Tựa – Phê Bình & Giới Thiệu

ngày 1.07.20



HẠNH PHÚC KHÔNG XA
Nguyễn Xuân Đấu

Tôi quen biết anh Yên Sơn đã rất lâu, trong hoạt động xã hội cũng như trên văn đàn. Rất vui được anh tín nhiệm cho đọc bản thảo và yêu cầu viết cho anh lời Tựa, lời giới thiệu cho tập sách này. Tôi vẫn ao ước một ngày có hơn 24 tiếng để thành toàn bao nhiêu công việc cần kiếp; dù vậy, tôi đã không thể đành lòng từ chối với anh.

Tác phẩm “Hạnh phúc không xa” gồm 38 tự truyện được ấn hành nay mai, có lẽ theo ý của nhà văn Yên Sơn là để nối tiếp và bổ túc Tuyển tập truyện ngắn “Mưa nắng bên đời” xuất bản một vài năm trước cho trọn vẹn cái “Đạo” mà anh muốn dùng văn chương trong hai tác phẩm này để chuyên chở theo quan niệm của “Văn dĩ tải đạo” (văn chở đạo), “Văn dĩ minh đạo” (Văn làm sáng tỏ đạo), Văn dĩ quán đạo (Văn để quán thông đạo), hoặc Văn dĩ hoàng đạo (Văn để mở rộng đạo) của các văn nhân thời trung và cận đại. “Đạo” ở đây, theo tôi, có lẽ là đạo đức, lễ giáo, cương thường của những nhân sĩ thấm nhuần phần nào tư tưởng của nho gia, mà cụ thể hóa theo ánh nhìn của người Việt Nam chúng ta là đạo hiếu với cha mẹ, đạo trung với đất nước, đạo yêu thương và tương thân tương ái với gia đình, anh em, bè bạn, v.v…, biểu lộ rất rõ trong các tự truyện của cả hai tác phẩm của anh. Nói tóm lại, “Đạo” ở đây mang tính thế tục, trình bày những phương thức ứng xử trong các mối quan hệ xã hội và gia đình, chứ không mang tính chất triết học như “nhất âm nhất dương chi vị đạo” (một âm một dương gọi là đạo) của Kinh Dịch, hay “phản giả, động chi đạo dã” (quay trở lại chỗ cũ là đạo của sự vận động, còn gọi là phương thức “Phản phục”) của Lão tử. Có thể nó cũng có phần nào tính chất triết học này trong những câu chuyện được anh Yên Sơn thuật lại bằng giọng văn hết sức trong sáng, lúc buồn thì thật là buồn, khi vui, nhất là khi bù khú với bạn bè, thì tếu thật là tếu.

Trong tác phẩm “Mưa nắng bên đời”, bên cạnh những hiện thực của cuộc sống đầy rẫy nụ cười và nước mắt, còn có những giấc mơ như thật đến độ chính tác giả khi sực tỉnh còn mang tâm trạng của Trang Tử trong giấc mộng Hồ Điệp, không biết phải mình nằm mộng thấy hóa bướm hay bướm mộng thấy hóa thành mình. Anh đã phải nhiều lần sờ người mình, véo da thịt mình thấy đau mới tin mình không phải con bướm hóa thành.

Khi nhà họa sĩ theo trường phái lập thể Picasso bày tỏ: “tôi vẽ cái mà tôi thấy, không vẽ cái mà người khác thấy” thì văn chương đã cất tiếng mạnh mẽ về việc nó không mô phỏng hiện thực một cách máy móc, mà xác định hiện thực của nó là hiện thực bên trong, là trí tưởng tượng vô biên của con người. Thật vậy, Hàn Mặc Tử đã từng kêu lên, “chiêm bao là hiện thực, bạn có thấy hai dòng nước mắt của tôi hay không. Đó là những giọt nước mắt chảy từ chiêm bao; vậy sao lại bảo chiêm bao không thực.” Shakespeare từng nói: “Không có gì là tốt hoặc xấu, chỉ do suy nghĩ biến nó ra như thế”. Câu này nếu được ông nói thêm rằng: “Không có gì là thực hoặc không thực, chỉ do suy nghĩ biến nó ra như thế” thì ông sẽ từ một nhà đại văn hào bước sang lĩnh vực triết học và đạo học để trở thành một triết gia và đạo gia ngay. Descartes nói: “Je pense donc je suis” (I think, therefore I am: Tôi suy tưởng tức là tôi hiện hữu).

Song Taisen Deshimaru, Thiền sư Tông Tào Động Nhật Bản hoằng pháp bên Âu Châu, lại nói: “Descartes nói: Tôi suy nghĩ, do đó tôi hiện hữu. Tôi nói: Tôi không suy nghĩ, đó là lý do tôi hiện hữu”. Vậy ai đúng ai sai đây? Khó mà trả lời, trừ phi chúng ta “hành thâm” và “thấu triệt” được câu: “Nhứt thiết duy tâm tạo”, hay “vạn pháp duy tâm tạo” tức “mọi sự vật, hiện tượng đều do tâm tạo thành”, thì mới thấy lời của thiền sư Taisen Deshimaru là đúng, vì mọi sự vật và hiện tượng, gọi chung là “vạn pháp” theo danh từ nhà Phật đều do duyên khởi mà thành, nên đều là ảo giác cả, ngay cả khi chủ thể là mình. Đó là lý do Đức Phật cũng nói: “Khi ta thấy rằng mọi sự hiện hữu đều là ảo giác thì lúc đó ta có thể sống trong một cảnh giới cao hơn những người bình thường”. Cho nên, có người tự hỏi phải chăng những giấc mơ như giấc mơ của anh Yên Sơn, những vùng tối siêu hình, những chân trời thật lạ, là những thứ được coi là hiện thực mà văn thi sĩ đã du hành, mang về dâng tặng loài người… qua các tác phẩm văn chương và thi phú của họ. Trong thế giới “nhị nguyên”, tôi nghĩ là đúng vì anh Yên Sơn đã rơi nhiều nước mắt cho những giấc mơ này.

Còn tác phẩm “Hạnh phúc không xa” thì hoàn toàn vắng bóng những giấc mơ kiểu chiêm bao của thi sĩ Hàn Mặc Tử, mà chứa đựng những chuyện xảy ra trong đời sống chẳng những rất thú vị mà còn mang đến cho tác giả niềm hạnh phúc triền miên dù những chuyện xảy ra đó có khi cũng gây nên phiền não như chuyện “Trộm viếng nhà”, chuyện “Một ngày Thứ Sáu đáng nhớ” theo kiểu “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, v.v… Đọc mấy chuyện này, chúng ta nếu chưa “thấm đòn” ý nghĩa câu: “Phúc trung hữu họa, họa trung hữu phước” (trong may có rủi, trong rủi có may” theo kiểu “Tái ông thất mã” (Tái ông mất ngựa) thì đây là dịp để chúng ta “quán chiếu” và “hành thâm” cái “Đạo” về “âm, dương” anh Yên Sơn ngầm đưa ra cho chúng ta “thâm nhập”.

Mở đầu tác phẩm “Hạnh phúc không xa” là bài “Mẹ tôi. Người Mẹ thế kỷ”. Người mẹ tuổi thật chỉ mới 96 hơn, nhưng giấy tờ thì đã 101 là vì… sau “khi VC chiếm miền Nam, chúng lấy lý do Ba Mẹ có con là “nguỵ” và “giặc lái”, nặng tội với nhân dân nên cướp hết đất đai, ruộng vườn, tài sản mà Ba Mẹ đã tốn biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt cả đời xây dựng; chỉ chừa cho 4 sào vườn, nơi lũ anh chị em 9 người được nuôi dưỡng lớn lên…” Biến cố này đã đẩy gia đình anh Yên Sơn vào Biên Hòa và mẹ anh “… quyết định giấu biến luôn lai lịch, lấy năm sinh của Ba Yên Sơn làm năm sinh của mình để tránh cưỡng bách lao động.” Như vậy nếu ba anh Yên Sơn không qua đời năm 1989 lúc đang chuẩn bị lên đường sang Mỹ và bây giờ vẫn còn sống thì chúng ta đã có bài “Cha tôi. Người cha Thế Kỷ” rồi. Tháng 8 năm 1991, mẹ anh Yên Sơn sang Hoa Kỳ cùng hai con nhỏ là chú 9 và cô 10, thắt ruột để lại hai con lớn bên Việt Nam. Qua đây cụ vẫn thích ăn trầu, phấn đấu học tiếng Anh tuy không thích lắm, và nổi tiếng vì chỉ thi một keo là trở thành công dân Mỹ liền. Qua Mỹ lúc tuổi đời mới 66, giờ cụ đã 96 rồi. Thời gian qua mau thật. Với tuổi này mà cụ vẫn còn sáng suốt chắc là nhờ chép kinh Phật và niệm Phật hàng ngày ngoài việc chăm sóc vườn rau và chơi với cháu. Bài viết này anh Yên Sơn viết vào tháng 1 năm 2017, bây giờ đã hơn 3 năm rồi, không chừng cụ sắp thành bà mẹ Thế Kỷ thật đấy! Hèn chi anh cứ hối tôi viết lời tựa cho lẹ có lẽ để kịp xuất bản vào dịp sinh nhật 100 tuổi của cụ. Tôi đoán vậy.

Bên cạnh bà mẹ thế kỷ của anh Yên Sơn, tôi còn phát hiện thêm một bà mẹ khác nữa, tuổi còn nhỏ, mới ba con chứ chưa có tới 9 con như mẹ của anh, đang còn ở hàng “Đô Thị” chứ chưa được liệt vào hàng “Xếp Nhớn” theo ngôn ngữ của anh, nhưng tâm hồn thật tuyệt vời, rất xứng đáng được tôn vinh cùng với người mẹ thế kỷ của anh. Người đó chẳng những là người mẹ, người vợ tuyệt vời, mà còn là nàng dâu rất hiếu hạnh nữa; như trong câu chuyện này:

“…Đi được khoảng 50 dặm, nhà tôi bỗng lên tiếng: “– Anh à, hôm nay là ngày đầu năm, Mẹ đang nằm bệnh viện, còn con trai ở nhà một mình mà mình chạy đi chơi, lại tính đi hai ngày nữa, em thấy sao sao đó, không vui trong lòng”. “– Anh vừa ở với Mẹ đêm Thứ Sáu, đã phân công cho các em rồi, mai về anh xuống đổi cho các em, không sao đâu.” “– Bắt các em coi Mẹ mà mình làm anh chị lớn lại đi chơi, khó coi quá anh à!” Tôi muốn nổi quạu: “– Mình đã tính như vậy mấy hôm nay rồi mà?” “– Tính rồi nhưng đâu nhất thiết phải làm trong hoàn cảnh này; hơn nữa mùa này hoa lá, cây cỏ điêu tàn hết, đâu có gì đẹp mà xem; còn chưa nói ngày Mồng Một đầu năm có thể nhiều nơi không mở cửa nữa!” “– Thì đi một vòng chiều về cũng được.” Tôi cố vớt vát. “– Nhưng hôm nay con nghỉ, bỏ nó ở nhà một mình không đành. Anh coi, nó làm ban đêm. Khi nó đi em không có ở nhà, khi nó về mình đã ngủ. Lâu rồi em không có nhiều thì giờ với con; hôm nay lại là ngày mồng một nó được nghỉ làm nữa!” “– Sao em không nói trước!” Tôi khó chịu, lớn tiếng. “– Cũng tính đi với anh một vòng cho vui nhưng bây giờ nghĩ lại thấy không ổn chút nào!” Mặc dù nàng nói đúng nhưng sao tôi quạu quá, tôi lớn tiếng hơn: “– Thôi quay về đi!

Có lẽ tác giả Yên Sơn cũng nhìn thấu tâm cang hiền thục và hiếu thảo của “bà Đô Thị”, nên sau khi cảm tạ Phật trời đã gìn giữ, bảo bọc cho Mẹ mình đến ngày nay và cảm tạ cuộc đời đã ban cho gia đình mình một người Mẹ đặc biệt, tuyệt vời như vậy, anh cũng có vài lời cám ơn nàng một cách trân trọng như vầy …. “Đối với gia đình, nàng là một người vợ hiền, dâu thảo; một người mẹ, người chị dâu mẫu mực, sống hết lòng với đại gia đình tôi; nhất là tình thương yêu Mẹ tôi dường như không thua kém một đứa con nào của Mẹ. Đối với xã hội, nàng luôn hỗ trợ tất cả việc công ích tôi cố gắng làm, kể cả việc cùng tôi tranh đấu trên văn đàn quốc tế trong những lần tôi được công cử đi tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế thường niên. Đối với bạn bè, nàng bao giờ cũng hết lòng, chân tình, hiểu biết, và chia sẻ. Xin cảm tạ ơn đời đã cho tôi được sinh ra và sống gần bên những tấm lòng đàn bà nhân ái, tuyệt vời.

Tác phẩm tiếp tục với “Một thời cắp sách”, thuật lại những kỷ niệm vui buồn khi học ở Long Khánh với các nàng như Hồng Châu, nàng Suối Tre, cùng cô hàng xóm tặng chàng trái sầu riêng thơm phức, và em gái người bạn học cùng trường tặng chiếc khăn tay trắng, viền xanh đỏ, ở một góc có thêu dãy núi màu xanh rêu, trên dãy núi có đôi chim yến bay bên nhau về hướng mặt trời đang mọc. Không ngờ chiếc mouchoir có thêu đôi chim yến đó lại gắn liền với bút hiệu của Yên Sơn theo lời anh thuật lại trong bài “Những nhánh rong xanh trong dòng sông tuổi nhỏ”: …“Cũng vì sự tích này mới nảy sanh ra một bút hiệu mà theo thời gian mất đi dấu sắc (vì có người phê bình chữ “Yến” nghe yếu xìu)

Rồi sang “Tản mạn chuyện buồn vui”, anh thuật chuyện mở trường dạy võ ban chiều, ban ngày làm substitute teacher, sau khi bị cho thôi việc ở công ty điện toán HP. Không vui với nghề dạy lắm, anh tâm sự: “Dạy các lớp 6, lớp 8 còn có uy nhưng gặp những lớp 11, 12 ở khu trường nhiều Mỹ đen và Mễ thì nản ơi là nản! Nhất là sau khi trường Trung học Westfield mướn tôi dạy toàn thời gian, vào chính ngạch… mới thật sự biết vàng đá sau 4 năm dài dạy từ lớp 10 đến lớp 12.” Đang chán với nghề gõ đầu trẻ “nhớn”, nhân cơn bão tới, anh đã chuyển qua làm thiện nguyện giúp nạn nhân trải qua hai cơn bão Katrina và Rita. Rồi chuyện nghe tin con đi lính bị thương trong lúc tập luyện khiến anh lo; chuyện vợ anh về Việt Nam cùng với mẹ nhưng đi hai chuyến bay và ngày giờ khởi hành khác nhau, gây niềm thương nỗi nhớ cho anh đồng thời khiến anh nhận ra sự cần thiết của người bạn đời khi con cái đã lớn khôn, chắp cánh bay xa.

Tới chuyện “Chào đón Hạ Vy”, anh thuật lại chuyện cháu ngoại đầu tiên ra đời trong cơn bão Harvey một cách sống động và cảm động. Anh muốn đặt tên đứa cháu là “Hạ Vy” để kỷ niệm cháu sanh trong cơn bão Harvey, song cuối cùng cháu lại mang tên khác, là tên rất đẹp, âm đọc nghe như “I love you” qua mẩu đối thoại rất dễ thương này: “…Không được đâu Ba! Harvey là tên con trai, lại là con bão cấp 4 tàn phá nhiều quá! Chúng con có tên cho nó rồi. Tên Vũ Hương Ellington. Gọi tắt là “Ellie Vu”, nghe như “I love you”.

Mấy hôm trước con gái có hỏi tôi nghĩ giùm cho cháu bé cái tên Việt nào hay, kèm theo chữ Hương, tên của con nó. Cái tên có chút thơ nhạc thanh nhã… Tôi đề nghị cho nó một lô luôn; nào là: Hương An, Hương Bình, Hương Lan, Hương Thơ, Hương Thu, Hương Trà. Vậy mà nó không chịu tên nào hết. Bây giờ “sáng kiến” ra được một tên hay, lại có ý nghĩa nữa… vẫn không chịu. Tôi cố vớt vát:
– Ba nói Hạ-Vy mà! Hạ-Vy là tên con gái, vừa đẹp vừa sang. Con không chịu thì ông bà ngoại cũng sẽ cho nó tên gọi sau này để nó nhớ kỷ niệm ngày sanh của nó.
– Ba à, Ellie Vu sounds like Iloveyou hay hơn nhiều.

Nó gửi cái mặt cười cùng với tin nhắn. Tôi nhẩm đi nhẩm lại, “Ellie Vu, Iloveyou, Ellie Vu, Iloveyou” nghe cũng rất hay, rất hữu lý… nhưng sao tôi vẫn thương cái tên Hạ-Vy quá chừng!

Sang chuyện “Mưa tháng Bảy”, anh có nhiều suy tư đủ mọi thứ chuyện, trong đó có chuyện… “Tôi trồng bụi phù dung ở góc nhà để xe mà bất cứ lúc nào ra vô, đi về đều nằm trong tầm mắt như là một ngẫu nhiên tình cờ nhắc nhở, ‘Đời sống con người có khác chi những đóa phù dung!’ Không, không phải tôi bi quan mà là chấp nhận cái lẽ sắc không của đời người, dù nhiệt huyết trong tôi vẫn chảy, ý chí phấn đấu trong tôi vẫn còn… tôi vẫn cố gắng tiếp tục làm được những việc ích lợi có thể làm để đời sống còn có ý nghĩa hơn.” Nhận thức được “Đời sống con người có khác chi những đóa phù dung” sớm nở tối tàn là đã nhận ra bản chất thực sự của cuộc đời, hay nói rộng ra của vạn pháp, đều do duyên mà sinh khởi, được kết hợp bởi các yếu tố khác nhau trong cõi “Ta Bà” này, chứ thực tánh không có, nghĩa là hư ảo. Yên Sơn hôm nay khác với Yên Sơn hôm qua, hay nói một cách chi li hơn, Yên Sơn của giây phút này khác với Yên Sơn của giây phút trước. Cũng như, “Chúng ta không thể bước vào cùng một dòng sông hai lần” hay “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus. Nếu nhận thức này cứ tiếp tục huân tập vào “A Lại Da Thức” (thức thứ tám), từng sát-na thì chủng tử của nhận thức đó sẽ giúp chúng ta chứng ngộ được lý vô thường thực sự của vạn pháp, chứ không phải chỉ là chữ nghĩa hiểu suông.

Nhận thức tiếp theo của anh: “Không phải tôi bi quan mà là chấp nhận cái lẽ sắc không của đời người” nhuốm mùi Phật giáo, và phải có trí tuệ Bát nhã mới hiểu được hai chữ “sắc không” nhắc đến trong bài Bát Nhã Tâm Kinh qua câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc” tức “Sắc không khác với Không và Không cũng không khác với Sắc. Sắc chính là Không và Không cũng chính là Sắc”, làm tôi phục anh quá.

Anh Yên Sơn đã hiểu rất rõ hai chữ “sắc không” và trải nghiệm với nó trong suốt mấy chục năm qua mới dám lên tiếng “chấp nhận” nó; nhờ vậy anh mới an tâm và thanh thản với những chuyện vật đổi sao dời xảy ra trong cuộc đời của anh cùng người thân mà có được hạnh phúc quanh mình như lời một triết gia nào đã nói: “Mình đi ngang một dòng sông, dù mình không có ý tìm lấy gió mát, nhưng lòng cũng tự nhiên thấy vui vẻ dễ chịu nhờ làn gió thổi qua.”

Trong phần “Ký ức”, chuyện cô Lan, với mối tình vụng dại được anh nhắc lại qua mấy câu: “…Mối tình cảm thơ ngây đó đã theo tôi suốt một quãng đời ấu thơ cho dù những tất bật của đời sống mới có làm cho đầu óc tôi què quặt. Qua bao nhiêu thăng trầm với cuộc sống, tôi và nó không còn dịp nào để gặp lại nhau. Lời hẹn ước trở về thăm không bao giờ có thể thực hiện được dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ nghĩ về nó.” Không nhớ sao được khi mà… “Bàn tay tôi run run thọc sâu vào lưng áo… ôi da thịt con gái mát rượi chuyền hơi lạnh vào tận tim tôi! Thật tình tôi không biết đốt thứ sáu nằm ở đâu, mà ai dạy cho nó phải bóp đốt thứ sáu? Vì thế, tôi cứ bóp tới bóp lui vớ vẩn mà sao nó cũng nằm im re không rên như trước nữa. Tôi cảm nhận nó cũng đang run như tôi. Đó là lần đầu tiên lòng tôi biết rạo rực, rung động! Cứ thế, cả hai im lặng được một lúc khá lâu tôi tiếc nuối lấy tay ra, hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh, rồi không ai nói với ai thêm một lời nào nữa, nó có vẻ bẽn lẽn còn tôi thì bối rối…

Đọc đoạn văn này tôi nhập vai anh lúc nào không hay, lòng cũng thấy rạo rực cộng thêm trí tưởng tượng đi xa thêm như hồi còn trẻ. Chuyện tình lãng mạn này tưởng không bao giờ được nhắc lại, nếu không có chuyện … “Đầu thập niên 1990’s tôi có việc gia đình cần kíp nên phải trở lại Việt Nam. …Tôi về thăm căn nhà ngày thơ ấu bây giờ gia đình Chú Út của tôi đang ở, trực nhớ đến… “con” Lan con ông Sáu Hòe hàng xóm cũ.”. Rồi tình cũ không rủ cũng tới… “Tôi đang dùng cơm chiều với gia đình Chú thì Bé Nga, con của Hạnh vào cho biết là “Dì Lan” con ông Sáu Hòe vừa tới cửa nhà xong quẹo xe chạy đi. Quẹo gấp quá bị té trầy cả chân nhưng cũng lính quýnh lên xe phóng mất rồi! Hỏi ra mới biết là các em đã âm thầm báo tin cho Lan… Thật bất ngờ làm tôi vừa bối rối vừa hồi hộp! Sau bữa cơm, tôi đi với Hạnh đến nhà Lan.” Và… “Hạnh bước vào phòng thăm Lan, tôi dợm bước theo bị Hạnh ra dấu chặn lại. Một lát sau Hạnh trở ra biểu tôi cùng đi về. Dọc đường Hạnh nói với tôi, “Chị Lan nói biết tin anh về mừng lắm, tính chạy tới thăm nhưng bây giờ thì không muốn gặp anh nữa. Chị Lan nói sợ anh thất vọng khi nhìn thấy chị; chị nói anh cứ giữ những hình ảnh tốt đẹp trong lòng là đủ rồi!” Dĩ nhiên là anh đâu dễ dàng chấp nhận lời từ chối gặp mặt của Lan, nên… “Lòng tôi bồi hồi thương cảm, nói với Hạnh là tôi muốn gặp lại thăm chị Lan và gia đình. Hạnh nói, ‘Em đã năn nỉ chị Lan giùm anh rồi nhưng chị đã cương quyết không muốn gặp anh.’ Tôi không thể làm liều nên đành chấp nhận dù trong lòng bứt rứt cả đêm dài.”

Tôi chẳng những bồi hồi thương cảm như anh Yên Sơn, mà còn vô vàn cảm phục hành động của Lan nữa. Ai biểu ngày xưa khi “nó tuyên án rằng tha” chuyện anh tinh nghịch làm rách áo dài nó, anh lại “mừng quá ôm chầm lấy nó, chưa kịp nói chữ cám ơn, nó la bài hãi đẩy tôi ra rồi chạy biến dạng về nhà” để sau đó trong trò chơi cút bắt, anh lại để “Nó nắm tay tôi kéo ghịt, moi cây rơm chui vào, lấy rơm che kín mít. Chúng tôi nằm im thin thít, hồi hộp một lúc khá lâu nhưng không nghe động tĩnh gì hết, tôi nghĩ hai đứa kia chịu thua rồi nên tính chui ra, nó kéo lại và ôm ghì tôi không nhúc nhích được. Trong khoảnh khắc thảng thốt đó nó hôn vội lên môi tôi ướt nhẹp rồi chạy tuốt tìm hai đứa kia bắt cõng trên lưng…” làm nhen nhúm lửa tình trong nó, nhất là “hôm tiễn anh lên đường” vào Nam theo gia đình, …“Trong lúc người lớn bận rộn hành trang, nó đến bên tôi với đôi mắt đầy lệ, mếu máo dặn dò xong ôm vội tôi thật chặt rồi chạy mất. Khi xe lăn bánh tôi dõi mắt tìm, thấy nó lấp ló đứng ở góc nhà khóc sướt mướt vẫy tay từ biệt.” Thú thật đọc hồi tưởng của anh đến đây, tôi bị xúc động với cảnh chia tay của cô Lan này với anh hơn cả cảnh chia tay của cô Lan và Ngọc trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng nữa. Tôi chắc ai đọc đến phần này trong tập truyện “Hạnh phúc không xa” của anh cũng có nhiều xúc động như tôi. Văn phong của anh làm xao xuyến lòng người đọc!

Qua phần “Tham dự ra mắt sách” giới thiệu tác phẩm thứ 17 “Đường Vào Văn Chương” của nhà văn Đặng Phùng Quân, cựu Giáo Sư Đại Học Văn Khoa Saigon, và cũng là thầy cũ của anh Yên Sơn giữa thập niên 1960’s. Sau phần chúc mừng Thầy, anh nói, “Dạ thưa thầy, ngày xưa thầy nói em là học trò tâm đắc của thầy vì khi thầy hỏi cảm nghĩ của em sau khi đọc bài viết của thầy, em đã trả lời em chỉ thấy lơ tơ mơ và không chắc mình hiểu tới đâu, thầy đã gật gù khen ngợi, ‘Triết lý là như vậy, là vô biên cương, nó lãng đãng, bàng bạc trong ta; nó có thể mông mênh mà cũng có thể rất đơn giản, vì nếu dễ hiểu thì không còn là triết lý.

Theo tôi, triết lý thiên hình vạn trạng, khó tìm ra định nghĩa chính xác. Cái gì cũng có thể có triết lý của nó, miễn là ta có óc hoài nghi, dám đặt vấn đề và dám suy luận. Vì vậy, theo Karl Jaspers, nếu muốn triết lý, một là ta phải biết hoài nghi và phải hoài nghi đến cùng. Hai là phải tìm ra được một căn bản đích xác tuyệt đối, bất kháng như câu: “Tôi suy tư, tức là tôi hiện hữu”, tức là “tôi có” của Descartes nói ở phần đầu, được coi là căn bản bất kháng, tức không ai phủ nhận được. Ông tìm ra điều bất kháng: “Je pense donc je suis” đó khi ông khám phá thấy rằng: mọi cái khác đáng phải hoài nghi, chứ không chắc có thật.

Trong tiểu luận này cho thấy, Yên Sơn là một người ngay thẳng, thành thực khi anh thú nhận ngâm bài thơ “Như Sóng Vỗ Bờ” của chính mình mà cũng quên 4 câu cuối. Theo tôi, thì dù anh có quên “Rồi mốt rồi mai đời khô cạn, Phó mặc trần ai thảng thốt cười, em ở cuối trời mây lãng đãng, tôi chuyển luân hồi cũng thế thôi” thì “sóng vẫn vỗ bờ”, muôn đời vẫn vỗ mà. Anh cứ chấm dứt tự nhiên cũng đâu ai biết anh quên chỗ nào! Chỉ góp ý cho vui thôi!

Đến phần “Tháng Tám theo em trở lại trường”, mấy đoạn thơ trích từ bài thơ cũ mà anh sáng tác để làm duyên cho những ngày tháng ở sân trường, hay quá, đẹp quá, nhẹ nhàng quá, và lãng mạng quá trong từng chữ từng lời, nhất là câu” “Guốc gỗ reo vui gõ mặt đường”. Cũng trong phần này, tôi mới thấy anh nhắc đến Thu Dung, người yêu sắp thành vợ anh nhưng phải chia ly và thành vợ người khác vì hoàn cảnh tuy lòng vẫn còn thương yêu anh bởi biến cố 30 tháng 4 anh thuật lại trong “Mưa Nắng Bên Đời”. Điều anh nhắc đến là một kỷ niệm ngọt ngào, “Lần đầu anh ghé môi hôn” trong một con hẻm tối trước khi chia tay với nàng sau một lần lén hò hẹn. Nụ hôn đó đã làm nàng ngả khuỵu trong vòng tay tôi với tiếng “anh…” thảng thốt nhẹ như hơi thở qua làn môi son hồng cũng đã làm tôi tê điếng”, và rồi chua xót, “…Đã hơn 40 năm qua, người tình giờ cũng xa biệt mù trong dĩ vãng sao kỷ niệm cứ len lén trở về làm tâm tư bâng khuâng, lòng những bồi hồi, con tim xao xuyến…

Phần “Hạnh phúc lang thang” của anh cũng đặc biệt, ngoài việc thuật chuyện được vợ chồng ông hàng xóm tốt bụng người Mỹ cho mượn chứ nhất định không bán hai xe đạp “siêu sang” đắt tiền, và chuyện “surprise” thằng lính, tức con trai lớn của anh từng đi lính, khi bất ngờ hai vợ chồng cùng con gái ghé quán ăn của nó làm Quản lý, tôi còn khám phá thêm nhiều chuyện thú vị khác nữa.

Thứ nhất, chuyện hai vợ chồng anh mê thể thao bằng cách cùng đi xe đạp như thể một cặp anh hùng nữ kiệt với “song kiếm hợp bích” hạnh phúc vô cùng, không thua gì cặp Vô Kỵ Triệu Minh, và Dương Quá Tiểu Long Nữ. Cùng lái xe một đoạn đường dài… “Vừa chạy xe chúng tôi vừa thong thả nhâm nhi cà phê. Cả hơn tiếng đồng hồ sau mới tới nơi muốn tới,” rồi cùng nắm tay nhau ngoạn cảnh, và cùng thong thả đạp xe về nhà. Ôi, hạnh phúc và đẹp đôi làm sao! Chỉ với hình ảnh nhâm nhi cà phê với nhau thôi, cũng đã đủ thi vị rồi, nói chi tới cảnh vợ chồng âu yếm thủ thỉ tâm sự với nhau.

Thứ nhì, gia đình anh thật đầm ấm. Con cái hiếu để, biết kính trên nhường dưới, thương yêu và trân trọng lẫn nhau. Hình ảnh thằng lính “trước sự ngạc nhiên của mọi người, nó tự động thay Ba Mẹ đứng lên chào mừng Bà Nội, đại gia đình và khách mời. Nó nói lời chúc mừng kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi và thay các em nói lời cám ơn Ba Mẹ đã dạy dỗ chúng nó nên người. Dù đơn giản nhưng cũng làm cho chúng tôi và mọi người xúc động.

Thứ ba, người mẹ thế kỷ của anh Yên Sơn quả thật “perfect”, ngoài đôi tay cầm quân bài vững chắc chơi vui với con cháu, bà còn có những câu nói đùa hóm hỉnh khiến gia đình cười vui trong hạnh phúc qua câu chuyện… “Có một lần sinh nhật lũ nhỏ, cô Út mời đại gia đình. Khi cắt bánh, Mẹ tôi, tức là bà Ngoại chúng nó, hỏi Út, “Sinh nhật đứa nhỏ hay đứa lớn vậy Út?” “Dạ của thằng Andrew, chứ không phải thằng Aaron.” “Wới trời! Hết tên đặt sao lại đặt tên con kỳ cục vậy Út?” Mẹ làm vẻ “thật thà” nhưng Út nhà tôi tưởng thiệt nên hỏi lại với cái mặt quạu đeo, “Sao Mẹ lại nói kỳ cục?” “Thì một đứa bắt ăn rêu, đứa kia lại bắt ăn rong, sao tội vậy con!” Cả đại gia đình được một dịp cười như vỡ chợ,” khi biết bà chuyển âm qua tiếng Việt hai cái tên “Andrew”, và “Aaron” thành “ăn rêu”, và “ăn rong” một cách tài tình.

Thứ Tư, vẫn người mẹ đáng kính và đáng quý của anh, sau bao năm tiếp xúc với vợ anh, cuối cùng cũng nhận ra tấm lòng hiếu thảo của đứa con dâu của mình bằng nghĩa cử thương yêu và trân quý khó có bà mẹ nào nghĩ tới… “Mẹ tôi lại cho chúng tôi một bất ngờ thích thú khác khi Người trang trọng tặng cặp nhẫn vàng trắng rất giá trị cho chúng tôi. Mẹ nói, “Đây kể như nhẫn cưới Mẹ tặng cho hai con vì khi các con làm đám cưới không có sự hiện diện của Mẹ.

Nhớ khi bình 4 câu thơ trong bài “Giọt tình và cành lá” của anh trong thi tập “Giao duyên”:
Có tiếng gió thu về ngoài hiên lạnh
Nghe sầu rơi thánh thót ở tim mình
Sắc màu nào cho vàng vọt nhân sinh
Nghe trong gió tiếng thở dài của lá

Tôi đã viết: “Như Thái Vũ đã từng nghe âm thanh lá rơi, anh còn nhận rõ hơn, biết đó là tiếng lá thở dài như nỗi sầu vàng vọt kiếp nhân sinh”. Từ “tầm nhìn tham lam” của anh trước phong cảnh hữu tình, mắt anh như máy ảnh thu trọn hình ảnh cùng âm thanh của cảnh vật rồi chuyển đổi thành văn một cách tỉ mỉ, nhẹ nhàng và sống động như anh đang ngồi vẽ tất cả lại trên tranh. Tả buổi sáng Thư Bảy tại nhà, anh viết:

“Sáng Thứ Bảy, chúng tôi dậy muộn, trời nhiều mây, nắng lỗ chỗ đây đó trong khu vườn cỏ sau nhà vàng úa. Dường như gió cũng đi vắng nên mấy cái phong linh cũng lơ đãng nằm yên; cây Cotoneaster berry oằn cành sai trái bắt đầu chuyển sang màu chín đỏ ở góc nhà để xe; mấy bụi tường vi vẫn còn một ít hoa đỏ thắm, điểm trang trong một không gian yên tĩnh tuyệt vời.

Tả cảnh khu King’s Harbor Square, anh viết:
Khu dòng sông này là nơi chúng tôi rất thường thăm viếng, hoặc dạo quanh hoặc ăn uống… đôi ba tuần hoặc mỗi tháng một lần; đặc biệt những đêm trăng sáng khi cảnh trí chung quanh dòng sông lung linh, mờ ảo cùng với những tiếng nhạc êm dịu phát ra từ những hàng quán trên bờ hợp cùng tiếng máy đuôi tôm của vài du thuyền nhỏ cập bến mua vui, tiếng cười nói nhỏ nhẹ của những người ngoạn cảnh làm cho khung cảnh bờ sông thơ mộng lạ thường.

Nắng hanh hanh và trời vẫn âm ẩm. Gió tạt từng cơn nhưng không mạnh lắm cũng xua bớt độ ẩm đang vây kín không gian. Dù đang trong mùa lễ lạc, xe cộ ngoài đường cũng ít hơn mọi khi nhưng chúng tôi vẫn chọn đi con đường greenbelt ngoằn ngoèo, quanh quẹo vừa thơ mộng, vừa an toàn dẫu có xa hơn.

ả cảnh hồ trượt nước, anh viết:
Hồ rộng mênh mông, mặt nước gợn sóng vì có những chiếc tàu khác cũng đang chơi trượt nước (wakeboarding). Theo con rể, phía nam của hồ dành cho trượt nước, phía bắc cho jet ski, ở giữa thả thuyền, ven bờ đi câu.

Hầu như ở mỗi phần trong 38 phần của tập truyện, anh đều tả cảnh, tả tình một cách tự nhiên cùng với những câu chuyện nhỏ anh thuật lại khiến mọi thứ như sống động trở lại dù đó chỉ là hồi tưởng qua lời văn chân thật và tả chân như văn của Vũ Trọng Phụng, người đã phát biểu: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời” khi đáp lời Tự Lực Văn Đoàn trên báo Ngày Nay.

Chỉ mới đi qua có mấy phần trong 38 phần của tác phẩm anh Yên Sơn mà đã lấy hết của anh mấy trang sách. Nếu cứ tiếp tục, chắc phải thêm vài trăm trang nữa mới tạm đủ để phô ra cái hay cái đẹp tiềm tàng trong những câu chuyện và suy tư của anh. Đó là chưa nói tới mấy bài thơ anh lồng vào một số chuyện, chứ nổi hứng bình luôn thì “ôi thôi, ai tai…” phải xin thêm mấy chục trang sách nữa. Nói chung tập tự truyện anh viết thật hay, bổ túc cho tác phẩm “Mưa nắng bên đời” đã xuất bản. Như nhận xét của các nhà văn nổi tiếng viết lời tựa, lời bạt, và cảm tưởng, văn anh không cầu kỳ gây khó hiểu cho đọc giả, nhưng trong sáng và chân thật. Riêng trong tác phẩm này, giọng văn anh có lúc sôi nổi, có lúc trầm tĩnh, có lúc vui, có lúc buồn, và đặc biệt hết sức tếu với những từ ngữ rất “nhà binh”, rất “Không Quân” khi hội ngộ với bạn bè cùng khóa, kể cả những người mới quen hoặc chưa quen. Nhờ vậy mà “hạnh phúc” cả trong những lần họp mặt và bù khú với bạn bè đã hiện diện cùng anh. Tuy đôi khi anh phải đi xa mới tìm được, nhưng “hạnh phúc” chưa bao giờ xa khi anh đến nơi cùng bè bạn tay bắt mặt mừng.

Viết tác phẩm “Hạnh phúc không xa” ngoài mục đích bổ túc tác phẩm đầu như đã nói, tôi biết anh còn dùng nó để kể hết tất cả những chuyện vui buồn đã xảy ra trong đời anh mà chuyện buồn tuy có làm anh chua xót nhưng anh vẫn hạnh phúc vì biết rằng tất cả những người liên hệ vẫn thương tưởng đến anh. Anh còn dùng tác phẩm này để cám ơn tất cả những thân nhân bạn bè con cháu, nhất là người bạn đời và “người mẹ thế kỷ” tuyệt vời của anh. Tuy Ba anh đã qua đời sớm, nhưng anh cũng dùng tác phẩm này để bày tỏ sự thương nhớ và lòng kính phục sự sáng suốt của ba anh trong các quyết định quan trọng như đưa gia đình vào Nam lập nghiệp. Và sau rốt, anh cũng dùng tác phẩm này để cho người đọc thấy được “hạnh phúc không xa”, nó ở ngay trong tâm mình như lời Chúa nói, “The kingdom of Heaven is at hand and within” (Thiên quốc ở ngay đây và ở trong ta); và như lời Phật nói, “Tâm thanh tịnh sẽ thấy cõi Phật dù ở cõi Ta Bà đầy ô trọc này vẫn thanh tịnh.”

Tác phẩm còn nhiều điều rất hay và thú vị, xin quý độc giả tiếp tục khám phá..

Xuân Đấu


« TRANG NHÀ »