Một Thời Cắp Sách

ngày 8.06.17


Hắn cùng với 3 người bạn học khác, thay vì chuyển trường về tỉnh lỵ Bình Tuy, chúng hắn lại chọn về Long Khánh để tiếp tục ba năm sau cùng của bậc Trung Học, sau khi thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp trường Trung Học Võ Đắc.

Võ Đắc là khu dinh điền trù phú đầu tiên thành hình trong thời khẩn hoang lập ấp của nền Đệ Nhất Cộng Hoà. “Khẩn Hoang Lập Ấp” là chương trình hoàn toàn vì nhân đạo và an cư lạc nghiệp cho dân nghèo của Chính Phủ Đệ Nhất Cộng Hoà, nhằm phân phối khối dân nghèo, luôn đối diện với thiên tai bão lụt hàng năm ở Miền Trung, đưa họ vào Nam, giúp đỡ mọi mặt trong lúc đầu để họ tự khai khẩn đất hoang rừng núi, rất mầu mỡ nhằm tạo dựng một cuộc sống mới và tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu về sau. Chương trình khởi đi hoàn toàn tự nguyện dành cho những gia đình con đông muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn; nhưng sau một thời gian số người tình nguyện vẫn không đạt được con số cần thiết cho một kế hoạch quy mô; vì thế trở nên cưỡng bách đối với những gia đình quá nghèo khó. Ba Mẹ hắn là người đầu tiên tình nguyện ra đi với lũ con 8 đứa.

Trường Trung Học Võ Đắc thuộc Quận lỵ Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy là Trường Trung Học đệ nhất cấp đầu tiên và duy nhất được xây dựng năm 1961, rất khang trang, được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân đến dự lễ khánh thành. Trường có rất đông học sinh từ các trường tiểu học trong vùng hoặc chuyển về từ các quận lỵ, kể cả học trò tỉnh Bình Tuy và các tỉnh khác; Ban Giảng Huấn thời của hắn chỉ toàn Thầy Giáo; có người là quân nhân biệt phái được tuyển chọn về từ các Tỉnh Thành kể cả Sài Gòn.

Trong nhóm 4 người chúng hắn có hai người có thân nhân ở Long Khánh. Lúc đầu 3 đứa về ở trọ nhà chú của một người bạn, ông chủ Giày Gia, có tiệm ở chợ và nhà ở gần đường rầy xe lửa, phía sau lò kem nằm sát đường rầy, trên Quốc Lộ I. Được non nửa năm một người bỏ cuộc, rồi cuối năm ông cháu cũng bỏ cuộc, hắn phải dọn nhà ở chung với Quang, một bạn cùng lớp, khu chợ gần bên nhà cô nhỏ mắt tròn Kim Sa và nhà anh em Hân, Thoả ở đầu con hẻm. Đến hết năm đệ Tam, người bạn còn lại cũng chuyển trường về tận Long Xuyên và hắn chào đón một người bạn khác vừa tốt nghiệp Trung Học Võ Đắc tới. Chúng hắn thuê nhà trên đường Nguyễn Tri Phương, gần nhà Huỳnh Văn Tân bạn cùng lớp, con ông Huyện Ngàn.

Đầu năm Đệ Nhất, hắn và người bạn Võ Đắc và Huỳnh Quy thuê phòng trọ rộng rãi, khang trang hơn, không còn nhớ là đường gì nhưng không xa nhà của Hải Quân Nguyễn Văn Thiếu bao nhiêu. Và đó là nơi ở trọ cuối cùng của hắn tại Long Khánh.

Những Vui Buồn Với Long Khánh

Sau khi được sự chấp thuận của các bậc cha mẹ, 4 học trò vừa tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhất Cấp được gia đình cho mỗi người một chiếc xe đạp khá tốt để làm phương tiện đi học xa. Theo giao ước với phụ huynh, chúng hắn sẽ cùng nhau đạp xe về thăm gia đình và để lấy thêm gạo, tiền mỗi tháng một lần, trừ những mùa thi cử. Đoạn đường khoảng 40 cây số một chiều mà sao xa vời vợi và đầy hiểm nguy. Con đường độc đạo từ Võ Đắc tới Suối Cát, Gia Rây, nhỏ hẹp đi xuyên qua một khu rừng già âm u, bạt ngàn thường xuyên có thú dữ như voi, cọp, và Việt cộng thường đắp mô. Vì vậy, chúng hắn được căn dặn cùng đi một lúc, cùng về một lần.

Có một lần, trời đang mưa lất phất như sương mờ, cả 4 đang đổ dốc ngon trớn, chợt một con voi to lớn bất ngờ bước ra đứng chắn giữa đường!!! Cả 4 thắng gấp, quày xe chạy ngược, đạp như bay lên đầu dốc một cách tài tình. Tới lúc tỉnh hồn mới thấy nỗi sợ hãi là một sức mạnh mầu nhiệm. Cũng như có vài lần bị VC đắp mô, anh em không dám vượt qua đành quay lại Long Khánh nhắn tin gia đình gửi tiếp tế qua xe đò.

Chúng hắn dân nhà quê lên tỉnh nên lúc đầu có ké né, lúng túng trong cách đối xử với bạn học cùng trường cùng lớp. Thấy các bạn dân tỉnh thành ăn nói, đối xử có vẻ lớn lối, nghênh ngang nên cũng hơi ngán, mặc dầu 4 thằng nông dân tụi hắn đứa nào cũng to con tốt tướng; cho nên, thường bọn hắn muốn làm gì, đi đâu cũng đều đủ bốn mạng cho chắc ăn. Thời gian trôi qua êm thắm và bạn cùng quê cũng bỏ cuộc dài dài; cho đến hết năm Đệ Tam, hắn mới quen với môi trường và bè bạn mới.

Năm Đệ Nhị đã khá thân thuộc với bạn bè trường lớp nên tính chọc phá của hắn cũng đã bắt đầu. Trường lớp lúc đó cả hai phe húi cua và kẹp tóc học chung. Trong đám nữ sinh có hai cô nương học rất xuất sắc mọi môn và có lẽ vì vậy mà hai cô tỏ ra ‘ta đây’ lắm, kiêu kỳ lắm, coi thường lũ con trai ra mặt. Vì thế, hai cô là cái đích cho nam sinh xầm xì, chọc phá. Nhiều bạn ghét cái tính đỏng đảnh của hai nàng mà không lên tiếng lại xúi giục hắn. Nhớ một lần bọn con trai vào lớp sớm, chụm đầu bày mưu kế… đợi đến lúc cô BF vào tới cửa lớp, hắn liền hô hoán lên, “Cái gì đang lăn vào cửa dzậy tụi bây ơi?” Cả lũ hò lên, “Cái thùng tô-nô”, rồi cười toáng lên làm cô mắc cỡ sượng sùng! Và một lần chọc cô kia trong giờ toán của thầy Đại. Thầy Đại coi trọng cô ta lắm, hay nhờ cô ta lên bảng giải toán cho cả lớp. Một lần học thêm giờ Toán Thứ Bảy, chuẩn bị cho học sinh thi lục cá nguyệt; thầy Đại nhờ cô ta giải một bài toán khó. Cô nói thao thao, viết vẽ xoèn xoẹt một hơi đầy bảng, thầy hỏi cả lớp có hiểu không? Hắn vọt miệng, “Dạ thưa thầy, khúc đầu và khúc đuôi của cô ấy thì tụi em có thấy, có hiểu nhưng khúc giữa không thấy nên không hiểu!” Thế là mấy ông thần nước mặn được dịp nhao nhao, “Phải rồi khúc giữa không thấy, không hiểu!” Thầy giận đỏ mặt, cô nương bối rối, sượng sùng; kết quả lũ con trai bị ngồi học bài trong giờ ra chơi.

Vì hắn hay tìm mọi cách chọc phá, xách mé hai cô nên đám nữ sinh chắc cũng có nhiều người ghét hắn, đưa tới hậu quả hắn bị thầy Anh Văn Nguyễn Xuân Dậu phạt cấm túc hết ba ngày dài! Số là có một lần thầy tới lớp rất trễ, cả lớp ngồi đợi dài cổ, hắn nghịch ngợm lấy phấn viết chữ “diligent!” thật to trên bàn của thầy. Khi thầy vào lớp thấy chữ viết bèn nổi lôi đình, hỏi em nào to gan vô lễ? Thấy thầy giận dữ hắn sợ rúm người nên cúi mặt làm thinh, cả lớp im thin thít. Thầy hỏi một lúc không thấy ai trả lời, thầy bèn nghĩ ra cách bắt học trò mỗi người lấy một mẩu giấy nhỏ viết tên thủ phạm. Và dĩ nhiên có một số mẩu giấy ghi tên hắn nên thầy lôi cổ lên phòng Hiệu Trưởng làm giấy phạt cấm túc. Hắn biết chắc trong đó có hai nàng.

Ngoài việc thích chọc phá ra, tính tình hắn dễ hài hoà, thân thiện, hay giúp đỡ người khác và học không tệ nên cũng chiếm được cảm tình với bạn bè. Mỗi cuối niên học hắn cũng tham gia việc trao đổi nhau tập lưu bút với những dòng chữ nắn nót tình nghĩa. Trong nhóm bạn có Hồng Châu, người gốc Hoa, gia đình buôn bán tạp hoá ở chợ Long Khánh (nghe nói đã qua đời rất lâu rồi); Hồng Châu không đẹp nhưng trắng trẻo tiểu thơ, tính tình đoan trang hiền hậu. Ngày đi xem kết quả thi Tú Tài I ở Saigon năm ấy đáng lẽ Châu cùng hắn đi nhưng phút cuối cô đổi ý, vì cô nghĩ cô không có cơ hội đậu, sợ sẽ khóc trước mặt mọi người nếu không thấy tên trên bảng vàng. Hồng Châu tin tưởng nhờ hắn xem hộ. Hắn về tới Saigon xem kết quả thấy cả hai cùng đậu dù hạng cao thấp có khác nhau… Hắn vui mừng loanh quanh chơi ở Saigon vài hôm mới về lại Long Khánh báo tin. Tính chọc phá lại nổi lên, hắn làm mặt buồn tới nhà nàng báo tin. Hồng Châu ra cửa hàng đón hắn vào bên trong với nét mặt buồn buồn; dường như nàng đã chuẩn bị tinh thần cho một tin xấu. Thấy bản mặt “đưa đám” của hắn nữa, có lẽ nàng chắc là “tiêu tùng” rồi nên cũng làm thinh không hỏi! Hắn cũng ngồi yên, được một lúc nàng mới lên tiếng, “Thì anh cứ nói thiệt đi, Châu rớt rồi phải không?” Thấy nàng buồn quá nên nói ngay, “T. tới báo tin vui cho Hồng Châu, nhưng T. buồn vì T. là người rớt! Chắc phải đi trình diện nhập ngũ nay mai rồi!” Hồng Châu trợn mắt, nói như hét, “Châu không tin… không tin anh rớt mà Châu đậu!” Rồi thấp giọng, “Chắc Châu rớt nên mấy bữa nay anh không dám tới báo tin xấu chứ gì!” “Không phải, chỉ vì T. buồn quá nên đi chơi mấy hôm cho khuây khoả trước khi về lại Võ Đắc chuẩn bị hành trang lên đường nhập ngũ!” Hồng Châu hỏi lại mấy lần nữa, nhưng… đã lỡ phóng lao, hắn không dám thay đổi. Nàng bay tới ôm chầm lấy hắn, oà khóc nức nở khiến Mẹ của nàng đang buôn bán phía trước phải chạy vào hỏi thăm. Có lẽ nàng khóc vì sung sướng pha với sự mủi lòng cho hoàn cảnh của hắn. Hắn ra về trong lòng áy náy, dự định sẽ xin lỗi nàng khi trường tái khai giảng.

Ngày đầu tiên vào lớp Đệ Nhất, Hồng Châu đã thật sự giận hắn, không cho hắn cơ hội nói lời xin lỗi. Học xong ra về, cố tình tránh mặt, hắn tới nhà không tiếp… Hắn có lỗi với nàng chỉ vì tính tinh nghịch nên muốn làm hoà chứ không phải vì có tình cảm đặc biệt gì cả. Cố gắng sau cùng của hắn là viết một thư xin lỗi ngắn, lén kẹp vào sách để trên bàn học của nàng trong giờ ra chơi, nhưng vẫn không thay đổi được gì. Rồi chuyện học hành sách vở chiếm hết thời gian, hắn không còn quan tâm tới nàng nữa cho tới khi rời trường cuối niên học.

Một kỷ niệm cũng đáng nhớ nữa với nàng Suối Tre. Nàng Suối Tre có dáng nhìn tròn trịa, dễ thương nhưng nghiêm trang, xong học là ra về, ít khi sinh hoạt với trường lớp. Nhiều bạn muốn làm quen nhưng chẳng được việc gì; ngoài việc trao đổi chuyện học hành, hắn và nàng không có liên hệ nào đặc biệt mặc dù hắn dành cho nàng nhiều cảm tình.

Nhưng vào một ngày đẹp trời, trời đẹp thiệt, ánh nắng vàng óng ả như tơ, rừng cao su Suối Tre với những con đường uốn lượn quanh co, nàng chịu ngồi đằng sau cho hắn đưa về trên chiếc Honda ’67 màu đen tuyền, mượn được của Huỳnh Quy, sau giờ tan học. Dĩ nhiên là một dịp may hiếm có, dễ gì hắn chịu chạy thẳng một mạch về nhà nàng như đã hứa lúc đầu. Mặc cho nàng thúc giục, hắn cứ chạy mải mê, lượn quanh những con đường nhựa nên thơ rợp bóng. Nàng ngồi dính cứng trên yên xe, tay nắm chặt khung sắt ghế ngồi dù hắn cố tình thắng tới thắng lui.

Một lúc khá lâu, nàng nói như năn nỉ, “T. cho tui đi về ngay bây giờ, tui về trễ bị Ba tui đánh đòn tui sẽ ghét T. suốt đời à nghen!” Hắn vẫn nghe bạn bè nói là Ba nàng rất khó tánh, bây giờ nghe chính miệng nàng nói nữa nên không dám liều lĩnh thêm. Hắn cho xe chạy chậm lại về hướng nhà nàng. Khi còn cách khoảng khá xa, nàng nhất định xuống xe, biểu hắn chạy trở lại Long Khánh và đứng chờ cho tới khi hắn mất hút sau rừng cao su xanh ngát mới đủng đỉnh đi bộ về nhà.

Lũ con trai biết hắn chở được nàng Suối Tre về nên tỏ vẻ thán phục lắm, nhất là ông bạn Huỳnh Quy ở chung nhà. Và đó là lần duy nhất, dù về sau hắn vẫn gạ chở nàng về nhiều lần nhưng lòng nàng không lay chuyển…

Mới gặp lại nàng kỳ hội ngộ năm rồi, hắn hào hứng kể lại chuyện xưa tích cũ… nhưng hỡi ôi, nàng nói không nhớ!!! Không biết vì thời gian quá lâu, kỷ niệm quá mỏng, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời nên nàng thực sự đã quên hay cố tình quên khiến cho hắn bồi hồi tấc dạ.

Quà Tặng của Người Long Khánh

Món quà đầu tiên của Người Long Khánh hắn nhận được từ một cô nhỏ hàng xóm, ở cách nhà trọ của hắn, trên đường Nguyễn Tri Phương, bởi một lối đi bộ cách ngăn bằng hàng dâm bụt cao tới đầu. Đó là nửa trái Sầu Riêng, vào một buổi trưa gần cuối mùa học!

Nhà nàng có mấy cây Sầu Riêng sai trái đang độ chín, mùi hương là lạ tạt vào mũi khiến hắn thắc mắc nói với bạn, “nghe người ta nói trái Sầu Riêng ăn ngon lắm, nhưng sao tao thấy không thơm như mít.” Người bạn tỏ vẻ sành sỏi, “ngon hơn mít nhiều chứ, mình không đủ tiền mua ăn đâu!” Hắn chép miệng, “bao giờ có tiền mình ăn thử ra sao.”

Một hôm đi học về ngang qua lối nhỏ, tình cờ thấy một quả Sầu Riêng chín rụng trên lối đi nhưng đã bị sâu một phần. Hắn ngó quanh rồi cầm lên hít hà. Người bạn tưởng hắn muốn lấy nên can ngăn. Hắn cười bảo, “tao chỉ ngửi thôi để làm quen với mùi thơm lạ.” Nói xong đặt xuống một bên hàng rào rồi vô nhà.

Buổi chiều hắn đang ngồi học bài bỗng thấy nàng hàng xóm đột ngột xuất hiện, nhanh chóng đặt một phần trái Sầu Riêng rụng lúc nãy trên bàn học của hắn rồi chạy biến, không nói lấy một lời! Hắn vụng về nói với theo tiếng cám ơn rồi nhìn lại trái Sầu Riêng đã được nàng cắt bỏ phần hư hỏng trước khi đem tặng, mùi thơm ngào ngạt… và đó là lần đầu tiên hắn biết ăn Sầu Riêng!

Thỉnh thoảng đi học về, hắn vẫn bắt gặp đôi mắt thơ ngây của nàng nhìn sang từ sau khung cửa bếp được che chắn bởi hàng rào dâm bụt, rồi biến mất. Có lẽ nàng mắc cỡ nên tránh mặt không cho hắn có cơ hội nói với nàng rằng, “vị Sầu Riêng của nàng rất ngon, rất ngọt.” Và cứ thế cho đến cuối mùa học… để rồi, dòng đời đưa đẩy hắn về phía trước, còn đôi mắt thơ ngây đó càng lúc thụt lùi lại đàng sau nhưng hương vị ngọt bùi của miếng Sầu Riêng ngày nọ vẫn còn phảng phất trong hắn.

Món quà thứ hai và cũng là món quà cuối cùng hắn nhận được của Người Long Khánh. Đó là chiếc khăn tay trắng, viền xanh đỏ, ở một góc có thêu dãy núi màu xanh rêu, trên dãy núi có đôi chim yến bay bên nhau về hướng mặt trời đang mọc. Nàng là em gái của thằng bạn học của hắn. Thằng bạn có hai đứa em gái, nhưng cô em út rất xinh. Hắn cứ tìm cớ tới nhà bạn học bài, làm bài chung để lén ngắm nàng. Cô nhỏ vô tư không để ý gì đến ánh mắt trìu mến của hắn trong khi cô chị cứ theo hắn hỏi bài. Hắn thầm thắc mắc, thấy bài cô hỏi đâu có khó gì mà sao cứ hỏi, sao không hỏi thằng anh? Một lần hắn nói thẳng ý của hắn, bị cô nhỏ phụng phịu, “mỗi lần hỏi là bị ảnh nạt nên không muốn hỏi nữa.” Hắn tưởng thiệt nên dằn lòng chỉ dẫn.

Và cứ thế cho tới khi tiếng trống tan trường điểm thùng thùng, mùa hè đã đến, tiếng ve sầu vang vọng đó đây, xác phượng lả tả rơi trước cửa lớp, hắn rời trường về quê mới khám phá ra chiếc khăn tay nằm gọn gàng trong tập thơ tình của Xuân Diệu nàng mua tặng, có dòng chữ viết tay nắn nót:

Tặng anh chiếc khăn thêu
Thay những lời muốn nói
Đường đời xa diệu vợi
Mong có ngày gặp nhau

NTM


« TRANG NHÀ »