chỉ thoáng nhìn bức hình trên tường anh đã biết tụi này là hotess de l’air.
– Ngọc Anh có lẽ đang nghỉ dưỡng sức phải không? Còn chị Trần Vũ Thị Ngọc Minh đâu? chắc là đi bay chưa về?

– Vâng, Ngọc Anh đang nghỉ dưỡng sức đến Thứ Hai tuần tới; còn chị Ngọc Minh không phải đi bay mà là đang đi hỏi dò tin tức của chồng. Anh làm tỉnh trưởng Quảng Đức bị mất liên lạc hơn tuần nay.
– Nghe nói tỉnh Quảng Đức đã được giải tỏa hôm nay, chắc ngày mai sẽ có tin vui về anh ấy.
– Vâng, chiều nay tụi này nghe radio hồi 4 giờ chiều xong chị ấy vội vã ra đi.
– Mời anh dùng nước. Nàng nâng ly mời. Sau khi chiêu một ngụm nước nàng đặt ly xuống bàn:

– Anh Nguyên dường như là phi công vận tải.

Tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Nhìn lại một lượt trên người xem có gì đã tố cáo với nàng điều đó.
– Tài xem tướng của cô quả như thần. Bao giờ cô mở cửa hàng tôi tình nguyện viết một bài giới thiệu, quảng cáo không công. Bằng vào đâu cô đoán vậy, tôi thắc mắc?
– Nếu xem tướng Ngọc Anh phải đoán anh là phi công phản lực, vì anh có vẻ ngang tàng, liều lĩnh. Còn sở dĩ Ngọc Anh nói anh là phi công vận tải vì anh đã không bảo “đường bay dài” khi nãy là gì?
– À thì ra thế. Tuy nhiên, cô thông minh quá làm tôi sợ. Tôi nghĩ ai đuợc diễm phúc làm người yêu, làm chồng tương lai của Ngọc Anh là kể như… đáng buồn.
– Sao lại đáng buồn anh?
– Thì cái gì cô cũng đoán biết, làm sao giấu đuợc cô điều gì, nhất là những chàng hào hoa, bay bướm chắc là phải chịu trận.
– Có lẽ tranh luận với anh là một việc không nên làm. Ngọc Anh xin nhường anh một bước.
– Nếu tôi đuợc hân hạnh hầu chuyện với Ngọc Anh dù cả ngày này qua ngày khác tôi cũng rất vui lòng, nhưng hôm nay chắc đã muộn, có lẽ tôi phải từ biệt cô.

– Vâng, Ngọc Anh cũng rất thích được hầu chuyện với anh. Ngày mai anh phải đi bay không? Chiến trường độ này sôi bỏng quá anh nhỉ? Quê hương mình không biết đến bao giờ mới được thanh bình! Và dân tộc mình bao giờ mới có được một ngày yên vui!?

– Tôi rất cảm động để biết Ngọc Anh có lòng yêu quê hương, dân tộc một cách thiết tha như vậy. Bao giờ thanh bình? Có lẽ những người thấp cổ bé miệng như chúng mình không có quyền đặt câu hỏi. Lứa tuổi của chúng ta được sinh ra trong chiến tranh chắc rồi cũng sẽ tàn tạ trong chiến tranh. Cuộc chiến tương tàn Nam Bắc không còn do quyết định của dân mình, nước mình; huống gì mình đang đối đầu với lũ cộng sản khát máu, điêu ngoa, xảo quyệt mà đàng sau chúng lại có cả Tầu lẫn Nga phù trợ; còn bên mình thì Mỹ muốn bỏ rơi, chưa kể nội thù, lũ Việt gian Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đang tìm cách bán đứng miền Nam cho bọn Cộng sản vô thần miền Bắc.
– Anh có vẻ bi quan quá.

– Không, tôi không bi quan đâu, đó là sự thật. Tôi chỉ biết ngày nào còn sống thì ngày đó tôi còn đem máu xương này, hình hài này bảo vệ từng tấc đất cho tự do, cho công bằng. Đó cũng là lý do chính đáng nhất để kéo tôi ra khỏi ghế nhà trường, nơi mà ba mẹ tôi đã đặt nhiều kỳ vọng sẽ uốn nắn tôi trở thành một bác sĩ tương lai.

– Anh đi Không Quân năm nào?
– Năm 1968 khi tôi đang học năm thứ ba y khoa.
– Kể ra cũng uổng anh nhỉ. Nhưng bù vào đó anh đã được tự do chọn lựa và đã trở thành một phi công oai hùng!

– Là phi công vận tải thì đâu có gì gọi là oai hùng! Hoài bão tôi là được bay F-5, để có cơ hội giáng xuống đầu giặc Cộng những đòn chí tử và đập tan tham vọng xâm lăng của chúng, nhưng xui xẻo cho tôi ở vào tài khóa vận tải. Thế mới ngán ngẩm sự đời! Nhưng thôi, mình có vẻ lạc đề rồi đấy. Ngày mai tôi được nghỉ vì tôi đã bay ba ngày liên tiếp. Nếu cô không có vấn đề gì, tôi mong được mời cô cùng xuống phố dùng cơm trưa cho vui.

– Cám ơn anh đã dành cho Ngọc Anh quá nhiều cảm tình, nhưng Ngọc Anh không dám hứa chắc, tốt hơn hết xin anh điện thoại cho Ngọc Anh khoảng 9 giờ sáng để xác định.
– Chắc chắn tôi sẽ thức để canh chừng đồng hồ, và hy vọng cô sẽ nhận lời!

Nàng mang trả tôi chiếc áo lạnh cùng với mẫu giấy nhỏ có ghi số điện thoại nhà nàng. Tôi cất vào trong ví cẩn thận và từ giã nàng một cách luyến tiếc.
– Chúc Ngọc Anh ngủ ngon, nhiều mộng đẹp và mong được gặp cô ngày mai.
– Cám ơn anh, Ngọc Anh cũng mong vậy.
– Ngọc Anh cho tôi gửi lời… cám ơn Vũ Phương.

Nàng như hiểu được ngụ ý của tôi nên mỉm cười.
– Đừng vội cám ơn. Hôm qua về đến đây mà Vũ Phương còn tức giận anh lắm đó.
Tôi nghiêng mình chào nàng và bước ra khỏi cổng. Đi được mấy bước tôi quay đầu nhìn lại, nàng vẫn còn đứng nơi cổng đưa tay vẫy chào.

Đèn điện đường đã bật sáng, một thứ ánh sáng vàng ủng. Đã quá giờ tan sở mà xe cộ vẫn còn tấp nập. Lòng tôi như có một niềm vui rộn rã dấy lên cùng một mơ ước hư ảo. Trần Vũ Thị Ngọc Anh, người đẹp duyên dáng khả ái, lại thông minh lịch duyệt hơn người. Có được một người yêu như vậy quả là điều hãnh diện cho nam giới…

(Trích trong tập thơ: Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu
Xuất bản 1998)


« TRANG NHÀ »