Bút Ký Chuyến Đi Sydney I

ngày 1.12.16

Suốt hơn tuần lễ ở Melbourne đầy rẫy những sự kiện; tình cảm thân thương của bạn bè và người thân để lại trong lòng tôi bao niềm vui chan chứa. Thế nên:

Tôi vẫn hát dưới bao vầng nhật nguyệt
Nghe dư âm lồng lộng buổi thu vàng
Vẫn nô giỡn với bạn bè thân thiết
Có ngại gì mưa gió chở mùa sang

Vâng, đâu có ai ngại gì khi chung quanh ta toàn là những gương mặt thân thương của bè bạn; nhất là Úc châu đang trong mùa xuân. Cái se lạnh đầu xuân rất dễ thương làm thăng hoa cho những chiếc áo khoác hững hờ trên bờ vai con gái…

* * *

Hương Thảo đưa vợ chồng chúng tôi và anh Hồng ra phi trường sớm hơn dự định. Tôi tính tới sớm để tìm anh Lợi, nhưng khi liên lạc được thì vợ chồng Hùng Trà đã giúp anh ấy làm xong thủ tục lên máy bay. Chúng tôi cùng rủ nhau ăn sáng và uống cà phê trong lúc chờ đợi. Khi xong thì mọi người kéo nhau vào cổng. Hùng Trà cũng vào tới tận cổng đưa. Bay nội địa ở Úc châu rất dễ như bên Mỹ trước biến cố 9/11, an ninh phi trường cho đưa đón người thân tới tận cổng lên xuống máy bay.

Đáp xuống Sydney lúc 10g sáng. Theo sắp xếp của Hùng, Hoàng – học trò cũ của anh Lợi – sẽ đón chúng tôi ở phi trường, rồi đưa vợ chồng tôi với anh Hồng về khách sạn, còn anh Lợi sẽ về ở chơi với gia đình Hoàng suốt những ngày ở Sydney. Cũng như Hùng, đây là lần đầu tiên Hoàng gặp lại anh Lợi sau 1975; hơn nữa, anh Lợi cũng thân thuộc với gia đình Hoàng nên tôi nghĩ đó là một sắp xếp rất hữu tình và hợp lý.

Ra khỏi cổng phi trường, phải đợi và tìm kiếm lòng vòng một lúc khá lâu mới gặp chị của Hoàng ở trong khu đậu xe. Bao nhiêu năm cách biết mà chị nhận ra anh Lợi ngay khi thấy chúng tôi quanh quất tìm. Chị gọi điện thoại cho Hoàng, một lúc sau mới thấy Hoàng xuất hiện. Hoàng cho biết ít khi đưa rước ai ở phi trường nên không rành đường sá cho lắm. Tôi bấm địa chỉ khách sạn vào Google Map, nhưng Hoàng không muốn coi vì sợ lái xe loạng quạng. Hoàng nói để ngó vào tập sách bản đồ địa phương “chắc ăn” hơn. Tôi lấy làm lạ, google map chỉ đường, vừa nghe nói vừa thấy đường đi mà khg chịu lại coi sách bản đồ? Chỉ vì mình nhờ người ta nên không muốn nói nhiều… Thế nhưng, cái lo sợ của tôi thành sự thật, Hoàng chạy loanh quanh một hồi lâu, tôi âm thầm phối kiểm với google map thấy càng lúc càng xa hơn! Tôi nói cho Hoàng biết như vậy thì Hoàng nói không biết đường trở lại và đề nghị đưa chúng tôi tới trạm xe điện để đi. Mặc dù rất hoang mang vì chưa biết đường sá nhưng đi thêm với Hoàng cũng chẳng tới đâu càng thêm bực mình. Tôi nói với Hoàng cho chúng tôi xuống để đón taxi về khách sạn được rồi. Có lẽ là một đề nghị hợp ý Hoàng nên chàng cho chúng tôi xuống xe đón taxi thiệt.

Chia tay chị em Hoàng và anh Lợi, chúng tôi đón taxi về tới khách sạn vùng Potts Point, khu Kingcross lúc 11g30 sáng. Khách sạn này do nhà tôi nghiên cứu trên internet qua Airbnb (dịch vụ cho mướn phòng, share nhà, thuê khách sạn) cả tháng mới có được. Nó giống như một căn appartment một phòng rộng rãi, thoáng mát, có đầy đủ tiện nghi và một sofa bed ngoài phòng khách. Hồi xưa nghe nói khu này “là khu đèn đỏ” nhưng buổi tối tôi và anh Hồng “tìm hoài hổng thấy”… vì nay đã trở nên một khu khang trang, an ninh, có rất nhiều tiện nghi cho khách du lịch dài hạn. Hàng quán hai bên đường chen chúc với khách sạn và phòng nghỉ, đặc biệt ga xe điện chỉ cách trăm thước.

Sáng hôm nay Sydney lạnh căm; khách sạn nằm trên con đường Victoria St., đầy phấn hoa vàng bay trong không khí như sương rơi làm chúng tôi hắt hơi liên tục. Làm thủ tục lấy phòng xong, có anh Quang, bạn anh Hồng ghé tặng cho anh Hồng thẻ đi xe điện, hẹn gặp ngày Thứ Hai rồi ra về liền; chúng tôi đi ăn trưa và ghé tiệm thuốc tây gần bên để mua khăn bịt mũi vì nghĩ mình ở đây cả tuần lễ chắc chịu không thấu.

Thăm một người bạn, bạn của một người bạn

Theo chương trình đồng ý trước, chiều nay chúng tôi có hẹn đến dùng cơm tối với một người bạn quen biết vài năm nay nhưng chưa từng gặp mặt. Theo hướng dẫn, chúng tôi đi xe lửa đến ga Paramatta để bạn đón về nhà.

Bạn cho xe chạy một vòng ở các vùng đồi lân cận, chạy qua các di tích lịch sử của phần đất này. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, bạn là Giảng sư Tiến sĩ đang dạy đại học; một người hiện độc thân nhưng là nội ngoại của một lô 7 đứa cháu. Dù vậy, các con cháu đã có cơ nghiệp riêng, rất thành đạt. Chúc mừng cho bạn.

picture1

picture2Khi xe lọt vào bên trong cánh cổng tự động, đó là một khu đất của một ngọn đồi có tường cao, xây bao bọc chung quanh, chúng tôi sững sờ trước cơ ngơi của bạn. Bên trong là hai căn nhà xây kiểu cổ, khá lớn nối kết với nhau, nhiều tượng đúc rất lớn nằm rải rác trong khắp khu vườn từ trước ra sau; nhìn xuống thung lũng có mặt tiền hướng đông và mặt sau hướng về phía mặt trời lặn. Trong email gửi mời chúng tôi ăn tối, có đoạn bạn viết, “… chúng ta sẽ dạo quanh xem phong cảnh và rồi ăn chiều trên sườn đồi nhìn cảnh mặt trời lặn…”, tôi ngỡ đó là điểm hẹn ở một nhà hàng nào trong vùng. Nhìn cơ ngơi tôi thầm kính phục một người Việt tỵ nạn như tôi lại có thể thành đạt ngoài sức tưởng tượng thế này. Với chút kinh nghiệm khiêm nhường về nhà đất ở Úc châu của tôi, tôi ước đoán cơ ngơi này (với những trang trí từ ngoài vào trong) không thể dưới vài chục triệu thời giá.

Chúng tôi mải mê dạo quanh trên ngọn đồi cả buổi chiều. Tiếc hôm nay bầu trời nhiều mây, cộng với hơi sương sớm trên đồi bị che khuất bóng chiều mà theo bạn sẽ “rất tuyệt vời”. Cả lưng đồi phía sau là một dàn solar vĩ đại; bạn nói là để cung cấp điện nhà và bán số lớn cho chính phủ thu lời hàng tháng.

Một bữa ăn Tây Phương với soup, salad, main course với thịt bò, bánh ngọt tráng miệng khá thịnh soạn được dọn ra, hết món này tới món khác, do chính bàn tay chủ nhân sửa soạn hôm nay. Phòng ăn nằm không xa bếp, bàn đặt bên cửa sổ toàn kính nhìn xuyên suốt phong cảnh phía tây lưng đồi, có ráng chiều nhưng mờ mờ hơi sương; có nến lung linh, có chai rượu vang bạn nói rất đặc biệt để đãi khách. Bạn cứ tiếc, “chiều nay không thấy sunset như những ngày nắng ấm, ngồi bên ngoài thưởng thức thì hay biết mấy!”

Ăn xong, chúng tôi được bạn hướng dẫn đi quan sát trong nhà. Những bức hình vô cùng dễ thương của lũ con cháu, những tranh ảnh quý hiếm được trưng bày khắp nơi… mỗi thứ nằm ở mỗi chỗ như có ý dành riêng để đặt đúng vào vị trí của chúng. Chúng tôi không những ngưỡng mộ tài năng và sự thành đạt của bạn mà còn khẩu phục, tâm phục chiều sâu và con mắt nghệ thuật của chủ nhân nữa.

Biết sáng mai bạn sẽ phải bận rộn với công việc trường học, chúng tôi ngỏ lời từ giã. Bạn lưu luyến đưa chúng tôi trở lại sân ga, đứng nhìn theo cho tới khi chúng tôi mất hút sau lối vào. Cám ơn bạn đã cho chúng tôi một buổi chiều tuyệt vời, một chút hạnh phúc trong cuộc sống sung túc của giới thượng lưu.

Gặp Nhà báo Nguyễn Toàn và nhạc sĩ La Tuấn Dũng

Sáng Chủ Nhật, anh Nguyễn Toàn đi xe lửa lên khách sạn gặp chúng tôi theo lời hứa, lúc 10g sáng. Anh Toàn là một người bạn mới quen qua nhóm bạn văn nghệ sĩ Úc châu của anh John Thuỵ nhưng anh rất nhiệt tình, vui tính, thân thiện và cởi mở. Anh là người trả lời email tôi nhanh chóng và đầy đủ nhất mỗi khi tôi email xin cố vấn cho chuyến đi thăm Sydney.

Sáng nay anh tình nguyện làm hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đi thăm thắng cảnh Sydney. Anh đưa chúng tôi hai thẻ đi xe lửa để sử dụng trong ngày. Anh Hồng đã có sẵn. Chúng tôi đi Circular Quay để thăm Opera House, khu nổi tiếng nhất của nước Úc. Trên đường đi, anh giải thích cho tôi về phương tiện đi lại ở Sydney. Hệ thống xe điện, xe lửa, xe bus ở Sydney chằng chịt như mạng nhện nên phương tiện đi lại rất dễ dàng, rất tiện lợi, rất phổ thông, trong khi đường sá chật hẹp, kẹt xe mù trời. Dần dà, việc lái xe nhà trở nên hiếm hoi, bất đắc dĩ làm cho một số người trở nên quờ quạng khi bắt buộc phái lái xe riêng; chưa kể tới chi phí xăng dầu đắt gần bốn lần so với nước Mỹ. Hơn nữa, các phương tiện công cộng này đều giảm giá cho quý vị cao niên, đặc biệt cuối tuần chỉ có $2.50/ngày, đi bất cứ phương tiện gì, từ xe lửa, xe điện, xe bus, phà. Dĩ nhiên chỉ có cao niên của Úc châu mà thôi.

picture3

picture4

Hải cảng Sydney, Circular Quay là một nơi nhộn nhịp, vui tươi. Nhìn đâu đâu cũng người và người. Đây là khu du khách nổi tiếng thế giới nên ai đến nước Úc cũng cố gắng đến nơi này. Phần lớn, số đông là khuôn mặt Á châu. Tai tôi nghe thấy tiếng Tàu, Nhật, Đại Hàn cùng khắp đó đây. Ai ai cũng chụp hình, quay phim, làm dáng… Trong lúc dừng lại nghỉ chân, anh Toàn lấy túi xách khỏi vai mà anh vẫn mang kè kè từ sáng tới giờ. Anh mở cho tôi xem vật dụng đựng bên trong, một chai Remy Martell loại nhỏ, một chai rượu vang, hai cái chung và hai cái tách… Tôi bất ngờ và bật cười thành tiếng, tôi đưa máy lên chụp để làm kỷ niệm. Anh hỏi anh Hồng và tôi muốn uống loại nào? Anh Hồng cười và tôi nói, “Dân lính tráng mà, ông uống thứ nào chúng tôi uống thứ đó.” Anh lấy chai Remy rót cho mỗi người nửa chung. Nghỉ một lúc, chúng tôi lại chen lấn để làm như mọi người, chụp hết tất cả mọi góc cạnh của con sò. Cho đến 12g trưa, kéo nhau lên xe điện về khu phố Việt Nam Cabramatta để hội ngộ với nhạc sĩ La Tuấn Dũng ở nhà hàng Hương Xưa như đã hẹn trước.

picture1

picture2

picture3Khu Cabramatta là khu người Việt đông đảo nhất Sydney. Nhìn hàng quán chung quanh toàn là tiếng Việt, hầu hết nói tiếng Việt vang trời, từ hàng quán bên trong ra tới hàng quán bên ngoài; thấy nhiều cô, nhiều bà bán lẻ cây trái ở lề đường, và người qua lại rộn rịp cả đường phố.

Chúng tôi tới điểm hẹn Hương Xưa nhưng La Tuấn Dũng không thể đúng hẹn vì công việc quá bộn bề. Chúng tôi dùng buổi trưa theo gợi ý của anh Toàn, thưởng thức nốt chai rượu vang xong đi vòng vòng “thăm dân cho biết sự tình”… một lúc khá lâu, kéo nhau đi thăm khu Tượng Đài Việt Úc, niềm hãnh diện của Cộng đồng người Việt Sydney. Trong lúc này, La Tuấn Dũng nhập đoàn với chúng tôi, tay bắt mặt mừng; anh xin lỗi đã không thể đúng hẹn.

La Tuấn Dũng là một nhạc sĩ rất trẻ, kho tàng âm nhạc của anh hầu hết là nhạc Phật giáo được lưu giữ trên webblog riêng mà anh có lần đã giới thiệu lúc mới thư từ qua lại. Anh là mẫu người cười nhiều hơn nói, hiền lành như âm nhạc của anh, tâm tánh thuần khiết, đôn hậu, chân tình. Mới gặp đã phát sinh lòng cảm mến.

Rời tượng đài, anh em kéo nhau đi thăm Chùa Phước Huệ ở Weatherill Park, cách đó khoảng 20 phút lái xe. Vợ chồng tôi đi chung xe với Dũng trong khi anh Hồng đi với anh Toàn. Chùa Phước Huệ là một chùa lớn ở vùng này. Đến nơi thấy chùa đang sửa sang, không có sinh hoạt gì đặc biệt, có một số Phật tử làm công quả và nhiều công nhân đang sửa sang; vì thế chúng tôi đi loanh quanh thêm một lúc rồi chia tay nhau sau khi thăm tháp 7 tầng giữa những bừa bộn tu bổ.

Vợ chồng tôi và anh Hồng đáp xe điện trở lại khu Hải cảng Sydney để mua vé phà đi thăm Cockatoo Island hết buổi chiều, rồi vòng qua Manly Beach khi màn đêm buông xuống. Đi phà nguyên buổi chiều và một phần đêm rất hứng thú. Nhìn hải cảng hoàng hôn đi dần vào đêm với hàng vạn ánh đèn màu lấp lánh phản chiếu trên mặt nước êm đềm.

Khi về lại khách sạn thì đã khá trễ, cái mệt mỏi một ngày lang thang làm rệu rã đôi chân không còn tráng kiện. Uống với anh Hồng ly vang chào buổi tối trước khi lên giường tìm vào mộng.

Anh chị Cao Quang Võ & Mỹ Duyên

Theo lời hứa, đúng 9g sáng Thứ Hai, vợ chồng anh Quang có mặt tại khách sạn. Hai ôn mệ tình tứ dắt nhau đi xe lửa đến đây để hướng dẫn 3 chúng tôi tiếp tục khám phá Sydney.
Anh Quang và chị Mỹ Duyên là dân Quảng Trị, bạn học cùng trường, người cùng quê với anh Hồng. Anh và chị là hai thực thể bổ túc cho nhau một cách hài hoà. Dù hai người đã là U60+ nhưng nét tươi trẻ, nhanh nhẹn, vui tươi còn hiển hiện trong từng lời nói, cử chỉ, hành động. Nhất là chị Mỹ Duyên, hình bóng một thời hoa khôi còn thấp thoáng trên gương mặt trắng hồng, nụ cười tươi thắm. Mới gặp nhau lần đầu mà cảm thấy như đã quen biết từ lâu vì tấm chân tình của anh chị. Anh hay cười và chị thay anh làm phát ngôn viên. Câu chuyện được nghe, anh lo chuyện bên ngoài, chị là nội tướng đúng nghĩa, lo cho chồng con từng li từng tí, quán xuyến gia đình êm ấm từ trong ra ngoài. Chừ thì con cái đã nên người, học hành thành đạt, như lũ chim đã đủ lông đủ cánh bay xa, để lại một khoảng trống bao la trong một căn nhà rộng lớn. Anh có cơ sở làm ăn riêng, làm việc theo lịch trình tự mình sắp xếp; còn chị thích khám phá Sydney trong những giờ đối diện với căn nhà trống. Chị thích phong cảnh, thích chụp hình, thích những gì mới lạ. Là một người luôn sẵn lòng với bạn bè, nhất là những người ở xa tới.

Chúng tôi trở lại Circular Quay để bắt xe điện qua cầu đi Mission Point, bên kia Cảng Con Sò. Chị Mỹ Duyên, vợ anh Quang, rất thích chụp ảnh và xem cảnh nên ngõ ngách nào cũng rành rọt. Trước nhất chị hỏi chúng tôi có muốn đi “tour leo cầu”. Leo cầu là đi tour hết một đường vòng cung của cây cầu, tốt cho ai muốn tìm cảm giác chinh phục nỗi sợ hãi cao độ và ngắm cảnh Habour từ trên đỉnh cao. Tour này giá cả khác nhau cho người lớn – trẻ em, và tuỳ vào thời điểm trong ngày. Ví dụ giá cho bình minh $373-$263; hoàng hôn $353-$243; ban ngày $288-$188; ban đêm $248-$273. Còn nếu đi cho biết, hoặc Sampler 1/8 vòng cung ($158-$128); hoặc là Express ½ vòng cung ($248-$148). Đọc thấy cũng hay hay nhưng có vài người trong nhóm sợ độ cao nên… save được money.

Qua đến bên kia, chúng tôi theo bước chân của chị Mỹ Duyên chụp hình từ những góc cạnh khác nhau dọc ven bờ hải cảng.

picture1

picture2

mdĐi tới gần trưa, nhảy lên xe điện, anh chị Quang Duyên hướng dẫn chúng tôi đi ăn trưa ở khu Bankstown, nơi có cộng đồng người Việt đông thứ hai của Sydney.

Chúng tôi lang thang hai bên phố xá, chụp một số hình kỷ niệm gồm Trống Đồng, biểu tượng của văn minh, văn hoá VN và Con Thuyền Vượt Biển, biểu tượng cho khát vọng Tự Do Dân Chủ của người Việt tỵ nạn. Xong vào một quán ăn được giới thiệu là quán ăn có tiếng ở vùng này.

Không biết vì nhọc nhằn lội xuôi ngược cả tuần nay, hay vì không được khoẻ trong người do bụi phấn thông ngút ngàn ở khu khách sạn, mà ăn uống món gì ở đâu mấy hôm nay đều chẳng thấy ngon như bên Mỹ, mặc dù nhìn vào thấy hấp dẫn lắm lắm. Giá cả dĩ nhiên đắt hơn bên Mỹ nhiều nhưng ở Úc không có bất cứ nơi nào nhận tiền tip phục vụ.

Rời Bankstown, chúng tôi về Sydney Town Hall, dạo quanh Khu Haymarket, Darling Harbour, đi Hyde Park… Sau cùng chia tay với anh chị ở ga Trung tâm, hứa hẹn ngày hôm sau đi xem danh lam thắng cảnh Blue Mountain.

Thăm bạn học chung trường 50 năm trước

Về tới khách sạn, tôi liên lạc với Tuyết Mai, bạn học cùng trường Trung Học Long Khánh từ thập niên 1960 mời dùng cơm tối. Tuyết Mai học sau tôi một hai lớp gì đó nhưng vì nàng là hoa khôi của trường nên nhiều người biết đến kể cả tôi. Sau này khi tôi đã rời trường có nghe bạn học nói lại, nhan sắc đó đã lọt vào mắt của anh Võ Đại Tôn, một sĩ quan cao cấp trong quân đội đương thời. Rồi cuộc đời đưa đẩy mỗi người một phương cho tới thập niên 1990, tôi mới có dịp gặp lại, dù rất ngắn ngủi, ở Stockton, California; sau đó lại biệt tích cho tới hôm nay mới có dịp tìm gặp thăm nhau để “xem dung nhan đó bây giờ ra sao”! Anh Hồng muốn ở nhà nghỉ, vợ chồng chúng tôi ra xe lửa trở lại Bankstown theo chỉ dẫn của TM.

Đến cổng ra vào thấy TM tươi cười đứng đợi. Ra khỏi cổng có anh VĐT tháp tùng. Anh đưa tất cả mọi người đi ăn ở Canley Heights, khu Việt Nam đông hàng thứ ba của Sydney. Khu này người ta gọi là “khu ăn chơi” vì hàng quán mở rất khuya giống như khu Chợ Lớn ở Saigon ngày xưa vậy. Từ Bankstown tới đây thấy chạy xe cả hơn 20 phút.

picture1Sau bao nhiêu biến đổi của cuộc đời, TM vẫn còn nhiều nét dễ thương, vẫn cách nói năng như cũ, chơn chất, thân tình. Anh VĐT nói nhiều về tâm tư của một người tranh đấu cho ước vọng dân chủ tự do của quê hương đất nước mình. Tôi rất cảm phục sự kiên tâm bền chí của anh cho dù thành quả của những việc anh làm chưa được rõ nét cho lắm. Và tôi cũng rất cảm phục TM vẫn luôn đi bên cạnh hỗ trợ cho chồng một cách bền bỉ. Tôi được anh ưu ái tặng cho một CD “Hành Trình Chống Cộng 1975-2003”, một tuyển tập thơ trong ngục tù CS “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”, và một tuyển tập thơ văn đấu tranh “Tổ Quốc, Hành Trình 30 Năm”. Chữ đề tặng rất đẹp, rất bay bướm. Cám ơn anh nhiều lắm.

Bao nhiêu năm cách biệt, gặp nhau được vài giờ để biết nhau vẫn còn sức khoẻ, vẫn hạnh phúc bên gia đình, vẫn sống một đời đáng sống… là một hạnh ngộ đáng ghi nhớ. Ra về với câu nói của anh Tôn, “…Thử nhìn xem còn được bao nhiêu ông già trên 80 như tôi vẫn ngày đêm tranh đấu miệt mài cho vận hội của quê hương tổ quốc…”

Chuyến xe về khá muộn, khách không nhiều như những giờ cao điểm. Đổi xe ở ga Trung Tâm chuyển qua xe về Kingcross. Bây giờ đã có kinh nghiệm nhảy xe điện rồi, không còn loạng quạng như ngày đầu tiên. Gió vẫn từng cơn thổi buốt lạnh khi đi bộ về khách sạn. Dọc hai bên đường, đời sống vẫn sôi nổi với âm nhạc, tiếng nói, tiếng cười vang vọng một góc phố dù bụi phấn hoa vẫn trộn lẫn trong sương đêm rơi mênh mang.

…còn tiếp…


« TRANG NHÀ »