Melbourne Ký Sự I

ngày 17.11.16

Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi hơn một năm dài. Mục đích chính cho chuyến đi Úc châu là để tham dự Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm thành lập Võ Thuật Thần Phong được tổ chức ở thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria vào các ngày 29-1/10/2016.

picture1

Hội Võ Thuật Thần Phong

Võ Thuật Thần Phong bắt đầu từ Học Viện Võ Thuật Thần Phong, được xây dựng trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất từ tháng 12/1966, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH. Học viện Võ thuật Thần Phong là sáng kiến của Cố Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương, nhằm huấn luyện võ thuật cho toàn thể quân nhân Không Quân. Đây là hoài bão võ thuật hoá Không Quân của cố chuẩn tướng… nhưng rất tiếc Người đã hy sinh trong trận Mậu Thân khi Vc tấn công căn cứ đợt 2 vào đầu tháng 5/1968 trong lúc cố bảo vệ yếu khu Tân Sơn Nhất. Dù vậy, hoài bão của Người vẫn được những người chỉ huy tiếp nối phát huy dù không còn sôi nổi và sâu xa như lúc ban đầu.

Lúc đầu, học viện tuyển chọn những nhân tài thích nghi với võ thuật trong các đơn vị Không Quân ở mọi miền đất nước đem về trung tâm, cấp tốc huấn luyện họ với môn võ Taekwondo của trường phái Choi Hong Hi – thiếu tướng quân đội Đại Hàn, cha đẻ của môn phái này – rồi gửi họ về đơn vị để huấn luyện lại cho quân nhân.

Cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương, qua Bộ Tư Lệnh Không Quân, đã mời được những võ sư Taekwondo tài danh đương thời ở Nam Hàn làm võ sư huấn luyện cho học viện (gọi đơn giản là Võ đường Thần Phong); vì thế, chỉ trong vòng vài năm sau, tuyển thủ Thần Phong đã bắt đầu tạo nhiều thành tích đáng kể trong các kỳ tranh giải toàn quân, toàn quốc Việt Nam rồi đến các giải Á châu.

Vài năm sau, học viện bắt đầu giảng dạy thêm các môn võ khác như Judo, Aikido, Jujitsu, và Thiếu Lâm Bắc phái cho tới ngày đen tối nhất của lịch sử dân tộc.
Sau tháng 4/1975, các võ sư và huấn luyện viên kỳ cựu của Thần Phong bắt đầu gầy dựng lại môn phái ở hải ngoại và tiếp tục hoạt động, phát triển cho tới ngày nay. Thần Phong hiện có mặt trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, và các nước Úc châu, Canada…

Hành trình

Vì chuẩn bị lâu nên khi thấy giá vé phi cơ xuống thấp khá nhiều so với giá bình thường nên chúng tôi đã mau mắn đặt mua từ đầu năm 2016. Nhưng sự mau mắn đó đã cho chúng tôi một kinh nghiệm nhớ đời, đó là chuyến bay khá dài, có lẽ dài nhất để đi từ Houston sang Melbourne với 31 giờ đi và 32 giờ về! Tôi có hai người học trò được khuyến khích tham dự Đại Hội nhưng đã “chậm chân” mua vé một tuần lễ sau; thế nhưng, với sự chậm chân đó, họ đã mua được vé đi thẳng, chỉ tốn có 17 tiếng hành trình mà giá rẻ hơn, tiện nghi hơn!

Chuyến bay Qatar bay hơn 14 tiếng tới phi trường Hamas International, Doha nghỉ hơn hai tiếng, bay tiếp 14 tiếng sang Melbourne. Tôi đi cùng với đại sư huynh Nguyễn Văn Lợi. Nói là đại sư huynh chứ thật ra anh ấy là bạn cùng khoá đầu tiên với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Khởi nghiệp của Thần Phong là chỉ gọi nhau bằng “anh em thân tình” vì là cùng quân nhân Không Quân với nhau chứ không dùng tiếng thầy trò. Tôi đã già mà anh Lợi càng già hơn nên khi lên máy bay cơm ít ăn, rượu không uống mà ngài tìm chỗ rộng đánh giấc suốt hành trình. Phần tôi, vì là lần đầu tiên đến nước Úc nên lòng khấp khởi, tim xôn xao, ngủ gà ngủ gật trên máy bay cùng với những bữa ăn không lấy gì ngon miệng; rượu thì không có bạn hiền cho nên cũng nhạt thếch bờ môi… Vậy mà khi máy bay đến trạm, tôi đã rất tỉnh táo khi bước ra khỏi phi cơ, trực chỉ xông ra cửa hải quan tới khu hành lý gặp người đón.

Chúng tôi lên đường ở Houston vào tối Thứ Ba, ngày 27/9 và tới Melbourne vào chiều 29/09/2016. Người đón chúng tôi là võ sư Phan Cao Trí, là đầu đàn của Thần Phong Úc châu. Anh Trí đi cùng với vợ chồng người học trò thân tín của anh là võ sư Hồ Mạnh Tùng (người thứ ba trong Thần Phong Úc châu, sau anh Trí và võ sư Nguyễn Văn Tấn). Đón chúng tôi còn có cựu tuyển thủ Không Quân năm xưa, võ sư Huỳnh Phi Hùng cũng là học trò cưng của anh Lợi. Huỳnh Phi Hùng là võ sư đầu tiên khai mở Thần Phong Úc châu nhưng chỉ được vài năm rồi vì cuộc sống gia đình đã phải tạm ngưng một thời gian khá dài. Với đời sống ổn định hiện nay, võ sư Hùng hứa sẽ tiếp tục sự nghiệp võ thuật trở lại trong thời gian sắp tới.

Theo sự sắp xếp của anh Trí, vợ chồng tôi đi chung xe với vợ chồng bạn Hồ Mạnh Tùng; anh Lợi đi với Phi Hùng cùng kéo nhau về nhà anh Trí. Úc châu là một lục địa “đất rộng người thưa”, diện tích gần bằng nước Mỹ nhưng dân số thưa thớt, chỉ bằng 1/12 của Mỹ. Theo tìm hiểu, đa phần trong hơn 24 triệu dân số Úc châu chỉ thích chen chúc sống ở các thành phố lớn ven biển; vì thế, đất đai ở các thành phố vô cùng quý hiếm, nhất là Sydney và Melbourne, nên đường sá so với Mỹ có hơi chật hẹp, lại lái xe bên phải như người Anh.

Hồ Mạnh Tùng là mẫu người điềm đạm, chín chắn, ít nói và nhất mực tôn trọng sư môn. Tôi muốn là huynh đệ như truyền thống nhưng Hồ Mạnh Tùng nhất quyết gọi Thầy xưng con, cho rằng tôi là huynh đệ đồng môn với Thầy Trí nên việc xưng hô không thể khác hơn. Tôi nghĩ một người có lòng tôn sư trọng đạo như vậy nhất định là một người đáng tin cậy, đáng là gương mẫu cho những người theo sau, trong bụng có lòng mừng cho anh Trí đã có người nối nghiệp.

Về tới nhà được chị Trí tiếp đón niềm nở với bữa tiệc thịnh soạn do chính tay chị làm lấy. Chị Trí là mẫu người dịu hiền, dù con cháu đầy đàn nhưng chị vẫn còn nhiều nét của một thời xuân xanh đầy hoa mộng. Phải là một người hiền thục, đảm đang mới giúp anh Trí hết mình trong mấy chục năm dài đi theo con đường phục vụ tha nhân, phát triển hội võ thuật Thần Phong Úc châu. Dù mới gặp chị lần đầu nhưng chị rất tự nhiên và thân tình. Sau gần hai ngày ăn uống trên máy bay, bữa ăn nhà chị Trí trở nên rất ngon miệng, lại gặp bạn bè đồng môn nên cứ chuyện trò râm ran không dứt. Dù vậy, mọi người cũng hiểu là chúng tôi cần phục hồi sức khoẻ sau chuyến đi dài lê thê và chuẩn bị cho những sinh hoạt trong những ngày sắp tới. Mọi người quyết định “tan hàng cố gắng”. Anh chị Trí đã dành cho vợ chồng chúng tôi và anh Lợi hai phòng, nhưng anh Lợi quyết định ở nhà Huỳnh Phi Hùng vì Thầy Trò mấy chục năm mới gặp lại nhau, không nỡ phân ly. Khi tiệc tan, mọi người ra về là lúc tôi lăn quay ra ngủ cho tới sáng hôm sau.

Đại Hội Kỷ Niệm 50 Năm

picture2Buổi sáng, sau khi mọi người tụ tập dùng buổi ăn sáng và cà phê đầy đủ, tiền đại hội được khai mạc với lời chào mừng của võ sư Phan Cao Trí. Tham dự đại hội lần này, có lẽ vì xa xôi nên rất ít người ở xa về tham dự. Hiện diện hôm nay có Ban Điều Hành Thần Phong Úc châu gồm Chủ tịch Phan Cao Trí và đồng chủ tịch Nguyễn Văn Tấn cùng 3 Giám đốc trẻ thuộc các võ đường đang hoạt động (Tùng, Thiện, Bảo) và Huấn luyện viên Nguyễn Vĩnh Hảo, Phan Cao Thuỵ. Có sự hiện diện đặc biệt của võ sư Huỳnh Phi Hùng, người sáng lập Thần Phong Úc châu; Canada có hai vợ chồng võ sư Roy Grills vốn là đệ tử của cố võ sư Phan Văn Đức; ở Mỹ có anh Lợi, tôi, và hai đệ tử vợ chồng Huấn luyện viên Eduardo và Natacha Concepcion. Vì số người tham dự quá ít ỏi, không thể đại diện cho toàn thể môn sinh Thần Phong cũ, mới nên việc bầu cử Ban Chấp Hành cho Tổng Hội không thể thực hiện được trong lần này, các võ sư và huấn luyện viên các nơi chỉ lược qua những thành quả gặt hái được trong những năm tháng qua và cùng nhau hướng về tương lai để tiếp tục phát triển và chuẩn bị một đại hội toàn diện sau này. Buổi tiền đại hội chấm dứt trong thâm tình vui vẻ, hẹn gặp nhau trong buổi dạ tiệc kỷ niệm 50 năm thành lập Thần Phong Không Quân và 31 năm Thần Phong Úc Châu.

picture3Buổi chiều là lớp seminar cho đai đỏ cấp cao và huyền đai các cấp tại Úc châu. Tôi dạy quyền pháp và võ sư Nguyễn Văn Tấn dạy binh khí. Nhìn chung, tôi rất cảm phục tinh thần của tất cả các anh em dù kỹ thuật không đạt như mong muốn. Làm sao có thể so bì được ngày xưa mỗi võ sinh tập 6-8 tiếng mỗi ngày (lớp HLV cấp tốc của Khoá I và khoá II Thần Phong), ít ra cũng 6 tiếng một tuần cho các võ sinh bình thường khác thuộc Học Viện Võ Thuật; còn bây giờ chỉ có thể tập 2 giờ mỗi tuần đã là một cố gắng vượt bực cho những bậc cha mẹ phải tảo tần cơm áo trong đời sống mới!!! Dù vậy, các em vẫn đều đặn mang thành quả tốt đẹp về cho Thần Phong Úc châu mỗi lần dự thi tranh tài với nhiều võ đường khác, môn phái khác từ hơn 30 năm nay. Võ Thuật Thần Phong Úc châu xứng đáng là niềm hãnh diện trong cộng đồng người Việt tại đây. Cám ơn võ sư đầu đàn Phan Cao Trí và toàn thể anh chị em võ sư, huấn luyện viên đã hy sinh thời giờ, công sức để cùng nhau làm rạng danh môn phái.

Buổi tối, như đã định trước, tôi đến nhà võ sư Huỳnh Phi Hùng để gặp thăm hỏi, tiếp xúc, trao đổi với một số anh em trong làng võ đã và đang sinh hoạt tại Úc châu từ những ngày phôi thai cùng với Hùng, để biết thêm tình hình sinh hoạt võ thuật của cộng đồng VN từ đó đến nay, trong đó có cựu tuyển thủ võ sư Thần Phong Võ Hồng Sinh vì bận sinh kế không thể đến tham dự tiền đại hội với anh em như đã dự tính.

picture5Khi đến nơi đã thấy rất đông anh em đang cười nói rộn rã. Vì gặp lần đầu lại rất đông nên không thể nhớ hết tên được. Đại lược, có số anh em võ sư đã hoạt động từ những ngày cộng đồng Việt Nam ở Úc còn mới mẻ với các võ đường ở Flemington, Kensington, Broadmeadows, St. Albans, Thomastown, trong đó có anh Nguyễn Văn Hoá, Lê Tấn Đạt, Võ Hồng Sinh, Long, Ken,… với đại sư huynh Nguyễn Văn Lợi, vợ chồng chủ nhà, vợ chồng tôi. Câu chuyện xoay quanh những kỷ niệm đầu đời, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm tạo dựng và phát triển võ nghiệp nơi xứ người. Anh em trong làng võ cũng có đề cập đến sự phát triển và nội tình Thần Phong Úc châu từ những năm tháng ấy, nhưng anh Lợi và tôi tế nhị hướng dẫn câu chuyện đi về tương lai và kêu gọi sự tương kính, đồng hành của mọi người để có những sinh hoạt võ thuật lành mạnh trong cộng đồng chúng ta. Buổi tiệc kết thúc trong không khí vui vẻ, thân tình bằng những câu chúc lành cho nhau, hẹn có dịp gặp lại.

còn tiếp


« TRANG NHÀ »