Nén Hương Tưởng Niệm MINH ĐỨC HOÀI TRINH

ngày 5.10.17


Trước nhất, xin thành kính tưởng nhớ về chị Minh Đức Hoài Trinh (MDHT); một lòng nhớ ơn chị đã dày công tranh đấu để tập thể cầm bút người Việt tỵ nạn Cộng sản hải ngoại có cơ hội đứng chung nhau trong tổ chức Văn Bút Việt Năm Hải Ngoại (VBVNHN), và là tổ chức duy nhất còn lại của Việt Nam Cộng Hoà được Quốc Tế công nhận, để có cơ hội làm sáng danh chính nghĩa của người Việt quốc gia trên trường Quốc tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại nỗ lực của chị trong suốt tiến trình vận động với Văn Bút Quốc Tế (VBQT) để thành lập Trung tâm VBVNHN.

Chị nguyên là hội viên Văn Bút Quốc Tế International P.E.N, và là thành viên của Trung tâm Văn Bút Việt Nam trước 1975. Chị có thể viết nhiều thể loại khác nhau như thơ, văn, truyện dài, truyện ngắn, viết báo và làm phóng viên chiến trường. Viết dưới các bút hiệu Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử; du học ở Pháp từ năm 1953 đến 1964 (ngành Báo Chí và Hán Văn tại Sorbonne), về Việt Nam dạy Báo Chí tại Đại Học Vạn Hạnh. Sau khi miền Nam VN sụp đổ, chị qua Pháp định cư và trở thành hội viên Trung tâm Văn Bút Pháp.

Năm 1977, với tư cách hội viên Văn Bút Pháp, chị tham dự Đại Hội VBQT lần thứ 42, tại Sydney, Úc châu. Tại đây chị đã lên tiếng tố cáo chính sách đàn áp của CSVN đối với văn nghệ sĩ Miền Nam Việt Nam, và đã khởi đầu một cuộc vận động để thành lập một Trung Tâm Văn Bút cho những người cầm bút Việt Nam hải ngoại.

Đến năm 1978, chị tiếp tục tham dự ĐH VBQT kỳ 43 ở Stockhom, Thụy Điển và chính thức nạp đơn xin thành lập VBVNHN với danh sách 20 hội viên theo điều kiện tối thiểu của VBQT. Đại Hội Đồng đã đưa vào nghị trình và cho hội viên bỏ phiếu. Có tổng số 46 phiếu bầu, kết quả thuận và chống ngang nhau. Tổng Thư Ký‎ VBQT lúc bấy giờ là ông Alexandre Blokh, dù có tinh thần ủng hộ nguyện vọng của chị nhưng đã bỏ phiếu trắng vì không muốn chính ông làm thay đổi quyết định của Đại Hội Đồng.

Dù có thất vọng nhưng chị vẫn miệt mài tranh đấu và tiếp tục vận động. Sự kiên trì và dấn thân của chị đã đưa đến sự thành công mỹ mãn trong kỳ đại hội thứ 44, tổ chức ở Rio de Janeiro, Brazil với 25 phiếu thuận, 12 phiếu chống. Và Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại ra đời với danh xưng Vietnamese Abroad P.E.N Center trong bối cảnh chính trị lúc ấy, khi chiến tranh Việt Nam vừa mới chấm dứt vài năm mà đa số các nước có chân trong Văn Bút Quốc Tế lúc bấy giờ không muốn làm phật lòng kẻ chiến thắng với chiêu bài “cách mạng”, giải phóng” là những danh từ vẫn còn ăn khách lúc bấy giờ.

Có thể nói đây là một kỳ công mà ngoài chị ra không ai khác có thể làm được. Chị đã khôn khéo thuyết phục được sự ủng hộ của ông TTK Alexandre Blokh, và một số đại biểu các trung tâm bạn; họ lên tiếng phát biểu đồng thuận trước Đại Hội Đồng cùng những lời kêu gọi tha thiết của chị với bằng chứng cụ thể về việc những người cầm bút ở Việt Nam đang bị ngược đãi và tù tội.

Năm 1982 chị theo chồng sang định cư ở Mỹ, nhường phần dìu dắt tập thể VBVNHN cho người kế nhiệm sau khi tổ chức này đã vượt khỏi biên giới Pháp phát triển tới 8 chi nhánh, cũng gọi là “trung tâm”, ở các nước khác trên thế giới như Âu châu, Úc châu, Mỹ Châu, Canada… nhưng vẫn chỉ là sinh hoạt khép kín trong giới cầm bút người Việt lưu vong mà thôi, cho đến khi…

Tóm lại, chúng ta có thể nói nếu không nhờ chị Minh Đức Hoài Trinh có lẽ chúng ta không có VBVNHN ngày nay. Chị đã đứng ra khái sáng ra nó, rồi chị lại một lần hai năm nữa đứng mũi chịu sào đưa con thuyền Văn Bút vượt qua cơn sóng gió khi được VBQT chấp nhận cho hoạt động trở lại năm 2001.

Niềm vui và hãnh diện – về một tổ chức duy nhất của VNCH được quốc tế công nhận – chưa đủ lớn thì nỗi buồn, nỗi cay đắng đã vượt lên cao. Nội bộ VBVNHN bắt đầu có những xáo trộn liên tục làm cho uy tín của người cầm bút sút giảm đến mức thậm tệ; và tấm lòng của những người cầm bút chân chính dần dần bị teo túm đưa đến việc bỏ cuộc.

Có lẽ chuyện xáo trộn của VBVNHN cũng chỉ là chuyện tất nhiên. Thứ nhất, có tới 8 trung tâm nằm trong một trung tâm đã là điều bất thường; ông/bà nào khi được bầu làm chủ tịch một chi nhánh cũng tưởng mình là con ông trời, là cái rốn của vũ trụ huống chi một ông/bà chủ tịch của tất cả các ông/bà chủ tịch khác? Những xáo trộn trong tập thể VBVNHN từ xưa đến nay xảy ra từ nhiều lý do khác nhau, nhiều nhân sự khác nhau nhưng chung quy vẫn là vì chức cao, tài mỏng, đức thấp, là tham quyền cố vị, là đạp bừa lên Điều Lệ, Nội Quy, là sự khác biệt văn hoá, ngôn ngữ của các ông bà có thẩm quyền ở VBQT!

Một lý do quan trọng nhất, đó là việc tranh đấu không ngừng nghỉ ở nghị trường Đại Hội VBQT hàng năm, bao nhiêu là Quyết Nghị phơi bày sự đàn áp dã man của bạo quyền CSVN đối với những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở VN; bao nhiêu là can thiệp từ VBQT và những đồng nghiệp đối với những người cầm bút bị cầm tù, bị ngược đãi ở VN, kể cả những trường hợp cá biệt của từng người được theo dõi để can thiệp qua Ủy Ban các Nhà Văn bị Cầm tù (Writers in Prison Commitee) của VBQT… như những cái gai nhọn tiếp tục chọc vào mắt của bọn thổ phỉ Hà Nội thì có thể nào chúng để cho yên?

VBQT tưởng đâu sau khi khai trừ nhóm 11 người của ông Luật sư Trần Thanh Hiệp, VBVNHN sẽ được tái lập (2001) trong trật tự, hoà nhã, làm được công việc mà người khai sinh ra nó cưu mang, hoài bão… nhưng không, người thích chức cao quyền trọng với tài hèn, đức mỏng vẫn dẫy đầy trong văn bút cộng với nỗ lực quậy phá không ngừng nghỉ của bọn tà quyền cộng sản VN. Những con sâu làm rầu nồi canh hết thời này đến thời khác; hết nhóm Trần Thanh Hiệp, đến Đặng Văn Nhâm, đến Viên Linh, Nguyễn Đức An, Phạm Quang Trình, Nguyễn Bửu Thoại… rồi bây giờ đến Vũ Văn Tùng, đến Dương Thành Lợi, Nguyễn Thiếu Nhẫn tiếp tục làm cho uy tín của tập thể văn bút càng ngày càng đi vào ngõ cụt…

VBVNHN đến nay quả nhiên có nhiều phần bế tắc với BCH bù nhìn, háo danh lại vô tài kém đức của nhóm Vũ Văn Tùng; và bây giờ dưới bàn tay khuynh loát toàn diện của Dương Thành Lợi với những mưu đồ bất chính. Tương lai VBVNHN quả nhiên rất đen tối với viễn ảnh tan rã trong tay Dương Thành Lợi.

Là một người lính chiến “nửa đường gãy cánh” cách oan uổng, tôi chọn VBVNHN để tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút cho lý tưởng của mình. Tôi nỗ lực trong mọi sinh hoạt, cùng góp sức với những văn hữu cùng chí hướng khác để mong thực hiện được trách nhiệm và hoài bão chung. Nhưng rất tiếc, số phận VBVNHN quá nghiệt ngã nên tôi không thể làm được gì hơn để tiếp bước trên con đường chị đã vạch ra, mặc dù đã hai lần làm Đại Biểu chính thức tham dự Đại hội VBQT, cùng với những người đồng chí hướng tranh đấu quyết liệt tại nghị trường, với BCH VBQT cho sự sinh hoạt độc lập của tổ chức chúng ta.

Đặc biệt ở Đại hội Tokyo, dù là tin không chính thức rằng BCH VBQT dự trù đưa vào chương trình nghị sự để thảo luận và biểu quyết việc xin gia nhập của Hội Nhà Văn VN, tôi đã cùng với VH Nguyễn Viết Đức, VH NH Bảo Việt tích cực vận động hành lang với các tiểu ban Writers in Prision, tiểu ban Các Nhà Văn Nữ, tiểu ban Các Nhà Văn Vì Hoà Bình, tiểu ban Các Nhà Văn Lưu Vong và những VH đại biểu thân quen ở các trung tâm văn bút bạn để góp phần ngăn chặn và tích cực phản đối nếu BTC Đại Hội đưa ra trong Nghị trình. Rất may, cuối cùng việc đó đã không xảy ra.

Tôi cũng đã hai lần ứng cử Chủ tịch BCH VBVNHN để mong phục hồi danh dự, uy tín, và tranh đấu hữu hiệu hơn cho tổ chức này. Rất tiếc, thời đại này dường như không chừa chỗ đứng cho những người công chính, hữu tâm, hữu tình.

Trong khi tương lai VBVNHN chưa biết sẽ về đâu, khoảng 5 giờ chiều thứ Sáu ngày 9 tháng Sáu, 2017, tại Orange County, California phu quân của chị, nhà văn Nguyễn Quang thông báo tin buồn chị đã ra đi ở tuổi 87, trả lại cho đời tất cả những hệ luỵ chị đã cưu mang trong một thân hình mỏng manh nhưng tấm lòng đầy nghĩa khí, can trường, và bất khuất. Sự ra đi của chị để lại nhiều tiếc thương cho gia đình và tất cả mọi người đã từng quen biết chị; và là một mất mát to lớn cho Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đang trên đường suy sụp.

Có lẽ cơ quan duy nhất được quốc tế công nhận này sẽ không còn cơ hội làm sáng danh chính nghĩa của người Việt tỵ nạn Cộng sản trên trường Quốc tế! Than ôi!



« TRANG NHÀ »