Sinh Nhật Thằng Lính

ngày 19.06.17



Hôm thằng lính nghỉ làm, cùng chúng tôi đi ra ngoài ăn tối. Trong bữa ăn, thằng lính ngỏ lời:

“Ít hôm nữa là sinh nhật của con, con không muốn quà cáp, cũng không muốn đi ăn tiệm như mọi lần mà con chỉ muốn đi làm thiện nguyện.”
“Làm gì, ở đâu con?” Mẹ nó hỏi.
“Con muốn tới Keagan, Houston Food Bank ở đường I.10, giúp đóng hộp phần ăn cho con nít nghèo. Con nít nhà nghèo đi học trường cho ăn miễn phí; tới mùa hè không đi học nên đói. Người ta tổ chức phát phần ăn cho những đứa trẻ này.”
“Ba có nghe nói.”
“Ba muốn đi với con không?”
“Ừ! Ba đi với con.”

Lòng tôi chợt hân hoan. Lâu lắm rồi không cùng với thằng lính làm một việc gì công ích.

Trước ngày sinh nhật một hôm, thằng lính nhắc lại tôi ghi danh với Keagan. Tôi nhờ nó giúp tôi ghi danh cho lẹ. Nó nói “Ba tự tay ghi danh để biết mình muốn làm việc gì, ở khu nào.” Tôi nói, “con làm chỗ nào Ba làm chỗ đó, con ghi giùm Ba luôn.” Nó ghi danh xong, dặn tôi, “mình làm chỗ đóng hộp thức ăn, phải mang giày kín chân, mặc áo tay dài, râu tóc sạch sẽ; người ta sẽ cấp cho áo yếm và lưới bao tóc, râu; có mặt tại kho hàng đúng 6 giờ sáng.”

Sáng qua, chúng tôi thức dậy 4g45 sáng vì cần đi lúc 5 giờ. Từ nhà tôi chạy tới đó hết 45 phút vì không biết xe cộ, đường sá có vấn đề gì không. Đâu đó trong thâm tâm tôi có than phiền “đi làm thiện nguyện mà cực khổ quá!” Tôi đã nghỉ hưu từ lâu, chỉ còn phải điều hành trường dạy võ buổi chiều nên thường ngày ngủ tới 8g sáng mới dậy; vì thế, thức giấc giờ đó không phải chuyện dễ làm. Tôi đã để đồng hồ báo thức, nhưng đồng hồ chưa kịp reo thì nhà tôi đã lay tôi dậy, “anh à, dậy đi kẻo trễ giờ.” Tôi giật mình rời chăn êm nệm ấm, hai mắt ráo hoãnh, lòng vui vẻ làm vệ sinh cá nhân, gọi thằng lính ngủ trên lầu. Thằng lính đã sẵn sàng đi.

Chúng tôi tới Food Bank lúc 5g45 sáng. Tưởng mình tới sớm nhưng khi bước vào kho đã thấy khá đông người ta đang làm việc. Nhìn câu viết rất lớn trên tường làm tôi xúc động, “because of you, a child will eat today” (vì những người như bạn, một đứa trẻ sẽ được ăn hôm nay). Cạnh bên là chữ Cám Ơn” cũng khá lớn. Chợt liên tưởng đến Việt Nam, đến những trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc, không được học hành… hình dung những em bé tả tơi ở các bãi rác, trước những quán ăn; các em bé bán vé số, đánh giày dầm mưa dải nắng… khắp mọi miền đất nước! Nước Mỹ giàu có mà vẫn lắm người nghèo dù có biết bao nhiêu chương trình trợ giúp từ chính quyền, từ các cơ quan thiện nguyện… nhưng thật sự họ đâu có nghèo bằng số đông dân tộc của tôi hiện giờ; chắc chắn không thể có những em bé cùng khổ như ở quê tôi; vậy mà nhà nước Việt Nam không hề nghỉ tới mà còn tận sức bóc lột, cướp giựt của dân nghèo; họ còn bỏ ra tỷ này tỷ nọ để xây dựng những công trình vô bổ, những tượng đài vô nghĩa mà ai cũng biết đó là những công trình bày đặt ra để ăn chia với nhau, để tiếp tục thâu tóm tiền bạc để tiêu xài phung phí, để gửi con đi học nước ngoài, để mua xe tậu nhà ở ngoại quốc… Tôi cố cầm lòng để không rơi nước mắt.

Chúng tôi được hướng dẫn rửa tay thật kỹ, xong họ phát cho áo yếm và lưới trùm tóc, chỉ cho chúng tôi chỗ đứng trong dây chuyền đóng gói. Cũng may, dây chuyền thiếu hai chỗ liền nhau. Tôi phụ trách phần cà rốt, thằng lính phụ phần dưa hấu và chuyển sang máy đóng hộp.

Có nhiều dây chuyền làm việc giống nhau từ số 1 đến số 6. Mỗi dây chyền gồm 7 vị trí: người mở bọc ny lông (mỗi bọc chứa 10 cái) gói bánh bột mỏng của người Mễ; người đặt bánh vào ngăn lớn của khay nhựa nhỏ màu đen, hình chữ nhật, có 3 ngăn; người đặt 2 miếng ham & cheese tròn dài cuốn sẵn và rau cải lên bánh; phiên tôi cho một muỗng lớn cà rốt loại nhỏ, đã gọt sẵn vào một ngăn, xong chuyển qua cho thằng lính làm đầy ngăn còn lại với muỗng lớn dưa hấu cắt vuông nhỏ; chuyển qua cho người kiểm soát trước khi đưa qua máy đóng hộp; và cuối cùng là người điều hành máy đóng và sắp vào thùng lớn. Khi thùng lớn đầy, họ sẽ gọi người tới mang đi vào kho vận chuyển.

Tiếng nhạc rap (giật) mở lớn, át cả tiếng máy, như thôi thúc mọi người cùng quay cuồng với công việc. Người ta thường nói “làm như máy” bây giờ mới thấy nghĩa lý của nó. Lâu lâu lại có người la to “bánh bột đường số 5; hoặc rau cải số 4; thịt số 2…” đến lúc hết cà rốt tôi cũng gọi, “cà rốt số 4”; thế là có một nhân viên của kho mang tới liền. Công việc bổ sung cung cấp các loại vật thực này cũng có thể là người tình nguyện như chúng tôi. Họ cũng làm liền tay, cung cấp bất cứ món nào thiếu ở bất cứ khu vực nào. Tôi bỗng nổi máu tếu gọi to, “beef steak line 4”, mọi người bật cười to. Một lúc lâu sau tôi lại gọi, “cognac line 4”, thiên hạ lại cười… làm quên đi mệt nhọc.

Từ lúc đến cho tới lúc ra về (có nghỉ tay 15 phút lúc 8g), chúng tôi múa như máy. Ngoài việc bỏ cà rốt, tôi còn nhanh tay phụ người đứng bên cạnh gở những cuốn thịt dính chùm, nhưng đôi khi cũng quýnh quán cho kịp với máy; không ai có thì giờ để nói chuyện riêng.
Xong buổi sáng, chúng tôi ra về, chân tay mỏi nhừ, nhưng lòng hoàn toàn vui vẻ, chỉ những khi nghĩ về sự khốn khổ của trẻ em VN với sự so sánh không công bằng. Thằng lính nhìn tôi hỏi, “Ba thấy sao?” “Ba rất vui, nhất là cùng làm việc thiện nguyện với con. Phải chi một ngày nào đó mình có cơ hội được làm công việc này ở Việt Nam thì vui biết mấy!” “Yes Ba, We Wish!”


Ngày 15/6/2017


« TRANG NHÀ »