Chia Sẻ Chút Tâm Tình

ngày 12.10.17


Tôi mở trường dạy võ là để có cái gì làm có ý nghĩa và giúp mình cơ hội vận động thể dục chứ tiền bạc không phải là mục tiêu hàng đầu, nhất là ở cái độ tuổi vàng như lá này. Vì thế, cách dạy của trường tôi không như những trường khác. Hơn nửa thế kỷ trong nghiệp võ, tôi đã kinh qua tất cả những vui buồn của nghề nghiệp!

Không phải bất cứ ai đến ghi danh tôi cũng nhận. Tôi chọn lựa học trò rất kỹ. Trước nhất tôi phải “coi giò coi cẳng”; nếu thấy được, sẽ cho phụ huynh biết rất rõ điều kiện thu nhận, đồng ý thì ghi danh đóng tiền; nếu muốn học thử một lớp, phải trả một số chi phí trước khi tập. Số tiền này sẽ tính chung vào tiền tháng đầu nếu tiếp tục; nếu tôi không nhận, tiền sẽ hoàn lại; nếu học trò hoặc Ba Mẹ nó không muốn tiếp tục thì mất luôn.

Tôi mời cha mẹ ngồi xem con của họ. Tôi dạy chúng như một học trò cũ, tuỳ theo thể chất, phải chứng tỏ có sự cố gắng, phải theo đúng “lễ nghi quân cách”, phải đổ mồ hôi, phải theo sát sự chỉ dẫn… Xong lớp, cả hai bên đều lượng định; nếu tiếp tục thì điền đơn và chỉ cho trả tiền một tháng và lệ phí nhập học mà thôi. Sau một tháng, hai bên đều muốn tiếp tục thì sẽ phải ký giao kèo một năm. Khi ký giao kèo, tôi cũng cho cha mẹ biết là họ hoàn toàn chịu trách nhiệm với giao kèo dù con của họ bị thôi học vì lý do kỷ luật. Đã không ít trường hợp học trò bị đuổi học mà đa số tôi tự ý đơn phương huỷ bỏ giao kèo cho họ. Cũng không ít trường hợp học trò bị đuổi, Ba Mẹ tới xin cho con được trở lại với lời hứa rán dạy bảo thêm con của họ ở nhà.

Khi đã là học trò, em nào không dạy được sau nhiều cố gắng, hoặc chứng tỏ tâm tính không tốt, vi phạm kỷ luật, điểm học ở trường không đạt tiêu chuẩn… tôi sẽ trả lại cho Ba Mẹ chúng. Ngược lại, học trò ngoan bao giờ cũng được biệt đãi. Nhưng thường thì những học trò cưng không ở với mình lâu dài vì nhiều lý do chính đáng khác nhau.

Chính tôi dạy kỹ thuật cho tất cả học trò, chỉ dạy phần thể dục khi nào cố tình huấn luyện đai đen đứng lớp. Mỗi học trò bắt buộc đến lớp 3 lần một tuần; mỗi lớp 1 tiếng đồng hồ trừ lớp đai nâu và đai đen. Học nhanh chậm tuỳ tư chất mỗi học trò. Đã có đứa chỉ học có năm rưỡi đã mang đai đen nhưng cũng có nhiều đứa 4-5 năm mới được. Từ không biết gì tới hạng huyền đai, trung bình khoảng trên dưới 3 năm cho người lớn và 4 năm cho trẻ con dưới 15 tuổi. Một trong những điều kiện dự thi huyền đai là phải có điểm học ở trường trên C, chạy dai sức tối thiểu là 5 dặm, không ngừng nghỉ, trong khoảng thời gian từ 40 phút cho tới 70 phút tuỳ theo tuổi tác và giới tính. Độ dài này sẽ tăng theo mỗi cấp cao hơn.

Trường dạy võ thường người ta dạy võ và kỷ luật. Học võ nghệ bây giờ không còn giống như cách học võ ngày xưa, thời của tôi và trước đó. Hầu hết người ta coi võ như một môn thể thao, tập luyện thể chất và kỷ luật. Hầu hết các trường đều làm mọi cách để khuyến dụ học trò; là cho chúng vui thích để đến lớp. Tôi không giỏi về mặt này nên cố vẽ riêng đường đi của mình, của môn phái. Với chủ trương của Thần Phong, võ chỉ là một phần rất nhỏ trong đời sống con người. Võ phải đi đôi với kỷ luật và văn hoá, đạo đức. Học võ phải học những nguyên lý căn bản về lễ nghĩa, liêm sỉ, nhẫn nại, khiêm cung, khắc kỷ và tinh thần bất khuất. Tôi quan niệm rằng, một cá nhân có được những chuẩn mực đó thì việc dùng võ để tự vệ rất ít khi cần thiết. Ngoài ra, học trò phải học thuộc lòng những điều tâm niệm khác; đó là, phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, phải luôn luôn ghi nhớ những chuẩn mực của võ phái, phải biết kính trên nhường dưới, phải biết nêu cao chính nghĩa, nêu cao tinh thần thượng võ và chỉ dùng võ để tự vệ hoặc giúp người cô thế mà thôi.

Ngoài ra, võ sinh của tôi phải nộp điểm học ở trường học mỗi học kỳ; tôi luôn luôn xem kỹ và nói chuyện với từng em. Điểm cỡ nào cũng được khuyến khích phải tiến triển hơn. Trong trường hợp điểm thấp, bằng mọi cách phải nâng cao trong học kỳ lần tới. Khi điểm tuột dốc mà không thấy có sự cố gắng sau vài lần khuyến cáo, tôi trả học trò lại cho cha mẹ. Đó là điều kiện đặt ra khi mới xin nhập học. Cuối năm, học trò nào có toàn đểm A và điểm hạnh kiểm tốt nhất, tôi sẽ có những phần thưởng đặc biệt và vinh danh trước toàn trường.

Tôi nhồi nhét vào đầu học trò là bằng mọi cách phải học xong ít nhất 4 năm đại học. Rất may mắn, hầu hết huyền đai của tôi đào tạo khi có cơ hội gặp lại đều cho biết đã xong ít nhất 4 năm. Nhất là những võ sinh VN, rất nhiều em thành đạt trên đường đời với những văn bằng rất truyền thống Á Châu. Sự thành đạt trên đường đời của học trò là niềm vui lớn nhất của tôi. Về mặt kỹ thuật, học trò Thần Phong ở bất cứ nơi nào, thời nào cũng luôn là niềm hãnh diện cho võ phái với truyền thống chiến thắng vẻ vang nhiều hơn chiến bại.

Bắt đầu khai môn ở hải ngoại từ đầu tháng 11/1977 tới nay, không biết riêng tôi đã có tất cả bao nhiêu võ sinh từ California qua tới Houston. Có lẽ không thể nhớ hết vì liên tục thay đổi chỗ ở trong những năm đầu. Chỉ biết số võ sinh đạt được huyền đai lên tới nhiều trăm; và cao đẳng nhất bây giờ còn được 4 người 6 đẳng, vài người 5 đẳng… Có rất nhiều lần, ở những nơi xa lạ, bất chợt có người tới cúi chào, “kính chào thầy, thầy nhớ con không?”

Thật tình mà nói, tôi vốn xuất thân từ quân đội nên khi mới mở trường vào những năm đầu tiên – theo các học trò kỳ cựu và mấy đứa con của tôi – tôi “khó dzàng trời”. Chúng nó nói so với bây giờ tôi chỉ còn một phần nhỏ. Cái phần nhỏ của tôi cũng “sặc mùi quân đội”, vẫn hò hét um trời như “Tạ Tốn bị hàm oan” mỗi khi học trò vô kỷ luật. Thế nhưng, tình nghĩa thầy trò vẫn luôn sâu đậm, cho tôi động lực để tiếp tục tiến về tương lai.

Tôi rất hãnh diện là môn sinh của Học Viện Võ Thuật Thần Phong – huấn luyện nhiều môn võ khác nhau – thuộc Không Quân Tân Sơn Nhất, nơi đào tạo quân nhân Không Quân các cấp. Một võ phái chỉ bắt đầu từ tháng 12/1966 mà uy danh và thành tích vượt trội từ quốc nội ra quốc ngoại; từ Á châu năm xưa, và sau này tiếp tục truyền thống đó từ Mỹ sang Úc, sang Canada… đặc biệt môn võ Taekwondo (TKD). Những võ sư, huấn luyện viên TKD khởi đầu là những nhân tuyển đặc biệt, được tuyển chọn từ các môn phái khác, được những võ sư ưu tú nhất của Đại Hàn gửi sang huấn luyện trong chương trình viện trợ quân sự. Và có lẽ Việt Nam là nước thứ hai sau Đại Hàn phát triển nhanh chóng môn võ này. Tôi may mắn được gia nhập đội ngũ Thần Phong từ 1968 tới nay. Sau khi nửa đường gãy cánh tháng 4/1975, sang tới bên Mỹ, tôi tự thấy có bổn phận phải phát huy tên tuổi sáng ngời đó. Trời không phụ người có lòng nên sau 42 năm võ phái vẫn còn đây và đã phát triển rộng rãi tại nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, lan đến mấy châu lục khác. Công lao này phần lớn nhờ vào tài năng và đức độ của Thầy tôi, cố Võ Sư Phan Văn Đức tới Mỹ 1989.

Sau khi Thầy đột ngột qua đời, một lần nữa, tôi lại phải đưa vai gánh vác, tiếp tục đào luyện, phát triển, và chờ đợi thế hệ kế thừa. Cho đến lúc này, khi mà xương cốt và kỹ thuật của tôi không còn muốn đi chung đường mà thế hệ kế thừa vẫn còn là ánh sáng cuối đường hầm mù sương! Đôi khi nằm mơ, thấy mình được như ông Lưu Chính Phong của Tiếu Ngộ Giang Hồ, rửa tay gát kiếm!

Dòng đời cứ thế trôi qua, hết lớp này đến lớp khác, các em đến rồi đi. Và tôi cũng biết duyên nghiệp của tôi với võ thuật rồi cũng sẽ đến lúc cạn. Nhìn thật sâu vào đoạn đường võ nghiệp đã đi qua, tôi cảm thấy có niềm vui chan chứa và đầy hãnh diện về những cống hiến của mình. Chỉ mơ ước có một em nào đó có được hoài bão như tôi, có đủ đam mê và khả năng sẵn lòng gánh vác để cho tôi cơ hội lui bước trước khi hoàng hôn sập đến.

Viết trong dịp sinh nhật 40 năm Thần Phong Mỹ Châu.

Tháng 10/2017


« TRANG NHÀ »