Hạnh Phúc Lang Thang

ngày 12.08.19

V_46


Sáng giật mình tỉnh giấc, nhìn đồng hồ đã hơn 8g. Điều này cũng khá bất thường vì tôi rất không thích dậy trễ. Muốn tung chăn ngồi dậy nhưng bờ vai có người đang gối. Thấy nhà tôi nằm yên, ngoan ngoãn như con mèo. Tôi nhỏ nhẹ nói khẽ bên tai nàng, “Em à, mình dậy đi thôi, cái hẹn chạy xe đạp mấy tuần qua đang đợi kìa.” Nhà tôi cựa mình một cách lười biếng, ôm chặt tôi thêm chút nữa rồi buông ra, ngồi dậy tỉnh queo. “Ừ nhỉ, mình dậy ngay đi anh.”

Sau khi đánh răng và sửa soạn phần tôi xong, tôi đi pha cà phê và đựng vào trong hai chiếc bình nhỏ, máng lên xe đạp trong khi nhà tôi sửa soạn phần nàng. Nhà thật vắng vẻ sau buổi tiệc Giáng Sinh hôm qua. Buổi tối, sau khi mọi người ra về, 4 đứa nhỏ và anh chị em dì chú cũng kéo nhau đi chơi đêm và ở lại nhà con gái dưới phố, trả lại sự yên tĩnh cho “hai con khỉ già” và chúng tôi cũng chỉ dọn dẹp sơ sài trước khi mệt mỏi đi ngủ… Căn nhà còn bừa bộn, bàn ghế còn ngổn ngang nhưng chúng tôi cần phải tạm thời quay lưng để có thể làm tròn “lời hẹn ước”.

Sau khi ăn vội hai nắm xôi còn lại của ngày hôm qua, chúng tôi đạp xe trực chỉ bờ sông, khu King’s Harbor Square. Khu dòng sông này là nơi chúng tôi rất thường thăm viếng, hoặc dạo quanh hoặc ăn uống… đôi ba tuần hoặc mỗi tháng một lần; đặc biệt những đêm trăng sáng khi cảnh trí chung quanh dòng sông lung linh, mờ ảo cùng với những tiếng nhạc êm dịu phát ra từ những hàng quán trên bờ hợp cùng tiếng máy đuôi tôm của vài du thuyền nhỏ cập bến mua vui, tiếng cười nói nhỏ nhẹ của những người ngoạn cảnh làm cho khung cảnh bờ sông thơ mộng lạ thường.

Nắng hanh hanh và trời vẫn âm ẩm. Gió tạt từng cơn nhưng không mạnh lắm cũng xua bớt độ ẩm đang vây kín không gian. Dù đang trong mùa lễ lạc, xe cộ ngoài đường cũng ít hơn mọi khi nhưng chúng tôi vẫn chọn đi con đường greenbelt ngoằn ngoèo, quanh quẹo vừa thơ mộng, vừa an toàn dẫu có xa hơn.

* * *

Hai chiếc xe đạp của chúng tôi sử dụng là hai chiếc xe “mượn dài hạn” của ông bạn Mỹ nhà kế bên. Hai chiếc xe nhẹ tênh nhưng rất vững vàng vì là loại xe chạy đường trường của những người chuyện nghiệp. Chúng tôi cũng đã có 3 chiếc nhưng là loại bình thường, nặng nề. Một lần chúng tôi đi bờ sông mùa hè vừa qua, nhà tôi phải xin nghỉ giữa chừng vì mệt. Sau lần đó tôi quyết định tìm mua xe cũ, loại tốt hơn… nhưng chiếc nào chúng tôi vừa ý thì cái túi lại không chịu.

Bỗng tôi nhớ ông bạn hàng xóm có rất nhiều xe đạp. (Vợ chồng anh hàng xóm và chúng tôi dù liền sân, sát vách nhưng không thân thiết nhau như kiểu VN. Mỗi lần tình cờ gặp nhau trước ngõ, sau vườn, hay ở chợ đều là những cái bắt tay niềm nở và những câu xã giao rất… Mỹ rồi việc ai người ấy lo; chúng tôi chỉ qua lại với nhau trong những dịp đặc biệt quan trọng hay mỗi năm tặng quà Giáng Sinh cho nhau một lần. Năm bão Ike viếng Kingwood, nhà họ không hề hấn gì nhưng nhà tôi bị cây ngã sập một góc thì vợ chồng con cái họ đều chạy qua giúp đỡ dọn dẹp ân cần và phụ tôi cắt dọn cái cây ngã khá lớn…)

Hai vợ chồng anh ta cũng thường đạp xe với nhóm của họ mà chúng tôi không có phương tiện và thời gian để theo. Tôi bèn chạy sang hỏi, “Thấy anh có nhiều xe đạp, có chiếc nào không còn dùng bán lại cho tôi một chiếc?” Anh ta vui vẻ dắt tôi ra nhà đậu xe, chỉ đám xe đạp ngổn ngang rồi nói, “You thích chiếc nào thì lấy một chiếc, trừ hai chiếc kia.” Biết là chiếc nào giá cũng cao (vì tôi xem trên internet biết sơ sơ rồi) nên chỉ dám rờ chiếc “coi được” thôi. Tôi nói anh bán rẻ cho tôi đạp vòng vòng vì chiếc xe tôi quá cũ rồi. Anh ta bảo tôi cứ lấy đi rồi tính sau. Tôi nói, “Thôi cho tôi trả tiền cho xong khỏi phải thiếu nợ bận lòng.” Mà thật vậy, tính tôi không thích thiếu nợ từ khuya rồi. Mua bán sòng phẳng, thanh toán tiền ngay là cá tính được vợ tôi nhiệt liệt hoan hô. (Nhiệt liệt hoan hô đến độ tôi trở thành người nắm giữ tài chánh trong nhà từ hồi nào quên mất. Nhà tôi dễ thương hết biết, tiền lương đi làm chạy thẳng vào trương mục nhà băng do tôi quản trị; sổ chi phiếu không màng giữ, tiền còn hết bao nhiêu không cần để ý, chỉ cần giữ mấy thẻ tín dụng; dù vậy, khi nào cần tiền mặt hoặc cần mua sắm gì với số tiền trên trăm thì lại hỏi và chờ tôi bật đèn xanh.) Thế nhưng anh hàng xóm lại xua tay, “Tôi chỉ cho you mượn, khi nào chán thì trả lại cho tôi chứ không bán.” “Nhưng anh giữ nhiều xe để làm gì, tôi chưa thấy anh dùng chiếc này lâu lắm rồi?” “You thấy tôi có bao nhiêu chiếc xe chưa nhưng tôi không muốn bán. You đừng bận tâm, cứ sử dụng nó đi, bao giờ hết muốn thì trả lại.” “Nhưng rủi hư hao hoặc bị mất cắp thì sao?” “Không sao hết, không có vấn đề.”

Tôi ngập ngừng dắt xe về trình bà đô thị. Dĩ nhiên bà đô thị không chịu, biểu tôi qua trả tiền hoặc trả xe. Tôi dắt xe qua nói với anh bạn, vợ anh ta nghe chuyện ra nhà xe đem thêm ra một chiếc nữa rồi bảo tôi, “chúng tôi cho hai người mượn hai chiếc luôn để đi cho có cặp.” “Nhưng vợ tôi không muốn mượn.” Thế là hai vợ chồng họ dắt hai chiếc xe sang thuyết phục bà đô thị, rốt cuộc chúng tôi phải giữ luôn cả hai chiếc…

Sau khi hai vợ chồng họ ra về, bà đô thị lên internet tìm cái hiệu của hai chiếc xe mới tá hoả! Cả ngàn đồng một chiếc! Chúng tôi mới nghiệm ra rằng họ thấy giá đó quá đắt so với mong đợi của chúng tôi nên không tiện lấy tiền. Bà đô thị lại chạy qua nói rằng hai chiếc xe đắt giá chỉ sợ mất cắp. Họ lại nói nếu mất cắp thì kể như chúng tôi cũng không nợ gì họ cả. Không có cách gì hơn, chúng tôi đành nhận và vô vàn cám ơn ra về khoá chặt nhà để xe.

Hôm đám cưới con gái đầu của họ, chúng tôi vui vẻ nhận lời đi và âm thầm viết tặng con bé một tấm chi phiếu khá sang để tỏ tình “hàng xóm đặc biệt” dù vẫn biết món nợ tinh thần không thể trả bằng vật chất. Trong buổi tiệc mừng, giữa lúc ăn uống, anh bạn kéo tôi ra một bên và nói với tôi rằng, “Tôi biết you và bà đô thị rất băn khoăn về hai chiếc xe đạp, tôi mới nghĩ ra một giải pháp để đôi bên lưỡng lợi.” Tôi thắc mắc lắng nghe. “You yên tâm giữ hai chiếc xe đạp và cho chúng tôi ra trường võ tập luyện một thời gian. You thấy không – anh ta cười chỉ vào cái bụng bự của mình – chúng tôi hơi nặng ký và bây giờ cũng đã nghỉ hưu nên sẽ có giờ đi tập thường xuyên để giữ sức khoẻ. Như vậy thì không ai nợ ai, you nghĩ sao?” Tôi rất vui và hưởng ứng liền ý kiến độc đáo của nó. “Đó là một ý kiến rất hay, tôi rất vui và hoàn toàn hưởng ứng. Hai anh chị có thể tới trường bất cứ ngày nào, giờ nào trong ngày giờ mở cửa. Không phải một thời gian mà cho tới khi nào tôi còn đủ sức mở cửa. Tuy nhiên, ít nhất anh chị cũng rán tới đều đặn để tôi không ái ngại trong lòng.” “Vậy thì để chúng tôi dàn xếp thì giờ rồi sẽ có mặt ở trường võ.” Chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau. Riêng tôi có cảm tưởng như mình vừa vơi bớt gánh nặng trên vai dù trong thâm tâm biết rằng một lúc nào đó mình cũng sẽ trả lại hai chiếc xe đạp cho anh ta thôi.

Thế nhưng… đã gần 4 tháng qua mà vợ chồng anh hàng xóm vẫn chưa chịu xuất hiện tại võ đường! Mỗi lần gặp tôi anh ta lại cười cầu hoà nói, “Cho chúng tôi thêm thời gian nha, đừng nghĩ tôi bỏ cuộc.” Hoặc là, “Có thể chúng tôi sẽ tới trường một hôm nào rất gần, đừng mất hy vọng ở chúng tôi nha.”… Và thời gian cứ lặng lờ trôi qua để mỗi lần chúng tôi chạy xe đạp lại nghĩ về những điều lấn cấn. Một lần tôi nói với anh ấy, “Tôi hỏi thiệt anh nha, nếu anh chị không thể tham dự lớp thể dục được thì chúng tôi cũng trả lại xe cho anh thôi.” Anh ta xua tay lia lịa, “Đừng nói thế phụ tấm lòng của chúng tôi. You cứ yên tâm giữ lấy và tôi nhất định sẽ đi tập võ. Hơn nữa con gái tôi có cho biết you tặng cho nó một món quà rất lớn, nhiều hơn là quà của vợ chồng chú em của tôi.” “Quà của con gái không liên quan gì tới món nợ tôi đang thiếu anh!” “Ừ, tôi hiểu nhưng… don’t give up on us (cho chúng tôi thêm thời gian).” …Riết rồi chúng tôi cũng dần quen và chỉ biết… chờ đợi.

* * *

Tôi chạy phía trước, nhà tôi theo sau, quanh co trên các lối greenbelt giữa những khu rừng nhỏ chia cách các thôn xóm, đi về hướng bờ sông. Con đường cũng có vẻ thanh bình hơn mọi lần vì ít người đi bộ. Vừa chạy xe chúng tôi vừa thong thả nhâm nhi cà phê. Cả hơn tiếng đồng hồ sau mới tới nơi muốn tới.

Khi chúng tôi tới bờ sông, mặt trời đã lên khá cao, phản chiếu mặt sông lấp lánh. Chúng tôi ngồi thỏng chân đong đưa dưới dòng nước mát, thưởng thức cảnh bình yên trong một sáng chớm đông nơi cầu tàu (boardwalk – một lối đi bằng gỗ khá rộng nhô ra tận chỗ sâu của dòng sông và cũng là nơi neo tàu của các cư dân sống hai bên bờ. Họ đi thuyền đến đây chỉ để thưởng thức việc ăn uống sớm khuya ở các nhà hàng, tiệm rượu, quán cà phê trong khu). Hơi gió mát rượi thốc qua trên mặt sông lặng lờ cho sóng gợn lăn tăn; từng đàn chim nhỏ bay lượn dập dìu, tiếng kêu chim chiếp trong khung cảnh đầy sắc màu xanh đỏ nhân tạo đón Noel hợp với sông nước và màu xanh của cây lá. Một không gian tĩnh lặng, êm ả và thơ mộng tuyệt vời.

Hôm kia, nhằm ngày anniversary thứ 37 của chúng tôi, các con cũng bàn tính ăn trưa ở đây thay vì ăn chiều như lần trước (buổi chiều trường võ còn mở cửa) nhưng vì thằng lính có bổn phận phải điều hành nhà hàng trong hai ngày Thứ Tư và Christmas Eve quan trọng nên không nghỉ được. Mẹ chúng nói “thôi để làm tiệc Giáng Sinh có đại gia đình cùng chung vui luôn.” Thấy đó là một đề nghị hợp lý nên ai cũng đồng ý. Thế nhưng… gần trưa ngày 23, con gái gọi chúng tôi đề nghị “Surprise anh Quốc”…

* * *

Chúng tôi “âm thầm hẹn hai đứa nhỏ” tới nhà hàng Oporto, Midtown Houston – nơi thằng lính làm Quản lý – để ăn trưa. (Thằng Út ở Austin về tối qua ở nhà chị nó).

Sự xuất hiện bất ngờ của chúng tôi làm thằng lính vô cùng ngạc nhiên, thích thú. Trưa thứ Tư lễ lạc, nhà hàng không đông khách như thường khi nên thằng lính có cơ hội chạy tới chạy lui service cho chúng tôi. Nó nói với người làm hãy đối đãi với chúng tôi như khách VIP của nhà hàng. Dù vậy, nó giành phần service cho chúng tôi. Nghe nó giới thiệu món ăn; giảng giải từng món một cách chuyên nghiệp, thành thạo, chi tiết, hấp dẫn… Mẹ nó buộc miệng nói chơi, “Thôi để Ba Mẹ mua nhà hàng này lại cho con làm chủ.” Nó cười vang, “Mẹ nói chơi, nhà hàng này giá ít nhất cũng vài triệu chứ đâu phải như tiệm phở đâu Mẹ ơi!” Đây là nhà hàng Portugees’ nổi tiếng nhất của Houston.

Nó đề nghị chúng tôi chọn ăn những món như sau: Khai vị với món “Stuffed Dates”, tiếp theo là món “Seafood Balfchão Curry”, theo sau là món “Polvo com Batatas”, rồi món Curry Chicken Empanadas”… Tráng miệng với hai món “Bolo de Bochala” và “Pudin de Bolacha”.

Món ăn nào cũng tuyệt vời. Phẩm chất đã rất ngon, lạ miệng kèm với sự giảng giải rành rẽ của nó làm cho chúng tôi cảm thấy ngon hơn một chút nữa. Đã có lần nó nói với chúng tôi rằng nó sẽ chọn con đường kinh doanh nhà hàng sau này. Hôm nay tận mắt thấy nó “hoà nhập” vào công việc nhà hàng, chúng tôi mới thấy đó là nỗi đam mê thật sự của nó.

Sau khi chúng tôi dùng bữa xong, nó mời người đầu bếp – cũng là chủ nhân của nhà hàng – ra chào hỏi chúng tôi rất thân tình. Bà chủ nói với chúng tôi những điều tốt đẹp về nó khiến chúng tôi hãnh diện.

Thật là một bữa ăn kỷ niệm anniversary đáng ghi nhớ. Ngồi thêm một lúc, chúng tôi định ra về nhưng khi đi ngang qua một quán cà phê toả mùi thơm ngát, nhà tôi đề nghị vào ngồi đồng trong quán cà phê cạnh bờ sông thêm một lúc. Quán cà phê nằm sát trên bờ nước, khung cảnh hữu tình, mùi cà phê như hoà quyện vào tiếng nhạc Giáng Sinh vừa đủ lớn lan toả khắp căn phòng ấm cúng.

Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ, thưởng thức ly cà phê đậm đặc cho chúng tôi thêm năng lực đạp xe quanh về lối cũ. Phải, việc nhà đang đợi chúng tôi sau buổi tiệc Giáng Sinh hôm qua.

* * *

Hôm qua tiệc Giáng Sinh và cũng là tiệc kỷ niệm 37 năm ngày cưới của chúng tôi. Mùa Đông Kingwood năm nay thật lạ; nóng với độ ẩm rất cao. Mấy hôm trước, người ta tiên đoán thời tiết nói hôm nay có 80% cơ hội mưa nên thay vì lau nhà sạch sẽ để đón Mẹ, gia đình các em và khách mời, chúng tôi chỉ dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp và chăng đèn kết hoa cho có không khí Giáng Sinh với sự giúp đỡ của 3 đứa con ở xa về; rồi lũ nhỏ giúp mẹ chúng nấu nướng, làm bánh Buổi sáng mưa rất nhẹ. Nhẹ như sương rơi nặng hạt được một lúc rồi thôi. Trời đầy mây nhưng không quá âm u. Qua trưa chợt nắng lên với trời quang mây tạnh. Sức nóng càng lúc càng tăng. Hệ thống máy sưởi phải đổi sang máy lạnh. Khi khách đến đầy đủ, tôi hạ nhiệt độ xuống tận cùng, mở thêm bao nhiêu máy quạt mà vẫn thấy hâm hấp nóng. Tôi đã ở vùng này 23 năm qua mà chưa từng trải thời tiết lạ lùng như hôm nay.

Đã khá lâu chúng tôi không tổ chức ở nhà vì Mẹ tôi lớn tuổi đi đứng khó khăn; vì thế, nên mọi sự đều tổ chức ở nhà Mẹ hoặc nhà các em kế bên. Năm nay Mẹ tôi ngỏ lời muốn tôi tổ chức ở Kingwood. Chúng tôi vâng lời Mẹ, và chỉ mời gia đình các em, ông bà sui gia, vợ chồng anh chị vợ trong vùng và vợ chồng người bạn Không Quân cùng khoá năm xưa bất ngờ về thăm Houston. Không biết có ai nhớ anniversary của chúng tôi hay không nhưng chúng tôi chỉ mời tiệc Giáng Sinh của gia đình chứ không nhắc gì khác. Tất cả hơn 30 người. Tuy trời vẫn nắng hanh, nhiều mây nhưng vì gió khá mạnh và độ ẩm khá cao, rất khó chịu nên không ai muốn ngồi ngoài sân vườn sau.

Khi chuẩn bị khai tiệc, thằng lính, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nó tự động thay Ba Mẹ đứng lên chào mừng Bà Nội, đại gia đình và khách mời. Nó nói lời chúc mừng kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi và thay các em nói lời cám ơn Ba Mẹ đã dạy dỗ chúng nó nên người. Dù đơn giản nhưng cũng làm cho chúng tôi và mọi người xúc động. Kế tiếp, Mẹ tôi lại cho chúng tôi một bất ngờ thích thú khác khi Người trang trọng tặng cặp nhẫn vàng trắng rất giá trị cho chúng tôi. Mẹ nói, “Đây kể như nhẫn cưới Mẹ tặng cho hai con vì khi các con làm đám cưới không có sự hiện diện của Mẹ.” Một bất ngờ khác là đứa cháu gái, con chú em thứ 8, làm việc ở tận New York về thăm nhà chiều qua đã thức đêm để cố làm cho được chiếc bánh kỷ niệm mang lên tặng hai bác.

* * *

Về đến nhà, nghỉ một lúc để lấy hơi lau dọn nhà cửa. Khi đồng hồ điểm một giờ trưa, nhà cửa mới trở về nguyên trạng: sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Khi tắm xong, hai vợ chồng tính dùng thức ăn còn lại hôm qua nhưng điện thoại kêu vang… Mấy đứa con muốn mời Ba Mẹ đi ăn trưa ngoài phố. Chúng nó biết tôi thích ăn món bún chả Hà Nội ở nhà hàng Thiên Ân nên hẹn nhau ở đó lúc 2g chiều.

Nhà hàng Thứ Sáu sau Noel có hơi vắng vẻ hơn mọi ngày. Cô bé chạy bàn chào tôi với nụ cười rất thân thiện, “Hôm nay chắc chú lại ăn bún chả Hà Nội.” Mỗi người chúng tôi vẫn gọi thức ăn theo ý muốn. Tôi và thằng rể, thằng con út món bún chả; nhà tôi và con gái món bánh xèo; thằng lính cơm thịt nướng… Thay vì của ai người ấy ăn như thường lệ, chúng tôi quyết định chia đều, ăn chung.

Buổi cơm trưa dù đơn sơ nhưng rất đặc biệt vì rất hiếm khi được sum vầy đông đủ trong một đời sống vô cùng bận rộn với kẻ đông người tây. Sau bữa ăn, hai vợ chồng chúng tôi ra về còn lũ nhỏ ở lại nhà con gái để chuẩn bị dự tiệc buổi tối với bạn bè và anh chị em họ của chúng nó ở dưới phố.

Kingwood 25/12/2015


« TRANG NHÀ »