Mẹ Tôi

ngày 15.07.17



Mẹ tôi xin rời bệnh viện về nhà sau hơn ba tuần điều trị. Mẹ xuất viện được mấy cô y tá trực tươi cười chúc mừng và đưa tiễn; Mẹ ôm hôn tất cả y tá và luôn miệng nói “thank you”.

Mẹ Về nhà với bình oxygen 24/24, y tá tới nhà khám bệnh 2 lần một tuần, rồi 1 lần… rồi không cần tới nữa. Mẹ nhanh chóng hồi phục đến 90% ở cuối tuổi 96. Mẹ về nhà được nghỉ ngơi trong sự tĩnh lặng của căn nhà với chị Tâm, một người giúp việc 24/24, 4-5 ngày một tuần. Nói là người giúp việc nhưng thân thiết như con và chúng tôi xem như anh chị em trong gia đình vì chị là bà quận của một người bạn thân chiến hữu một thời. Vì thế, Mẹ về nhà được nghỉ ngơi và anh em chúng tôi cũng đỡ phải chạy lui chạy tới. Chăm lo cho Mẹ có chị Tâm và chú em trai út luôn có mặt ở nhà trừ cuối tuần đi lễ chùa; có cô em gái út ở gần bên; những anh chị em khác ở xa được cho nghỉ phép dài dài cho tới mỗi cuối tuần.

Nhìn đống thuốc cần uống mỗi ngày của Mẹ tôi thật nản lòng chiến sĩ! Chiếc hộp thiết kế cho mỗi ngày một ngăn nhưng không đủ chỗ nên chị Tâm hoặc chú em dùng cả 7 ngăn đựng thuốc cho mỗi ngày. Uống thuốc kiểu này nên Mẹ ăn uống càng ít hơn! Việc uống thuốc của Mẹ trở thành động tác tự nhiên. Tự động cho Mẹ và cho cả những người chung quanh. Càng ngày thính giác của Mẹ càng lui về tương lai dù vẫn mang máy trợ thính ở thời gian sau này, nhất là những lúc phụng thể bất an, nói chuyện với Mẹ phải như ông Mark Luther King đang hăng hái đấu tranh nhân quyền; âm thanh TV tràn ngập cả nhà. Sinh hoạt của Mẹ mỗi ngày chỉ loanh quanh việc thuốc men, xem TV đủ loại chương trình, xem video thuyết giảng Phật Pháp của nhiều vị sư sãi khác nhau; khoẻ thì ngồi chép kinh Phật, mệt thì được chị Tâm đưa ra vườn sau xem cây cỏ, hoa lá (sản phẩm của Mẹ và của chú em), hoặc… ngủ chập chờn.

Những ngày trong tuần là vậy, chỉ trừ ngày cuối tuần, thường là ngày Chủ Nhật, khi con cháu tề tựu đông đủ Mẹ tỉnh như không, nụ cười vẫn tươi khi thấy mặt con mặt cháu; nhất là khi “điều binh khiển tướng”. Đông người thì cát-tê, ít người thì xập xám, bài cào… không dễ gì ăn gian Mẹ được đâu nha. Trong những bữa cơm tối mà thấy lũ chúng tôi ăn chậm lụt hoặc hơi “già chuyện”, Mẹ thường nhắc nhở, “Hết giờ ra chơi rồi nha!”

Chưa bao giờ Mẹ đánh bài mà cần mang bình oxygen. Thấy Mẹ vui cả nhà đều hạnh phúc dẫu vẫn biết sự hạnh phúc chỉ có thể đếm từng lần một. Thông điệp của xếp lớn là tôi, “Các em làm gì làm, cố gắng tối đa để có thể về thăm Mẹ mỗi cuối tuần.” Theo chị Tâm thường nói, những ngày không có con cháu quanh quẩn, Mẹ yếu hẳn đi, hay khó thở và đau nhức khắp người. Chị theo Mẹ từng bước như bóng với hình, ngủ giường sát bên Mẹ hàng đêm. Chị Tâm ơi, chúng tôi cám ơn chị nhiều lắm. Chị Tâm, rất ngẫu nhiên, là một hiện thân cho đứa em gái xấu số của chúng tôi đã mãn phần từ lúc còn rất trẻ, vì chị Tâm cũng “thứ 6 trong gia đình”, cũng giống năm tuổi của cô em, cũng nhỏ nhẹ, hiền hoà như nhau… có lẽ vì vậy nên Mẹ yêu mến lắm và vợ chồng bạn tôi cũng yêu mến Mẹ như những đứa con. Với sự chăm sóc tận tụy của chị, với tình cảm thân thương đó đã giúp Mẹ vui sống chống chọi với thời gian.

Tôi luôn khuyến khích Mẹ tiếp tục viết để thể dục trí óc, cho nên mỗi lần gặp Mẹ tôi thường hỏi Mẹ có chép Kinh mỗi ngày không? Mẹ nói càng ngày càng mau mệt và than, “Mẹ viết mà chẳng có đứa nào đọc!” Tôi thường nói với Mẹ, “Con vẫn đọc mà. Mẹ viết chữ đẹp hơn con nhiều.” Mẹ cười móm mém, soạn tập viết đưa cho tôi xem. Nhìn chồng tập vở Mẹ đã viết, tôi thật phục Mẹ hết sức. Nếu chép kinh Phật mà tạo được phước báu cho con cháu thì chắc lũ con cháu chúng tôi mỗi người cũng được khá bộn. Nhưng dù gì đi nữa, việc miệt mài chép kinh cũng giúp lòng Mẹ an vui, thanh thản, và hạnh phúc.

Mà thật vậy, với số tuổi đó mà chữ viết rất rõ nét dù thấy nét run run nhưng dễ đọc hơn chữ tôi viết nhiều! (Thật ra tôi vốn không viết kiểu mèo quào như vậy, chỉ vì lắm khi cái tay tự động ngoáy nhiều hơn là ý muốn.)


« TRANG NHÀ »