Tiễn Bạn Về Cát Bụi

ngày 19.09.20


Viết nhân lễ chung thất thay lời vĩnh biệt đồng môn chiến hữu KQ Huỳnh Thành Lập

Cuối tuần này đã là thất thứ 7 của Huỳnh Thành Lập!

Thời gian càng lúc càng đi thật nhanh, khi bóng hoàng hôn đã lững lờ trước mắt.

Lần nói chuyện cuối cùng với Lập được chị Tâm, vợ Lập, nối qua màn hình Viber, cảm thấy như mới chỉ xảy ra vài tuần trước. Lập đã không nói được, chỉ có tôi nói và Lập chỉ ra dấu nghe hiểu được, “Rán lên Lập nhé, chiến đấu gan dạ trong trận chiến cuối cùng. Hãy giữ tâm hồn thanh thản, bên bạn ngoài vợ con, người thân còn có anh em, bạn bè. Cố gắng lên, mỗi con người đều có một duyên phận nhất định để đến và đi.”

Rồi Lập đã bất ngờ xuôi tay giữa đêm trong bệnh viện Chợ Rẫy, một thân một mình, vì chị Tâm, người vợ đầu ấp tay gối trên 40 năm của Lập vừa về đến nhà ở tận Củ Chi. Chị dự định nhắm mắt một lúc sau bao nhiêu ngày thức trắng bên chồng trong bệnh viện và cũng để sửa soạn nhà cửa trước khi làm thủ tục đưa Lập về nhà trong buổi sáng hôm sau, theo lời khuyên của Bác sĩ và bệnh viện.

Việc ra đi của Lập gây sửng sốt, quá bất ngờ với tôi và bạn bè bên Mỹ. Đưa vợ về chữa bệnh rốt cuộc mình ra đi!

Tháng 12/2019, được chị Tâm cho biết là hai vợ chồng sẽ về VN chữa bệnh.

Chị Tâm đã bị bệnh mất máu mấy năm nay rồi, từ lúc còn ở Houston. Vợ chồng quyết định dọn về Nam California ở với vợ chồng đứa con gái duy nhất theo lời khẩn cầu của con. Hơn nữa, về Cali chi phí y tế được chính phủ giúp đỡ rộng rãi hơn. Chị đã đi nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện mà vẫn không ai có thể chữa lành và tình trạng càng ngày càng suy sụp. Thế là cuối tháng 12, vợ chồng quyết định về VN chữa bệnh theo lời giới thiệu của bạn bè bên đó.

Rất may, về VN sức khoẻ chị tiến triển khả quan. Sau Tết âm lịch, hai vợ chồng dự định trở về Mỹ thì đại dịch Wuhan Coronavirus bùng phát! Đang lúc lộn xộn thì Lập phát bệnh nặng. Đi bác sĩ, rồi phải vô nhà thương, khám phá ra Lập bị ung thư ở phần bụng, giai đoạn cuối! Hai vợ chồng âm thầm chữa trị, không cho ai biết. Cho tới một ngày, chị Tâm gọi điện thoại qua cho biết tình trạng và thông báo sẽ phải xin chuyển Lập đi bệnh viện Chợ Rẫy. Cũng may, lúc về VN có mua ngay bảo hiểm sức khoẻ giới hạn; dù vậy chi phí bệnh viện cũng được bảo hiểm lo được phần nào. Sau một thời gian, việc chữa trị ở nhà thương không có hiệu quả nên cầu may đánh ván bài chót – chuyển qua bệnh viện Chợ Rẫy.

Chợ Rẫy là một bệnh viện lớn ở Saigon, rất khó để được nhập viện. Những ngày đầu chuyển qua thì cũng phải nằm hành lang chờ phòng. Chị Tâm là một người rất tháo vác, biết nơi biết người để “phong bì” để Lập được vào phòng. Muốn bệnh nhân được Bác Sĩ, Y Tá quan tâm thì thân nhân cũng phải “biết điều”!

Ôi quê hương của tôi! Đồng bào của tôi! Bây giờ người ta đong đếm nhân bản bằng phong bì nặng nhẹ!

Trong những ngày vợ chồng vật lộn với bệnh trạng, với thuốc men ở VN thì ở Nam California đứa con gái duy nhất cùng chồng cũng phải vật lộn với cuộc sống để tồn tại. May mà chúng nó vẫn chưa có con. Khi đại dịch đổ xuống ai cũng bị “cấm cung”. Khi biết tình trạng vô vọng của Ba, đứa con gái tội nghiệp chỉ biết khóc suốt ngày qua điện thoại. Muốn đi VN trong thời gian này quả là bất khả; ngoài việc giá vé máy bay quá đắt so với bình thường, còn phải đợi một thời gian dài mới may ra tới phiên mình. Rất đông du học sinh, người buôn bán, công nhân phải trở về nước trong thời gian đại dịch bùng phát… Vì thế tình trạng ứ đọng ở phi trường thật khó lường. Nhưng chưa hết, nếu may mắn đi được thì khi về tới phi trường, tất cả mọi người còn phải đóng tiền để bị cách ly hai tuần lễ tại những nơi chốn do nhà nước quản chế nữa! Thế là vô vọng! Đau đớn cho cháu biết dường nào! Đứa con duy nhất chỉ có thể nhìn cha hấp hối qua màn hình điện thoại từ một phương trời xa lắc xa lơ! Sức khoẻ của cháu vốn đã không tốt cho lắm giờ còn phải chịu cảnh nghiệt ngã này nữa, hy vọng cháu có thể vượt qua! Thương tâm quá chừng mà không ai, không cách nào có thể giúp gì được cho cháu!

Ở Saigon, cả hai vợ chồng cũng có anh chị em, bà con nhưng mọi người đều ở xa, nhiều điều bất tiện nên không thể nhờ vả ai được ngoại trừ có một chú thanh niên hàng xóm vốn mang nặng ơn nghĩa của vợ chồng Lập nên đã hết lòng giúp đỡ trong những ngày tháng khó khăn. Chú quả là một người tuyệt vời, hiếm có trong xã hội VN bây giờ. Chú cũng có gia đình, vợ con nhưng đã dốc lòng lo lắng cho cả hai. Những ngày Lập nằm bệnh viện, chú bỏ cả gia đình, bỏ hết công ăn việc làm để ngày đêm loanh quanh với vợ chồng Lập như một đứa con. Chúng tôi bên này nghe biết đều rất ngưỡng mộ tấm lòng đôn hậu của cháu.

Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với chị Tâm để biết tình trạng của Lập. Có nhắn anh em đồng khoá Không Quân hiện còn ở Saigon thay nhau lui tới an ủi, cổ động tinh thần hai bạn mình. Ngoài ra, để tiếp tay giúp chị Tâm những chi phí cần thiết, đại diện khoá, tôi mở sổ yểm trợ và được anh em cả bên khoá 4/69KQ và đơn vị Tinh Long 821 nức lòng đóng góp đúng theo tinh thần “Không Quân không bỏ anh em, không quên bè bạn.” Mẹ và anh em chúng tôi cũng góp một tay để giúp chị Tâm trang trải mọi chi phí cấp thiết.

Bệnh tình của Lập ngày càng trầm trọng. Sau một tuần lễ chạy chữa không hiệu quả, Bác sĩ nói không còn cách nào khác, khuyên đem về nhà chuẩn bị hậu sự! Có lẽ tình huống quá vô vọng nên chị Tâm đành gạt nước chấp nhận. Dự định sáng hôm sau sẽ làm thủ tục đưa Lập về nhà ở Tây Ninh. Vì chị quá đuối sức (mặc dù có cháu thanh niên vẫn loanh quanh giúp đỡ) nhưng sức khoẻ và bệnh tình của chính chị cũng chưa hoàn toàn hồi phục nên lúc khuya tính về nhà nghỉ một lúc đợi sáng lên làm hết thủ tục đưa Lập về. Thế nhưng, Lập đã không thể chờ đợi lâu hơn chút nữa để có cơ hội trở về nhà mình! Cháu gọi báo cho chị lúc chị vừa bước chân vô nhà!!!

Lập nằm xuống để lại lời ước nguyện được hoả thiêu rồi rải tro ra biển sau ngày chung thất. Chị Tâm đã tổ chức một tang lễ trang trọng theo truyền thống Phật Giáo; chúng tôi và bạn bè bên Mỹ được nhìn tang lễ qua màn hình Viber cùng có sự hiện diện của các đồng môn chiến hữu Vũ Hồng Khánh, Lê Tử Lập và Lê Bá Thạnh viếng tang. Dù Saigon lúc này bị cách ly tối đa những các đồng môn cũng đã tìm cách thăm viếng, an ủi chị Tâm trong những ngày tang lễ. Đã 6 tuần qua, chị cư tang và dâng lễ ở chùa. Hôm qua liên lạc chị cho biết tuần này làm chung thất và ngày hôm sau, theo chương trình của chùa, sẽ mang tro cốt ra biển Long Hải làm lễ thuỷ táng theo lời ước nguyện.

* * *

KQ Huỳnh Thành Lập vốn là người ít nói. Đối với nhóm học sinh, sinh viên khoá này phải nói Lập chỉ là ông Phật. Hay cười, ít nói, ít giao tiếp. Tôi không nhớ suốt thời gian quen biết nhau có khi nào Lập to tiếng hơn bình thường về bất cứ vấn đề gì không.

Tôi và Lập quen nhau từ lúc gia nhập Không Quân. Những thanh niên non choẹt còn thơm mùi áo học đường; có đứa còn bị cho là “cái mặt búng ra sữa”. Cùng nhập khoá 4/69SVSQKQ thụ huấn quân sự căn bản ở quân trường Quang Trung, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ. Cùng nhau sống mạnh sống hùng 3 tháng. Xong huấn luyện về trình diện BTLKQ. Cả một lũ lơ bơ trình diện hàng ngày, đạp rạp hết cỏ ở khu nhà ma để chờ nhập khoá giai đoạn hai quân sự ở Nha Trang, chí ít cũng vào Võ Khoa Thủ Đức. Tuy nhiên, chiến tranh càng lúc càng leo thang, nhu cầu tuyển mộ và huấn luyện tăng cao, cả hai quân trường đều kẹt cứng; vì thế, sau một thời gian đạp chết hết khu cỏ hoang ở một ngôi biệt thự bỏ trống trong căn cứ TSN – chúng tôi đặt tên chỗ này là “Khu Nhà Ma” – chúng tôi được cho nhập khoá học sinh ngữ để chuẩn bị đi Mỹ học bay.

Chúng tôi cùng nhập khoá 6919 trường Sinh Ngữ Quân Đội ở Gò Vấp. Toàn giảng viên người Mỹ. Học toàn thời gian, từ sáng đến chiều. Họ dạy chúng tôi ăn nói theo ngôn ngữ, văn hoá, tập quán của họ. Sau thời gian ê a nhiều tháng, chúng tôi cùng dự thi ra trường. Nhờ bà hú nên cả hai chúng tôi cùng nhiều chục anh em khác được qua cầu, cho xuất trại để làm thủ tục chuẩn bị đi Mỹ.

Trạm dừng chân đầu tiên của chương trình huấn luyện là Trường Sinh Ngữ Quân Đội ở căn cứ KQ Lackland AFB, San Antonio, TX để học và thi lại Anh ngữ một khoá 3 tháng nữa. Cũng phải học chí tình, thi chí tử mới vượt qua kỳ thi cuối cùng. Sau đó, chúng tôi được đưa qua trường bay đầu tiên ở kế bên, tên gọi Randolph AFB. Ở đây, ngoài học bay căn bản với phi cơ một cánh quạt – giống như chiếc L19 của chúng ta – chúng tôi còn phải huấn luyện thể lực, địa huấn căn bản… rồi cũng qua sau mấy tháng dài. Ai thi đậu thì tiếp tục khăn gói đi trường bay kế tiếp ở Keesler AFB, tiểu bang Mississippi. Những con nhạn là đà may mắn thì được cho học lại khoá kế tiếp, nếu tệ quá thì khăn gói quả mướp Việt Nam trực chỉ.

Ở Keesler AFB. Chương trình học ở đây rất nặng nề và quá nhiều thử thách. Đây là loại hai cánh quạt (giống như loại Khu trục Skyraider của KQVNCH). Học địa huấn, thời tiết, nhảy dù, thể lực, học bay bằng máy bay giả dưới đất trước khi được đặt chân vào phòng lái, bay lên trời; học bay đường ngắn, đường dài, bay ngày, bay đêm; học bay bằng mắt hoặc học bay bằng phi cụ; bay một mình, bay hợp đoàn… ôi quả là gian lao! Đúng là trầy vi sứt vảy.

Rồi cũng đến lúc ra trường. Khoá rời VN gần 40 chục mạng, tới Lackland, Randolph nhận thêm, mất bớt một số nữa… và tới giai đoạn này, mãn khoá chỉ còn lại 33 mạng. Ai rớt ở trường bay này thường là phải về nước; may mắn theo các ngành Không Phi Hành khác nhưng thường bị đưa vào Thủ Đức huấn luyện giai đoạn hai rồi đi làm lính chiến ở các đơn vị bộ binh.

Khả năng và trình độ bay dĩ nhiên mỗi người mỗi khác, nhưng phần lớn do thầy dạy. Nhiều người Thầy dễ thương, dễ tính giúp học trò vượt qua những khó khăn, gặp ông hách dịch, kỳ thị thì chỉ còn có nước te tua dài dài… nên phải cố gắng tối đa và cầu nguyện. Huỳnh Thành Lập đậu Thủ Khoa! Đậu thủ khoa ngoài việc được tuyên dương còn có ưu tiên chọn bất cứ loại máy bay nào trong tài khoá theo ý thích. Thường các Thầy cũng dự phần vào những chọn lựa của học trò. Khoá chúng tôi chỉ toàn vận tải cơ; có 16 chỗ cho loại vận tải cơ lớn nhất, tối tân nhất của KQVNCH thời đó là C123K, kế tiếp là 4 chỗ Caribou C7, tiếp theo là một số C47, sau cùng là C119G. Nếu theo thứ tự ưu tiên thì 16 người đầu tiên được chọn C123K rồi đến C7… Thế nhưng, Thầy của Huỳnh Thành Lập đã từng bay C7 nên khuyên Lập chọn C7 thay vì C123K. Vì vậy, người thừa hưởng chiếc đáng lẽ của Lập đã là người hạng 17 trong khoá.

Sau lễ mãn khoá, được gắn cánh bay, chúng tôi chia tay, mỗi người đi một trường bay khác nhau để hoàn tất đoạn đường huấn luyện phi công cuối cùng.

Tôi và Lập cùng lũ bạn bè đồng khoá chỉ như những bóng mờ đi bên nhau, học với nhau, nhớ nhà cũng giống nhau nhưng vì áp lực rất lớn nên không ai bảo ai đều phải cố gắng tối đa để vượt qua việc học hành, bay bổng, thi cử… vì rớt bất cứ giai đoạn nào trong thời gian ở Mỹ cũng sẽ là một tai hoạ mà nhiều phần phải ra bộ binh.

Sau khi về nước, dĩ nhiên mỗi đứa phục vụ ở mỗi đơn vị khác nhau. Tôi C123K căn cứ ở Saigon, Lập C7 phải ra Phù Cát. Cho tới một ngày của năm 1974, tôi đổi sang bay loại AC119K ở phi đoàn Tinh Long 821 – loại vận tải tác chiến đêm tối tân nhất với hoả lực hùng hậu nhất – thì Lập về nhập đàn từ Phù Cát; nghe đâu có sự thuyên chuyển, hoán đổi đặc biệt nào đó. Trong KQ, chuyện thay đổi như vậy không phải là hiếm nên mọi sự, mọi người cũng chỉ lo cho xong nhiệm vụ của mình mỗi ngày; xong việc là chuồn ra phố… sống từng ngày một, không thấy ai bận tâm, thắc mắc gì về tương lai của mình. Nếu thân thiết nhau thì có dịp đàn đúm với nhau, không thân thì phần ai nấy lo mà không chút bận tâm.

Và rồi, đến cái ngày đen tối, chúng tôi bặt tin nhau! Tôi chạy khỏi Saigon và Lập… chậm chân nên ở lại. Nghe đâu cũng bị tù đày dưới 5 năm. Khi ra tù sống âm thầm, lây lất với vợ và con gái. Tôi không rõ lắm vì lý do gì Lập không qua Mỹ theo chương trình H.O.

Rồi đến một ngày, Lập liên lạc với tôi. Không biết ai cho chi tiết. Lập cho biết là con gái có chồng bên Mỹ nên bảo lãnh vợ chồng Lập qua New Orleans, tiểu bang Louisiana, nhưng thấy buồn chán quá nên vợ chồng quyết định trở về lại sống ở Tây Ninh. Tôi quạu, tôi cằn nhằn, “Cả nước VN không ai mà không muốn được qua Mỹ khi bồ đã qua đến Mỹ lại trở về!? Sống ở một xã hội tự do, nhân bản nhân quyền được tôn trọng, một xứ sở giàu có, văn minh tân tiến đầy tình người, nhiều cơ hội mà không biết quý trọng lại muốn sống cuộc sống đầy khó khăn!” Lập chỉ cười nói là vợ chồng sống ở Tây Ninh cũng tạm ổn, có việc làm đàng hoàng, không phải nhờ cậy ai trong khi sống đời sống ở Mỹ bị lệ thuộc con cái nhiều quá, ngôn ngữ sau hơn 30 năm phải bập bẹ trở lại, tìm việc làm đâu phải dễ dàng, bạn bè xa cách thấy lạc lỏng quá chừng; lại qua muộn màng, thua kém tất cả mọi mặt nên trong người lúc nào cũng thấy bất an. Tôi thầm nghĩ, có lẽ Lập nói rất hữu lý nên cũng đành ừ hử buồn bã.

Một thời gian sau Lập lại liên lạc với tôi, hỏi ý kiến tôi là có nên qua Mỹ sống không? Dĩ nhiên là tôi rất vui, khuyến khích tối đa, tìm cách thuyết phục để vợ chồng Lập yên tâm qua Mỹ. Tôi đề nghị khi trở qua, nói với vợ chồng con gái dọn về Houston vì ở đây có tôi và nhiều bạn bè cùng khoá, có nhiều chiến hữu Tinh Long và đời sống không quá đắt đỏ, dễ tìm việc, nhà cửa giá rẻ, thuê mướn dễ dàng, ít nhất tôi cùng một số bạn bè sẽ tìm cách giúp đỡ hết mình…

Chị Tâm ở với Mẹ tôi rất hợp tính tình nên Cụ rất thương mến chị; lại nữa, chị Tâm là thứ 6 trong gia đình của chị. Tuổi của chị cũng bằng tuổi cô em của tôi cũng thứ 6 đã mất từ hồi còn bé. Tính tình chị thuần hậu, chăm sóc cho Mẹ tôi tuyệt vời quá khiến Mẹ nghĩ chị là hiện thân của cô em đã mất. Chúng tôi, tất cả anh chị em, các cháu ai cũng quý mến chị Tâm, xem chị như một phần của gia đình không thể thiếu. Lâu lâu cuối tuần Lập đưa chị Tâm về nhà Mẹ, cùng tất cả anh chị em họp mặt ăn uống, sinh hoạt vui vẻ. Lập vốn nhát gan, cái gì cũng sợ nên kỵ luôn lái xe xa lộ. Mỗi lần lái từ nhà ở xuống nhà mẹ tôi là một điều không dễ cho Lập. Chạy lòng vòng những con đường bên trong thành phố chứ không bao giờ dùng xa lộ. Có lần tôi đề nghị để tôi huấn luyện chạy xa lộ nhưng Lập nhất định… không cần. Bao nhiêu lần cả đại gia đình tôi đều ao ước phải chi chỗ làm của Lập gần nhà Mẹ thì hoàn hảo biết mấy, mà đổi chỗ làm Lập cũng không đành vì vợ chồng chiến hữu Tinh Long rất quý mến Lập, họ đã tìm cho Lập chỗ ở mới rất gần chỗ làm hơn rồi một thời gian sau cho vợ chồng Lập thuê luôn một phòng của căn nhà thờ với giá cả tượng trưng.

Lúc này vợ chồng con gái đã dọn về Cali ở chung với gia đình anh chồng và có công việc làm vững chãi cho cả hai. Dù vợ chồng chỉ có đứa con duy nhất nhưng khi kiểm điểm lại hoàn cảnh chung thì hai vợ chồng cũng nghĩ đó là chọn lựa tốt cho mọi người nên bằng lòng chia tay.

Đời sống đang êm đềm bỗng dưng chị Tâm đổ bệnh. Chị phải ở nhà, chạy chữa lung tung nhưng không có kết quả khả quan và bạn bè cũng không thể giúp đỡ gì được. Lập vẫn ngày ngày đi làm… Có lẽ vì thấy tình cảnh Ba Mẹ khó khăn nên con gái giục về ở chung với chúng nó, lại được chính quyền tiểu bang phụ cấp chi phí ý tế dễ dàng hơn nhiều. Và có lẽ đó là chọn lựa duy nhất khả thi. Mẹ và chúng tôi cũng đành gạt nước mắt chia tay…

Tháng 12/2019, chị gọi báo, Lập sẽ đưa chị về VN chữa bệnh. Sau Tết mọi người vui mừng biết được bệnh tình chị đã thuyên giảm khả quan và chuẩn bị trở lại Mỹ. Thế nhưng, dịch cúm Tầu gây chết người đang hoành hành nên phải chờ đợi… rồi tin xấu bỗng đổ ập xuống mọi người!

Khi được tin dữ, anh em chúng tôi cố giấu Mẹ nhưng rồi dần dà Mẹ tôi cũng biết. Tội nghiệp bà Cụ buồn bã quá đỗi, thương cho chị Tâm côi cút một mình. Hối thúc chúng tôi hết lòng giúp đỡ và an ủi chị.

Chúng tôi vẫn liên lạc thăm hỏi và biết rằng chị Tâm sẽ ở lại VN. Chị Tâm nói một đời thăng trầm, vui khổ vẫn có nhau bỗng nhiên lẻ bạn, chị quyết định không trở lại Mỹ nữa để sớm hôm thờ cúng Lập cho trọn nghĩa vợ chồng. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyên giải chị, khi nào thu xếp hết những công việc cần thiết, dịch bệnh có chủng ngừa thì chị trở qua thăm con, thăm chúng tôi. Chị trả lời dù rất thương nhớ Mẹ nhưng chắc có lẽ không muốn qua nữa. Trong hoàn cảnh hiện tại và do tấm lòng thuỷ chung của chị dành cho Lập, chúng tôi tôn trọng, chỉ có thể giữ liên lạc để an ủi chị mà thôi. Hy vọng sau này, khi sức khoẻ của chị hoàn toàn bình phục, khi niềm đau lắng xuống nguôi ngoai, chị có thể thay đổi để trở về Mỹ để mẹ con trùng phùng, khuya sớm có nhau.

* * *

Thế là đã qua một đời người; thêm một thằng bạn sinh tử nữa đã vĩnh biệt anh em đi về một cõi sống khác! Bạn ra đi để lại bao thương tiếc cho người thân và bạn bè. Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến Lập; cầu xin linh hồn bạn được đời đời yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Chỉ thương cho chị Tâm một thân trơ trọi một nơi, đứa con gái rượu bơ vơ một ngả. Tội nghiệp cháu, cha nằm xuống mà không thể về bên mẹ trong lúc tang lễ; không nhìn được mặt cha lần cuối cùng! Chắc là không còn gì đau đớn hơn cho cả mẹ lẫn con… dẫu biết số phận con người bao giờ cũng nghiệt ngã nhiều hơn hạnh phúc.

Houston, ngày 15/9/2020


« TRANG NHÀ »