Niềm Vui & Tuổi Già

ngày 3.04.23

Một ngày Thứ Năm.

Với tôi, ngày Thứ Năm hay ngày thứ mấy trong tuần không có gì khác biệt, chỉ vì, “Một ngày… như mọi ngày” tôi vẫn ngồi đó với chiếc laptop, đối diện nhà tôi đang mải mê làm việc, trong phòng ăn nhà bếp.

Bức hình ông bạn chụp ngẫu nhiên khi tình cờ thăm viếng.

Tại sao ngồi ở nhà bếp trong khi nhà rộng thênh thang với hai tầng lầu, có phòng khách to đùng, phòng làm việc tiện nghi mà không sử dụng? Vâng, nghe buồn cười và lạ lẫm quá chứ. Người ta thường nói, “Bất cứ việc gì xảy ra ở trên đời đều có lý do của nó.”

Lý do ngồi nhà bếp vì chiếc bàn ăn hình tròn xinh xắn, đủ rộng cho nhà tôi làm việc và thừa chỗ cho tôi “ngồi thiền” trông chừng vợ – hay là vợ trông chừng tôi không biết nữa.

Nàng “bị” làm việc ở nhà từ ngày cái con nhỏ COVID ác ôn từ Tầu sang thăm viếng. Đáng lẽ nàng đã nghỉ hưu vài năm trước nhưng làm việc ở nhà rất tự do, thoải mái (dù đôi khi làm rất dài giờ,) không cần đi sớm về khuya lái xe chen lấn; không cần son phấn, chải chuốt, áo lượt quần là, nhất là không phải nhìn những bản mặt bossy hắc ám… nên nàng quyết định tiếp tục làm việc cho tới khi nào chán thì thôi!

Làm ở nhà bếp vì… gần bếp, gần những tiện nghi cần thiết của một người nội trợ. Cần nước uống, cần ăn vặt, cần giải lao thì mọi thứ trong tầm tay. Giải lao của nàng là làm bánh, chế biến thức ăn, và đặc biệt nhà bếp có nhiều khung cửa sổ to đùng ngó ra khu vườn rộng xanh tươi có hoa lá bốn mùa, có chim có bướm bay lượn, ca hót líu lo…

Một người bạn ở tiểu bang xa ghé ngang thăm viếng và ở chơi với chúng tôi từ ngày hôm qua, Thứ Tư, nhân dịp về tham dự tiệc xuân của hội đồng hương. Hôm nay từ giã để thăm những bạn bè thân quen khác. Và hôm nay, chiều Thứ Năm, chúng tôi cũng được mời đi biển Galveston ở chơi với 2 cặp vợ chồng bạn thân một vài ngày – một cặp ở tận California. Nhà tôi sắp xếp mang theo dụng cụ, máy móc để làm remote. Tôi mà nghe đi chơi thì đôi mắt sáng hơn, đôi chân vui nhộn nhịp.

Tuy vậy, buổi chiều chúng tôi được vợ chồng con gái mời đi tham dự buổi “recital” piano của cháu ngoại. Con bé nầy lém lỉnh lắm, nó thường nói với tôi, “Ông ngoại, con là cục kim cương của ông ngoại” (Ông ngoái, I am your big diamond – chỉ vì trong video clip tôi làm cho bản nhạc viết cho nó có những hạt kim cương bay. Nó đã phải vào trường childcare từ lúc bé tí nên khi nói tiếng Việt nó bỏ dấu trời thần.) Vâng, chúng tôi vỏn vẹn chỉ có hai đứa cháu ngoại nên chúng nó là “cục kim cương”, là ưu tiên hàng đầu.

“Recital”, nghe nghiêm trọng lắm nhưng thực sự nó mới học được có một câu nhạc lý mà thôi. Vẫn còn đánh một tay nhưng khá hơn ông ngoại đánh phím computer. Cô giáo nói cho nó đi “trình diễn trước công chúng” cho bạo dạn. Ôi! Cách dạy dỗ con nít ở xứ sở nầy là như vậy nên đứa trẻ nào có năng khiếu về bất cứ ngành nghề nào thì sẽ có thừa cơ hội phát triển và lúc thành tài trở nên đa năng và bạo dạn hơn những nới khác trên thế giới. Chắc chắn trẻ con ở bất cứ xứ độc tài cộng sản nào có được cơ hội đó.

Chúng tôi được bố mẹ nó mời đến trước giờ để cùng dùng buổi chiều tại chỗ trước khi phần trình diễn. Nơi “trình diễn” là một sân khấu lộ thiên, có đàn có nhạc nhẹ, có sân chơi rộng rãi hình chữ nhật cả vài ngàn thước vuông, được trải cỏ nhân tạo xanh mướt, có nhiều nhà hàng chung quanh có mái hiên che rộng bên ngoài, ai muốn ăn món gì thì vào nhà hàng đó mua xong đem ra những chiếc bàn có đủ màu sắc tươi vui dưới mái hiên sát sân cỏ để ăn; kể cả kem… mà con nít thì thích kem lắm.

Mặc dù trời nhiều sương mù hôm nay nhưng khi chúng tôi đến nơi, cả tiếng sớm mà đã có rất đông người, đông con nít. Người lớn thì đang ăn uống, chuyện vãn dưới những mái hiên thoáng mát; con nít chạy nhảy chơi đùa ngoài sân rộng với bóng đá, lăn lộn, chạy đuổi bắt nhau, tiếng cười giỡn giòn giã từng hồi. Tôi thầm thán phục cho những đầu óc kinh doanh tinh tế nghĩ ra cách làm thương mại như thế nầy.

Đến giờ trình diễn. Cô giáo gọi tên từng học trò, có lẽ theo thứ tự trình độ. Con bé nhà tôi được gọi đầu tiên sau lời chào hỏi và giới thiệu của cô giáo, “Để mở đầu chương trình, đây là phần trình bày của Ellie Vu”… Tiếng vỗ tay vang vọng chung quanh sân như thể người ta sắp chào đón một ngôi sao ca nhạc nổi tiếng sắp xuất hiện. Con bé nhà tôi te te chạy lên khán đài, cúi chào “khán giả” một cách bài bản, xong ngồi trước piano… tính tính tình tang… không đầy 30 giây thì đứng lên chào vội và chạy xuống chỗ chúng tôi ngồi, những tràng pháo tay vang dội lại nổi lên và tôi… cười ngặt nghẽo!

Càng lúc càng có các em khác thay nhau trình diễn phần của mình; và càng lúc càng điêu luyện hơn, chuyên môn hơn. Có em vừa đàn vừa hát, có em trình diễn guitar, violin nữa. Tôi nghĩ chắc là nhiều thầy, cô từ các trường khác nhau có học trò tham dự recital hôm nay. Dù vậy, chúng tôi cần phải rút sớm vì còn phải lái xe tiếng rưỡi nữa mới đến biển.

Đường đi về hướng biển phải vượt ngang qua phố. Nhìn thấy phố sương mờ giăng mắc lòng dẫu đang vui nhưng cũng có chút cảm thán, nghĩ vội mấy câu thơ:

Phố vui chìm đắm trong sương khói
Ngủ giấc chiều êm rất nên thơ
Ánh điện nhạt nhoà soi với rọi
Cho hồn lãng đãng giữa trời mơ

Dù đã báo trước với các bạn là chúng tôi sẽ tới muộn, gửi giờ dự định tới theo GPS chỉ đường. Vậy mà hết người nầy tới người khác nhắn tin hỏi đã đi chưa, bao giờ tới. Tôi nói đã gửi rồi sao còn hỏi. Họ cười ha hả với nhau rồi nói, “Hỏi cho chắc ăn để biết giờ nướng thịt.”

Dù được chạy trên đường dành riêng cho xe 2 nguời trở lên (HOV) nhưng khi tới chỗ cũng đã hơn 8g rưỡi. Tay bắt mặt mừng, mùi thịt nướng thơm lừng xông đầy khứu giác làm đói bụng dù mới ăn một ít khi nãy với con cháu. Theo chân các bạn đem thịt lên lầu, chào hỏi các bà quận bà tỉnh, nhận phòng rồi cùng ngồi vào bàn chén anh chén em.

3 cặp chúng tôi chơi thân nhau có lẽ do có sự trùng hợp đặc biệt. Cặp chủ nhân tên Thuận-Lan, cặp khách Cali là Thuỵ-Thuận, và cặp chúng tôi là Thuận-Bích. Khi ở chung với nhau, muốn gọi ai thì phải xướng luôn tên của nửa kia để khỏi lộn. Không biết từ lúc nào chúng tôi sợ lộn hay là trong nhóm có tới 3 Huế, 2 Bắc kỳ, và 1 Nẫu 🤣😜
Xin điểm danh sơ qua về 4 nhân vật nầy.

Chủ nhà ThuậnN – bạn thân từ ngày bay bổng – đã từ bỏ rượu bia, thuốc lá đến nay đúng 23 năm. Chàng rất tự hào về điều nầy. Tại sao không tự hào? Vì khó tìm được người với ý chí mạnh mẽ như vậy. Phải công nhận mực độ khắc kỹ của chàng quả đã cao thâm, không như tôi chỉ có thể gắng gượng được 4 năm rồi… đầu hàng vô điều kiện. Dù tôi chưa bao giờ nghiện rượu bia thuốc lá nhưng khi gặp bạn thì ai tới đâu tôi tới đó. Haha! Chơi xả láng sáng còn không chịu về. Ở nhà một mình năm thì mười hoạ mới uống chai bia nếu bất chợt có thức ăn ngon, đặc biệt vào mùa hè.

Từ trái đứng: ThuậnT, Thuỵ, Trung, Tuyền, ThuanN; Ngồi: Bích, Thuận, Lan.

Còn mợ Lan đó hả! Lan chuộng diet triệt để. Cầm tới món thực phẩm mua ở chợ nào cũng săm soi chi li về chất dinh dưỡng đựng phía trong. Nhà tôi – my house – cũng là một cây xanh dờn về mục nầy nhưng cũng phải chào thua. Nàng tuy tuổi không còn “mười nhăm” nhưng trông vẫn mặn mà, sắc sảo sau 51 năm hạnh phúc bên chàng. Cặp thần tiên nầy bây giờ đã nghỉ hưu có cùng sở thích du lịch, thích tìm kiếm, khám phá bằng xe hơi. Họ có một đời sống vật chất thoải mái, con cái đều học hành tới nơi tới chốn, thành công trên đường đời. Vì thế, lòng họ nhẹ tênh, không bị ràng buộc bất cứ điều gì. Là một tay lão luyện về xây cất, sửa chữa từ ngày còn đi bay, nên chàng đã mua một chiếc xe van cỡ lớn, tự tay sửa chữa, tân trang thành một Campervan đầy đủ tiện nghi. Họ đã đi “tiếu ngạo giang hồ” nhiều nơi trên nước Mỹ. Cũng đã và đang bay đi những danh lam thắng cảnh khác trên thế giới khi nào thích. Nói chung, họ có một đời sống mơ ước của hàng tỷ người.

Thuỵ, chàng đã ở nhiều năm bên Pháp, lâu lâu xổ tiếng Pháp chúng tôi phải hỏi ông Google. Dân Tây nên cách chơi điềm đạm lắm, lịch sự có thừa, tính tình hào sãng, lòng dạ rộng rãi, bạn bè dễ gần gũi, thân mật. Chàng là bạn lâu đời của ThuậnN, nghe đâu từ ngày còn đi học. Trong chuyến Mỹ du, chàng gặp mợ Thuận rồi… bị kẹt cứng luôn, chỉ vì nàng là một O Huế vô cùng dễ thương. Tôi chỉ mới hân hạnh biết cặp nầy chừng 10 năm nay nhưng rồi cũng… bị kẹt luôn. Vui vẻ bị kẹt. O Thuận Huế gặp nàng Lan Bắc kỳ… sao mà họ hợp gout đến thế. Kể chuyện tiếu lâm khỏi chê. Hai người gặp nhau lúc nào cũng có nhiều chuyện để rủ rỉ rù rì… khác với Bắc kỳ nhà tôi, chỉ biết cười theo. Hai người nầy cũng cùng gout thích lái xe đi du ngoạn, cũng thích khám phá, cũng thích tìm kiếm. Được Thuận-Lan khuyến khích, Thuận-Thuỵ cũng mua một chiếc xe Mercedes Van, cũng tự tân trang thành Camper Van. O Thuận vui vẻ nghỉ làm cùng chồng ngao du sơn thuỷ. Hình như họ cũng sợ “xài tiền không kịp”… như nhau.

Trở lại buổi tiệc hội ngộ của “tam Thuận”

Khi rời nhà đi, tôi muốn mang theo chai cognac. Nhà tôi nói, “Anh không tế nhị gì hết, anh Thuận đã bỏ rượu bia mà cứ muốn mang theo rượu uống trước mắt anh ấy coi sao được.” “Em hoàn toàn có lý nhưng mông-xừ Thuỵ còn uống được muh.” “Nhưng vẫn khó coi lắm.” “Thôi thì anh mang chai rượu vang cho cơm tối nhé?” Tôi cố gỡ gạc. Nàng giơ hai tay lên khỏi đầu, “Anh thiệt tình, bó tay!”

Khi mọi người ngồi vào bàn, tôi chưa kịp khui chai rượu thì Thuỵ đã lấy chai rượu vang vừa khui xong đặt lên bàn. Tôi nhìn nhà tôi như phân bua. Nàng làm ngơ, vờ như không thấy gì. Tôi lấy ra 3 ly cho Thuỵ, tôi, và O Thuận ké một tý. Bắc kỳ của tôi cũng không bao giờ uống rượu. Thức ăn ê hề đặt trên bàn…

6 người vừa ăn vừa tán chuyện cả buổi tối. Dù nhà gần biển nhưng vì hôm đó mây giăng khắp lối, gió tạt vụt vù đến cong cả những đầu palm tree chung quanh nên chỉ ở nhà bù khú với nhau. Chúng tôi hợp nhau nên nói cười thoải mái. Hợp nhau vì cả sáu người đều ở quanh cái tuổi gọi là “cổ lai hy,” những chuyện không vui thường không tồn tại trong tâm, không đem vào câu chuyện; không so đo, không tính toán, không cần rào đón khi nói, không phải giữ kẽ khi cười… cho đến lúc “6 đóm mắt hoả châu” mơ huyền thì nguyên căn nhà chìm vào đêm vắng.

Căn nhà của thằng con lớn của Thuận-Lan mới mua vài năm qua để nghỉ dưỡng và hầu hết để làm Airbnb. Nhà chỉ cách biển một block đường, tai vẫn nghe sóng vỗ rạt rào; rộng rãi, thoải mái, dù chỉ có 3 phòng ngủ nhưng thừa chỗ ngủ cho 12 người riêng rẽ. Airbnb quanh năm. May chỉ có vài hôm vừa trống thì bố chủ nhà xí chỗ nhân dịp cô chú Thuận Thuỵ ở Cali sang chơi và cũng nhân tiện Thuận Bích được ké.

Sáng thức dậy. Một ngày không vội vã nên tàng tàng uống cà phê, ăn sáng xong chúng tôi kéo nhau dạo biển. Riêng my house phải ở nhà làm việc đành lỗi hẹn với biển. Một buổi sáng thật tuyệt vời, dù nắng đã lên nhưng mây vẫn còn giăng mắc, biển trong xanh vắng người, gió vẫn vụt vù nhưng không lạnh đem những lượn sóng cao rào rạt đập vào bờ. Năm chúng tôi đi tìm bạc cắc và đếm bước đi sát chân nước khoảng vài tiếng rồi kéo nhau về để sửa soạn sang thăm Crystal Beach.

Qua Crystal Beach phải qua phà Bolivar. Tôi luôn luôn thích đi phà. Mỗi lần đi phà luôn nhắc nhớ tôi những lần đi phà Bắc Mỹ Thuận. Nhớ những giọng rao trong trẻo của những em bé bán mía ghim, đâu phọng, cà rem… Bến phà Bolivar có vẻ khác hơn sau thời COVID, nhưng vẫn là đoạn đường thơ mộng, dễ thương lắm. Rất may, trưa Thứ Sáu mà bến phà không đông lắm. Khi chúng tôi đến nơi là lúc người ta cho chạy từ từ thẳng lên phà. Không mấy chốc phà khởi hành. Chúng tôi tắt máy xe, cùng kéo lên lầu hai ngắm biển, chụp hình. Chỉ khoảng 30 phút gập ghềnh cùng sóng nước, cùng cảnh vật chung quanh, cùng trời cao và gió lộng, lòng người ta rộng mở với biển trời bằng những nụ cười thân thiện, những tiếng chào hỏi thân tình. 30 phút với tấm lòng mở toang, thanh thản; đôi mắt dõi theo những chú hải âu chập chờn cùng biển sóng.

Sau khi rời phà, ba chiếc xe nối đuôi nhau chạy thêm khoảng 10 dặm nữa về hướng đông để đến nơi muốn đến. Ở đây, Thuận-Lan có một khu đất xây USPS (post office) cho nhà nước thuê lâu dài. ThuậnN đến vì có hẹn với thợ sửa chữa bảo trì khu công sở nầy.

Trong khi chờ đợi ThuậnN lo công việc, tôi lang bang đi chụp hình chung quanh khu đất; thoáng thấy bên kia đường có một mảng bluebonnet đầy hoa mà “zoom in” không rõ nên đứng chờ bên lề đường, khi thấy đủ an toàn, tôi vụt chay băng qua. Chỉ vừa chạy vài bước thì đầu gối bên trái bỗng sụm xuống! Tôi vội vã lết ngay vào lề tránh xe nhưng đau quá đỗi. Mấy bạn đứng bên kia đường lo lắng hỏi vọng qua, tôi đau đớn hát bản “ngày trở về,” rán cò nhắc qua đường về xe ngồi… hít hà! Thấy mọi người quá quan tâm, tôi giả vờ nhịn đau và bôi dầu nóng Thuận-Lan có mang theo xe, nói rằng chắc một lát sẽ bớt đau.

Sau khi ThuậnN xong việc, cả ba xe kéo nhau tới nhà hàng biển Sangaree nổi tiếng trong vùng để ăn trưa. Một nhà hàng to lớn, bãi đậu xe thênh thang nhưng chật kín xe. Cũng như tất cả nhà ở sát vùng bờ biển, nhà hàng cũng nằm trên tầng cao nhưng không thấy có cầu thang máy. Nhìn lên chiếc cầu thang mà sờn lòng chiến sĩ. Thế nhưng để khỏi mất vui, tôi cố gắng leo lên cầu thang từng bậc một, cố làm vẻ mặt tỉnh queo để mọi người yên lòng.

Nhà hàng trưa Thứ Sáu mà khách ngồi gần chật kín. Một không gian vui nhộn với tiếng cười nói của khách hàng. Chúng tôi được cho ngồi ở một bàn sát cửa sổ, nhìn ra khoảng bao la bên ngoài có trời mây xám ngắt, biển sóng chập chùng; thỉnh thoảng có vài giọt mưa cho thêm chút lãng mạn. Nhìn lên vách trước mặt thấy quảng cáo Sangarita. Tôi đã nghĩ chắc là họ gọi trại đi chữ Margarita, hỏi cô bồi bàn thì được xác nhận và còn giới thiệu thêm. ThuậnN thấy tôi có vẻ chú ý tới món đó chàng bèn nói, “Hay là hai bồ làm mỗi người một ly đi, hôm nay tôi bao tất cả nhé.” Haha! “Được lời như mở tấm lòng.” Tôi gọi một ly đông lạnh (frozen), Thuỵ một ly với đá cục (on the rock). Hai chúng tôi “nhâm nhi” để nghe mùi nhang thoang thoảng và chân tôi vì thế dường như cũng bớt đau một chút. 🤣😂🤣

Chúng tôi gọi mỗi người một đĩa đồ biển khác nhau, to đùng, trông hấp dẫn lắm. Thức ăn đặc biệt ngon hơn vì dường như có thêm một loại hương vị rất đặc biệt nào đó 😜. Nhà hàng đông khách mà họ phục vụ khá tốt. Vừa ăn vừa tán chuyện trên trời dưới đất, chuyện cùng nhau đi Costa Rica trong tương lai… mãi đến hơn 2g chiều thì Thuận Bích phải nói lời từ biệt để về có việc riêng; Thuận-Lan và Thuận-Thuỵ trở lại căn nhà biển ở thêm một đêm nữa rồi nhường chỗ cho người ta thuê mướn.

Đáng lẽ ngày hôm sau buổi sáng chúng tôi có hẹn tham dự Bluebonnet Festival ở Chapel Hill, buổi chiều gặp gỡ anh chị em hội viên Văn Bút ở xa về để Chủ Nhật tham dự Tiệc Xuân của Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ 2023 mà tôi làm trưởng ban tổ chức. Thế nhưng, về tới nhà thì cái đầu gối không còn đi thêm được nữa, phải nằm một chỗ và băng bó nước đá nhưng trong đầu nghĩ chắc phải đi bác sĩ, và cơ hội mổ đầu gối chắc không thể tránh khỏi.

Sáng hôm sau dù có dễ chịu hơn một chút nhưng cũng phải huỷ bỏ hết những cái hẹn. Vì là một thầy dạy võ lâu năm nên tôi còn hy vọng có thể tự chữa trị thử, nếu không hiệu nghiệm thì sẽ đi bác sĩ cũng không muộn. Tôi nhờ nhà tôi đưa tôi đi thăm Mẹ, rồi nhân dịp mượn cặp nạng chống và lấy chai thuốc võ – thuốc nầy khi còn trường dạy võ tôi đã pha chế theo một toa gia truyền để tại trường dùng mỗi khi học trò bị chấn thương, và đã chứng minh nhiều lần rất hiệu nghiệm cho các trường hợp bị trật tay trật chân. Trong trường hợp của tôi, không phải trật mà bị rách, bị đứt gân nên bán tín bán nghi… dù sao cũng phải thử cách của tôi trước khi quyết định đi bác sĩ.

Nhờ liên tục đắp đá và bó thuốc nên sáng ngày Chủ Nhật đỡ hơn nhiều; tôi quyết định rán chống nạng đi lo việc tổ chức. Ở nơi tổ chức, ai gặp cũng tỏ ra ái ngại cho tôi, tôi cố pha trò với mọi người rằng, “Một lát nữa có một màn ca nhạc mà tôi được yêu cầu đóng vai thương binh trong hoạt cảnh ‘Ngày Trở Về… có anh thương binh sống đời hoà bình…’ nên cần thực tập cho nhuyễn” Ai cũng phì cười nhưng cũng có đôi người tin là thật, Hahaha! Trong khi đó Thuận-Lan, Thuận-Thuỵ gặp tại buổi tiệc, thấy tôi cười giỡn tươi rói nên cũng an lòng.

Khi ngồi viết bài nầy, thì cái chân tôi đã khá đến 70% vì chiều nay, Thứ Tư sau một tuần, tôi đã ra vườn cắt cỏ được rồi. Cũng phải nói là cũng nhờ thêm một yếu tố quan trọng nữa, đó là tôi đã ngâm chân vào nước ấm có pha muối Dr Teal’s Pure Epsom Salt Therapeutic Soak 3 lần trong ba ngày. 👌🙏🤞

Viết để ghi lại kỷ niệm cuộc gặp gỡ lần nầy. Hy vọng chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội khác. Cầu mong tất cả các bạn thân mến của tôi luôn an vui và tận hưởng thời gian vàng son nhất của cuộc sống con người, tận dụng “tuổi thần tiên” và có thể làm được điều mình mong muốn.

Kingwood, cuối Tháng 3/2023


« TRANG NHÀ »